Tôi gặp nhạc sĩ, nhà báo Đinh Văn Bình trong một sự kiện tại Hội trường Bảo tàng Văn học Việt Nam. Khi đó, ống kính phóng viên của anh chộp được một bức ảnh rất tự nhiên mà vô tình tôi cũng có mặt. Hai chị em quen nhau từ đó. Sau này, tôi biết Đinh Văn Bình hoạt động năng nổ trên rất nhiều lĩnh vực như báo chí, âm nhạc, thi ca. Là Hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội, anh đã có chặng đường 15 năm viết nhạc với rất nhiều ca khúc trữ tình về tình yêu đất nước, quê hương, tình yêu con người. Có thể kể đến những ca khúc tiêu biểu đi vào lòng người như “Về miền đất Hương Sơn” (nhạc và lời: Đinh Văn Bình), “Câu chuyện mùa thu” (nhạc: Đinh Văn Bình, thơ: Vũ Thị Hương) và nhiều ca khúc khác. Hai ca khúc kể trên đã được Kênh Truyền hình Nhân Dân lựa chọn và giới thiệu. Gần đây, tôi được biết ngoài mảng báo chí và âm nhạc là sân nhà thì nhạc sĩ, nhà báo Đinh Văn Bình còn lấn sân sang cả kịch bản sân khấu. Mặc dù vậy, tôi biết Đinh Văn Bình vẫn đau đáu một tình yêu với nàng Thơ tóc mây đầy mơ mộng. Chỉ trong một thời gian không dài, anh đã xuất bản hai tập thơ, đó là “MỘT MÌNH” (NXB Hội Nhà văn, 2022) và “CHỒI XUÂN NGÀY MỚI” (NXB Hội Nhà văn, 2022).
Anh nói với tôi ý định ra mắt tập thơ với tiêu đề “THÂN THƯƠNG TUỔI HỌC TRÒ” và gửi cho tôi đọc trước bản thảo.
Tác giả Đinh Văn Bình (bên trái) gửi tặng các thầy cô giáo tập thơ nhân dịp kỷ niệm 20 năm ra trường.
Lần giở gần 80 trang của tập thơ trong tư lự tôi bỗng bắt gặp một hình ảnh khá ấn tượng: “Ta gặp em cô gái bằng lăng”. Ngay lập tức, “cô gái bằng lăng” này đã đưa tôi lật ngay lại từ trang đầu tiên và bắt đầu chậm rãi đọc để chiêm nghiệm.
“THÂN THƯƠNG TUỔI HỌC TRÒ” là tập thơ mang đầy tính tự sự với những cảm xúc tự nhiên và vốn có trong anh khi nhớ về thuở cắp sách tới trường. Trang thơ thể hiện tấm lòng nhớ ơn và tình cảm kính trọng với các thầy cô giáo, những cảm xúc hồn nhiên chân chất của bè bạn và cả những rung cảm trong sáng tuổi học trò. Những tình cảm ấy trong chúng ta có lẽ ai cũng có, kể lại bằng lời chắc cũng nhiều, nhưng đưa nó vào hồn thơ thì lại là một câu chuyện khác. Và Đinh Văn Bình đã làm như vậy, anh đưa những tình cảm, những nghĩ suy ấy vào trong tập thơ của mình.
Nhớ ơn thầy cô giáo
Từ tiêu đề của tập thơ đã cho thấy tác giả dồn vào đây cả dấu ấn của thời đi học. Anh đã không kìm lòng mà thốt lên cảm xúc vỡ òa khi bè bạn tề tựu bên nhau từ những nhịp chữ đầu tiên của tập thơ. Tiếng trống vang ngân trong ngày hè nắng đổ hay những cánh phượng rơi ép vào trang vở cứ trải đầy theo dòng chảy của anh khi trở về mái trường.
Tôi thực sự trân trọng tấm lòng nhớ ơn công lao dạy dỗ và tình cảm kính yêu thầy cô của anh. Với anh, thầy cô như vầng trăng mãi toả một ánh sáng đẹp tinh khôi. Từng chi tiết nhỏ được anh lưu giữ bằng một tình cảm chân thật mà sâu đậm, anh nhớ cả Vai thầy vương bụi phấn/ Áo cô lẫn mồ hôi. In dấu trong anh là những người thầy đã kéo cả bầu trời/ Cùng muôn ngàn sao sáng/ Vào từng trang giáo án để dạy cho học trò. Một hình ảnh rất đẹp. Và có lẽ thế nên hôm nay khi đã trưởng thành, mỗi chuyến đò ngang dọc của các thầy cô đã in từng trang cuộc đời anh.
Tình bạn bè, trường lớp
Không chỉ đưa bản thân mình, anh còn khiến tôi đọc mà như cũng quay trở lại cái thời tuổi học trò trong sáng hồn nhiên ở Nơi sân trường đong đầy ký ức ấy. Tất cả những trò con trẻ, những góc sân trường thì thầm to nhỏ với Tiếng ve kêu rưng rức ngày hè, với cây bàng đứng lặng giữa trời xanh, rồi Trang giấy thơm nét mực tươi xinh hay Bảng đen phấn trắng nghĩa tình cứ dội lên hết từ mạch thơ này sang mạch thơ khác. Anh phát hiện ra những ngày hè rực nắng chính là “quà tặng” được dành riêng tuổi học trò, đây là một sự liên tưởng “độc quyền” khá thú vị.
Tất cả những ký ức xưa đó đã là một thời đi xa ngái. Nhưng nó cứ khắc khoải mãi trong anh, nó lặng lẽ đi qua năm tháng cuộc đời để rồi dù đi khắp muôn nơi thì anh vẫn luôn bền bỉ thắp sáng những ước mơ.
Cô gái bằng lăng
Không biết cô bạn “thủ phạm” nào sẽ đỏ mặt khi đọc được những hồn thơ rung cảm đầu đời của anh? Cô gái bằng lăng có nhận ra mình trong hình ảnh này không nhỉ? Có thể nói cô gái bằng lăng là một sự khai thác khá thú vị. Và đây, cô gái bằng lăng mặc Chiếc áo tím chơi vơi mùa hạ, khuôn trăng của cô tươi tắn trong sáng biết chừng nào với Cánh mỏng manh hoa cười thắm nở. Đóa hoa bằng lăng được anh nhân cách hóa lên thành cô gái thật đáng yêu hay bởi cô gái ấy xinh đẹp như đóa hoa bằng lăng vậy?
Chỉ cần một hình ảnh đấy thôi, đủ thấy trái tim yêu của chàng nghệ sĩ thật bay bổng. Tôi chắc cái sự bay bổng ấy đủ lãng mạn và yêu thương để cuốn hút cô gái mặt ngời nét xuân của anh.
Quê hương và những miền suy tưởng
Xen trong miền ký ức về thời học trò ấy, quê hương vẫn hiện lên trong thơ anh như một điều hiển nhiên. Quê hương anh có những triền đê trao lượn cánh diều, những ruộng đồng xanh mướt với những cơn mưa mùa hạ muôn thuở của làng quê đất Việt. Những hình ảnh của người già giao lưu cờ tướng hay chuyện trò nước nôi hiện lên thật thanh bình. Đó là Niềm vui đến mỗi ngày trên những con đường làng tươi sáng quê anh.
Trong cái Cung đàn thời gian ấy, những Giọt thời gian cứ tích tắc mà lặng lẽ trôi và chàng nghệ sĩ của chúng ta miên man thật nhiều Những suy tư Trong tiềm thức. Anh Đếm ngược bao kỉ niệm qua từng phút giây. Anh nuôi những ước nguyện thời gian hoài hạnh phúc với những niềm tin khát vọng trong những hạt mưa rơi hay nắng hè lấp lánh đam mê. Anh luôn có một bầu trời đỏ rực với nhạc bình minh thánh thót trên những con đê hay những đồng lúa chín thoảng mùi hương/ Thắm đượm hồn quê của xóm làng nơi anh sống.
Bằng những cảm xúc đa chiều và cách viết của mình, với tôi “THÂN THƯƠNG TUỔI HỌC TRÒ” của Đinh Văn Bình đã mang đến nhiều ý nghĩa và cả những điều nhắn nhủ để suy ngẫm. Chúc anh mãi nặng lòng với thi ca và gặt hái nhiều thành công trên con đường nghệ thuật.
----------------------------
(*): những chữ in nghiêng là trích thơ của Đinh Văn Bình
Hà Nội, mùa hè 2024.
Nguyễn Phương Anh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn