Sáng tác của Võ Văn Thọ

Thứ hai - 22/06/2020 12:19
Sáng tác của Võ Văn Thọ

 

 Hương thơm cơm mới

                                                             Tản văn của Võ Văn Thọ

 

Cứ đến mùa gặt cuối tháng Tư, đầu tháng Năm, quê tôi lại quay sang làm vụ hè thu, còn gọi làm tăng vụ. Ruộng sau khi gặp xong, có thể vét luống để gieo đậu xanh, hoặc cày bừa để tỉa đậu, tỉa bắp hoặc sau khi cày bừa lấy nước vào ruộng để gieo sạ giống lúa ngắn ngày; trước khi bước vào mùa vụ chính - đông xuân. Và tôi đã viết thành thơ:

Em ôm bông lúa vào lòng/Hạt vàng lóng lánh ấm trong cuộc đời/Bài ca cây lúa tuyệt vời/Cảm ơn trời đất vọng lời vang xa.

Sau khi gặt xong, lúa được phơi khô cho vào bồ (đan bằng tre và trét phân trâu, bò) hoặc cho vào chum sành lớn, để dành xay lúa bằng cối tre thành gạo, sau này có máy xay lúa thành gạo để nấu cơm nuôi sống con người đến mùa giáp hạt. Sau khi thu hoạch lúa xong, gia đình tôi không quên nấu bữa cơm mới tiêm tất, để cúng tạ thần linh, cô bác đã phò hộ, độ trì cho mùa màng bội thu thuận lợi, đạt được kết quả sau bao ngày tháng bỏ công sức ra chăm bón cây lúa từ lúc ủ giống, gieo sạ cho đến khi thu hoạch lúa chín về nhà.

 

Hồi thập niên 80, 90 tôi vẫn nhớ chưa quên cứ sau mùa thu hoạch lúa chín thì sớm muộn gì cũng được một bữa cơm mới hoặc bữa mỳ gà hay bánh xèo gạo mới. Tất nhiên, sau khi cúng kính xong là cả nhà được thưởng thức bữa cơm gạo mới thơm hương, hạt cơm dẻo, ngọt, bùi được chắt lọc từ nắng, mưa của thiên nhiên, từ giọt mồ hôi, từ đôi bàn tay, công sức của cha, mẹ tảo tần, tạo nên vị hương đồng nội hội tụ trong chén (bát) cơm gạo mới. Do vậy, nên bát cơm gạo mới mà ăn với cá đồng nướng vàng ươm và kho rim lá gừng, nghệ và bát canh cua đồng nấu với rau tập tành, hay bầu, bí xanh trong vườn nhà thì còn gì bằng. Được ăn, thưởng thức một lần là nhớ mãi.

 

Hạt lúa, hạt cơm hay nói khác đi là hạt ngọc trời đã nuôi sống biết bao thế hệ người Việt Nam và mãi mãi không có cây lương thực nào có thể thay thế vị trí số một này. Nền văn hóa, văn minh của dân tộc ta cũng xuất phát từ nền nông nghiệp trồng lúa nước mà hình thành nên cốt cách và khí chất của người Việt Nam điều ấy xin khỏi luận bàn. Chính vì đã ăn sâu, gắn bó vào trong tiềm thức hàng ngàn năm của dân tộc hay hơn bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước, nên người dân Việt Nam không thể từ bỏ, thoát ly khỏi cánh đồng, mảnh vườn quê. Dẫu ai đó có đi xa, mưu sinh lập nghiệp ở tận chân trời nào đó, thì lòng họ cũng luôn canh cánh nhớ về quê hương, về cội nguồn, về cánh đồng lúa. Đó là điều hiển nhiên. Còn ai đó, không còn yêu cánh đồng, mảnh vườn quê, thì người đó chẳng có tình yêu quê hương, đất nước. Có thể hiểu nam na, họ ở hành tinh khác rơi xuống trái đất chăng?

Tuổi thơ tôi đã trải qua những năm tháng khó khăn nhất nhì của thời bao cấp, chỉ thiếu là chưa ăn bo bo thay cơm như bộ đội, nhưng có lẽ đó cũng là bản lề để cho mình vượt lên mọi khó khăn, thách thức để tồn tại và cố gắng phấn đấu. Tuy cái đích, ước mơ chưa thành hiện thực như ý mình, vì còn biết bao nhiêu trở lực, yếu tố bất lợi từ bên ngoài. Nhưng hãy bỏ qua, buông bỏ những cá nhân, nhỏ nhen ấy, để hướng đến những điều tốt đẹp nhất. Miễn sao sống có ý nghĩa không hổ thẹn với bản thân mình là tốt rồi, đừng nên quá cầu toàn bất cứ một việc gì, để rồi phải thất vọng. Và với tôi mãi trân quý hạt lúa, hạt cơm như hạt ngọc trời:

 

Hạt ngọc là của đời ta
Cho người hạnh phúc mọi nhà ấm êm
Dẻo thơm vị ngọt êm đềm
Cả đời ăn...vẫn cứ thèm hạt cơm
 

Cuộc sống vốn rất vô thường, đời người là hiện hữu và hạn hữu, không là vĩnh viễn, nên phải biết điểm dừng, và tôi tin vào luật nhân quả. Cuộc sống con người không phải lúc nào cũng suôn sẻ, thẳng tiến; nói vui có khi còn “lên bờ, xuống ruộng” âu cũng là chuyện bình thường. Nhưng miễn sao cứ ngát hương thơm như hạt ngọc trời, dẻo ngọt, bùi như hạt cơm dù để nguội vậy là hạnh phúc rồi. Tôi chỉ mong được vậy!

 

Tháng 04.2021

VVT


Ru mềm hạ sang...

                                                                    Tản văn của Võ Văn Thọ

image 26

     Vậy là mùa hạ lại về, thời tiết nắng nóng hơn, mùa thi đã đến, những chùm hoa phượng đã ươm nụ, chờ thời điểm thích hợp để bung những cánh màu đỏ hồng. Tiếng ve đã ngân vang trên những hàng cây trên sân trường, hè phố, hay con đường làng quen thuộc; chiều xuống, những áng mây hồng, vàng như những chiếc khăn choàng lững lờ trôi bềnh bồng trên dải ngân hà, bầu trời như xanh cao hơn. Mặt trời vàng rực giống như đóa hướng dương khổng lồ đã dần hạ thấp xuống đường chân trời, hoàng hôn nhẹ nhàng buông xuống chậm rãi. Xa xa từng đàn cò trắng hối hả đang bay về phía chân núi...

Kết thúc một ngày đi qua, thời gian không chờ đợi ai cả. Chỉ còn lại tiếng ve sầu râm ran, miên man điệp khúc gọi mùa, sau khi chúng hoàn thành chu kỳ lột xác trong đêm hôm trước. Và tôi đã viết thành thơ:

Ve sầu lột xác trong đêm

Ngậm sương khuya để ru mềm hạ sang

Và:

Tuổi thơ tuột mất trong đời

Cho tôi nhặt lại dại khờ luyến thương!

Mùa hạ đến, khi những chùm phượng vĩ nở đỏ rực một góc sân trường, khi con ve rút lòng lên tiếng, thì cũng sắp bước vào mùa thi học kỳ 2, là lúc báo hiệu một niên học sắp kết thúc, tạm chia tay bạn bè, kỳ nghỉ hè và bước vào năm học mới. Cứ như vậy, mười hai năm của lứa tuổi học trò thần tiên, tà áo trắng trinh nguyên sẽ đi qua. Và mãi mãi không còn quay lại.

Ai trong đời mà không trải qua lứa tuổi học trò nhiều mơ, lắm mộng. Để rồi sau mười hai năm đèn sách, mới quyết định đi theo những ngã đường khác nhau. Có người vào đại học, cao đẳng, có người vào quân ngũ, công nhân, có người ở quê lập gia đình và phát triển kinh tế. Nói chung tùy khả năng và sở thích của từng người, mà chọn cho mình một công việc hợp với ước mơ, mong muốn.

Tuổi thơ một thời hồn nhiên, mơ mộng đã đi qua, nay còn đâu nữa, có chăng là những vọng âm, những kỷ niệm trong đời, để rồi đong đầy nhớ vương, luyến lưu và mong nhớ. Chợt nhớ lời trong bài hát Phượng hồng một thời tôi rất yêu thích:

"Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng/ Em chở mùa hè của tôi đi đâu/ Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám/ Tuổi chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu...".

Có lẽ, tuổi học trò là đẹp và đáng yêu nhất: "Là bài thơ còn đọng hoài trong vở/ Giữa giờ chơi mang đến lại mang về"...Và có biết bao bài thơ hay viết về tuổi học trò, viết về mùa hạ. Nhưng mùa hạ từ tạ áo thư sinh là để lại nhiều nhớ nhung, luyến lưu nhất. Chính vì thế, nên dòng lưu bút mực tím còn đọng hoài trên trang giấy.

Tuổi học trò đẹp như vậy đấy, nhưng tuổi học trò đã phải ra đi vĩnh viễn rời xa vào một mùa hạ, sau khi tốt nghiệp cấp ba (trung học phổ thông), nghĩa là sau mười hai năm miệt mài đèn sách, để rồi mỗi bạn bè tìm cho mình một ngã rẽ khác nhau. Và tuổi học trò chỉ còn đọng lại trong tâm thức là những kỷ niệm đáng nhớ, đáng yêu.

Tháng Tư lại ùa về, mùa hạ lại đến, tôi đã rời xa lứa tuổi thần tiên ấy đã 30 năm. Nhưng hàng năm mỗi khi mùa hạ lại quay về, tiếng ve ngân vang và nhìn cánh phượng hồng, nhìn ngôi trường mỗi khi đi ngang qua đường, là tôi lại chạnh lòng nhớ về một thời đã cắp sách. Tôi luôn mong ước tiếng ve ru mềm hạ sang, để tâm hồn tôi luôn trẻ trung, mãi yêu lứa tuổi học trò hồn nhiên, thầm thương, trộm nhớ và đáng yêu biết nhường nào...

 

                                                                                              Tháng 04.2021

                                                                                                      VVT

 

Thành phố vàng tươi trong sắc hoa sưa

                                                                   Tản văn của Võ Văn Thọ

 

Tháng Tư sắp về tiếng ve bắt đầu ngân vang, báo hiệu một mùa hè lại quay về, mùa xuân rồi sẽ ra đi nhẹ nhàng. Dù muốn níu kéo cũng chẳng thể được. Xuân năm nay tính theo âm lịch vẫn chưa tàn, nghĩa là trong xuân có hạ và ngược lại. Thời tiết giao mùa, nên vẫn còn dễ chịu, nắng vàng tươi, làm cho những loài hoa thi nhau bung nở, khoe sắc màu riêng như tận hiến cho con người, thiên nhiên thưởng ngoạn. Trong không gian đa sắc màu ấy, phải nói đến hoa sưa của thành phố Tam Kỳ là nét đẹp đặc trưng riêng.

 

Mùa hoa sưa nở, cả thành phố như khoác chiếc áo hoa vàng, lung linh trong nắng mới, báo hiệu mùa lễ hội đang về với thành phố trẻ, tràn đầy niềm tin, sức sống và khát vọng vươn lên...

 

Hoa sưa Tam Kỳ có gốc gác từ Vườn Cừa thuộc phường Hòa Hương. Nơi đây có nhiều cây sưa cổ thụ trên 500 tuổi, rồi đình làng Hương Trà. Nhưng hiện nay gần như các tuyến đường trên thành phố Tam Kỳ đều có trồng sưa và hoa sưa bắt đầu nở rộ rất đẹp mắt vào dịp cuối tháng Ba, đầu tháng Tư hàng năm. Khác với hoa sưa Hà Nội và một số nơi khác thường là màu trắng, hoa sưa ở Tam Kỳ màu vàng cánh nhỏ, thường nở thành từng chùm, có mùi thơm dịu nhẹ, thoang thoảng, tinh khiết, nên dễ ngửi, hít hà cảm nhận. Hình ảnh hoa sưa soi bóng xuống dòng sông xanh biếc, càng làm cho bức tranh quê kiểng thêm sắc màu lung linh, đáng yêu, thơ mộng và gợi cảm. Chính vì lợi thế đó, chính quyền thành phố và Hội Văn học Nghệ thuật Tam Kỳ đã biết khơi dậy tiềm năng, những năm gần đây tổ chức mùa lễ hội hoa sưa với nhiều chương trình phong phú, nhằm tôn vinh cái đẹp, quảng bá du lịch và cũng để cho nhiều người yêu thích hoa sưa đến với Tam Kỳ, đến với miền đất có phố 3 sông (*) thơ mộng, lãng mạn và trữ tình.

 

Tam Kỳ, còn phải nói thêm những điểm du lịch lý tưởng, ý nghĩa như: Tượng đài mẹ Thứ, địa đạo Kỳ Anh, Sông Đầm, Làng Bích Họa Tam Thanh, bãi biển Tam Thanh, Tỉnh Thủy và khu du lịch sinh thái Hồ Phú Ninh (trước đây thuộc thành phố Tam Kỳ, nay thuộc huyện Phú Ninh tách ra từ Tam Kỳ).

Tháng Tư, mùa con ong đi tìm mật. Vậy nên, nếu như quý khách chưa quá giang đến thành phố Tam Kỳ, thì coi như chưa cảm nhận hết được nét đẹp của cô gái trẻ đang độ dậy thì. Đây chính là nét đẹp theo cảm nhận của riêng tôi là ánh trăng mười sáu. Ơi! Cái màu vàng phủ dụ, mến yêu, màu của khát vọng, của sự ấm áp, nhiệt thành, màu của sự tươi trẻ, chờ đợi, như nụ cười của cô gái trẻ đang đón đợi ánh mắt của người tình từ nơi xa quay về!...

 

Xin dùng đôi câu thơ mộc mạc, dung dị để gọi mời:

Em về với phố rong chơi/ Sưa vàng trộn nắng nói lời trái tim/ Về đây chẳng phải kiếm tìm/ Thỏa lòng mong ước cánh chim mơ màng...

Vâng, đúng như vậy! Tam Kỳ nơi tôi đang sinh sống, thành phố đang vươn mình về phía đông, về phía biển. Nơi có những làn gió vi vu thổi suốt ngày đêm, tháng năm thổi qua những rừng dương liễu chạy dọc ven biển, mang theo vị mặn của biển khơi, vỗ về, làm cho con người Tam Kỳ luôn được thừa hưởng sự kiên cường, mạnh mẽ và tràn đầy năng lượng, để vượt qua mọi khó khăn, thách thức.

 

Người dân Tam Kỳ với quyết tâm và nghị lực xây dựng quê hương, xây dựng thành phố ngày một xanh tươi, phát triển, hội nhập. Trong tương lai không xa, nơi đây sẽ là điểm đến, miền đất giàu phong cảnh, thông thoáng và hấp dẫn, rất có tiềm năng cho việc phát triển du lịch sinh thái, văn hóa...

 

Thêm một mùa hoa sưa nữa lại bung những "tấm thiệp vàng" chào đón những du khách, những nhà văn, nhà thơ, những thi nhân cả nước, yêu và mến Tam Kỳ, yêu màu hoa vàng tươi sắc nắng óng ánh, rực rỡ về ban ngày và lung linh gợi cảm về đêm, đang dang rộng vòng tay chào đón. Hãy đến với miền đất xứ Quảng qua lời thơ, tiếng hát: "Đất Quảng Nam chưa đi mà đã nhớ/ Chứ em chưa nói đậm đà vừa gặp gỡ mà đã yêu" này nhé!

 

Ghi chú: (*) Sông Tam Kỳ, Trường Giang và Bàn Thạch

 

Ngày 27.04.2021

VVT


 HOA CHANH

                                                               Tản văn của  Võ Văn Thọ



2

Vậy là tháng Ba đã về thật rồi, Giêng còn đỏng đảnh đi qua được 2/3 của tháng. Vì do dư âm nhuần của năm cũ. Tháng Ba về đồng nghĩa với sự lên ngôi của hoa chanh, hoa bưởi, hoa bòng hay hoa gạo và hoa sầu đông.

Mỗi loại hoa dân dã, dung dị đa sắc màu tạo cho bức tranh quê thêm nét xuân xanh, gợi cho lòng người thêm xao đọng, lắng sâu, niềm tin yêu quê hương mộc mạc, chân thành. Để sợi dây yêu thương như vương vấn hòa quyện cảm xúc trước mùa xuân lâng lâng khó diễn tả...

Trong tâm thức tôi vẫn luôn yêu thích các loài hoa trong đó phải nói đến hoa chanh. Và nhớ câu thơ của thi sĩ Nguyễn Bính: "Hoa chanh nở giữa vườn chanh/ Thầy u mình với chúng mình chân quê...".

Vâng chỉ chừng ấy thôi lời thơ mộc mạc, đủ để cảm nhận hoa chanh gần gũi với người dân ta, với mảnh vườn ươm đầy cây trái thì không thể thiếu cây chanh. Vì cây chanh cho hoa trắng trinh nguyên thơm nhè nhẹ, sau khi nở hoa thì kết trái cho những quả chanh tươi mộng nước dùng làm nước chanh giải khát về mùa hè rất tốt, quả chanh tươi còn nhiều công dụng hữu hiệu là món gia vị nước mắm, nước chấm, không thể thiếu được khi ăn mỳ, phở, bún phải có lát chanh tươi thì món ăn mới thêm ngon. Lá chanh non xắt nhỏ để rắt lên món gà luộc vừa thơm, vừa quyến rũ, nên tục ngữ ca dao mới có câu ví von: "Con gà cục tác lá chanh".

Lá chanh là một trong 5 thứ lá khác như lá sả, lá lốt, ngải cứu, lá tre dùng để đun nước xông khi người bị cảm sốt nóng lạnh rất hữu hiệu. Hồi còn trẻ thơ ở quê hay dang nắng, dầm mưa, bị cảm sốt là mẹ tôi lại tự tay hái 5 loại lá trên trong vườn nhà để nấu nước xông. Vì hồi đó thuốc cảm sốt còn rất ít, nên thời điểm đó chủ yếu chỉ dùng phương pháp dân gian này, nhưng rất có tác dụng.

Hoa chanh thường mọc thành chùm, mỗi hoa có 5 cánh mỏng màu trắng, nhụy hoa màu vàng, khi hoa chanh nở tỏa hương thơm dịu nhẹ, làm cho các loài ong, bướm rất thích, thường quẩn quanh đến để tìm mật ngọt về xây tổ, và không thiếu các chú chim sâu nhỏ, nhảy nhót trên cành lá chanh tìm thức ăn là các loài sâu ẩn mình trên cành, lá chanh.

Hồi nhỏ tôi còn nhớ như in, Ba tôi sau khi về hưu, nhưng ông được tín nhiệm giao cho phụ trách trưởng ban nông nghiệp của xã, nên ông thường mày mò, tìm kiếm giống chanh giấy về trồng trong vườn, giống chanh này vỏ mỏng, cho quả to, thơm và mọng nước. Rồi ông chọn cành (nhánh) chanh to khỏe để chiết nhánh để trồng thành cây chanh mới.

Cách thức chiết, lấy một ít phân chuồng trâu bò hoi còn gọi phân hữu cơ, dùng bao tời để bọc phân và bó vào nhánh cây chanh thường bó dưới chạn ba của cành cây chanh và dùng dây su xe cột chặt 2 đầu bó vào nhánh cây chanh, để 1 thời gian khoảng 1 tháng cho nhánh cây chanh ra rễ, giữ độ ẩm của phân bằng cách tưới ít nước vào chổ bó phân vào cành chanh đồng thời, sau 1 tháng thì dùng dao cạo phần vỏ dưới phần nhánh chiết để khích thích cho nhánh chanh ra rễ nhiều hơn ở nơi ta bó phân vào nhánh chanh. Sau thời gian khoảng 2 tháng thì ta dùng cưa cẩn thận cưa nhánh chanh ngay chổ phần cạo vỏ, và ta đào hố để trồng cây chanh chiết nhánh.

Cây chanh được chiết nhánh thường sai quả, nhưng tuổi thọ ngắn hơn cây chanh con trồng còn gọi là cây chanh gốc. Nói chung phải tỉ mẩn công phu, mới có một cây chanh chiết như ý.

Cây chanh trồng trong vườn nhà đến thời gian trưởng thành cho hoa và quả, hoa chanh đẹp, hương thơm nhẹ nhàng, êm dịu được ví như con gái quê tuổi trăng tròn với nét đẹp dung dị, thùy mị, nết na, làm say đắm bao gã trai làng, quên ăn, mất ngủ. Và nếu nói thành thơ, tôi xin mạo muội:

 

Hoa chanh nét đẹp mẩn mê
Như em thiếu nữ thôn quê dịu dàng
Sắc hoa say đắm trai làng
Hương thơm dịu nhẹ lại càng đắm say
 
Tình quê chẳng thể đổi thay
Ngắm hoa chanh nở tháng ngày mộng mơ
Ru hời! Tình khúc tuổi thơ
Tháng ba chợt đến ngẩn ngơ xao lòng...
 

Cũng phải nói thêm rằng, hương chanh, hương kết giúp cho mái tóc những cô gái thôn quê thêm nhung huyền, óng mượt, chảy vào không gian, thời gian và chảy cả vào hồn tôi. Thời tuổi trẻ khi sắp bước vào làm người lớn, tôi đã thầm thương mái tóc có mùi hương ấy, rồi trong giấc mơ được hít hà, và giờ đây dù trên đầu đã hai thứ tóc, nhưng nó vẫn còn lắng đọng. Biết khi nào được quay trở về tuổi thơ, để vướng vào mùi hương chanh phảng phất, dịu êm, lắng sâu trong tâm trí thêm một lần nữa nhỉ!?

 

Ngày 01.03.2021

VVT


Thương mẹ khi tết đến, xuân về!

                                                                                      Võ Văn Thọ

Xa quê đã bốn lăm năm
Mẹ luôn vò võ đêm nằm thiết thao
Lấy chồng duyên phận gửi trao
Đành theo quê xứ biết sao bây giờ
Bao đêm chợt tỉnh giấc mơ
Vẫn chưa có dịp...Bạc phơ mái đầu!

3

Tục ngữ ca dao có câu: “Lấy chồng thì phải theo chồng/ Chồng đi hang rắn, hang rồng cũng đi”. Vâng đúng như vậy. Mẹ tôi không phải là trường hợp cá biệt. Mẹ theo ba vào Nam từ ngày đầu mới giải phóng, đến nay đã tròn 45 năm xa quê hương đất Bắc. Nơi là chiếc nôi nuôi dưỡng mẹ từ tấm bé. Nơi có các người thân thiết nhất trong gia đình, ông, bà, cha, mẹ, anh chị em, bạn bè, làng xóm, thôn quê, dòng sông, lũy tre, giếng nước, sân đình...Tuy nhiên, từ ngày mẹ xuất giá đến nay chưa một lần được về sum họp với gia đình trong dịp tết, làm sao không khỏi nhớ nhung, thao thiết với năm tháng cứ dần trôi. Để ước mơ mãi không thành hiện thực. Cứ tết đến, xuân về, nỗi nhớ quê trong mẹ không nguôi, là đôi mắt mẹ lại ngân ngấn nước mắt!

Tôi thương mẹ, thường hay động viên. Tuy nhiên, chính bản thân tôi cũng rất muốn được về để thăm các bác, cô, dì anh chị...Chứ nói chi đến mẹ. Vì tôi biết ông bà Ngoại không còn, đã mất từ khi tôi còn rất nhỏ. Nên cũng không hình dung ra được. Hồi mới giải phóng mẹ theo ba tôi về Quảng Nam, mẹ có mấy tấm hình trắng đen của ông bà Ngoại và các anh chị của mẹ, cứ mỗi lần nhớ quê mẹ đem ra xem, và nói đây là ông Ngoại, bà Ngoại, các bác, dì...Là anh chị của mẹ, để chị em tôi biết, mà hình dung ra người thân thiết, để không mất gốc đằng Ngoại. Mãi đến khi tôi được về Hà Nội học tập, công tác mới có dịp dẫn mẹ về quê chơi khoảng một tháng. Không thể diễn tả được niềm vui, sự xúc động đến rơi nước mắt, khi mẹ được gặp lại anh chị em của mình và người thân, xóm thôn. Tuy đã có nhiều thay đổi, khi nhiều người đã ra đi vì tuổi cao, bệnh tật...Vì đã hơn 30 năm xa cách, chứ đâu phải ít, mẹ mới được gặp lại, thì làm sao không khỏi tâm trạng ấy. Đó là thời điểm mùa thu giáp đông năm 1997.

          Mùa đông năm nay lại về, khi nghe dự báo thời tiết, miền Bắc đang đón đợt rét đậm, rét hại, tôi lại chạnh lòng nhớ về quê Ngoại. Chắc ở quê mẹ cũng đang rất nỗi niềm. Vì mẹ là người sống nội tâm, mau nước mắt! Thời tiết nơi quê tôi đang mưa phùn dài ngày và gió se se lạnh. Thời tiết năm nay có lẽ mưa nhiều, do biến đổi khí hậu và những yếu tố bất lợi thiên tai, dịch bệnh, làm cho con người dễ mủi lòng, có nhiều tâm trạng hơn chăng? Cứ mỗi lần gọi điện về cho chị gái ở quê, hỏi thăm tình hình tôi không quên hỏi mẹ có khỏe không chị? Nghe chị gái nói mẹ dạo này yếu hơn, nhưng vẫn bình thường là tôi phần nào yên tâm. Vì cũng một đến hai tháng mới về quê thăm mẹ một lần, còn công việc, nên không về được thường xuyên.

 Mẹ tôi người phụ nữ hiền từ, nhân hậu; tuy mẹ không giỏi giang, nhưng mẹ chung thủy, thương chồng, thương con và sống với xóm giềng ít khi mất lòng nhau. Mẹ không hơn thua vì những lý do gì từ nhỏ, đến lớn!

          Cứ mỗi dịp tết về lại gợi cho mẹ tôi nỗi nhớ nhung thao thiết hơn bao giờ hết. Mẹ tôi từ ngày vào Nam cứ ốm đau bệnh tật liên miên hơn 10 năm, nhà lại nghèo, chị em tôi còn nhỏ đi học, chỉ trông cậy vào mỗi ba tôi, nên không có điều kiện về quê. Khi lớn lên, chị em tôi học xong cấp 3, lại mỗi người một việc, chị lấy chồng, em vào đại học, tôi vào quân ngũ, nên không có thời gian nào thích hợp để dẫn mẹ về thăm quê Ngoại, đành chịu bất hiếu với ông bà Ngoại và các bác, dì, cậu mợ, anh chị.

          Tết là thời điểm thiêng liêng, để nhắc nhở con cháu nhớ về tổ tiên, cội nguồn, nhớ về nơi sinh thành, dưỡng dục. Điều ấy, làm con chắc ai cũng thấu hiểu. Tuy nhiên, để thực hiện được ước mơ ấy không phải là chuyện dễ làm. Vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như, điều kiện kinh tế, sức khỏe và đặc biệt là phải có thời gian có cho phép hay không!?

          Năm nay, xuân về mẹ tôi đã tròn hơn 80 tuổi, cái tuổi mà đa số người già phải nhờ cậy vào con, cháu, nếu người nào khỏe, mạnh là con cháu mừng lắm rồi; còn ốm yếu, bệnh tật thì phải sống nhờ vào thuốc men và sự quan tâm chăm sóc của người thân trong gia đình, nên có lẽ ước mơ mẹ về quê Ngoại đón tết khó có cơ hội thực hiện được! Đời người là vậy đấy! Có những ước mơ đời thường, song trong suốt cuộc đời vẫn chưa thực hiện được, chứ nói gì cao xa. Hạnh phúc không phải là những gì cao siêu, giàu có, xa xỉ. Chỉ khi con người biết hài lòng với thực tại, với những gì mình bỏ công sức ra và có được thành quả, điều ấy là hạnh phúc lắm rồi! Cũng như riêng tôi, với niềm đam mê con chữ, có nhiều người họ lao vào quyền chức, danh vọng, tiền bạc và đánh đổi nó bằng mọi giá, nhưng chưa hẳn họ đã có hạnh phúc thật sự. Ai cũng có ước mơ, niềm đam mê riêng, ai cũng yêu quê hương, tổ quốc mình (trừ những ai không có lương tâm, phản quốc), còn cách để thể hiện sẽ khác nhau. Nên tôi tôn trọng mọi người, không nhất thiết họ cùng suy nghĩ giống tôi mới là bạn tâm giao của nhau. Vậy đấy! Mẹ tôi dù 45 năm chưa được về quê Ngoại trong dịp tết đến, xuân về. Song không vì vậy mà mẹ quên quê Ngoại, không có tình yêu sâu đậm với nơi ấy!

          Một mùa đông nữa lại về, lại đi, nhường chổ cho tết sẽ đến, xuân về theo quy luật của tự nhiên, của đất trời. Tôi muốn viết, muốn nói với mẹ, với gia đình nhỏ của tôi, với người thân, bạn bè yêu quý. Rằng tình yêu quê hương của mẹ tôi bao la như lòng đại dương xanh ước vọng! Con luôn mong mẹ mạnh khỏe, sống vui vẻ với con cháu khi tết đến, xuân về vẫn luôn có mẹ cạnh bên...

                                                     Ngày mùa đông tháng 12.2020                                                                                                      V.V.T

 

Đôi mắt...

                                                                                      Võ Văn Thọ

4

Người đời nói đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Chẳng sai chút nào: Ai bảo mắt em long lanh/ Cho mùa đông nơi Hà Thành dậy sóng. Còn riêng tôi, đôi mắt em hút hồn ngay từ cái nhìn đầu tiên, tôi chênh chao mất thăng bằng vì đất trời, hay vì đôi mắt ấy!...

Cái rét se se lạnh của chiều đông Hà Thành ngày ấy vẫn còn vất vưởng trong tôi, trong gã nhà quê ra phố. Lần đầu tiên tôi chạm vào phố không phải bằng chân, mà bằng mắt. Rồi tôi quờ quạng trong giấc mơ, trong tấm chăn bông tìm đôi mắt ấy khi đêm về...

Tôi đặt chân đến Hà Thành vào sáng mùa thu chứ không phải đông. Nhưng mùa đông năm ấy ai xui khiến cho tôi gặp đôi mắt như có ánh lửa hồng mùa đông, đốt cháy thời gian, đốt cháy con tim tôi, biến tôi trở thành gã “mất sổ gạo” như tâm hồn treo ngược cành cây.

Em đẹp đến mẫn mê, và đôi mắt như Hồ Tây gợn sóng vỗ li ti, như ru tâm hồn, như đánh thức môi hôn. Tôi chợt ước muốn đặt nụ hôn lên đôi mắt ấy, rồi muốn thế nào tôi cũng chấp nhận để em tra tấn, cực hình. Chính vì vậy mà nữ sỹ Nhà thơ Mỹ nổi tiếng - Silva Kaputikian đã viết:

“Em bảo anh đi đi/ Sao anh không đứng lại?/ Em bảo anh đừng đợi/ Sao anh lại về ngay? Ôi lời nói gió bay/ Đôi mắt huyền đẫm lệ/ Sao mà anh ngốc thế/ Không nhìn vào mắt em?”

Nói như vậy để thấy rằng chỉ đôi mắt thôi, nhưng chứa chấp bao điều kỳ bí, hấp dẫn và ma lực. Nếu như đôi mắt là sự biểu cảm của tâm hồn, cửa ngõ của trái tim, và trong tình yêu, nếu đôi mắt em không đồng ý, thì có nghĩa, đây cũng là biểu hiện của ngôn từ không lời dành cho anh là anh chẳng đọng lại gì trong em. Hay như đôi mắt của người Tây Nguyên của Nhạc sỹ Nguyễn Cường đã viết trong lời bài hát: “Đôi mắt phờ-lây-cu”, “Không dám nhìn vào đôi mắt ấy/ Đôi mắt Phờ-lây-cu biển hồ đầy”.

Vậy đấy, đôi mắt em có là hồ xanh lộng gió, cho anh neo đậu một khúc ca, cho anh neo đậu một tâm hồn? Nếu lỡ đã nhìn vào đôi mắt đẹp, thì thị giác sẽ truyền cảm xúc về các cơ quan khác chăng, để rồi, khứu giác, thính giác, vị giác cũng muốn chia phần với thị giác? Nên mới có câu: Trong đôi mắt anh em là tất cả?...

Mùa đông về, dẫu không có những chiếc lá vàng bay, không có mùa thu diệu vợi, nhưng tôi cảm nhận được mùa đông nồng nàn trong đôi mắt, hơi thở của em. Giá như quay ngược được thời gian, cho tôi được về sống với mùa đông Hà Nội, để được cảm nhận cái rét thấu xương khi ra đường, cái rét đến nứt môi, nổi da gà...Nhưng đổi lại được nhìn đôi mắt đẹp mơ màng, hút hồn say đắm của em bên Hồ Tây, Công viên Thủ Lệ, hay trên đường Cầu Giấy thì cũng xứng đáng được đánh đổi phải không?

Hà Nội là vậy đấy! Nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, không vội vã xô bồ, nhưng khẩn trương, rét lạnh nhưng nồng nàng như mùi hương hoa sữa, đẹp đến nao lòng khi ngắm bó cúc họa mi khoe sắc vào đầu đông. Hình như thiên nhiên, tạo hóa đã tạo dựng, ban phát cho không gian, đất trời Hà Nội sự lãng mạn đến đốn tim.

Không gian văn hóa Hà Thành đã cho tôi những cảm xúc lâng lâng, thăng hoa trong tâm hồn vốn nghèo về cảm xúc của người lính lần đầu tiên đặt chân đến đất Hà Thành. Nhưng tôi mong rằng cảm xúc này, sự rung cảm trong tôi vẫn theo tôi trong suốt những tháng năm sau này, dù đời người là hữu hạn. Xin cảm Hà Nội những mùa đông yêu dấu!

Ngày 03.12.2020

Nhớ cỏ tranh

                                                          Tản văn của Võ Văn Thọ

 

   Cỏ tranh là một loại cỏ có nhiều hữu ích, mọc khắp nơi trên quê hương Việt Nam, trong các vườn đồi, cỏ tranh gắn bó với đời sống của người dân ta từ ngàn đời nay.

 6 (2)

    Sau ngày giải phóng, vườn nhà tôi có hẳn nỗng tranh khá rộng để nuôi dưỡng cỏ tranh mọc, cứ mỗi năm cắt tranh lợp nhà xong là ba mẹ tôi lại phát những bụi cây mua, cây sim, trứng cá, cỏ ống mọc trong nỗng tranh, rồi đốt sạch cho tranh mọc. Ba còn dẫn tôi dùng cuốc vố đào những gốc cây mua, sim, trứng cá...để cho tranh phát triển, không để các loại cây khác chiếm lĩnh vị trí độc nhất, vô nhị của cỏ tranh.

Cỏ tranh mọc dày thành đám như lúa đồng đang thì con gái, cứ mỗi lần có cơn gió thoảng qua, từng lớp lớp cỏ tranh như những làn sóng biển lại uyển chuyển trông rất đẹp mắt. Nên tôi cũng tập tành làm thơ, ca ngợi vẻ đẹp hoang hoải của cỏ tranh:
 
Cỏ tranh tạo nét tranh quê
Đẹp xinh duyên thắm đến mê quá chừng
Quên tôi có núi, có rừng
Có con sông nhỏ in từng dáng nâu
Nỗng tranh, bãi mía, nương dâu
Bức tranh quê kiểng giờ đâu mất rồi!?

Cỏ tranh là loại cỏ có tốc độ sinh trưởng, phát triển rất nhanh về mùa đông. Nên trong vườn, nhà ba tôi phải luôn bỏ công sức để nhổ nó tận gốc. Nếu chỉ còn 1 nhánh rễ là nó lại sinh sôi, nảy mầm rất nhanh, cứ rễ ra đến đâu là cỏ tranh phát triển ra đến đó.

Rễ cỏ tranh có vị ngọt, có nhiều tác dụng trong chữa bệnh Đông y như: Lợi tiểu, thanh nhiệt, mát gan, giải độc, kháng viêm, trị ho lâu năm, chảy máu cam...Nên người dân quê tôi luôn biết dùng cỏ tranh và kết hợp với các vị thuốc Nam khác để chữa những bệnh thông thường rất có hiệu nghiệm, lại không tốn nhiều tiền bạc. Chỉ cần dùng cuốc vố đào và dũ rễ cỏ tranh, sau đó về rửa sạch, để ráo nước, chặt thành từng đoạn 10 đến 15 phân phơi vừa khô và dùng nồi đất sao vàng, hạ thổ. Tức sao vàng từng mẻ cỏ tranh bằng bếp củi, và đổ xuống nền đất. Sau khi nguội thì lấy cỏ tranh cất vào bao, để nơi khô ráo và có thể nấu nước uống hàng ngày, giải nhiệt, rất tốt cho sức khỏe nhất là về mùa hè thời tiết nắng nóng, cơ thể cần nhiều nước trong quá trình lao động sản xuất. Rễ cỏ tranh nấu chung với lá mùng năm hoặc chè xanh trong vườn, thêm tí gừng tươi uống rất thơm ngon.Vì sau khi uống nước cỏ tranh vị thơm ngọt của cỏ tranh còn đọng ở cổ, ở đầu lưỡi. Uống một lần rồi sẽ ghiền, muốn được uống nhiều lần.

Bông cỏ tranh còn có tác dụng cầm máu, nếu ta bị đứt tay, chân chỉ cần lấy bông cỏ tranh vò đắp vào vết thương sẽ có tác dụng cầm máu và trị nhiễm trùng, kháng viêm, làm lành vết thương.

Ngày ấy, bác Bốn (thúc bá với ba tôi) ông có nghề hốt thuốc Nam, trong nhà mỗi khi cắt thuốc ông đều gia thêm 1 ít rễ cỏ tranh đã sao vàng hạ thổ, làm cho thang thuốc khi sắc dễ uống hơn, nhất là trẻ em, vì thuốc Nam thường có vị đắng, khó uống. Ngoài ra, cỏ tranh cũng là vị thuốc tốt, chữa được nhiều bệnh.

Cứ mỗi lần bác Bốn sao rễ cỏ tranh là mùi hương cỏ tranh bay lên thơm lừng, cái mùi thơm thân quen dễ chịu. Chứ không phải như mùi thơm nồng của thuốc Bắc rất khó chịu.

Hồi nhỏ tôi có bệnh hay chảy máu cam, nhất là về mùa hè, nên cũng nhờ rễ cỏ tranh uống thường xuyên, nên bệnh hết từ lúc nào không biết.

Cỏ tranh với tuổi thơ tôi cũng giống như củ khoai, củ sắn nó gắn bó trong thời gian dài của những năm tháng tuổi thơ thập niên 80 và đầu năm 90. Khi tôi vào quân ngũ, thì không còn được uống nước cỏ tranh nữa. Nhưng mỗi lần nhớ đến cỏ tranh là tôi luôn thèm cái nước dân dã, nhưng nó như chất dẫn, chất nhựa sống đã ăn vào tâm hồn, máu xương của tôi, làm sao tôi có thể hờ hững với cây cỏ tranh, là cây thuốc đáng yêu như vậy.

Sau này, quê tôi đổi mới phát triển hơn, người dân làm nhà lợp ngói hoặc lợp tôn để thay thế nhà lợp tranh, cũng đồng nghĩa hết thời khó khăn "Một túp lều tranh", nên cỏ tranh ở nỗng tranh trong vườn được thay thế thành trồng cây keo lá tràm, để người nông dân có thu nhập cao hơn về kinh tế.

Bây giờ mỗi lần về quê, thăm vườn nhà cũ, tìm lại cỏ tranh là rất khó. Thật đúng, cái gì mất đi rồi mới thấy quý giá. Cỏ tranh tôi viết đây chỉ còn trong tâm thức, liên tưởng về hình ảnh cỏ tranh đã gắn bó với tuổi thơ tôi. Vạn vật luôn thay đổi, như triết gia người Hy Lạp cổ đại đã nói: "Không ai tắm hai lần trên một dòng sông", nên đành gửi kỉ niệm vào nhung nhớ trong tiềm thức!...

Ngày 18.11.2020

VVT


Ngõ đá nhà cũ...

                                                               Tản văn của Võ Văn Thọ

1.Những ngày đầu mới giải phóng:

Đầu năm 1976 gia đình tôi từ Bắc vào Nam, ba tôi quyết định trở về quê hương sau bao nhiêu năm xa cách, lúc đó tôi đã được 6 tuổi, nên vẫn còn nhớ như in những tháng ngày sau giải phóng.

Sau chiến tranh, vườn nhà tôi, chỉ toàn giao thông hào, hầm trú ẩn của bộ đội và người dân. Vườn không có gì giá trị, chỉ còn lại 1 cây dừa trước ngõ với không biết bao nhiêu mảnh đạn xiên qua, giống như anh thương binh mang đầy thương tật. Và 2 cây mít có tên mít dừa và mít ướt còn sót lại trên đám đất có tên nền nhà. Cỏ tranh, mây, thì nhiều vô kể. Sau chiến tranh, cũng chẳng có nhà để ở. Cả nhà tôi 5 người phải tá túc ở tạm nhà cô tôi cũng là nhà tranh, vách nứa chật chội.

Ba tôi phải dùng rựa phát dọn cỏ, cây, dùng cuốc xẻng để lấp giao thông hào, kiếm cây, tranh, tre, lá dừa, lá đùng đình để dựng nhà, nhưng thực ra chỉ là cái lều tạm, để có chổ che nắng, che mưa cho cả gia đình có chổ ở, mới tính chuyện mưu sinh.

Lúc mới giải phóng về quê, bà con ruột thịt, đều hy sinh trong chiến tranh, chỉ còn lại duy nhất cô Ả là chị ruột của ba, chị Minh con đời trước của ba. Nhưng cô Ả bị cháy xăng hết cả người, nhưng số cô lớn nên thoát chết, ông bà nội đều mất hết. Chỉ còn bà con thúc bá cùng ông cố chung có: Bác Bốn, chị Hữu, bà Việt, chú Hai, cô Ba, chú Năm, chú Sáu, chú Bảy...Là bà con thân thuộc nhất.

Chiến tranh đã cướp đi mạng sống của hầu hết những người thân trong gia đình của ba tôi “bởi chiến tranh đâu phải trò đùa”. Tôi cứ tự đặt câu hỏi rồi tự trả lời, không hiểu sao cây dừa có sức sống mãnh liệt đến vậy. Vì nhiều lần tôi quan sát, thấy, thân nó có chổ trống huơ không còn ruột, bị bom đạn lấy đi hết ruột gan, chỉ còn cái vỏ cứng bên ngoài không lành lặng! Vậy mà không hiểu sao cây dừa vẫn sống, lá vẫn xanh tươi và cho quả ngọt như nước dừa sim. Đặc biệt, vượt qua được nhiều trận bão trong năm để tồn tại. Như người thương binh “tàn mà không phế”. Còn hai cây mít mặc dù bị chém cụt ngọn do bom đạn Mỹ, song các cành cây, thân cây vẫn cho rất nhiều trái rất ngon. Có lẽ mấy chục năm chiến tranh bom đạn đã lấy đi sự sinh trưởng và chức năng sinh sản, nên khi hòa bình, mít tăng cường cho nhiều trái, để bù đắp lại chăng?! Sở dĩ có tên cây mít dừa là vì trái nó tròn như trái dừa, múi mít khi chín ngọt thanh và giòn, ăn không biết chán.

Lúc nhỏ, tôi cũng tò mò hỏi cô tôi. Sao cô bị thương cháy hết da vậy, mà cô vẫn chịu đựng được. Nói thật, thời gian đầu nhìn cô tôi rất sợ, nhưng sau quen dần, tâm sự với cô tôi càng thương yêu cô hơn! Nên không còn sợ nữa. Chỉ là do cô ít nhiều bị ảnh hưởng thần kinh nên hay la, hay nói to tiếng vì những việc không đáng to tiếng. Nhưng cũng phải thông cảm cho cô vì bị như vậy làm sao không nóng nảy. Cô bị như vậy, chồng cô lại là liệt sỹ, nên cô không có con cái. Tuy nhiên, cô có  con nuôi tên chị là May - cô giáo của em trai tôi khi học khi còn học lớp mẫu giáo!

 

2. Sự tích cái ngõ đá:

Ấn tượng nhớ lâu và thích nhất là cái ngõ đá nhà tôi. Do nhà làm trên mảnh vườn tựa lưng vào núi, phía trước là cánh đồng ruộng bậc thang. Nên cái ngõ có độ khá cao, nếu không có các bậc nhiều cấp thì không đi lại được. Nên quá trình cải tạo khu vườn, ba tôi không quên chọn các viên đá to hơn dồn lại chuyển về gần nhà rồi tranh thủ lúc trưa chưa đi làm vườn, ba lại hì hục lát đá thành các cấp từ thấp lên cao, “kiến tha lâu rồi cũng đầy tổ”, như vậy, nhà tôi có được cái ngõ đá rất xinh xắn tới mấy chục bậc thang. Sau đó, ba xin được 2 cây phượng con về trồng ở đầu ngõ, mấy năm sau mùa hè năm nào phượng cũng ra hoa đỏ tươi, trông rất đẹp mắt. Hè đến những chú ve cứ thi nhau hát vang, và lũ nhỏ chúng tôi quyết không ngủ trưa, lấy mủ trái mít già gắn vào đầu cây sào bằng tre để chấm ve ve...Khi hết mùa ve ve, làm ná bằng dây su để bắn chim...Cứ vậy thôi, thế là tuổi thơ tôi qua đi từ lúc nào không biết?. Năm 1990, nhà tôi chuyển nhà từ mảnh vườn cũ xuống gần đường tỉnh lộ 16 (nay là quốc lộ 14 e). Vì sống trên mảnh vườn cũ mẹ và tôi bị đau ốm truyền miên...

Tôi vào được cấp ba, đi học trên thị trấn cách nhà gần chục cây số, lúc này không còn thời gian để chơi những trò trẻ con nữa. Tôi lên thị trấn học, tuy nhiên vẫn tranh thủ về nhà phụ giúp ba mẹ làm ruộng, cày bừa, gánh phân, gieo sạ. Còn việc chăm sóc lúa là mẹ và ba tôi. Hồi đó từ nhà lên thị trấn là đường đất, chưa có đường nhựa, nên nắng bụi mịt mùa, mưa thì bùn đỏ lầy lội, nên đi xe đạp, nhưng nhiều đoạn phải vác xe trên vai.

Rồi 3 năm cấp 3 cũng qua đi, tôi tiếp tục ở nhà phụ giúp ba mẹ làm nông 1 năm. Vì lúc này em trai tôi còn học năm cuối của cấp 3. Khi em tôi vào Đại học, thì tôi cũng trúng nghĩa vụ quân sự. Và phải lên đường nhập ngũ, để làm tròn nhiệm vụ của người lính thời bình. Tôi xa gia đình, xa cái ngõ đá với bao kỉ niệm của thời ấu thơ đầy gian khó.

Sau này khi ra trường, ba tôi yếu đi, không có bàn tay của ba chăm nom, nên khu vườn ngày càng xuống cấp, ngõ đá cũng mai một sau những trận mưa nguồn, vì nước trên núi đổ xuống cuốn đi hết dấu tích. Cây dừa cũng đến tuổi cuối cùng của quy luật “Sinh, lão, bệnh, tử”; hai cây mít khi không còn cho những chiếc lá xanh, đã được chế tác thành 2 cái tránh (trính) làm nhà. Hiện nay mẹ, chị tôi đang ở! Khi ba tôi đã về với cõi vĩnh hằng đã tròn 12 con giáp!

Ngõ đá tôi viết đây, chỉ còn trong hoài niệm...

 

Đêm mùa đông nhớ ba!

 22.10.2020. VVT
                                                                                                
                                                                                       

                                       Xóm bên sông

                                                                                                       Truyện ngắn của Võ Văn Thọ

      Liên nước mắt ràng rụa, cố gạt những giọt buồn nóng hổi tâm sự với An. Từ ngày Xóm Bên Sông đặt ra “luật, lệ” làng, tình cảm đôi lứa bị cách ngăn. An nhìn sâu vào đôi mắt đẹp như hút hồn, vỗ về, an ủi Liên. Hãy yên tâm...! Chẳng lẽ, đành phải chấp nhận vậy sao? Biết khi nào trai làng Xóm Bên Sông mới thức tỉnh, bỏ đi cái luật cói ác như “ngăn sông, cấm chợ”, để cho trai tráng đến tuổi yêu đương được tự do tìm hiểu, đi đến hôn nhân như mong đợi...

                                               7
                                                                  Minh họa của NLĐ

       Đêm đã khuya, tuy nhiên trên “vọng gác”, đầu đường vào làng Xóm Bên Sông, ánh đèn pin vẫn còn rọi ngang, dọc, cứ như tia chớp mưa giông, hết xa, rồi lại gần. Có lúc 10 phút, 15 phút, nhưng có khi 5 phút, ánh sáng quét vệt dài từ đèn pin con Ó, làm chói mắt những ai đi đường ngược với ánh đèn pha. Chỉ có dòng Sông Trầu gần đó, con nước với dòng chảy ngược vẫn rì rào, róc rách chảy không biết mệt mỏi suốt tháng năm.

Ngày ấy, chưa có cầu bắt ngang qua sông, nên việc đi lại của người dân Xóm Bên Sông phải xắn quần quá gối lội qua đoạn sông, không lớn, không sâu. Ban ngày thì dễ đi, trừ trẻ em phải có người lớn cõng. Nhưng ban đêm qua sông thì bất tiện. Nếu không có đèn pin, dễ xảy ra trượt chân là ngã té. Chỉ trừ khi, những ngày có trăng sáng, soi rõ mặt sông. Còn về mùa lũ, thì người dân như bị cấm vận. Con nước lớn chảy xiết, hùng hổ cứ như chực cướp đi sinh mệnh của bất cứ ai muốn qua sông, cho dù biết bơi. Chính vì vậy, mà bạn bè của Ta ở Xóm Bên Sông về mùa đông khi có bão, lũ thường phải nghỉ học một vài ngày, chờ cho nước rút. Sau khi bão, lũ đi qua mới có thể quay lại trường. Còn khi đang bão, lũ cho dù đứng bên tê, nhìn thấy Xóm Bên Ny cũng đành chịu.

Chuyện “ngăn sông, cấm chợ” hay nói chính xác là do Xóm Bên Sông đặt ra “luật lệ”, không cho trai nơi khác đến tán gái của Xóm Bên Sông, xuất phát từ nguyên nhân sâu xa:

- Ngày đó, không biết do trời phú hay do thường hay tắm dòng nước Sông Trầu, hay nguyên do nào đó...Mà đa số con gái Xóm Bên Sông cứ phổng phao, xinh đẹp, môi hồng, da trắng, mũi dọc dừa, má lúm đồng xu, mái tóc dài nhung huyền, kiều diễm. Cứ như những đóa hoa rừng, ngào ngạt sắc hương! Nên các chàng trai làng nào trong các xã khi đã một lần được gặp, được trộm nhìn, cũng muốn đưa tay ra hái những bông hoa là những bóng hồng xinh đẹp nhất. Trừ những người có gen phê bê (bê đê).

Chính vì có “sắc nét, hương trời”, nên đa số các em gái Xóm Bên Sông thường hay “kiêu”, muốn chọn mặt gửi vàng những nơi tương xứng, hay còn gọi “môn đăng, hộ đối”, nên các anh trai làng trong Xóm Bên Sông rất khó tán tỉnh, để đi đến hôn nhân. Do vậy, các chàng trai mới có kế sách, “không lấy được thì khuấy cho hôi”, tức thống nhất đặt ra “luật, lệ” riêng:

- Trai làng nơi khác không được đến tán gái làng Xóm Bên Sông. Nếu ai vi phạm sẽ bị cảnh cáo lần 1, lần 2 sẽ bị nhận nước, lần 3 tất nhiên là bị trai làng đánh cho nhớ đời. Không còn dám lén lút vi phạm. Luật này kéo dài mấy năm liền, làm cho các em gái trong xóm khi đến tuổi yêu đương chỉ còn cách yêu và lấy trai trong Xóm Bên Sông. Còn không yêu được thì coi như ở giá. Chứ không thể vượt “luật, lệ” của Xóm. Thật giống như câu nói: “Phép Vua thua lệ làng”!

Ngày ấy Ta còn tuổi choi choi, mới học cấp 2, nên “luật, lệ” đặt ra với Ta cũng như không. Chỉ tội cho mấy anh thanh niên của các xã: Bình Lâm, Quế An...muốn đến tán gái Xóm Bên Sông coi như không có tia hy vọng. Trừ anh nào khôn khéo, có bước đi tâm lý, lấy được lòng Trưởng nhóm - Xóm Bên Sông, thì mới được đặt trách đi lại tự do hơn, để tìm hiểu yêu đương đối tượng đã báo cáo và được Trưởng Xóm cho phép. Trường hợp này không nhiều, tính trên đầu ngón tay.

                                                   **

          Ngày ấy, để đáp lại quy định hà khắc của Xóm Bên Sông, thì trai làng ở các xã: Bình Lâm, Quế An...cũng chẳng vừa, hễ cứ thấy trai làng của Xóm Bên Sông hay Xóm Bên Ny sông còn gọi Xón Bên Đường mà đến các xã của họ tán gái, hay đi thăm bà con, người thân...Là bị nhóm thanh niên của các xã nêu trên phản đòn, chỉ trừ đàn bà và trẻ em thì họ không đụng đến. Nên lúc đó mới có câu thơ truyền miệng đặt ra: “Đàn bà con nít thì tha/ Thanh niên, phụ nữ chẳng tha đứa nào”. Bị tấn đánh tại các địa điểm huyết mạch trên các con đường tỉnh lộ như: Dốc Bà Giáo, Đập Con Bò. Chính vì mâu thuẫn không được giải quyết một thời gian dài, nên người dân ở các xã trong huyện và liên huyện Quế Sơn, Thăng Bình rất lo lắng. Chỉ mong các cấp  chính quyền đứng ra giải quyết, để xóa đi nỗi hận thù không đáng xảy ra. Tuy nhiên, chính quyền cũng rất khó xử lý, vì là “luật, lệ” riêng đặt ra, và họ làm lén lút. Hơn nữa, những năm đầu mới giải phóng, lực lượng công an, chính quyền còn mỏng, chưa đủ con người và phương tiện để trấn áp.

          Chuyện thời bình mà cứ như thời phong kiến, như Tiểu thuyết là vậy. Ta còn nhớ, tác phẩm văn học “Vợ chồng A Phủ” của Nhà văn nổi tiếng Tô Hoài đã đề cập các nhân vật như: Mỵ, A Sử và A Phủ. Mỵ là cô gái xinh đẹp, nết na bị bắt làm con dâu gạt nợ của Nhà Thống Lí. Mỵ làm vợ của A Sử, nhưng không có tình yêu đích thực, Mỵ bị đánh đập tàn nhẫn. Sau này, Mỵ gặp được A Phủ cùng cảnh ngộ, nên Mỵ đã nảy sinh tình yêu đích thực và Mỵ bỏ trốn về làm vợ A Phủ, là vậy.

                                                                       ***

          Mặc dù luật lệ đặt ra là vậy, nhưng trai làng Xóm Bên Sông cũng không thể “mặc áo quá đầu”, đa số con gái Xóm Bên Sông cũng không chịu yêu và lấy trai làng khi không có tình yêu; thà họ ở giá, làm “ma không chồng”, chứ không lấy người mình không yêu. Tất nhiên, vẫn có những cô gái chọn trai làng Xóm Bên Sông để “kết tóc, se duyên”, vì có tình yêu thật sự và quan niệm theo câu ca dao: “Trâu ta ăn cỏ đồng ta”/ Bao giờ hết cỏ mới ra đồng ngoài. Cũng rất may, sau này lớp trẻ hơn có nhận thức đúng đắn và thời gian sau đó mấy năm, do sự tác động của các cơ quan chính quyền, đoàn thể trong xã, huyện. Nên trai làng Xóm Bên Sông có nhận thức đổi mới, tự nguyện từ bỏ “luật, lệ” do họ đặt ra. Các trai tráng ở các xã khác được tự do đi lại, tìm hiểu con gái Xóm Bên Sông và yêu thương nhau khi đến tuổi hôn nhân. Đời sống văn hóa, văn minh được cải thiện, đổi mới; không còn tình trạng “ngăn sông, cấm chợ” như trước đây.  Âu cũng là điều mà người dân mong muốn!

          An và Liên đã kiên trì trong tình yêu đôi lứa và đã đi đến ngày trái ngọt. Sau này, nhiều thanh niên trai gái trong làng Xóm Bên Sông, Xóm Bên Ny sông, các xóm khác trong các xã trong huyện và liên huyện được tự do đi lại, tìm hiểu, giao lưu. Không còn ai ngăn cấm! Chuyện An và Liên như là hình mẫu cho câu chuyện tình yêu đôi lứa. Nếu ai đó thật lòng, có niềm tin, có tình yêu đích thực, thì tất có ngày đi đến bến bờ hạnh phúc. Không có bất cứ khó khăn, “luật, lệ” nào mà không thể không vượt qua. Ngày Xóm Bên Sông thu hồi “luật, lệ” tự đặt ra, cũng là ngày giao mùa giữa thu và đông năm ấy, cách đây đã 40 năm. An người con trai của xã Bình Lâm được sánh duyên với Liên người con gái của Xóm Bên Sông - xã Quế Thọ. Và sau này, hai người là cặp đôi hạnh phúc mỹ mãn...

          Giờ đây, khi trở lại làng quê đường sá rộng mở, những con đường làng nhỏ, heo hút, ổ gà, ổ trâu mưa bùn, nắng bụi ấy, đã được thay thế bằng những con đường bê tông bóng loáng. Việc đi lại của người dân, trong xóm, làng rất thuận tiện. Nhiều Cây cầu bắt ngang qua con Sông Trầu để sang Xóm Bên Sông êm ái, rộng mở. Luôn sẵn sàng đón mọi người đến với quê hương, đến với tình yêu bốn mùa cây trái, xanh tươi và tràn đầy niềm tin ở tương lai phía trước.

Ta viết lại câu chuyện cách đây gần nửa thập kỷ không có ý phê phán hay chê trách quê hương, mà càng yêu hơn quê hương, mảnh đất tình người nơi “chôn nhau, cắt rốn”. Hoài mong sẽ không có bất cứ “luật, lệ” nào đi ngược lại mong mỏi, ước muốn của người dân quê hương Ta!

                                                                   Quê nhà, cuối thu tháng 10.2020
                                                                                           V.V.T

                                                                                                 
                                               

 

                                   

Nguồn tin: ,bài: Y Ban

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây