Nguyễn Việt Chiến
THĂNG LONG SỬ THI
Ngàn năm trước sông Hồng tìm ra biển/Đã một lần ngủ lại ở Thăng Long/ Trăng rạo rực bên Tây Hồ sen nở/ Sau một đêm sông Cái bỗng hoá Rồng/ Ngàn năm cũ Ba Vì chân đạp sóng/ Trán oai linh mây Tản, gió sông Đà/ Theo nhịp trống những con Hồng cháu Lạc/ Quần tụ về thành cũ phía Đại La/ Ngàn năm trước Xứ Đoài mưa buồn lắm/ Những nếp chùa thiếp ngủ dưới rêu phong/ Bao dáng Phật oằn mình trong tượng đất/ Cõi hư vô hương khói phải đi vòng/ Ngàn năm cũ rùa thiêng còn giữ nỏ/ Trời Cổ Loa mây lông ngỗng sững sờ/ Khi giặc đến trên mỗi vòng thành ốc/ Vạn tên đồng sáng quắc giáo gươm khua/ Ngàn năm trước lời thề đền Đồng Cổ/ Thỉnh trống đồng về mở hội non sông/ Đây linh vật của một thời Việt cổ/ Nắng Đông Sơn còn vọng gió sông Hồng/ Ngàn năm cũ Chiếu dời đô người thảo/ Chọn Thăng Long thế rồng cuộn hổ ngồi/ Nơi thắng địa ta nhìn sông tựa núi/ Đặt kinh đô cho con cháu muôn đời/ Ngàn năm trước Hoàng thành vừa khởi dựng/ Điện Càn Nguyên toạ trên đỉnh núi Nùng/ Lý Thái Tổ thiết triều trong gió sớm/ Tiếng chuông chùa Trấn Quốc đọng thành sương/ Còn vang bóng suốt ngàn năm quật khởi/ Bản tuyên ngôn trên chiến luỹ sông Cầu/ Lý Thường Kiệt ngâm bài thơ đuổi giặc/ Núi sông này có chủ đã từ lâu/ Thuở giặc đến Thăng Long thành chiến địa/ Đông Bộ Đầu khói lửa ngút trời mây/ Tiếng Sát Thát giục hùng binh xung trận/ Hưng Đạo Vương truyền hịch giữa đêm dày/ Thăng Long hỡi khi ba lần giặc đến/ Hàm Tử Quan dậy sóng rửa máu thù/ Đánh cho khiếp trống đồng rung bạc tóc/ Bạch Đằng Giang cuồn cuộn đến tận giờ/ Thuở Lê Lợi dấy binh đòi lại nước Trúc Lam Sơn cũng nhọn hoắt tên đồng Nhìn vó ngựa giặc tràn lên Ải Bắc/ Núi non mình đâu cũng thấy Chi Lăng/ Thăng Long gọi mùa hoa đào chiến trận/ Tết Quang Trung hoả hổ đốt Ngọc Hồi/ Bầy voi chiến cùng mở đường xung trận/ Vạn giặc thù tan tác phía hoa rơi/ Đêm Hà Nội xẻ mình làm chiến luỹ/ Cả trung đoàn quyết tử giữ Thủ đô/ Thắng giặc Pháp, các anh về trở lại/ Một rừng cờ xoè năm phía cửa ô/ Đêm một chạp dưới mưa bom rải thảm/ Đất Rồng bay nổi lửa quét giặc thù/ Hà Nội đánh pháo đài bay tan xác/ Sóng sông Hồng lại cuộn đỏ trong thơ/ Ngàn năm trước cha ông đi mở nước/ Dựng Hoàng thành dựng hùng khí Thăng Long/ Ngàn năm sau cháu con đi giữ nước/ Vẫn còn nguyên hùng khí thủa Tiên - Rồng.
2.2010
“THĂNG LONG SỬ THI” - KHÚC TRÁNG CA MỘT THỜI GIỮ NƯỚC
Lời bình của Vũ Minh Châu (sinh viên Khoa Viết văn - Đại học Văn Hóa)
Hà Nội trong không khí rạo rực bước sang tháng 10 làm sống dậy ký ức hào hùng của nhiều người con nơi đây hân hoan trong niềm vui chiến thắng của 70 năm về trước: Ngày Giải phóng Thủ đô. Chiến thắng Điện Biên Phủ là dấu son chói lọi mở ra ngày 10/10/1954, sau 9 năm trời đằng đẵng kháng chiến, đoàn quân trở về giữa một ngày nắng đẹp đầy hoa. Tất cả cảnh sắc ngày đó, từ xưa tới nay, có biết bao nhiêu văn nghệ sĩ đã kịp thời lưu giữ lại. Biết bao lời ca, ý thơ hay về Hà Nội đã ra đời, và Thăng Long sử thi hiện lên như một dải lụa thêu dệt tinh xảo, vừa rực rỡ sắc màu lịch sử, vừa thấm đẫm hơi thở của thời đại.
Đêm Hà Nội xẻ mình làm chiến luỹ/ Cả trung đoàn quyết tử giữ Thủ đô/ Thắng giặc Pháp, các anh về trở lại/ Một rừng cờ xoè năm phía cửa ô. Thăng Long sử thi một sáng tác của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và được trao giải thưởng trong cuộc thi thơ năm 2010. Bài thơ gồm 15 khổ, được viết với thể thơ tám chữ. Đây là khúc tráng ca đầy hào khí, ca ngợi hình hài Thủ đô của non sông nước Việt. Một bức tranh thi ca đồ sộ, nơi tác giả khéo léo phác họa hình tượng Thăng Long - Hà Nội qua dòng chảy lịch sử.
Chất thơ trong tác phẩm này như một bản hòa tấu độc đáo, thi vị pha trộn giữa cổ điển và hiện đại. Nguyễn Việt Chiến linh hoạt khi sử dụng thể thơ tám chữ (thơ tự do có vần) để bài thơ không bị gò bó như thể loại khác, nhưng lại mang đến hơi thở mới mẻ thông qua cách sử dụng ngôn ngữ hiện đại, đặc biệt dậy lên muôn trùng các lớp sóng chữ nghĩa. Nhịp điệu đều đặn, trang nghiêm, phù hợp với việc tái hiện các sự kiện lịch sử quan trọng. Trong khi đó, những đoạn thơ tự do lại tạo nên không gian cho cảm xúc được bung tỏa, những suy tưởng được bay bổng.
Cấu trúc bài thơ được vun đúc một cách tỉ mỉ, mỗi khổ thơ là một mảnh ghép vừa vặn, không thừa không thiếu. Có một gạch nối mở đầu bài thơ, hình ảnh “sông Hồng tìm ra biển”, “sông Cái bỗng hóa Rồng” về sự ra đời huyền thoại, cái ẩn dụ tự nhiên về sự chuyển mình, thức tỉnh của vùng đất linh thiêng. Hình tượng Rồng biểu trưng cho sự thăng hoa, phát triển của vùng đất kinh kỳ, hiện thân của sức mạnh, khí phách và trí tuệ của dân tộc Việt Nam. Các địa danh lịch sử gắn liền với mỗi giai thoại, mỗi câu chuyện anh hùng như: Ba Vì, Tây Hồ, Xứ Đoài, Cổ Loa, đền Đồng Cổ,… được điểm qua như những mốc không gian, tạo nên địa đồ văn hóa – lịch sử. Phải khẳng định hình tượng Hà Nội ở đây được xây dựng qua nhiều lớp lang lịch sử, từ “Ba Vì chân đạp sóng” và “mây Tản, gió sông Đà”- những biểu tượng hồn thiêng sông núi đặc trưng.
Hà Nội trong thơ cứ lặng lẽ hiển lộ những vẻ đẹp văn hiến qua tháng năm với bao trầm tích văn hóa.Điệp ngữ “Ngàn năm trước” và “Ngàn năm cũ” trở đi trở lại nhiều lần ngoài việc tạo nên âm hưởng nhịp điệu còn đề cập đến chiều dài lịch sử Thăng Long – Hà Nội. Từ nỗi niềm cảm xúc dâng trào tột đỉnh, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã đưa người đọc vào cùng bậc cảm động, tự hào về mảnh đất cố đô Hà Nội nghìn năm văn hiến đã phải oằn mình trải qua nhiều cuộc chiến chinh, bão táp mà vẫn sừng sững hiên ngang. Tuy nhiên, điều làm nên sức hấp dẫn sâu lắng của bài thơ chính là những rung động trữ tình, tinh tế được đan cài vào dòng chảy sử thi. Những hình ảnh “Trăng rạo rực bên Tây Hồ sen nở”, “Những nếp chùa thiếp ngủ dưới rêu phong” hay “Tiếng chuông chùa Trấn Quốc đọng thành sương” vô hình chungđem tới những khoảng lặng đẹp đẽ, uy phong của Hà Nội.
Cảm xúc mà nhà thơ đưa vào từng câu chữ như hạt nắng, hạt mưa, như hơi thở hay mầm cây hé sáng, cứ hồn nhiên đơm hoa kết trái theo từng năm tháng. Dòng chảy liên tục, khi dâng trao mãnh liệt với niềm tự tôn dân tộc, khi lắng đọng trong những suy tư về dòng thời gian. Lần theo từng dấu vết trong bức tranh thi ca này, một Hà Nội cổ kính đa diện theo nhiều chiều kích: vừa cổ kính, trầm mặc với những di tích lịch sử, vừa sôi động, hào hùng qua các cuộc kháng chiến. Ở một góc khác xa hơn, di sản văn học dân tộc nói chung và chủ đề dáng hình đất nước trong thơ ca Nguyễn Việt Chiến nói riêng, là chứng nhân ghi lại những dấu mốc lịch sử vẻ vang, oanh liệt một thời mà cha ông ta đã phải hy sinh máu thịt, đánh đổi mang về tự do, độc lập ngày hôm nay. Bởi vậy, thơ ca cuốn hút ở chỗ nếu nó có thể đọng lại điều gì đó với con người chính là việc mang tới cảm xúc, khơi dậy những mảng tâm tư chất chứa ẩn sâu trong tâm hồn người.
Một trong những điểm mạnh của Thăng Long sử thi chính ở khả năng kích thích suy tưởng và liên tưởng của độc giả. Với việc đặt ra những câu hỏi và suy ngẫm về bản chất lịch sử, về sự tồn tại và phát triển của Thăng Long – Hà Nội qua các thời kỳ. Vậy lý tưởng cao cả ở đây là gì? Câu kết của bài thơ mang sức vóc rõ nét minh chứng cho điều này:
Đoạn kết là tiếng nói tổng kết và khẳng định mạnh mẽ về sức mạnh tinh thần, truyền thống bất khuất của dân tộc. Điểm nhìn tinh tường của nhà thơ rất sâu, để gợi dậy nối vào nhau trong cái liên tưởng giữa “ngàn năm trước” và “ngàn năm sau”, giữa “đi mở nước”và “đi giữ nước” chập lại thành một vòng tròn lịch sử hoàn hảo, một sự kế thừa, tiếp nối của các thế hệ người Việt.
Trong bối cảnh kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, bài thơ Thăng Long sử thi càng trở nên có ý nghĩa quan trọng, góp phần tôn vinh hình ảnh Thăng Long – Hà Nội xưa kia đã từng là trung tâm của mọi biến cố lịch sử. Tầm ảnh hưởng không chỉ dừng lại ở giá trị văn học thuần túy, bài thơ đã trở thành công cụ giáo dục lịch sử và truyền thống yêu nước hiệu quả, đặc biệt là đối với lớp trẻ.
V.M.C
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn