Nhà thơ Lê Anh Phong
Cách đây 13 năm, lần đầu được nghe nhà thơ Đặng Minh Kính đọc thơ tại Hàng Buồm lộng gió: “Người Hà Nội/ Nhưng không rành tìm lối/…Tìm đường/ Lạc chốn văn nhân/ Nghe thơ đọc/ Biết đã gần Hồ Gươm”. Lý do của thơ thật đa dạng. Lúc ấy, tôi có cảm giác mình đang gần một Người Thơ. Nay, Hồ Gươm đã dành cho đọc chậm cuối tuần. Và nhà thơ vừa tròn 80 xuân.
“Cho tôi hóa một lần cơn gió/ Mùa thu chải tóc cho cây/ Mùa lơ đễnh/ Mùa nhẹ dạ/ Để tình yêu vuột mất trên tay/ Chỉ một lần thôi/ Ngọn gió heo may/ Thoắt đến/ Thoắt đi/ Ai nào giữ được/ Ngọn gió khô mà rất nhiều nước mắt/ Trong chiếc khăn ẩm ướt mùa thu”. Như tình yêu, mùa thu thật đẹp, nhưng cũng là mùa của giông bão. Thao thức hóa thân trong “cơn gió mùa thu”, chợt đến, chợt đi, heo may vẫn chập chờn ký ức. Bài thơ trên chị viết năm 71 tuổi. Sức sống thơ Đặng Minh Kính là ở mạch ngầm của nghiệm sinh, của trữ tình nội tâm sâu lắng, nhưng hình thức biểu đạt lại trẻ trung, giữ được chất thơ của đời sống. Trên đường đời và đường thơ, chị vẫn mang theo chiếc khăn của hương mùa, của nỗi niềm thấm thía. Vì nó là ẩn ức, là cuộc đời chị. Và có lúc, dù “chim đậu cành cong”, nhưng chiếc khăn mỏng manh ấy lại vẫy vào khoảng trời chập chờn của khoảnh khắc bay lên: “Có lần cũng sợ/ Có lần cũng run/ Hôm dưới chân tượng đài Thánh Gióng/ Trong tay mình ta ngỡ sắp bay lên”. Với mạch chữ này, thơ Đặng Minh Kính đôi khi lâm vào tình thế dùng dằng của tơ lòng mắc mớ…
Chấn thương trong tình yêu, nhưng thơ không làm cho người đọc thất vọng, kể cả giây phút rơi vào trống vắng trong đắng đót của tự do: “Ly hôn xong/ Cầm tự do trên tay/ Chẳng biết để làm gì”. Trong chạng vạng, tôi đọc bức tranh “Đốm sáng” từ “một bông hoa trắng/… Sâu thăm thẳm mà trời đêm sắp tối/… Ở chốn mênh mang. Khuất bên đời”. Có những câu thơ như được viết giữa đường biên của tiếng chuông nhà thờ và âm vang tiếng gọi của đời thường. Giữa hai bờ ký tự, con thuyền thơ bên phía lở của dòng sông dâu bể, ra khơi hay neo lại bến bờ: “Ta sửa mình mươi lần/ Để có thể bên nhau/ Mà không dám/ Lễ nghi thần thánh/ Hai đám mây cách xa/… Chẳng thể nào sấm sét/ Chúng ta – hai tòa nhà/ Vời vợi hướng về nhau/ Tuyệt vọng mang hình ô cửa”. Với chị, tình yêu là thiêng liêng. Trong “tuyệt vọng” vẫn “mang hình ô cửa”. Cô đơn mà cao cả “như bức tranh thánh” treo ở ngôi nhà, nơi ô cửa không bao giờ đóng lại. Và ở đó có cả “Câu thơ còn đang viết dở/ Em sẽ mang theo cùng hơi thở/ Dù trăm ngàn cũng hóa tàn tro/ Hãy mở tay ra/ Em xin lại câu thề/ Lời dại khờ khi ta còn yêu mến/ Thế, được rồi anh ra đi mãn nguyện/ Đừng ngoái nhìn lửa cháy phía sau lưng”. Trong đêm khuya, khi đọc đến chữ cuối cùng của bài thơ này, tôi mở ô cửa nhỏ bên bàn viết, gió bỗng tràn vào, giấy trắng bay… bay…
Trong thực tế đời sống văn chương, những bài thơ còn lại với thời gian hiếm khi ra đời từ sự hớn hở, từ no đủ mãn nguyện. Nỗi cô đơn và nỗi buồn như một cặp đôi. Đó cũng là một trong những lý do cơ bản của thơ: “Ta đứng đó/ Cánh chim cô lẻ/ Mổ vu vơ cọng cỏ/ Bên bờ sông trong Kinh Thánh xưa”, “Có một lần quên bóng ở nhà anh/ Từ đó em sống đời như một nửa/… Bóng chờ em hay em nhớ anh”. Vu vơ trong hao khuyết, lẻ bóng trong mảnh vỡ, nhưng thơ Đặng Minh Kính không âm u trong khổ đau. Vẫn ánh lên một diễn ngôn ý nhị, tinh tế, giàu suy tư liên tưởng. Vượt qua nỗi buồn bằng cái đẹp, đó là bức tranh của giọng nói. Vượt qua ngữ pháp của tục lụy, đó là mặc khải của tình tự, sự sống mở lời.
“Ý kị thô, mạch kị lộ”, nhiều bài thơ của chị không dành cho cách đọc đơn giản, sơ lược. Giữa hiện thực được phản ánh và điều muốn nói có một khoảng cách dành cho người đọc. Chiếc “Áo kẻ ô” chập chờn như mê lộ, thôi miên người cầm bút vào “cuộc cờ” nào đó, một cuộc cờ nhiều dự cảm, không biết bao giờ mới kết thúc, mà chúng ta là những quân cờ di động: “Người mặc áo kẻ ô/ Đẩy ta vào cuộc cờ/ Không biết là nên lui hay tiến/ Chiếc áo kẻ ô/ Đường ngang ngực là đường vào tim/ Trên cùng là mái tóc tơ vò/ Ta nhìn rõ/ Đôi môi hé không lời/ Cái ngập ngừng kẻ khôn/ Còn ta là kẻ dại/ Kẻ dại viết ra giấy/ Những dòng chẳng vào đâu/ Phải lòng câu thơ rắc rối/ Như chiếc áo kẻ ô/ Như cuộc cờ không kết”. Thơ viết mở, nhiều tầng liên tưởng, sâu sắc trong ẩn dụ, mở ra nhiều ngả đường cho tiếp nhận.
Trong thơ Đặng Minh Kính, tình yêu không xa rời thế sự và thời cuộc. Với thơ nữ, đây là phẩm chất đáng quý. Thơ là câu chuyện của tình thế tồn tại người, của sự đối diện với chính mình. Trên hành trình thi ca, để đi tới mình không thể lẫn vào đám đông. Điều đó không có nghĩa cá nhân tách khỏi cộng đồng, dửng dưng với buồn vui nhân thế. Ký ức và hiện hữu, vô thường và cộng cảm, chữ nghĩa của thơ chị không ít lần thảng thốt trong khắc khoải hiện sinh: “Những người xưa đâu nhỉ/ Hoa chuối lơ mơ cuối vườn/ Giật mình tắc kè đớp bóng/ Với tay chạm một làn hương”. Giật mình trong cơn mê khi bóng ta thành cánh bướm, khi “Thời gian trốn sau mây/… Quả giật mình, quả rụng”. “Thoáng chốc” là bài thơ của bản ngã và tha nhân, của tôi đi tìm tôi “giữa bảy tỉ người”, giữa thời gian mây trắng. Giữa mơ hồ bất trắc, khát vọng sống và bản lĩnh giúp nhà thơ đứng lên “khật khưỡng tập đi trong hình mới”, trở lại đúng nghĩa con người, dẫu mãi “mãi chỉ là cỏ hoa”. “Cắt chữ” là câu chuyện của thi ca nơi đất gió. Đâu phải là vàng mã trang kim, nhưng thơ cũng thật mong manh mơ hồ. Thơ đứng ở đâu giữa cuộc đời này, giữa những tình thế của tâm trạng: “Nghe đồn cắt chữ mà say/ Xoa tay trên giấy cũng đầy túi thơ/… Ngồi buồn cắt chữ một mình/ Chữ yêu thì có, chữ tình thì không/ Chữ đầu núi, chữ cuối sông/ Chữ thương mà vẫn cõi lòng dửng dưng/… Bất ngờ một trận gió lên/ Bài thơ vừa mới như tiền giấy bay”. Có thể nói, “Nhà hình ống” là bài thơ điển hình cho “tình thế con người và tình thế của thơ”, khiến bạn đọc nhớ tới câu thành ngữ “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”: “Ở nhà hình ống/ Người mỏng như giấy/ Hơi thở cũng gầy/ Đi phải đi nghiêng/… Có những câu thơ/ Chỉ làm một nửa/ Một nửa ngập ngừng/ Lặng yên nhà ống/ Khe khẽ ngân nga…”. “Người điên hát” ám ảnh người đọc bởi sự thật nghiệt ngã, trớ trêu, “khúc quân hành” lại vang vang nơi “chợ đông”, của người cựu binh với “túi bọc… gói lắm điều tạm bợ”.
Có lẽ, lý do chính mang đến cho thơ Đặng Minh Kính cái nhìn sâu vào hiện thực, tự nhiên mà đằm thắm, trầm tĩnh và suy tư, là bởi sự kết hợp hài hòa cảm xúc và trí tuệ. Chữ nghĩa như neo lại giữa phôi pha, đánh thức người đọc. Ta hãy cùng nhà thơ đến với “Vườn mộ tháp”: “Mộ những nhà sư/ Giấu tuổi tên/ Sống tự quên mình/ Thác chẳng còn mong/ Cỏ lụi vàng trước nắng/ Những viên gạch già/ Lại một lần nung/ Mấy trăm năm/ Hỏi quê quán/ Hỏi duyên do/ Những người quanh ta/ Ta còn chẳng biết/ Vườn mộ tháp/ Nghiêng chiều nắng rọi/ Thức vạt rêu”. Bài thơ của đạo và đời, của lặng lẽ vô danh nơi đức tin giữa vô tình vô cảm. Thi ca hay là niệm giác của ưu tư. Ở đây, cái đáng quý của thơ là sự nhạy cảm, là khả năng nhìn thấy và nói lên được điều sâu sắc từ thực tế đời sống đâu đây: “Những người quanh ta/ Ta còn chẳng biết”. Chả lẽ, chỉ có nắng quái chiều hôm mới hiểu được “Những viên gạch già/ Lại một lần nung”… Thế thì làm sao ta hiểu được nơi thần thức bay lên từ “Vườn mộ tháp”. Sống nhạt, sống vô tình, không thể có được những cảm niệm ấy trong thơ. Và phía mênh mang kia là “Đám cưới những dòng sông”. Cảm quan sông nước, ẩn ức của mạch ngầm trào lên khát vọng, dòng sông hay dòng đời, hay thân phận “người con gái” “cuốn qua bờ bãi/ như thủy thần đổ xuống biển Đông”.
Thơ Đặng Minh Kính hiện lên nhiều không gian và thời gian thương nhớ. “Gặp lại dòng sông” là bài thơ của ký ức “tìm mẹ”. Ta gặp con sông của đạo hiếu, gặp bóng mẹ của một thời “chở thuốc đi độ thế”. Phải chăng vì vậy, con sông ấy trong xanh mãi trong tâm tưởng tác giả: “Dòng sông nay đã già/ Dòng sông xưa mãi trẻ/ Xanh như tóc mẹ/ Ngày xa”.
Cũng có trường hợp, câu vượt lên bài. Chữ chưa mới, nhưng lại tạo ra những suy tưởng không cũ. Có gì vui hơn, khi đọc thơ là hạnh ngộ. Ta được gặp một nhà thơ nữ vừa truyền thống, vừa hiện đại. Tình yêu và thế sự. Cảm xúc và trí tuệ. Ẩn ức, dự cảm và khát vọng. Thơ Đặng Minh Kính đa thanh: Trữ tình và ý niệm, độc thoại và đối thoại, tình tự của nỗi niềm. Viết mở là biểu đạt chính. Thơ ra đời từ vẻ đẹp của nỗi buồn, từ sự thao thức, từ đời sống nội tâm sâu sắc và đằm thắm…
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn