Trần Trọng Giá - một khối tình… chay

Thứ ba - 16/07/2024 08:50

 
   Nhà văn Kao Sơn


      Đã có nhiều người viết phê bình, những bài có tính hàn lâm, đưa ra những ý kiến nhận xét hay và chân xác, hết lời khen Thơ Trần Trọng Giá. Họ là những nhà thơ nổi tiếng, có thương hiệu nhãn mác, có trình độ uyên thâm, có khả năng thẩm thi tuyệt vời. Còn tôi, tôi chỉ là một gã viết văn nhà quê, chỉ yêu thơ chứ không biết làm thơ, bình thơ. Và nếu có lần nào đó, hoặc do Giời xui Đất khiến, hoặc táo gan mà liều đi khen chê thơ ai đó thì thường mười câu, chín câu sai lạc. Giờ cũng vậy. Cậy đồng hương, tôi mạo muội bắt quàng, nhưng xin không dám luận về thơ mà chỉ là đưa ra vài dòng hoàn toàn ngẫu cảm về “con người thơ” của Trần Trọng Giá. Tất nhiên chắc sẽ vẫn mang nhiều sự chủ quan nên không dám cam đoan về sự chính xác của nó.

Nhà thơ Trần Trọng Giá

Giá

   Trần Trọng Giá làm thơ từ rất sớm. Ngay từ khi còn học phổ thông đã có thơ. Những ngày ở lính cũng thường làm thơ. Tất nhiên, những bài thơ ấy lão chỉ ém trong ba lô. Gom nhặt, cất giữ và để rồi mấy năm gần đây khi đã về với đời thường, cùng với những cảm xúc mới, 4 năm lão in liền 4 tập thơ, mỗi tập đều trên dưới trăm bài.
    Trần Trọng Giá rời quân ngũ với cấp bậc Đại tá. Và lão mang cái chất lính ấy đến với thơ, làm thơ theo kiểu cận chiến, giáp lá cà. Gặp là uýnh. Thừa thắng thì xông lên luôn theo lối của viên đạn. Bắn ra rồi thì cứ thế bay! Trần Trọng Giá mê thơ đến si đắm. Lão sắn quần bước ra đường nhiều hơn thời gian ngồi ở nhà. Đi tìm ý thơ mà như người dân đồng chiêm quê lão mùa phân lũ, vác nơm đi úp cá, vác vó đi cất lòng tong. Được rô, diếc thì mừng. Lại có khi chả được gì, khua tay bắt toàn rong rêu cũng ngửa cổ lên giời cười như chú Tễu trong đêm Hội làng chèo.
 Vậy nên, được bài thơ nào Lão tung ra tắp lự. Đến đâu cũng có thơ, nhìn gì cũng ra thơ. Nhiều người ngạc nhiên về nội lực Thơ cùng khả năng nắm bắt cảm xúc nhanh nhậy của lão. Thơ Trần Trọng Giá đề cập đến khá nhiều các lĩnh vực của cuộc sống. Nghĩa là biên độ thơ của lão cũng khá rộng. Tuy nhiên, ngày mới làm thơ Trần Trọng Giá viết theo sự thôi thúc của nội tâm và phụ thuộc rất nhiều vào cảm xúc trực diện. Có bao hồi hộp rung rinh…trút ra bằng hết. Thơ bắt đầu không chỉ bằng những kỉ niệm đời lính mà còn bằng rất nhiều tiếng reo vui. Dễ hiểu thôi. Cái tâm trạng của kẻ vừa bước ra khỏi cõi chết. Véo von là phải. Háo hức, vồ vập cũng là phải. Nhưng sau thì có sự tiết chế. Cái miên man dàn trải không còn mà thay vào đó là những ý, những tứ được chọn lọc kĩ với những hình ảnh cô đọng hơn, chi tiết gợi cảm và đa chiều hơn:
“…Giữa lòng đất mẹ chở che
Còn bao đồng đội chưa về … Vô danh
Tiếng chuông nguyện đến Cổ thành
Còn nghe rõ tiếng điểm danh năm nào…”

Có một điều dễ nhận, Thơ Trần Trọng Giá thật, rất thật, thật đến làm cho câu chữ nhiều khi như biến đâu mất chỉ còn lại tình. Giống như người đãi cát, rong rêu nhẹ hều được sàng lọc biến dần chỉ còn lại những mẩu quặng nặng chịch.
“…Tiếng rao đêm thấy ấm lòng
Dạ lan thơm một mùa đông thật thà
… Khe sâu vách đứng mỏi mòn

    Nén hương cháy cạn khói còn vấn vương. Lão không mấy chú trọng quá đến đầu tư câu chữ. “Chiếc chuông gió có phát ra được tiếng leng keng phải nhờ đến những ngọn gió chứ đâu phải vì nó đẹp với những hoa văn cầu kỳ”. Trần Trọng Giá quan niệm như vậy. Và ngọn gió lành đầu tiên là tấm lòng của lão. Nó sẽ được những ngọn gió lành khác đón nhận, hoà đồng-Những ngọn gió lành của bạn bè và người đọc qua đồng cảm và sẻ chia.
Chính vì vậy nên khi nghe có người chê lão trong bài còn câu nọ, ý kia chưa chuẩn, lão hồn nhiên: tôi đã sửa đâu? Với lại sửa làm gì. Thơ tôi nó vậy mà. Vâng thơ lão vậy thì đành chịu. Ai thích thì đọc. Không đọc thì thiệt. Bởi lão khăng khăng cho rằng: Thơ là cảm. “Cảm” thấy sao thì cứ thế mà… “xúc”! Sửa nhiều nó mất cái chân thật đi. Thơ mà càng sửa càng mất thơ, càng hỏng.
Nhưng nói vậy thôi. Tuy nói “cảm xúc” là chính, lấy cái tình làm chính, nhưng bằng sự nghiêm túc cùng sự tôn trọng dành cho nghiệp viết, Trần Trọng Giá vẫn âm thầm chỉnh đốn. Bắt đầu là những lấp lửng tinh quái làm cho người đọc nhiều khi sững sờ. vẫn hương phố cũ ngày xưa/ Mà như đã…lại như chưa bao giờ.” Sau tiếp là những góc nhìn tinh tế “Hạt đời tách vỏ em ơi/ Đêm nghiêng vào cả tiếng cười em mơ…”
“… Đông tàn lùi lại phía sau/Mùa xuân từ lúc bắt đầu có em.” Và có vẻ trò chơi câu chữ cũng xuất hiện nhiều hơn “Chiều nay mùi nhớ hương bay/Có người khát một vòng tay một người…” Có tám chữ thì đến 4 chữ lặp lại nhau. Hoặc nữa “Ngày mai ơi! Ai có biết không/ Sợi tóc bạc chẳng gói đời nhau được nữa/ Nỗi đau… anh gửi vầng trăng cất giữ/ Chỉ còn em-anh ngày xưa và mưa…” Toàn bộ 4 câu trở thành một khổ thơ hay.
“Ngày mai ơi”… thời gian vô hình biến thành một đại diện, một chủ thể “Ai”… không xác định, không chỉ điểm. Có thể từ chối. Có thể nhận. Hoàn toàn phụ thuộc vào một “người trong cuộc”. Vừa vô hình lại vừa như đã được chỉ điểm… Rồi cũng trong câu thơ ấy, dùng hình tượng “Sợi tóc bạc để gói đời nhau”… là một cách dùng từ lạ. Và từ “gói” được đặt vào chỗ đắc địa khá độc đáo. Nếu là “buộc” thì thật nặng nề. Nhưng “gói” lại gợi một bao dung và chở che. Cái vô lý trở thành có lý. Hay cái ba chấm “…” và tiếp đó là từ “mưa” đứng độc lập… cũng tạo một bất ngờ thú vị. “Mưa” được đặt ở vị trí cuối của câu, nhưng lại thành một gạch nối -Gạch nối giữa em và anh. Giữa kỷ niệm và hiện tại. “Em-Anh-Mưa” tạo nên một thực thể thống nhất, không thể tách rời, không thể phá vỡ cho cả ba thì “quá khứ-hiện tai-tương lai”. Thêm cả tương lai vào nữa , bởi câu thơ đã mang dự báo cho một “viên mãn … buồn”.
Có một chủ đề chiếm một vị trí khá nổi bật, rất đáng chú ý trong thơ Trần Trọng Giá đó là “thơ tình”. Theo thông lệ … thơ tình tưởng chỉ dành cho những kẻ đang bình yên để yêu. Đang rạo rực xuân tình, đang khát tình, thậm chí đang thất tình, điên tình. Vậy mà có rất nhiều chàng lính làm thơ tình, và thật ngạc nhiên: thơ tình của lính thường rất hay. Có cái gì như dồn nén, như bù đắp cho cái thời “Đầu súng trăng treo”, bù đắp cho khi thèm đến ngơ ngẩn một chút hương hoa,
mà quanh mình toàn mùi thuốc súng “Áo tôi đạn xé bao lần/ Tóc người hao mấy mùa xuân đợi chờ -NTT”…
Đọc mà rưng rưng. Mà thấy có gì dội lên tức ran lồng ngực. Những câu thơ của Trần Trọng Giá khi này cũng vậy.”Dưới trăng thương bóng một người/ Qua gương thương tóc hết thời còn xanh…”.
 Trần Trọng Giá làm nhiều thơ tình, nhất là thơ tặng phái đẹp. Yêu gì mà yêu lắm thế. Bớt yêu đi chút, viết nhiều về những vấn đề xã hội, những bức xúc ngổn ngang, thân phận được không? Người ta bảo lão thế. Bỏ ngoài tai những khen chê, lão bất cần. Ôi giời, vừa uýnh nhau xong, mệt, nghỉ chút làm thơ và tranh thủ yêu người, yêu đời phát đã. Mọi thứ khác tính sau. Rồi lão cười sảng khoái. Phải thôi. Với một người lính thì cái chết còn chả sợ, ba cái chuyện lặt vặt sau hậu chiến là con tép. Dẹp lúc nào xong lúc ấy. Nghĩ sớm chi cho mệt. Nói sao làm vậy. Trần Trọng Giá vẫn dành thời gian rất nhiều cho yêu. Mà cách yêu cũng đặc chất lính. Không so đo tính toán. Không cân nhắc thiệt hơn. “Người yêu ta thế nào, mặc ta không cần biết…”. Đúng nghĩa là rất… văng mạng, rất bạt tử. Có gì hao hao cách yêu của mấy chàng trai choai quê lão vốn được ngấm ca dao từ ngày thuở cha mẹ vác gầu dai, gầu sòng tán nhau bên bờ ruộng.” Gặp đây anh nắm cổ tay/ Anh hỏi câu này, có lấy anh không?” Hoặc “Rằng yêu thì bảo là yêu/ Không yêu nói nói quách một điều cho xong”. Ờ, yêu thì gật, thì về cùng ta mắm muối, thơ phú, gió trăng. Không thì gậy ai nấy khua, bị ai nấy khoác. Chả sao cả. Trái đất hơn chục tỷ người, nồi méo vung méo lo gì.
Phải nói là Trần Trọng Giá rất có duyên với những bông hoa của “một phần hai thế giới” này.Nhiều người nhìn Trần Trọng Giá được dập dìu bóng hồng vây quanh,  thấy thơ yêu của lão bay ra như bươm bướm, tưởng là lão đào hoa lắm, tình tang lắm. Nhưng không phải. Lão khoái các EVA không theo lối thông thường của bọn đàn ông thô kiện, ít não, thừa cơ bắp. Lão chỉ là gã trai quê của vùng đất đồng chiêm trũng vốn quen nhìn trăng chìm đáy nước hơn trăng treo trên trời. Yêu như một Sư Thầy mê sắc, bị hút hồn bởi hương của những loài hoa quí trồng trước cửa thiền trong đêm trăng lạnh. Vậy thôi. Nghĩa là yêu chay! Chính lão cũng tự thú “Dù “ai” vô thức vô tình/ Yêu chay, ta vẫn một mình thầm mơ/ Rượu suông nhấp cạn trăng mờ/ Ruột tằm kéo sợi xe tơ gửi người…”. Yêu chay, yêu đơn phương. Thế thôi. Cũng chả mấy khi thấy phục kích hay đeo bám kiểu trường kỳ.Gặp như một run rủi, nhớ nhung theo thuộc tính, nhưng có đứng lại được cùng nhau không lại tuỳ vào duyên; không phải “duyên phận” mà là “duyên thơ”. “… Ta như người đuối nước/ Trong ánh mắt em cười/… Đời ta lãng tử phù du/ Xế chiều bóng ngả bên bờ sông em…”.
Đã có không ít EVA đọc những câu thơ ấy mà rồi bị bùa mê thuốc lú. “Chàng đi cho thiếp theo cùng/ Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam…”. Các EVA thủ thỉ bên lão như vậy. Nhưng lão đều lắc đầu. Lão lấy cảm xúc thơ làm tiêu chuẩn. EVA dù đẹp đến mấy, chân dài quá mang tai đi nữa, nhưng nếu không khiến cho lão “lên đỉnh” đến “xuất” thơ ra được thì cũng Bye

Bye sớm! Với lại, lão khôn chán. Cũng không giàu trí tưởng bở. Bởi lão biết tỏng mấy EVA kia chỉ “loãng moạng” ngẫu hứng vậy, mê thơ lão mà đong đưa, ra cái điều “tâm…khồn” vậy thôi. Không tin, thử đi. Ăn cú “đính chính” là cái chắc. Đang bụng réo èo èo nè, anh có gì cho em “lục mâm” không? Chứ “lục bát” thì… rằng là…mình hẹn kiếp sau nha anh. Lão cười tinh quái, đứng nghiêm, tay duỗi thẳng năm ngón áp chỉ nẹp quần và… đằng sau quay! Cũng đúng thôi. Bởi ngay từ khi lão xa nhà để xông vào nơi “đì đoành” đã có một người không chỉ muốn được “nâng khăn sửa túi” theo kiểu của những nữ nhi thường tình; mà còn sẵn sàng chấp nhận “nâng Ba lô sửa Bao súng” kiểu chinh phụ. Và tuyệt vời hơn, sau bao năm “chăn đơn, gối chiếc” giờ vẫn tiếp để lão lang thang “mỗi tuần chỉ cần về nhà một lần”. Còn lại dành thời gian đi tìm cảm xúc thơ. Nàng kiên nhẫn ngồi nghe thơ lão. Cặm cụi đọc thuộc rất nhiều thơ của lão, kể cả thơ viết tặng những bóng hồng khác.Rồi những khi trống vắng để quên đơn lạnh, nàng lại đem thơ lão ra mà ngâm vịnh. “Đó mới là bông hoa đẹp nhất, món quà kỳ diệu nhất mà chúa ban cho tôi”. Lão vênh váo tuyên bố với bạn bè và chắp tay thành kính ngửa mặt lên giời. Chị Huê người vợ mang “số độc đắc” của Trần Trọng Giá, một người đàn bà chân đất, dịu hiền như một bông hoa mà lão đã sớm “tậu” được từ trong cái quê tứ thời chiêm khê, mùa thối xưa kia là như vậy.
Trần Trọng Giá làm thơ, “hành thơ” . Rồi chẳng tránh nổi luật đời. Lão bị “thơ hành”. Giống như cái vụ có người gầy còm ốm yếu, tìm thuốc bổ uống nhiều vào cho béo khoẻ. Cuối cùng bị thuốc nó quật lại. Nứt chương, nứt phình, khoẻ không biết đổ vào đâu cho yếu bớt, để rồi phát cuồng.Vậy là khổ. Lão chả hơn gì. Đi đâu cũng ngơ ngác tìm hứng, ngồi đâu cũng lôi thơ ra đọc. Lão đọc thơ cũng theo thói quen của lính, có lúc chỉ “cắc bọp”, nhưng hứng lên thì xả một băng AK luôn. Làm được bài thơ nào là đút túi, đi tìm bạn đọc cho nghe liền. Gặp mưa, nắng thất thường, không đi nổi thì rút cái Alo ra . Lúc đầu chào một vài bài, nhưng sau thì một Seri nóng máy luôn.
Trần Trọng Giá đọc thơ cũng giống khi làm thơ. Nghĩa là như bị hành và như một giải thoát. Ngồi nghe lão đọc thơ, bắt nghe thơ, có thể ban đầu hơi khó chịu. Nhưng rồi, những hình hài thật bằng da, bằng thịt dần biến mất. Những câu thơ cũng chỉ ong ong. Còn lại là tiếng hổn hển của cơn sóng tình khi đã dâng tới đỉnh. Cái điên loạn của cuồng si, cái tung tẩy của gã trai lơ mới bị lưới tình vây bủa. Và lòng bỗng rưng rưng, nghèn nghẹn, thấy trước mặt mình không phải là một gã bị cơn say thơ vật nữa, mà là một con chiên đang hối hả xưng tội trước khi bị đóng đinh câu rút. Hãi thật. Quăng mình ra giữa đời để sống, để yêu và làm thơ. Và rồi như một bù đắp, chính những ngày tháng lăn lộn với đời, với tình, với thơ mà cuối cùng lão đã “ngộ” ra những cốt lõi. “Năm đi…năm lại quay vòng/ Vẫn là trong-đục-đục-trong cõi người… Thi nhân đứng giữa bến trần/ Thơ ứa lệ giữa trầm luân cõi người”.

     Quan niệm thơ, quan niệm về cuộc sống đã dần có những thay đổi. Trần Trọng Giá đã bắt đầu trầm lắng hơn, suy tư hơn và có nhiều hơn những câu thơ chiêm nghiệm kiểu như thế. Nhưng suy cho cùng, chiêm nghiệm, đúc kết chi chi, sâu sắc, uyên thâm thế nào thì điều cuối cùng thái độ sống mới là điều quan trọng. “Đi qua ghềnh thác núi đồi/ Vẫn dành nguyên vẹn nụ cười cho nhau”.
Có lẽ mục đích của thơ Trần Trọng Giá là như vậy. Giản dị và chân thành. Chúc đôi chân lính của Trần Trọng Giá mãi chân cứng cho đá phải mềm. Chúc nụ cười của lão cùng thơ mãi tươi trẻ và nguyên vẹn trong lòng bè bạn.

Sài Gòn tháng 6 năm 2024
  K. S

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây