HE XUEJIAO
Tối hôm qua, tôi và bạn thân của tôi đi ăn lẩu haidilao. Tôi và bạn ấy chơi với nhau từ hồi mới vào đại học năm 2014. Hai người đang vừa ăn lẩu vừa “buôn dưa” mọi chuyện trên trời dưới đất. Ngẫu nhiên, bạn thân tôi nói “Tình bạn chúng ta đã đi qua 10 mùa xuân rồi đó, 10 năm nhanh cực...” Tôi mỉm cười nói “Đúng nhỉ? Vừa tròn 10 năm, chúng ta thi “Gaokao” cũng 10 năm rồi đó.” Bạn tôi cười nói “Ừ, cậu nhắc đến “Gaokao”, nhiều khi tớ vẫn hoài niệm quãng thời gian tập trung ôn tập thi, nhớ tuổi thanh xuân đó thiệt, nhưng cũng áp lực...” Tôi cười nói “Ủa, cậu còn hoài niệm thời gian ôn thi luôn hả? Với tớ “Gaokao” như một cơn ác mộng, đến tận bây giờ mỗi lần bị áp lực quá sẽ mơ thấy bị thi rớt “Gaokao”, khóc tu tu rồi liền tỉnh giấc...” Bạn thân tôi nói: “Hiểu hiểu, cái cảm giác đó chắc người Trung Quốc nào đã từng tham gia thi “Gaokao” cũng có nhỉ?...thỉnh thoảng tớ cũng có mơ thấy...”
Như bạn thân tôi chia sẻ “Nhiều người cũng có những giấc mơ tương tự như vậy, suốt nhiều năm liền luôn mơ về nỗi ác mộng mang tên ‘Gaokao’”. Lúc thì tôi mơ thấy mình đã thi rớt, trượt đại học, lúc thì tôi mơ thấy mình đang trong phòng thi, khi tiếng chuông vang lên thì mới nhận ra mình đã quên không ghi bài vào phiếu trả lời. Đôi khi tôi mơ thấy mình thi đạt kết quả không như mong muốn, đang phân vân không biết có nên ôn lại không...Những cảm giác này đều có một điểm chung là tiêu cực, thất vọng và áp lực như ngọn núi đè lên người... “Gaokao” như một cơn ác mộng của biết bao thí sinh Trung Quốc, nhưng cũng là một cơ hội đổi đời như cá chép vượt Vũ Môn cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
“Gaokao” là cách gọi tắt của Kỳ thi Tuyển sinh Đại học Toàn Quốc (普通高等学校招生全国统一考试, Phổ thông Cao đẳng học hiệu chiêu sinh toàn quốc thống nhất khảo thí) hay viết là là Cao khảo theo quy tắc tiếng Việt(高考, phiên âm: gāo kǎo) là một kỳ thi chung được tổ chức hàng năm ở Trung Quốc. Thí sinh tham gia kỳ thi thường là những học sinh năm cuối cấp trung học phổ thông, mặc dù không có giới hạn độ tuổi kể từ năm 2001. Kỳ thi “Gaokao” thường diễn ra vào ngày 7 và 8 tháng 6, hoặc một số nơi kéo dài tới ngày 9 tùy theo địa phương. Tháng 6 ở quê tôi hoặc ở nhiều tỉnh của Trung Quốc đang vào mùa mưa, vì vậy những ngày thi thường là ngày mưa. Chúng ta thường nói sự cố gắng của thí sinh suốt 12 năm vất vả đèn sách cũng khiến cho ông trời xúc động, khóc cho thí sinh.
Kỳ thi “Gaokao” thường bao gồm hai môn tiêu chuẩn là môn ngữ văn và toán. Còn môn ngoại ngữ có thể chọn một trong các môn tiếng Anh, Pháp, Nhật, Nga, Đức và Tây Ban Nha làm bài thi ngoại ngữ (mặc dù sáu ngôn ngữ được xác định là môn thi tuyển sinh đại học năm 1983, nhưng đại đa số thí sinh coi “ngoại ngữ” là “Tiếng Anh, và Tiếng Anh là ngôn ngữ được lựa chọn thi nhiều nhất). Bởi vì tôi là người sinh ra và lớn lên ở vùng thiếu thông tin, nói thật ngày xưa trường tôi chỉ có tiếng Anh bắt buộc mà thôi chúng chưa có điều kiện học tiếng Pháp, Nhật...Ngoài 3 môn này, thí sinh có thể tự nguyện học văn (文科) hay tự nhiên(理科) khi học Cao Trung (Gaoer - 高二) tức là lớp 11 của Việt Nam. Nếu chọn học văn thì sẽ thi các môn như lịch sử, chính trị và địa lý, còn học tự nhiên sẽ thi các môn vật lý, hóa học và sinh học. “Gaokao” sau này cải cách, hiện tại, hình như thí sinh sẽ có nhiều lựa chọn khác như chọn 3 môn như lịch sử, địa lý hoặc sinh học...
Ở Trung Quốc, mọi người thường nói kỳ thi “Gaokao” giống như ngàn quân vạn mã vượt qua cây cầu độc nhất, như phép thuật có thể thay đổi và quyết định cả cuộc đời của một thí sinh. Chắc mọi người thấy câu này rất quá đáng và thiếu khoa học đúng không nhỉ? Khi tôi vẫn là thí sinh tôi rất tin tưởng vào câu nói này, cũng lấy câu này để cổ vũ cho chính bản thân mình để cố gắng thi tốt, thay đổi cuộc đời. Sau này, tôi càng tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau và giao lưu với nhiều nước ngoài. Tôi mới biết được kỳ thi “Gaokao” của Trung Quốc được mệnh danh là “Kỳ thi khắc nghiệt nhất thế giới”. Mọi người nói như thế tôi cũng nhất trí. Hằng năm có hơn 10 triệu thí sinh tham gia cuộc kỳ, tỷ lệ cạnh tranh cực khủng khiếp.
Tôi vẫn còn rất nhớ rõ thời gian chuẩn bị cho kỳ thi “Gaokao”. Lúc đó, tôi đang theo học tại một trong những trường trung học nổi tiếng nhất ở quê hương mình. Có một câu nói quen thuộc ở quê tôi: “Một khi đã vào được trường trung học Toàn Châu, thì coi như bạn đã bước một chân vào cổng đại học rồi.”.Trường trung học của tôi mỗi năm đều có thí sinh đậu vào các trường như Thanh Hoa, Bắc Kinh và nhiều trường danh tiếng khác. Tuy nhiên, tôi cho rằng đó là kết quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các thí sinh và sự hướng dẫn không ngừng của các thầy cô. Nhưng cũng phải nói rằng, ở một mức độ nào đó, chúng tôi cũng trở thành những chiếc “máy móc” làm bài tập để quen với kỳ thi “Gaokao” thôi.
Tôi nhớ rằng, từ khi bước vào lớp 10 ở trường này, tất cả những gì chúng tôi làm đều nhằm chuẩn bị cho kỳ thi “Gaokao” 3 năm sau. Chúng tôi học từ 7 giờ sáng đến 10 giờ tối, từ thứ Hai đến thứ Sáu. Mỗi tháng, cả trường đều có một kỳ thi, và kết quả sẽ được xếp hạng theo từng lớp. Trước đây, tôi luôn rất sợ khi xem bảng điểm, bởi vì đó như một “bảng vinh danh và nhục nhã” vô hình, những ai đứng đầu sẽ vui mừng, còn những ai ở cuối sẽ bị các thầy cô “quan tâm” đặc biệt.
Đến khi lên lớp 11, chúng tôi sẽ được chia lại thành các lớp Văn và Tự nhiên dựa trên kết quả học tập ở lớp 10. Sau khi chia ra Văn và Tự nhiên, những học sinh có thành tích xuất sắc sẽ được phân vào lớp chuyên Văn và chuyên Tự nhiên thông minh, còn những học sinh khác sẽ vào lớp thông thường. Lúc đó, kết quả học tập của tôi khá tốt, nên tôi được phân vào lớp chuyên Văn.
Trong lớp chuyên Văn, khoảng 2/3 học sinh là từ thành phố, chỉ có một số ít từ nông thôn. Điều này cho thấy sự chênh lệch về tài nguyên giáo dục giữa thành thị và nông thôn ở Trung Quốc. Tôi nhớ lúc đó tôi rất thiếu tự tin ở bản thân trong lớp, kết quả học tập cũng chỉ bình thường, và các điều kiện vật chất khác cũng không thể so sánh được với các bạn ở thành phố. Ở Trung Quốc, chúng tôi bị phân chia thành “trẻ em thành phố” và “trẻ em nông thôn” ngay từ lúc mới sinh ra. Nên một “trẻ em nông thôn” như tôi, tôi biết “Gaokao” là con đường duy nhất để giúp tôi rời khỏi vùng nông thôn và bước ra thế giới. Tuy con đường rất hẹp, cùng với sự cạnh tranh khốc liệt, nhưng tôi biết tôi đã không có sự lựa chọn.
Lên lớp 11, tôi được vào lớp chọn, mỗi kỳ thi hàng tháng trở thành hằng tuần. Thời gian học cũng bị kéo dài so với những lớp thông thường. Thứ 7 tôi vẫn phải ở lại trường học. Nên 2 tuần tôi mới được về quê 1 lần, mỗi lần chỉ có một ngày chủ nhật. Những thời gian khác tôi phải ở nội trú trong trường, học bài từ sáng đến tối. Thời tiết ấm áp thì không sao, còn mùa động nội trú trong trường với một thời gian học tập dài như vậy như một hình phạt khốc kiệt. Nhiệt độ vào mùa đông ở quê tôi sẽ khoảng 0 độ C hoặc dưới âm độ C. Ở trong lớp học hoặc ký túc xá cũng không có máy ấm hoặc điều hòa. Thời gian đó, tôi vừa phải cam chịu thời tiết khốc liệt, lại phải đựng chịu áp lực “Gaokao”, cũng phải chịu sự cô độc, một cô gái một mình xa nhà xa ba mẹ. Tôi vẫn nhớ lúc mới vào lớp chọn chuyên văn. Tôi không thể thích nghi được kỳ thi hằng tuần và môi trường mới, sống xa gia đình. Tôi bị trầm cảm nửa năm, bị mất thanh, thành tích cũng xuống dốc. Lúc đấy, tôi không thể nào tâm sự được với ai cả, cũng không dám khóc sợ ảnh hưởng tới người khác. Tôi không muốn ba mẹ lo lắng, vì ba mẹ cũng đang mong chờ con mình có thể thi đậu đại học đổi đời. Các thầy cô giáo cũng quan tâm tới thành tích nhiều hơn so với tâm thế học sinh. Học sinh cùng hợp của lớp chọn chỉ coi mỗi đối tượng là đối thủ cạnh tranh...
Lên lớp 12, học sinh cũng dần dần quen với việc làm đề thi. Sắp đến ngày thi “Gaokao”, tâm thế của mỗi học sinh cũng rất căng thẳng khi chuẩn bị lên chiến trường. Các thí sinh đều có cảm giác như đang cố gắng thi đậu đại học để kết thúc “hình phạt” này cũng như giành được tự do.
Mặc dù kỳ thi “Gaokao” như một cơn ác mộng tàn nhẫn đối với tôi và ảnh hưởng tới tôi đến tận bây giờ, nhưng tôi vẫn rất biết ơn vì đã nỗ lực rất nhiều và đạt được kết quả tương đối tốt, đủ để được vào đại học. Tôi không thể đánh giá hệ thống “Gaokao” này tốt hay xấu. Với một đất nước đông dân như Trung Quốc, chúng tôi cũng rất khó tìm ra cách làm nào khác tốt hơn để thực hiện được sự công bằng, công lý trong giáo dục, hoặc để giảm khoảng cách giàu nghèo và đạt được mục tiêu làm giàu chung.
Nhưng đối với những đứa trẻ xuất thân từ gia đình nghèo khó (trẻ em nông thôn) như tôi, kỳ thi “Gaokao” đã mang lại cho chúng tôi một cơ hội để cạnh tranh công bằng với những “Trẻ em thành phố”, những đứa trẻ có gia đình điều kiện và nguồn giáo dục tốt hơn. Sau khi kết thúc kỳ thi “Gaokao” và nhận được thông báo trúng tuyển, ngày khai giảng đại học, không chỉ là lần đầu tiên tôi đi tàu hỏa, mà còn là lần đầu tiên rời khỏi quê hương, rời khỏi thị trấn quê mình. Dù 10 năm đã trôi qua, tôi vẫn nhớ rõ hình ảnh một cô gái tràn đầy hy vọng, với một nụ cười rạng rỡ trên chuyến tàu lắc rắc màu xanh đang mơ ước về tương lai phía trước.
Ảnh minh họa: ST
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn