Lễ hội Vật cầu nước qua công trình khảo cứu của Nguyễn Thị Minh Bắc

Thứ hai - 28/10/2024 09:07
Lễ hội Vật cầu nước qua công trình khảo cứu của Nguyễn Thị Minh Bắc



    Đinh Thiên Hương

                 Sau rất nhiều các bài báo, bài nghiên cứu, tham luận, tọa đàm…và các công trình - các cuốn sách: “Thơ Hoàng Cầm với văn hóa Kinh Bắc”(2008), “Văn hóa Kinh Bắc qua hình ảnh cổng làng”(2017), “Lễ hội làng Thổ Hà” (2022), “Nhớ người cầm lá diêu bông”(2023) và bây giờ là “Lễ hội Vật cầu nước”, tôi gọi Nguyễn Thị Minh Bắc là “con ong cần mẫn cho đời”. Từ giảng viên của một trường Cao đẳng Sư phạm, vì yêu thích văn hóa, chị trở thành Chuyên viên chính của Phòng Nghiệp vụ Văn hóa - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang quê nhà. Nguyễn Thị Minh Bắc đã nhanh chóng tìm được cho mình một cánh đồng “thâm canh”, khai những tầng vỉa quặng, sàng đãi những mảy vàng quý giá, ngay trên một vùng đất còn có biết bao nhiêu giá trị văn hóa - lịch sử vừa lộ thiên vừa trầm tích. “Lễ hội Vật cầu nước”là một di sản quý giá của cha ông mà Nguyễn Thị Minh Bắc đã công phu khảo cứu với kì vọng đặt nó  trong mối tương tác giữa Văn hóa - Du lịch và Di sản để làm giầu đẹp và sang trọng hơn cho quê nhà.
   Đã từng có nhiều người, nhiều bài báo viết về lễ hội độc đáo này, nhưng Nguyễn Thị Minh Bắc là người đầu tiên có một công trình khảo cứu công phu, in đậm chất học thuật. Tác giả đặt lễ hội Vật cầu nước trong mối quan hệ tổng thể và tương tác với các giá trị văn hóa - lịch sử của địa phương từ bao đời nay, chứ không khảo sát nó chỉ là một trò chơi dân gian. Ngoài phần Phụ lục, 3 chương sách nói lên dụng ý ấy: Chương I - Cảnh quan, phong tục, tín ngưỡng và tập quán sinh hoạt của người dân làng Vân; Chương II - Diễn trình lễ hội Vật cầu nước làng Vân; Chương III - Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể lễ hội Vật cầu nước.
   Làm được việc này, ngoài kiến thức sách vở, còn phải có hiểu biết thực tế, nhờ bởi những chuyến điền dã, khảo cứu công phu. Nguyễn Thị Minh Bắc có được cả hai điều kiện cần và đủ ấy. Chị được đào tạo bài bản, lại có nỗ lực tự học và là người “bản địa”, với tất cả tình yêu và niềm tự hào quê hương, mà người Việt Nam ta dường như là thuộc tính. Cho nên, tác giả mô tả tường tận và thú vị các nghi thức lễ hội Vật cầu nước từ khi chọn quân cầu, bắt đầu dọn sân, lễ Thánh, quá trình đấu vật, các lệ luật, cho đến khi lễ hội kết thúc…Đồng thời, người đọc cũng thấp thỏm theo bước chân ai qua những tên đất, tên làng, tên sông. Những cái tên khi thì rất chữ nghĩa văn chương, khi thì thuần Việt; có khi nghe chẳng thơ đâu, nhưng với người con quê thì vô cùng lắng đọng, xúc động, tự hào. Người đọc cũng mê đắm cùng tác giả qua những đoạn văn miêu cả cảnh quan làng Vân ven sông Cầu – con sông từng để lại bao dư ba trong thơ ca, nhạc họa, con sông được ví như dải bao xanh ngang lưng làng quan họ xanh xanh.
   Tôi đồng tình với tác giả khi cho rằng, hiếm có làng quê nào như làng Vân, cùng lúc vừa có lễ hội, vừa có diễn xướng dân ca, huyền tích - huyền sử tâm linh, lại vừa có thú vui ẩm thực. Tất cả đều nổi tiếng, không chỉ trong nước mà trong thời hội nhập còn vang vọng đến năm châu. Trong đó rượu làng Vân nút lá chuối khô là một trong những đặc sản, từng khiến một chính khách Hoa Kì khen ngon tê lưỡi và xin lãnh đạo chúng ta một chai “quốc lủi” ấy làm quà. Chúng ta vốn hào phóng, cho nên quý khách kia không chỉ có một chai mà có hẳn một thùng rượu làng Vân theo chân ông ta xuất ngoại…
   Thông thường, người đời sau và phương xa đến với một lễ hội nào đó, đều có nhu cầu muốn tỏ tường gốc tích của nó. Đọc “Lễ hội Vật cầu nước”, chúng ta thú vị với những phương án lý giải “mở”, nhưng cũng rất “đóng” của tác giả về nguồn gốc của lễ hội. Theo sưu tầm và diễn giải, có tới 3 cách lý giải (kèm theo những dị bản) về một trò chơi dân gian - một lễ hội độc nhất vô nhị ở châu thổ sông Hồng (cũng có thể là của cả nước). Nhưng dù theo cách nào thì chốt lại có 3 ý nghĩa như sau.
   Trước hết, đây là lễ hội ăn mừng chiến công của hai anh em – hai dũng tướng Trương Hống, Trương Hát (đã được phong là Tam Giang thượng đẳng thần), thời Triệu Việt Vương, có công lớn giúp nhà vua chiến thắng giặc Luơng thế kỉ thứ VI. Bởi thế, cũng có thể xem đây là trò chơi dân gian - lễ hội tưởng nhớ và ngợi ca công tích của người anh hùng lịch sử, có đóng góp vào sự nghiệp chống xâm lăng, bảo vệ chủ quyền đất nước, ứng với giai đoạn của truyền thuyết anh hùng, thời khuyết sử.
   Tiếp theo, lễ hội Vật cầu nước có thể là sự tái hiện / mô phỏng cuộc giao tranh quyết liệt giữa con người - những chiến binh với các chúa quỷ ở Bãi Sậy. Để rồi sau chiến thắng ấy của con người, lũ quỷ kia tâm phục khẩu phục, nhận lời cầu viện của anh em Trương Hống - Trương Hát mà hợp lực đến giúp Triệu Quang Phục chống giặc Lương thắng lợi.
   Cuối cùng, theo truyền thuyết dân gian và tích trò trong lễ hội mà tác giả trình bày, còn khiến ta suy tưởng về cuộc chiến đấu ngoan cường chống “kẻ thù bốn chân” thời “khai sơn phá thạch”. Rất có thể sau khi Đức Thánh Tản giúp dân trị thủy, thì có biết bao vùng sình sụp, hoang vu, cần phải khai phá để mở đất. Vậy nên lễ hội Vật cầu nước, nếu có gắn với nền văn minh lúa nước - văn minh nông nghiệp, gắn với tục đảo vũ, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, thì nên chăng, hiểu theo ý nghĩa này của thời kì lịch sử ấy. Và vì thế, những quân cầu chiến thắng trong lễ hội, đáng tôn vinh là những anh hùng văn hóa mang khát vọng khai phá và chinh phục tạo nên đất đai, mùa màng. Họ cũng giống như những tay chèo trên những thuyền đua, trong lễ hội ở miền sông nước, châu thổ Chín Rồng từ xa xưa vậy.
   Điều đặc biệt kì lạ và thú vị, là dù lý giải nguồn gốc của lễ hội theo cách nào, thì cũng đều gắn liền với tên tuổi và công tích của Đức Thánh Tam Giang (anh em anh hùng Trương Hống - Trương Hát). Đó là những nhân vật lịch sử có thật, sau này còn trở lại với bản hùng ca thời nhà Lý bên dòng Như Nguyệt thơ mộng. Cũng chính các vị đẳng thần ấy giữa kì hạn hán đã hiện về báo mộng, bày cách cho dân làng làm lễ cầu mưa và tổ chức đánh cầu nước. Và mọi điều đã linh ứng. Từ đó về sau, “hầu như năm nào cũng thế, cứ đánh cầu xong bao giờ cũng có mưa (…)Theo kinh nghiệm dân gian truyền lại, chỉ sau khi chờ được“mưa lấp lỗ cầu”thì họ mới gieo mạ. Bởi nếu gieo mạ trước, khi mưa xuống, hạt thóc dù có mọc mầm rồi cũng bị nước cuốn trôi”. Ở đây, qua lễ hội độc đáo Vật cầu nước, anh hùng lịch sử (chiến thắng giặc ngoại xâm) và anh hùng văn hóa (lập đất mở làng, chinh phục thiên nhiên, làm cho đươm bông kết trái , mùa màng bội thu, dân sinh thịnh vượng); khát vọng thanh bình và áo ấm cơm no đã gắn bó, hài hòa trong nhau. Đó là khát vọng muôn năm. Nó lý giải vì sao làng quê ấy trù phú, đa giá trị vật thể và phi vật thể. Niềm hân hoan và chiến công của Nhân dân trong cả hai công cuộc giữ nước và dựng xây đất nước ấy được thần thánh hóa, ước lệ hóa, mô phỏng bằng trò chơi trong lễ hội. Và lễ hội cứ thế, như ước hẹn tồn tại tự bao đời trong tâm thức dân gian.
   Đến hôm nay, để bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống, để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc, thì nhất thiết phải có đề án quy hoạch và xây dựng phù hợp. Đó chính là  nội dung và thêm một thành công nữa của tác giả trong công trình khảo luận này. Người đọc có cảm tưởng, Nguyễn Thị Minh Bắc đau đáu phải làm sao để lễ hội Vật cầu nước của quê nhà, đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2020, phải phát huy vai trò, ý nghĩa và phải gắn bó với phát triển du lịch.
   Ở phần này, tư cách một cán bộ văn hóa sở tại của tác giả thể hiện rất nổi bật và tỏ ra tâm huyết, rất có nghề. Đây thật sự là một dự án, trong tổng thể được nung nấu, như tác giả đã trình bày từ khi viết về cổng làng Kinh Bắc, hay lễ hội làng Thổ Hà. Nguyễn Thị Minh Bắc nhìn thấy tiềm năng gắn kết lễ hội, cùng các giá trị văn hóa khác của làng Vân, trong phát triển du lịch, để quê hương ngày càng giầu đẹp và tỏa sáng, đáng tự hào. Tác giả đã nêu được các bước và công việc cần làm trước mắt cũng như lâu dài nhằm phát triển lễ hội.
   Nhưng chúng ta cũng đồng cảm với tác giả khi nói về những khó khăn, băng bó, những rào cản phải tháo gỡ. Đó là vấn đề về nguồn vốn, về thể thức và quy mô tổ chức, về cung cách quản lý - duy trì hoạt động và nhất là về vệ sinh môi trường. Lại có một băn khoăn và hạn chế nữa là để thu hút khách đến lễ hội, còn cần có các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú hấp dẫn, thật sự giá trị, có tính đặc trưng…
   Tuy vậy, chúng ta tin rằng với khát vọng và niềm tự hào của Nhân dân làng Vân, với cái Tầm và cái Tâm của các thế hệ lãnh đạo các cấp của Bắc Giang, không có trở ngại nào không thể khắc phục. Với tinh thần ấy, chúng ta tin rằng con ong cần mẫn Nguyễn Thị Minh Bắc tiếp tục có nhiều đóng góp thiết thực và to lớn hơn nữa cho Văn hóa của quê hương, đất nước.
   Cuối cùng, để làm nên sức cuốn hút và có được bộ ảnh minh họa sống động về Lễ hội và cho cuốn sách của Nguyễn Thị Minh Bắc, thì còn phải kể đến những khuôn hình của Nhiếp ảnh gia Nguyễn Thị Quỳnh Liên. Tay máy này từng đạt giải quốc tế, từng là danh ca và nhà giáo. Cho nên ảnh của chị vừa có chất nghệ sỹ bay bổng vừa có sự khuôn chuẩn. Lại được biết, cả hai người từng là đồng môn gắn bó từ thời Văn khoa Đại học Sư phạm. Họ nhìn nhau đã hiểu nhau mà cộng tác.
                                                                                     Thu - 2024
                                                                                          Đ.T.H

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây