N hà thơ: Lê Đức Nghinh
Là nhà báo, họa sĩ vẽ tranh nhiều thể loại, thiết kế logo thương hiệu có tiếng, hơn 10 năm qua, cựu chiến binh (CCB) Lê Tiến Vượng cùng các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Trái tim hồng-Tấm lòng Việt miệt mài theo đuổi hành trình thiện nguyện với slogan “xây trường-dựng ước mơ”.
Đêm lại niềm vui cho trẻ em vùng cao, miền núi phía Bắc. Từ "logo" đến "Trái tim hồng".
Họa sĩ Lê Tiến Vượng sinh năm 1961, tại thôn Hưng Giáo, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội; nguyên chiến sĩ Phòng Chính trị, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 trong thời kỳ chiến tranh biên giới phía Bắc. Sau 4 năm phục vụ trong quân ngũ, anh trở về thi đại học rồi lần lượt theo học tại Trường.
Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Trường Đại học Luật Hà Nội và Viện Đại học Mở Hà Nội. Có thể gọi anh là người nghệ sĩ đa tài trên con đường nghệ thuật, sáng tác hội họa, đồ họa. Anh từng đoạt rất nhiều giải thưởng về logo, áp phích của các tỉnh, thành phố, các tập đoàn, doanh nghiệp...
Bởi thế, anh em trong giới nghệ thuật đồ họa thường gọi anh là "Vượng logo". Anh nguyên là Trưởng ban biên tập mỹ thuật Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Ngoài đam mê làm báo, vẽ tranh, làm thơ, với bộn bề công việc, nhiệm vụ nào, ở cương vị nào anh cũng tạo được những dấu ấn nhất định.
Với thơ ca, anh có 6 tập thơ đã xuất bản, trong đó có 5 tập thơ lục bát. Thơ của anh gây được nhiều cảm mến của độc giả yêu thơ với những bài thơ từ làng ra phố, từ phố về quê trong đời sống quay cuồng thời hội nhập, tấp nập và ồn ã.
Hơn 4 năm gắn bó với mảnh đất vùng cao khi tại ngũ, anh cảm nhận được những khó khăn, thiếu thốn của bà con, nhất là các em nhỏ dân tộc thiểu số. Từ đó, trong trái tim anh luôn ấp ủ sẽ làm một việc gì đó để giúp đỡ họ. Người nghệ sĩ nói là làm. Hơn 10 năm qua, anh tình nguyện đến với đồng bào và trẻ em các dân tộc thiểu số phía Bắc để thực hiện dự án "xây trường-dựng ước mơ". Từ biệt danh "Vượng logo", bạn bè lại gọi anh với cái tên trìu mến “Vượng-Trái tim hồng”.
Hành trình thiện nguyện của anh bắt đầu từ năm 2013, trong một lần cùng các CCB Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về thăm đồng đội tại tỉnh Ninh Bình. Được biết gia cảnh một CCB vô cùng khó khăn, anh kêu gọi bạn bè, các văn nghệ sĩ, nhà báo quyên góp tiền giúp thân nhân đồng đội chữa bệnh và mưu sinh trong cuộc sống.
Từ những câu chuyện thiện nguyện vang xa, nhiều thầy, cô giáo, cán bộ đoàn nơi vùng cao xa xôi đã kết nối, gọi mời, nhờ tấm lòng yêu thương của anh cùng các nhà hảo tâm giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng những điểm trường ở vùng sâu, vùng xa. Từ đó dẫn tới sự ra đời của CLB Trái tim hồng-Tấm lòng Việt theo sứ mệnh “xây trường-dựng ước mơ”.
Anh đã tập hợp những người cùng tâm huyết, cùng đam mê, sẵn sàng sẻ chia để thành lập Ban lãnh đạo CLB Trái tim hồng-Tấm lòng Việt. Từ thuở ban đầu chỉ có 3 người, anh nhận trách nhiệm kết nối, lan tỏa cho nhiều nhà hảo tâm được biết, cùng tham gia. Đến nay, Ban chủ nhiệm CLB đã có 7 thành viên và gần 400 hội viên hoạt động rất tích cực, thường xuyên.
Những công trình ý nghĩa Thấm thoắt đã hơn 10 năm trôi qua (2013-2024), nhà báo, CCB Lê Tiến Vượng cùng hội viên CLB Trái tim hồng-Tấm lòng Việt đã vượt qua hàng nghìn ki-lô-mét an toàn để đến những bản làng xa xôi, hẻo lánh thuộc các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc. Theo đó là hàng trăm chuyến xe chở các đoàn thiện nguyện cùng hàng trăm chuyến xe chở quà các loại, đi và về trên những con đường bùn lầy, trơn trượt trong mưa lũ hay những cung đường đèo dốc ngoằn ngoèo, khúc khuỷu... Tâm huyết với khẩu hiệu “xây trường-dựng ước mơ”, anh cùng các thành viên trong CLB bền bỉ chung tay, góp sức xây dựng nên hàng chục điểm trường học, phòng ở cho giáo viên cắm bản, nơi lưu trú cho học sinh nghèo và những ngôi nhà tình nghĩa.
Đó là các công trình được xây dựng ở vùng xa xôi, hẻo lánh thuộc các tỉnh: Thái Nguyên, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Lai Châu, Tuyên Quang, Lạng Sơn (gồm: 6 trường tiểu học, 12 trường mầm non, 1 nhà nội trú, 3 nhà tình thương...). Không chỉ hỗ trợ xây dựng các điểm trường, nhà tình nghĩa, CLB cũng triển khai xây dựng 3 hệ thống bể nước đầu và cuối nguồn phục vụ sinh hoạt cho bà con dân bản và các thầy, cô giáo, học sinh ở một số điểm trường để không phải đi xa gùi nước sạch; cung cấp 7 tủ sách cho các trường mà CLB đã xây dựng, 1 tủ sách tặng Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu (Sơn La); mua 5 máy phát điện tặng một số điểm trường và bản làng, nơi CLB xây dựng điểm trường.
Ngoài ra, anh và CLB cùng cộng đồng quyên góp cứu trợ bà con bị mưa lũ, thiên tai, nhất là trong các dịp Tết Trung thu, Tết Nguyên đán... Với Chương trình “Tết sẻ chia-Tết yêu thương”, CLB đã tới thăm, giao lưu, tặng quà các điểm trường là đồ dùng học tập và quần áo, chăn màn, trao những phần quà Tết tặng các gia đình, học sinh khó khăn... Vào dịp lễ Giáng sinh hằng năm, anh cùng CLB tổ chức các chương trình như: “Ông già Noel lên vùng cao” tặng quà các hộ nghèo; thăm hỏi, chúc Tết bệnh nhân là bà con dân tộc thiểu số tại các bệnh viện miền núi phía Bắc; tổ chức chương trình ca nhạc từ thiện, đấu giá các tác phẩm nghệ thuật, gây quỹ "xây trường-dựng ước mơ".
Cảm thương những mảnh đời bất hạnh, Lê Tiến Vượng cùng CLB Trái tim hồng-Tấm lòng Việt đã dang tay đón nhận, giúp đỡ các cháu nhỏ mồ côi hoặc có hoàn cảnh khó khăn như: Cháu Hoàng Thị Hương (9 tuổi) và Hoàng Văn Cương (6 tuổi), người dân tộc Dao (xã Vân Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên), cả hai cháu đều mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Gia đình anh và CLB đã kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp tiền xây nhà, mua xe đạp và một số đồ dùng thiết yếu tặng các cháu, đồng thời hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng để các cháu chi tiêu sinh hoạt. Ngoài ra, anh còn vận động Quỹ Vừ A Dính hỗ trợ cháu Hoàng Thị Hương 500 nghìn đồng/tháng giúp cháu học hết bậc trung học cơ sở.
Năm 2015, biết tin cháu Nguyễn Thị Hường ở xã vùng sâu Vân Hán, Đồng Hỷ, Thái Nguyên thi đỗ vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhưng không có điều kiện theo học vì nhà nghèo khó, anh Vượng cùng vợ con lên tận nơi thuyết phục gia đình cho cháu Hường về Hà Nội ở nhà mình và chu cấp mọi chi phí để cháu tiếp tục học đại học.
Đến năm Hường tốt nghiệp đại học, anh cùng CLB lại mua tặng cháu chiếc xe máy để đi làm. Hiện nay, Nguyễn Thị Hường đã có công việc ổn định.
Hay năm 2016, biết tin có cụ bà 80 tuổi (ở Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội), hoàn cảnh nghèo khó, dù tuổi cao sức yếu vẫn phải nuôi 4 cháu nhỏ mồ côi cả cha lẫn mẹ, trong đó có một cháu đang phải điều trị bệnh lao xương, anh lại cùng CLB cần mẫn quyên góp, gửi biếu cụ một sổ tiết kiệm trị giá 67 triệu đồng để hỗ trợ chữa bệnh cho cháu và chi tiêu hằng tháng. Và còn rất nhiều trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh khó khăn được anh Vượng và CLB chung tay giúp đỡ... Những chuyến đi đầy ắp yêu thương của Lê Tiến Vượng và các thành viên CLB Trái tim hồng-Tấm lòng Việt đã truyền cảm hứng mạnh mẽ đến vợ và các con của anh.
Thời gian qua, họ đã đồng hành với anh và CLB trên mọi hành trình thiện nguyện. Những việc làm của CCB Lê Tiến Vượng cứ âm thầm, lặng lẽ nhiều năm như thế. Những dịp giáp Tết, chúng tôi thường rất khó gặp được vợ chồng anh cùng Ban chủ nhiệm CLB vì mọi người bận chia nhau đi trao quà Tết tặng các cháu mồ côi, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ kịp đón một mùa xuân ấm áp, đủ đầy.
Bằng ấy thời gian, với những chuyến đi không mệt mỏi, sức mạnh nào đã "tiếp lửa" để anh có thể làm được nhiều việc lớn và ý nghĩa như thế?". Nhà báo, họa sĩ, CCB Lê Tiến Vượng chia sẻ: “Đã hơn 10 năm CLB Trái tim hồng-Tấm lòng Việt ra đời và thực hiện hành trình "xây trường-dựng ước mơ". Những ngôi trường, những công trình thiết thực góp phần phục vụ các cháu học sinh và bà con vùng cao chính là câu trả lời về nguồn động lực của chúng tôi. Tới đây, tại những điểm trường vùng sâu, vùng cao xa xôi nhất những "Trái tim hồng" của chúng tôi lại lên đường để tiếp tục chắp cánh ước mơ cho trẻ em vùng cao, đó là sứ mệnh mà CLB đã chọn”.
Luôn là người khiêm tốn, giản dị, Lê Tiến Vượng cứ lặng lẽ gom góp, dành dụm, chạy đua với thời gian để cùng "Trái tim hồng" lan tỏa yêu thương trong cuộc sống.
L.Đ.N
Nguồn tin: Báo QĐND số 1463, 14/1/2024
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn