CHUYẾN ĐI THỰC TẾ SÁNG TÁC TẠI TUYÊN QUANG

Chủ nhật - 27/10/2024 14:44
Các nhà văn trong đoàn chụp ảnh kỷ niệm tại bản nhỏ thuộc Na Hang, Tuyên Quang
Các nhà văn trong đoàn chụp ảnh kỷ niệm tại bản nhỏ thuộc Na Hang, Tuyên Quang

Ngày 20 và 21 tháng 10 năm 2024, Hội Nhà văn Hà nội tổ chức chuyến đi thực tế sáng tác tại Tuyên Quang.  Tham gia chuyến đi gồm 36 nhà văn do nhà thơ Bùi Việt Mỹ - P. Chủ tịch Hội làm trưởng đoàn.

Tuyên Quang là một tỉnh miền núi phía Bắc, núi non hùng vĩ, sơn thuỷ hữu tình, có nhiều dân tộc sinh sống cùng nhau tạo nên một nền văn hoá phong phú đa sắc màu.

Người Tuyên Quang hiền hoà cần cù chịu khó, yêu quê hương đất nước đã điêu khắc lên những thửa ruộng bậc thang vàng óng dưới bầu trời xanh mây trắng trên vùng đất nhiều địa danh lịch sử này. Các cô gái Tuyên Quang mặt hoa da trắng trong các trang phục truyền thống được thêu hoa tinh xảo và nhiều màu sắc, nổi bật trên khung cảnh núi rừng, ruông bậc thang thật là kỳ ảo…

Tuyên Quang có khoảng 22 dân tộc đang sống cùng nhau, phần lớn là người Tày, Dao, Cao Lan, Nùng, Hoa, Mông, Sán Dìu và người Kinh. Có những dân tộc rất ít người như người Pà Thẻn, nhưng họ cũng có sắc phục riêng và tiếng nói riêng. Đoàn ở trong một Homestay của người Pà Thẻn bản Thượng Minh, huyện Lâm Bình. Nơi đây còn lưu trữ được nhiều loại hình văn hoá đặc sắc của bản mường như hát Then, múa trên lửa rất là cuốn hút. Các nhà văn đã được giao lưu với đoàn văn hoá nghệ thuật của huyện Lâm Bình, đặc biệt thưởng thức ca khúc Lâm Bình mùa xuân về do nhà thơ Nguyễn Thị Mai viết lời và nhạc sỹ Nguyễn Nha Cao phổ nhạc. Hai tác giả này cũng có mặt trong đoàn chúng tôi và lên giao lưu cùng các ca sỹ dân tộc.

Đoàn đã được thưởng thức các món ăn dân dã, đặc sản của núi rừng như xôi tím, gà bản, măng và rau rừng cùng với người bản địa. Đoàn đã có một đêm ở bản thật khó quên.

Đến thăm hồ Na Hang, đoàn được mãn nhãn một trong những kỳ vĩ của thiên nhiên nơi đây. Vào những ngày đầu đông này, hồ Na Hang mờ sương với tiết Thu Đông rất dễ chịu. Hồ được ví như một Hạ Long giữa bản mường và một tiên cảnh nơi hạ giới được bao quanh bởi 99 ngọn núi to nhỏ nhấp nhô. Nước hồ Na Hang xanh như ngọc, chỉ tiếc rằng sau trận lũ lụt rác ở sông hồ trên cao đổ về làm cho hồ mất vẻ nên thơ vốn có của mình. Thuyền đưa các nhà văn ghé qua Cọc Vài ( Vài Phạ),  truyền thuyết kể rằng đây là cọc buộc trâu của nhà Trời. Cọc Vài cao 50m nổi giữa lòng hồ, được người dân nơi đây cho là nơi rất linh thiêng “cầu được ước thấy”. Du khách đến đây thường cầu xin cho ước muốn của mình trở thành hiện thực.

Đoàn ghé thăm thác Khuổi Nhi và thưởng thức món cá suối rán giòn, thơm lựng của người bản địa.

Vì thời gian có hạn nên đoàn chưa đi thăm được các địa danh lịch sử như Lán Nà Lừa, cây đa Tân Trào, đình Tân Trào, đình Hồng Thái cùng với những nơi ghi dấu ấn của Bác Hồ với cuộc kháng chiến 9 năm của dân tộc.

Tuyên Quang là một vùng đất đầy tiềm năng du lịch và bạn sẽ muốn quay lại nơi này không chỉ một lần.
 

Nguyệt Vũ



Screenshot 20241022 061543 Gallery


Huyền bí và độc đáo Lễ Nhảy lửa của người Pà Thẻn

 

    Mặt trời đã gác núi, màn nhung đen dần bao trùm một vùng rừng núi thanh bình, yên ả, trong lành ở thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Vừa mới qua Rằm tháng 9, trời đã nhiều mây, “chị Hằng” không xuất hiện, chỉ lác đác vài ngôi sao xa tít. Chúng tôi - đoàn của Hội Nhà văn Hà Nội đi thực tế, phải dùng đèn điện thoại soi một đoạn đường vài trăm mét để đến nhà truyền thống dân tộc Pà Thẻn xem Lễ Nhảy lửa.

     Lễ Nhảy lửa của bà con dân tộc Pà Thẻn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, là kho báu vô cùng quý giá của người Pà Thẻn từ ngàn xưa. Chúng tôi vẫn ước ao được một lần thưởng thức.

    Ở khoảng sân rộng trước nhà truyền thống, một đống củi với những thanh khô nỏ, to khoảng bắp chân, dài khoảng 2 mét, được xếp hình chóp, chờ khách đến đông mới nổi lửa. Thầy cúng và gần chục thanh niên trai tráng mặc trang phục Nhảy lửa của người Pà Thẻn, quần áo màu đen, viền cổ, tay và gấu áo bằng nẹp đỏ. Họ ngồi trên chiếc chiếu gần mâm cúng. Mâm cúng đặt trên ghế gồm một đầu lợn luộc chín, năm chén rượu, hương. Lót trên mâm để đặt lễ là hai tờ giấy rơm màu ngà, đặt hình chữ thập. Loại giấy đặc biệt dùng để cúng của người Pà Thẻn được làm bằng vỏ cây rừng cùng với rơm xay nhuyễn, ngâm nước, rồi lọc lấy bột làm giấy, như loại giấy gió của người kinh. Họ hòa vào màn đêm, chỉ nghe tiếng gõ đàn cúng, tiếng thầy cúng đọc bài cúng đều đều, nho nhỏ. Thầy cúng khoảng 30 phút, mời các đấng linh thiêng tối cao về “nhập vào” các chàng trai. Lửa chưa nổi nhưng có chàng trai được “thần nhập vào” đã nhảy chồm chồm. 

   Khách đến đông, lửa nổi lên, ngọn lửa hồng rực rỡ thắp sáng cả một vùng, lan tỏa hơi ấm trong đêm sương cuối thu lành lạnh. Thầy liên tục cúng mời thần linh về, không phải tất cả các chàng trai đều được “thần linh nhập”. Có người không được “nhập”, có người được “nhập” ít, có người được “nhập” nhiều lần.

   Lửa gần tắt, than đỏ rực, đây là thời điểm hồi hộp nhất, mãn nhãn nhất. Từng chàng trai hoặc hai, ba chàng cùng một lúc nhảy vào lửa. Họ bốc lửa than tung lên tạo thành những cây hoa lửa, những màn pháo hoa tuyệt mỹ. Tiếng reo hò của khán giả càng cổ vũ các chàng trai biểu diễn thăng hoa. Các chàng trai là những anh nông dân hàng ngày làm công việc đồng áng chân lấm tay bùn, vậy mà trong Lễ Nhảy lửa, họ như những nghệ sĩ xiếc thực thụ, biểu diễn thật điêu luyện. Họ đi chân không, tay không nhảy vào lửa, múa trong lửa, cầm cây lửa, ăn cả lửa mà không bị bỏng, không bị xây xát. Quả thật là thần bí. Lúc “thần linh nhập vào”, trong người các chàng trai lạnh toát, muốn nhảy ngay vào lửa để sưởi ấm. Họ thích thú với lửa và không hề có cảm giác sợ hãi, lúc ấy người có vẻ mệt, nhưng sau đó lại trở về bình thường.

   Không phải ai làm nghề thầy cúng cũng mời được thần linh về trong Lễ Nhảy lửa. Phải là thầy cúng cao tay, giỏi nghề. Buổi lễ chúng tôi được xem do thầy cúng Phù Văn Thành điều binh khiển tướng. Thầy Thành được người anh con nuôi của gia đình là ông Húng Văn Hín truyền nghề cho. Ông Hín tuổi cao đã mất.

   Hàng năm người Pà Thẻn ở xã Hồng Quang tổ chức Lễ hội Nhảy lửa để tạ ơn thần linh, tổ tiên, cầu xin mùa màng tốt tươi, no ấm khỏe mạnh, không bệnh tật ốm đau, bản làng thuận hòa, phát triển, con cháu hiếu thuận. Lễ hội được tổ chức vào ngày 15 - 16 tháng giêng. Tối ngày rằm tổ chức Lễ Nhảy lửa. Thầy cúng đã dạy truyền nghề cho học trò, có khoảng 20 - 25 người theo học. Theo được nghề thầy cúng chỉ được 1 - 2 người, nhưng biết cúng Lễ Nhảy lửa đến nay vẫn chỉ có thầy Phù Văn Thành đã gần 70 tuổi. Quả là một việc vô cùng khó.

  Khi than đã tàn gần hết, các chàng trai dừng biểu diễn, thầy cúng bài thu quân về, cảm ơn các vị thần đã giúp để có buổi Nhảy lửa tuyệt vời và cúng mời họ về trời. Khi chưa tìm hiểu, nhiều người nghĩ các chàng trai nhảy lửa như các nghệ sĩ đã được luyện tập từ bé nên bốc lửa, đi trên lửa, ăn lửa, múa lửa đã quen, tay chân không bị bỏng. Không phải thế, nếu không có thầy cúng mời gọi thần linh trợ giúp thì không có Lễ Nhảy lửa. Thật là huyền bí và độc đáo. Và vai trò của thầy cúng thật đặc biệt.

   Đất nước ta có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có những nét văn hóa độc đáo riêng. Lễ Nhảy lửa là phong tục, tín ngưỡng giá trị cần được bảo tồn, phát huy và lưu giữ muôn đời cho người Pà Thẻn, cho đất Việt yêu dấu của chúng ta.

 

Hoa lửa
 
Màn nhung vũ trụ bao bọc
tiếng thầy đọc bài cúng, tiếng đàn cúng
êm êm
 
Lửa hừng hừng
Than rừng rực
 
Thần linh
hòa vào em
vào lửa
 
Những cây lửa rực sáng
muôn vàn hoa lửa huyền ảo lung linh
bay bay
ma mị
 
Đêm huyền bí
Thế giới cổ tích ùa về
sống động
ngân
ngân...

21/10/2024

------------

Lễ Nhảy lửa của người Pà Thẻn ở xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
 

    Lâm Bình, Tuyên Quang 20,21/10/2024
     Phạm Thị Hồng Thu
 




zalo 539882256308409

THƠ

 

Trần Trọng Giá

 

CHIỀU XỨ TUYÊN

Bác từng ở lán Nà Nưa*
Những năm tháng ấy con chưa ra đời
Nhớ Người như nhớ mặt trời
Vừa soi sáng vừa rạng ngời Xứ Tuyên.

Khe Lau** con đâu dám quên
Khúc ca lay động một miền sóng xô
Sông Gâm cùng với sông Lô
Dậy tin thắng trận đôi bờ vang ngân.

Tân Trào*** buổi lễ xuất quân
Tiến về Hà Nội xa gần sục sôi
Cây đa cũng muốn cất lời
Sao vàng cờ đỏ giữa trời tung bay.

Xứ Tuyên con lại về đây
Xa thương gần nhớ vun đầy tin yêu
Một chiều chẳng giống một chiều
Trái tim con đập bao điều thiêng liêng.

----------
*Nơi ở và làm việc của Bác Hồ từ cuối tháng 5/1945 đến 22/8/1945 để lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng tám.
**Nơi diễn ra những trận thắng của Việt Minh trong kháng chiến chống Pháp.
***Nơi diễn ra lễ xuất quân tiến về giải phóng Thủ đô.


 

Nguyễn Đăng Thuyết

 

TRĂNG EM GỬI TÌNH PÀ THẺN

Mảnh trăng chiều
Đầu non treo ngọn thác
Mùa không đi chẳng ước một vòng quay
Trăng khâu đêm
Lời ước hẹn sang ngày
Bay lơ lửng trong mây trời ảo ảnh

Có phải trăng khép vòng trời vô định
Khuyết mầu trăng năm tháng vẫn đi tìm
Dẫu thành thơ
Mong trăng cứ lặng im
Để cửa sáng ... lẫn vào tim cửa tối

Trăng hoá thân vào câu Then nguồn cội
Thực ảo trăng đêm nhảy lửa cầu vồng
Là thác Khuổi Nhi
Là lễ hội Lồng Tông
Là khúc Lăng Can
Là mắt tình Pà Thẻn...

Trăng trong ta
Là nốt trầm không hẹn
Là phách khèn môi ... muôn thuở vẫn chưa chiều


 

NGƯỜI TUYÊN

Em đâu phải người Tày
Sao mượt mà câu then đàn tính?
Sông Lô chiều bịn rịn
Em hoá thân vào hương núi hồn rừng

Em nẩy khúc ru trên lưng
Ngọt ngào đưa non vào giấc ngủ
Bật cung trầm tĩnh tự
Óc Thành Tuyên ... sâu đáy mắt Chùa Hang

Khèn lá em ngân vang
Chín chín ngọn Thượng Lâm về xây miền cổ tích
Hồng Thái - Sơn Dương - Kim Bình thần hịch
Linh thiêng ... nghĩa nặng sơn hà

Hàm Yên sớm đơm hoa
Tỏa hương về thơm nguồn cội
Ngũ sắc xôi - Tim trần vạch lối
Áo bẩy mầu ... Em chính gốc người Tuyên!


thac khuoi nhi 4 1726106633

 

Khang Sao Sáng

 

ĐI THUYỀN TRÊN SÔNG GÂM

Sông Gâm thánh thót tiếng đàn
Nhạc thuyền hòa sóng gió ngàn gọi thưa
Chín chín ngọn núi răng bừa
Soi mình xuống nước tắm trưa bồng bềnh.




SUỐI KHUỔI NHI

Khuổi nhi dòng suối nước trong
Nguồn từ lòng đá nước ròng chảy ra
Bản Tày thác trắng phun hoa
Bóng em hay bóng trăng sa xuống ngàn



CỘT ĐÁ CÔ ĐƠN

Nước sông Gâm xanh biếc
Cột đá nghiêng gọi mời
Triệu triệu năm vẫn thế
Đá cô đơn giữa trời.

Ước gì sông lại mọc
Để cột đá thành đôi
Đứng bên nhau hạnh phúc
Trao nụ hôn rối bời.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây