Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Như một triết gia say mê khám phá vẻ đẹp của ngôn từ, một y sĩ tận tâm mổ xẻ từng thớ rung cảm tinh tế của nhân vật trữ tình trên trang thơ, PGS.TS Phùng Minh Hiến đã nghiên cứu nhiều tác phẩm văn chương trên tinh thần khoa học nhân văn đầy nhiệt huyết và đam mê. Sự hòa quyện giữa trải nghiệm cá nhân và hiểu biết chuyên sâu đưa ông trở thành người dẫn đường tận tụy, mở ra những chân trời mới cho người đọc, giúp họ cảm nhận và trân trọng hơn vẻ đẹp và sức sống của thơ ca Việt Nam.
Chúng tôi biết đến PGS Phùng Minh Hiến qua tác phẩm “Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”. Trong tác phẩm này, tác giả không chỉ bộc lộ cảm nhận bằng đôi mắt cá nhân sâu lắng mà còn sử dụng tri thức khoa học để phân tích hầu như toàn bộ các sáng tác của ba nhà thơ nổi tiếng: Hàn Mặc Tử, Huy Cận và Trần Đăng Khoa. Tập nghiên cứu phê bình gồm ba chương đã mở ra những điểm nhìn mới mẻ: Chương 1 với những con vật sống gần gũi, thân thiện bên cạnh con người; Chương 2 với những cây cối quanh nhà và ở ngoài đồng; Chương 3 với những hiện tượng và vật thể trong tự nhiên.
Ảnh: Tác giả Thái Hải Đăng
Trong tập phê bình này, PGS.TS Phùng Minh Hiến đã vận dụng khái niệm “sinh thể nghệ thuật” để nhấn mạnh tính chất “toàn vẹn hữu cơ” của các sản phẩm thi ca được sáng tạo nên. Khái niệm này đã được ứng dụng rộng rãi và không gây nhiều tranh cãi trong các tác phẩm sử thi, tác phẩm truyện. Tuy nhiên, việc “tìm tòi và xác định” đặc tính phẩm chất “sinh thể nghệ thuật” của thơ ca trữ tình vẫn còn mới mẻ và mở ra nhiều hướng nghiên cứu. Chính quá trình khám phá và xác định những đặc tính này giúp người đọc hiểu rõ hơn về tâm hồn và phong cách của từng nhà thơ, tạo ra sự kết nối sâu sắc giữa độc giả và tác phẩm. Bởi lẽ, thơ ca phần nhiều được sáng tác dựa trên cảm xúc của tâm hồn, và những trường cảm xúc này luôn tồn tại song song giữa khác biệt và thống nhất bên trong mỗi tác giả. Khác biệt này làm nên sự đa dạng trong thơ ca, trong khi sự thống nhất tạo nên phong cách độc đáo, đặc trưng cho từng ngòi bút thi nhân.
Trong việc hệ thống lại hầu như toàn bộ các tác phẩm của ba nhà thơ lớn, PGS.TS Phùng Minh Hiến đã gợi mở những lý do dẫn đến thành công xuất sắc cũng như một số trường hợp chưa thành công trong sáng tác của họ. Người đọc sẽ nhận thấy tiến trình vận động trong chuỗi những điểm nhìn nghệ thuật của các nhà thơ. Tuy nhiên, tác giả không đi đến kết luận về sự hay - dở, khen - chê các tác phẩm thơ ca, mà để phần việc này cho bạn đọc tự cảm nhận với đôi mắt nhìn nhận nghệ thuật của riêng mình. Thay vào đó, tác giả tập trung trình bày ý tưởng của nhà thơ, thông qua các điểm nhìn nghệ thuật mở ra các tầng nghĩa trong câu thơ, dấn thân vào tâm hồn các nhân vật trữ tình trên trang thơ để khám phá tâm hồn và những điều thi nhân gửi gắm. PGS.TS Phùng Minh Hiến đã khiêm tốn nép mình, nhường đường cho tâm hồn độc giả vẫy vùng trong thế giới cảm thụ của riêng mình.
Để khám phá thế giới sinh động luôn vận hành trong trang thơ và tâm hồn thi sĩ, tác giả không chỉ hệ thống các tác phẩm đã có mà còn mở rộng nghiên cứu bằng phương pháp so sánh với các thi nhân và thi phẩm nổi tiếng khác. Cùng là người câu cá ở ao làng, nhưng “Thu điếu” của Nguyễn Khuyến lại có những điểm nhìn nghệ thuật khác biệt so với bài thơ “Câu cá” của Trần Đăng Khoa. Trong khi đó, cùng là ánh trăng đêm, nhưng trăng trong thơ Hàn Mặc Tử xuất hiện dày đặc hơn cả so với các nhà thơ khác. Bóng trăng trong thơ thi sĩ họ Hàn mang màu sắc ma mị, lạnh lẽo, hoang vu, mơ màng, da diết và đầy thương đau, tạo nên một bức tranh trăng độc đáo và sâu sắc. Tác giả đã gợi mở về sự biến đổi và “tiến hóa” trong cách nhìn nhận và diễn đạt của từng thế hệ thi sĩ. Cùng là cảnh vật thiên nhiên, nhưng cảm xúc và tư duy của mỗi nhà thơ lại tạo nên những sắc thái riêng biệt, phản ánh những tâm hồn và cuộc đời khác nhau. Những phân tích và so sánh này giúp người đọc không chỉ hiểu sâu hơn về các tác phẩm mà còn cảm nhận được những rung động tinh tế, những tư tưởng và triết lý sâu sắc ẩn chứa trong mỗi câu thơ.
Để tìm ra những khác biệt đặc trưng này, PGS.TS Phùng Minh Hiến có lẽ đã thực hiện nhiều chuyến phiêu lưu vào tâm hồn thi sĩ, thể hiện cái gọi là “cố lấy hồn tôi để hiểu hồn người”. Mặc dù tác phẩm không đào sâu nghiên cứu đến hiện thực cuộc sống đời thường, tác giả cũng đã gợi mở nhiều hướng suy tư cho bạn đọc tìm đến những nguyên nhân tác động đến điểm nhìn nghệ thuật của mỗi thi nhân.
Trước cách mạng tháng Tám, thơ Huy Cận thường mang phong cách trầm buồn, triết lý và suy tư về cuộc đời. Sau cách mạng, thơ ông lột xác hoàn toàn mới mẻ, luôn bám sát hiện thực cuộc sống, phản ánh sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước và con người Việt Nam. Thi sĩ Trần Đăng Khoa lại nổi lên như một hiện tượng đặc biệt trong làng thơ Việt, đặc biệt khi còn rất trẻ, ông đã mang đến những lời thơ giản dị, trong sáng, gần gũi với thiên nhiên và lạc quan về cuộc sống. Trong khi đó, thơ Hàn Mặc Tử chứa đựng những cảm xúc trào dâng mãnh liệt, phức tạp và có phần đớn đau bởi phần đời đau bệnh, cô đơn của mình. Bóng trăng đặc trưng trong thơ ông không chỉ là một hình ảnh thiên nhiên tả thực mà còn là biểu tượng cho những nỗi niềm sâu thẳm, khát khao vượt thoát khỏi thực tại khắc nghiệt.
PGS.TS Phùng Minh Hiến đã khéo léo mở ra cho người đọc những góc nhìn mới mẻ về tâm hồn và cuộc đời của các thi nhân. Sự thay đổi trong phong cách sáng tác của Huy Cận từ trước đến sau cách mạng, sự trong sáng, gần gũi của Trần Đăng Khoa từ thuở thiếu thời đến khi trưởng thành, hay nỗi đau và sự cô độc trong thơ Hàn Mặc Tử đều được tác giả khám phá và phân tích một cách khoa học, uyển chuyển. Từ lối so sánh này, giúp bạn đọc nhận ra rằng mỗi nhà thơ đều có một hành trình sáng tạo riêng, chịu ảnh hưởng từ hoàn cảnh sống, từ những biến động xã hội và từ chính tâm hồn nhạy cảm của mình.
Khách quan mà nói, tác phẩm “Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại” của PGS.TS Phùng Minh Hiến không dễ để thấu hiểu tường tận, đòi hỏi bạn đọc cần có một thái độ nghiêm túc và kiên nhẫn trong khi tiếp nhận. Tập sách vận dụng nhiều thuật ngữ và khái niệm chuyên sâu dành cho công tác phê bình văn học, điều này có thể gây khó khăn cho những ai chưa quen thuộc với lĩnh vực này.
Tuy nhiên, đây cũng chính là điểm mạnh của tác phẩm, bởi sự chuyên sâu và học thuật sẽ mở ra những tầng nghĩa mới, giúp bạn đọc đi sâu vào thế giới thơ ca của ba nhà thơ lớn. Để hiểu rõ hơn những vấn đề và thuật ngữ được nhắc đến trong quyển sách này, bạn đọc nên tham khảo thêm tập sách chuyên luận “Tác phẩm văn chương - Một sinh thể nghệ thuật” mà PGS.TS Phùng Minh Hiến đã công bố trước đó. Tập sách này sẽ cung cấp nền tảng lý thuyết cần thiết, giúp bạn đọc tiếp cận và thấu hiểu sâu sắc hơn những luận điểm và phương pháp phân tích của tác giả. Việc kết hợp giữa hai tác phẩm này không chỉ nâng cao khả năng thẩm thấu văn học của bạn đọc mà còn giúp chúng ta nắm bắt được toàn diện hơn những góc nhìn nghệ thuật, sự sáng tạo và phong cách độc đáo của các nhà thơ.
Xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến PGS. TS Phùng Minh Hiến đã dày công nghiên cứu tác phẩm “Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”. Đây quả thực là một tài liệu khoa học quý giá, giúp chúng tôi tìm hiểu rõ hơn về sự nghiệp và phong cách sáng tác của các nhà thơ lớn. Đặc biệt, với lối phân tích so sánh “các sinh thể nghệ thuật đặc trưng” khác nhau tương ứng với mỗi “hệ nẻo đường sáng tạo” của ba thi sĩ Hàn Mặc Tử, Huy Cận và Trần Đăng Khoa, tác giả đã dẫn dắt chúng tôi đến với những tầng nghĩa sâu sắc nhất mà bản thân chưa thể am tường. Chúng tôi rất mong chờ được khám phá những tác phẩm nghiên cứu và phê bình văn học tiếp theo của ông.
T.H.Đ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn