Từ ngày 1/11/2024 đến ngày 10/11/2024 Hội nhà văn Hà Nội đã tổ chức trại sáng tác cho 21 thành viên là các nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận phê bình và dịch thuật tại Nhà Sáng tác Tam Đảo. Đoàn gồm 21 nhà văn, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu - Ủy viên Ban chấp hành Hội nhà văn Hà Nội làm Trưởng đoàn; nhà thơ Nguyệt Vũ làm phó đoàn. Hầu hết các nhà văn được các Chi hội đề cử đi trại lần đầu nên có chút bỡ ngỡ nhưng rất háo hức. Sau lễ khai mạc trại các nhà văn tập trung vào sáng tác hoặc hoàn chỉnh các bản thảo của mình một cách độc lập. Giữa thời gian của trại đoàn đã tổ chức một buổi giao lưu thơ nhạc để các nhà văn trao đổi về nghề viết, về tác phẩm của mình. Các nhà văn cũng đã tự tổ chức một số buổi đi tham quan, tìm cảm hứng sáng tác như chùa Tây Thiên, Thiền viện Trúc Lâm và Văn miếu, Nhà hát tại Vĩnh Yên.
Các Nhà văn về dự buổi Tổng kết đợt sáng tác tại hội trường Nhà sáng tác Tam đảo.
Tam Đảo là một thị trấn nhỏ mờ sương và đẹp, nơi có nhiều truyền thuyết về ba ngọn núi Thạch Bàn, Phù Nghĩa, Thiên Thị ( núi Mẹ), bà Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu. Thời tiết cuối thu đầu đông lại rất đẹp nên các nhà văn có thêm nhiều cảm hứng sáng tác. Không chỉ có các nhà thơ làm thơ mà các nhà văn, dịch giả cũng làm thơ. Các buổi giao lưu là buổi các nhà văn đọc các bài thơ, đoạn văn viết tại trại viết của mình. Tại lễ bế mạc trại sáng tác nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu đã cùng các lãnh đạo của Hội nhà văn Hà Nội trao lại các bản thảo được sáng tác hoặc hoàn thiện cho ông Đỗ Quảng Trung là Giám đốc trại sáng tác Tam Đảo của các nhà văn sau:
- Các tác giả thơ: Nguyễn Thị Phương Anh 10 bài; Trịnh Bá Sướng 5 bài; Nguyễn Thượng Hiền 6 bài; Vương Đình Trung 7 bài; Bùi Tuyết Mai 8 bài; Nguyễn Ngọc Lân 7 bài; Nguyễn Thanh Ứng 7 bài; Bùi Văn Thanh 7 bài; Liêu Chí Trung 5 bài; Nguyễn Đức Thịnh 5 bài…
- Các tác giả cả thơ và văn: Nguyệt Vũ 12 bài thơ mới viết và 4 truyện ngắn; Đỗ Thu Yên 3 bài thơ và 3 truyện; Hồ Bá Thược 2 bài thơ và 1 truyện ký.
- Tác giả văn xuôi: Lê Hoài Nam 11 truyện, Nguyễn Linh Khiếu 15 tản văn.
- Tác giả biên khảo, nghiên cứu: Đặng Việt Thủy với bản thảo 102 trang.
- Tác giả dịch thuật: Nguyễn Hữu Thăng với tập bản thảo dịch thơ chữ Hán.
- Tác giả Lý luận phê bình văn học: Nguyễn Thị Thiện với 2 bài phê bình văn học và hoàn thiện tập bản thảo
Cùng một số tác giả khác. Tổng cộng 20/21 nhà văn đều hoàn thành tốt chương trình, 01 nhà văn ốm xin không tham gia đợt này.
Về các sản phẩm mà các trại viên hoàn thành trong thời gian dự trại, trong báo cáo tổng kết, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu khẳng định các tác phẩm này nhìn chung đều có chất lượng chuyên môn tốt, nhiều về số lượng, đủ thể loại và phong cách. Tác phẩm của các trại viên hoàn toàn đủ điều kiện công bố trên các báo Trung ương, Hà Nội và xuất bản thành sách. Đây là một thành tích rất đáng ghi nhận của trại viết.
Suốt trong thời gian ở trại viết, đoàn được sự quan tâm chu đáo của lãnh đạo Hội nhà văn Hà Nội như Phó chủ tịch thường trực Hội - nhà thơ Bùi Việt Mỹ, Trưởng ban Hội viên - nhà thơ Nguyễn Thị Mai cũng như toàn bộ CBCNV của Nhà sáng tác Tam Đảo vì thế các nhà văn đều mạnh khỏe, phấn khởi và có nhiều cảm hứng sáng tác. Một số nhà văn là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam đã dự một số trại sáng tác trước đây đều nói rằng trại sáng tác lần này rất vui, khoẻ, đoàn kết và hiệu quả.
Ngoài thời gian viết, các nhà văn nữ còn tranh thủ tập văn nghệ để biểu diễn tại các buổi giao lưu. Nhà thơ Nguyễn Thanh Ứng thổi kèn Ácmôlica rất hay. Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn 83 tuổi cũng tham gia hầu hết các hoạt động của trại. Tại lễ bế mạc ông đã biểu diễn cùng nhà thơ Phương Anh ca khúc “Ngôi sao ban chiều”
Mười ngày ở trại sáng tác đã qua đi rất nhanh nên tại Lễ bế mạc các nhà văn còn lưu luyến mãi:
Nhà văn Trịnh Bá Sướng viết : “Với tôi đã được đi nhiều nơi nhiều công việc, mỗi chuyến đi đều có ấn tượng và niềm vui riêng, nhưng lần đi này đã để lại trong tôi bao điều tốt đẹp khó quên”
Nhà văn Liêu Chí Trung xuất khẩu thành thơ:
“ Nói bao nhiêu cũng không vừa
Rượu uống tĩ tã vẫn thừa hai can
Sớm nay Tam Đảo nắng tràn
Nhà văn Hà Nội liên hoan nhiệt tình”
Nhà thơ Nguyễn Thanh Ứng viết:
“ Trong như nước - trắng như mây
Nâng lên mà uống cho đầy đặn nhau
Ai đi trước, ai về sau
Yêu thương mãi thuở ban đầu bạn ơi!”
Nhà văn Đăng Việt Thuỷ chốt lại: “ Trại sáng tác của chúng ta đã thành công hết sức tốt đẹp”
Mười ngày ở trại sáng tác đã qua đi rất nhanh nhưng những dư âm vẫn còn đọng lại với mỗi nhà văn, nhà thơ chúng tôi.
Thay mặt các nhà văn tham gia trại sáng tác Tam Đảo 2024 xin được cảm ơn Lãnh đạo Hội nhà văn Hà Nội, toàn thế các CBCNV Nhà sáng tác Tam Đảo đã tổ chức Trại sáng tác rất chu đáo và đầy ý nghĩa như vậy.
Nguyệt Vũ
11/11/2024
- Nhân chuyến dã ngoại, Một số Nhà văn chụp ảnh kỷ niệm tại Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc
Chùm thơ của các nhà thơ sáng tác tại
Trại sáng tác Tam Đảo 2024
Nguyễn Thị Mai
TAM ĐẢO VÀ ANH
Trời làm nơi thấp nơi cao
Cho đường bằng phải khát khao dốc đồi
Lại làm phố xá nắng nôi
Để anh có cớ lên chơi với rừng.
Vừa rời bỏng rát sau lưng
Ngẩng lên Tam Đảo đã rưng rưng chờ.
Trong lành, mát rượi non tơ...
Núi như quà tặng thắt nơ mây ngàn.
Tay tiên ru vỗ gió ngàn
Hồn ngây ngất tứ, thơ tràn ý xuân.
Thảo nào điện thoại rung ngân
Sóng toàn phủ bến phù vân cuối trời.
Gọi anh máy nhả lại lời
Chỉ nghe thông mách một thời vi vu
Gọi tình rối ngọn su su
Tình đang lãng đãng phiêu du với tình
Thơ còn mê đắm vẻ xinh
Thì anh cứ việc riêng mình cheo leo.
Chân không vượt nổi dốc đèo
Đừng mơ tứ lạ, vần gieo tuyệt vần
Trót lên Tam Đảo một lần.
Thôi anh lạy tạ Sơn Thần mà yêu!
Nguyệt Vũ
TAM ĐẢO MỜ SƯƠNG
Buổi sáng trên Tam Đảo
Cả thị trấn mờ sương
Quanh co những con đường
Uốn lượn quanh sườn núi
Vài tia nắng le lói
Trên tường cổ rêu phong
Thị trấn nhỏ màu hồng
Hiện dần trong sương sớm
Bước chân lên đỉnh núi
Gió lạnh buốt run người
Thấp thoáng bóng mây trôi
Ngỡ mình bay theo gió
Quanh co con đường nhỏ
Đưa ta lên cổng Trời
Mây và gió chơi vơi
Quấn lụa quanh núi Mẹ
Ba ngọn núi hùng vĩ
Trong biển mây trắng mờ
Đẹp tựa một bài thơ
Một lâu đài tro xám
Đêm về sương giăng kín
Phố núi lặng bình yên
Những ngôi sao lấp lánh
Bầu trời đêm, thật đêm
Nhà thờ đá linh thiêng
Rêu phong và u tịch
Như trong vườn cổ tích
Giữa mây ngàn gió reo
Quán Gió đứng cheo leo
Sương vờn quanh huyền ảo
Một ngày lên Tam Đảo
Thấy cuộc đời bình yên
Một ngày lên Tam Đảo
Ta lạc chốn thần tiên
Nguyễn Thượng Hiền
TAM ĐẢO
Lộc non ngậm giọt sương trời
Hừng đông sau núi, xuân bời bợi xuân
Mây giăng bạc bức màn thần
Choàng lên Tam Đảo cứ chầm chậm bay
Nắng thưa mấy sợi trưa ngày
Rụt rè vào hạ như vay trả lần
Mỏi thang bậc đếm bàn chân
Thác xa đổ bạc thở gần bên tai
Rừng nghiêng kéo bóng núi dài
Trở thu cây vội trút vài lá thôi
Mõ trâu gõ xẩm chân trời
Bản Long nhóm lửa thơm xôi Sán Dìu (1)
Chợ đêm mỏng tiếng sáo tiêu
Đông choàng áo sợi, lạnh dìu dịu em
Sương khuya ôm lỏng cột đèn
Phòng ai chờ gió bỏ quên then cài
-----
Bản của người Sán Dìu ở chân núi Tam Đảo
Nguyễn Thanh Ứng
LÊN TAM ĐẢO
Tam Đảo điệp trùng núi đội mây
Đường như rồng lượn đến thiên thai
Ào ào thác đổ bên bờ vắng
Vì vút thông réo khúc nhạc trời.
Bồng bềnh xanh và bồng bềnh trắng
Ở giữa cõi trần ngỡ cõi tiên
Ta như lạc bước miền thăm thẳm
Vào cõi tĩnh tâm chạm cửa thiền.
Nguyễn Ngọc Lân
VIẾNG ĐỀN - CHÙA TÂY THIÊN
Tự hào dòng máu Lạc Hồng
Hùng thiêng khắp chốn non bồng Việt Nam
Thăng trầm Tam Đảo đất vàng
Kết tinh hồn Việt Nữ Hoàng Lăng Tiêu*
Dương cao phất lá cờ điều
Giữ gìn bờ cõi thương yêu dân lành
Dạy nghề dệt vải thâm canh
Trồng cây lúa nước mùa thành bội thu
Xua đi tăm tối mịt mù
Dịu dàng Trăng tỏa vi vu gió ngàn
Nghĩa nhân thắng Thục bạo tàn*
Nở hoa Thống nhất hương ngân đời đời
Bao dung trung hậu gương soi
Sắc tài thánh thiện sáng ngời sử thi
Vua Hùng* phong tước Hoàng Phi
Sánh vai gánh việc nước vì thần dân
Công lao vĩ đại trong ngần
Như Trời như Biển muôn vàn biết ơn
Còn người còn nước còn non
Hoàng Lăng Quốc Mẫu mãi còn trong tâm.
--------
Nữ Hoàng Lãng Tiêu* :
- Đây là đền chùa Tây Thiên thờ Bà Lăng Thị Tiêu một nữ tướng đánh giặc giỏi và dạy dân dệt vải trồng cây lúa nước … được Hùng Chiêu Vương thứ 7 phong sắc Hoàng Phi.
Thục bạo tàn * :Triệu Đà xâm lược An Dương Vương đồng ý chia đất chia dân cho Triệu Đà nên Phan Bội Châu gọi là quân Thục
Phạm Minh Tuấn
LẠC TRÔI TAM ĐẢO
Người Hà Nội lạc trôi Tam Đảo
Từ nhà thờ bay đến Tây Thiên
Bồng bềnh sương mờ mờ hư ảo
Tam Đảo xanh, mướt mát triền miên
Em có nhớ mình lên đỉnh tháp
Rừng nguyên sinh xanh mượt tiếng chim
Mình cùng đếm bao nhiêu bậc đá
Con sáo nâu biết cũng lặng im
Hôm nay em chơi cùng các bạn
Không có anh chẳng phải tranh giành
Chín tư hay chín lăm bậc đá
Bung xõa đi chơi hết ngọn ngành
Mười lăm Tam Đảo thay đổi quá
Nhà chen nhau lấn vỉa hè đi
May còn giữ màu xanh huyền bí
Trời trong xanh nước suối thầm thì
---------
* Đường lên tháp truyền hình có 1394 bậc đá
Nguyễn Hữu Thăng
TAM ĐẢO HỒI XUÂN
Mây đắm đuối thả hồn ôm eo núi
Gió đa tình giao duyên khắp rừng cây
Cổng trời mở đón nụ hôn đôi lứa
Đưa lên thiên đường bao mơ mộng ngất ngây
Những trái tim khổng lồ lấp lánh
Lớp lớp cổng chào công viên trẻ vào đêm
Áo váy thướt tha mỉm cười bên tượng Thánh
Mà đỏ môi hồng chụp ảnh với thần tiên
Thơ phú hồi xuân tuôn trào ngọn bút
Tóc bạc da mồi thi sĩ bỗng hồi xuân
Câu chữ dậy thì vươn chồi mơn mởn
Tam Đảo mùa thơ trở dạ những tứ vần/
Đỗ Thu Yên
GIẤU MỘT GIẤC MƠ
Em giấu một giấc mơ.
Giữa đất trời Tam Đảo
Ở độ cao ngàn mét.
Nhịp tim đập xốn xang.
Em giấu một vần thơ.
Trong màu xanh của lá.
Gió vi vu nhịp thở
Giũa khoảng trời bao la
Một nỗi nhớ khát khao
Trong giấc mơ huyền ảo
Lung linh sương và nắng
Ngập tràn lối em qua.
Ly cà phê Quán Gió
Thơm mái tóc tung bay
Thì thầm em khẽ hát
Bâng khuâng chỉ một câu
Giá mà anh biết được.
Tình yêu giấu ở đâu?
Trong sắc màu cuộc sống.
Bùi Tuyết Mai
TIẾNG CHUÔNG BUÔNG NGẬP NÚI
Bóng đêm đổ tràn ngập núi
Tiếng chuông nhà thờ rung ngân
Bâng khuâng bao niềm xao xuyến
Mộng du phố núi im dần
Chuông lay lòng người rỗng trống
Buồn thương như nỗi cô đơn
Tiếng chuông mang lời nhắc nhở
Buông bỏ, sống chậm người ơi.
Tiếng chuông nhà thờ thánh thót
Như vang từ cõi thiên đường
Tiếng chuông ban lời cứu rỗi
Ngân nga
từ Chúa lòng lành.
Ở nơi lời rừng, nhạc núi
An bài, thao thiết tiếng chuông buông.
Nguyễn Thị Phương Anh
VỀ TAM ĐẢO
Lại một mùa đợi Dã Quỳ nở hoa
Đường Tam Đảo chao nghiêng sườn non nắng
Mây giăng lối sương dâng nhòa phố lặng
Tiếng chuông ngân tỏa ánh tím trời tà
Ai lặng thầm dấn bước đi xa
Tìm chốn cũ đã vun trồng kỷ niệm
Bao thu lại lòng không nguôi tìm kiếm
Thỏa gặp nhau miền xanh ngát Cổng Trời.
NHỚ ANH
Mưa ngâu dạt phía chân trời
Mây ửng nhẹ buông tia nắng
Tựa gối chị ngồi im lặng
Nghe lòng trống trải chơi vơi
Anh ơi nằm ở chốn nào
Nậm Ngặt bao mùa thay lá
Biên giới phải đâu đất lạ
Thêm mùa đá núi xôn xao.
Minh Hiền
TẠM XA
Mai xa rồi nhớ lắm Tam Đảo ơi
Nhớ Quán Gió đêm qua trở gió
Nhớ Cà Phê từng giọt trăn trở
Huyền thoại ngàn năm nơi Đất Tổ linh thiêng
Mai xa rồi muốn uống từng niềm riêng
Cầu Mây nhà Mỵ đêm nay khép hờ nỗi nhớ
Lang Liêu trở về gặp bà chúa thượng ngàn nữ thần một thuở
Tiên cảnh bồng lai nơi Thác Bạc thần tiên
Mai xa rồi nhớ lắm chưa quên
Nhà thờ đá chúng mình cầu nguyện
Thương con đì đợi ai bên cầu cạn
Con chim gù tìm bạn rạo rực rừng lan
Trên Cổng Trời nhớ lắm một cành ban
Chúng mình hẹn hò nơi chụm đầu ba ngọn núi
Anh về mà sao chưa kịp nói
Để lưng chừng chiều Tam Đảo gọi tên anh.
Lan Phiến
NHỮNG NÉT VẼ TRONG MÂY
Gió mây ngóng chờ ai
Gập ghềnh giăng lối phố
Tam Đảo ba nẻo mây
Bao nẻo đời khắc, vẽ
Đây bồng bềnh Quán Gió
Ai chờ ai trong mây
Đây Cầu Cạn bỡ ngỡ
Ai dìu ai trong tay
Ơi em gái Tam Đảo
Tay chăm hoa chăm rau
Cho núi mây hùng vĩ
Trên mướt xanh sắc mầu
Ơi chàng trai Tam Đảo
Xưa vó ngựa qua đèo
Nay vô lăng chàng lái
Những phiêu bồng , suối reo
Đôi trẻ tay trong tay
Ngỡ ngàng bước trong mây
Trước nhà thờ thành kính
Ngân ngấn giọt sương may
Thợ ống kính hăng say
Hồi hộp cuộc săn mây
Mắt nheo ghi phố núi
Đang của ngày hôm nay
Thơ tôi chừng dang dở
Hồn bất ngờ vào mây
Vào thấp cao Tam Đảo
Nghe nằng nặng tỉnh - say !
Trại sáng tác Tam Đảo 11/2024