NGUYỄN LINH KHIẾU, KÝ ỨC GIÀU MINH TRIẾT

Thứ ba - 29/10/2024 20:12
Bìa hai tập tạp văn của PGS.TS. Nguyễn Linh Khiếu. Ảnh: NVCC
Bìa hai tập tạp văn của PGS.TS. Nguyễn Linh Khiếu. Ảnh: NVCC
 

Nhà thơ Ngô Đức Hành

    Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu vừa ra mắt bạn đọc đồng thời Chân mâyHoa khởi trinh, NXB Hội Nhà văn tháng 9/2024. Đây là hai tập tùy văn, một dạng thức của tản văn trong văn học.

Chân mây gồm 79 tùy văn, Hoa khởi trinh gồm 82 tùy văn; dày hơn 140 trang in/ tập, in trên giấy tốt; do họa sỹ Trần Thắng trình bày mỹ thuật. Đặc điểm chung của 161 tùy văn là ngắn gọn, hàm súc; vừa trữ tình vừa tự sự về đời sống xung quanh, những nơi nhà thơ đã từng qua.

       Không gian nghệ thuật bốn mùa; cỏ cây, hoa lá; chim muông hay những địa danh nơi nhà thơ từng đặt chân đến....đều là “cái cớ” để ông suy tư, chiêm nghiệm. Chân mây có 88 tùy văn trong tập ông ngẫm ngợi từ hoa cỏ, muông thú; chỉ có 11 tùy văn liên quan đến các địa danh như Sầm Sơn, Đền Hùng, Lăng Cô, Bến Vời, Sóc Trăng, Sông Đáy, Thành Tuyên, Tam Dương, Sông Hàn, Sông Trẹm, Huế.

       Đó là tập hợp những tùy văn nhỏ nhẹ, những cảm xúc nhất thời, từ những chi tiết vụn vặt, những ký ức mơ hồ, những tâm tưởng nhạt nhòa, những nỗi niềm hoang hoải, những tâm trạng ngẩn ngơ...như nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu tự bạch trong Lời tựa cho Chân mây.

Nhưng không chỉ là cảm xúc nhất thời. Những chi tiết vụn vặt quan quan sát, từ ký ức mơ hồ qua ngòi bút của Nguyễn Linh Khiếu đã cất tiếng nói. Tùy văn Cây ớt (trang 73 và 74 của tập Chân Mây), kể về cây ớt ở chậu cây cảnh ngoài ban công cơ quan mà ông đã gieo hạt. Một tuần sau khi gieo, những mầm ớt mọc lên, đấy cũng là lúc lũ ốc sên, sâu bướm. Kiến gió là lũ xuất hiện cuối cùng làm tình làm tội. Khi còn lại một mầm cây, cứ tưởng cây sẽ chết trước sự tàn phá dã man của bầy kiến. Không ngờ nó không chết. Rồi một ngày kia lũ kiến gió bồng bế nhau, chuyển nhà đi nơi khác.

 

         Untitled 1
Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu (phải) tặng tác giả bài báo hai tập tạp văn. Ảnh: Trương Văn Quý

Nguyễn Linh Khiếu đặt câu hỏi: “Có phải bầy kiến đã hết một vòng sinh trưởng. Hay dưỡng chất của cây ớt đã bị thu hoạch sạch. Hay cây ớt nhỏ bé đã sản sinh ra một thứ kháng thể chống lại bầy kiến. Hay vì một nhẽ khác?”, (trang 74). Sau khi lũ kiến kéo đi, những mầm cây mới được mọc ra, những chiếc lá hiên ngang xòe nở, và bông trắng xuất hiện lấm tấm đầu cành.

Đúng là sự sống không bao giờ chán nản. Cây ớt, ngay từ lúc mọc mầm đã là nạn nhân ốc sên, sâu bướm, kiến gió. Đó là quy luật tồn sinh trong tự nhiên.
 

    Thế kỷ 19, nhà tự nhiên học người Anh, Charles Darwin đã đưa ra luận điểm, cạnh tranh sinh học hay cạnh tranh sinh thái hay cạnh tranh sinh tồn trong tự nhiên là sự tương tác giữa các sinh vật hoặc các loài với nhau. Với tùy văn của mình, cây ớt và lũ ốc sên, sâu bướm, kiến gió trong quan hệ tương tác sinh học là ẩn dụ nghệ thuật của Nguyễn Linh Khiếu. Sự sống, đời sống của con người cũng như vậy. Đây là lớp giá trị phía sau ngôn ngữ.

Ở tùy văn Hoa xanh, ông kể chuyện khi cơ quan có giám đốc mới được tổ chức điều chuyển từ nơi khác về. Quy luật từ tình cảm cho đến lợi quyền làm cho mọi người xúm xít với lãnh đạo mới, lảng tránh ông, vì ông chỉ là cấp phó. “Khi đó mình chợt nhận ra, cơ quan chỉ là nơi làm việc. Cơ quan chỉ là nơi kiếm sống. Ở đó chỉ có đồng nghiệp chứ không có bạn bè. Ở đó chỉ có lợi ích chứ không có thân yêu”, (trang 78). Đây là tất yếu sinh tồn. Trong xã hội con người, đáng buồn là điều này ngày càng biến thái, tiếp biến phức tạp.

Nguyễn Linh Khiếu là người hiểu về thân phận, ngòi bút của ông trong tùy văn dù là “ký ức mơ hồ” như tự bạch, nhưng luôn hướng về thân phận. Lăng cô (trang 44 và 45) là một tùy văn trữ tình, giàu chất thơ, kể về câu chuyện một buổi sáng ông đi dọc bãi biển trứ danh này.

Lần đó, tác giả gặp ông lão ngư dân già đánh cá. “Trên bãi cát xa xa có một chấm nhỏ. Đến gần hóa ra một ông già nhỏ thó dúm dó đen đúa. Không có đôi mắt trắng đen hấp háy thì không nhận ra ông già. Ông cầm một chiếc cần câu nhỏ như trò chơi trẻ con”. Ông già đã phải bán thuyền, hàng ngày câu cá để mưu sinh. Câu chuyện đầy trắc ẩn, chạm đến trái tim, trước hết của Nguyễn Linh Khiếu. “Thấy ông không rời mắt khỏi phao câu. Mình không làm phiền ông nữa. Đi xa ngoái lại nhập nhòa một chấm lờ mờ trên cát. Đi một lúc nhìn lại chỉ thấy một bài cát mênh mông”, (trang 45).

Cuộc đời không chia đều hên xui. Bên cạnh những người đã và đang giàu lên, triệu phú, tỷ phú, tiêu không hết tiền, sống lãng phí; trong cuộc đời này còn không ít số phận cơ hàn, mưu sinh lấm láp, lầm lụi. Trong tùy văn Lăng cô, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếp sử dụng hai lần thủ pháp từ vựng – ngữ nghĩa chấm nhỏ và bãi cát mênh mông để nói đến sự hữu hạn và vô thường. Ông nêu lên thông điệp, sống trong đời sống phải có tấm lòng. Chính sách an sinh xã hội của một đất nước cũng sinh ra từ đó, để không ai bị bỏ lại phía sau, còn phải làm nhiều việc.

Trong Hoa khởi trinh câu chuyện của hai nhân vật Cò Bé và Tý Nhớn chỉ xoay quanh các con vật  thân quen với đời sống nơi đồng quê, thôn dã. ....Tùy văn được bắt đầu từ một giấc mơ, nghe tiếng Tý Nhớn gọi Cò Bé khi ông thiêm thiếp đi, lúc ông đang ở độ cao hơn 10.000 mét trong chuyến bay sang công tác ở các nước châu Âu.

Ông kể, những bài tùy văn đầu tiên trong tập được viết trên iFone khi lần lượt đi qua Russia, Czech, Slovakia, Hungari, Germany; sau đó được viết tiếp ở nhiều địa danh khác. Nghe ông, chợt nhớ hai câu thơ của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh: “Xưa tôi sống trong làng/ Giờ làng sống trong tôi”. Nguyễn Linh Khiếu là nhà thơ sinh ra và lớn lên ở một làng biển thuộc Thái Bình.

Nguyễn Linh Khiếu thảng thốt, không chỉ vì giấc mơ ám ảnh mà vì thế giới của Cò Bé và chúng bạn trong tập tùy văn, khi ông viết đã không còn nữa. “Cái làng Chí Thiện xưa đã biến mất. Toàn bộ cánh đồng con đê, dòng sông, đầm hồ, mom sông, cây đa, bến nước, đụn cát, con thuyền ở cửa sông nay đã nằm dưới đáy các nhà máy nhiệt điện và nhà máy hóa chất. Tất cả phù sa mỡ màu, cào cào châu chấu, giun dế, ếch nhái, bướm ong....cùng cỏ cây hoa lá, lúa ngô khoai sắn...đều đã bị chôn vùi. Một thiên đường cửa sông Hồng đã vĩnh viễn biến mất”, (trang 6).

Đó không chỉ là sự ám ảnh thân phận, lớn hơn là sự ám ảnh về xung đột giữa công nghiệp hóa, hiện đại hóa và văn hóa. Rộng ra là sự xung đột do phát triển thiếu tầm nhìn, đầu tư bất chấp mọi giá, kể cả sự bền vững.

Thế giới xung quanh Cò Bé và Tý Nhớn thật đẹp đẽ bình yên, bắt đầu từ những cánh đồng thơm sữa đòng đòng (trong tùy văn Đòng đòng), con đê bạt ngàn hoa khởi trinh (trong tùy văn Hoa khởi trinh) cho đến tùy văn cuối tập mang tên Cò Bé.

Tùy văn Cò Bé chỉ gần 300 chữ, xinh xắn trên một trang in nhưng ngòi bút Nguyễn Linh Khiếu dựng lên một nhân vật có xuất xứ, gia cảnh, anh em, thân phận. Gia cảnh không đến nỗi, bố là cán bộ nhà nước, ông ngoại vốn là địa chủ, nhưng Cò Bé lại suy dinh dưỡng, còi cọc. Cái tên Cò Bé xuất xứ do hình hài ấy. Vậy nên, hình thành nên tính cách nhút nhát, mặc cảm, chịu số phận hay bị bắt nạt. Trời không lấy của ai tất cả, bù lại Cò Bé sáng dạ.

Phàm là người thường ao ước những thứ mình thiếu; Cò Bé chỉ có “mỗi ước mơ là được to cao khỏe mạnh để không bị bắt nạt”. Nhưng cuộc đời đâu phải đơn giản thế. “Ông ngoại bảo: Sáng dạ nhưng phải biết nhẫn nhịn. Không chịu đựng thì yếu tử”. Dẫu nhiều khi Cò Bé suy nghĩ: “Chịu đựng mãi thà chết còn hơn”. Lớn lên, va đập cuộc đời, Cò Bé sẽ hiểu lời ông ngoại dặn dò. Một điều nhịn chín điều lành, là ý tứ Nguyễn Linh Khiếu gửi đến bạn đọc, đến cuộc đời.

Trong Hoa khởi trinh, Cò Bé, Tý Nhớn cùng chúng bạn xuất hiện trong các tùy văn Mạ non, Canh tôm, Vịt cỏ, Cò con, Cò ruồi, Vịt bầu, Sáo đen, Sáo nghệ, Trâu mộng, Chuồn chuồn, Cây đa...những hình ảnh thân thuộc ở làng quê Việt, làng quê của thời yên bình, cân bằng sinh thái. Đó hẳn là một giá trị chỉ còn trong ký ức.

          Gia tài văn học của Nguyễn Linh Khiếu đã có 10 tác phẩm, chủ yếu là thơ và 2 trường ca (Phồn sinh và Hoa linh thảo). Nhà nghiên cứu văn học hải ngoại, Nguyễn Đức Tùng từng nhận xét: “Thơ Nguyễn Linh Khiếu là dòng thơ trữ tình mới. Anh tin vào khả năng của ngôn ngữ trong việc giữ gìn các giá trị văn hóa, mang đi ý niệm truyền sinh, phồn thực, ca ngợi thiên nhiên, trong khi vẫn thường xuyên tra hỏi các vấn nạn lịch sử. Đó là kết hợp giữa tự sự sinh thái và trữ tình xã hội”. Hay nói cách khác, đọc thơ Nguyễn Linh Khiếu, dễ nhận ra quá trình tiếp biến của minh triết.

          Ở Chân MâyHoa khởi trinh, dễ nhận ra những ẩn dụ giàu chất thơ, lấp lánh minh triết trữ tình của một nhà thơ xuất thân từ môi trường nghiên cứu triết học. Nguyễn Linh Khiếu luôn nhận ra sự vận động, phồn sinh trong các chiều cảm xúc, dẫu là thơ hay văn xuôi.

          Đọc Chân mâyHoa khởi trinh, cho thấy nhà thơ, PGS.TS. Nguyễn Linh Khiếu yêu thiên nhiên, sự cân bằng vĩnh cửu và trách nhiệm xã hội của một ngòi bút luôn sung mãn sáng tạo./.

Hà Nội, 14/10/2024

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây