Tùy bút về “Văn học Việt Nam từ dấu mốc Đổi mới 1986 chuyển động, thành tựu và bản sắc” của Phùng Văn Khai

Thứ ba - 08/10/2024 20:45
Tùy bút về “Văn học Việt Nam từ dấu mốc Đổi mới 1986 chuyển động, thành tựu và bản sắc” của Phùng Văn Khai


Hoàng Liên Sơn
    Hồi tôi còn nhỏ, ông bố giáo viên văn mang về nhà cuốn Từ điển truyện Kiều do Đào Duy Anh khảo đính, dày đến dăm bảy trăm trang. Bấy giờ tôi vừa thích vừa sợ bởi những dòng kiểu “hàn gia ở mé Tây Thiên” đến nỗi ban đêm thì chẳng dám ở gần chỗ đặt quyển sách! Nhưng cũng nhờ độ dày ấy mà tôi biết vô vàn điển cố, điển tích đằng sau từng câu Kiều, thậm chí giờ vẫn còn nhớ kha khá. Biết đâu chúng ở trong tàng thức và đã chi phối một phần quĩ đạo sống của tôi.
          Các tập thơ đương đại không kèm “từ điển” ấy; mà chỉ thỉnh thoảng có đôi dòng chú thích khi tác giả dùng ngoại ngữ, hoặc khái niệm mang tính đặc thù như kỹ thuật chuyên ngành, tôn giáo…
          Và những bài chân dung có thể hỗ trợ độc giả phần nào trong việc hiểu sâu hơn về tác phẩm; đặc biệt là phần hoàn cảnh ra đời, xuất xứ…
          Thế nên mặc dù Phùng Văn Khai chỉ kỳ vọng tôi viết một bài hai nghìn chữ về tập Văn học Việt Nam từ dấu mốc Đổi mới 1986 - chuyển động, thành tựu và bản sắc, thì với cảm xúc và suy tư tràn đầy của mình, tôi đã quyết định mở bút không giới hạn.
          Trên hành trình sống và viết, người viết có thể muốn đạt được nhiều thứ, nhưng tới thời điểm nào đó anh ta buộc phải “tái qui hoạch bản thân” để quyết định cái gì cần đạt, cần buông.
Tôi không đặt vấn đề đạt lấy chữ nhàn bởi cái “khôn” kiểu ấy dường như ít người viết lựa chọn; nhưng tôi rất quan tâm việc đạt được sự tự do, nghĩa là yêu viết thì có điều kiện làm việc đó và viết ra đúng cái mà mình nghĩ bất kể nó có được chấp nhận in ấn đăng tải hay không.
Đã có khá nhiều ví dụ về việc một số tác phẩm, chẳng hạn tiểu thuyết Mình và họ của Nguyễn Bình Phương; được in ở California từ năm 2011, nhưng năm 2014 mới được cấp phép để in lần đầu tại Việt Nam. Tôi không tin đó là do nhà văn đã không ưu tiên gửi các nhà xuất bản trong nước trước!
Thế nên khi đọc bài Tùy bút về nhà thơ Hữu Thỉnh của Phùng Văn Khai trong tập sách của ông, tôi chợt hỏi liệu ở Hữu Thỉnh có những tác phẩm mà số phận lênh đênh tương tự? Rồi chợt nhớ một kỷ niệm thời sinh viên, có anh bạn thơ tôi thấy sống thi sĩ tài tử lắm, nhưng tự dưng buột ra được cái tư vấn cho tôi đến hay, là “viết lách”. Thấy hay rồi để đó vậy thôi chứ để ngẫm ngợi sâu về cái từ láy độc đáo này, thì “bây giờ và ở đây” tôi mới bắt đầu.
Bỏ qua cái sự “lách” về quan hệ này nọ, tôi quan tâm đến cái “lách” trong trình bày để điều mình muốn nói vẫn được nói ra, nhưng là “lựa lời mà nói”.
Kho tàng tác phẩm của Phùng Văn Khai có tới hơn 20 đầu sách; nhưng hẳn đều đã được đọc, viết kỹ càng bởi nhiều cây bút nên tôi chỉ xin đề cập đến một số câu thơ mà nhà văn họ Phùng đặc biệt ấn tượng, chẳng hạn “Nước lã đổ đi nước lã lại đem thờ”. Nếu dăm năm trước chắc tôi cũng chỉ ang áng nhà thơ ẩn dụ cái đảo lộn giữa có giá và mất giá tùy thời tùy vị (trí) của cùng một đối tượng, nhưng từ khi biết tụng Bát nhã tâm kinh “bất cấu bất tịnh” thì hiểu cái ta tưởng là hiện tượng bên ngoài lại chính là bản chất bên trong!
Nhưng thiên tư nghệ sĩ giúp ông nắm được bản chất kiểu “Vừa dào dạt cùng tôi / Biển đã thành sương khói” thì bản năng của nhà quản lý đã lại buột ra ý kiến với Phùng Văn Khai trong buổi ra mắt sách của nhà văn Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung rằng “phát biểu như thế là … phản động, là dễ mắc bẫy luận điệu của một số người muốn lật lại lịch sử…”.
Và cũng có lúc dẫu rằng nắm được bản chất, ông vẫn “hờn” cùng hiện tượng: “Cõi thiện xa xăm câu kinh vượt dốc / Mây vừa đi vừa ngoái lại trông người”. Tôi tin với cái nền kinh kệ ấy, cộng sự thong dong khi chỉ còn làm cố vấn cho thế hệ đàn em; giờ ông đã thấy cõi thiện không còn xa xăm mà chỉ ngang khoảng cách giữa hai ông thiện ác ở hai bên cổng chùa làng.
Cũng là trung tâm chú ý của dư luận nhiều thời, nhưng ở bài viết Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Người chuyển động ta thấy dư luận hàm chứa nhiều tranh cãi hơn với phe tung hô ngút trời và phe thì coi như kẻ đốt đền, xét lại trong thời kỳ Chân dung và đối thoại ra mắt và tái bản liên tục. Mặc dù thể loại chân dung ưu tiên cái thật, nhưng ông lại ưu tiên cái hay và “viết hay đến mức không biết đâu là thật, đâu là bịa. Vô số chỗ bịa còn hay hơn thật”. Ông dường như chơi vui với “nước lã đổ đi nước lã lại đem thờ” chứ không day dứt băn khoăn như tiền bối của ông?  
Không chỉ trong thời kỳ đó, sau này ông vẫn “luôn dám nói điều người đời còn không dám nghĩ. Luôn xông thẳng vào các vùng khó như một con quay bầm dập vết thương trong vòng cương tỏa cứ thế xoay tít lẫm liệt mặc các đối thủ bổ liên tiếp từng đòn chí mạng xuống hai vai”.
Phùng Văn Khai mô tả sống động như thế, nhưng tôi cũng chỉ bị thuyết phục khi đọc những ví dụ về thơ Trần Đăng Khoa: “Nòng súng chán làm sắt thép / Muốn thành cây để trổ hoa”. Viết về súng “quân nhà” mà như vậy thì trong góc nhìn ưa bới lông tìm vết rồi suy diễn qui kết, cũng nặng tội!
 
*
*         *

 
 
   Untitled 1  Năm 2023 tôi xuất bản cuốn Tùy bút phê bình thơ đầu tiên, và giờ nhìn lại thấy cũng hơi tiếc ở chỗ trong mười lăm gương mặt thơ ở đó không có ai quê gốc xa hơn Thanh Hóa (là quê của hai nữ sĩ Lữ Mai và Nguyễn Thị Thúy Hạnh) về phía Nam.
Rồi khi tập thơ Nguyện mở (NXB Hội nhà văn năm 2024) đi vào phát hành thì số lượng vượt trội vẫn là Hà Nội, còn vào đến miền Nam khá ít ỏi.
Thế nên khi gặp bài Nhà thơ Hoài Vũ - Riêng đâu tượng đài tình yêu nơi cuối đất thì tôi mừng lắm bởi được dịp đổi gió. Cũng là sự diễn đạt của cái còn trong cái đã mất, nhưng cách của ông tự nhiên và phóng khoáng như nắng gió miền Nam: “Dù gió mây kia đổi hướng thay màu / Dù trái tim em không trao anh nữa/ Một thoáng hương tràm cho ta bên nhau”. Nhẹ nhàng và thanh thoát chứ không dai dẳng như Nguyễn Du “Dẫu 

Tác giả, Nhà phê bình văn học: Hoàng Liên Sơn

lìa ngó ý còn vương tơ lòng” hoặc nặng nề kiểu của tôi “Hoa nguôi thơm nhựa vẫn ứa đầu nhành”. Thế nên Phùng Văn Khai và nhiều người ngạc nhiên bất bình về chuyện Hoài Vũ chưa nhận được giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, nhưng bản thân ông thì không. Và khi họ bày tỏ thì ông lại nhớ tới sự hy sinh của bác sĩ Phùng Văn Cung - nguyên Phó Chủ tịch Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam đã bỏ mọi thứ chức tước nhà cửa đi hoạt động cách mạng nhưng rồi giải phóng thì những người trí thức dường như bị dôi ra và: “lúc cuối đời chỉ còn hai bàn tay trắng”.
Cũng từ nơi đồng đất cứ mở cửa ra là thấy bát ngát mênh mông ấy, ông viết “Nước quê ta dập dềnh tôm cá/ Giặc lội vào, nước dựng thành đồng”. Trong đôi câu thơ tưởng giản dị dễ hiểu này, chắc gì ai cũng hiểu cho đúng được chữ thành đồng?
Và trong khi nhắc nhiệm vụ “ta quyết giữ” thì bên cạnh những thứ vật chất hữu hình “Từng mái nhà nép dưới rặng dừa” ông không quên điểm danh những giá trị tinh thần “Từng mối tình hò hẹn sớm trưa”.
Phùng Văn Khai thật khéo khi xếp ngay sau Hoài Vũ là một nhà thơ đàn anh mới khuất núi ở tuổi tròn bát thập, nhưng độ cách tân hình thức và giọng điệu thì bỏ chúng tôi lại rất xa phía sau từ lâu rồi: Lê Huy Quang - Vóc mặt em góc nhà sắc sẫm. Những năm tôi viết Chuông gió ngoài hiên (xuất bản năm 2014), cũng nhận được file bản thảo của ông qua email, nhưng đang ở sâu trong trường thẩm mỹ thơ thời sinh viên kéo dài nên tôi chỉ thấy lạ mà không đồng cảm được nhiều. Cũng có cái tốt là tôi vẫn còn của ngon để dành cho tới tận hôm nay.
Phùng Văn Khai trích thơ ông:
                   “Không phải bóng cây đâu
                   Đó là tay em xòe ngõ
                   Và mở… giấc anh về
                   Để - bắt - đầu - như - thế - lại - ra - đi”...
Lối viết truyền thống sẽ là “bóng cây như bàn tay em xòe ngõ”, lộ rõ thủ pháp ví von. Nhưng lối viết của ông nhấn nhá đây không phải thủ pháp, mà đây là cảm giác sống động của tình yêu rất thực, đến độ mở ra sự kết nối trong “giấc anh về”. Và câu cuối của khổ thơ, những dấu cách được đặt vào đầy ý vị: Sự kết nối lại thực thế nào thì sự chia xa cũng thực, từ tốn, chậm rãi và chắc chắn như thế… như bóng người đang nhỏ dần theo khoảng cách xa dần!
Sự mới của Lê Huy Quang không xuất phát từ lý trí muốn mới, mà từ nhận thức về bản thể liên tục khác đi của chính mình: “Tôi lúc nào cũng đầy sương đêm/ sương từng ngày khác nhau/ sương từng tháng khác nhau…”. Sự mới từ cả cái nhìn đạt tới vô sinh bất diệt, luân hồi của thiên nhiên cùng con người: “mưa từ cao kia trở lại ao bùn/ ta từ ao bùn trở lại mùa xuân”. Phùng Văn Khai còn cho biết các tiền bối Văn Cao, Hoàng Cầm… yêu thích và tự hào về thơ ông đến độ cho rằng (phong thánh đùa một cách đáng yêu chăng): “Thiên hạ có Lê Huy Quang đã là ổn lắm.”
Lê Huy Quang làm mới cách viết ngay cả trong mảng trữ tình công dân là nơi vốn hiếm người chọn để thể nghiệm sự cách tân: “Sen ơi / Sen mọc ao Sen/ Sen mọc “Làng Sen” (Trường ca Hồ Chí Minh) - danh từ chung chuyển thành danh từ riêng, ẩn dụ một cuộc lấy lại tên nước từ cái tên miệt thị An Nam dưới thời Pháp thuộc.
Thơ hay của Lê Huy Quang, họ Phùng trích dẫn khá nhiều và thực tế kho tàng hay của ông còn mênh mông hơn, nhưng xin để dành bạn đọc tự khám phá tiếp. Còn tôi muốn chỉ ra rằng vì yêu thơ và làm được nhiều thơ hay dù hình thức tương đối truyền thống, nên tiểu thuyết của Phùng Văn Khai khá đậm chất thơ.
 
*
*      *
 
     Mang trên mình đủ loại danh vị, trách nhiệm và ràng buộc; nhưng dường như lương tri của người nghệ sĩ vẫn nhắc nhở anh ta rằng lương năng hàng đầu là nói ra sự thật.
Và sự thật mà Phùng Văn Khai nói ra trong bài Vũ Thiên Kiều - Du ca như thời gian thơm thảo, là ông đã làm “học trò” của nữ sĩ đóng vai chánh chủ khảo trong một cuộc thi làm thơ với chính mình. Với bài thứ nhất Hỏi sen, lời phê của chủ khảo là “Hỏng! Thơ của ai chứ không phải của anh. Chung chung quá. Chữ nghĩa vặn vẹo quá”. Với bài thứ hai Thơm sen, lời phê là: “Tạm được! Bắt đầu có ý tứ nhưng nhất định phải cố lên”. Và bài thứ ba Sen cởi áo thì: “Cái câu “Núm thơm nghiên son” có vẻ đường được. Từ rày trở đi, anh hoàn toàn có thể làm thơ”.
Qua ví dụ này, cũng thấy ra sự kỹ lưỡng và khắt khe của nữ sĩ trong việc làm thơ; đồng thời ra sự cầu thị cầu tiến của Phùng Văn Khai, để rồi tới cái đích là tập thơ Mùa màng (xuất bản năm 2023) với 19 bài phê bình.
Sinh thời, nhà văn Hòa Vang cho tôi mượn cuốn tiếu thuyết Tội ác và trừng phạt của Dostoievski, và tôi có thắc mắc rằng tại sao thiên tài này không trải qua những thực tế đó mà vẫn có thể viết hay? Ông trả lời về mặt sự vụ thì cốt truyện này bắt đầu từ việc tác giả đọc một mẩu báo về vụ giết người cướp của, còn sau đó là bí mật của thiên tài rồi. Thấy tôi ngẩn ra với chữ thiên tài bởi tự nghĩ mình lấy đâu ra, nhà văn Hòa Vang bảo chả cần tự ti đâu, bởi ngòi bút khổng lồ viết ra cuốn tiểu thuyết vĩ đại, thì mình cũng có tác phẩm xuất sắc chỉ riêng mình mới có. Tôi đáp em hiểu rồi, như thơ Cụ Hồ “Cờ to đã hẳn là phải có - Cờ nhỏ dù sao thiếu được đâu”.
Trong tập sách Văn học Việt Nam từ dấu mốc Đổi mới 1986 - chuyển động, thành tựu và bản sắc, xem như Phùng Văn Khai đã có lá cờ nhỏ của mình.
 
Tiết lập thu, năm 2024
H.L.S

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây