Truyện ngắn của Nguyễn Đại Duẫn
Nghe tin Đãnh nhảy sông tự tử mọi người làng trên, xóm dưới nhốn nháo cả lên. Người thương tình thì chép miệng: “Sao mà dại dột đi tìm cái chết oan uổng”. Kẻ độc miệng thì kháo nhau: “Thế mới biết, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”. Chỉ có bà Hiền - mẹ chồng của Đãnh đang vội vội, vàng vàng. Vào nhà, thấy Huy đang ngồi uống rượu, bà mắng sa sả:
- Chết băm chết vằm mày đi. Vợ thì chưa biết sống chết thế nào. Giờ này mà còn ngồi uống rượu được à!
Không nhìn mẹ, Huy dốc chai rượu với những giọt còn sót lại, lè nhè:
- Tôi với cô ấy như người dưng rồi. Ngày xưa con gái ngoại tình hay chửa hoang người ta bôi vôi thả sông, giờ cô ấy tự thấy mình là người có tội lỗi nên làm thế cũng đúng rồi.
Bà Hiền lục tìm quần áo của Đãnh gói vào bao, nhìn con trai bà đay nghiến:
- Không mau mà dẹp đi còn lè nhè đó nữa. Cái gì mà ngoại tình, là bôi vôi hả? Liệu mau mà lên bệnh viện chăm cho vợ đi. Việc gì còn đó, rồi giải quyết sau. Nói xong bà buộc gói đồ lật đật gọi đứa cháu đèo bà đi.
Trên giường bệnh, Đãnh nằm yên, mắt lơ mơ. Bà Hiền ngồi bên nhìn con dâu than thở:
- Rõ khổ cho con. Không biết có việc gì mà sinh ra nông nỗi này. Mẹ đi chưa đầy tháng, vậy mà ở nhà xảy ra chuyện lớn. Nếu có mệnh hệ gì mẹ làm sao sống nổi.
Đãnh đã tỉnh. Trên giường bệnh trải tấm ra trắng toát, khuôn mặt tái nhợt của cô lộ rõ sự mệt mỏi. Bà Hiền bón cho Đãnh từng thìa cháo mong sao cho con dâu qua khỏi cơn hoạn nạn. Đãnh nhìn mẹ, thầm cảm ơn, miệng lí nhí xin lỗi.
Đắp lại chăn, nằm yên, qua mấy ngày sức khỏe của Đãnh đã hồi phục tốt. Những hình ảnh tháng ngày qua hiện về trong tâm trí cô.
***
Minh họa: ST
Học xong phổ thông, Đãnh không học lên mà xin đi học lớp y tá của tỉnh, cô muốn học xong là xin ra chiến trường cùng chung tay đánh giặc.
Mái tóc dài thướt tha, óng mượt, Đãnh luôn tự hào và dành thời gian trau chuốt mái tóc của mình. Hương bạc hà, mùi bồ kết lúc nào cũng phảng phất trên mái tóc mịn màng gây chú ý cho bao chàng trai. Khuôn mặt trái xoan, nước da mằn mặn đồng chiêm không lọt qua được ánh mắt của Huy. Biết bao trai làng ao ước, nhưng Đãnh chỉ ửng đỏ mặt khi đi bên Huy, cô muốn áp vào bộ ngực nở như tang trống của chàng.
Đám cưới thời chiến diễn ra chóng vách giữa anh bộ đội chuẩn bị ra trận cùng cô y tá vừa ra trường đơn giản nhưng vui nhộn, thỏa lòng hai họ. Đôi vợ chồng trẻ chưa ấm hơi lại phải chia xa. Chia tay người vợ mới cưới, vai khoác ba lô, chàng trai hùng dũng trong đoàn quân vào Nam đánh giặc. Người vợ trẻ ở lại hậu phương ánh mắt nhạt nhòa, tay vẫy vẫy hẹn ngày chiến thắng.
Đãnh không vào chiến trường như mong muốn, cô được phân công về Trạm y tế xã. Công việc không nặng nhọc nhưng đầy vất vả, hiểm nguy. Khi tiếng kẻng báo động có máy bay địch oanh tạc, mọi người chạy về hầm trú ẩn, còn các nhân viên y tế nghe tiếng kẽng báo động lại chuẩn bị dụng cụ sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Nơi nào có tiếng bom, nơi nào hầm sập, có người thương vong là kịp thời có mặt cứu chữa. Trạm y tế xã còn có thêm nhiệm vụ phối hợp với đơn vị quân y thu dung các chiến sĩ thương, bệnh binh từ mặt trận đưa về điều dưỡng.
Duyên dáng trong bộ trang phục blouse trắng, Đãnh lặng lẻ đi đến các giường bệnh dém màn, đắp lại chăn cho các thương, bệnh binh. Trong căn hầm nửa chìm nửa nổi, chiếc đèn bão tù mù vẫn đủ sáng để Đãnh truyền thuốc cho một chiến sĩ đang mê man trong cơn sốt rét. Tiếng rên ư hừ to dần làm cho cô lo lắng. Người chiến sĩ run bần bật, đắp mấy chăn vẫn kêu rét. Trong phòng trực không còn chăn để đắp. Bác sĩ Trạm xá trưởng động viên Đãnh chịu khó ôm người chiến sĩ một lúc cho đỡ rét để ông còn tiểu phẫu cho một chiến sĩ khác có vết thương nhiễm trùng. Giây lát e ngại thoáng qua, Đãnh ôm choàng người chiến sĩ, truyền hơi ấm của mình thay tấm chăn. Sau một thời gian, cơn sốt cũng qua đi người bệnh thiêm thiếp trong hơi thở khó nhọc.
Mấy ngày trôi qua, Tiến đã ăn được cháo, cơn sốt đã giảm. Đãnh chịu khó đi kiếm mớ rau về nấu bát canh suông, vậy mà Tiến ăn thấy ngon miệng.
Đãnh đến từng giường bệnh để phát thuốc. Tiến vươn vai ngồi dậy, anh cất tiếng chào và cảm ơn Đãnh đã giúp anh qua cái đêm lên cơn sốt rét cao. Đãnh nhìn anh với ánh mắt cảm thông:
- Có gì đâu anh! Trong trường hợp đó ai cũng làm như em thôi. Các anh phải xa nhà, xa vợ con, dám hy sinh tính mạng để chiến đấu đem lại bình yên cho đất nước, những công việc chúng em đang làm có thấm tháp là bao. Em chỉ nghĩ và thương chồng em nơi chiến trường bom đạn, cuộc sống thiếu thốn mọi thứ, chịu nhiều gian khổ.
Nghe lời tâm sự, biết chồng Đãnh cũng là đồng đội của mình, Tiến chợt hỏi:
- Chồng em giờ ở mặt trận nào?
- Dạ! Em không biết. Anh ấy biên thư về nói là đang ở mặt trận phía Nam thôi.
- Chắc anh ấy cũng nhớ nhà, nhớ vợ lắm. Cũng như anh, cưới vợ chưa được mươi ngày là khoác ba lô lên đường. Biền biệt mấy năm chẳng có tin tức gì. Đợt này ra Bắc học tập, được về thăm nhà, chắc cô ấy mừng lắm.
Nghe Tiến nói đến đây, đôi mắt lá dăm chớp chớp, làm cho khuôn mặt duyên dáng đượm nét buồn, tự nhiên nước mắt Đãnh ứa ra.
Sức khỏe đã hồi phục, rảnh rỗi Tiến tỉ mẩn cắt mảnh nhôm xác máy bay làm chiếc lược. Chiếc lược được khắc chữ QT, khắc hình kỷ niệm, những dòng chữ còn nóng hổi khói bom. Đêm nay Đãnh trực, Tiến ngồi giúp cắt gạc, cuộn bông. Chậm rải, anh kể chuyện quê cho Đãnh nghe. Quê anh có dòng sông xanh mát uốn lượn quanh sườn đồi thật nên thơ. Những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay trải một màu xanh ngút ngắt. Chiều chiều trên con đê đầu làng trẻ con nô đùa thả diều trong sự thanh bình của cuộc sống quê mùa. Thỉnh thoảng, sự pha trò có duyên của anh làm cho Đãnh thấy nhớ đến Huy. Đãnh thấy như gần gủi quí mến Tiến hơn. Tự nhiên hai bàn tay chạm vào nhau nơi chiếc khay đựng bông. Tiến nắm nhẹ bàn tay thon trắng của Đãnh. Như một luồng điện chạy qua cơ thể, Đãnh thấy người nóng lên, rạo rực, muốn để Tiến nắm tay mình lâu hơn, mặt cô chợt ửng hồng. Một thoáng, Đãnh vội rụt tay lại chạy ra ngoài sân. Mình không thể … Cảm giác như tội lỗi với chồng làm cho cô thấy xấu hổ. Những suy nghĩ mông lung cứ nhập nhòa trong tâm trí cô. Rồi cô tự trả lời một mình. Không sao đâu, rồi Huy sẽ hiểu! Bất chợt Đãnh đưa tay lên má như còn đó nụ hôn ngày nào.
Đêm đã về khuya, xa xăm văng vẳng tiếng rì rì của máy bay địch đang trinh thám đâu đó, Đãnh thao thức khó ngủ. Phần vì đang theo dõi các bệnh nhân nặng, phần vì Đãnh đang nghĩ nhớ chồng. Huy là một chàng trai ít nói, mỗi lần gặp Đãnh, Huy chỉ biết nheo mắt mỉm cười, miệng ấp úng khi đi bên người yêu, không dám nói những điều mà Đãnh muốn Huy nói ra. Tuy vậy Huy nói chuyện cũng có duyên. Cái miệng mở rộng, pha thêm chút hài làm thu hút lòng Đãnh. Những buổi tối, sau buổi làm đồng hai người thường ra bến sông quê ngắm trăng. Dưới ánh trăng bàng bạc, bóng hai người lung linh bên dòng sông trong xanh đang lững lờ trôi. Hai mái đầu chụm bên nhau lặng lẽ. Huy nhìn Đãnh say đắm, anh ngại ngùng nói qua hơi thở: “Anh sắp lên đường đi bộ đội rồi. Xa em anh sẽ nhớ nhiều lắm. Hay… chúng mình tổ chức đám cưới đi”. Đãnh nhìn Huy âu yếm, đôi má hồng lên dưới ánh trăng như người vừa uống rượu, bất ngờ với đề xuất của Huy. Cô nhẹ nhàng thổ lộ những lời tâm tình và động viên: “Anh yên tâm lên đường mạnh giỏi, dũng cảm đánh giặc. Đợi ngày thống nhất anh về …”. Chưa nói hết câu, Huy chen ngang như sợ Đãnh ngăn lời: “ Anh yêu em nhiều lắm. Em có thương anh thì nhận lời. Ở nhà anh còn mẹ già. Anh không yên tâm ra đi”. Nói rồi Huy nắm chặt tay Đãnh áp lên má. Một cảm giác mới lạ lan chảy trên người cô. Nụ hôn ngọt ngào hai người trao nhau thay cho lời nói. Chỉ còn mươi ngày nữa thôi, Huy sẽ trở thành anh bộ đội lên đường đánh Mỹ. Trong vòng tay âu yếm, Đãnh bằng lòng nhận lời làm vợ Huy. Rồi đây dòng sông này, ánh trăng này sẽ là kỷ niệm, người ra nơi trận tuyến bom đạn mịt mùng, người ở lại thao thức đợi chờ. Không biết giờ này Huy đang ở đâu, nơi chiến trường nào đang diễn ra những trận chiến ác liệt giữa ta và địch mà cô theo dõi hằng ngày qua radio?
Trạm xá tổ chức bữa cơm đạm bạc chia tay các chiến sĩ xuất viện. Số chiến sĩ khỏe mạnh sẽ trở lại chiến trường, một số thương binh nặng được đưa về các trại điều dưỡng. Riêng Tiến được ra Bắc để đào tạo sĩ quan. Tình cảm những ngày qua của anh chị em Trạm xá đã gây nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng Tiến. Và riêng với Đãnh anh sẽ mãi mãi không quên hình ảnh người y tá duyên dáng, hồn nhiên đã giúp anh vượt qua bệnh tật.
Trong phòng bệnh, mọi người đang chuẩn bị tư trang ngày mai lên đường. Những lời chia tay, những câu hẹn gặp lại nghèn nghẹn trong đêm thanh vắng. Ca trực đêm nay không có bệnh nhân nặng. Đãnh ngồi bên quyển sổ, cô đang viết nhật ký. Bữa cơm chia tay có ly rượu nên cô thấy buồn ngủ. Mơ màng, cô thiếp đi.
Tiến còn thao thức, bữa liên hoan có bát canh đỗ xanh làm anh nao nao nhớ vợ, món ăn mà vợ anh đã nấu hôm chia tay lên đường. Dĩa cà sống chắm mắm cáy, món ăn ngon miệng nên Tiến ăn nhiều, giờ khát nước cháy cổ. Ra bàn trực, Tiến kiếm ly nước uống. Cầm quyển nhật ký của Đãnh lên, Tiến mở mấy trang rồi “đọc trộm”. Những dòng chữ nhắn gửi đến người chồng thân yêu hãy vượt qua gian khổ để đánh thắng giặc Mỹ, yên tâm ở nhà đã có vợ chăm sóc mẹ già, lo hậu phương vững chắc. Nghĩ thế nào Tiến cầm bút nghí ngoáy viết câu thơ:
“Nhớ cô đãnh đêm nằm không ngủ được
Má chắm cằm biết thưở nào quên”..
Ký tên: QT.
Tiến bỏ chiếc lược máy bay mà anh đã làm mấy hôm trước vào trang viết rồi gấp lại, anh biết làm như vậy là không đúng nhưng muốn “đùa” Đãnh một tý. Và cũng muốn gửi một món quà bất ngờ để kỷ niệm.
***
Chiến tranh kết thúc, Huy xuất ngủ trở về. Người nhà, bà con chòm xóm vui mừng khôn tả. Từng ngày, từng ngày hai vợ chồng vui vẻ bên nhau, bù đắp tình cảm thiếu hụt trong những năm tháng chiến tranh.
Mấy hôm nay Đãnh theo đoàn công tác đi dập tắt ổ dịch ở khu vực miền núi. Mẹ đi miền Nam bế cháu cho đứa em gái mới sinh con, Huy ở nhà một mình đi ra, đi vào. Lấy chai rượu nhâm nhi, rồi vào tủ lục tìm tờ giấy để làm đơn xin việc làm. Anh lật quyển nhật ký của Đãnh, từng trang, từng trang và xúc động khi thấy được tấm lòng người vợ ở hậu phương hết mực yêu thương, chung thủy đợi chờ chồng. Những giọt nước mắt nhòe lên từng trang giấy, khắc khoải mong ngày thống nhất để đón người chồng từ mặt trận trở về. Lật trang tiếp, Huy đọc xong mặt nóng bừng. Có tay “QT” nào viết mấy câu thơ như đang tán tỉnh, yêu đương vợ mình đến vậy? Sao lại nhớ “cô đãnh” mà không ngủ được. Vợ mình có quan hệ gì với tay có tên QT này. Rồi “má chắm cằm” nữa là sao? Huy định xé trang giấy vò nhàu nát vứt vào bếp lửa. Nhưng quyển nhật ký không có tội. Anh muốn giữ lại làm bằng chứng. Chỉ vợ mình là có tội. Anh muốn gào lên. Anh muốn đập phá cái gì đó. Nếu có vợ ở nhà chắc lôi thôi to. Huy với tay lấy chai rượu ừng ực dốc cạn. Rồi anh nằm vật ra sàn nhà, thở khò khè miệng lảm nhảm. Trong cơn say, Huy thấy một người đàn ông mặc quân phục cao to, đẹp trai đang nắm tay Đãnh lướt qua mắt anh. Đúng là thằng QT rồi, tao sẽ giết mày. Huy rượt đuổi theo. Bỗng trượt ngã, chân ròng ròng máu chảy. Huy hét lên và bừng tỉnh.
Mặt trời lên quá rặng tre, nhà vắng tênh. Huy xuống bếp, không có gì lót dạ nên gọi bạn ra quán nhậu. Thấy vẽ mặt Huy nhợt nhạt khác thường, bạn lên tiếng:
- Sao mà ỉu xìu như bánh đa nhúng nước, người cứ ngơ ngơ như mất hồn? Vợ mới đi có một hôm đã nhớ da diết vậy sao?
- Nhớ cái nỗi gì! Đang bị bực bội, đang bị cắm sừng. Ôi! Ê chề quá. Mà thôi uống đi, đừng hỏi gì hết. Zô zô…
- Cậu đang nói gì tớ không hiểu?.
- Mày hiểu làm gì. Mày càng hiểu tao càng thấy nhục!
Rồi không biết ma quỷ nào đưa đường, Huy lảo đảo bước chân vào nhà Hân. Ngày trước, Hân là y tá cùng Trạm xá với Đãnh, nhưng vì không chồng có chửa nên cô bị cấp trên cho thôi việc. Nghe Huy hỏi chuyện về Đãnh, Hân bật cười khanh khách:
- Chuyện bài thơ có gì quan trọng đâu. Chuyện quan trọng hơn là lợi dụng lúc sốt hai người đã ôm ấp nhau. Rồi còn chuyện tặng chiếc lược máy bay nữa cơ. Tình cảm hai người thân thiết, có cái gì đó lạ lắm.
Chân nam đá chân chiêu, hậm hực bước vào nhà, thấy Đãnh đã về đang nấu cơm, Huy như hét lên:
- Cô đi với thằng nào giờ mới về hử? Cái thằng QT là thằng nào? Cái thằng đã cắm sừng vào đầu tôi ấy!
- Anh nói gì mà em không hiểu?
- Cô thì cần gì đến tôi nữa đâu mà hiểu với không. Những ngày tháng tôi sống chết nơi chiến trường thì cô ở nhà đã phản bội tôi. Thế mà tôi cứ tưởng cô là người vợ ngoan, chung thủy. Tôi đã nhầm. Hôm nay tôi đã biết thêm những điều bí mật của cô.
- Để em đưa anh vào phòng nghỉ. Anh say quá rồi. Uống rượu vào nghe người ta nói linh tinh. Em thương yêu anh, chờ đợi anh hết nước mắt để được anh đền đáp với em như thế này đây? Sao tôi khổ thế này!
- Buông tay ra. Cô đừng đụng vào người tôi. Cô đi đi, đi tìm cái thằng QT của cô đi.
Huy đổ vật lên giường. Đãnh đắp lại chiếc chăn cho chồng rồi ra ngồi trên chiếc chõng bên hè. Nước mắt tuôn trào. Mình làm gì có lỗi cơ chứ. Mình luôn yêu thương, chung thủy chờ chồng. Mà sao chồng mình dạo này đổ đốn rượu chè. Lâu nay anh ấy có thế đâu. QT là ai mà Huy lại đặt điều cho mình? Cô lục tìm lại trí nhớ. Phải rồi! Chắc anh ấy đọc được cái bài thơ mà anh Quyết Tiến đã chép trong sổ nhật ký của mình. Đãnh bật cười, nụ cười méo mó trong dòng nước mắt, mai Huy tỉnh rượu mình sẽ giải thích cho anh ấy.
Bát cháo hành nóng hổi đã làm cho Huy tỉnh hẵn. Đãnh lật quyển nhật ký và định giải thích cho Huy. Bực mình Huy giật quyển sổ ném ra xa:
- Cô đừng vờ vịt với tôi nữa. Đã lỡ ngoại tình thì thú thật tôi tha tội cho. Làm sao mà “má chắm cằm”, làm sao mà “nhớ cô đãnh”. Nó đã làm gì với cô hả. Trời ơi! Nhục ơi là nhục, tôi bị cắm một đống sừng rồi.
- Anh không tin thì em không biết làm sao. Chờ mẹ về rồi anh sẽ rõ.
- Giờ cô đi đâu cho khuất mắt tôi. Ngày nào tôi còn thấy cô là tôi uất lên tận cổ. Nói xong Huy xách chai đi mua rượu.
Gió chiều man mác thổi. Như người vô hồn Đãnh đi ra bến sông, nơi đây đã ghi dấu nụ hôn đầu đời, nơi chứng kiến cho mối tình trong trắng của cô. Mấy hôm nay đi đâu Huy cũng loang tin về sự bội bạc của vợ. Ra đường, ai cũng nhìn cô với ánh mắt xoi mói, khinh bỉ. Có ai hiểu cho cô? Chỉ có mẹ, nhưng mẹ giờ vẫn chưa về. Càng ngày, Huy thấy Đãnh như cái gai trước mắt, cứ say là xỉa xói. Mới hôm qua Huy chìa cái đơn ly hôn cho Đãnh. Lòng Đãnh ngỗn ngang với bao uất ức, nghẹn ngào. Mình sống có ý nghĩa gì nữa khi chồng không còn tin tưởng, khi người làng dè bĩu. Lẽ nào bến sông này là nơi kết thúc cuộc đời. Rồi như không làm chủ được bản thân, Đãnh nhảy ào xuống dòng sông đang ào ạt sóng…
***
Huy lật tìm trang nhật ký đưa cho mẹ:
- Đây, mẹ xem đi. Thằng QT là thằng nào, nó quan hệ với vợ con ra sao mà “nhớ cô đãnh đêm nằm không ngủ được”. Chỉ có yêu đương, vợ chồng mới nhung nhớ đến vậy. Rồi “má chắm cằm” nữa là sao. Không phải ngoại tình mới chuyện lạ? Làm sao chịu nổi, khi con phải vượt bao gian nguy ở chiến trường để vợ ở nhà tằng tịu với trai. Trời ơi!
Người mẹ nghe xong liền di tay lên trán Huy:
Mày thật là có học mà chẳng có hành. Mày đọc câu thơ mà chẳng hiểu gì cả. Chuyện này Đãnh đã nói với mẹ, mẹ đã hiểu và bảo nó cứ để trang nhật ký vậy không cần xé bỏ. Quyết Tiến là đứa tốt bụng. Nó cũng là đồng đội của con, được ra Bắc học sĩ quan, nhưng bị sốt rét nên ở lại điều trị nơi trạm xá của Đãnh làm việc. Mẹ coi nó như con cái trong nhà bởi nó thật thà, hoàn cảnh xa vợ như con. Đãnh của con là một cô vợ ngoan, chung thủy với chồng, có trách nhiệm với mẹ. Bao năm nay mẹ thầm cảm ơn nó, chỉ mong đất nước thống nhất, con về sinh cho mẹ đứa cháu bế bồng vui tuổi già. Vậy mà mày đã làm gì nên nông nỗi… Cắt lời mẹ, Huy vội hỏi:
- Vậy câu thơ đó là sao, mẹ nói con hiểu. Mẹ Huy bình tĩnh trở lại liền giải thích:
- Thực ra câu thơ đó là sự nói lái thôi. Này nhé, “cô đãnh” là từ nói lái của “canh đỗ”. Còn “má chắm cằm” không phải là “mắm chắm cà” đó sao.
Nghe mẹ giải thích xong, Huy lẩm bẩm đọc:
“Nhớ canh đỗ đêm nằm không ngủ được
Mắm chắm cà biết thưở nào quên”.
Đọc xong, mồ hôi vả ra, mặt Huy tái ngắt:
- Thôi chết rồi! Tôi đã hại vợ tôi. Có vậy mà không nghĩ ra, thật là tội lỗi. Trời ơi! Giờ làm sao đây? Nói xong, Huy nhảy lên xe đạp vội đi.
Một trận mưa rào thoáng qua. Hàng cây trước sân đang vẩy vẩy cành lá chào đón những giọt nước mát lặng xua tan không khí nóng nực của ngày đầu hè. Đằng Tây, bảy sắc cầu vồng hiện lên lung linh trong ánh hoàng hôn.
N. Đ. D