Kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/ 1954 - 10/ 2024)

Thứ tư - 18/09/2024 19:59


VINH DỰ TỰ HÀO: HÀ NỘI
THÀNH PHỐ VÌ HÒA BÌNH

 

      Ngày 16 tháng 7 năm 1999, Hà Nội là thành phố Châu Á đầu tiên được Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” - sự kiện có ý nghĩa chính trị sâu sắc, thể hiện niềm tin, khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam trong trường kỳ lịch sử nói chung, của nhân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng. Hai mươi nhăm năm qua, kể từ khi được UNESCO vinh danh, Hà Nội đã có nhiều đổi mới tích cực, toàn diện, trở thành điểm hội tụ bè bạn năm châu, bốn biển “an toàn, thân thiện”, chan chứa tình người và được các Tổ chức Quốc tế đánh giá cao.

  Hơn ngàn năm tuổi, Thăng Long - Hà Nội vẫn bừng lên sức sống thanh tân, “hào kiệt đời nào cũng có”, sản sinh ra những bậc Anh hùng cái thế, những đấng Nghệ sĩ hào hoa, những người dân thanh lịch, cần cù, sáng tạo, làm cho Hà Nội thành nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, thành “niềm tin và hy vọng của hôm nay và mai sau”.

  Bất kỳ trong giai đoạn lịch sử nào, Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô nghìn năm Văn hiến vẫn có quyền tự hào chính đáng về truyền thống yêu chuộng hòa bình của mình.

q

Hình ảnh rồng thời Lý xuất hiện trên bầu trời Hà Nội bằng 2024 thiết bị bay không người lái.

(Điểm nhấn của màn trình diễn - Rồng thời Lý sẽ xuất hiện với phần đầu có bờm dài, không có sừng, cằm có râu, lưỡi dài và mỏng, miệng ngậm viên ngọc, thân hẹp, dài - là hình ảnh đặc trưng và khác biệt của rồng Việt Nam. Rồng thời Lý là đại diện cho phẩm chất cao thượng, trí tuệ, tính nhân văn và tinh thần nghĩa hiệp, biểu tượng linh thiêng, cao quý, đồng nghĩa với vương quyền gắn liền với một thời kỳ huy hoàng của dân tộc)               Ảnh: Sưu tầm
 

Tháp Bút bên hồ Gươm, Hà Nội
Tháp Bút bên hồ Gươm, Hà Nội                                            Ảnh: Sưu tầm

 

  Ngay khi đặt viên gạch đầu tiên xây nền móng cho Quốc gia Đại Cồ Việt, kế sách dựng xây non nước nhà của các đấng Minh quân đã là “vì Hòa Bình” :
 
                                            QUỐC TỘ
                                   Quốc tộ như đằng lạc
                                    Nam thiên lí thái bình
                                    Vô vi cư điện các
                                    Xứ xứ tức đao binh.
                                               (Đại sư Đỗ Pháp Thuận (915 – 990) )
              (“Thơ văn Lý – Trần - tập I- tr 304. Nxb KHXH – Hà Nội 1977)
 
                                             VẬN NƯỚC
                                    Vận nước như mây quấn
                                    Trời Nam mở thái bình
                                    Vô vi cư điện các
                                    Chốn chốn dứt đao binh.
                                           ( Bản dịch của Đoàn Thăng)
Đời nhà Trần bừng lên Hào khí Đông A, chói sáng khát vọng “vì hòa bình”, và tinh thần vun đắp cho sự sống trường tồn:
 
                                  PHỤNG GIÁ HOÀN KINH SƯ
                                     Đoạt sóc hương Dương độ
                                     Cầm Hồ Hàm Tử quan.
                                    Thái bình tu nỗ lực
                                    Vạn cổ thử giang san.
                    ( Trần Quang Khải (1241 – 1294). Sdd. Tr. 424)
                                      
                                  THEO XA GIÁ TRỞ LẠI KINH ĐÔ
                                  Chương Dương cướp giáo giặc
                                  Hàm Tử bắt quân thù.
                                 Thái bình nên gắng sức
                                  Non nước ấy nghìn thu.
                                   (Trần Trọng Kim dịch)
  Đời nhà Lê hừng hực Hào khí Lam Sơn cũng là để giữ gìn “nền thái bình vững chắc” cho nước non Đại Việt:
                                 “Càn khôn bĩ mà lại thái
                                   Nhật nguyệt hối mà lại minh
                                   Muôn thuở nền thái bình vững chắc
                                   Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu”
                                     (Bình Ngô đại cáo - Nguyễn Trãi
                                                       Bùi Văn Nguyên dịch)

   Thời Cách mạng hiện đại, tinh thần “vì Hòa bình” của dân tộc ta lại vang lên trong giọng nói Bác Hồ ngày 19 tháng 12 năm 1946 giữa Thủ đô Hà Nội:

   “Hỡi đồng bào toàn quốc !

     Chúng ta muốn Hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa !

  Không ! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.”

  Tinh thần “vì Hòa bình” thấm sâu trong trường kỳ lịch sử của dân tộc ta bừng sáng lên trên gương mặt Thăng Long - Hà Nội khiến bao người suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo Biểu tượng cho Thủ đô “Vì Hòa bình”. Biểu tượng nào đây cho xứng với niềm vinh dự, tự hào lớn lao ấy ? Đặt biểu tượng ấy ở vị trí nào  khi Hà Nội của chúng ta phát triển và mở rộng như ngày nay ? Đó là niềm trăn trở, day dứt, đồng thời gợi cảm hứng sáng tạo cho bao nghệ sĩ điêu khắc, bao họa sỹ, bao kiến trúc sư tài hoa  và những người dân Việt yêu quý Thăng Long - Hà Nội.

   Người Hà Nội nổi tiếng hào hoa và tài hoa lịch lãm đã sáng tạo ra bao công trình nghệ thuật ngày nay đã trở thành các di tích lịch sử - văn hóa làm đẹp cho Thủ đô yêu dấu của chúng ta. Theo thống kê năm 1999, trên địa bàn  Hà Nội xưa có 1774 di tích lịch sử - văn hóa, có di tích khảo cổ học, có di tích lịch sử - cách mạng, có di tích kiến trúc- nghệ thuật, danh lam thắng cảnh.

   Miên man với ý nghĩ đi tìm Biểu tượng cho “Hà Nội - Thành phố vì Hòa bình”, bước chân đưa tôi đến cụm di tích hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn ở trung tâm Thành phố.

   Hồ Hoàn Kiếm xưa có tên là hồ Lục Thủy vì sắc nước bốn mùa xanh biếc. Đầu thế kỷ XV hồ mới có tên là hồ Hoàn Kiếm, gắn với truyền thuyết Vua Lê Lợi trả gươm cho Thần Rùa Vàng.

   Đền Ngọc Sơn được xây dựng trên đảo Ngọc, cùng với Tháp Bút  Đài Nghiên, cầu Thê Húc (cầu Đậu nắng Ban mai), lầu Đắc Nguyệt (lầu Đươc Trăng), đình Trấn Ba (đình  Chắn Sóng), tất cả  hợp thành cụm di tích – lịch sử, kiến trúc – nghệ thuật và là danh lam, thắng cảnh đệ nhất giầu ý nghĩa Biểu tương của Thủ đô Thăng Long – Hà Nội.

   Công việc xây đền Ngọc Sơn bắt đầu từ mùa Đông năm Tân Sửu (1841) đến mùa Thu năm Nhâm Dần (1842) thì hoàn thành. Hai mươi ba năm sau, vào năm Ất Sửu (1865) Án sát đương nhiệm của Hà Nội là Đặng Huy Tá và Án sát về hưu là Nguyễn Văn Siêu đứng ra trùng tu lại ngôi Đền. Lần này, ngoài việc sửa chữa các nếp Đền còn có việc xây dựng thêm Ba Đình Trấn, Đài Nghiên, Tháp Bút và đặt tên cho cây cầu nối bờ Đông với Đền là Thê Húc. Như vậy Tháp Bút – Đài Nghiên tính đến năm 2024 đã có 159 tuổi.

   Chẳng nơi nào có Ngọn Bút, Đài Nghiên to lớn và nổi tiếng như Tháp Bút -  Đài Nghiên của Thăng Long- Hà Nội. Tháp Bút dựng lên sừng sững trên ngọn núi đá xếp, đường kính 12m, cao 4m. Tháp vuông có năm tầng, cao cả thảy 28 m. Đỉnh Tháp là ngòi bút lông dựng ngược kiêu hãnh in lên trời cao xanh lồng lộng của Thủ đô. Cả cán và ngòi bút cao 0,9 m. Trên thân ba tầng, giữa có khắc ba đại tự “TẢ THANH THIÊN”, có nghĩa là “VIẾT LÊN TRỜI XANH”.. Đã có nhiều kiến giải hợp nghĩa của ba chữ này : nào là “giãi bầy tấm lòng với Trời Xanh”, nào là “Cảm hứng đầy tráng khí”, nào là “Tâm hồn rộng mở với Vô Cùng” . . .

  Trong bài “Tháp Bút chí” do Thần Siêu soạn năm 1865 được khắc ngay trên thân Tháp ở tầng thứ ba, mặt nhìn về hướng Nam, trong đó có câu: “Trên đỉnh núi Độc Tôn có Tháp Bút năm tầng. Tháp nhờ núi mà cao thêm, núi nhờ Tháp mà truyền mãi”.

  Mỗi khi ngắm Tháp Bút  Đài Nghiên qua bốn mùa luân chuyển, trong tiến triển của cuộc sống Thủ đô, tôi cứ tự hỏi : các bậc Tiền nhân Danh sỹ dựng Tháp Bút – Đài Nghiên cho Thủ đô  để nêu cao điều gì, “truyền mãi điều gì” cho muôn thuở nước non này ? Ngẫm nghĩ về truyền thống quý báu của ngàn năm Thăng Long – Hà Nội, của dân tộc Việt Nam ta, tôi hiểu một cách  giản đơn rằng lời giáo huấn của Tổ tiên ta khắc vào đá núi, viết lên cao xanh những khát vọng cao cả của một đân tộc : Khát vọng HÒA BÌNH, truyền đến muôn đời đạo lý NHÂN NGHĨA sánh với Trời Xanh.

  Tháp Bút, Đài Nghiên đặt bên hồ Hoàn Kiếm thật sâu xa,  đầy đủ ý nghĩa. Trời cao xanh là bầu trời Thanh Bình, in bóng xuống Lục Thủy, một màu nước biếc xanh Bình Yên, phẳng lặng. Kiếm thiêng Vệ quốc  đã trả lại cho Thần Kim Quy.     Dân tộc Việt Nam khát khao Hòa Bình, gác cung, rửa kiếm, để chỉ còn xanh trời, xanh nước, và Thiên Thu Thanh Bình. “Than ôi ! Một cỗ nhung y chiến thắng, nên công oanh liệt ngàn năm. Bốn phương biển cả thanh bình. Ban chiếu duy tân khắp chốn.” Bút ngọc văn hiến ngàn năm mãi mãi viết lên trời xanh những khát khao vươn tới cái tận CHÂN, tận THIỆN, tận MỸ của nguười dân trên non nước này.

   Và tôi nghĩ, Ông Cha đất thiêng Thăng Long - Hà Nội cách đây 159 năm đã dựng lên Biểu tượng tuyệt vời của “HÀ NỘI - THÀNH PHỐ VÌ HÒA BÌNH”: Đài Nghiên - Tháp Bút, Hồ Hoàn Kiếm. Biểu tượng đó được đặt ở trung tâm  Thủ đô để khách muôn phương đến đó chiêm ngưỡng và nghĩ suy :

                           “Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ,
                      Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn.
                              Đài Nghiên - Tháp Bút chưa mòn,
                        Hỏi ai xây dựng nên non nước này ?”
                                                                (Ca dao)

  Ngày nay, Đảng ta và toàn thể Nhân dân ta, Dân tộc ta làm bạn với tất cả, không chọn phe, chỉ chọn CHÍNH NGHĨA, chọn HÒA BÌNH THÂN THIỆN giữa các dân tộc, các quốc gia trên hành tinh này. UNESCO vinh danh “HÀ NỘI – THÀNH PHỐ VÌ HÒA BÌNH” cũng chính là vinh danh Dân tộc ta , Tổ quốc muôn đời của ta đang vun đắp cho“ NỀN HÒA BÌNH CỦA NHÂN LOẠI”.

 

                                                                      Hà Nội, Ngày 15 tháng 9 năm 2024

                                                                      Nhà nghiên cứu, phê bình Văn học
                                                                                 ĐẶNG TƯƠNG NHƯ

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây