Hà Nội, Khúc cuối Mùa Thu

Thứ hai - 07/10/2024 10:44

Ảnh minh họa: ST

Ảnh minh họa: ST




 Đào Thị Thu Hiền

 (Trường THCS Nguyễn Văn Huyên,
 huyện Hoài Đức, TP Hà Nội)
 

     Một sớm cuối thu, bước chân ra phố, ta bỗng thấy ba mươi sáu phố phường thủa xưa của Hà Nội trở nên tinh khôi và dịu dàng hơn biết bao nhiêu bởi những sợi nắng mềm mại vàng tươi đang mơ màng giăng mắc trên những vòm lá; lấp loáng trên những mái ngói lô xô màu thâm nâu; chảy tràn xuống những ô cửa, loang trên các bức tường của những ngôi nhà cổ kính dọc hai bên phố. Những tia nắng mềm mại vàng tươi mơ màng ấy dường như cũng hiểu chuyện đang chuẩn bị phải chia tay những con phố để ra đi cùng mùa thu nên dáng vẻ còn đầy tiếc nuối, bịn rịn, quyến luyến như thể còn một điều gì khó nói, chưa muốn rời xa. Có lẽ vậy mà nắng vàng của buổi sớm mai trong những ngày cuối thu kia hình như không chỉ dịu dàng mà còn rất ngọt ngào, êm ái. Nó vẫn tràn trề, vẫn rực rỡ, vẫn mênh mang đấy nhưng không còn gay gắt, không còn chói chang, không còn bức bối nữa để còn yêu thương mà gây nhung nhớ. Chẳng những thế, ánh nắng dịu dàng, mơ màng ấy còn làm cho người qua cảm thấy vô cùng thích thú, khoan khoái trong một cảm giác rất lâng lâng dễ chịu đến vô cùng. Những tia nắng sóng sánh, mềm mại, óng ả ấy hình như cũng đang muốn gột rửa hết thảy bụi bặm của cơn bão còn vương lại trên khắp nẻo phố phường để làm tươi mới mọi vật mà dâng trả cho trời xanh bồng bềnh mây trắng. Cái dáng điệu quyến luyến chưa muốn chia xa của những tia nắng mùa thu ấy đôi khi cũng bị lộ ra bởi cái vẻ bộ đang rối rít, vội vàng, quấn quýt vương vấn theo những bước chân người dạo đi trên phố giữa cái lạnh bâng quơ của một thoáng heo may thoang thoảng đưa về. Chẳng biết có phải nắng thu như thế mà nhà thơ Đỗ Trung Lai từng phải thốt lên rằng: “Ước gì cuốn được thu như lụa/ Dùng may xiêm áo tặng cho em/ Em khoác mùa thu vào phố cổ/ Băm sáu con đường phải hát lên!”

Ba mươi sáu phố phường Hà Nội thủa xưa trong sớm tàn thu bỗng trở nên đẹp đẽ và cổ kính hơn bao giờ hết bởi cái lạnh se se của hơi gió mùa thu. Thong thả dạo bước trên những con đường rải vàng lá rụng trong khí trời phảng phất heo may bất chợt ta lại nhớ đến những câu thơ xao xuyến lòng người của tác giả bài hát “Người Hà Nội” khi nói về mùa thu trong những ngày rời xa đô thành để quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh: “Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác hơi may/ Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”. Cái chớm lạnh của làn gió mùa thu yếu ớt, mong manh ấy đâu chỉ đưa những đứa trẻ nồng nàn trong những giấc ngủ ngon trong câu hát ầu ơ của mẹ mà còn làm cho những vòm cây không khỏi xao động tạo thành muôn bóng hình lấp loáng trên mặt đường vàng ươm lá rụng khiến cho bao người mê mẩn, phải lòng; để cho bao ngã tình si không khỏi lang thang hoài trên phố với những ống kính tê lê dài thõng thượt ngồi rình rập, đón đợi, săn bắt những khoảnh khắc huyền diệu của đất trời. Cứ thế mà Hà Nội mùa heo may dễ làm lòng người thêm nhiều thổn thức. Ngọn gió giao mùa với cái lạnh hanh hao như giục mùa thu lắng hồn vào trong bông cúc vàng tươi tắn trên gánh hàng hoa rong ruổi theo người qua phố. Một thoáng chút heo may thoảng xà vào trong mái tóc người thiếu nữ đủ để làm thức dậy những mộng mơ của tâm hồn dạo rực yêu thương; để đưa hoa sữa tỏa vào đất trời mênh mông cái hương xưa nồng nàn, quyến rũ. Nhưng cũng có khi, đêm trời trở gió, heo may còn làm cho lòng người không khỏi thao thức, bâng khuâng trong những tiếng xào xạc của lá thu xa cành về cội. Như thế bảo sao nhưng cơn gió mùa thu không quyến rũ lòng người được cơ chứ. Nó làm cho phố trở nên mơ màng, khiến cho những người từng ở trong phố mỗi khi phải đi xa Hà Nội gặp đúng tiết trời cuối thu mà lòng không khỏi chộn rộn nhớ về những ngõ nhỏ, phố nhỏ trong một giấc mơ như thể: “Ta mơ thấy em ở nơi kia xa lắm/ Một Hà Nội ngây ngất nắng/ Một Hà Nội run run heo may…”.

Tôi nghe người ta nói mùa thu là mùa đẹp nhất trong bốn mùa. Thoạt nghe cứ tưởng là câu nói thiên vị của người nào đó phải lòng mùa thu. Xong rồi ngẫm kỹ thấy người ta cũng có lý. Có lẽ tiết trời mùa thu mát mẻ, không oi bức như mùa hè, giá buốt như mùa đông, mưa phùn ẩm ướt, nhớp nháp như mùa xuân mà người ta bảo vậy. Đúng thế, cảnh sắc tàn thu trên phố dễ làm người ta không khỏi nao lòng. Sắc màu của trời thu quyện vào phố phường mà làm thành những bức tranh không kém phần rực rỡ với một vẻ đẹp tươi sáng, dịu dàng và cũng rất khoáng đạt, tràn căng nhựa sống, đủ để mê đắm lòng người. Nhưng cảnh thu ấy huyền ảo nhất phải kể đến ánh trăng. Ánh trăng dịu dàng qua ô cửa sổ rọi sáng căn nhà. Trăng rót ánh vàng chảy xuống những vòm cây cổ thụ, rớt xuống làm loang lổ cả mặt đất. Phải thừa nhận rằng trăng mùa thu đẹp nhất trong tất cả các mùa. Trăng đẹp ngay từ lúc lưỡi liềm. Vào những đêm thanh, hiu hưu gió lạnh, vầng trăng nhô lên cao dần rồi vắt sữa chảy tràn xuống mặt đất, làm cho khắp nẻo phố phường bừng lên trong một nguồn sáng đến diệu kỳ. Nhưng ngắm trăng trong phố không dễ. Những ồn ào của phố, những nhà cao tầng, những ánh điện cao áp rực rỡ dễ làm người ta quên đi vầng trăng mùa thu. Nếu ai ở trên phố mà thèm ánh trăng thu thì phải tìm chọn một nơi thật thoáng, không bị nhà cao tầng che mất tầm mắt; phải chọn lúc đêm thật sâu giữa không gian bốn bề thanh tĩnh để thưởng thức thì mới thấy hết cái thú vị của trăng tàn thu. Cũng có khi nằm trên cao ốc, vén rèm nhìn qua cửa sổ lên phía bầu trời, bất chợt ta thấy trăng sáng ùa vào. Ánh trăng nghiêng về một phía chênh chếch tít trên trời thăm thẳm. Khi ấy ta sẽ thấy trăng vẫn đó mà sao trời chới với lạc lõng ở tận nơi nao. Tiết mùa thu rất đẹp nhưng tiết của tháng ngày cuối thu mới là đẹp nhất. Chẳng biết có phải vì thế mà trăng thu tháng chín sáng và huyền ảo hơn tất cả. Hình như cái gì sắp qua đi cũng là cái mà người ta vừa mới kịp nhận ra rằng nó quý giá nhất. Liệu có phải vì thế mà trong những ngày tàn thu, trong tiết chuyển mùa sang đông, ngắm vầng trăng sáng cô đơn trên “bến sông trắng cỏ bạc đầu”, giữa “gió lạnh mới về chạy xào xạc trong lau lách” mà có người từng “ấp ủ một cái gì đẹp hơn thế, đa tình hơn thế”, rồi không khỏi bâng khuâng, nhung nhớ “thèm khát yêu đương hơn cả bao giờ hết” (Thương nhớ mười hai).


Tác gia

 

Hà Nội mùa thu, dạo bước trên phố đông người qua, người ta không có cái cảm giác được hít hà hương ổi chín quyện vào trong gió như đang phảng phất trong những ngõ nhỏ, xóm nhở ở nơi quê mùa. Mùa thu, mùi ổi chín ngọt ngào đưa hương dịu nhẹ nhưng vấn vương làm cho người ta khó quên. Chẳng biết có phải hương ổi tỏa bay trong gió để gọi các loài chim đua nhau tìm về  ríu rít làm xôn xao cả những góc vườn xum xuê xanh lá. Cứ nghĩ đến hương ổi ấy mà ta thấy thèm chảy hết nước miếng với những trái ổi đào, ổi mỡ xinh xinh, ngọt lịm, thơm nức cứ như thể đang bày ra trước mắt, chứ không giống như những trái ổi to đùng vô hương chất đống trên những chiếc mẹt của các cô hàng bán rong đang dạo hoài trên phố. Nhưng cũng đừng thấy thế mà bảo Hà thành không có hương thu. Mùa thu trên phố không có hương ổi nhưng có hương hoa sữa nồng nàn. Và cũng chẳng biết từ bao giờ mùa thu Hà Nội gắn liền với hoa sữa. Nếu ai chưa một lần gặp hoa sữa thì sẽ khó hình dung. Nhưng ai đã từng một lần nhìn thấy loài hoa này chắc hẳn sẽ nhớ mãi không bao giờ quên. Hà Nội ngày xưa đã từng nổi tiếng với hoa sữa trên phố Quang Trung, đường Nguyễn Du. Bây giờ thì nhiều hơn, Hà Nội có nhiều tuyến đường mới đều trồng hoa sữa. Và trong những ngày tháng cuối mùa thu này cũng chính là thời điểm “mùa hoa sữa về, thơm từng cơn gió” của Hà Nội. Đi dưới những đường phố trồng hoa sữa, ngước mắt lên nhìn bầu trời người ta sẽ thấy hàng nghìn chùm hoa li ti nở trắng trời và tỏa ra một mùi hương ngọt ngào, đậm đặc. Hương thơm của loài hoa trắng li ti ấy đôi khi nhiều quá còn làm cho những người không quen có cảm giác hơi khó thở nhưng với những ai ngửi quen thì cảm thấy rất dễ chịu và thích thú. Mùa hoa sữa ngọt ngào cũng là mùa Hà Nội “lên hương”. Hương hoa sữa ban ngày có khi còn phảng phất nhưng ban đêm, nhất là trong tiết heo may thì hương bay đậm đặc. Mùa hoa sữa về thích nhất là đứng xa gốc hoa sữa ở cuối đường để đón hương trong gió. Khi ấy hương sữa theo về trong gió làm cho ta có cái cảm giác êm đềm, dịu nhẹ, man mát, ngọt ngào. Và khi ấy hẳn là ta sẽ nhớ đến Hồng Đăng với câu hát dịu dàng, du dương: “Hoa sữa vẫn ngọt ngào/ Đầu phố đêm đêm/ Có lẽ nào anh lại quên em/ Có lẽ nào anh lại quên em”. Cũng chẳng biết có phải vì thế hay không mà người ta từ lâu đã chọn hoa sữa làm biểu tượng của hoa mùa thu của Hà Nội.

 

Đ.T.T.H

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây