Bước chân dung tự họa con người tinh thần của Nguyễn Lâm Cẩn trong thơ.

Thứ tư - 25/09/2024 20:11
Bước chân dung tự họa con người tinh thần của Nguyễn Lâm Cẩn trong thơ.
  

       Đinh Thiên Hương
      Người ta nói: thơ là sự thể hiện con người một cách tinh tế và cao đẹp. Không chỉ có bức tranh thiên nhiên và đời sống xã hội bao la, đa sắc màu ngoài kia, mà cả thế giới nội tâm phong phú và vi diệu, cũng sẽ được khám phá và diễn tả, nhờ rung động của tâm hồn thơ. Thơ chọn phương thức trữ tình để tồn tại. Nó là tiếng lòng tìm gặp tiếng lòng; là tiếng hát đi từ trái tim lên miệng để tìm đến với trái tim. Chỉ khi nào bao nhiêu ưu tư chất chứa, dồn nén trong cái tôi nội cảm bỗng bật lên thành lời, lúc đó sẽ có thơ hay. Và cũng khi ấy, thơ là bức chân dung tự họa con người tinh thần của nhà thơ một cách trung thực nhất. Với ý nghĩa ấy, 87 bài thơ, trong “Nơi ta ở”, do NXB.Hội Nhà văn ấn hành, năm 2024, sẽ cho chúng ta thấy có một Nguyễn Lâm Cẩn như thế trong thơ!
   “Nơi ta ở” là tập thơ thứ 15 trong đời thơ. Nhưng là tập thơ có ý nghĩa đặc biệt, vì nó là “kỉ niệm tuổi 80” của tác giả. Ôi, đây là cái tuổi đã vượt qua“thất thập”, trở thành lão thụ nhân “bát thập hi hỉ”, hưởng phúc tổ - lộc trời, được xếp vào hàng“xưa nay hiếm”. Ở tuổi này, mọi ứng xử đã trở nên hoàn hảo, khuôn khổ mực thước, nói hay làm điều gì cũng đều đúng với lương tâm. Bởi thế, đối với người thơ thì đây là cơ hội để thể hiện những triết lý và cảm xúc trung thực nhất từ cả một hồn thơ – đời thơ vậy! Chẳng trách ông tự viết cho mình “Lời đầu sách”, vừa tạc vóc dáng ngoại hình tuổi Tám mươi “bạc tóc”, da“đồi mồi”, tai “nghễnh ngãng” (nhưng nghễnh ngãng thế mà hay: “Khỏi nghe lời rác, lắm khi nhức đầu”); lại vừa tổng kết cả đời cho đến cái lúc: “Nếu giầu thì hẳn đã giầu / Nghèo qua cái đận cháo rau lâu rồi”- nghĩa là chỉ làng nhàng, không nghèo khó, chẳng giầu có quyền thế gì. Nhưng ông tự thấy đời mình cho đến bây giờ, coi như viên mãn, chu toàn, sang quý và kiêu hãnh lắm. Bởi vì có “ghế cao”cũng không ngồi, lợi danh cũng né tránh. Một đời từng nhủ lòng và giữ mình “cầm chắc cần câu / Lưỡi nhân, mồi chữ, ao sâu / Buông đời / Làm thầy không để đạo rơi / Làm dân đầu ngẩng lên trời / Nắng / Mưa”.
   Nếu “Lời đầu sách” thiên về những tái hiện và chiêm nghiệm, thì “Lời cuối sách”, thiên về những đúc kết từ đường đời đã trải, nên giầu triết lý và chiết tự, về những “Gai đời…Bẫy người…Dãi dầu…Mộng du” và những “tấn trò đời” của “Thế thời”. Tập thơ gói ghém những buồn vui khi bước vào chặng đường tuổi 80 xoan!  Để rồi, nhận thức cho đúng mà sống tiếp phần còn lại nơi cõi tạm, đang có nhiều nhiễu nhương “tha hóa đạo, đời / Lặng im nuốt lấy đầy vơi / Nỗi niềm”. Chớ vội cho đây là yếm thế, vô vi. Cứ nhìn thật sâu, bao quát thật rộng vào thực tại, mới hay lời tự nhủ của lão thi nhân không nhầm, không vội. Nó sẽ giúp ta tránh được những tai ương, “thân lươn phận mỏng đôi khi lấm đầu”. Những nhà thơ văn lớn là những nhà tư tưởng lớn. Tác phẩm của họ không chỉ phản ánh mà còn định đường, hướng tầm mở lối, tạo nên những chấn động, dư ba cho bạn đọc. Ngẫm quả không sai!
   Trở lại với cái tiêu đề: “Nơi ta ở”. Nó gợi lên một câu hỏi tức thì: là nơi nào ấy vậy? Đọc hết tập thơ mới hay, nhà thơ yêu lắm cõi đời này, như yêu mỗi ngày hằng sống Chỉ mong sao, sau cái đận Tám mươi vẫn còn được“nâng chén khề khà…xuân sang”, để “Hồn thơ giong ruổi tràng giang bến bờ”, để “Trời còn cho sống cầm canh” mà trả món nợ trần gian. Cho nên; nhà thơ vẫn cứ thơ thới ao ước và hóm hỉnh: “Ngoài trăm cứ để giời đày / Rồi ta mới hẹn cái ngày gặp tiên”. Trong cõi đời bao la, thấy luôn hiện lên niềm đắm say và tràn đầy ưu tư da diết với những địa danh, những vùng miền mà nhà thơ từng“Đặt lưng đâu cũng chiếu giường qua đêm”, hoặc từng in dấu mỗi bước chân qua. Hãy nghe chính nhà thơ định nghĩa “Nơi ta ở là nơi hồn neo đậu / Dáng cây rơm lót ổ mẹ gà / Con chuồn ướt, cào cào, châu chấu / Bay trong đầu câu hát bay ra / Vạn dặm đường xa / Bàn chân đặt lên từng dấu nhớ / Quê hương, nơi cuộc đời mắc nợ / Chẳng ai đòi”. Ôi, những con chữ, nếu đọc thoáng qua, sẽ chẳng thấy gì. Thông thường, người ta lớn lên từ làng, nên thấy ơn quê nợ làng, như ông cũng từng “Nợ quê”như thế: “Nợ quê nửa củ khoai lang / Tuổi thơ đi mót đồng làng chiều hôm / Nợ quê con tép con tôm / Gói trong vạt áo tay ôm mùi bùn”…Nhưng sao ở đây lại là quê mắc nợ, chẳng ai đòi?
   Thì hóa ra, nhà thơ từng là chứng nhân và cũng là nạn nhânthời của thánh thần”, của những trận “cuồng phong” gieo bao oan khốc, khổ đau, đầu rơi máu chảy: “Nửa đêm hất khỏi chiếu giường tha hương”. Nó nghiệt ngã tới mức: cha mất rồi, chỉ còn mẹ nhủ “rằng bỏ quách mà đi / Người bạc, đất bạc ra ri con nà / Nhà thì đã của người ta / Tình thì chôn chặt làm ma không mồ”. Thế nhưng từ đó cho tới tận bây giờ, nhà thơ không thôi nặng lòng đau đáu với vùng quê “mặn nhút, chua cà”. Ông cũng dồn nhiều lắm giấy mực, bút lực cho đề tài này và đây cũng là một trong những đề tài hay nhất trong thơ Nguyễn Lâm Cẩn, xét trên cả hai phương diện tư tưởng và nghệ thuật (đặc biệt là ý thức và niềm đam mê cách tân thơ lục bát). Tưởng là nén chặt chôn sâu“Nỗi niềm xa quê”. Chua xót, cay đắng và bẽ bàng bởi cảnh ngộ “Tết rồi lại Tết, người về, còn ta / Có quê không có cửa nhà / Miếng ăn nhặt nhạnh, miếng và rủi may”. Nếu có về thì cũng là “Về nơi không có cửa nhà / Tha phương trên đất mẹ cha sinh mình”. Nhà thơ may có quý nhân phù trợ, biết ơn và quý trọng bậc song thân và gia tộc ông, nên nhiệt tâm làm sáng tỏ lại cái lí lịch bị bôi đen ngòm và mua cả gạch ngói giúp cho ông làm cửa nhà nơi quê người. Thời thế đổi thay. Lòng người quê đã khác. Những người một thời thù hận, giờ kể ơn cha mẹ ông như ghi tâm khác cốt Nhờ thế “Đường xưa lối cũ”ung dung lại về. Anh chị em cùng ông xây nhà thờ cha mẹ khang trang to đẹp trên mảnh đất chôn rau cắt rốn. Ông lại tiếp tục mê đắm với“Giận thương câu ví”, về quê thắp nén nhang thơm lạy cha khấn mẹ, để từ nay “Chim lòng hót giọng ngày xanh với đời”. Không vui sao được, vì “Lòng người trắng lại hạt cơm / Tình làng nghĩa xóm bát đơm lại đầy / Quê là gốc cội nguồn cây / Hồn về ngắm lại trời mây mẹ nà / Không đâu bằng chốn ruột rà / Đêm rưng rức với tiếng gà cầm canh”. Nói cha mẹ là quê hương, điều đó thật đằm sâu và chan chứa, hòa quện trong “Nơi ta ở”. Nhưng có lẽ niềm riêng không phổ quát trong thơ Nguyễn Lâm Cẩn và trong một thế hệ từng trải qua thời “giông tố” là ở chỗ: lòng yêu kính mẹ cha luôn gắn liền với nỗi đau khó nguôi ngoai và nỗi buồn rất Đường thi “dặm cũ đường xa lòng cố hương”, trong cảnh “quê hương thì có, cửa nhà thì không”. Mãi về sau “Bạc đầu về lại quê hương / Run tay thắp nợ khói sương lòng thành”, nhà thơ mới tủi mừng khôn xiết, cất đi gánh nặng, giải tỏa được nỗi niềm“Đặt chân trăm xứ, ân tình nặng / Nhưng chẳng nơi nào ấm vị quê”.
   Như đã nói ở trên, “Nơi ta ở”(kỉ niệm tuổi 80) còn là những đúc kết giầu chất triết lí và chất chứa một cái tôi nội cảm với đời. Vẫn biết tách ra như thế này là khiên cưỡng, vì thơ là tiếng lòng; cảm xúc nào chẳng cất lên tự tâm can. Nhưng phải tách ra như thế, để thấy rõ hơn nhân sinh quan của nhà thơ trên chặng cuối của hành trình cuộc đời.
   Vì may mắn được dõi theo những chặng đường thơ của ông qua nhiều chục năm, đã viết được chút ít về những đóng góp của nhà thơ cho thể lục bát nước nhà, nên tôi đã thấy ở Nguyễn Lâm Cẩn “Nấp sau bóng chữ / Chính tà / Vàng thau”. Nhà thơ tạo ra trường ngữ nghĩa mới, có tiêu chí phân định rạch ròi, rất giầu triết lý nhân sinh và cảm khái thế cuộc, từ những chiêm nghiệm, đúc kết và đau đáu trĩu lòng. Rồi ông dồn nén vào thi phẩm, làm bật mở và bùng nổ, đem lại cho người đọc nhiều rung ngân và cảm thức mới mẻ, táo bạo…
   Vì là người từng trải, lại rất biết cốt cách “bất năng di…bất năng khuất” để thật là Người, nên nếu cần sẽ chọn cái chết để không đê hèn; chọn làm người tử tế để khỏi lụy thân trong danh vọng; chọn đứng một mình ngoài lũ phe cánh đang kiếm tìm lợi lộc: “Đời người biết bao nhiêu cái phải này, phải nọ / Tôi tự nói phải có nhân cách và lòng tự trọng”. Đừng nghĩ, đây là ồn ào, cao ngạo. Đây là lời tự nhủ lòng – nhất là ở vào cái nơi như lời “Cha tôi” đã dặn: “đất này như có ma… Đời cha cày đến khi móm mém / Lô nhô / Lốc mốc / Gồ ghề / Mẹ bảo ông san cho nó phẳng / Cha cười đất lắm bùa mê”. Không giữ được mình sao sống đặng nơi đây; không tu thân sao vẹn đạo làm Thầy?! Cả ngoài Đời lẫn cả trong Thơ, Nguyễn Lâm Cẩn đã và đang sống như thế đấy.  Chính “Nhân cách” ấy cắt nghĩa cho ta biết: vì sao đến tập thơ này, Nguyễn Lâm Cẩn không tái hiện những suy cảm về những phận đời, kiếp người (thậm chí có tên tuổi cụ thể) nhiều như ở những tập thơ trước. Những suy tư về nhân thế, về từng phận người và kiếp đời; về lẽ hưng vong - mất còn – có và không – hữu hạn và vô hạn…, đều đã nhuyễn thành cảm xúc của “cái tôi” nội tâm, rồi bật ra thành thi ảnh. Bao nhiêu những chiêm nghiệm được dồn dốc hết vào tâm can. Với nỗi buồn thương cộng với niềm đau đời, “cái tôi” chủ thể sáng tạo trong tập thơ, không cần mượn phận đời của ai làm cớ nữa. Nhà thơ tự chịu trách nhiệm khi viết về nỗi đau thế thái nhân tình. Và đó cũng chính là bức chân dung tự họa con người tinh thần trung thực nhất của ông. Ông biết “Khi dạ dày bị túm”, thời cũng có nghĩa là vật chất không còn, để quyết định ý thức nữa rồi: “Ăn không ra ăn / Ngủ không ra ngủ / Cười không ra cười / Du mục trên thảo nguyên ảo vọng (…) Trong đầu là những cái đầu / Sự lắp ráp theo hệ hình phi toán / Kẻ hành đạo túm chặt dạ dày / Vo xã hội vào nắm tay ai oán”.
   Nhà thơ đau buồn bởi nhiều nguyên cớ. Có khi là “Nhìn chiếc lá rụng” “Thấu thị bao nhiêu cái mặt người”, và nhìn kĩ “mặt từng người / Nhận ra họ, những ông quan mất chức”. Không như thói thường, chả có gì mà hả hê vui sướng cả. Bởi cái đó vừa là hậu quả của những bất cập, vừa kéo theo những hệ lụy khôn lường. Có khi buồn vì“Thói đời lươn lẹo thẳng cong / Những là cái kiến, con ong phận hèn”. Nhiều lắm là nỗi buồn “Nhịp đập tình người trái chiều mưa nắng / Đạo dần xa đường lạc vào hoang vắng / Người với người gằn lên thù hận”… Có khi, nhà thơ thoáng nụ cười ruồi, nhưng giấu sao được tiếng thở dài thời mạt pháp: “Chùa to tượng Phật giát vàng / Khua chuông gõ mõ cả làng tụng kinh / Vén màn sương khói tâm linh / Tiền chùa hốt bạc, giật mình, giả sư”.  Ôi,“Nơi ta ở” bây giờ kể sao hết nguồn cơn?
   Có lẽ vì những nguyên cớ và nỗi buồn miên man ấy, mà không hiếm nỗi cô đơn. Cô đơn nên “Cuối năm uống rượu một mình”, “Tự nói với mình”, “Tự hỏi”mình, rồi“Câm lặng, ta thèm ai đó gọi / Cho dù thăm thẳm giữa không trung”. Nhiều khi “cái tôi” trữ tình “Ngộ”ra sau những “Lặn ngụp trong đời thường / Sợi tóc bạc ngộ ra lời sám hối / Cuốn sử trong ta không còn chứa nổi / Hình hài đứa trẻ ngây ngô”. Thành ra, có uống với bạn bầu tri kỉ, thì cũng chỉ là “Xứ Đoài tóc trắng lang thang / Rượu ngon người uống chứa chan nỗi niềm”. Ngay khi“Tưởng mình em uống với ta / Bây giờ tiệc rượu hóa ra tiệc đời”, thì cũng lộ ra cái buồn trớ trêu và đơn côi mà thôi. Ông vẫn biết “Ngon chi cúm núm một mình / Sướng chi ôm gối lình xình tạp nham”. Nhưng biết làm sao khi mà“Chữ Nhân chìm lỉm sông Lam lâu rồi / Lềnh bềnh thân phận chết trôi / Tha phương gánh giọt mồ hôi /  Gồng ghềnh”. “Cái tôi” thôi đành chọn sự im lặng, như muôn vật trong bài “Tìm”, để nuôi con tim mình, cho đến khi nào “tim hết tái tê”. Chớ bảo đó tiêu cực, yếm thế. Lịch sử tư tưởng ngàn năm của dân tộc mình, từng chẳng hiếm những thánh nhân, chọn đường lui về ẩn dật để giữ vẹn đạo quân thân: “Bui một tấc lòng ưu ái cũ / Đêm ngày cuồn cuộn nước triều Đông” (thơ Nguyễn Trãi). Đây là cái im lặng của minh triết trí tuệ, khi biết xung quanh “Trời đã khác / Đất đã khác / Cái lưỡi hót ra sự thật bị con chim mách lẻo hóng hớt báng bổ / Gọng kìm siết vào cổ ằng ặc trào ra dòng máu đỏ ngầu / Sự giả dối lươn lẹo chui vào móng vuốt con đại bàng / Tàng hình dưới đôi cánh vỗ(...)Gió vô vọng thổi vào dạ dày căng phồng cơn đói no nê / Từng đoàn người đốt đuốc đêm mê”.
   Khi “gấp cuốn sách lại”, nhà thơ biết đã “Chiều rồi”. Và đó là tên một bài thơ thật hay ở gần cuối tập sách, vừa mang tính “tuyên ngôn” nghệ thuật vừa đậm chất triết lí sâu xa. Người thơ thao thức “Chờ cho đến sáng / Đêm của cuốn sách sao dài đến thế / Che ta hết cả ánh ngày / Lấp liếm bao triều đại / Lượm xác chữ bỏ vào hương khói / Này đừng ngụy trang / Cần có sự thức tỉnh cõi u mê”. Bây giờ đang là thời @, thời công nghệ và số hóa trong thế giới phẳng, nên khó giấu giếm nhiều điều. Mọi biến động hỗn tạp ở nơi này, nơi kia trên địa cầu, cũng tác động rất nhanh và mạnh đến cái “cần thu phát” vốn rất nhạy cảm của Người Thơ. Cho nên, chớ khuôn lại và suy diễn hình ảnh này ý tứ nọ, chỉ là chuyện của một quốc gia, dân tộc nào đó, rồi quy chụp như thời xưa cũ…
  
   Đọc hết cả tập thơ “Nơi ta ở”, thêm lần nữa nghiệm ra một điều: là thi nhân phải đồng hành với dân tộc và nhân loại. Thậm chí có thể phải “Đi trước thời gian / Đánh thức buổi bình minh / thúc thời đại tiến nhanh hơn chút nữa”. Nhưng để tồn tại đích thực là mình trong thăng hoa sáng tạo, thì phải cần trải nghiệm và suy tư trong lặng lẽ cô đơn. Chỉ có như thế, nhà thơ mới có được cái riêng độc đáo, “quen mà rất lạ”. Ở vào tuổi 80, nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn đã có đủ những điều kiện, không chỉ kiểm đếm những gì đã dâng hiến trải một đời cầm bút, mà còn gói ghém, tinh chất, trưng cất để cho những bài thơ, tập thơ ngày càng óng ánh chất vàng mười con người tinh thần, chân dung tự họa của nhà thơ. “Nơi ta ở”là tập thơ đáng trân trọng, quý giá như thế. Xin được mở sách với bạn đọc gần xa.
 
 Thanh minh Giáp Thìn, 2024
 Đ.T.H
        

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây