Thơ
Nguyễn Đại Duẫn
LỠ HẸN
Viết về những người lính hi sinh
cứu dân trong bão lũ
Đêm nay không về anh lỡ hẹn với em
Cùng đồng đội trên con tàu cứu hộ
Những cơn mưa đang ào ào trong rốn lũ
Những ngôi nhà tốc mái ngả nghiêng
Đêm nay không về anh lở hẹn với con
Mua sách vở mai đến trường khai giảng
Có áo mới khoe bạn bè không chán
Chiếc ba lô con vui bước tới trường
Nhưng em ơi! Phía trước trên khắp các ngã đường
Nước đã dâng cao người xe không qua được
Những đứa trẻ thét gào trong dòng nước xiết
Đứa mất cha, đứa mẹ bị cuốn trôi
Những chiếc cầu đã sập mất rồi
Mưa vẫn trút bao khúc đê bị vỡ
Là người lính nhiều đêm không ngủ
Anh cùng đồng đội cứu hộ cho dân
Nơi nào khó khăn, ở đâu dân cần
Các anh xung phong băng mình trong bão lũ
Giúp đỡ người già, cưu mang trẻ nhỏ
Giúp mọi nhà từng bát gạo, mì tôm
Chống thiên tại như chống giặc ở chiến trường
Không sợ hy sinh quên mình trong bão lũ
Cho sự bình yên người dân bám trụ
Cho qua đi cơn bão lũ cuồng phòng
Em và con bình tĩnh hãy yên lòng
Anh ra đi cho bao người ở lại
Đất nước quê hương sẽ ghi công anh mãi mãi
Xứng danh người lính Cụ Hồ!
Lỡ hẹn cùng em anh mãi mãi không về
Nhớ thay anh chăm con ngoan học, giỏi
Khi con lớn khôn em lựa lời để nói
Khi Tổ quốc cần phải biết hy sinh.
Lê Anh Phong
V I Ế T T R O N G Đ Ê M
lũ chồng lên lũ
quan tài chồng lên quan tài
đêm da vàng nổi chìm trong tai tái
thủy, hỏa… miên man
đêm trắng những nẻo người
trên đường lớn
bao chuyến xe ra Bắc
thấm thía rưng rưng trong nghĩa đồng bào
sông Hồng đỏ lên áo lính
ngấn nước thuở nào lại in dấu tuổi hai mươi
Thơ đến từ đâu ?
bạn hỏi tôi, tôi hỏi ngày giông bão
thóc, gạo ngập trắng trời
Thơ phơi được mấy trang ???
trong bóng tối phù sa
trong ngày xa xót trắng
trang gió hay cánh cửa cuộc đời
cứ chấp chới bóng người
Thơ neo lại
bởi đêm mưa.
Ngọc Lân
BÃO SỐ 3 - TRỜI ƠI - HOẠ ĐỜI
Trời làm đất nước điêu linh
Của trôi người chết oằn mình tóc tang
Mưa to gió lớn phũ phàng
Mông mênh ngập úng ầm vang sạt đồi
Tiếng kêu tiếng khóc hụt hơi
Chìm trong biển nước mây trời tối đen
Số ba trận báo to rền
Ba ngày tàn phá viết thiên họa đời
Sơn Tinh truyền thuyết gương soi
Việt Nam quyết thắng giặc Trời vẻ vang
Mọi miền sát cánh kết đoàn
Thảo thơm đùm bọc lòng vàng sẻ chia.
12/9/24
Lưu Thị Phương Đông
NGÀY HÔM NAY
Bão giông xé nát bầu trời
Trắng đồng, nhà đổ, có người ra đi
Hung hăng mây xám như chì
Ngày đêm mưa chảy, sông thì dâng cao
Lòng người như xát, như bào
Bao nhiêu muối mặn nuốt vào thẳm sâu
Đứng lên nào, sát bên nhau
Kề vai chung sức, góp vào hôm nay…!
11-9 - 2024
Nguyễn Thiện
YÊU LẮM VIỆT NAM
Nếu có còn được trở lại kiếp sau
Con vẫn xin là người con Đất Việt
Bão lũ, cuồng phong , gian nan ,thử thách
Sâu đậm tình người nhân nghĩa thủy chung
Vì đồng bào không sợ hy sinh
Bình thản, tự tin, cười tươi ánh mắt
Nhường áo sê cơm, lành đùm lấy rách
Chung một giàn, bầu bí thương nhau
Truyền thống bao đời trọn vẹn trước sau
Lịch sử thành văn viết trên mình ngựa
Bão tố ,hiểm nguy vàng thau thử
lửa
Yêu hòa bình , yêu độc lập tự do
Yêu những gì cuộc sống ban cho
Vì đồng bào, anh em , đồng chí
Trong bão dông tình người tri kỷ
Sâu thẳm tim mình…
yêu lắm …
Việt Nam.
MẸ ƠI MẸ VỀ VỚI CON!
Mẹ ơi , Mẹ ơi cứu con
Mình con giữa dòng nước xoáy
Mẹ ơi , Mẹ đi đâu đấy
Mẹ ơi …mẹ …ơi cứu con
Trưa nay đang giấc ngủ ngon
Lũ về nhà mình đổ sập
Mênh Mông quanh con toàn nước
Mẹ ơi . Mẹ đi đâu rồi
Xin trời trả Mẹ cho tôi
Xin trời cho tôi còn Mẹ
Mẹ ơi Mẹ đi đâu thế
Mẹ ơi con lạnh lắm rồi
Có ai nhìn thấy Mẹ tôi
Có ai từ tâm làm phước
Cầu trời rút nhanh dòng nước
Trả lại Mẹ về cho tôi
Ngày mai cơn bão qua rồi
Ai người đưa con đến lớp
Sớm hôm mình con côi cút
Mẹ ơi…
Mẹ về ..
với con!
HƯỚNG VỀ VÙNG LŨ
Con chạy về không kịp bão HAGI
Núi lở, đá bay, ruộng vườn tan nát
Lang bản chìm trong bùn đen nhão nhoét
Hoang mạc tim con, Cha Mẹ đâu rồi
Gió thét gào ,xối xả mưa rơi
Mẹ thiên nhiên cuồng phong trút giận
Bao năm rồi, con người xâm lấn
Đắp đập, ngăn sông, đốt, phá rừng già
Hậu quả lâu dài ta lại hại ta
Đời cháu đời con tắm giông gội bão
Trong lúc khó khăn đói cơm thiếu gạo
Ta quẩn quanh rau cháo qua ngày
Trong hoang tàn đổ nát chiều nay
Quặn thắt nỗi đau có bao Làng Nủ
Có bao mảnh đời ước mơ dang dở
Bao gia đình vắng bóng người thân
Trước đau thương, mất mát của dân
Thủ tướng khóc nghẹn ngào chia sẻ
Đoàn kết một lòng trong cơn dâu bể
Sâu nặng tình người…
đâu hơn thế…
Việt Nam.
XIN ĐỪNG THÊM NỖI ĐAU
Mưa lại về - hoàn lưu bão HAGI
Đất đá bùn trôi, lũ về cuồn cuộn
Cây ngập nước cố ngoi để sống
Nước mắt chưa khô, đau khổ chất chồng
Đứng giữa trời, biển nước mênh mông
Soi tấm bản đồ tìm nơi em sống
Đất đá, bùn đen, lũ vun thành đống
Xác trẻ thơ mềm oặt lớp đá vùi
Bao năm rồi dân bản yên vui
Sống hiền lành bên sông bên suối
Mùa lúa chín cúng Giàng gạo mới
Lễ vật bản dâng xin tạ ơn người
Mưa bão, lũ tràn khổ lắm Giàng ơi
Nước mắt chúng sinh thế là quá đủ
Xin đừng thêm nỗi đau Làng Nủ
Để không còn …
tiếng hét …
trong đêm.
Tháng 9/2024
Bùi Minh Trí
THƯƠNG LẮM QUÊ TA
Yagi - cơn bão gớm ghê thay
Mấy chục năm qua tính tới nay
Lớn nhất tràn qua. Trời phẫn nộ(*)
Quê ta bao tỉnh chịu đau này
*
Gió mưa mọi nẻo gieo tang tóc
Xơ xác thiên nhiên cảnh đặt bày
Lũ cuốn trôi phăng đi tất cả
Bao người chết thảm nỗi niềm cay
*
Ruộng vườn cây trái còn đâu nữa
Xe cộ ngập chìm khắp đó đây
Núi lờ vùi người đường đất hỏng
Bao vùng cô lập nước và mây
*
Con trong đói rét trông chờ mẹ
Chồng mất vợ con nước măt đầy
Lâm cảnh long đong bao khốn khó
Mở lòng xin hãy góp chung tay.
(*)Trời phẫn nộ vì trên Thế giới nhiều nơi vẫn thả khói công nghiệp, gây nạn cháy rừng ,
thải chất độc hại và còn chiến tranh triền miên… làm làm tăng hiệu ứng nhà kính, khí hậu biến đổi.
Thanh Minh
NỐI VÒNG TAY YÊU THƯƠNG
Ta nối vòng tay chống giặc thiên tai
Mệnh lệnh trái tim ba miền đất nước
Chung sức chung lòng hướng về miền Bắc
Gửi trọn yêu thương chia ngọt sẻ bùi
Vòng tay nhân ái ấm áp tình người
Sát cánh kề vai vượt qua gian khó
Mong ngày nắng lên xua tan bão tố
Cùng nắm chặt tay kết nối yêu thương
Những chuyến xe hàng tình nghĩa lên đường
Đong đầy tin yêu mọi miền hướng tới
Gửi gắm ân tình tương thân tương ái
Chỉ một chút thôi cũng thấy ấm lòng
Đất nước của tôi, đất nước tôi ơi
Trên khắp nẻo đường nối nhau xe chạy
Cứu trợ đồng bào ngày đêm chẳng ngại
Khắp miền quê hương nắng mới lên rồi.
Văn
DƯỜNG NHƯ BÃO CÀNG NGÀY CÀNG...TO HƠN!
Tản văn của Phạm Ngọc Tâm Dung
Đêm nằm nghe gió rít u... u...qua khối nhà cao tầng, mình biết là ngoài trời đang có mưa to, gió lớn.
Bão!
Ngày còn ở quê nhà, cứ khi nào thấy cỏ gà trắng nhễ nhại, trên sườn đê; đàn mối già với những đôi cánh mỏng tang và yếu ớt xông ào ào từ mặt đất lên như thể đám mây bay ngược; Kiến từng đàn rủ nhau hành quân trú trên các hốc cây cao; trời đang nhiều mây bỗng xuất hiện một khoảng "mắt bão"; không gian cứ xanh ngằn ngặt ra; gió thì lặng im, cắm mặt như người đàn ông cục tính, ác dạ đang...ủ mưu; ấy là dấu hiệu của bão to đang đến!
Nhà tôi, không ai bảo ai, mỗi người một việc:
Bố cởi trần, mặc chiếc quần đùi nâu bạc thếch, mím chặt đôi môi, mắt ưu tư, chuẩn bị "khí cụ" sẵn sàng chống chọi với bão. Người vác dao ra vườn chặt mấy cây tre đực, chẻ tước làm đôi và buộc thành gióng, trên mái rạ để chống tốc mái. Rồi dùng các cột gỗ, cây bương, cây tre đực già, đã chuẩn bị sẵn, làm cột chống, "tiếp sức" cho lũ cột ngoài hiên, trong nhà vốn gầy, cũ kỹ và đôi cái có mọt.
Mẹ lấy một sợi dây chuối buộc chặt ngoài thắt lưng cho gọn, rồi cầm dao bén, xăng xái phát không thương tiếc những tàu chuối xanh mơn mởn; những cành na, cành mít; làm cái "chạc ba" chống những buồng chuối đang bắt đầu cong trái...
Bà nội lật đật dùng cái áo tơi cũ, che đậy cho đàn gà con; hái mấy sải rau; rang một trã mắm tép, chai muối vừng:
-Phòng khi bếp tốc mái, dột và rơm rạ ướt không thể đun nấu, còn có miếng mà ăn!
Cả làng tôi xôn xao trong ngơ ngác, thắt gan ruột mà... chờ trông!
Nhà nhà truyền tai nhau, lời phán đoán về khả năng cơn bão này, của các cụ nhiều kinh nghiệm và thông tuệ của làng.
Phong cảnh quê hương Thái Bình
Chừng hồi đêm, đang trong lòng bà, bỗng tôi tỉnh hẳn dậy, vì có mấy giọt nước rơi trúng mặt. Trong ánh đèn bão leo lét, thấy bố mình trần, lăm lăm con dao mác to tướng, lách cửa, lao ra ngoài.
- Bão to đấy, mình cẩn thận nha!
Lời dặn với theo của mẹ bị tiếng gió bão sấn sổ xông vào khe lách nuốt chửng. Qua khe cửa, tôi thấy bố nhoài đi trong ánh chớp.
- Bố đi đâu, bà ơi!
- Là đàn ông, đàn ang, bão gió phải ra ngoài, trông nom và chống chọi với lão giời ác quái, rồi xem xóm láng có nhà nào bị tốc, hoặc có sự gì thì còn giúp đỡ, con à.
Rúc thật sâu vào tấm mền, tôi vẫn run lên vì lo sợ cho bố, cho Chú Dần tôi, cho những người "là đàn ông, đàn ang"... đã sinh ra ở xóm nhỏ này, ở cái miền biển thật nhiều hạnh phúc và cũng thật nhiều tai ương này!
Gió càng lúc càng ầm ập thét gào. Ngôi nhà tranh cứ run lên, vật vã, như thể người ta bị phát phiền, phát não mà vặn mình, nghiến răng ken két. Gió đùng đoàng giật, mảng liếp, mái chuồng bò...không biết từ đâu, bị gió vứt oạch ngoài vườn, làm đổ gục mấy cây mận, cây na. Rồi bao nhiêu "của cải giời cho", to nhỏ không thành vấn đề," cứ bay vèo vèo thi nhau ụp xuốn, nhảy như choi choi, lăn lông lốc trên bất cứ nơi đâu, có thể. Mái nhà tội nghiệp, vốn đã yếu yếu, lại càng yếu hơn. Nó rùng mình, quằn quại, bất lực như muốn sụp đổ đến nơi! Bà tôi lẩm nhẩm đọc kinh Quan thế âm Bồ tát, cứu khổ cứu nạn.Tôi thương bố, thương mẹ, thương "Bác Nhà" của chúng tôi! Rồi tôi thầm thì: bác nhà ơi, bác không cô đơn đâu; hãy cùng bố và cả nhà, chống chọi với gió, với mưa, với cả nắng nôi nữa, bảo vệ cả nhà mình. Chờ con. Bao giờ con lớn, con sẽ cùng các em đóng gạch "ba banh" xây tường...trồng cây xoan đào rõ to, đặng thay cái cột mọt cho bác. Rồi con lợp mái ngói đỏ chót cho nhà mình, sang như nhà Ông Ba giàu có ở xóm trên, bác nhá!
Bỗng, một mảng tranh ướt nhèm, rơi phịch, trùm lên hai bà cháu, kéo cô bé là tôi, trở về thực tại. Theo đó, gió mưa cứ thế, mặc sức xối xả, tuôn xuống như thể thác nước. Mẹ kéo thốc tôi dậy, dúi tôi ngồi vào gầm bàn thờ ( nơi được coi là an toàn nhất, có thể trong nhà).
Bà vội tìm manh áo khô mặc lại cho tôi. Tôi nín thở, nhưng rồi lại sinh trò...tò mò. Cứ sểnh ra là mắt trước mắt sau, bò ra khỏi gầm bàn thờ, nhòm qua khe cửa...xem bão!
Gió mưa, tạt qua khe cửa rát rạt và lạnh buốt, như thể con thú hoang, khổng lồ, trên trời rơi xuống, ra sức...phun nước bọt thị uy cùng...đối phương!
Thật thảm thương khi nhìn cành cây vườn rạp mình, xiêu vẹo, gãy nát. Mảnh sân vốn sạch sẽ, ngập ngụa trăm thứ ngổn ngang. Con bé mê đọc sách là tôi, kinh hoàng tưởng tượng ra, gương mặt xạm đen vì giận dữ của ông giời. Ông đùng đùng sai thần mưa, thần gió, thi nhau, điên cuồng mà đập phá, mà nhào nháo, mọi vật trên mặt đất, bắt trần gian phải trở về thuở...hỗn mang, như trong chuyện thần thoại!
Chợt thấy vài ánh chớp sáng loáng ở phía đằng đông, kèm tiếng ùng oàng của sấm, bà vui mừng bảo mẹ: " Có ông sấm về, bão sắp qua"!
Khe cửa hé mở, bố đã về!
Người ướt sũng, run rẩy, một bên quần đùi rách toạc. Bố rằng: gió đã chuyển ba hướng, hướng nam thì "hiền" thôi!
Lựa lúc mẹ đang đốt một búi giẻ có bồ kết cho bố sưởi, bà dỗ em bé ngủ, tôi lén ra ngoài. Mưa vẫn xiên theo gió. Trời tang tảng sáng. Cu Dũng và mấy đứa nhóc con bạn tôi đã chờ sẵn từ bao giờ.
Cảnh vật tan hoang làm cho chúng tôi ngỡ ngàng, đầu óc trẻ con cũng thấy có gì là lạ và... thinh thích !
Chúng tôi hò nhau nhảy qua các cây đổ, các mảng tranh ngổn ngang mà nhặt bưởi non, nhặt măng gãy và khi cười nói, khi hét hò, đằm mình trong mưa gió.
Cu Dũng lôi tay tôi sang nhà nó, nó khoe tôi cái hốc to tướng ở đống rơm, giống như một cái hang tò vò, đêm qua chú nó tạo ra, cho cả nhà trú tạm, phòng khi nhà bị đổ.
Chúng tôi cùng chui vào đó và nghe mùi âm ấm, mông mốc của rạ rơm. Dũng thì thào nói vào tai tôi:
- Bao giờ lớn, tớ sẽ làm cho... đằng ấy và cả nhà cái hốc rơm như này, tránh bão nhé!
Ôi, Dũng ơi! Anh chưa kịp làm được cái hốc tránh bão trời cho em, như đã hẹn, thì cơn bão chiến tranh đã cướp anh đi về tận phương nào! Bao năm rồi, trong mơ, em vẫn ngửi thấy cái mùi nồng nàn, ấm áp từ cái hốc rơm tránh bão, ngày xưa!
Cơn bão đã tan hẳn!
Cảnh tiêu điều xơ xác của làng tôi hiện ra như những thước phim sau chiến tranh, mà mấy hôm trước tôi được xem ở "rạp chớp bóng" nơi sân đình. Trời quang đãng hơn. Đã bắt đầu có tia nắng vàng ong ỏng, như làn da của người mắc chứng "ngã nước", vừa sau một trận ốm chí tử.
Rồi mây.
Rồi mưa rong bão.
Bà tôi bảo, mấy đời nay, bão nhỏ to cũng nhiều, nhưng người làng Rãng ta, không có ai bị thiệt mạng bao giờ, ấy là do các bậc thần linh được làng thờ tự, chở che...
Cánh đồng làng, lúa và màu xanh như mực, giờ trắng băng sóng nước lạnh lùng!
Vài cánh cò mất tổ sau bão, bay chơi vơi trong chiều muộn mà chẳng biết về đâu!
Trong nhà kho hợp tác xã xóm tôi, vài hôm nay đã ấm áp cảnh um sùm khói bếp, của những hộ gia đình bị đổ nhà, được các cô chú nhóm dân quân đưa về nương tạm.
Và nơi sân kho còn ướt nhèm, ngổn ngang rác và lá cây, dăm cậu bạn quần cụt, áo vá, có đứa cởi trần, lấy quả bưởi rụng làm bóng, reo hò đá chơi. Vài ba đứa con gái trạc tuổi tôi, vào vai khán giả, nghiêng ngả đấm vai nhau... cười như là chẳng hề thấy bão gió, tai ương nào sất!
Thương lắm tuổi thơ tôi!
Nhìn mẹ xám ngắt, mắt trũng, quầng thâm, bố nén tiếng thở dài, giọng buồn buồn, bàn với mẹ:
- Sau khi lợp dặm nhà cửa xong xuôi cho mẹ con, anh em tôi lại ngược Tuyên Quang làm vài bè tre nứa!
Mẹ không nói gì, đôi mắt vốn buồn của người cụp xuống. Hình như mẹ đang muốn giấu kín một nỗi tâm tư...
Cảnh bão lũ ngập đồng. Ảnh trong bài: Sưu tầm
Đêm nay, tôi lại nhớ nhà mình; nhớ tuổi thơ của một thời khốn khó; nhớ cha tôi một đời lận đận gió giông; nhớ mẹ tôi với ánh buồn thăm thẳm, tảo tần, nhu mì, chịu đựng; nhớ lời hứa với "Bác Nhà" cũ của cha mẹ năm xưa.
Cha ơi, bây giờ nhà mình có nhà cao rồi, trong bão gió không ai phải liều mình, xiêu vẹo lao đi trong gió giật, mưa táp rát mặt, không mở được mắt nữa, cha à! Hôm nay bão giông này, cha ở đâu!
Và, bao năm nay, tôi vẫn không quên lời bà tôi thường bảo:
-Bão là do ông trời nổi giận. Bởi thiên hạ vẫn còn nhiều trái ngang!
Tôi trộm nghĩ: có lẽ vì thế mà nhân gian này chẳng bao giờ hết bão!
Và thời nay, dường như bão lại càng ngày càng... to hơn!
Ngày bão gió