Tham dự buổi giao lưu, về phía đoàn công tác Chi hội 1 Hội nhà văn Hà Nội, có Nhà văn Bùi Việt Mỹ - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà văn Hà Nội, nhà văn Nguyễn Thị Mai - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội, Nhà văn Đặng Việt Thủy - Chi hội trưởng, các nhà văn trong BCH Chi hội cùng 23 nhà văn tiêu biểu của Chi hội 1 Hội nhà văn Hà Nội; về phía huyện Thạch Thất, có ông Phùng Khắc Sơn - Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất, ông Phạm Quang Thái - Huyện ủy viên, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Thạch Thất, ông Đặng Đình Mạnh - Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Thạch Thất, cùng đại diện lãnh đạo và cán bộ Văn phòng UBND, Phòng Văn hóa thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Thạch Thất, và Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Tây Phương.
Chi hội trưởng Chi hội 1 Hội Nhà văn Hà Nội trao sách tặng Thư viện huyện Thạch Thất
.
- Đ/c Đặng Đình Mạnh - Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin
và Thể thao huyện Thạch Thất phát biểu tại buổi giao lưu - Hàng trăm đầu sách trao tặng Thư viện Huyện
Tại buổi giao lưu, ông Phạm Quang Thái - Trưởng phòng Văn hóa thông tin Thạch Thất thay mặt lãnh đạo địa phương bày tỏ vui mừng và nhiệt liệt hoan nghênh về chuyến công tác thực tế của đoàn. Ông cho rằng, đây là một trong những hoạt động vô cùng ý nghĩa nhân kỷ niệm 70 năm giải phóng huyện Thạch Thất và mong rằng trong thời gian tới Hội Nhà văn Hà Nội tiếp tục quan tâm đến địa phương. Đồng thời, trong bài phát biểu của mình, ông cũng giới thiệu với đoàn những nét khái quát về quê hương, con người Thạch Thất. Theo ông Thái, Thạch Thất là địa phương giàu truyền thống văn hóa cách mạng, đang chuyển mình phát triển về mọi mặt kinh tế - xã hội. Thạch Thất không chỉ là huyện có nhiều làng nghề nổi tiếng, như mộc Chàng Sơn, Hữu Bằng, Canh Nậu, cơ khí Phùng Xá, chè lam Thạch Xá, chè kho Đại Đồng, về văn hóa, địa phương đang quản lý trên 200 di tích nổi bật cùng các di sản văn hóa phi vật thể như nghệ thuật múa rối nước, cồng chiêng, tuồng chèo,…
Tham dự và phát biểu tại buổi giao lưu, nhà văn Bùi Việt Mỹ - Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà văn Hà Nội cho rằng, Thạch Thất từ lâu đã được biết đến là mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi đã sản sinh và nuôi dưỡng nên nhiều danh nhân. Thạch Thất cũng là địa phương có bề dày lịch sử và mang những đặc trưng riêng của văn hóa Xứ Đoài. Nhân sự kiện này, nhà văn Bùi Việt Mỹ cũng đã giới thiệu một số điểm cơ bản liên quan đến chức năng, nhiệm của Hội Nhà văn Hà Nội. Trong thời gian qua, Hội được Ủy ban thành phố Hà Nội hết sức quan tâm, Hội luôn động viên, tạo điều kiện để các nhà văn thành viên gắn kết, sáng tác, tích cực tham gia vào nhiệm vụ chung là xây dựng một nền văn học tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ông cho biết, hiện nay, Hội Nhà văn Hà Nội có 5 chi hội với tổng số hơn 700 hội viên. Hàng năm, Hội và các chi hội đều tổ chức các hoạt động bổ ích, thiết thực, các nhà văn hội viên đều xuất bản được tác phẩm mới có giá trị.
Đoàn Nhà văn chụp ảnh lưu niệm và nghe cán bộ Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện Thạch Thất giới thiệu về Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương
Tiếp đó, nhà văn Đặng Việt Thủy - Chi hội trưởng Chi hội 1- Hội nhà văn Hà Nội, đã phát biểu nói lên suy nghĩ của mình cũng như tình cảm của các thành viên trong đoàn với quê hương Thạch Thất. Cùng với việc ôn lại một số kỷ niệm sâu sắc gắn liền với các địa danh, nhân vật nổi tiếng tại địa phương, ông cũng dành thời gian trao đổi về kinh nghiệm tổ chức, hoạt động của Chi hội 1 Hội Nhà văn Hà Nội. Nhà văn Đặng Việt Thủy cho biết, ông rất vui mừng và xúc động khi lần này được cùng đoàn công tác đến dâng hương, tham quan Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương, được giao lưu, gặp gỡ các vị lãnh đạo, cán bộ của UBND huyện, Phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Thạch Thất, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Tây Phương. Qua sự kiện này, Chi hội 1 Hội Nhà văn Hà Nội và cá nhân ông mong muốn sẽ tiếp tục có sự gắn bó, hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan, tổ chức của địa phương, nhằm góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, chung sức xây dựng huyện Thạch Thất ngày càng văn minh, giàu đẹp, hiện đại.
Tại buổi giao lưu, Chi hội 1 Hội Nhà văn Hà Nội đã trao tặng cho Thư viện huyện Thạch Thất hơn 400 cuốn sách mới gồm hơn 100 đầu sách khác nhau của gần 50 tác giả, trong đó hầu hết tác giả là các nhà văn Hà Nội.
Nhân sự kiện này, ông Đặng Đình Mạnh - Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Thạch Thất đã phát biểu, cảm ơn đoàn công tác và Chi hội 1 Hội Nhà văn Hà Nội. Ông cho biết, Thư viện huyện Thạch Thất thuộc Trung tâm đang lưu giữ hơn 3.000 đầu sách các loại với số lượng sách vô cùng lớn. Thư viện mở cửa hàng ngày, là nơi để cán bộ, nhân dân địa phương tìm đến đọc, tra cứu, tìm kiếm tri thức bổ ích. Đặc biệt, để góp phần nâng cao văn hóa đọc cho thế hệ trẻ hiện nay, việc Thư viện có thêm nhiều các đầu sách mới là hết sức cần thiết và trân quý. Sách do Chi hội 1 Hội Nhà văn Hà Nội tặng lần này sẽ được Thư viện huyện bảo quản, lưu giữ cẩn thận và sẽ triển khai để phát huy những giá trị tinh thần mà các nhà văn, nhà thơ đã gởi gắm, đem lại.
Tham dự và trao đổi tại buổi giao lưu, ông Phùng Khắc Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất, ghi nhận và đánh giá cao sáng kiến của Chi hội 1- Hội Nhà văn Hà Nội về chuyến công tác lần này. Ông cảm ơn Chi hội 1 đã dành tặng Thư viện địa phương một số lượng sách lớn, có giá trị và tổ chức để các nhà văn về Thạch Thất công tác nhân kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng huyện Thạch Thất. Ông mong rằng, trong thời gian tới Chi hội 1 và Hội Nhà văn Hà Nội sẽ tiếp tục có thêm cac hoạt động bổ ích, ý nghĩa và các nhà văn sẽ có nhiều tác phẩm viết về Thạch Thất.
Tại buổi giao lưu, những người tham dự đã dành thời gian nói lên cảm tưởng của mình, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm sáng tác, hoạt động và trao tặng nhau những tác phẩm mới. Các nhà văn của Chi hội 1 và các thành viên Câu lạc bộ thơ Tây Phương cũng đã giới thiệu, biểu diễn một số ca khúc, tác phẩm thơ đặc sắc ca ngợi quê hương đất nước cũng như tình yêu với miền quê Thạch Thất.
Trước đó, đoàn công tác Chi hội 1 Hội nhà văn Hà Nội đã tổ chức dâng hương, tham quan Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Tây Phương.
Chuyến đi thực tế của đoàn công tác kết thúc thành công trong sự lưu luyến của các nhà văn Chi hội 1 Hội Nhà văn Hà Nội và cán bộ, chuyên viên, nghệ sĩ huyện Thạch Thất tham dự buổi giao lưu.
PV
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn