Nhà thơ Mai Văn Phấn
Tập thơ "Phục sinh" (Nxb. Hội Nhà văn, 2024) của Đào Quốc Minh mở ra không gian thơ bằng những giấc mơ. Mỗi giấc mơ trong ấy hé lộ bao điều kỳ lạ, có thể một sự thật, một bí ẩn từng được phong kín, kho báu bị lãng quên, một con đường đã bị gió bụi phủ lấp hay vẫn ảo mờ phía trước... Những mộng mị ấy trong “Phục sinh” đã hé lộ cho người đọc thấy những gì diễn ra trong tâm hồn nhà thơ, những thứ dường như huyền hoặc, phi lý, bí ẩn không thể thấy được ở trạng thái tỉnh thức. Kể từ thời khắc mỗi bài thơ xuất hiện, tác giả của nó đã biến mình thành người khách lạ đang quan chiêm đời sống diễn ra quanh mình và đời sống của chính mình; ngoái trông một phần cõi sống mà anh ta tạo dựng lại đang khởi phát từ một bến lạ, kết nối với chân trời lạ.
Hiện thực giấc mơ trong thi tập “Phục sinh” rất đa dạng, phong phú. Đó là hiện thực đời sống được thăng hoa, cộng hưởng với hiện thực tâm hồn, tạo lên một thế giới kì ảo, nối thông các phương chiều không-thời-gian, đôi khi mang tính tiên tri.
Nỗi buồn "thõng hai tay trắng", hay hình bóng "con thiên cầm bé nhỏ" trong hai khổ thơ trên là những điều ảo diệu khó cầm giữ, mà cũng không dễ dàng buông bỏ. Nó là sự hiện diện của cái bất khả tri trong khuôn khổ những quy luật đã được chấp nhận. Diễn tiến của sự ảo diệu ấy là quá trình phá vỡ những quy tắc bất biến, cố định của thế giới hiện tồn; nó làm lệch nhịp những nguyên tắc lý tính để tạo ra một hiện thực mới, trật tự mới.
Hiện thực kỳ ảo mà Đào Quốc Minh tạo ra trong tập thơ này tựa "những đoàn tàu miên man" xuất phát từ tuổi thơ của tác giả, đi xuyên qua không-thời-gian để phục hiện "những giấc mơ ăm ắp trời sao" (Đoàn tàu và đứa bé chăn trâu). Giấc viễn mộng này vang xa thành “hồi chuông ngàn năm cũ”, vọng âm ấy đem lại cho độc giả một không gian chứa đựng “dấu tích ai nằm. bóng ai qua” mang vẻ đẹp huyền bí, đầy ma lực trong bài thơ “Tây Thiên”. Ta cũng thấy vọng âm ấy qua những câu thơ sau:
Đào Quốc Minh đã dùng lối tư duy phi logic, nghịch lý, xáo trộn trật tự tự nhiên để tái tạo giấc mơ – những cơn mộng thiện lành, trong suốt và tinh khôi như sương sớm. Chiều kích của "giọt sương" kia có lẽ sẽ được xác định bằng độ đàn hồi của tâm trạng, bằng tần số cảm xúc của đối tượng tiếp nhận. Giọt sương trong suốt ấy như treo lơ lửng trước mắt chúng ta, mở ra nhiều hướng nhìn, nhiều cung bậc xúc cảm.
Thơ Đào Quốc Minh trong "Phục sinh" khá đa dạng về phong cách, anh thường kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống với hiện đại, một thứ “bình cũ rượu mới”. Độc giả sẽ thấy thú vị khi đọc những câu thơ mới lạ, tươi non mang thi liệu truyền thống của anh:
"gió lạnh cuốn em đi miên trường mãi mãi" (Cánh hoa rụng); "lưng mẹ còng trĩu gánh thương yêu" (Quê hương); "anh nhớ em một chiều tà thắm đỏ" (Lồng ngực nam phương). Đó là những câu thơ trĩu nặng tâm thế truyền thống trong tập thơ "Phục sinh", nó mang cho người đọc thơ hôm nay, nhất là giới trẻ, cảm giác da diết quen thuộc, hoài cổ... Ở phong cách này, phải chăng nhà thơ đã nương theo quán tính của thơ truyền thống, hơn là cố ý trụ lại trên nền tảng ấy.
Qua "Phục sinh" cho thấy, Đào Quốc Minh hầu như ít khi "yên vị" trong một không gian nghệ thuật ổn định, mà anh luôn dịch chuyển để khai phá, kiếm tìm, thay đổi thi pháp. Có lúc tác giả sử dụng phong cách thơ truyền thống làm chiếc bình cổ đựng thi tứ là thứ rượu mới cất mang hơi thở của thời đại.
Trong khổ thơ tiếp theo dưới đây, nhà thơ đã sử dụng tài tình lối kết cấu đa tầng, nhưng các thi ảnh vẫn hiện lên sáng rõ bằng ngôn từ giản dị. Những "rừng thu", "cúc trắng", "dấu chân", "khói sương"... được Đào Quốc Minh phục dựng một hiện thực tâm tưởng trong không gian ba chiều của nghệ thuật sắp đặt. Trong đó, vị trí của mỗi thi ảnh đều chứa đựng tính đa nghĩa của hình tượng, tạo một khoảng không huyền hoặc, mà chìa khóa mở vào khoảng không ấy chính là câu thơ "anh đi giữa em...". Câu thơ ấy tựa cánh cửa đầu tiên dẫn độc giả vào một thực tại ảo, đầy những hình ảnh và chuyển động phi lý, phi logic, sống động.
(Hoàng nhạn);
Một số bài thơ trong "Phục sinh" được viết theo phong cách hiện đại toàn triệt từ kết cấu, cách liên tưởng, thiết lập thi ảnh đến sử dụng ngôn ngữ... Thơ hiện đại của Đào Quốc Minh gợi mở, giản dị, khá gần với ngôn ngữ sinh hoạt đời thường, nhưng ám ảnh, có hấp lực mạnh. Xin dẫn nguyên văn một bài thơ.
"Mùa khô Tây Nguyên” là một truyện lồng trong truyện, một thực tại ảo đặc trưng của nhà thơ. Hình ảnh “đứa bé ăn mày” bất ngờ xuất hiện như một ảo ảnh trong hiện thực tâm tưởng, đứa bé đến để kể câu chuyện của mình và nhà thơ kể câu chuyện về nó. Hình ảnh đứa bé “ngạc nhiên và đau khổ” hiện ra trong kho củi mục và hình ảnh đám người tí hon “mặt xanh đen u sầu” trên vùng đất cao nguyên mịt mù là một sự đồng hiện rất ám ảnh, tựa những cái bóng được ánh sáng hắt lên một mặt phẳng. Những cái bóng thoắt ẩn thoắt hiện trong không gian mịt mù đó khiến tim ta nhói buốt vì gánh nặng mà họ phải mang vác trong mùa khô khắc nghiệt ở Tây Nguyên.
Cùng với "Mùa khô Tây Nguyên", Đào Quốc Minh có một số bài thơ hiện đại khác khá lạ, đẹp và nhiều ấn tượng, như: "Đôi chim liền cánh", "Có và không", "Ngã ba sương", "Lời hoa hồng dại", "Cánh hạc đầu tiên", "Tấm gương đêm", "Bóng đen gọi mặt trời", "Những tiếng gào", "Lũ trẻ trần truồng", "Không còn những đoàn quân", "Đồi hoa quế trắng"...
Thơ Đào Quốc Minh trong "Phục sinh" nhìn chung có tiết tấu chậm, khoan thai, thể hiện một phong thái an nhiên, tự tại của người thiền định. Đoạn thơ dưới đây cho thấy, tâm hồn người viết đã thoát khỏi mọi ràng buộc, cám dỗ, mọi chấp niệm.
Khổ thơ trên và một số bài thơ của Đào Quốc Minh sử dụng thủ pháp dòng ý thức, một kỹ thuật tự sự hiện đại, nhằm diễn tả dòng chảy của cảm giác, thị giác, thính giác, xúc giác, liên tưởng, tiềm thức... Đặc điểm nổi bật của bút pháp này là coi trọng ý thức và những phản ánh tâm lý của chủ thể. Một số bài thơ của Đào Quốc Minh có những dấu chấm khá lạ ở giữa câu, tạo sự bất ngờ, thú vị. Những chữ xuất hiện ngay sau dấu chấm thường không viết hoa, đó phải chăng là ngụ ý riêng của người viết. Với cá nhân tôi, những dấu chấm ấy mang lại hiệu ứng thị giác, giống như dấu lặng nhằm thể hiện một khoảng nghỉ trong tác phẩm âm nhạc; nó mang cho người đọc cảm giác lắng đọng, hay thoáng chốc được đảo nhịp thở; Tuy vậy, ta vẫn thấy các thi ảnh trong mạch thơ chuyển động liên tục theo quỹ đạo của riêng chúng.
Nhà thơ Đào Quốc Minh sinh năm 1986, tại Hà Nội. Những tác phẩm của anh đã xuất bản gồm chín tập thơ ("Mưa tháng ba", "Nguyệt nương", "Dấu vân tay màu xanh lục", "Những người vũ công Memphis", "Phục sinh"), hai tập truyện ngắn ("Người tù không số", "Đứa con của nấm mồ"), và trên 20 đầu sách dịch thuộc nhiều lĩnh vực, bao gồm Lịch sử, Triết học, Giáo dục, Nghệ thuật... Năm 2015, tập thơ "Những người vũ công Memphis" của Đào Quốc Minh được trao tặng Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội.
Đào Quốc Minh là người lặng lẽ, kiệm lời. Cách đây mấy năm, tôi tình cờ gặp Minh chốc lát trong sân Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Sau đó, tôi đọc truyện ngắn "Hải âu lạc lõng" của anh đăng trong Đặc san Viết & Đọc (số Mùa Xuân 2024). Tôi thích cách tạo tình huống và giọng văn của Đào Quốc Minh, và bị cuốn hút vào đoạn kết của truyện ngắn này. Nhân vật "tôi" trong truyện dường như đã khắc họa chân dung Đào Quốc Minh: "Tôi đứng trầm ngâm, bên bờ biển gầm vang tiếng sóng. Bất giác, nghe như có tiếng hải âu lạc lõng, từng con, từng cặp, từng bầy rời bỏ bến tàu hoang phế, chỉ còn mình tôi, như ngọn hải đăng, mà con mắt chói lọi cứ sáng lên, dọi vào đêm tối trước mặt...". Cảm giác cô đơn, lạc lõng như tiếng con hải âu kia có thể sẽ thường đến với Đào Quốc Minh khi anh bứt phá thi pháp, tiếp tục thử nghiệm, mạnh dạn mở lối đi riêng cho hành trình sáng tạo.
Trước khi kết thúc bài viết tôi muốn trở lại với hình tượng chiếc cầu bập bênh đã nhắc ở trên. Giữa thi pháp truyền thống và thi pháp hiện đại của Đào Quốc Minh, tôi thiên về thi pháp hiện đại của anh hơn. Thi pháp đó mở ra nhiều phương chiều không-thời-gian, rất ám gợi, được kiến tạo bằng hiện thực kỳ ảo của giấc mơ. Những giấc mơ đã kết thành không gian thơ trong "Phục sinh".
Hải Phòng, 26/9/2024
M.V.P
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn