Ca trù Hà Nội hằng thương, hằng nhớ qua GIỌT GIỌT ĐÊM HÀ NỘI của Phạm Thị Phương Thảo

Thứ năm - 05/09/2024 19:21
Ca trù Hà Nội hằng thương, hằng nhớ qua  GIỌT GIỌT ĐÊM HÀ NỘI của Phạm Thị Phương Thảo
 

       Nguyễn Thị Minh Bắc

      Bên cạnh các tác phẩm văn xuôi được đông đảo bạn đọc đón nhận, Phạm Thị Phương Thảo còn được biết đến là một tài thơ đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong sự hâm mộ của bao người, qua 12 tập thơ và 4 tập trường ca. Theo Đại từ điển tiếng Việt: “Trường ca tác phảm dài bằng thơ, có nội dung, ý nghĩa xã hội rộng lớn”(Nxb ĐHQG, Tp HCM, 2008). Đúng vậy, “Giọt giọt đêm Hà Nội”-  tập trường ca mới của Phương Thảo được ra mắt đúng vào dịp kỉ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô là thành quả của cả một quá trình lao động  nghệ thuật nghiêm túc, đầy sáng tạo và say mê. Nhằm góp thêm một tiếng nói vào việc giữ gìn tinh hoa văn hóa Thăng Long Hà Nội trong cuộc sống hội nhập với văn hóa nhân loại ngày nay.

Tập trường ca “Giọt giọt đêm Hà Nội”, NXB Hội Nhà văn, 2024 của Phạm Thị Phương Thảo gồm 12 chương và 81 khúc ca. Mỗi một khúc ca đều in đậm những kí ức, hoài niệm về Thăng long Hà Nội, Tình yêu Hà Nội, yêu truyền thống văn hóa dân tộc của tác giả luôn tan chảy trong từng hình ảnh thơ, lấp lánh một vẻ đẹp riêng, dồi dào nhịp sống, có sức hấp dẫn, sức cuốn hút đặc biệt. Hình tượng Giọt giọt đêm cứ trăn trở, lặng lẽ cuốn theo thời gian, không gian, tâm tưởng, tâm trí, cảm xúc... của nhà thơ. Hiện rõ một tâm hồn khao khát, chìm và lắng rất sâu vào vùng đất Thăng Long xưa - nay, với bao số phận, bóng dáng con đường, phố cổ, âm thanh, sác màu, hương vị...

Nhiều nét đẹp đặc trưng của Hà Nội được gợi về bằng những hình ảnh thơ sinh động cụ thể: “Gió sông Hồng thổi cong con đê cũ.../ Hồ Trúc Bạch sương trắng thức cùng đêm/ Đâu phải chỉ là 36 phố phường/ Bộn bề nỗi đau kẻ chợ”. Chị hòa mình vào từng giọt đêm để lắng nghe, thấu hiểu, thu lượm từng âm thanh mà chiêm nghiệm cuộc sống người Hà Thành. Đón nhận từng tiếng giao đêm, tiếng xe xích lô, tiếng lao xao của chợ đêm Đồng Xuân, những tiếng dương cầm vọng qua phố vắng. Ấn tượng nhất là tiếng ca trù khoan nhặt theo nhịp phách bên đình cổ... Tất cả những thanh âm phố phường ấy, cứ vấn vít, vang ngân, khơi dậy, đánh thức kí ức tuổi thơ, vừa lung linh xa mờ, vừa hiện hữu, ẩn hiện những vui buồn của đời người, của văn hóa, lịch sử dân tộc.

 Trục cảm hứng chủ đạo xuyên suốt tập thơ

  Có thể nói, ĐÊM  là thời gian nghệ thuật đầy ám ảnh, cũng chính là trục cảm hứng chủ đạo xuyên suốt tập trường ca. Điều đó đã toát nên được chủ ý nghệ thuật của tác giả ngay từ tên đề của cuốn sách - “Giọt giọt đêm Hà Nội”. Nhà thơ Phương Thảo chọn thời gian Đêm cho dễ cất lên tiếng nói chân thực của lòng mình, thể hiện sự đào sâu suy ngẫm vào bản thể, chiêm nghiệm từ thực tế từng trải qua bao thăng trầm của cuộc đời. Đêm trong thơ Phương Thảo vì thế đã trở thành một hình tượng nghệ thuật độc và lạ. Độc và lạ ngay từ phần mở đầu tập thơ:

Hà Nội giọt giọt đêm tan chảy
Rót mê đắm ngọt ngào, bản tình ca
không tên.
Giọt giọt đêm Hà Nội”.

Ban đêm mọi cảnh vật dường như đang chìm trong giấc ngủ, trong sự  lặng tĩnh, thường cũng là lúc khơi dậy cảm hứng ở độ thăng hoa với thi nhân. Điều đó khiến ta hiểu vì sao trong thơ chị hiện về ngổn ngang bao nỗi nhớ. Nỗi nhớ nào cũng xốn xang, xao động, đẹp như một giấc mơ. Là giấc mơ nên hình ảnh Hà Nội với cội nguồn lịch sử được hóa thân hiện về qua lời kể của sông Hồng, dãy phố, hàng cây, các di tích, địa danh  và mặt hồ soi bóng..., tất cả đều lung linh hiện hữu.

Nhà thơ rót mê đắm ngọt ngào vào câu chữ để dệt thành bản tình ca không tên”, nối quá khứ với hiện tại, đẹp đẽ, thuần khiết và rất thơ mộng. Bản tình ca ấy cứ ngân dài, vang xa, vọng về cái thời gian hồng hoang xa lắc. Đó là “Hà Nội ngàn năm/ Hồn cốt Thăng Long trầm tích/ Đêm nay chợt vỡ òa/ Trở dạ hân hoan”. Cứ thế, cứ thế, mạch cảm xúc của nhà thơ tan chảy vào trùng điệp dày đặc các di tích lịch sử, văn hóa, những cảnh sắc thiên nhiên diêm lệ thuần khiết, rất đỗi tự hào về Hà Nội.

Đêm trong “Giọt giọt đêm Hà Nội” của chị được gợi tả rất đa dạng, nhiều dáng vẻ, với nhiều cung bậc tình cảm rất tự nhiên, khéo léo. Có hàng trăm nghìn dáng vẻ của đêm mà vẻ nào cũng hiện rõ hồn thiêng Hà Nội. Nó đan kết hòa quyện để nối ngày qua đêm, nối các mùa trong năm, nối ngày xưa đến nay và mai sau. Ở những mấu nối ấy tạo thành những liên tướng rất sâu, tạc vào thời khắc dêm Hà Nội bằng những hình ảnh độc đáo, trân quý về một Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Chiều sâu ấn tượng nhất trong đêm Hà Nội là âm thanh. Đêm càng khuya, âm thanh càng lánh lót, xao động lòng người. Nếu không có một tình yêu ca hát thì khó có thể nhập cuộc, mê đắm trước một tiếng dương cầm hay một giọng ca trù. Chẳng thế mà khi diễn tả về những âm thanh ấy, Phạm Thị Phương Thảo đã dành trọn hẳn một chương: chương VII, giọt giọt dương cầm (tr 90) và chương II với “giọt giọt ca trù” (tr 37).

Suy ngẫm về ca trù, nhà thơ cảm được sâu xa ý nghĩa của nó. Ở phần đầu chương II – trong “Giọt giọt đêm ca trù”, chị viết:

Đêm ca trù tiếng phách, tiếng đàn/ Giọng ca buồn cất lên, cất lên/ “canh khuya đưa khách...”, lời em hát (...)Như thực, như mơ/ Hồng hồng tuyết tuyết/ Lời ngọc tiếng tơ/ Đêm Hà Nội, nghe tiếng phố và trăng cùng thở” . Những giai điệu quen cũ “hồng hồng, tuyết tuyết” gợi về những mơ màng xa xăm.

Đúng như nhà thơ đã nhận xét, “ca trù xưa, thú vui tao nhã đến bây giờ”. Bởi giai điệu của lời ca vẫn vang vọng tiếng tơ tiếng trúc, da diết, u hoài, trầm tư trong nhịp phách, đàn. Giọng ca nương trong ngôi đình cổ, cứ len lỏi vọng vào đêm vắng những “chuyện xưa nghe thăm thẳm tiếng giọt giọt buồn”, vọng vào mặt nước Hồ Gươm, phảng phất trên những con phố vắng, với điệu “tom tom chát...” xáo động hồn Thăng Long, đánh thức sóng sông Hồng.

Thơ Phương Thảo hàm súc, giàu sự liên tưởng, gợi mở về tận ngọn nguồn “quý phái” của nghệ thuật ca trù. Nhà thơ đưa người đọc trở về thời “hoàng kim thơ Đường”, đến với Thần thơ Bạch Cư Dị để thưởng thức giọng ca cho đã:

Bóng dáng thơ Tỳ bà hành...
Luyến láy vào đêm mơ hồ, mơ hồ
Giọng ai cùng tom chat tiếng thơ?

Nói về sức hấp dẫn của ca trù, Phương Thảo liên tưởng ngay đến tiếng đàn Tỳ bà Bạch Cư Dị tiễn khách trên bến Tầm Dương, tại thị trấn Cửu Long Giang, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Nghe tiếng đàn Tỳ bà khi khoan, khi nhặt, khi to khi nhỏ, khi ào ạt như mưa rào, khi nỉ non tâm sự. Tiếng đàn ở đây được diễn tả ở nhiều cung bậc, nhiều giai đoạn cảm xúc khác nhau: vừa có tiếng sắt, tiếng vàng chen nhau, vừa có tiếng ríu rít của oanh ca, tiếng nước sa xuống ghềnh, lại vừa có tiếng binh khí va nhau, có tiếng lụa xé và tiếng bình hạc vỡ... Mô tả tiếng đàn là biểu thị tài năng của người chơi, tâm trạng đầy thán phục của người nghe và sự sẻ chia đồng cảm của tác giả.

Nói về ca trù Hà Nội, nhà thơ nhắc tới ca nương Bạch Vân trong (khúc ca 11): Ca trù chị hát đêm nay/ Giọt đêm say đắm, ngất ngây bao người. (Tr. 37). Nhà thơ Phương Thảo trân trọng và cảm phục nghệ sĩ Bạch Vân và tình yêu lối hát ca trù của chị. Năm 1996, Bạch Vân mở một câu lạc bộ hát ca trù Hà Nội, nhằm khôi phục lối hát một thời bị lãng quên. Phương Thảo cũng từng đến dự, nên rất cảm kích, nhắc tới Bạch Vân trong khúc ca này:

BẠCH VÂN - mây trắng buông lơi
Giọng ca vang ngọt, nhả lời, vân vi.
Mùa mùa, mây trắng thiên di
Đêm đêm, đàn phách, ngại gì gian truân.
Giọt giọt đêm, rót vào lòng
Ca trù, mùa thả trắng trong lên trời”.

Lời thơ như dẫn dắt người đọc ngập chìm vào không gian nghệ thuật ca trù. Không gian ấy được giới thiệu thật đặc biệt ấn tượng với giọng ca buông lơi, nhả lời cùng đàn phách, tạc vào đêm Hà Nội, rót thổn thức vào lòng người nghe, vào những nỗi niềm gian truân của kiếp hát. Hình ảnh “mây trắng buông lơi” đầy sức gợi. Mây trắng làm cho trời cao hơn, đẹp hơn, lãng mạn hơn, nhưng ở đây, mây trắng cũng chưa hẳn là mây trắng. Có màu trắng, nhưng là màu trắng của sự phôi pha, tan loãng. Liền đó là mây trắng thiên di, ngại gì gian truân... tạo ra cái đối lập về số phận. Câu thơ nói đến “ca trù, mùa thả trắng trong lên trời”, ý thơ nói Bạch Vân như tan vào mây trắng, cũng vĩnh hằng như ca trù Hà Nội với cái tên ca nương Bạch Vân. Điệp từ mây trắng được nhắc lại trong đoạn thơ, một lẫn nữa nhấn mạnh, khắc sâu thời gian thăng hoa và nỗi niềm trắc ẩn với bao ngẫm suy về việc bị lãng quên của nghệ thuật hát ca trù, cũng như số phận người nghệ sĩ “Ả đào” một thuở.

Cùng với ca trù, tiếng dương cầm thánh thót trong đêm Hà Nội, ngân những khúc nhân gian mở ra ngày mới với nhiều điều thú vị. Thật sáng tạo, khi nhà thơ đã nhuộm tím “tiếng dương cầm trong đêm Hà Nội” trong  “Giọt giọt dương cầm” (chương VII, khúc ca 34- 38).

Phương Thảo lang thang cùng “những phím đàn long” trên sân vắng đầy lá rụng, theo dấu chân buồn xưa Phan Vũ. Thẩm thấu tiếng đàn Piano trong đêm, chị nhân rõ con “mắt phố” nhức đau, khoáy sâu vào kí ức của 12 ngày đêm, khi giặc Mĩ ném bom dữ dội, phá nát phố Khâm Thiêm, phá gẫy cầu Long Biên Hà Nội (1972).

Đồng thời, mỗi góc phố cũng là một thiên tình sử, tạc vào kí ức không quên những tên tuổi các nghệ sĩ tài ba như “ Trịnh Thị Nhàn hay Đặng Thái Sơn”... Đêm trăng về, những cuộc đời còn mất, giọt dương cầm chìm, khuất, tan vào phố vắng, tạc vào không gian vũ trụ mênh mông.

Buổi sớm khi bình minh thức dậy, dương cầm ngân vang những tình khúc nhân gian lướt trên mái phố. Đi trên con phố Nguyễn Đình Thi ven Hồ Tây, nhà thơ liên tưởng nhớ bản “hùng ca Người Hà Nội” và  ngưỡng mộ chí khí quyết tâm của người Hà Nội ra đi kháng chiến, bỏ mặc “sau lưng thềm nắng lá rơi đầy...”.

Phải tinh tế lắm, nhà thơ mới có thể hình tượng hóa Giọt giọt dương cầm bằng màu săc, âm thanh, ánh sáng, lúc ban mai, khi trời thu mưa,  nắng, với đêm trăng hoa sấu rắc vàng thềm phố, một cách tự nhiên đến vậy.

Mượn lời Kể của sông Hồng, Phương Thảo làm sống dậy hồn cốt Hà Nội cả nghìn năm văn hóa với bao trầm tích. Đưa người đọc trở về thuở hồng hoang mà lắng nghe, suy ngẫm, tự hào vơi điểm nhấn là việc vua Lý Công Uẩn rời kinh đô Hoa Lư  về đất Thăng long:

Và sông Hồng đêm đêm lắng nghe bao tiếng vọng.
Tiếng người xưa và cả tiếng hôm nay
Văn minh sông Hồng thấm bề dày lịch sử
Hà Nội ngàn năm, nuôi ta lớn từng ngày!

Hoàng thành Thăng Long - dáng Rồng bay, đậm dấu ấn văn hóa Á Đông, chứa đựng cả niềm tin hi vọng vào sự phát triển tốt đẹp lâu dài của đất nước.

Tứ thơ giàu tính sáng tạo

Tên của tập thơ - giọt giọt đêm Hà Nội đã là một tứ thơ độc lạ, chi phối toàn bộ nội dung, ý nghĩa tác phẩm. Mỗi giọt giọt đêm trong thơ Phạm Phương Thảo là một tứ thơ, biểu đạt về một trạng thái tâm tư riêng thật đặc biệt. Sức hấp dẫn của tPhạm Phương Thảo chính là ở tứ thơ lạ và hay ấy. Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Tứ thơ là cảm xúc thơ, hoặc ý nghĩa hình ảnh thơ. Cấu tứ là tạo được hình tượng có khả năng khêu gợi được cảm xúc thơ, tức cái cảm xúc nhân văn của tâm hồn con người. Đó là sự kết hợp hình ảnh sống động và ý thơ, sao cho sự sống của hình ảnh càng triển khai ra càng thêm nhiều ý nghĩa”(Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, 1992, tr 208). Trong thơ, Phạm Phương Thảo tỏ rõ sự cân nhắc kĩ lưỡng khi chọn tứ thơ, tạo ra một cách nhìn, một cách cảm và một cách nghĩ của riêng mình. Chính cái tứ thơ Giọt giọt đêm Hà Nội ấy chi phối toàn bộ cảm xúc, là “chiếc xe” chuyển tải nội dung và ý nghĩa, hiện rõ một hồn thiêng đặc trưng kinh kì Hà Nội, rất giàu bản sắc văn hóa dân tộc.     

Với cách viết độc đáo này, Phương Thảo đã đem đến sự đồng cảm sâu sắc tới đông đảo người dân Hà Nội. Chứng tỏ việc tìm tứ để diễn đạt ý thơ của tác giả là công việc lao động nghệ thuật tinh vi, nó vừa đòi hỏi một sự khổ công tìm tòi, vừa phải có một tài năng sáng tạo. Bởi tứ thơ có thể nảy sinh từ hình tượng xuyên suốt cả bài thơ, có thể nảy sinh từ một cảm xúc chung rồi dẫn dắt ra những dòng suy nghĩ, liên tưởng về Hà Nội.

Điều đáng quý là ở đây, Phương Thảo đã chọn hình tượng giọt giọt đêm làm nên cái tứ thơ độc đáo, xuyên suốt tác phẩm. Nhiều khúc ca kế tiếp nhau cũng đều là giọt giọt đêm, như: “giọt giọt đêm ca trù”, “giọt giọt dương cầm” cùng dăng mắc, hé lộ bao yêu thương tha thiết, với rất nhiều ẩn ức và những hoài niệm khó giãi bày. Nên nhà thơ đã tin cậy, trao gửi nỗi lòng, kí thác vào “Ca trù chị hát đêm nay/ Giọt đêm say đắm, ngất ngây bao người...Mênh mang sông nước đầy vơi/ Hồ Tây dào dạt, đất trời ngả nghiêng”. Đó là tâm trạng có thực của nhà thơ đã trở thành một khuynh hướng nghệ thuật, đậm chất nhân văn, khơi gợi tình đời, tình người Hà Nội thanh lịch.

Đêm trong thơ Phương Thảo cũng là một tứ thơ biểu hiện rõ không gian và thời gian nghệ thuật, bằng những hình tượng phong phú, giàu sức gợi, có liên hệ sâu xa với văn hóa kinh đô Thăng long Hà Nội. Đó là con “Sông Hồng chứng nhân lịch sử.../ Ghi trên mảnh đất Thăng long/ Nhớ xưa một vùng châu thổ/ Làng quê lúa xanh trù phú/ Vùng đất ấy thật linh thiêng/ Một dáng “rồng cuộn hổ ngồi!”. Đó là Hà Nội với 36 phố phường xưa, với bao thăng trầm, bao số phận buồn vui đời người và cuộc sống hôm nay với những hi vọng vươn xa...để hòa nhập thế giói.

Thể thơ đa dạng, nghiêng về hiện đại

Tập trường ca “Giọt giọt đêm Hà Nội” rất đa dạng về thể thức. Thể thơ không chỉ gắn với nghệ thuật ngôn từ mà còn phải được xem như là biểu hiện của quan niệm thẩm mĩ đối với đời sống. Ý thức về con người cá nhân và sự vận động đổi thay của Nôi, của xã hội, trong thơ Phạm Phương Thảo được thể hiện rõ bởi lối thơ tự do, mang phong cách hiện đại. Có cả những bài thơ văn xuôi, không bị bó buộc vào câu chữ, tiến tới xóa nhòa khoảng cách giữa thơ và văn xuôi,.

 Một số bài thơ tứ ngôn, ngũ ngôn, mang hơi hướng Kinh thi rất chuẩn. Như “Gió sen còn thổi đêm ngày...” (khúc ca 56, tr 129). “nụ đêm” (khúc ca 57, tr 130)... Trong “Dương cầm trăng” (khúc ca 38, tr 96), thể thơ 4 chữ dặt dìu qua nhiều cung bậc cũng đủ trở thành một giai điệu Hà Nội buồn đẹp, mãi ngân vang trong lòng người đọc:

“ Mòng mọng nụ đêm
 Áo trời cởi gió
 Ngực sen căng nở/
Vạt xanh lấp ló!” ;
Hoặc:
“Hoa sấu rắc vàng
Trên thềm phố cũ
Đêm về mênh mông                                      
Giọt dương cầm Phố”

Ý thơ chứa đựng một nỗi buồn man mác cõi xưa, lấm tấm rơi, phủ trên thềm phố một màu vàng hoài cổ. Ở đây nhà thơ đã mượn hình ảnh giọt dương cầm của người nghệ sĩ tài ba để bày tỏ cảm xúc trầm lắng trong tâm thức mình về nỗi buồn nhân tình thế thái, không chỉ với người Hà Nội mà là chung của mọi người.

Tiếp nối truyền thống, tìm về mạch nguồn dân gian, thơ lục bát trong tập trường ca ít, nhưng rất giàu chất trữ tình, giàu nhạc điệu, mượt mà, uyển chuyển. Những khẩu ngữ, tục ngữ, cách ví von so sánh rất giàu sức gợi: “Hà Thành sương khói mang mang/ Nồng nàn giấc phố, mùa sang, ả  đào” (khúc ca 8, tr 41). Hà Nội là trung tâm kinh tế, văn hóa chính trị lớn nhất của cả nước, cũng là nơi hội tụ được nhiều tinh hoa, tinh tú, nhiều người tài giỏi về đây.  Hà Nội tuy không sản sinh ra ca trù nhưng là nơi tập trung nhiều nghệ nhân ưu tú, đam mê lưu giữ, lan tỏa nét đẹp quý phái, thông tuệ của nghệ thuật hát ca trù nổi bật trên cả nước. Bởi ca trù rất kén người chơi và người thưởng thức. Nên khi nói đến ca trù Hà Nội, Phương Thảo nhắc ngay tới người có công lớn lập ra câu lạc bộ ca trù Hà Nội là “Ca nương Bạch Vân”(khúc ca 1 1, tr 49):

 Ca trù chị hát đêm nay
Giọt đêm say đắm, ngất ngây bao người.
“Thăng Long còn đó, ngàn năm
Chuông chùa Trấn Quốc, bóng rằm Hồ Tây
Vua Lý Công Uẩn về đây
Nhị Hà soi bóng, tháng ngày không quên”.

Những lời thơ dung dị ấy được nhà thơ sử dụng vần điệu tuân thủ theo quy tắc lục bát, thể hiện sinh động không gian, thời gian, các địa danh, di tích cổ xưa, nổi bật nét đặc trưng Hà Nội.

Đôi khi để tạo dấu ấn riêng biệt, lạ hóa, nhà thơ đã sử dụng tách câu thơ ra làm nhiều dòng, để làm mới thể thơ này: “Giang tay vén gió/   Hoa thành/ Giấc/  Sen...” Hướng đến lối thơ tự do, thơ văn xuôi, thể thức thơ hiện đại đòi hỏi nhà thơ phải đi sâu tìm tòi, khám phá, sáng tạo nghệ thuật. Không ít các khúc ca là thơ 6 chữ, 7 chữ, 8 chữ ; rồi ngắn tới 1, 2, 3 chữ, hoặc kéo dài bằng những đoạn thơ văn xuôi trong (Khúc ca tháng tư)...., Sử dụng lối thơ tự do để tác giả tránh sự sáo mòn ngôn ngữ, sự khuôn mẫu về nhạc điệu, nhằm gây được ấn tượng mới mẻ, hấp dẫn. Việc đưa ngôn ngữ đời thường vào thơ, khiến thơ dễ nhập vào người đọc và trở nên gần gũi cuộc sống.

Hướng tới kỉ niệm 75 năm ngày giải phóng thủ đô, có rất nhiều văn nghệ sĩ viết về Hà Nội, trong số đó có nhà thơ Phương Thảo. Chị thu lượm những tinh hoa Hà Nội, đặc biệt nhấn sâu vào nghệ thuật hát ca trù, viết nên bản trường ca  Giọt giọt đêm Hà Nội. Tác phẩm là sự kết tinh, kết tụ, giao hòa và thăng những nét đẹp tinh hoa của Hà Nội. Ca trù được chị nhắc đến nhiều vì giọng ca này rất khó hát, quý phái. Nó là thứ nghệ thuật dân gian bác học, kén nghệ nhân và kén thính giả, được giới “trí thức” Hà Nội ngưỡng mộ. Chả thế mà sau bao thăng trầm quên lãng, đến nay nghệ thuật hát ca trù vẫn xứng danh là “một nét văn hóa thủ đô Hà Nội”.    

*
*   *

Nội là nơi tập trung nhiều những gương mặt anh tú, hội tụ tinh hoa của mọi mọi miền đất nước. Đúng như câu nói: “Tôi không sinh ra ở Hà Nội, nhưng Hà Nội sinh ra và lớn trong tôi”(Nguyễn Phan Quế Mai). Cũng giống như chúng tôi, Phương Thảo với Hà Nội là người như thế.

Tập trường ca của chị vừa thể hiện tình yêu Hà Nội, vừa góp phần lan tỏa những ý nghĩa tích cực vào việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Hà Nội. Góp phần xây dựng một thủ đô văn minh, giàu đẹp, hòa bình, thân thiện và hội nhập thế giới. Hi vọng nghệ thuật ca trù Hà Nội sẽ ngày càng nức tiếng vang xa, hòa nhập mà vẫn giữ nguyên bản sắc văn hóa Thăng Long, Hà Nội.

N.T.M.B


 

Tự thinh không vang ấm tiếng lòng người Hà Nội
 
(Đọc trường ca Giọt giọt đêm Hà Nội -  Phạm Thị Phương Thảo, NXB Hội Nhà văn, tháng 8/2024)
 
 
Nhà văn Phùng Văn Khai
 
 
  Untitled 1 Tôi đã dừng lại rất lâu, đọc lại nhiều lần phần cuối Trường ca Giọt giọt đêm Hà
Nội khúc 57 - Triết lý từ dòng sông với những câu thơ như đồng điệu với mình:
 
Sông Hồng mang theo triết lý đời sống và câu chuyện về sự truyền sinh dòng giống người Việt. Bao áng thi ca cất lên khi ngợi ca tín ngưỡng thờ Mẫu từ phía đầu nguồn dòng sông. Sông Hồng còn chứng kiến bao câu chuyện thú vị về Hà Nội ngàn năm.
Sông Mẹ mở ra những con đường cho dân tộc Việt.
Những con đường mang dấu chân huyền thoại.
Những dòng sông sẽ còn chảy mãi, chảy theo suốt cuộc đời mỗi con người!
 
Phạm Thị Phương Thảo dường như đã thay tôi cất lên thông điệp của dòng sông Hồng với ngọn nguồn lịch sử cũng là nền tảng để chị viết nên Trường ca Giọt giọt đêm Hà Nội. Đây cũng là chìa khóa mở ra cánh cửa ngôn ngữ, cánh cửa thi ca, nhất là Trường ca rất cần những nền tảng rộng dài, từ chất liệu đời sống tới trường thẩm mỹ. Đây cũng là sự từng trải của tác giả, nó âm thầm nhưng kiêu hãnh, lặng lẽ ngân rung. Một ý thức sâu đậm cũng là một trái tim trách nhiệm với cội nguồn lịch sử từ trái tim của người con Hà Nội, rất riêng mà cũng rất chung.
 
Tôi ít đọc thơ của Phạm Thị Phương Thảo. Ngày trước, khi biên tập thơ ở Văn nghệ quân đội, tôi từng trao đổi từng bài, thậm chí từng câu chữ và được lắng nghe, cùng chị chia sẻ để in thơ. Tôi rất hiểu con người thơ ca của chị. Đời sống của chị thế nào đều đã vào thơ ca của chị. Nồng hậu. Đắm say. Chênh chao. Yêu người và tự biết yêu mình đều đến tận cùng khổ đau và hạnh phúc. Thèm sự cao rộng thắm sâu của thiên nhiên. Rất biết đường xa chợ chiều thăm thẳm… Kể từ ấy, tôi đã cho rằng sớm muộn Phạm Thị Phương Thảo sẽ đến với Trường ca, bởi con người ấy, tâm hồn ấy sẽ không chịu đứng yên, không chịu dừng lại với những bài thơ đơn lẻ. Sức vóc của Giọt giọt đêm Hà Nội đã được khởi sự và đi một mạch trên nền cảm xúc ấy:
 
Nước sông Tô vừa trong vừa mát
Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh
Dừng chèo muốn tỏ tâm tình
Sông bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu”.
(Ca dao)
 
Nếu không là người từng trải và tự lượng sức mình, chắc gì Phạm Thị Phương Thảo đã sử dụng những khúc ca dao để làm nền cũng là định hướng
từng trường đoạn trong trường ca vốn đòi hỏi sự biến ảo, đa cành nhánh, đa thể thức, hình thức và nội dung để dẫn dụ bạn đọc? Tác giả ngoài đời vừa
thông minh vừa đằm thắm, tất trong thơ sẽ tự biết quy hoạch các khu vực về một mối để phục vụ mục đích nghệ thuật của mình. Và cũng khá cao tay:
 
Ngắm những ngôi chùa cổ
Soi bóng xuống lòng sông
Kể bao câu chuyện cũ
Bên này là Thăng Long!
 
Đó là điều rất cần thiết để định vị tác giả. Mở ra một biên độ cũng chính là định vị để người thơ có những neo đậu nhịp nhàng. Thơ Phương Thảo tưởng dễ viết mà không hề viết dễ, bởi chị đã biết gói những câu chuyện rất tinh và rất khéo trong câu chữ tưởng chừng mộc mạc có phần nữ tính. Chỉ có người phụ nữ mới phác họa về đàn ông vừa đằm thắm, dịu dàng, lại như đi guốc vào bụng chàng ta:
 
 Chàng hạnh phúc hơn nhiều mỗi khi được ra sông
Nơi Bãi Giữa sông Hồng
Không phải là một ý thích kỳ quặc
Đơn giản là chàng đang hiện thực một khao khát tự do
Chàng đứng đó
Hai bờ vai hứng gió
Hai dải phù sa nâu đổ bóng xuống lưng trần.
 
Người ta vẫn bảo người đàn bà khi yêu không chỉ rất khù khờ dại dột mà còn rất biết tự chịu thân phận đớn đau. Yêu là chết ở trong lòng một ít (Xuân
Diệu). Người đàn bà tên Phương Thảo yêu ra sao, có lẽ chỉ trời biết, đất biết và chị biết? Nhưng người thơ Phương Thảo thấu cảm và yêu con người, nhất là những người đồng điệu với mình thì chỉ vài câu thôi, người ngoài đã biết:
 
Ca nương trầm bổng đàn đêm
Tình yêu, khát vọng, nỗi niềm, đớn đau…
Lối xưa xe ngựa, nát nhàu
Nghe hồn thu thảo trong câu thơ buồn.
 
Và đây nữa:
Sông Hồng hát trong đêm Hà Nội
Phố cổ xênh xang, một giọng ca trù…
 
Thì đó không chỉ là sự cảm hiểu về người, mà chính là hồn cốt của người xưa vọng lại, là thông điệp mang nhiều màu sắc tới tương lai. Hai câu thơ đẹp đứng cạnh nhau, làm sang cho nhau, tựa vào nhau hiên ngang giữa đất trời Hà Nội.
 
Những người đàn bà
Vẫn mải miết gánh mùa thu vào phố
Thả sau lưng
Nỗi nhọc nhằn muôn thuở…
 
Tôi cảm nhận rất rõ, sự tài hoa và mộc mạc luôn song hành trong thơ Phương Thảo, càng đậm nét ở Trường ca. Có người tài hoa và sắc sảo. Lại có người tài hoa mà phiêu bồng thanh thoát cũng là lẽ thường của thơ ca.
 
Người thương lẫn vào trong sương
Nghe hồn Long Biên cuộn sóng
Ta vừa đi hết một vòng
Trời xoay một vòng số phận
Ngày lộng lẫy, thu vàng bay theo lá
Trấn Quốc lặng im một tiếng chuông chiều!
 
Thì sự mộc mạc của Phương Thảo chính là ở chiều sâu câu chữ vậy.
Từ lâu nay, viết về Thăng Long - Hà Nội, có nhiều tượng đài thơ đã trở thành bất tử. Nhưng Hà Nội không thể nào chỉ của riêng cho người có tên tuổi. Hà Nội cao rộng trầm hậu, thăm thẳm cội nguồn lịch sử từ những mạch rễ li ti mà vươn khắp bốn phương trời. Hà Nội là một thức quà tâm hồn tuyệt không bao giờ chỉ dành riêng cho người Hà Nội. Bởi vậy chăng, mà Phạm Thị Phương Thảo đã chẳng ngại ngần thổ lộ tiếng lòng mình hòa với những ý thơ, câu chữ của những bậc thành danh:
 
“Phan Vũ xưa yêu Hà Nội
Thương đôi bàn chân nghệ sĩ lang thang trên phố đêm
Từ “Những phím đàn long”…
Để đời sau còn da diết vang ngân: “Em ơi! Hà Nội phố”
Mắt phố buồn lang thang…
 
Đó cũng là dũng khí, là sự cảm nhận và hòa chung nhịp đập với những gì đã thuộc về Hà Nội, thuộc về các nghệ sĩ cũng là nhắc nhớ để trân trọng hồn thơ nét nhạc đã ăn sâu vào tâm thức mỗi con người ở khắp bốn phương. Nhưng, Phạm Thị Phương Thảo luôn có những khúc rất riêng, độc lập trong sắc màu chung:
 
Người đàn bà mê đắm những mùa thu!
Chị vẽ bàn tay xưa
Và những ngón thu vẫn nồng nàn hơi ấm
Vẽ hơi thở mùa thu khe khẽ
Và ánh mắt ai nóng hổi, thật gần...
 
          Và chị cũng rất biết tự làm mới mình mà không sa vào hình thức:
 
Lộng lẫy và kiêu sa
Cúc thắp lửa như sinh ra để cháy
Thu gọi nắng lên xanh…
Bên những nụ cười thơm nắng mới
Thu muộn màng thắp sáng một đoá em.
 
Phạm Thị Phương Thảo trong Trường ca Giọt giọt đêm Hà Nội luôn biết mình ở đâu và cần phải làm gì, phải chủ động ra sao trong từng câu chữ. Với thể loại Trường ca luôn đòi hỏi đường đi và đích đến không riêng chỉ thỏa thích chính mình, mà sự thỏa đáng phải dành cho bạn đọc. Đó chính là điều khó nhất của người làm thơ. Trường ca không phải là chỗ để chắp nối, sắp đặt lần lượt từng bài thơ ngắn mà thành. Nhưng nhất định, mỗi khúc, mỗi chương, mỗi trường đoạn phải có tính độc lập và sự liên thông theo một mạch ngầm văn bản. Mạch nguồn văn bản của Giọt giọt đêm Hà Nội chính là tự thinh không vang ấm tiếng lòng người Hà Nội, một sự chung đúc với chủ ý và sự toàn tâm, nhất là tình cảm thiêng liêng dành cho đất và người, không gian hiện hữu và chiều sâu lịch sử, những kiến thức và cung bậc cảm xúc đến tận cùng của Phạm Thị Phương Thảo đều nhất loạt trổ hoa, đơm bông kết trái, hướng tới mùa quả ngọt:
 
Gió vẽ dấu chân
Người về cát bụi
Trong cuộc phong trần
Ngàn xanh ở lại”!
 
Hà Nội là những mùa hoa đang trôi
Năm cửa ô tường gạch phơi ngàn tuổi
Hà Nội bao kiếp người sinh ra, đến đây và ở lại…
 
Cách đây đã khá lâu, khi Văn nghệ quân đội tổ chức Trại sáng tác tại Đồng Tháp, các nhà thơ vùng đất Chín Rồng đã quy hoạch và giao nhiệm vụ cho tôi viết một chùm thơ về sen với giải thưởng đặc biệt từ Tỉnh ủy. Tôi rất xúc động trước những tượng đài liệt
sĩ lẫm liệt của các nghĩa binh đã mở đầu bằng bài Đêm sen Gò Tháp và từ mạch ấy đã có bảy bài thơ về sen trả nợ nghĩa tình đất Tháp Mười sông nước minh mang. Thật bất ngờ và vô cùng thú vị, khi trong Giọt giọt đêm Hà Nội, Phạm Thị Phương Thảo đã tổ chức hẳn một chương về sen với cái tên rất gợi “Giấc sen chạm gót Tây
Hồ”. Giấc sen của Phạm Thị Phương Thảo sâu lắng và hiện đại chính là điểm nhấn của trường ca:
 
Gió viết trên lá sen
Rưng rưng nét Tây Hồ...
Gió lưng ong
Thân vút cong
Mùa vừa sen
Ngày vừa em...
 
Hà Nội của chúng mình
Những ngọn bút gió viết xanh trên lá...
Cuộn chặn đến tức hương
Sen vẫn lặng lẽ thơm
Ngào ngạt đêm cùng gió
Sen an nhiên, trắng trong, thuần khiết...
 
Cái cách thể hiện sen trong thơ Phạm Thị Phương Thảo không chỉ nữ tính, nhuần nhụy tinh khôi mà còn có chiều sâu triết học:
 
Sen âm thầm tỏa hương
Vệt bùn đen thơm lên lấp lánh
Những ngón sen gió
Quấn quýt gọi mùa
Đầm sương bỏ ngỏ
Nằm ngoài được thua.
 
Tôi khá bất ngờ khi đọc Giọt giọt đêm Hà Nội, bởi bắt gặp khá nhiều những câu thơ đi ra từ nội tâm một cách rất tự nhiên. Phạm Thị Phương Thảo đã dùng chính cuộc đời mình để viết ra những câu thơ thẳm xanh, vừa đớn đau vừa hiền hòa cũng chính là bản lĩnh và tầm vóc của người thơ Hà Nội. Người Hà Nội trước tiên và sau cùng phải thấy rằng vẻ đẹp nhất, chiều sâu nhất, những cao rộng cuộc đời chính là phải cống hiến đến tận cùng, không phải để nhận lấy mà là để cho đi tất thảy những gì mình có để góp phần làm tươi xanh, dày vững thêm niềm tin và lẽ sống:
“Sông chảy vào tôi ào ạt dòng lịch sử
Như Tổ quốc khắc vào trái tim tôi máu ứa
Lời ca ngân dài tự ngàn năm những thăng trầm, vẻ vang, ngọt đắng
Sông Hồng mang trên mình chiến tích những ngàn năm”!
 
Phạm Thị Phương Thảo đã dành phần cuối của Trường ca đưa ra những hình ảnh sinh động và sâu sắc về sông Hồng - dòng sông của thơ ca và lịc sử, dòng sông chuyên chở muôn vạn thịnh suy chìm nổi của các vương triều. Chảy đi sông ơi! Hãy tung mình ra biển lớn, hãy vượt qua mọi ghềnh thác, thị phi, tối tăm, dốt nát của con người mà dâng hiến đôi bờ mật ngọt phù sa. Giọt giọt đêm Hà Nội đã không là dòng sống riêng của Phạm Thị Phương Thảo nữa mà đã hòa vào sắc vóc Thủ đô, tượng hình vào trái tim và tâm hồn mỗi người con Hà Nội,
mỗi bạn đọc thân thương ở khắp các vùng miền.
 
Hà Nội tháng 8.2024
P.V.K



 

GIỌT GIỌT ĐÊM HÀ NỘI !
Phương Thảo

Untitled 1Tên tập trường ca thứ tư của tôi. Nghĩ mãi, nghĩ mãi, đã nghĩ đến vài ba cái tên khác, cuối cùng tôi đã quyết định chọn cái tên này. Chầm chậm và ngân nga một chút. Đọc từng phần riêng lẻ cũng không sao. Khi người ta đã lên ông bà, cũng cần lắm sự an nhiên, chậm rãi. Sống chậm lại và suy ngẫm nhiều hơn! Chắc người cao tuổi ít ngủ vì thích đêm hơn ngày “ đêm thấy ta là thác đổ”( Trịnh Công Sơn).

Hà Nội của tôi! Hà Nội của bạn! Hà Nội của tất cả chúng ta. Bốn mấy năm tôi đã sống và trưởng thành trên mảnh đất thủ đô yêu dấu. Dẫu ai có nói gì đi nữa thì Hà Nội đã là máu thịt của tôi. Vui, buồn, trăn trở từ nơi đây và đau khổ, thất vọng hay hạnh phúc cũng từ nơi này. Viết về Hà Nội với tôi giống như một sự thôi thúc sâu thẳm từ bấy lâu nay. Tôi đã từng có 2 tập tản văn, tùy bút viết về Hà Nội, đó là HÀ NỘI DẤU YÊU- NXB HNV 2012 và NHỮNG BÚP GIÓ TÂY HỒ - NXB Hồng Đức 2014. ( Cứ sau mỗi giáp thì in một cuốn về Hà Nội ) ! Tôi thấy như thế vẫn chưa đủ. Tôi mang ơn mảnh đất này.

Đây là cuốn sách tôi viết kéo dài nhất và lâu nhất, mỗi năm lại thêm vào một chút và bỏ đi một chút. Không giống như các cuốn thơ trường ca khác, tôi thường viết rất nhanh. Trường ca “Giọt giọt đêm Hà Nội “ đã được tôi bắt đầu viết từ thập kỷ trước, có bài từ năm 2010-2012, viết từ dịp kỷ niệm ngàn năm Thăng Long 2010. Đến bây giờ, Hà Nội mùa thu 2024 đang về, tôi mới hoàn thành. Suốt cả mấy tháng qua, tôi ngồi cặm cụi đọc và sửa, cho đến mờ hết cả mắt, chủ yếu là cắt bớt đi một số chương, đoạn. Mà cắt chỗ nào cũng thấy tiếc nhưng vẫn phải cắt, vì sợ dài quá. Chỉ để cuốn sách dưới 200 trang, cho vừa tay mình và vừa tay người đọc !

Trường ca gồm 81 khúc với kết cấu 12 chương. Khởi nguồn từ mênh mang dòng sông Hồng ( sông Mẹ) với bao trang sử của Hà Nội và kết thúc cũng là chương tôi viết về nơi đầu nguồn dòng sông. Nơi ấy là miền biên viễn Lào Cai- Quê hương tuổi thơ tôi. Trầm tích sông Hồng là những vẻ đẹp văn hóa, lịch sử được kết tinh từ bao nhiêu nước mắt, mồ hôi và máu của cha ông ta. Hà Nội đã có biết bao tinh hoa và hồn cốt thắm đượm ở đó. Tôi đã cố gắng viết dù tự biết khả năng tư duy so với bể kiến thức lịch sử còn khá hạn hẹp. Tuy nhiên, cũng có nhiều lúc thăng hoa, tâm hồn bay bay và phải tự tiết chế mình lại, he he. Đó là chương viết về sông Hồng, ca trù, hoa Hà Nội, giấc sen Tây Hồ, giọt giọt dương cầm và đàn bà thơ vẽ tranh…

Hà Nội có biết bao là vẻ đẹp và nét tinh hoa cần được nâng niu, gìn giữ. Viết về Hà Nội ra sao, viết như thế nào, chính là một thách thức cho người cầm bút. Đó không chỉ là niềm vui, sự trăn trở mà còn là rất nhiều niềm đau, những tháng năm gian khó, biết bao những kiếp đời cần lao và nhiều nuối tiếc, cùng những nỗi buồn sâu thẳm … Tôi muốn lưu giữ những vẻ đẹp tinh thần của Hà Nội qua nhiều nét đẹp văn hóa riêng có, mang phong vị Hà Nội.

Cuốn sách sẽ ra mắt bạn bè trong tháng 9. 2024 trong dịp chào mừng 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô ! Trân trọng cảm ơn Nhà xuất bản Hội Nhà văn, BBT và tân giám đốc Nguyễn Thúy Hằng đã cấp phép. Tôi đã chọn bìa màu đen thay cho màu xanh, dù thích cả hai màu đen và xanh. Mùa thu Hà Nội đang về, bạn có muốn ngồi thưởng thức cốm sen và nhâm nhi từng khúc “ Giọt giọt đêm Hà Nội” hay không ?

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây