Đỗ Thu Hằng, bao nhiêu dấu gạch trong lời nhớ quên

Thứ năm - 12/09/2024 14:16
Vách đêm là tập thơ thứ 3 của nhà thơ Đỗ Thu Hằng
Vách đêm là tập thơ thứ 3 của nhà thơ Đỗ Thu Hằng



Nhà thơ Ngô Đức Hành

    Tít bài là một câu thơ trong bài thơ Nghĩ từ trang sách chưa in của nhà thơ Đỗ Thu Hằng, trong tập thơ Vách đêm, NXH Hội Nhà văn năm 2024. Đây là tập thơ thứ 3 của nhà thơ, cô giáo Đỗ Thu Hằng, Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội; 2 tập thơ trước là Trên cành hoa có nỗi buồn đang phaiTái sinh.

 

Vách đêm có 70 bài thơ, đa dạng về đề tài. Thế giới nghệ thuật trong thơ Đỗ Thu Hằng, ở tập này có biểu tương thời gian, không gian; có bốn mùa, cỏ cây, hoa lá; mưa, nắng; có hiện thực và vô thức...Điều khác biệt, tạo nên Đỗ Thu Hằng, ít nhất quán chiếu hình thức dễ nhận ra, dù là nhà thơ nữ nhưng chị là người hướng nội. Những “giai điệu” trong thơ thuộc về “bè trầm”.

 

Không thấy gì quen nơi quán cũ
Họ đã lột xác, làm mới những vui buồn
Ly café cũng trở nên sành điệu
Ôi đâu rồi những kỷ niệm thân thương
...
Tôi thích một ly tỉnh thức mỗi sớm mai
Bên hiên nhà ngắm vài bông huệ trắng
(Tỉnh thức)
 

Đây là khổ đầu và khổ cuối (chỉ 2 câu) trong bài thơ Tỉnh thức của Đỗ Thu Hằng. Đọc bài thơ này, chắc ai cũng liên tưởng đến câu nói đã trở nên quen thuộc, nhưng thường khinh suất để ý đến nội dung chuyển tải: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Đó là quy luật vận động, hủy diệt và phồn sinh. Liệu có thể “làm mới những vui buồn”? Vui, buồn cũng luôn vận động, có nhiều sắc thái phản chiếu cuộc sống; tuy nhiên vui, buồn vốn có đời sống riêng, rất khó để thay đổi, chưa nói đến làm mới.

Ở bài thơ này có hữu thanh, có vô thanh; có hữu ngôn, có vô ngôn; có hiện thực có vô thường; “Trong chiếc kén an toàn của bình yên hoa cỏ / Gió đôi khi nhói buốt vụng về”. Hay nói cách khác, Đỗ Thu Hằng có cách “lập ngôn” riêng bằng ký tự riêng của mình.

“Tôi thích một ly tỉnh thức mỗi sớm mai / Bên hiên nhà ngắm vài bông huệ trắng”, hai câu cuối của bài thơ cho thấy Đỗ Thu Hằng đã nhìn thấy một vẻ đẹp khác hiển lộ. Đó là vẻ đẹp của sự bình yên, hạnh phúc. Vẻ đẹp của an nhiên.

Thường người ta khi ở tổi 40 – tuổi “tứ thập” là bước vào thời kỳ đỉnh cao của sức khỏe, trí lực, đầy đặn trong tâm hồn. Đỗ Thu Hằng là nhà thơ trẻ nhưng ở ngưỡng ấy của cảm xúc. Có lẽ vì thế, đọc thơ Đỗ Thu Hằng dễ nhận ra chiều sâu, sự lắng đọng từ chiêm cảm. Ở bài thơ Dẫn dụ, chị có cách nhìn khác về cuộc nhân sinh với rất nhiều băn khoăn day dứt. Chị nghe được từ lá, màu sắc, trái cây...những âm thanh vô vi, của tâm linh, ẩn chứa nhiều thông điệp.

Màu thật thà dẫn dụ / Lá mảnh thất sắc mùa / Khói hoa hay hương tỏa / Trên tháp chuông đỉnh chùa”...”Lặng im nghe vỡ lở / Đóa hoa mưa – giật mình / Đâu chân tình sinh tử / Nhật thực vào mô minh”. Đây 2 khổ thơ trong 6 khổ thơ (khổ cuối khuyết 2 câu) trong bài Dẫn dụ. Từ lá, từ hoa...dẫn đến tinh thần vô thường; đây cũng là điều thường xuất hiện trong thơ Đỗ Thu Hằng. Hay nói cách khác, thơ chị thấp thoáng vẻ đẹp triết mỹ, tứ thơ chặt chẽ, vận động đến vẻ đẹp triết mỹ trong thơ. Đó cũng là một “sứ mệnh” của thơ, làm nên “sức bền” của thơ, trường cảm xúc trong thơ chị.

Ở bài thơ này, Đỗ Thu Hằng dụng ý khi lựa chọn thi pháp thơ 5 chữ, gần với đồng dao truyền thống, làm cho người đọc dễ tiếp nhận, tiệm cận được tinh thần thơ.
 

Nhà thơ Đỗ Thu Hằng. Ảnh: NVCC

           Untitled 1Nhà thơ Nguyễn Thế Kiên trong tiểu luận khá công phu về Vách đêm có viết: “Làm thơ, trước hết là để giải tỏa những nỗi niềm trong bản thể của chính tác giả, ấy là nguyên lý hình thành của thi ca ở mọi thế thời! Cho nên, mọi sự vay mượn cảm xúc, đều cho ra những sản phẩm na ná thơ mà thôi, cho dù câu chữ làm nên sản phẩm ấy có bóng mượt, có uyên áo bởi sự hàn lâm, hay có xù xì, có sắc lẹm đến đâu chăng nữa!”, (Nguyễn Thế Kiên: Thơ Đỗ Thu Hằng với khát vọng giải tỏa và quán chiếu).

Kiến giải, lập luận này đúng với mọi trường hợp. Có thể xin nhà hàng xóm que diêm nhóm bếp nhà mình, nhưng không thể vay mượn ai ngọn lửa nào để nhóm lên cảm xúc trong trái tim. “Con đường thơ” là con đường sáng tạo ngôn ngữ, thi ảnh, chỉ có ai có ý thức tận hiến với thơ, không sợ chồn chân, mỏi gối may ra mới thành công, dù ít, dù nhiều.

*

**

Vách đêm chủ yếu là thơ tự do, riêng lục bát có 17 bài, chiếm 24%. Đó là các bài “Ghi chép cuối mùa”, “Cuối thu có ngọn gió hồng”, “Bến sông tháng mười”, “Hoa bưởi tháng mười”, “Một lần an nhiên”, “Vụn trong lục bát đôi”, “Vô đề”, “Tìm”, “Dạ thi số 5”, “Dạ thi số 1”, “Dạ thi số 7”, “Dạ thi số 8”, “Uống trà”, “Lặng nhìn phế tích”, “Không đề”, “Nghĩ về trang sách chưa in”, “Này nông cạn còi ta bà”.

458698502 2235140240176165 5633645261018502479 n

Nhà thơ Đỗ Thu Hằng (phải) tặng nhà thơ Ngô Đức Hành tập thơ Vách đêm.
 

          Dùng thể thơ lục bát là một sự “mạo hiểm”, bởi “dễ làm” nhưng khó hay. Nói như nhà thơ Trần Đăng Khoa, lục bát có thể “đánh đắm” những cố gắng của các nhà thơ.

Điều đáng mừng là, Đỗ Thu Hằng không hề “non tay”. Đọc lục bát Đỗ Thu Hằng, chắc chắn người yêu thơ nhặt ra được những câu thơ tâm trạng phù hợp với mình. “Dù không đi ngược đám đông / Dặn mình chậm lại và không nói gì”, “Cuối thu có sợi gió hồng / Ghé vào vườn hỏi mùa đông bến nào? / Bến nào cũng gió lao xao / Bến lòng chôn sóng ba đào đáy sâu”, (Cuối thu có ngọn gió hồng); “Cánh buồm chở những trả vay / Ngọt ngào cùng với đắng cay song hành”, “Lạ lùng mưa nắng vô vi / Từng ngày rơi rụng đầy mi mắt buồn”, (Vô đề); “Phàm trần tro bụi bao la/ Bao nhiêu tầng thức cũng là ba sinh”, (Không đề)...Đó là những “đơn vị câu”, đáng nêu dẫn chứng.

Tìm là bài thơ lục bát có 3 khổ, 12 câu. Chị tìm gì? Tìm người thơ để yêu thơ hơn; tìm cỏ hoa để gọi mời tinh khôi; tìm tình yêu – thứ mà đời người luôn khát khao, tự hỏi và gây ra miền trắc ẩn nhiều nhất trong trái tim. Và chị tự tin đến thản nhiên, đó cũng là ngộ về tình yêu.

...
Tìm tình yêu giữa muôn người
Còn duyên thì tự tơ trời buộc nhau
Tan đi hết những niềm đau
Tay trong tay kệ kiếp sau lạc chìm
(Tìm).

 

Trong Vách đêm có bốn bài thơ có tên Dạ thi, được đánh số; đó là Dạ thi số 1, Dạ thi số 5, Dạ thi số 7, Dạ thi số 8. Ngoài ra, còn có một bài biểu tượng số, là 23 giờ 59 phút.

Thi” là tên một loài cỏ có lá nhỏ dài lại có từng kẽ, hoa trắng hay đỏ phớt, hơi giống như hoa cúc, mỗi gốc đâm ra nhiều rò. Ngày xưa dùng rò nó để xem bói gọi là bói thi. Ngoài ra “Thi” còn có nghĩa là thơ. Người tên Thi dùng để chỉ người xinh đẹp, dịu dàng. Dạ có thể hiểu là tấm lòng, “Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi”, (Việt Bắc, thơ Tố Hữu).

Trong Dạ thi số 1, chị viết: “Đời là những cuộc xa lìa / Cộng rồi trừ nhân lại chia thôi mà / Giản đơn không tính quá xa / Cầm từng giây phút đi qua nỗi buồn”. Trong Dạ thi số 8 chị viết: “Quẩn quanh trong nỗi trả vay / Tự đâu mà thấy đôi tay đượm buồn / Nhẹ tênh như một cánh chuồn / Thì đời vẫn đủ ngọn nguồn hợp tan” thể hiện sự giác ngộ, bí quyết sống để cân bằng; hơn thế có tinh thần hiện sinh.

Hôm qua thì đã qua, ngày mai chưa ai biết, sao không biết quý và nâng niu hiện tại, dù giây phút đang diễn ra có vui, có buồn? Hay nói cách khác, các “ký hiệu” của Đỗ Thu Hằng có mùi vị của “địa chất hiện sinh

Đời người đúng là quẩn quanh với vay – trả. Đức Phật dạy rằng, ở đời có 4 thứ không nên nợ, đó là tiền bạc, là trách nhiệm, là ân tình, là thời gian. Nợ nhỡ vay không trả là tự gieo nghiệp hèn. Mấy ai “ngộ” ra điều ấy? Tương tự, câu thơ của Đỗ Thu Hằng gợi thức về quy luật hợp tan, vốn có trong trời đất. Về nhân duyên giữa người và người Phật còn dạy “Bạn có thể có tình yêu nhưng đừng nên dính mắc, vì chia ly là lẽ tất nhiên”, cơ mà?...

...
Phù vân một kiếp vụng về
Giấu buồn trong rễ tái tê cõi người
Chênh vênh hai bến khóc cười
Ước mơ đã ngủ quên rồi thành xưa
(Lặng nhìn phế tích)

 

Ngoài đề tài, khi sáng tác các nhà thơ tự do lựa chọn ngôn từ, lựa chọn thể thơ và cấu trúc, lựa chọn giọng điệu. Thơ khác với văn xuôi, bởi đây là thể loại văn học điển hình cho sáng tạo ngôn từ (ngôn ngữ và từ ngữ). Thành công thường không nhiều, bởi nói như cố nhà thơ Lê Đạt: “Chữ bầu lên nhà thơ”.

Lục bát là một thể thơ truyền thống, hồn cốt dân tộc; nói theo lý luận chuyên nghiệp thì thuộc điển tích hình thức; nói theo nhà LLPB, TS. Ngô Tự Lập thì đó là điệu thức “đưa nôi”. Đỗ Thu Hằng có những sáng tạo về điển tích ấy, trong quá trình tiếp nhận.

*

**

 

Cố nhà thơ Lê Đạt là người đầu tiên dùng từ “vân chữ”. Thơ Đỗ Thu Hằng đã có những đường vân của cảm xúc. Đọc Vách đêm, trong tôi hiện lên câu nói từ xưa của nhà thơ Chế Lan Viên, lúc sinh thời, “Vạt áo của triệu nhà thơ không bọc hết vàng mà đời rơi vãi”. Sáng tạo thi ca không phải là “độc quyền” của bất cứ một nhà thơ nào.

10 năm đi từ Trên cành hoa có nỗi buồn đang phai, Tái sinh đến Vách đêm, chặng đường thơ chưa dài, tuổi đời còn mênh mông nhưng Đỗ Thu Hằng đã thành công trong việc bước đầu phác họa nên tâm hồn, phong cách của mình qua tác phẩm.

Thơ suy cho cùng là tiếng nói của tự do, là những giấc mơ mà tìm kiếm “chìa khóa” để giải mã những giấc mơ của vẻ đẹp, thánh thiện. Đỗ Thu Hằng đã và đang âm thầm kiến tạo những giấc mơ đó./.

 

Hà Nội, ngày 9/9/2024
N.Đ.H

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây