BÁO CÁO
TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG HỘI NHÀ VĂN HÀ NỘI
NHIỆM KỲ XII (2015-2020)
VÀ PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG NHIỆM KỲ XIII (2020-2025)
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ đọc Báo cáo tạo ĐH
Kính thưa quý vị đại biểu, thưa Đại hội,
Thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X, Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, cùng tiêu chí xây dựng văn hóa, con người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, xứng đáng là địa phương tiêu biểu cho cả nước. Từ 2017 - 2020, BCH đã nhanh chóng đi vào hoạt động, hoàn thiện điều lệ sửa đổi, xây dựng chương trình tổng thể toàn khóa bên cạnh những công việc của từng năm. Ba năm qua, ngoài việc khơi gợi phương hướng và phát huy năng lực sáng tác; chúng ta cũng đối mặt với những khó khăn, diễn biến phức tạp của kinh tế - xã hội gắn với đặc thù nghề nghiệp như, sự cạnh tranh của nhiều loại hình truyền thông, công nghệ giải trí, văn hóa đọc suy giảm đồng thời với thị phần sách văn học suy giảm trong vài thập niên gần đây. Trên những khó khăn, thách thức đó văn học Thủ đô vẫn có những bước phát triển và đạt được những kết quả cần tiếp tục khích lệ.
Từ những điều kiện thuận lợi ấy, cùng với sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của BCH, sự nỗ lực của toàn thể hội viên nên Hội Nhà văn Hà Nội nhiệm kỳ XII đã có một mùa bội thu về tác phẩm, bội thu về giải thưởng, một mùa hoạt động sôi nổi, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp.
I. NHỮNG THÀNH TỰU VÀ KẾT QUẢ
1. Công tác Hội:
a. Xây dựng tổ chức Hội theo hướng chính quy, hiện đại: Ngay từ đầu BCH nhiệm kỳ XII, Ban chấp hành đã hoàn thiện Điều lệ sửa đổi, Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Quy chế kết nạp hội viên hàng năm, Quy chế và điều kiện xét giải thưởng hàng năm của Hội. Trong đó, để nâng cao chất lượng giải thưởng, tác phẩm được giải phải đạt 75% phiếu bầu của Hội đồng xét giải như đã nói.
Về cơ bản, trong nhiệm kỳ vừa qua, Ban chấp hành Hội là một tập thể đoàn kết, tập trung dân chủ, gắn kết với hội viên bằng tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nghề (không có lương hoặc phụ cấp). Mọi hoạt động của Hội đều được bàn, thống nhất trong Ban Chấp hành và phân công từng Ủy viên Ban chấp hành phụ trách việc gì, làm việc gì; đồng thời phát huy tính năng động sáng tạo của mỗi thành viên trong Ban chấp hành, cũng như các nhà văn ở các hội đồng nghệ thuật (Hội đồng Thơ, Văn xuôi, Lý luận phê bình, Văn học dịch), các ban chuyên môn (Ban Sáng tác, Ban Công tác hội viên, Ban Nhà văn nữ, Ban Nhà văn trẻ). Nhằm phát huy vai trò của công nghệ thông tin, như xây dựng hòm thư điện tử để thuận tiện liên lạc tổ chức hoạt động trong các hội viên và đổi mới mở rộng hoạt động của trang thông tin điện tử nhavanhanoi.net coi đây là cơ quan ngôn luận chính thức của Hội; đến nay đã có hàng vạn lượt truy cập. Đồng thời, Hội cũng đã quan tâm nhiều hơn các CLB văn học trên địa bàn Hà Nội, như thành lập hai chi hội Nhà văn Hà Nội khu vực Hà Đông – Sơn Tây, và Gia Lâm – Đông Anh – Sóc Sơn, góp phần tạo nên một phong trào sáng tác rộng khắp, xây dựng nền tảng để phát triển một nền văn học chất lượng cao.
b. Phát triển hội viên: Trong cả nhiệm kỳ, Hội đã phát triển được 110 hội viên, trong đó có nhiều tác giả là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; đưa tổng số hội viên Hội Nhà văn Hà Nội tính đến tháng 12-2020 là 736 hội viên.
2. Hoạt động sáng tác:
Với lợi thế Hà Nội là nơi sinh sống của nhiều nhà văn có tên tuổi, nơi có những nhà xuất bản sách văn học có uy tín và truyền thống lâu năm, có nhiều tờ báo lớn về văn hóa, văn nghệ hoặc dành đất cho các trang văn học… là những thuận lợi cho việc sáng tác và công bố tác phẩm văn học. Trong 5 năm qua, về sáng tác, nhìn tổng thể về đề tài, thể loại, văn học tiếp tục phát triển đa dạng như đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, đời sống phức hợp, nhiều góc cạnh của xã hội đương đại, với phương pháp sáng tác vừa có truyền thống, vừa có nỗ lực tìm tòi và không ngừng đổi mới, khám phá thể nghiệm… làm nên diện mạo văn học đa dạng về loại hình, đa phong cách, cá tính sáng tạo và những vấn đề nhà văn quan tâm; đặc biệt là về xây dựng văn hóa, con người Hà Nội thanh lịch, văn minh và hiện đại thế nào trước thách thức không nhỏ của những tiêu cực xã hội, nhức nhối của đạo đức, lối sống hiện nay? Khi “Sứ mệnh của văn học là cất cao tiếng nói, chống lại sự suy thoái của tinh thần, suy thoái đạo đức; chống lại sự vô cảm, nguội lạnh đối với tình yêu con người. Văn học phê phán mọi cái xấu, cái ác...” để vươn tới những giá trị chân - thiện - mỹ. Tự do sáng tác gắn với nhân cách, trách nhiệm của nhà văn được tôn trọng; những khám phá, sáng tạo, đổi mới được cổ vũ và rất cần được chăm lo, khuyến khích. Nhưng dù đổi mới, cách tân đến mấy, du nhập các trường phái nào đi nữa thì nhà văn không thể đứng ngoài đời sống xã hội, những vấn đề nóng bỏng, cốt yếu… của Thủ đô và đất nước với bề dày văn hóa của mình.
Nếu thơ vẫn tiếp tục tìm tòi, đổi mới về tư duy, thi pháp thì văn xuôi trong những năm gần đây, ngoài mảng tiểu thuyết, truyện ngắn đi sâu vào đời sống thị dân, công dân, trong xã hội hiện đại thì có hai thể loại là hồi ức, hồi ký, đặc biệt là hồi ký về chiến tranh và tản văn về đời sống, văn hóa Hà Nội xuất hiện khá rầm rộ, kể cả tác phẩm của nhiều cây bút không chuyên, vốn là những người lính trong chiến tranh giải phóng đất nước, làm nên sự phong phú của văn học Hà Nội.
Mặc dù kinh phí hoạt động rất hạn hẹp so với nhu cầu, lại không được hoạt động các dịch vụ văn hóa có nguồn thu để bù vào sự thiếu hụt kinh phí và nhiều khó khăn khác, nhưng Hội vẫn duy trì được kế hoạch công tác đã đề ra, tổ chức 18 cuộc Hội thảo, tọa đàm văn học, các chuyên đề mở rộng hàng tháng, các cuộc hội thảo về văn học Hà Nội trong 10 năm sau kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, và các cuộc tọa đàm về Văn học Trẻ thiết thực, bổ ích. Các tọa đàm, hội thảo về văn học tập chung vào thơ, văn xuôi, và lý luận phê bình trong giai đoạn 10 năm gần đây. Cùng với việc Hội tham gia các tọa đàm, hội thảo lớn của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội về thành tựu và nâng cao chất lượng sáng tác Văn học nghệ thuật, Hội cũng đã tổ chức 6 chuyến đi thực tế, điền dã và mở 4 trại sáng tác cho hội viên... (trừ thời gian ảnh hưởng bởi dịch Covid-19) nhằm tạo điều kiện tích cực cho việc sáng tác và nâng cao chất lượng sáng tác của hội viên. Rằm tháng Giêng năm 2018 , Hội Nhà văn Hà Nội phối hợp cùng với Ban Nhà văn Trẻ -Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức sân thơ trẻ trong ngày thơ Việt Nam thành công. Hội đã hai lần cùng với Khoa viết văn báo chí - Trường Đại học Văn hóa tổ chức khóa học “Bồi dưỡng và thẩm bình văn chương” nhằm cung cấp các kỹ năng sáng tác thơ, nghiệp vụ viết văn, phê bình văn học và nghe nói chuyện về văn học.Tổ chức thành công Hội nghị Viết văn trẻ lần thứ 3 với mong muốn tìm kiếm, phát hiện những cây bút trẻ đang sống, làm việc tại thủ đô.Tháng 7/2019 Câu lạc bộ văn học Trẻ Hà Nội thuộc Ban nhà văn Trẻ - Hội nhà văn Hà Nội đã được thành lập với nhiều hoạt động sôi nổi. Tổ chức 5 buổi xem phim và kịch để các nhà văn có thêm thông tin về những loại hình nghệ thuật khác. Năm 2020 Hội nhà văn Hà nội và Sở Thông tin truyền thông, Nhà xuất bản Hà nội đã tuyển chọn và xuất bản Tập truyện ngắn song ngữ Việt - Anh: "Một đêm mưa trong thành phố" gồm nhiều truyện ngắn của các tác giả thuộc nhiều thế hệ như: nhà văn Tô Hoài, tham gia hai cuộc kháng chiến như nhà văn Ma Văn Kháng, trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước như Lê Minh Khuê, Đoàn Lê, Tô Hải Vân, thuộc thế hệ hậu chiến như cho đến cả một đội ngũ đông đảo thời đổi mới như Hồ Anh Thái, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, YBan, Võ thị Xuân Hà... Đề tài văn chương cũng trải rộng, từ thủ đô Hà Nội vươn tới các vùng miền Bắc, Trung, Nam.
Kết quả sáng tác trong 3 năm qua, chúng ta vẫn có hàng trăm tác phẩm văn học, gồm nhiều thể loại, trên những mảng đề tài chính: Lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, lịch sử đấu tranh cách mạng với hai cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân ta, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, phản ánh cuộc sống và con người Hà Nội trong thời kỳ mới với gam chủ là tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc, yêu Thủ đô Hà Nội được xuất bản. Xu hướng sáng tác về đề tài lịch sử là tìm những sử liệu mới, những chi tiết và nhân vật còn mờ khuất, với nhiều lý do trong lịch sử để làm sáng tâm thế, tính trung thực của những con người và sự kiện lịch sử. Với chiến tranh cách mạng, nhiều nhà văn tìm hướng miêu tả những con người bình thường, những số phận người lính bình thường, những hy sinh thầm lặng nhưng rất đáng trân trọng, tự hào, với ý thức nhìn lại một cách trung thực, giản dị về con người, sự kiện thời đã qua. Các tác phẩm viết về Hà Nội cũng đi sâu vào cuộc sống đời thường, đời sống thị dân, những thân phận khác nhau trong cuộc sống đô thị đang có nhiều biến động, với nhiều mảng màu, cái tốt, cái xấu, sự pha trộn quê - tỉnh đan xen; phê phán lối sống tha hóa, lổn nhổn, hợm hĩnh… và đề cao những giá trị văn hóa, cái đẹp của cuộc sống, con người Hà Nội. Đó là những vấn đề cần tiếp tục được khuyến khích, đẩy mạnh.
Nhìn thành tựu từ khía cạnh giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Hà Nội:
Về Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2017- 2020, có những năm không có giải thưởng của thơ hoặc văn xuôi nhưng chúng ta cũng có một số kết quả: Văn xuôi có 3 tác giả được giải thưởng tiểu thuyết, hồi ký hàng năm (Tô Hải Vân, Nguyễn Việt Hà, Vũ Công Chiến - sáng tác đầu tay). Về thơ, có một tác giả Nguyễn Trọng Hoàn với tập thơ Rảnh rang sống chậm. Tặng thưởng tôn vinh “Tác phẩm trọn đời” cho 03 nhà văn: Nguyễn Xuân Khánh, Lê Minh Khuê, Hoàng Quốc Hải. Về Lý luận phê bình: có 2 tác giả, “Trang sách, mạch đời” của Phạm Khải, “Hà Nội từ góc nhìn văn chương” của Bùi Việt Thắng. Về Văn học dịch: Có 4 tác giả với 3 tiểu thuyết được giải dịch thuật, nhà văn Nguyễn Chí Thuật với cuốn “Búp bê” (văn học Ba Lan), Hoàng Đăng Lãnh với “Diệt vong” (văn học Đức ngữ), Trần Tiễn Cao Đăng và Quân Khuê với tiểu thuyết “2666” (văn học Chi Lê).
Lễ trao giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội luôn được bạn đọc và giới chuyên môn mong đợi. Vì đây là một giải thưởng được đánh giá là có chất lượng, có uy tín, giữ được bản sắc riêng và phải đạt 75% phiếu bầu mới được trao giải. Công tác xét giải của Ban Chấp hành được làm cẩn trọng, dân chủ, nghiêm túc, không bỏ sót những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, cũng không dễ dãi về chất lượng. Tình hình sáng tác và tác phẩm văn học vẫn là mối quan tâm hàng đầu của giới văn học. Trong đó, giải thưởng văn học cũng là một kênh để soi chiếu về sáng tác, chất lượng nghệ thuật của tác phẩm đã đạt được trong 3 năm qua.
Về đầu tư sáng tác, do kinh phí rất hạn chế, dẫu vậy Hội đã thay đổi phương thức đầu tư ra sao cho hiệu quả, không chia đều số lượng tiền ít ỏi cho các nhà văn cao tuổi như ở khóa trước mà đầu tư thêm vào trại viết để có các tác giả tham gia trại nhiều hơn, hoặc các chuyến điền dã sáng tác; hỗ trợ một phần nhỏ cho những tác giả có tác phẩm chất lượng nhưng khó khăn kinh phí xuất bả. Việc xét đầu tư công khai, dân chủ, thống nhất trong Ban Chấp hành.
Tóm lại, hoạt động sáng tác của Hội, trên nhiều thể loại, đề tài, những vấn đề phản ánh, vẫn không ngừng phát triển về mặt số lượng sách, đặc biệt là thơ; với hàng trăm tác phẩm thơ, văn xuôi, văn học dịch, lý luận phê bình được xuất bản.
II. HẠN CHẾ, KHUYẾT ĐIỂM
Nhân tố làm nên những tác phẩm văn học có chất lượng cao phụ thuộc chủ yếu vào tài năng. Dù chúng ta có đội ngũ các nhà văn nhiều thế hệ gắn bó với Hà Nội, không ngừng tìm tòi bút pháp thể hiện, đổi mới tư duy nghệ thuật, đi sâu vào các đề tài khác nhau, cả lịch sử và đương đại nhưng thiếu hình tượng nghệ thuật tiêu biểu, có tính khái quát cao. Khá nhiều tác phẩm chất lượng nghệ thuật ở mức độ trung bình, thậm chí nghiệp dư. Các giải thưởng văn học hàng năm vẫn chủ yếu là những tài năng đã được khẳng định, thiếu các tác giả trẻ.
Đội ngũ các nhà văn Hà Nội đã có 736 hội viên, nhưng đa số là nhà văn cao tuổi, trung bình độ tuổi là gần 70 (68,4). Đội ngũ tác giả trẻ kế tiếp hụt hẫng, không nhiều tác giả còn đam mê sáng tác, dấn thân cho nghiệp văn bởi nhiều lý do, trong đó có văn hóa đọc xuống cấp; sự cạnh tranh của nhiều loại hình truyền thông, giải trí; đời sống quá khó khăn của nghề buộc họ phải lựa chọn con đường lập thân, lập nghiệp khác. Đấy là lý do vì sao lực lượng đông nhưng chưa mạnh. Về kinh phí hoạt động, ngoài khoản kinh phí rất nhỏ được Thành phố đầu tư cho Hội viên vào những việc cụ thể rất hạn chế so với nhu cầu hoạt động nhưng Hội không được mở tài khoản để hoạt động hợp pháp, xã hội hóa nhằm có nguồn thu bù vào kinh phí ngân sách hạn chế, tăng cường cho sáng tác hoặc tổ chức các cuộc thi văn học. Mặt khác, hầu như thu được hội phí rất ít, do trước đây quy định, hội viên từ 70 tuổi trở lên không thu hội phí… nên rất khó khăn kinh phí cho chi những việc hiếu, nghĩa.
Do nhiệm kỳ có 3 năm, năm 2020 lại dính đại dịch Covid19 nên một số việc đề ra phải hoãn như các cuộc Hội thảo lớn, sinh hoạt chuyên đề hàng tháng.
Trên đây là những hạn chế cần phải có giải pháp khắc phục, và có mục tiêu rõ ràng, thực tiễn cho hoạt động trong giai đoạn 2010 - 2025. Quan trọng nhất vẫn là tổ chức, duy trì và nâng cao chất lượng sáng tác, để văn học Thủ đô đóng góp tích cực vào việc xây dựng văn hóa, con người Hà Nội thanh lịch, văn minh và hiện đại, phát triển không ngừng.
III. ĐÁNH GIÁ VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM
1. Đánh giá chung
Mặc dù có những hạn chế nêu trên song khách quan mà nói, nhiệm kỳ XII Hội Nhà văn Hà Nội là một nhiệm kỳ công tác đạt được nhiều thành tựu xuất sắc, đáng tự hào về mọi mặt. Đây là một nhiệm kỳ có nhiều đổi mới, sáng tạo về phương thức hoạt động hội có thể làm kinh nghiệm cho các hội đoàn ở thủ đô và trong cả nước. Có được thành tựu đó là nhờ có sự năng động, sáng tạo trong lãnh đạo của BCH; lao động cống hiến nỗ lực của toàn thể hội viên. Sự quan tâm chỉ đạo phối hợp giúp đỡ các cấp, các ngành, cơ quan chức năng trong thành phố.
2. Bài học kinh nghiệm:
a. BCH Hội Nhà văn Hà Nội làm việc tự nguyện không lương, không phụ cấp. Vì vậy, việc lựa chọn những người tham gia BCH và các thành viên các hội đồng chuyên môn phải là những người không chỉ có uy tín chuyên môn mà còn cần sức khỏe, sự tận tụy với phong trào và điều kiện thời gian.
b. Cần có một BCH khóa mới có số lượng đông hơn để tăng thêm người làm công tác Hội.
c. Phát huy hơn nữa vai trò của các hội đồng và các ban chuyên môn; tạo điều kiện để mỗi hội viên được tham gia đóng góp cho công tác hội một cách chủ động tích cực.
d. Phát huy vai trò, sáng kiến đóng góp xây dựng Hội của hội viên. Đây là điều kiện tiên quyết, căn bản để tạo nên sự hiểu biết lẫn nhau; tạo nên sự đoàn kết nhất trí trong toàn hội, để có sức mạnh đạt được mục tiêu chung.
IV. PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ NHIỆM KỲ 2020-2021:
1. Mục tiêu tổng quát:
Với chủ đề: Văn học Thủ đô với việc xây dựng văn hóa, con người Hà Nội trong thời kỳ mới đại hội XIII hướng tới mục tiêu xây dựng Hội Nhà văn Hà Nội thành một tổ chức văn học có lý tưởng chính trị, lý tưởng nhân văn cao đẹp; tập hợp, đoàn kết hội viên, bằng sáng tác văn học và các hoạt động khác phấn đấu vì sự nghiệp Độc lập dân tộc và CNXH, góp phần xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh thành một hội nòng cốt của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội; tích cực đóng góp cho sự nghiệp xây dựng con người, sự nghiệp phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật của Thủ đô Hà Nội.
Phát huy những ưu điểm đã đạt được trong nhiệm kỳ 3 năm vừa qua, tăng cường thêm các hoạt động nhằm hỗ trợ thông tin về Văn hóa, xã hội đối với nhà văn, góp phần thúc đẩy sáng tác.
Duy trì chất lượng và uy tín trong việc xét Giải thưởng Văn học hàng năm. Mời các nhà văn trẻ, có tác phẩm tốt vào Hội để trẻ hóa đội ngũ nhà văn Hà Nội.
2. Các nhiệm vụ cụ thể
Về công tác xây dựng Hội:
a. Kiện toàn bộ máy tổ chức Hội với các nội quy, quy chế bảo đảm hoạt động của Hội phù hợp với Điều lệ sửa đổi được thông qua tại ĐH XIII và các quy định mới của pháp luật về hoạt động Hội của Nhà nước và TP Hà Nội.
b. Đẩy mạnh hoạt động của Ban Công tác hội viên, rà soát, nắm chắc tình hình sức khỏe, điều kiện sống, dự định sáng tác… của hội viên. Thực hiện tốt các chính sách đối với hội viên.
c. Đẩy mạnh xã hội hóa, tích cực tạo nguồn kinh phí cho hoạt động của Hội.
Về công tác chuyên môn:
Kính thưa Đại hội
Cùng với Thủ đô và cả nước các nhà văn chúng ta đang sống trong bầu không khí sôi động của Thủ đô đổi mới, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ với nhiều đan xen của thuận lợi và thách thức. BCH Khóa XIII cần có tinh thần cống hiến hết mình, lãnh đạo toàn Hội quyết tâm thực hiện, đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội đề ra. Mỗi hội viên, bên cạnh việc yêu cầu, đòi hỏi ở Hội; cần phải tự đặt ra và trả lời cho mình câu hỏi làm thế nào để đón góp cao nhất cho hoạt động của Hội, cho sự phát triển văn học Thủ đô.
Giữ gìn và phát huy truyền thống, nối tiếp hiện tại phấn đấu để có những tác phẩm kết tinh giá trị dân tộc và nhân loại; đem trái tim mình và ngòi bút phụng sự sự nghiệp cách mạng của nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Thủ đô nói riêng dưới sự lãnh đạo của Đảng, bồi đắp, tỏa sáng văn hiến Thủ đô – đó là tâm nguyện, là lời hứa của mỗi hội viên, của toàn thể Hội Nhà văn Hà Nội trước nhân dân, trước bạn đọc hôm nay và mai sau.
Các Nhà văn Hà Nội nguyện mãi mãi là những người đồng hành cùng nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; trong sự nghiệp xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Kính chúc sức khỏe các đại biểu
Chúc Đại hội thành công, tốt đẹp!
Nguồn tin: HNV.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn