NHÀ VĂN LÊ LỰU, NGƯỜI ĐÃ VỀ MÂY TRẮNG

Thứ năm - 17/11/2022 20:12
Bài: Phùng Văn Khai
Nhà văn Lê Lựu (bên phải)
Nhà văn Lê Lựu (bên phải)

     Bài:  Nhà văn Phùng Văn Khai

    Nhà văn Lê Lựu là một con người đặc biệt. Đặc biệt nhất ở chỗ, chưa bao giờ ông hoạch định tương lai cho cá nhân mình, cả đến khi ông mất.
Điều đó khiến chúng tôi đã rất lúng túng.
Hội Nhà văn và quê hương, nơi ông đớn đau và mong muốn trở về. Nơi ông đã lặng lẽ ở đó và ra đi, và bây giờ là trở về cũng rất lặng thầm ít người biết.
Điều đó tại sao?
Bởi vì ông - nhà văn Lê Lựu luôn mong muốn và thành tâm cống hiến cho cuộc trường chinh của đất nước, cho những gì lớn lao, còn như điều cụ thể thì nhà văn hoàn toàn không biết. Đến mức một khung khổ, một chôn cất, một điểm về đất cát đã khiến người còn sống phải họp hành, tranh cãi, thật là đáng tiếc.
Nhưng Lê Lựu là như vậy.
Với cánh văn chương báo chí, Lê Lựu vừa là tác giả vừa là nhân vật xuyên suốt mấy chục năm nay. Tôi đã đọc hàng ngàn trang ông viết và cũng đã viết trên trăm trang về ông. Tôi may mắn được ông đọc những trang bản thảo đầu tiên của mình năm 1995. Lê Lựu phán ngay: “Hỏng! Cậu viết có văn mà không có chuyện. Đi ra biển chơi để tớ còn làm việc”. Tôi lủi thủi đi ra nhưng không đến mức liều mình nhảy xuống biển vì văn chương với cậu binh nhì tuổi đôi mươi chả là cái cóc khô gì. Rồi cái truyện Lê Lựu phán hỏng ấy lại được in trên Văn nghệ quân đội với cái tên Nhánh sim rừng mà đoạn kết trên hai mươi dòng hoàn toàn là của Lê Lựu. Lê Lựu thi thoảng về nhà tôi ở Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên chơi, rượu thịt chó với cánh lính chiến Trường Sơn, còn tôi đã đứt đoạn đi làm truyền hình năm thì mười họa mới xuất hiện truyện ngắn nhẹ hều đương nhiên Lê Lựu hoàn toàn không nhắc tới.
Văn chương thì Lê Lựu mặc kệ tôi, nhưng làm báo chí thì ông lại dạy nghề rất cẩn thận. Lê Lựu bảo: “Báo nuôi sống người. Cậu đã có vợ con, được làm truyền hình thì phải nuôi vợ con trước. Văn chương rồi sau hẵng tính. Tớ ngày trước khởi điểm làm báo bằng mẩu tin Trung đội diệt ruồi mà sống nhăn đến tận bây giờ”.
Ai cũng biết, Lê Lựu từng làm báo ở Quân khu 3 sau năm 1959 với nhiều phóng sự nóng hổi về bộ đội. Lê Lựu khi đó còn nổi tiếng hơn Tổng Biên tập Mai Vui và đã bắt đầu có những truyện ngắn đầu tiên in trên Văn nghệ quân đội như Tết làng Mụa và nổi tiếng với Người về đồng cói. Lê Lựu là tay cự phách với nhiều thể loại báo chí: phóng sự; ký sự; bút ký... rất sống động và có một giọng văn riêng. Những ngày ông viết Người cầm súng (tập truyện ngắn, 1970); Phía mặt trời (tập truyện ngắn, 1972); Mở rừng (tiểu thuyết, 1976)... là những ngày đi thực tế tại các trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn ác liệt. Ông đã viết nhiều bài báo và được Tư lệnh bộ đội Trường Sơn Đồng Sĩ Nguyên hết sức khen ngợi. Đã nhiều lần, vị Tư lệnh “cấm” ông và nhà thơ Phạm Tiến Duật xuống các trọng điểm đang bị bắn phá. Nhưng với bản tính con nhà báo, Lê Lựu vẫn nhiều lần trốn xuống với bộ đội, thanh niên xung phong. Nhiều bài viết nóng hổi khét lẹt mùi đạn bom đã tới tay bạn đọc. Cũng bởi vậy, tiểu thuyết Mở rừng mới ăm ắp tư liệu chiến trường mà nhiều khúc đã được Lê Lựu chuyển vào các bài Mấy tháng trước, khi chị Lương đón nhà văn Lê Lựu trở về căn nhà tuổi thơ nơi bối cảnh ông viết Thời xa vắng, ai cũng thấy mừng thầm. Người đi ừ nhỉ thấm thoắt mây bay mấy chục năm rồi cũng đến lúc trở về làng cũ. Cái tên Lê Lựu lừng danh khắp trời Việt, trời Âu, Phi và đặc biệt là nước Mỹ. Lê Lựu có rất nhiều người bạn Mỹ và không ít người nhìn bộ tóc xoăn tít của Lê Lựu cứ nghĩ ông là người lai Mỹ nhưng tính cách ông lại đặc sệt chất nông dân Việt Nam bờ bãi sông Hồng. Lê Lựu dẫu có giày tất com lê cravat trông vẫn cứ tất tả, tơi bời như ông nông dân vừa đánh xong mười mấy luống cày vụ chiêm nóng nực. Lê Lựu uống nước cứ chộp choạp vất vả thế nào. Cái cách Lê Lựu vuốt tóc cũng khiến người khác phát mệt bởi tóc ông vốn xoăn tít vô tổ chức, lại lúc viết lách văn chương bí bách hay sao mà ngài cứ vuốt bừa mái đầu bò đầu bướu. Bây giờ thì cái đầu ấy đã trọc lốc chỉ còn lơ thơ vài sợi. Tóc về với đất trước người cũng như lẽ đời, lẽ trời biển nông sâu.
Chị Lương vất vả từ tấm bé. Nhà văn Lê Lựu toàn làm những việc đâu đâu. Nhiều lúc, việc quốc gia đại sự ông cũng hò hét xông vào, nhưng việc gia đình lại vô cùng vụng về. Ông từng than rằng tớ không biết tổ chức cuộc sống gia đình. Ở nhà với vợ con nó cứ bồn chồn lo lắng thế nào. Việc nhà thì nhác việc chú bác thì siêng đúng là hợp với tớ. Ngày làm thư ký tòa soạn Văn nghệ quân đội, nhất là khi ra tờ Phụ san, Lê Lựu lúc nào cũng tất bật chuẩn bị gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng ở tầm rất cao mà những việc như cơm nước, giày tất còn quên biệt huống chi con cái, càng biết đâu đến cô con gái nhỏ mãi tận vùng đất Khoái Châu chiêm khê mùa thối tít tắp. Với Lê Lựu, Khoái Châu cũng xa xôi như châu Mỹ, châu Phi vậy. Mà có về đến Khoái Châu, chưa chắc Lê Lựu đã về nhà mà lại tụ bạ nơi đình, đền, chùa, miếu đương xây dựng dở dang, vận động cái cột, đúc khắc tấm bia cho tươm tất, còn bản thân ông húp bát nước lá vối kẹo lạc cũng đủ sống qua ngày.
Chị Lương rất biết tính cha mình. Những lúc Lê Lựu trên đỉnh vinh quanh, tầm quan hệ toàn cỡ quốc gia, quốc tế là lúc chị Lương chăm chỉ, cần mẫn với cương vị giáo viên, quản lý giáo dục nơi huyện nghèo ở Hưng Yên. Rồi người cha già đi, già đến nỗi không còn nhận biết trời đất gì nữa. Rồi người con lớn lên, đã thành bà, đã có trong tay gia đình hạnh phúc, những ước mơ đã thành hiện thực, đã chung sức cộng đồng giúp được vật chất, tiền bạc, tinh thần cho các em thơ trên chính mảnh đất của mình cũng là lúc chị đón cha trở về. Lê Lựu chắc gì đã biết những thành tựu của con? Nước mắt của Lê Lựu là nước mắt dành cho thiên hạ, dành cho những Giang Minh Sài, Sông, Biển, Núi, Rừng... giang hồ thảo khấu đâu đâu, con cái nhà ai đó chứ nhà mình lại quên mất. Từng có chuyện sau khi bộ phim Sóng ở đáy sông trình chiếu, một số người không có công ăn việc làm nơi đất cảng Hải Phòng đã tìm đến bắt đền Lê Lựu, bắt Lê Lựu tạo công ăn việc làm cho, bởi vì bác viết chuyện về cháu, làm phim về cháu khiến cháu nổi tiếng, không còn hành nghề cũ được nữa, thì bác phải nuôi cháu, chứ ai nuôi bây giờ? Bác là nhà văn thì bác phải có trách nhiệm với xã hội, nhất là các nhân vật mà bác viết ra. Cháu nói thế là còn nhẹ đấy, còn nể bác là nhà văn nổi tiếng chứ phải thằng khác chết với cháu.
Lê Lựu luôn gặp phải những thiên tai địch họa như thế.

img025 copy

Nhà văn Lê Lựu - người thú 4 - Từ trái sang phải
 
Tôi ngồi mãi bên ông, nhà văn Lê Lựu giờ nằm thiêm thiếp, đôi mắt nhắm nghiền, hơi thở khe khẽ như đã từ lâu bỏ mặc xung quanh. Trong buổi trưa ngồi cùng chị Lương - con gái nhà văn, tôi nói rằng Lê Lựu là một người hạnh phúc. Xưa nay, nhiều người cho rằng ông quá lam lũ, cơ cực, đắng cay, khúc khuỷu trên suốt chặng đường đời có lẽ còn chưa thấu đáo chăng? Lê Lựu từ bé đã được độc lập làm người lính, độc lập làm báo, làm văn, độc lập mở mang sự nghiệp, lại còn được bao nhiêu người xúm vào nghe ông nói, các thế hệ đua nhau đọc tác phẩm của ông, các lãnh đạo lắng nghe và tạo điều kiện vật chất, tinh thần cho ông... Tóm lại là muốn sao được vậy thì cơ cực nỗi gì? Lê Lựu đích thực là một người hạnh phúc! Trời đất! Còn phải nghi ngờ gì nữa?
Buổi chiều, khi nghe tin nhà văn Lê Lựu mất, tôi thấy thật là thanh thản, tuy nhiều nỗi bâng khuâng. Ông đã thực sự có một cuộc trường chinh mới, mênh mông, dài rộng càng đương nhiên không báo trước một tốt lành nhưng điều đó cũng đã diễn ra vì ông là Lê Lựu.
Vĩnh biệt ông!

Nguồn tin: HNV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây