Phạm Thị Hồng Thu
Trong khuôn viên Triển lãm Mỹ thuật “Hà Nội trong mắt ai” ở 49 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, vào một buổi sáng tháng bảy nắng hè rực rỡ, chúng tôi được gặp gỡ giao lưu với Nhạc sĩ Trần Tiến. Thật là một vinh dự, một hạnh phúc không ngờ. Ông là một trong 40 tranh chân dung các danh nhân, những người nổi tiếng sinh ra và lớn lên ở Thủ đô hoặc thành danh ở Hà Nội được triễn lãm ở đây. Những bức tranh đẹp của họa sĩ Trần Thị Trường và các cộng sự.
Nhạc sĩ Trần Tiến là một nhạc sĩ nổi tiếng, có chỗ đứng trong lòng người hâm mộ đã từ lâu với rất nhiều bài hát hay như: Sao em nỡ vội lấy chồng, Chị tôi, Mặt trời bé con, Cô gái Sầm Nưa, Vết chân tròn trên cát, Chiếc vòng cầu hôn, Tạm biệt chim én, Tùy hứng Lý Ngựa ô, Tùy hứng Lý Qua cầu, Ngọn lửa Cao Nguyên… Vậy mà ông vô cùng giản dị, dễ gần và rất hòa đồng với mọi người. Ông sẵn sàng trả lời tất cả các câu hỏi của khán giả một cách nhiệt tình, say sưa và rất dí dỏm.
Qua cuộc trò chuyện, chúng tôi được hiểu thêm về cuộc đời ông, về sự ra đời của một số bài hát. Ông không được đào tạo bài bản về âm nhạc từ đầu, tài năng của ông là bẩm sinh thiên phú. Ông không chỉ sáng tác nhạc giỏi mà hát cũng rất hay. Giọng ông khỏe, ấm, vang dày, luyến láy, trầm bổng, có sức cuốn hút. Ông tự đàn cho mình hát và đôi lúc huýt sáo ở các quãng nghỉ và cuối bài, tạo thêm sự sinh động. Ông nhập vào tác phẩm như người lên đồng, thật ấn tượng, thể hiện một nghệ sĩ đa tài.
Tác giả và Nhạc sĩ Trần Tiến Nhạc sĩ Trần Tiến cùng một số Nhà văn tại Triển lãm
Nghe kể về cuộc mưu sinh vất vả của cuộc đời mình, chúng tôi rất xúc động, nghẹn ngào và càng kính trọng ông hơn, càng trân quý công sức lao động miệt mài vất vả, cực nhọc của ông, càng trân quý giá trị nghệ thuật ông góp cho đất nước. Có thời ông không có tiền nên phải sống nhờ bạn bè, phải làm nhiều việc để kiếm sống. Được bạn bè giới thiệu, ông đi hát ở quán, nhưng không thể hát mãi một bài, mỗi tuần phải có một bài hát mới và cứ thế ông đã sáng tác hàng trăm bài hát. Quả thật là “nghệ thuật vị nhân sinh”.
Ông kể, trong một lần trò chuyện với ca sĩ Khánh Ly - lần bà ra Hà Nội biểu diễn năm bà 80 tuổi, ông nói: “Mình như cao bồi chỉ chết trên lưng ngựa, người nghệ sĩ thì chết bên cây đàn. Các nhà báo nghe được, hỏi: Tên bài hát là gì, cao bồi, nghệ sĩ ạ? Anh có thể cho em nghe bài hát ấy không? - Vâng bài hát của tôi. Ông cười, đã hứa với nhà báo rồi nên về viết bài Cao bồi - nghệ sĩ: Cao bồi sống trên lưng ngựa, chàng du ca sống bên cây đàn, lấy tên Phiêu bạt.” Còn bài Cô gái Sầm Nưa ông sáng tác khi còn rất trẻ, khoảng 18 - 19 tuổi, là bộ đội tình nguyện Việt Nam ở Lào. Công chúa Lào rất thích bài hát này, đặt cho ông tên Lào là Xổm Bun, nghe thế buồn, nhưng hiểu nghĩa là “người được hạnh phúc vĩnh viễn” thì thật vui, cảm ơn công chúa. Bài Mặt trời bé con ông viết tặng các cô bé, chú bé nghèo không có tiền mua vé, chọc thủng một lỗ ở hàng rào tôn ghé mắt vào để nghe tôi hát, có chú bé trèo lên cành me để nghe, rất nhiều người xích lô, người lính như tôi muốn nghe tôi hát, tôi viết bài này tặng các bé, tặng mọi người.
Nay tuổi cao, sức yếu, lại bị bệnh nan y, nhưng máu nghệ sĩ vẫn thường trực trong ông. Ông vẫn sáng tác, vẫn hát rất say sưa. Ông tặng khán phòng ba bài hát rất hay: Mặt trời bé con, Phiêu bạt, Tạm biệt chim én. Lần này từ Vũng Tàu ra, ông không muốn nói lời tạm biệt Hà Nội dấu yêu, mà hát tặng khán giả Thủ đô bài hát Tạm biệt chim én cùng ca sĩ An Nhiên. Hát xong một bài, ông xin phép ra ngoài nghỉ ngơi một chút, thật thương ông, thật cảm phục ý chí, nghị lực và sức sáng tạo, sức cống hiến vô bờ của ông.
Kính chúc ông sức khỏe để tiếp tục hành trình, để khán giả được thưởng thức nhiều bài hát hay của ông.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn