NHÂN NĂM THÌN Nhớ lại hình tượng Rồng trong thơ ca.

Thứ bảy - 13/01/2024 20:39

Ảnh minh họa: ST

Ảnh minh họa: ST



Nguyễn Kim Rẫn

Người xưa lấy con RỒNG làm biểu tượng cho năm Thìn. Trong số các con vật như chuột, trâu, hổ... làm biểu tượng cho các năm Tý, Sửu, Dần... của 12 địa chi thì duy nhất có RỒNG là con vật không có thực. Trong tưởng tượng và trong ấn tượng của người phương Đông thì RỒNG là loài vật cao quý, biểu tượng cho uy quyền, cho vẻ đẹp và cho sức mạnh. Phải chăng vì vậy mà trong nhiều câu chuyện lưu truyền, RỒNG , khi thì là ông Tổ (Lạc Long Quân), khi thì là thần linh hiện ra giúp nước, giúp người hiền. Thơ ca cũng không ít bài, ít câu nhắc đến RỒNG với một tình cảm trân trọng, ngưỡng mộ:

1. Trước hết, trong thơ ca, rất nhiều câu nói đến RỒNG đồng nghĩa với vẻ đẹp, với cao sang để so sánh với con người như:

  • RỒNG đến nhà tôm.
  • RỒNG vàng tắm nước ao tù

Người khôn ở với người ngu bực mình.

  • Trứng RỒNG lại nở ra RỒNG
  • RỒNG lội ao tù.
  • RỒNG lội ao tù tôm cũng giỡn,

Hổ xuống đồng bằng chó vuốt đuôi.

  • RỒNG tranh hổ chọi.
  • RỒNG thất thế hoá thành rắn.

2. Nhiều khi dáng hình RỒNG (trong tưởng tượng) được đem ví von với, so sánh với hiện tượng, sự việc, hay một hình ảnh nào đó trong cuộc đời. Ví dụ, để nói chuyện lời nói chưa kín nhẽ thì:

  • RỒNG nằm bể cạn phơi râu,

          Mấy lời anh nói giấu đầu hở đuôi.

So sánh với cái may mắn của cô gái nào đó khi đi lấy chồng, cha ông ta ví:

         

                   Phận gái lấy được chồng khôn

          Xem bằng cá vượt Vũ Môn hoá RỒNG

Cũng có khi so sánh với cảnh làng xóm, sông nước đẹp, trù phú:

                   "Làng ta phong cảnh hữu tình,

          Dân cư giang khúc như hình con Long (RỒNG)

Cũng có khi đem ví vẻ đẹp của RỒNG với lông mũi của người vợ vì quá yêu:

                   Lỗ mũi mười tám gánh lông

          Chồng yêu, chồng bảo râu RỒNG trời cho.

Thắm thiết biết bao khi đôi trai gái mượn hình ảnh RỒNG - mây để mà bộc bạch, than thở:

                   Mấy khi RỒNG gặp mây đây

          Để RỒNG than thở với mây vài lời.

                   Nữa mai RỒNG ngược, mây xuôi,

          Biết bao giờ lại nối lời RỒNG - mây.

Cũng có khi dùng hình ảnh RỒNG để so sánh với vẻ đẹp uyển chuyển trong chữ viết, trong động tác nào đó:

  • RỒNG bay, phượng múa.
  • Hoa tay thảo những nét

          Như phượng múa RỒNG bay(Vũ Đình Liên)

Cũng có khi là để ví với sức mạnh:

          Ăn như RỒNG cuốn

          Uống như RỒNG leo.

Cũng có khi dùng điển tích để nói việc biến hoá diệu kỳ:

                   "Bỗng đâu RỒNG trúc, sóng đào

          Chia ra đã hẳn, ép vào khéo xinh."

                             (Nguyễn Huy Tự - Nguyễn Thiện)

Theo "Thần tiên truyện", Phí Trường Phòng đến đất Cát Pha, nắm cây gậy trúc, biến thành Rồng xanh.

RỒNG còn chỉ việc lên ngôi vua:

                   "Ngôi thiêng sao xứng tài thường

          Trần Công trảm sát để nhường Long phi".

                             (Lê Ngô Cát- Phạm Đình Toái).

3. Rất nhiều câu thơ, câu ca nói về RỒNG gắn với vua chúa xưa. Ví như:

                   Bông bổng bồng bông

          Trai ơn vua chầu chực sân RỒNG (hoặc cưỡi thuyền Rồng)

Hay: "Thành liền mong tiến bệ RỒNG " (Chinh phụ ngâm),

          "Kiệu trương Long phụng rước nàng về Phiên" (Lục Vân Tiên)

4. Rồng xuất hiện với tư cách là con vật được chạm trổ trên nhà cửa, đồ dùng:

  • Bốn của anh chạm bốn RỒNG                                                         Trên thì rồng ấp dưới thì rồng leo

-   Song cửa sổ chạm RỒNG                                                                            Chồng con chẳng lấy, không chồng chẳng có tươi.

Hay:               Thấy em nằn đất anh thương

             Anh ra kẻ chợ mua giường tám thang

                   Bốn góc thì anh thếp vàng

            Bốn chân bịt bạc, bốn thang chạm RỒNG...

5. Cũng có khi nói về RỒNG là để nói về một hiện tượng thiên nhiên theo kinh nghiệm của người xưa:

          RỒNG đen lấy nước thì nắng,

          RỒNG trắng lấy nước thì mưa.

6. Cặp từ RỒNG - mây trong thơ ca rất gắn bó với nhau, hay đi cùng nhau. Nó chỉ bề tôi gặp vua anh minh hoặc trai gái yêu nhau gặp được nhau:

  • Một mai nên vợ nên chồng

Như cá gặp nước, như RỒNG gặp mây.

  • RỒNG mây gặp hội.
  • "Thoả duyên cá nước, gặp hội mây RỒNG."(Lẳng lơ phú)
  • "Bây giờ cha tuổi tác này

Mong con gặp hội RỒNG mây kịp người" (Truyện Phan Trần)

"Nhớ sông Hán rong chơi họp mặt, ngắm xem bạn gái, vẻ vang chi RỒNG đã có mây." (Phú "Mẹ ơi, con muốn lấy chồng")

"Trên dưới đều RỒNG, mây, cá, nước phải duyên, giọt vũ lộ, tưới hai hàng uyên lộ." (nguyễn Huy Lượng)

          "Trải qua thuỷ tú sơn kỳ

Phỉ lòng cá nhảy, gặp thì RỒNG bay."(Lục Vân Tiên)

"Tấn dương được thấy mây RỒNG có phen". (Truyện Kiều)

          "Trai anh hùng, gái thuyền quyên

Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi RỒNG."(Truyện Kiều)

7. Có khi RỒNG gắn với gươm  quý:

                   "Rượu thôi múa cán LONG tuyền

          Chỉ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo."

                                                (Chinh phụ ngâm)

hay: "Kỷ độ LONG tuyền đới nguyệt ma" (Đặng dung).

Và: "Đến cơn loạn mệnh nên nhầm

Cán LONG tuyền để trao nhầm tay ai"

(Lê Nguyên cát- Phạm Đình Toái)

Còn biết bao câu thơ, câu ca nói về RỒNG nữa. Song khuôn khổ của một bài báo có hạn, người sưu tầm thơ RỒNG xin pháp được dừng ở đây. Chúc bạn đọc năm nay luôn có niềm vui mới, luôn phơi phới như  RỒNG  bay phượng múa.

 

Cổ Nhuế, Xuân Giáp Thìn (2024)

NKR

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây