Văn xuôi trẻ Hà Nội: Có gì ngoài hiện thực ?

Thứ tư - 14/10/2020 10:23

Văn xuôi trẻ Hà Nội: Có gì ngoài hiện thực ?

Minh Trang
Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, văn chương ngoài hiện thực bao gồm những tác phẩm giả tưởng, siêu thực, khoa học viễn tưởng, dã sử, phiêu lưu, sci-fi/fantasy…đề cập đến những chi tiết hoang đường, kỳ ảo, lấy bối cảnh ở thì quá khứ hoặc tương lai, khi loài người đã đạt đến trình độ phát triển nhất định về khoa học, kỹ thuật, công nghệ - những bước phát triển tạm thời chưa thể nhìn thấy trong hiện tại.

      Ngày 5/10 vừa qua, CLB Văn học trẻ Hà Nội (Hội Nhà văn Hà Nội) đã tổ chức thảo luận với chủ đề “Văn xuôi trẻ Hà Nội: Có gì ngoài hiện thực ?”. Buổi thảo luận có sự tham gia của Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu cùng nhà văn trẻ Nhật Phi, dưới sự chủ trì và dẫn dắt của nhà thơ Đặng Thiên Sơn – thành viên ban chủ nhiệm câu lạc bộ. Một số lãnh đạo Hội nhà văn Hà Nội: Nguyễn Việt Chiến, Y Ban,  Hữu Việt cùng các nhà văn như: Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Thị Anh Thư và nhiều người viết, người đọc trẻ đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội.

Thế nào là “văn chương ngoài hiện thực”?

Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, văn chương ngoài hiện thực bao gồm những tác phẩm giả tưởng, siêu thực, khoa học viễn tưởng, dã sử, phiêu lưu, sci-fi/fantasyđề cập đến những chi tiết hoang đường, kỳ ảo, lấy bối cảnh ở thì quá khứ hoặc tương lai, khi loài người đã đạt đến trình độ phát triển nhất định về khoa học, kỹ thuật, công nghệ - những bước phát triển tạm thời chưa thể nhìn thấy trong hiện tại.

Tuy nhiên, đây chỉ là cách hiểu giản lược, giúp người đọc dễ hình dung nhất loại hình văn học này. Bởi theo TS. Trần Ngọc Hiếu, bản thân hiện thực vốn đã rất khó định nghĩa, vì nó được dệt nên từ những quan niệm của con người về thế giới. Anh cho rằng, nhiều quan niệm mà ngày nay chúng ta đang chất vấn, như sự tồn tại của những thần linh, ma quỷ, lại được chấp nhận rộng rãi ở thời xa xưa, khi ông bà ta quan niệm “Vạn vật hữu linh”, ghi nhận sự tồn tại của linh hồn, cũng như khả năng giao tiếp, gặp gỡ của con người với các thế lực siêu nhiên. Cũng theo tư duy này, nhiều điều chúng ta cho là phi lý ở thời điểm hiện tại, rất có thể sẽ trở thành “hiện thực” trong tương lai.

Vậy thì, có gì ngoài hiện thực?

Nội dung của buổi thảo luận đã bám sát câu hỏi được gợi mở ngay từ cái tên: “Có gì ngoài hiện thực?” Theo nhà văn Nhật Phi, người từng đoạt giải Nhất cuộc thi uy tín Văn học tuổi 20 với tiểu thuyết giả tưởng đầu tay  “Người ngủ thuê”, dù văn chương ngoài hiện thực chưa thật sự phổ biến ở Việt Nam – một nền văn học vẫn luôn coi hiện thực là dòng chính, nhưng bất cứ ai trong số chúng ta cũng đã được làm quen với xu hướng này qua những tác phẩm kinh điển của tuổi thơ như Tây Du Ký, Doraemon, hay những truyện cổ dân gian quen thuộc như “Tấm Cám”, “Thạch Sanh”, “Cây khế”. Bởi vậy, có thể nói, văn chương ngoài hiện thực là một món ăn tinh thần vừa lạ, vừa quen đối với đông đảo độc giả Việt Nam.

Văn học ngoài hiện thực Việt Nam: Còn đó những khó khăn

Có thể kể đến nhiều lý do mà dòng văn học ngoài hiện thực, dù đã rất phổ biến trên thế giới nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn để có thể phát triển ở Việt Nam. Trước hết, theo Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu, chất liệu kỳ ảo trong các truyện cổ dân gian của người Kinh chưa thực sự đặc sắc và đa dạng để kích thích trí tưởng tượng, năng lực sáng tạo của người viết hiện đại. Mặt khác, trên thực tế, tiểu thuyết khoa học viễn tưởng (sci-fi) chỉ thực sự thành công ở những quốc gia có nền khoa học phát triển, ví dụ như Hoa Kỳ hay mới đây là Trung Quốc, với bộ tiểu thuyết “Tam thể” của nhà văn Lưu Từ Hân. Vì lý do đó, Việt Nam chưa thể trở thành mảnh đất màu mỡ để dòng văn chương này có thể đơm hoa kết trái. Bên cạnh đó, độc giả trong nước còn ít nhiều ngần ngại đối với những tác phẩm nội địa đi theo hướng này, bởi lẽ, họ đã quá quen với những bộ tiểu thuyết đồ sộ ghi được dấu ấn trên văn đàn thế giới: Về thể loại thần thoại, giả tưởng có thể kể đến “Chúa nhẫn” huy hoàng của J.R.R Tolkien, hay cuốn sách gối đầu giường của tuổi mới lớn “Harry Potter” của J.K.Rowling. Còn thể loại phản địa đàng (Dystopia) cũng có không ít trước tác được đông đảo người đọc Việt Nam mến mộ, như “Chuyện người tùy nữ” của Margaret Atwood, “451 độ F” của Ray Bradbury, hay “Battle Royale” của Koushun Takami. Có thể nói, đối với những cây viết trẻ Việt Nam, chọn lựa đi theo dòng văn chương phi hiện thực ở thời điểm hiện tại là một quyết định khá liều lĩnh, nếu không muốn nói là một canh bạc.

Hướng đi nào cho văn học trẻ ngoài hiện thực?

Ngày nay, có một tín hiệu đáng mừng là dù còn gặp không ít hạn chế, nhưng nhiều cây bút trẻ trong nước đã và đang bắt đầu khai phá địa hạt của dòng văn chương mà nhiều khi cho ta cảm giác mình là kẻ ngoại đạo này. Lý giải hướng đi trên, nhà văn Nhật Phi cho rằng, thế hệ nhà văn 8x, 9x (anh sinh năm 1991) khác với những thế hệ trước ở chỗ được tiếp cận với Internet, nên nhanh chóng bắt kịp những xu hướng mới trong thời đại thế giới phẳng. Thuận lợi này cộng hưởng với bản chất của sáng tạo vốn mang trong mình những khao khát cách tân, tìm ra cái mới, cái lạ, thay vì đi theo những đường hướng có sẵn. Tuy nhiên, điều này không làm các nhà văn trẻ trở nên xa lạ với đất nước, dân tộc mình, mà như nhận định của TS. Trần Ngọc Hiếu, họ hoàn toàn có thể “Nghĩ toàn cầu, làm địa phương” (“Think globally, act locally”) bằng cách lên tiếng về những vấn đề mang tính toàn cầu mà Việt Nam không phải ngoại lệ như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, tình trạng đô thị hóa làm mất bản sắc hay sự lên ngôi của chủ nghĩa tiêu dùng. Ngoài hiện thực không phải là thoát ly hiện thực, mà là quan sát, chất vấn hiện thực, thậm chí đưa ra những dự báo về tương lai dưới một góc độ khác.

Hiện tại, ở Việt Nam, tuy chưa có nhiều sân chơi uy tín, chuyên nghiệp dành riêng cho các cây bút trẻ tiềm năng, nhưng một trong số đó là giải thưởng Văn học tuổi 20 đã từng bước ghi nhận sự “trỗi dậy” của văn chương trẻ ngoài hiện thực. Năm 2014, giải Nhất được trao cho tác phẩm “Người ngủ thuê” của nhà văn Nhật Phi, cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh tương lai khi những người quá bận rộn với công việc có thể thuê người khác ngủ và lấy năng lượng từ đó thông qua các thiết bị máy móc. Còn mới đây, trong năm 2018 – một năm bất ngờ vì không có giải Nhất, đồng giải Nhì đã được trao cho cuốn “Wittgenstein của thiên đường đen” (tác giả Maik Cây), một tác phẩm mang hơi hướng hậu tận thế khi lấy bối cảnh ở một thành phố chết sau thảm họa hạt nhân, còn đồng giải Ba thuộc về tập truyện ngắn “Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa” của Hiền Trang, với những chi tiết siêu thực, kỳ ảo, không chỉ kể câu chuyện về nỗi cô đơn của người trẻ thành thị mà còn chứa đựng những suy tư mang tính triết học về con người, thời gian, cuộc sống, cái chết. Bên cạnh đó, có khi, những sáng tác viễn tưởng cũng là cơ hội để người trẻ đào sâu vào bề dày văn hóa, lịch sử của dân tộc, như tác giả trẻ Phan Cuồng đã cho ra mắt 2 cuốn tiểu thuyết “Lý triều dị truyện” và “Đại Nam dị truyện” đều gắn liền với những biến cố, thăng trầm của lịch sử Việt Nam thời phong kiến.

Nói như vậy để thấy, văn học ngoài hiện thực ở Việt Nam cũng đang từng bước định hình, xác lập vị thế trong lòng độc giả và giới phê bình nhờ tài năng và nhiệt huyết của không ít cây bút trẻ. Kết thúc buổi tọa đàm, TS. Trần Ngọc Hiếu nhắn nhủ đến công chúng “Người viết hãy viết. Người đọc hãy kiên nhẫn. Còn nhà phê bình hãy ghi nhận”. Chúng ta có quyền hy vọng vào tương lai của văn học trẻ Việt Nam, miễn là không có tiếng nói nào, dù mới lạ đến đâu, bị rớt lại phía sau và chìm vào hư vô, quên lãng.

M.T

Nguồn tin: bài : Hữu Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây