NGÀY VÔ GIÁ!

Thứ tư - 09/10/2024 18:53

NGÀY VÔ GIÁ!


Nguyễn Thị Thanh Hương

   Tháng Mười. Hình như đất trời cũng chiều lòng người, nên thu năm nay nghe heo may lại về đúng hẹn. Vì thế, chút heo may đúng hẹn ấy làm cho mùa thu Hà Nội 2024, đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, như có thêm chút hương, chút vị vừa hanh hao nắng, nhưng cũng se se lạnh.
Với tôi, đã bao mùa thu đi qua, và đất trời luôn cho tôi muôn vàn trái ngọt. Bởi, mùa thu năm 1954 ấy, có một ngày hoàng hoa với hai số 10 tròn đầy viên mãn - ngày Giải phóng Thủ đô. Trong dòng cuối cuốn hồi ký viết tay của cha tôi - một người con vùng Kẻ Mơ đi kháng chiến (mà tôi còn lưu giữ đến hôm nay), ông định danh thời khắc lịch sử ấy là “Ngày vô giá”. Kể từ chín năm rời Thủ đô chất chồng thương nhớ cùng hy sinh gian khổ, thế hệ cha ông chúng ta đã trở về, hưởng trọn một ngày thăng hoa trong niềm hạnh phúc đến vô bờ.
Ngoài kia, trên những con phố nhỏ, vòm cây như bừng lên màu diệp lục xanh ngời, khiến nắng vàng sóng sánh như nâng niu bước chân người tràn ra đường chào đón thu. Cảnh sắc trong trẻo, ngọt ngào đến nao lòng ấy khiến ta thư thái, an yên, tưởng như Hà Nội chưa từng oằn lưng chống chọi cơn bão Yagi mới đổ bộ hơn tháng trước. Có nét gì hao hao nơi Thành Đô trong ngày mùng 10 tháng 10 của 70 năm trước chăng, khi đoàn quân hùng mạnh về tiếp quản Thủ đô trong tiếng hoan ca vang lừng của hàng vạn con dân thành phố:
“Ngày ấy ra đi
Hôm nay trở lại,
Những bà mẹ vui nhìn con đi tới
Những cậu em ngây ngất vỗ tay mừng
Đường rung nhịp điệu tưng bừng
Cờ sao phấp phới trong rừng chữ hoa,
Nhịp hạnh phúc khải hoàn ca,
Chín năm kháng chiến
Hôm nay Thủ đô
Cùng toàn quốc nở hoa mùa dân tộc.
Cờ phấp phới khơi dòng nguồn hạnh phúc,
Ánh bình minh tô thắm cảnh hòa bình.
Cánh bồ câu trắng xinh xinh,
Nghiêng nghiêng vẽ cảnh thanh bình nước non.
10/10/1954.”

Trong một đoạn văn xuôi khác, cha tôi tả rất thực cái ngày hân hoan và thanh bình ấy, chính là một “đồng dạng phối cảnh” của mấy câu thơ cổ động mộc mạc trên, khi ông cùng một số cán bộ chiến sĩ Ty Công an Hà Nội - thuộc cánh quân phía Nam đêm trước hội quân ở đầm Sét để sáng sớm ngày 10 tháng 10 tiến vào tiếp quản Thủ đô:
Đơn vị vượt qua ngã tư, vào phố Bạch Mai… Người hai bên đường đổ ra đông nghịt, cờ, băng, khẩu hiệu và hoa từ trên cột đèn, cửa sổ và từ những bàn tay cụ già, em bé, con gái, con trai xòe ra, tung lên nhấp nhô như sóng dậy. Đường phố theo bước chân đoàn quân chiến thắng như khoác chiếc áo mới rực ánh vinh quang, xua tan bóng thù hắc ám những năm tháng đã qua. Bạch Mai, phố Huế, Hàng Bài rẽ vào Trần Hưng Đạo về trụ sở số nhà 87, cứ đến mỗi ngã tư, một tổ cảnh binh ở lại làm nhiệm vụ, số còn lại tiếp tục đi cho đến khi tới đích…”.
 
zalo 236461257094785zalo 237027599144358
Cụ Nguyễn Hồng Phúc, năm 1950 ở Hòa Bình và tấm Huy hiệu kháng chiến mà gia đình trân trọng lưu giữ.
 
Để rồi, mỗi khi tháng Mười về, chắc hẳn ký ức dày chắc như trường thành kia lại dâng tràn nơi cõi nhớ, cõi yêu của mỗi  người con Hà Nội kháng chiến… Khi trời ngả đất nghiêng, lớp thanh niên ưu tú Hà Nội để lại sau lưng ngôi nhà ấm êm và thành phố thân thương của mình, vì nghĩa lớn dấn thân vào chốn sinh tử như mũi tên dũng mãnh chỉ biết phóng đi một chiều, lòng thơ thới nhẹ như chút phấn hoa vương trên cánh bướm:
“Đây là đâu? Có những chàng trai trẻ,
Mắt long lanh trong nắng đẹp Trường kỳ.
Đây là đâu? Trên nẻo đường nhỏ bé,
Cỏ xanh rờn vương nhẹ bước chân đi.
Tháng 10/1951.”
 
   Đọc lại nhật ký thơ “Ghi lại cảm xúc trên đường Cách mạng” của cha tôi, tôi lại nhớ lúc sinh thời, mỗi lần nắng thu vàng rực, trong đôi mắt trái bàng mọng chín của một người già hay suy tư, bỗng lấp lánh những tia sáng lạ lùng... Sau nụ cười mỉm ý tứ, cha tôi thường nửa đọc nửa ngâm những câu thơ đã viết trong những năm tháng khó quên… và lúc ấy, hẳn người đang nhẩm đếm xem đời mình có bao nhiêu những ngày tháng Mười rực rỡ để “ngày vô giá” lặp lại như điệp khúc hiện sinh tươi hồng. Cao hứng nữa, ông hát những bài hát khi da diết, khi hùng tráng, cao độ, trường độ chẳng chuẩn điệu, cứ ngang ngang, nhưng sao chân thật, xúc động, làm đàn con cháu như cũng cuốn theo tâm trạng phấn chấn ấy…
Cuối năm 1946, theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, từ một gia sư an phận bên mẹ già con dại, ông tham gia chính quyền địa phương cơ sở cùng thợ thuyền, bà con cần lao lập kho lương chuẩn bị kháng chiến. Ngày Pháp gây hấn tại phố Yên Ninh, lo cho gia đình và khu phố tản cư xong, người thanh niên 26 tuổi ấy, lập tức rời khỏi thành, hành trang là cái vỏ chăn bọc mấy bộ quần áo, vài cân gạo và đôi giày vải cũ…
Là một trí thức tiểu tư sản mê chữ nghĩa, thạo tiếng Pháp, tháng 2 năm 1948, cha tôi được tổ chức giao trách nhiệm là Tổ trưởng Tổ Sưu tập Ty Công an Hà Nội (lúc đầu quân số chỉ có 9 người), sau gọi là Ban Tập liệu. Được đào tạo các khóa công an trung cấp, cán sự kháng chiến, tham gia các hội nghị chuyên ngành, ông cùng anh em phụ trách kho tài liệu di động, chuyên đọc báo cáo từ nội thành gửi ra, sắp xếp thành hồ sơ, chương mục, theo dõi tình hình địch và các hoạt động của ta trong nội thành và vùng địch hậu, dịch thuật tin tức từ các báo tiếng Pháp, phổ biến công văn, báo chí, tranh ảnh, mở các lớp học chính trị nghiệp vụ cho anh em trong thành ra, làm thơ, viết báo liếp, sáng tác những câu hò dí dỏm dễ nhớ góp phần động viên tinh thần anh em chiến sĩ, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ cho nhân dân địa phương nơi đóng quân. Ròng rã 8 năm công tác ở các xã ngoại thành, rồi Thường Tín, Phú Xuyên, Sơn Tây, Thanh Hóa, Hòa Bình, cơ quan phải di chuyển hàng trăm lần để đảm bảo bí mật. Sau những trận bom, cuộc vây ráp, truy lùng, đơn vị lại hy sinh, thương vong một số. Bữa ăn thời chiến đạm bạc, chỉ hai lưng cơm hoặc ngô bung chẳng đủ no, đôi khi cháo loãng nấu với rau láo nháo cầm hơi, thảng hoặc thịnh soạn lắm thì có chút thịt ngựa, đĩa tôm riu, đĩa mít xanh xào. Trai phố lên rừng dáng dấp khôi vĩ là thế, mà chỉ vài tháng sau đều ngã nước, ghẻ lở, sốt rét liên miên… Nhưng lạ thay, chính tâm hồn lãng mạn của “tuổi trẻ thời chinh chiến, vương hương một mùa thu” trên “nẻo đường kháng chiến ngát hương đời”, đã nâng đỡ bước chân họ kiên vững lý tưởng rửa hận nước, trả món nợ kiếp người trong trời đất bao la. Hừng hực khỏe khoắn là âm điệu bài thơ Xuân của cha tôi viết năm 1947, năm ông nhận “tuổi vàng” đầu tiên khi được kết nạp Đảng lớp “Cách mạng tháng Tám” trong một đêm không trăng sao tại hậu cung Đình làng Hưng Hiền, bên dòng Nhuệ Giang, khi tổ chức rút vào bí mật. Những người đầu xanh tuổi trẻ phong nhã thư hương của Hà Nội đã hòa vào cuộc đời rộng lớn của dân tộc khoáng đạt và mãnh liệt như thế:
“Tôi kháng chiến, tôi say sưa kháng chiến!
Nghe tiếng súng, lòng vui không bờ bến
Nhìn lửa reo, mắt sáng rực đua tranh,
Phá cho tan, phá cho thật tan tành
Phá thật trụi ngục tù: đời nô lệ
Sức dẫu yếu nhưng chí trai mạnh mẽ
Nét Xuân tươi, ngời sáng mắt toàn dân,
Tiếng tơ lòng, nhạc điệu vọng dư âm:
Tôi kháng chiến, tôi say sưa kháng chiến!”

Đầu năm 1950, chiến sự lan rộng, Ty Công an sáp nhập với Ty Điệp báo, Tổ Sưu tập rút sâu vào rừng núi Hòa Bình. Tại đây, sống và làm việc trong an toàn khu, anh em gắn bó như một nhà, một người lên cơn sốt rét rung cả người, thì cả đơn vị dồn chăn đắp cho, trên đống mền dầy cộp ấy đôi khi có cả chú bé giao thông viên nằm chặn bên trên nữa. Cuộc sống hàng ngày tuy thiếu thốn nhưng lạc quan lãng mạn vô cùng… Như một đối trọng với cuộc chiến khốc liệt, con người và thiên nhiên nơi cơ quan kháng chiến trong tâm hồn người chiến sĩ nồng nàn thi cảm, bỗng thành bức họa duy mỹ trang nhã:
“Núi tiếp núi dải trùng trùng điệp điệp,
Rừng xanh xanh vương nhẹ áng mây mờ.
Vắt sườn non, đường uốn khúc quanh co,
Suối trong mát, reo muôn lời thơ đẹp.
Đêm huyền ảo, mây trôi in bóng nguyệt,
Sáng tưng bừng, chim hót đón vầng dương.
Gió vi vu bay nhẹ lá khô vàng,
Mưa trong nắng in mầu muôn sắc thắm.
Nép chân núi, mươi nhà sàn xinh xắn,
Khói lam mờ quyện ánh bạc sương mai.
Nương chênh vênh e lệ nép ven đồi,
Sóng lúa rợn xanh rờn trong thung lũng.
Sơn nữ bước, thướt tha tà áo mỏng,
Mắt say đời, môi hé nở hoa xinh.
Những chàng trai, dao, giỏ giắt bên mình,
Hăng hái sống với mưa ngàn, gió núi…
1/5/1950.”

Lần theo dòng hồi ký, thấy hiện rõ hình ảnh cán bộ chiến sĩ phụ trách kho tài liệu lưu động của Ty Công an Hà Nội ngày đầu kháng chiến, chân chất trong chiếc áo nâu, quần sợi gai cứng quèo. Người to khỏe nhất gánh hai hòm gỗ như anh bán phở, trong chứa công văn, báo chí, ảnh từ nội thành báo cáo ra. Đồng đội khác mỗi người cõng trên vai hai ba lô, hay bị tài liệu cộng thêm một túi dết đựng tư trang, giắt theo quả lựu đạn hoặc súng trường. Mỗi khi giặc càn, phải phá vây mò mẫm trong đêm, ngã lăn xuống bờ ao mép ruộng, lại lồm cồm bò dậy vừa đi vừa chạy… lấy đó làm điều hài hước, vui cười với nhau. Ngày trở về từ phía nam thành phố cùng các đơn vị quân đội, lần đầu tiên họ được đóng bộ quần áo đại cán xám nhạt, đầu đội mũ “cát”, chân đi giày “bát-kết”. Trên túi áo trái có đính huy hiệu và tấm băng đỏ in hai chữ “KHÁNG CHIẾN” - vật duy nhất để phân biệt với số cảnh binh cùng về tiếp quản, thật oai dũng biết bao! Ở ngã tư Trung Hiền đầu làng Mơ, trên đường đi Bạch Mai về trung tâm Thủ đô, có người cháu gái mừng rỡ kêu lớn khi nhận ra cha tôi trong đoàn quân chiến thắng, rồi ba chân bốn cẳng chạy về xóm loan báo tin vui…
Ngày trở về xáo trộn bao mừng mừng tủi tủi: trong chi họ Nguyễn Như làng Hoàng Mai, mà cha tôi là một thành viên, có hai người anh em đã hy sinh trong chiến đấu. Ngôi nhà cũ của gia đình chỉ còn trơ nền đất… Bữa cơm đoàn tụ tổ chức ở nhà một người bà con cho ở nhờ, có đủ mẹ già, vợ trẻ, cô em gái, ba đứa con nhìn cha ngỡ ngàng lạ lẫm bởi xa cách quá lâu… Được như thế, chung riêng cũng đã là trọn vẹn lắm!
Giờ đây, cha tôi cùng các chiến hữu đã về cõi sáng, họ yêu Hà nội thật nhiều và được cũng thật nhiều. Hình ảnh người kháng chiến đẹp như viễn mộng, bởi trước sự sống còn, họ biết khiêm hạ như số không trước vận mệnh đất nước. Anh linh những người con bất tử ấy sẽ trường tồn trong cung lòng lịch sử của thành phố ngàn năm văn hiến.
Đã 70 năm, thời gian qua nhanh như giấc mộng… Hà Nội hôm nay trong mắt ai có khoảng trời vô ưu xanh ngắt, có lá cờ nền huyết hồng và ngôi sao rực sáng mang thông điệp khải hoàn hùng tráng. Một “Ngày vô giá” lại đến trong trời đất và lòng người!
Giờ đây, nâng niu chiếc huy hiệu lấm chấm nốt gỉ sét, nước sơn đã tróc phai vẫn sáng trưng hai chữ “KHÁNG CHIẾN” mà 70 năm trước cha tôi đã đeo trên ngực ngày về tiếp quản Thủ đô; để trong tôi hình ảnh đôi tay run rẩy, thương nhớ và trái tim bỗng hát vang kiêu hãnh về một thế hệ vàng của Hà Nội - huyền nhiệm thay, kỷ vật vô ngôn bỗng cất lời, cha của con đang ở đây, ngay phút giây này!
Trang sử Thăng Long Hà Nội mãi ghi ngày 10 tháng 10 năm 1954, ngày hạnh phúc cộng hưởng từ ngút ngàn những trái tim người biết yêu hết lòng thành phố của mình - một ngày hoàng hoa lộng lẫy mà cha tôi: Nguyễn Hồng Phúc (bí danh kháng chiến là Hoàng Nguyên Thủy) từng sống!

----------------

* Những chữ in nghiêng trong bài đều trích từ bản thảo của cha tôi - cụ Nguyễn Hồng Phúc (bí danh kháng chiến  Hoàng Nguyên Thủy).

Tổng số điểm của bài viết là: 437 trong 105 đánh giá

Xếp hạng: 4.2 - 105 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây