Nặng lòng với quê hương

Thứ tư - 09/10/2024 08:25
Nhà phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên: Nhân đọc tập thơ “Níu thời gian ở lại”của Lê Hữu Dinh - NXB Hội Nhà văn, 2024
Nặng lòng với quê hương
 

    Tất thảy chúng ta, ai sinh ra cũng có một miền quê nào đó trên dải đất hình chữ S thân yêu này để mà thương, mà nhớ. Dù có đi khắp bốn phương trời, làm trăm công nghìn việc, vượt qua bao gian nan, vất vả và ngay cả khi cận kề cái chết, cũng không khi nào hai tiếng quê hương lại thôi vang vọng từ sâu thẳm trái tim mỗi người.

Người chiến sĩ, thượng tá công an, nhà thơ Lê Hữu Dinh cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Hơn thế, ông có thể được xem là một trong số những người nặng lòng nhất với quê hương xứ Nghệ, các đấng sinh thành, đồng đội và bằng hữu. Điều ấy đã được thể hiện khá rõ trong tập thơ “Níu thời gian ở lại” của ông.

*

“Níu thời gian ở lại” hay chính là níu lại những kỷ niệm tuổi thơ, níu lại bao ký ức về một thời gian khó trên quê hương xứ Nghệ của ông hay níu lại những ân tình bằng hữu, nghĩa tình đồng chí, đồng đội của mình. Thời kỳ chiến tranh chống Mỹ và kinh tế bao cấp, bốn tỉnh Bắc miền Trung, từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh  đến Quảng Bình là những địa phương chỉ có gió Lào và sỏi đá, nghèo nhất cả nước về kinh tế và cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật. Hơn thế, khu Bốn còn là mục tiêu trọng điểm của máy bay Mỹ kể từ ngày đánh phá miền Bắc nước ta (1964). Đã nghèo về điều kiện tự nhiên, về kinh tế xã hội thì chớ, lại còn bị máy địch suốt ngày đêm quần thảo, trút hàng ngàn, hàng vạn tấn bom đạn xuống mảnh đất này. Đường xá, nhà cửa, các công trình dân sinh hầu như bị phá hỏng gần hết, nên người dân ở các địa phương trên đã nghèo lại càng nghèo thêm. Đấy là một thực tế không một ai có thể chối cãi được.

Từ khi Lê Hữu Dinh thoát ly gia đình, xa quê hương đi làm một chiến sĩ công an, những kỷ niệm và ký ức về quê nghèo dường như đã bị tư cách công dân nhấn chìm sâu vào miền vô thức. Để rồi đến khi về nghỉ hưu, có miếng ăn, miếng để, ông cầm bút làm thơ tiêu dao với bằng hữu, những kỷ niệm, ký ức xưa như trỗi dậy, ùa về, sống lại với thực tại một cách thật sự bùi ngùi và xúc động.
 

Hiu hiu trong tiết mùa thu
Vẳng nghe như tiếng mẹ ru thuở nào
Thân cò lặn lội bờ ao
Mò cua bắt ốc ngã nhào vỡ trăng
Thương thay chú Cuội chị Hằng
Muốn yên chẳng được bởi thằng bụng reo
Cuộc đời vất vả đói nghèo
Cái ăn cái mặc ruổi theo tháng ngày

(Trong buổi thu này).  

Những vần thơ Lê Hữu Dinh viết về tình phụ tử và mẫu tử, bạn bè thuở còn cắp sách đến trường làng, trường huyện, nay mỗi người một ngã, mỗi đứa một nơi, đã nên ông, thành bà cả rồi hay những người đồng chí, đồng đội trên bước đường công tác mấy chục năm qua đều khá xúc động và ít nhiều để lại ấn tượng trong lòng bạn đọc yêu thích thơ ông.
 

Năm mươi năm tình người như đôi mắt
Vẫn sáng trong đọ với vàng son
Dù tháng năm trôi dẫu có mỏi mòn
Chốn quê xưa, quê nay mối tình son sắt!”

(Vượt qua ranh giới)

hay:

Vẳng đâu điệu ví vọng về
Đứng bên ni ngó bên tê đợi chờ
Dòng Lam nước chảy lững lờ
Núi Hồng soi bóng câu thơ nắng tràn

(Nỗi nhớ đong đầy).

Nhà thơ muốn níu giữ lại những điều tốt đẹp của con người, những cảnh vật giản dị và mộc mạc của làng quê Việt Nam xưa, mà hiện nay chúng đang bị sự phát triển như vũ bão của nền kinh tế thị trường làm cho phai nhạt, lu mờ dần đi, đến mức chỉ còn là hoài niệm, ký ức của một thời đã qua. Âu đấy cũng chính là tính hai mặt của kinh tế thị trường, cái giá mà tất cả chúng ta đều phải trả, dù là đắt nhưng không thể khác được.
 

Ngày xưa xóm nọ làng kia
Vòng vo uốn khúc dần già thăm nhau
Dậu thưa hoa trái hàng cau
Mái nhà ấm cúng trước sau ân tình
Bây chừ về lại quê mình
Tiếng gà gáy gọi bình minh thưa dần
Nhà tầng san sát mọc lên
Cửa cao cổng kín tưởng gần hóa xa

 (Nét quê).

Với không ít người luôn mong ước kinh tế- xã hội phát triển để làm đổi thay bộ mặt nông thôn nghèo của quê hương. Họ những mong có của ăn, của để, đi đây đi đó, nhà cửa đàng hoàng, con cái được học hành đến nơi đến chốn... Âu đấy cũng là những mong ước lành mạnh và chính đáng. Nhưng với nhà thơ, cựu sĩ quan công an Lê Hữu Dinh lại có những suy nghĩ của riêng mình, không giống số đông, nhưng cũng rất đáng trân trọng:
 

Nay trở về
cánh đồng thổn thức luống cày theo Cha
Ngôi nhà cũ/ bên ánh đèn l loi bóng mẹ
Bao ký ức/ Đã thành quá vãng
thời thế đổi thay/ Bóng hoàng hôn
quện khói lam chiều cay nơi khóe mắt!
(Xưa- Nay).
Hay:
Cây trở dạ trắng màu hoa tinh khiết
Trọn tình yêu tha thiết gửi tháng tư
Anh mãi nhớ mùa loa kèn nở rộ
Tình yêu đầu khe khẽ gọi tên em.

(Mùa loa kèn nở rộ)

*

Để có thể hiểu rõ nguồn cơn vì sao nhà thơ Lê Hữu Dinh lại luôn muốn “Níu thời gian ở lại” theo thiển nghĩ cá nhân của tôi, chúng ta cần phải hiểu căn cốt, cái “tạng người” của nhà thơ như thế nào. Theo các nhà tâm lý học và kinh nghiệm cá nhân tôi thấy những người thích hoài cổ, mong trở lại ngày xưa, dù không bao giờ có thể. Vì đơn giản là lịch sử bao giờ cũng vận động theo một chiều tuyến tính, từ xưa đến nay, từ đơn giản đến phức tạp, từ sơ khai đến văn minh và hiển nhiên là không bao giờ có chiều vận động ngược lại. Những người thích hoài cổ, mong trở lại ngày xưa thường rất trân quý tình cảm, luôn biết nâng niu và giữ gìn những tình cũ, nghĩa xưa, những ai đã từng cùng mình vượt qua những tháng ngày khó khăn và gian khổ của cuộc đời, theo kiểu “một miếng khi đói, bằng một gói khi no”. Những người ấy được xếp vào nhóm tính cách hay còn gọi là cái tạng người hướng nội.

Không tin, xin mọi người hãy đọc 1/90 bài thơ có trong tập này. Tôi nghĩ rằng mỗi người chúng ta có thể sẽ tìm ra cho mình được câu trả lời thỏa đáng nhất có thể vì sao nhà thơ Lê Hữu Dinh lại muốn “Níu thời gian ở lại”.
 

Ta
Rượu
Trăng
Mây trôi hững hờ
Dòng sông lặng lẽ
Thôi nào ngồi vào cả chứ
Hôm nay ta mời
bao mỗi niềm trong tâm hòa cùng tiệc rượu
Uống! Uống! Uống đi thôi còn chần chừ chi nữa
Trăng lên, quỳnh nở
Ta hớn hở có thêm bạn hiền
Nào cạn ly ta uống thật say
Ai say. Mình ta say
Trăng nhìn, sông chảy, núi chờ
Xua đi tất cả nhạt phai, tất tưởi
Sưởi ấm cho chú cuội trông trăng, cho sông dâng rượu
Huầy! Quỳnh ngắm ta
Sao sa đùa giỡn
Màn đêm buông xuống, ánh trăng vằng vặc
Quỳnh xa dần, xa dần, màn đêm chìm vào đôi mắt
Sông xa, trăng lặn, núi nghiêng
Còn mình ta với rượu
Ngỡ như thực như mơ
Nghịch sông, vờn núi
Tỉnh!
Tỉnh lại!
Chỉ có ta với rượu
Núi sông trăng xa rồi lấy chi vui được nữa
Chỉ mình tarượu với ta!

(Uống rượu cùng trăng).

Trong cổ thư người ta phân chia ra làm sáu loại người uống rượu: Tiên tửu, Phật tửu, Nhân tửu, Cuồng tửu, Tục tửu, Ti tửu (hay còn gọi là Cẩu tửu). Nhìn vào sự phân chia này, ba loại người uống rượu đầu không chỉ được người đời chấp nhận, mà còn được nhiều kẻ tôn vinh. Còn ba loại người uống rượu sau thường khó được người đời chấp nhận, nhẹ là bị chê bai, dè bỉu, trung bình là phê phán, lên án, nặng là bị tẩy chay và khinh thường.

Với bài thơ “Uống rượu cùng trăng” Lê Hữu Dinh có thể được xếp vào hạng người thứ ba về uống rượu “Nhân tửu”. Tuy nhiên, theo tôi, người uống rượu như là để thưởng thức là người phải biết rót rượu từ chén (ly) vào chai khi thấy đủ. Đấy là người biết uống rượu. Người biết rót rượu từ chai ra chén (ly) là người uống được rượu. Còn người cầm cả chai rượu để tu gọi là người nốc rượu “Tục tửu”.

Qua bài thơ này tôi có thể nói một cách chắc chắn rằng thi sĩ Lê Hữu Dinh quả thực là người biết uống rượu. Mà uống rượu với trăng và hoa quỳnh đến mức cuối chầu, trăng và hoa cũng đã biến đi đâu mất rồi, chỉ còn thi sĩ uống rượu với chính mình thì quả là thi sĩ gần đạt đến mức chơi rượu rồi chứ đâu còn là uống rượu nữa. Thậm chí người thơ uống đến mức say mà không biết mình say thì quả là gần  đạt đến ngưỡng của sự vô ngã trong sách nhà Phật, nên có thể coi ông là người “Phật tửu”. Uống rượu với ông chỉ là một cái cớ hay là phương cách giải sầu, xả stress, vượt thoát khỏi bao điều chướng tai gai mắt, buông bỏ hết “hỉ- nộ- ái- ố”, để quên đi nỗi buồn nhân thế.  

Có thể nói đây là một bài thơ viết về uống rượu thuộc loại hay và khá độc đáo của Lê Hữu Dinh. Nếu ông tiếp tục đi theo hướng này, có thể nhà thơ sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên lĩnh vực thi ca mà ông đã chọn.

Xin chúc mừng ông.

                                                                                Dịch Vọng, Cầu Giấy, 2/9/2024
                                                                        Đỗ Ngọc Yên

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây