Đà Lạt trong tôi

Thứ tư - 02/10/2024 20:02
Ảnh minh họa trong trang: ST
Ảnh minh họa trong trang: ST


HE XUEJIAO

     Năm 2014, từ một tân sinh viên còn non nớt, tôi bắt đầu học tiếng Việt. Nhìn lại, đã trôi qua 10 năm; 10 năm có thể nói là dài dằng dặc, cũng có thể chỉ là một cái chớp mắt. Hồi tưởng lại 10 năm này, tôi đã được du lịch nhiều nơi ở Việt Nam. Khi 20 tuổi, tôi từng một mình xuyên Việt với cách là du lịch bụi từ Hà Nội, miền Bắc, đến đảo Phú Quốc ở miền Nam, mục đích để tìm kiếm hướng đi cho cuộc đời mình. Trong cuộc chuyến xuyên Việt, tôi đã đặt chân đến nhiều thành phố như: Hà Nội thanh lịch, trang nhã, Ninh Bình, Tràng An yên bình và huyền bí, Đà Nẵng nhiệt tình với bờ biển dài, Hội An cổ kính với những chiếc đèn lồng treo khắp đường phố, Nha Trang đầy du khách nước ngoài, Mũi Né yên tĩnh và nguyên sơ, Thành phố Hồ Chí Minh sôi động và cởi mở, cùng với hòn đảo Phú Quốc xinh đẹp và hoang sơ...

Với nhiều lý do, trong 10 năm qua, tôi chưa từng đặt chân đến Đà Lạt xinh đẹp, dễ thương và yên tĩnh, được giới trẻ mệnh danh là “thiên đường lãng mạn” . Có lẽ trong 10 năm qua, duyên phận của tôi với Đà Lạt còn nông cạn. Nhưng khi thời điểm đến, duyên phận lại đưa tôi đến Đà Lạt. Giống như chúng ta không thể biết điều gì sẽ xảy ra trong giây phút tiếp theo trong cuộc đời, chúng ta cũng không thể dự đoán duyên phận sẽ dẫn dắt chúng ta đến đâu và mối quan hệ giữa chúng ta với một thành phố hay một người sẽ ra sao. Tại thời điểm 10 năm học tiếng Việt, duyên phận đã đưa tôi đến Đà Lạt, tôi nghĩ điều đó có ý nghĩa đặc biệt hay sao nhỉ? Có lẽ những điều tốt đẹp nhất dù đến muộn một chút, nhưng chắc chắn chúng đang chờ đợi mình nhỉ. Ấn tượng chung của tôi về Đà Lạt là giống như một người phụ nữ yên tĩnh, dịu dàng, ngồi thiền trong rừng sâu, lặng lẽ chờ đợi sự xuất hiện của mọi người.

Lúc 4 giờ sáng, giọng nói trầm ấm của tài xế: “Đà Lạt đến rồi.” Giọng nói của tài xế nhẹ nhàng, dường như không muốn làm phiền giấc ngủ của Đà Lạt. Tôi cố mở mắt ra tuy còn ngái ngủ, bước xuống xe đò, làn gió lạnh ùa vào ống tay áo. Kéo kéo chiếc áo khoác, tôi đùa với mấy bạn người Việt: “Ôi, chỉ có 17 độ, ở Sài Gòn bây giờ khoảng 30 độ, Đà Lạt thật sự lạnh. Mọi người đều nói Đà Lạt lạnh, tôi không tin, nhưng giờ mới thấy, chuyện gì cũng phải đến tận nơi mới thấu hiểu được...”

Trên xe khách trung chuyển đến khách sạn, xe chạy qua những con dốc quanh co, đường phố vắng bóng đèn trong sương mù, không thấy một ai trên đường phố. Hai bên đường vỉa hè, những bông hoa lặng lẽ nở rộ, điểm tô cho giấc ngủ của thành phố. Đà Lạt giữa đêm thật yên tĩnh, không giống như Sài Gòn náo nhiệt và sôi động. Giữa đêm ở Sài Gòn, vẫn thấy đông vui, người nhậu, hoan hô... Đà Lạt trong giấc ngủ tĩnh lặng, không gần gũi lắm, tạo cho người ta cảm giác bí ẩn, quyến rũ, càng khiến lòng người muốn tìm hiểu sâu hơn về câu chuyện của “người phụ nữ trong rừng” này.

Đến khách sạn đã là 4 giờ rưỡi sáng. Sau khi làm thủ tục nhận phòng, tôi thấy quầy lễ tân được trang trí với nhiều hoa hồng tươi, thật dễ thương như chào đón chúng ta đến với khách sạn. Vừa bước vào phòng, tôi định nghỉ ngơi một chút thì đã nghe thấy tiếng gà gáy xa gần. Tôi đứng dậy ra ban công ngắm nhìn phía đông đã bắt đầu sáng dần, cúi đầu nhìn quanh khách sạn, thấy mỗi nhà đều trồng hoa cỏ trang trí trước cửa và sau vườn. Hoa cỏ làm cho mỗi ngôi nhà thêm phần duyên dáng và dễ thương, đồng thời cũng mang lại nhiều cảm giác thơ mộng cho cuộc sống của người Đà Lạt.

Mỗi ngôi nhà đều được thiết kế và xây dựng rất sáng tạo và đặc biệt. Một số bông hoa leo lên tường, đua nhau khoe sắc trong gió, một số khác tĩnh lặng ở góc nhà, lặng lẽ nở hoa, rồi cũng lặng lẽ tàn đi, thời gian thật bình yên. Một chú nhà văn hơn 60 tuổi nói với tôi: “Hơn 40 năm trước, khi chú còn là một đứa trẻ, mỗi nhà ở Đà Lạt đã có thói quen trồng hoa cỏ để trang trí, vừa để làm đẹp cho không gian, vừa là bán hoa kiếm sống.”

Đà Lạt được mệnh danh là “thành phố ngàn hoa”. Tôi đã được đi nhiều thành phố, nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy một thành phố có những con phố hai bên trồng đầy hoa đủ loại: hồng, nhài, lan hồ điệp, cẩm tú cầu, hoa đồng tiền, hoa giấy... Môi trường và khí hậu ở Đà Lạt rất thích hợp trồng hoa trồng cỏ. Đà Lạt mang đến cho hoa cỏ một môi trường sinh trưởng tốt, và hoa cỏ không phụ lòng thành phố này. Chúng đã mang lại cho Đà Lạt những cảnh đẹp rực rỡ, làm cuộc sống thêm phần thơ mộng, mang lại chút bình yên và tĩnh lặng cho cuộc sống bận rộn của người hiện đại.

Tại phòng khách sạn, sau một chút nghỉ ngơi, sự mệt mỏi cũng đã tan biến. Mọi người đã trang điểm xong, chuẩn bị đi săn mây. Chúng tôi gồm 6 người, thuê 3 chiếc xe máy của khách sạn, gồm 5 đồng nghiệp Việt Nam và tôi, một người nước ngoài. Hai người chung một chiếc xe máy, chúng tôi sẽ đi đến một quán cà phê cách đó hơn 20 km để săn mây Đà Lạt.

Tôi và đồng nghiệp trẻ nhất, em Giang, đi chung một xe. Cô ấy là một người điển hình của thế hệ 00, dũng cảm và thích mạo hiểm. Cô đèo tôi đi qua những ngọn đồi và con dốc lớn nhỏ ở Đà Lạt, tận hưởng vẻ đẹp của thành phố này. Nếu ấn tượng đầu tiên là “ngàn hoa”, thì ấn tượng sâu sắc nhất lại là ngàn con dốc lớn nhỏ đủ loại của Đà Lạt.

Con đường dài 20 km với những đoạn dốc lên dốc xuống, mãi không biết phía bên kia con dốc sẽ có phong cảnh gì. Những cảnh đẹp ẩn giấu sau con dốc thật phong phú: có khi là một ngôi làng nhỏ, có khi là một quán cà phê xinh xắn, có khi là một ngôi nhà đơn độc, có khi là những nhà cổ kính với nhiều hoa cỏ, có khi là một ông lão ngồi uống trà trước hiên nhà, và có khi xuống một con dốc lại nối tiếp một con dốc khác...

Em Giang là một cô gái có tay lái rất giỏi, cô bé này vừa chạy xe vừa giới thiệu cho tôi những danh lam thắng cảnh. Đôi khi, khi vui mừng quá, cô bé còn một tay lái xe, tay còn lại chỉ về phía ngọn đồi khác. Mỗi khi như vậy, tôi ngồi ở phía sau xe máy, đều phải nắm chặt vào yên xe, sợ mình sẽ bị ngã. Những người bạn trong nhóm phía sau cứ cười lớn bảo: “Không sao đâu, đừng sợ, Đà Lạt nhiều con dốc lắm. Nhìn từ sau, trông Giảo giống như một 'bà lão' về thăm quê.”

Tôi là một người có chút bảo thủ nhưng cũng thích mạo hiểm, vừa muốn biết đằng sau  con dốc kia có phong cảnh gì lại vừa sợ những con đường gập ghềnh. Cuộc đời này cũng giống như một con đường một chiều, có rất nhiều con dốc, dốc lên dốc xuống, chúng ta vừa tò mò vừa lo sợ, nhưng lại phải từng bước tiến về phía trước.

Hôm đầu tiên, chúng tôi chạy xe máy khám phá thành phố Đà Lạt qua những con dốc. Tôi nghĩ rằng nếu Đà Lạt không có hoa, sẽ như một thiếu nữ mất đi sức sống; nếu không có con dốc, sẽ như một người phụ nữ mất đi sự bí ẩn. Những bông hoa và những con dốc đã làm nên Đà Lạt, mang lại sức sống và chiều sâu cho thành phố này.

dalat 2 7589

ho xuan huong da lat ve dem 7
 Bên hồ Xuân Hương, ngày và đêm.

Sáng hôm sau, tôi hẹn một chú nhà văn Việt Nam đi ăn sáng và uống cà phê. Chú đã hơn 60 tuổi và là một người bạn thân của tôi. Quê hương của chú là Đà Lạt, và chú trở về quê để dự trại sáng tác. Một cô gái Trung Hoa hơn 25 tuổi và một chú nhà văn Việt Nam hơn 60 tuổi, mặc dù quốc tịch khác nhau, chênh lệch tuổi tác rất lớn, nhưng lại là một sự kết hợp thật thú vị, chúng tôi đi dạo trên những con phố của Đà Lạt. Chú giới thiệu cho tôi: “Trước đây, trên con dốc này có một trạm xăng, ba chú thường đến đây mua xăng rồi mang về bán ở làng. Những con đường trước đây không rộng như bây giờ, những ngôi nhà cũng rất giản dị. Đằng kia là một hiệu sách, khi chú khoảng 12 tuổi thường đến đó mua sách tranh về nhà đọc... Con đường, ngôi nhà, hiệu sách đều đã thay đổi, chỉ có những con dốc Đà Lạt là không thay đổi... Điều chú thích nhất chính là những con dốc của Đà Lạt."

Tôi và chú nhà văn Việt Nam leo lên vài con dốc và đến một quán ăn sáng bán “bánh căn”. Hai bà hơn 70 tuổi kinh doanh quán ăn giản dị này, một bà thu tiền, một bà làm “bánh căn”. Bà mỉm cười, thân thiện hỏi: “Ăn gì con?” Chú nhà văn gọi hai đĩa “bánh căn”. Chú giới thiệu với tôi: “Đây là món ăn sáng đặc trưng của Đà Lạt, món ăn này đơn giản, dễ làm và được người bình dân rất yêu thích...” Vừa ăn sáng, tôi vừa lắng nghe chú kể về Đà Lạt ngày xưa, cảm giác như thời gian quay trở lại. Chậm rãi, vừa thực, vừa mơ màng. Dù tôi chưa từng trải qua thời kỳ đó, nhưng từ lời kể của chú, tôi có thể cảm nhận được rằng thời gian ấy tuy thiếu thốn vật chất, nhưng cuộc sống của mọi người lại rất đơn giản, yên bình.

Sau khi ăn sáng, chú nhà văn không quên giới thiệu với hai bà : “Đây là một cô gái Trung Hoa, tiếng Việt rất giỏi, còn có thể viết bài bằng tiếng Việt nữa.” Bà mỉm cười đáp lại: “Con có ăn được không? Lần sau con đến Đà Lạt chơi, qua lại đây ăn bánh căn nữa nhé!

Sau khi ăn sáng, tôi và chú nhà văn Việt Nam đi xuống một con dốc đến một quán cà phê nổi tiếng có tên “Nguyệt Vọng Lầu”. Chúng tôi vừa xuống dốc thì chú bất ngờ dừng lại và nói: “Những con dốc ở Đà Lạt thật thú vị, chú rất thích kiểu đồi này, vừa có nhà ở trên đồi, vừa có nhà ở dưới đồi, một con dốc kết nối mọi người lại với nhau...”

Ít phút sau, tôi và chú đã đến “Nguyệt Vọng Lầu”. Chú giới thiệu rằng “Nguyệt Vọng Lầu”có lịch sử rất lâu đời, tôi cũng không nhớ rõ là bao lâu, nhưng nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ nổi tiếng đã mô tả về “Nguyệt Vọng Lầu”, trong đó có những nhạc sĩ rất nổi tiếng của Việt Nam như Trịnh Công Sơn.

Tôi và chú nhà văn Việt Nam gọi hai ly cà phê và bắt đầu trò chuyện. “Nhìn kìa, con dốc bên ngoài, trước đây những ngôi nhà bên cạnh rất thấp, xung quanh toàn cây thông, giờ mọi thứ đã thay đổi. Đôi khi nghĩ lại, cuộc đời của chúng ta không thể làm chủ được, hoặc chỉ có 50% là chúng ta có thể làm chủ, hoặc thậm chí còn ít hơn..."

Tôi đùa rằng: “Cuộc đời có lẽ cũng như những con dốc ở Đà Lạt, chúng ta rất khó biết được phong cảnh phía sau con dốc là gì. Chúng ta phải tự mình đi đến mới có thể thấy và cảm nhận được...”

Chú nhà văn đáp: “Đúng vậy, cuộc đời thật khó nói. Có lẽ hoàng đế Bảo Đại cũng không nghĩ rằng có một ngày ông sẽ phải sống lưu vong ở Pháp, chết như một người vô gia cư nơi đất khách. Nghĩ lại về cuộc đời và những năm tháng đầu tiên của ông, quyền lực, tài sản, địa vị, ông đều có đủ... Cũng giống như vị hoàng đế cuối cùng của nước em, Phổ Nghi, nhà của ông là Tử Cấm Thành, nhưng khi ông trải qua biết bao thăng trầm, về già trở về nhà, lại phải mua “vé tham quan’...”

Sau khi uống cà phê xong, tôi và chú nhà văn Việt Nam tạm biệt nhau ở một ngã tư nhỏ trên một con dốc. Tôi trở về khách sạn để tiếp tục chuyến du lịch, còn chú thì quay lại tham dự sự kiện. Dù chúng tôi có đến hay không, hoa ở Đà Lạt vẫn nở rộ và rụng xuống, những con dốc vẫn ở đó. Hoa cỏ trang trí cho Đà Lạt, mang lại sức sống cho thành phố, còn những con dốc thì thêm phần quyến rũ theo năm tháng. Dù chúng tôi có mặt hay không, hoa cỏ, con dốc, Đà Lạt vẫn ở đó.

Chúng ta sống trên thế gian này cũng giống như vậy, chúng ta đến rồi đi, dòng thời gian vẫn trôi qua, trái đất vẫn xoay quay. Đi trên con đường một chiều, chúng ta như đang đi trên những con dốc ở Đà Lạt, không thể dự đoán phong cảnh phía trước sẽ ra sao. Có lẽ chúng ta cũng không cần phải quá bận tâm về những gì sẽ xảy ra ở phía trước. Hãy vừa đi vừa trân trọng, vừa đi vừa ngắm hoa cỏ, khi duyên phận đến, những phong cảnh đẹp sớm hay muộn chắc chắn sẽ đến với chúng ta hội ngộ.

 

 

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây