Văn học, nghệ thuật với phát triển văn hóa du lịch Thủ đô

Thứ năm - 16/06/2022 16:11
 Tại hội thảo, các đại biểu, văn nghệ sĩ cho rằng, hầu hết các sáng tạo văn học, nghệ thuật đều đóng góp trực tiếp, bổ trợ và tác động làm tăng nhu cầu khám phá của con người. Các sáng tạo ở lĩnh vực như mỹ thuật, nhiếp ảnh, kiến trúc, sân khấu, âm nhạc, điện ảnh đều có thể trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn...
Văn học, nghệ thuật với phát triển văn hóa du lịch Thủ đô
      Ngày 16-6, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Văn học, nghệ thuật với phát triển văn hóa du lịch Thủ đô” với sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý văn hóa, du lịch và đông đảo văn nghệ sĩ Thủ đô.
     
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội nhấn mạnh, thời gian qua, văn học, nghệ thuật đã góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa Hà Nội tới bạn bè quốc tế, góp phần phát triển du lịch và tăng cường xúc tiến đầu tư thương mại cho thành phố. Đây cũng là nơi quy tụ các thế hệ văn nghệ sĩ nổi bật của văn học, nghệ thuật nước nhà. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn chưa có nhiều sản phẩm văn học, nghệ thuật, đặc biệt là các thiết chế văn học, nghệ thuật phục vụ phát triển du lịch như bảo tàng văn học, nghệ thuật; nhà lưu niệm tưởng nhớ các văn nghệ sĩ nổi tiếng của Hà Nội… Vì vậy, hội thảo khoa học “Văn học, nghệ thuật với phát triển văn hóa du lịch Thủ đô” được tổ chức nhằm ghi nhận những giải pháp, sáng kiến của các cấp, ngành và các văn nghệ sĩ để thúc đẩy văn hóa du lịch Thủ đô phát triển bền vững, gắn kết hơn với văn học, nghệ thuật, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô.

 Tại hội thảo, các đại biểu, văn nghệ sĩ cho rằng, hầu hết các sáng tạo văn học, nghệ thuật đều đóng góp trực tiếp, bổ trợ và tác động làm tăng nhu cầu khám phá của con người. Điều đó tác động tích cực đến hoạt động du lịch. Các sáng tạo ở lĩnh vực như mỹ thuật, nhiếp ảnh, kiến trúc, sân khấu, âm nhạc, điện ảnh đều có thể trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, nghệ thuật truyền thống đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch và hội nhập quốc tế. Hiện nay, hầu hết các đơn vị nghệ thuật của Thủ đô đều đã xây dựng chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống hướng tới phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, các hoạt động biểu diễn đôi khi chưa linh hoạt, chưa phù hợp với lịch trình của khách du lịch, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động biểu diễn chưa được đầu tư đúng mức, đội ngũ nhân viên thiếu kỹ năng phục vụ du khách nên việc phát triển du lịch từ các loại hình nghệ thuật truyền thống chưa hiệu quả.
Cùng chung nhận định, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trí Trắc (Hội Sân khấu Hà Nội) cho rằng, các đơn vị nghệ thuật sân khấu của Thủ đô phải chủ động tìm hiểu và liên kết với những đơn vị hoạt động du lịch, từ đó xây dựng chương trình nghệ thuật phù hợp với từng đối tượng du khách, từng tour, tuyến cụ thể…
Theo các đại biểu, lĩnh vực nhiếp ảnh, mỹ thuật, điện ảnh, âm nhạc… cần phát huy thế mạnh để góp phần quảng bá du lịch Thủ đô. Thạc sĩ Hoàng Dạ Vũ (Hội Điện ảnh Hà Nội) cho rằng cần đầu tư nhiều bộ phim hay, hấp dẫn về Thủ đô. Trong đó, ngoài kịch bản tốt, diễn viên giỏi nghề thì những cảnh quay đẹp, hiện đại là yếu tố quan trọng để nâng tầm địa danh, kích thích người xem khám phá, trải nghiệm. Nhà văn Bùi Việt Mỹ nêu ý tưởng nên phục dựng những giai thoại, hình tượng văn học, khai thác các tích truyện làng văn, làng võ, làng nghề ở Hà Nội… thông qua các loại hình văn học, nghệ thuật để phục vụ các tour du lịch…
    Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề cập đến vấn đề tuyên truyền, quảng bá sản phẩm văn học, nghệ thuật với du khách; đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, thiết chế văn học, nghệ thuật trở thành điểm đến cho khách du lịch; đào tạo, nâng cao kỹ năng phục vụ khách du lịch cho đội ngũ nhân viên các đơn vị nghệ thuật… để liên kết văn học, nghệ thuật với phát triển du lịch Thủ đô.


Bài và ảnh:  Việt Nga

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây