"Lá trút rơi nhiều, đâu phải bởi mùa thu..."

Thứ ba - 04/05/2021 21:07
Câu hát của nhạc sĩ Phú Quang, không phải để hiểu theo nghĩa đen, nhưng tôi xin mượn làm tựa đề của entry này theo nghĩa đen thực sự. Mong được nhạc sĩ thể tất, bởi người thưởng thức đâu thể tự quyết định được cảm xúc.
Hoa Giấy


Tản văn của Hoa Giấy

Tháng Tư trên phố Phan Đình Phùng- Hà Nội Ảnh: Thanh Nhã

"... Những đàn sếu bay qua.

                      Sương mù và khói tỏa.
Mátxcơva lại đã thu rồi!
Bao khu vườn như lửa sáng ngời
Vòm lá sẫm ánh vàng lên rực rỡ,
Những tấm biển treo dọc theo đại lộ
Nhắc ai đi qua, đầy đủ lứa đôi
Nhắc cả những ai cô độc trong đời:
"Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng!"… "

                       (Thơ Onga Becgon- Bằng Việt dịch)

     Đi trong phố phường Hà Nội, mà những câu thơ lá rụng từ xứ sở bạch dương lại bay về lay động đến thế.

Bởi vì thơ ca hợp với tình người thì không có biên giới ngăn trở...

Bởi vì mùa lá rụng- dù bất cứ nơi đâu- vừa là mùa của hạnh ngộ, vừa như mùa của chia ly...

Bởi vì lá rụng để kết thúc, nhưng cũng là để khởi đầu...

Bởi vì...

   Nghĩa là chỉ riêng ba tiếng "mùa lá rụng" cũng đủ gợi cảm lắm rồi, nữa là nó còn được bao bọc trong một tứ thơ đẹp đẽ, nhân bản.

   Những từ ấy thường là dành cho mùa thu. Hà Nội với mùa thu thật đặc biệt. Đã có biết bao bài thơ, điệu nhạc đầy ắp cảm xúc ngợi ca mùa thu của Hà Nội yêu dấu. Nhưng những ai thực sự sống với Hà Nội còn biết có một mùa như thế: cũng nhiều sắc vàng rực rỡ, cũng rưng rưng hạnh ngộ và chia ly, cũng lấy kết thúc để khởi đầu… nhưng hiếm được nhắc đến trong thơ ca. Sao mà thương cho cái mùa bé bỏng thiệt thòi!

Tháng tư, và cũng không rõ thực sự bắt đầu từ hôm nào, cây xà cừ và cây sấu bắt đầu trải thảm cho những con đường, vỉa hè Hà Nội. Người đi đường chưa kịp giật mình khép kín tà áo trước một đợt gió heo may trái mùa thì lá đã ào ào đổ từng lượt xuống phố, đến nỗi trong khoảnh khắc, ta thảng thốt như thể có điều kì diệu rằng: lá đã mang gió đến...

Thảm vàng trước mắt kia bao giờ cũng làm lòng ta xao xuyến lắm, và rồi dường như một cảm giác day dứt không rõ rệt, như có như không, cứ len lỏi,  khi ta đặt bước chân dè dặt lên lớp thảm xốp nhẹ, thanh sạch và sinh động đến phi thường... Quả là đầy cảm hứng cho những nhát cọ. Họa sĩ phong cảnh vội lấy màu và căng toan... Bức vẽ được đề: Mùa thu... Họa sĩ đang dối lòng mình đấy!

Tháng tư, rồi tháng năm... Mưa không còn mơ hồ bay bay mà đã hào phóng tưới đẫm phố đêm, để rồi làm cô học trò nhỏ bỗng phân vân biết mấy với định nghĩa mùa, khi vừa vài tuần nắng nóng là thế, một sớm mai đã đứng co ro trong tấm áo mỏng khoác vội, ngỡ ngàng mở to đôi mắt trong veo trước khoảng sân trường mênh mông phủ dày lá vàng ướt đẫm cơn mưa nặng hạt hồi đêm, trong khi những tàng cây thì lại đang phủ đầy lá xanh non óng ả. Tất cả quang cảnh hiện ra kỳ lạ, lung linh, diệu vợi... như có phép lạ bởi sự vấn vít hòa quyện của mấy mùa.

Đi trên các con phố Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Trần Phú, Trần Hưng Đạo... vào những buổi trưa vắng, lá vàng bay xào xạc, không biết bao nhiêu lần bên tai ta ngân nga âm hưởng những câu thơ say mê từ thời đi học:

"... Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy..."

Nhưng nhà thơ Nguyễn Đình Thi có biết ta hát những câu thơ mang hồi ức mùa thu này cả trong những ngày đầu hạ? Phải chăng Mùa Thu Hà Nội đằm thắm quá, hễ đi xa là để lại tiếc nuối khôn nguôi, nên thiên nhiên đã ưu đãi cho quay trở lại làm một cuộc hạnh ngộ với con người trong những ngày cuối xuân? Hay bởi Ngọc Hoàng quá yêu chiều nàng Bân nên bất kể thời gian, đã không chỉ ban tặng con gái cưng cái cái lạnh đầu đông để thử áo cho chồng, mà còn thêm cho nàng cả một mùa lá rụng thật nên thơ, để nuôi dưỡng tâm hồn nhi nữ đa sầu đa cảm? Hay vì cây quá yêu người nên đã chia nhau mùa phủ yêu thương lên xóm phố?...

Bên tai ta lại bất chợt vọng về giai điệu với những ca từ đầy hoài vọng xa xót trong nhạc phẩm "Nỗi nhớ mùa đông"- vẫn là nhạc sĩ Phú Quang, người  chuyên- viết- nhạc- cho- mình, mà chính bởi thế, những sáng tác của ông  chạm biết mấy: "Làm sao về được mùa đông/ Dòng sông đôi bờ cát trắng/Làm sao về được mùa đông/Mùa thu... cây cầu đã gãy/ Thôi đành ru lòng mình vậy/ Vờ như mùa đông đã về...". (*)

Mùa đông, năm nào cũng thế, dù đã ra đi về phương xa, nhưng sẽ lắng nghe lòng người để gửi về bản tình ca của gió heo may và lá vàng, xào xạc khe khẽ như những lời thầm thì yêu thương vô tận, trên những con phố đã bắt đầu loang nắng hạ...

 

Tháng Tư năm 2013. HG
 

 

 

Nguồn tin: HNV.

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây