Nhà văn Trần Thùy Mai - Cây bút nữ bản lĩnh và tài năng

Chủ nhật - 13/10/2024 18:43


     NGUYỄN THỊ THIỆN

 

    Trong dòng chảy văn học Việt Nam đương đại, nhà văn Trần Thùy Mai - tên khai sinh Trần Thị Thùy Mai (1954, Huế) là một trong những cây bút nữ văn xuôi hàng đầu. Qua hàng loạt tác phẩm - cả truyện ngắn, nghiên cứu, tản văn và tiểu thuyết, nữ sĩ được bạn đọc nhớ đến bởi lối viết rất riêng, văn phong nhẹ nhàng, tinh tế mà sâu lắng; một cây bút nữ bản lĩnh và tài năng.

Nói đến bản lĩnh là để chỉ người có lòng dũng cảm, sẵn sàng đối mặt với thử thách. Cây bút bản lĩnh trong sáng tác muốn nói đến người viết có quyết định nhanh chóng khi cần thiết, dám dấn thân, đương đầu với mọi khó khăn, có khi phải vượt qua cả những định kiến xã hội trong quá trình sáng tác để vươn tới thành công. Người làm nghề viết muốn có bản lĩnh, phải không ngừng trau dồi, rèn luyện thường xuyên. Nhà văn Trần Thùy Mai đã đạt được điều đó sau gần ba phần tư thể kỷ sống và viết.

               Ảnh: Nhà văn Trần Thùy Mai

      M       1. “Viết là một nghề phải có kỹ năng và lương tâm”
    Đấy là câu nói nhà văn Trần Thùy Mai chia sẻ với mọi người. Không có bản lĩnh, sẽ không dám nói như vậy. Vốn đam mê văn thơ, nhà văn có năng khiếu văn chương từ sớm. Bằng chứng là đang học ở trường Đồng Khánh, Trần Thuỳ Mai đã có những sáng tác đầu tiên. Tốt nghiệp Tú tài 2 năm 1972, chị thi đỗ thủ khoa chuyên ngành Ngữ Văn trường Đại học Sư phạm Huế. Tốt nghiệp Đại học năm 1977 với thành tích xuất sắc, chị được giữ lại trường làm giảng viên và nghiên cứu môn Văn học dân gian. Sau mười năm đứng trên bục giảng, gắn bó với sinh viên, tích lũy vốn sống và nghiên cứu nhiều tư liệu, đến năm 1987 chị quyết định rẽ sang hướng đi khác: làm biên tập viên tại Nhà xuất bản Thuận Hoá, chọn viết văn làm nghề nghiệp của đời mình. Được hỏi nguyên cớ nào khiến chị chuyển sang làm xuất bản sách? Chị trả lời rất chân thành: “Vì lúc ấy chị nghĩ mình phù hợp với sáng tác hơn là nghiên cứu. Chị rất nhớ câu nói của Goethe: "Lý luận thì màu xám, mà cây đời thì mãi mãi xanh tươi"; theo đuổi cảm xúc và tưởng tượng thì thú vị hơn là cắm cúi với những khái niệm. Đó là ý nghĩ của chị lúc ngoài ba mươi tuổi”. Chị từng tâm sự: "Với tôi, viết là một nghề. Nó giống như mọi nghề khác ở chỗ phải có kỹ năng và lương tâm. Vì thế, trong cuộc đời tôi đã có nhiều lúc buồn nản nhưng chưa bao giờ thấy chán viết, chưa bao giờ muốn bỏ bút".  

 

2. Cây bút truyện ngắn giàu bản lĩnh và tài năng
Từ lâu, giới văn chương đã ghi nhận Trần Thùy Mai là cây bút có sức sáng tạo dồi dào, viết đều, viết khỏe. Thể loại đầu tiên chị đến với bạn đọc là truyện ngắn. Tính từ truyện ngắn Một chút màu xanh, in trên tạp chí Sông Hương, số 1 (T.6.1983) đến nay, chị hơn 40 năm cầm bút, nhiều tác phẩm có giá trị đặc sắc và đạt giải cao làm nên “thương hiệu” Trần Thùy Mai. Chị đã cống hiến bạn đọc 16 ấn phẩm, hàng mấy  trăm truyện ngắn hay - một con số thật ấn tượng - nhiều truyện nổi tiếng như: "Thương nhớ hoàng lan", "Thị trấn hoa quỳ vàng”, “ Chú và anh”... Có không ít truyện bạn đọc rất yêu thích và được dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nhật... Khá nhiều truyện của chị khơi tiếp cảm hứng để tái tạo sang kịch bản sân khấu hay phim ảnh như: "Hãy khóc đi em", "Gió thiên đường", "Thập tự hoa" (2005), "Trăng nơi đáy giếng" (2009). Nội dung truyện ngắn của Trần Thùy Mai rất đa dạng, phản ánh mọi mặt của đời sống. Nhà văn hướng sự quan tâm của mình đến hiện thực xã hội với góc nhìn đậm nữ tính. Các nhân vật nữ của chị thường gặp sự đối xử nguội lạnh hoặc tàn nhẫn của người khác, họ âm thầm chịu đựng nhưng vẫn giàu mơ ước, khát vọng và yêu thương. “Về phủ chiều cuối năm”, "Chuyện tình trong cung Nguyễn", là những sáng tác như vậy. Lại có khi nội dung câu chuyện viết về người trẻ, những cô bé mới lớn luôn coi cha mình là thần tượng; rồi thực tế chứng kiến mặt trái của họ, bị đổ vỡ niềm tin và trong tâm trạng khủng hoảng của tuổi mới lớn, cô bé 16 tuổi đã bỏ nhà ra đi  - truyện “Nàng công chúa lạc loài”. Lại có những sáng tác, nhà văn phản ánh về chính nghề của mình, thấu hiểu rõ mỗi cây bút thường khao khát những hoa thơm cỏ lạ -  truyện “Chú và anh”. Tình yêu đôi lứa là chủ đề vĩnh cửu của văn học nghệ thuật. Tác phẩm của Trần Thùy Mai cũng vậy. Bạn đọc gặp gỡ trong nhiều truyện chị viết về tình yêu nhưng ở rất nhiều lứa tuổi, cung bậc, sắc thái tình cảm, nghề nghiệp và những cảnh huống khác nhau. Mỗi truyện đau đáu một nỗi niềm riêng của tác giả, gửi thông điệp đến bạn đọc. Lý giải điều này, chị chia sẻ: "Cuộc sống vốn đa chiều và phức tạp. Tình yêu cũng không nằm ngoài quy luật khắc nghiệt ấy. Thế nhưng, tình yêu dẫu mất mát, phụ bạc và đớn đau đến nhường nào thì con người cũng chỉ thật sự tìm thấy hạnh phúc khi có nó”. Dù viết ở thể loại gì, văn của Trần Thùy Mai cũng luôn thể hiện một bản sắc riêng rất Huế, từ cách tổ chức câu văn, không gian tác phẩm hay tính cách nhân vật. Chất Huế ấy đậm và xuyên suốt văn chương chị. Chính từ gia tài văn chương quý giá hàm chứa nhiều tâm huyết của tác giả, người đọc tự rút ra cho mình những bài học bổ ích. Với những đóng góp không nhỏ, Trần Thùy Mai đã được nhận nhiều thành công không dễ gì có được: Giải thưởng Văn học Cố đô lần 2 (1998) và lần 3 (2004), Giải thưởng NXB Trẻ (2002), Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (2002), giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (2003), Giải thưởng thường niên của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật.

 

3. Tác giả của những bộ tiểu thuyết lịch sử đình đám

Nhờ vốn sống phong phú, am hiểu sâu sắc văn hóa lịch sử và con người, gần đây Trần Thùy Mai chuyển hướng sáng tác. Chị quan tâm, nghiên cứu, viết nhiều ở đề tài và nhân vật lịch sử, nhất là nhân vật nữ dưới triều Nguyễn mà nhân dân ca tụng hay luận bàn nhiều. Với 69 chương, hơn 900 trang sách khổ lớn, trong bộ tiểu thuyết “Thái hậu Từ Dụ” nhà văn tái hiện số phận Thái hậu và các nhân vật vệ tinh diễn tiến trong quá trình, bao quát không gian rộng từ Gò Công đến kinh thành Huế, trải qua các triều vua nhà Nguyễn khoảng ba thập niên. Tác giả dụng công tái hiện cuộc đời của nhân vật chính là Từ Dụ và nhiều nhân vật khác. Tất cả hiện lên sống động, mang vẻ đẹp cả nữ công, nữ sắc, nữ trí nữ tính. Trung tâm của tiểu thuyết là thái hậu Từ Dụ được nhà văn dành nhiều tâm huyết xây dựng nên, hoàn toàn đối lập với Nhị phi. Đó là “một người quyền quý nhưng rất bình dị, nhân hậu và dũng cảm”. Tên “Từ Dụ” nghĩa là vẻ đẹp, là nhân ái, tốt lành. Cuốn tiểu thuyết lý giải rất thấm thía ý nghĩa tên gọi ấy từ chính cuộc đời nhân vật. Từ khi vào cung đến lúc ở tột đỉnh ngôi cao, tiểu thư Phạm Thị Hằng, sau là thái hậu Từ Dụ hiện lên với lối sống giản dị, đoan trang, yêu thương các con và dân chúng, nhất là những người kém may mắn. Vua Tự Đức đã nhận xét rất đúng về mẹ mình: “Nghiêm, nhưng không nghiệt ác; hiền, nhưng không xuề xoà”. Thái hậu là hình tượng phụ nữ hiền từ, nhân đức mẫu mực của bà mẹ Việt Nam giàu tình yêu thương con người, chăm lo giúp đỡ mọi người, rất quan tâm rèn giũa, giáo dục con cái.

Nếu “Từ Dụ Thái hậu” là bức tranh toàn cảnh về triều Nguyễn ở thời kỳ  thịnh qua ba triều đại Gia Long, Minh Mạng và Thiệu Trị đến khi vua Tự Đức mới lên ngôi thì bộ tiểu thuyết “Công chúa Đồng Xuân” (NXB Phụ nữ 2023 – hai tập) với hơn 700 trang, 65 chương kể lại những chính biến kinh hoàng khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta từng bước, rồi biến Đại Nam thành nước bị đô hộ. Triều đình  Nguyễn không muốn nhưng bất lực và mất dần quyền hành, trở thành con rối trong tay những kẻ quyền thần thân Pháp. Tiểu thuyết đã tái hiện lịch sử triều Nguyễn khoảng 40 năm đầy bi thương từ năm 1859 đến 1900. Hai bộ tiểu thuyết hợp thành bộ truyện lịch sử khá đầy đủ về triều Nguyễn. Nhân vật chính là công chúa Đồng Xuân – gái út vua Thiệu Trị, mới 1 tuổi đã mồ côi cha và mẹ, được Từ Dụ nuôi và yêu thương như con đẻ. Cô là dâu trưởng của danh tướng Nguyễn Tri Phương, năm 26 tuổi thành góa phụ bởi người chồng cô là tướng Nguyễn Lâm đã hy sinh vì nước. Công chúa chính là nạn nhân của cuộc cung đấu tương tàn, các thế lực tranh giành đã đẩy cô vào vụ án “hòa gian”, “loạn luân” rồi phải sống chặng đời đầy tủi nhục. Không cần xét hỏi, anh trai cô bị giết, bản thân cô bị mất hết tước vị và quyền lợi . Qua cuộc đời cô gái lá ngọc cành vàng oan ức, mâu thuẫn trong xã hội bấy giờ được nhà văn phản ánh sống động: xung đột giữa nước Nam ta và Pháp; giữa hai phái chủ chiến và chủ hòa trong triều đình; giữa sĩ phu và dân chúng. Ngoài việc tái hiện số phận công chúa Đồng Xuân, nhà văn đã chiêu tuyết cho nàng cùng người anh trai khác mẹ là Gia Hưng. Bên cạnh đó, tác giả còn giúp người đọc có cái nhìn đúng hơn về các nhân vật có thật trong lịch sử vốn tồn tại ý kiến trái chiều trong dư luận: Phan Thanh Giản, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết…  

Với những đóng góp quan trọng, tiểu thuyết “Từ Dụ Thái hậu” (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2019) vừa ra mắt đã giành Giải Nhất cuộc thi tiểu thuyết 2016 - 2019 của Hội Nhà văn Việt Nam và Giải Sách hay 2020 của IRED. Bộ tiểu thuyết “Công chúa Đồng Xuân” vừa mới ra đời cũng đã nhận được sự trân quý của bạn đọc và nhiều khen ngợi của giới văn chương. Với một nhà văn, có được thành công ấy, nếu không giàu bản lĩnh và tài năng, không dễ gì có được./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây