Nhà văn Phùng Văn Khai
Nhà văn Như Bình - chị Như Bình với cá nhân tôi khá là thân thiết đã gần ba mươi năm. Thân thiết mà vẫn thấy xa vắng chẳng thể rạch ròi cũng không cần quá rõ ràng bởi giới văn chương thường như vậy. Tôi từng sững sờ khi gặp chị lần đầu áo dài trắng tinh khôi trong trại viết Văn nghệ Quân đội mùa hè Đồ Sơn 1995. Khi đấy, chị Bình, chị Hà như hai thỏi nam châm hút cánh trại viên nam khiến ai cũng chung chiêng bay là là mặt đất. Cậu Binh nhất họ Phùng hai mươi hai tuổi ngơ ngác bước vào địa hạt văn chương chỉ biết đứng nhìn không nói. Hình như tôi đã hát một bài gì đó tặng chị khi hai chị em đi dạo trên bờ biển một cách ngọng nghịu quê mùa khiến các ông anh Nguyễn Hữu Quý, Lò Cao Nhum, Sương Nguyệt Minh, Phan Tùng Lưu... cười ngất trêu tròng gán ghép. Rồi thông tin như có cánh cũng là lẽ thường tình. Tôi mặc kệ còn luôn quý mến chị khi vài năm mới gặp, khi tuần gặp đôi ba lần đều ở các hội nghị, hội thảo, trại viết lúc chị đã nổi tiếng lắm còn tôi bé mọn sáng tác cầm chừng vài truyện ngắn lèo tèo bởi công cuộc mưu sinh làm truyền hình cơm áo không đùa với khách văn chương.
Thấm thoắt thoi đưa, tôi và chị đều đã trở thành những sĩ quan cao cấp trong ngành công an, quân đội mà trong mắt nhau vẫn chẳng chút già đi? Chị vẫn xinh sâu đậm hút cánh đàn ông, còn tôi đã khác lắm, sáng tác dường như cũng chẳng kém gì thiên hạ. Tôi biết chị rất vui khi những tác phẩm cục gạch của tôi liên tiếp ra đời được bạn đọc đón nhận, được tái bản và tôi đã nhập cuộc rất tự nhiên trong văn giới với cá tính sáng tạo riêng. Tôi viết báo đều như chạy đua với chị, tất thảy các thể loại, khi thì thăm thẳm lịch sử mấy nghìn năm lúc lại viết về các cậu lính biên giới, hải đảo măng tơ, hồn nhiên, vụng về như ngày đầu trên biển Đồ Sơn gặp chị. Chị Bình bên ngoài tươi tắn thế, bên trong chắc chắn ánh đao bóng kiếm chập chờn. Người đời đã nói nhiều, viết nhiều về chị nhưng tôi đều cho rằng còn lâu lắm những bài viết, lời nói dù làm vừa lòng nhau hay đớn đau nhau mới chạm được vào bản chất thực của chị Bình. Vẻ bên ngoài ấy, chiều sâu nội tâm ấy làm sao có thể nắm bắt trọn vẹn bằng câu chữ? Bởi vậy chăng tôi mới đặt tên bài viết Chị Như Bình, cá hãy bơi đi! là lúc tôi nhìn bức tranh chị vẽ một đàn cá bơi trong hình hài vạn dặm, trong người đàn bà lồng ngực treo ngọn đèn dầu ngún lửa. Chị Bình! Hãy để tôi hiểu chị theo cách của tôi. Đàn cá ấy trở đi trở lại, ngược xuôi dưới ánh trăng thanh trên lòng biển thẳm cài trong mái đầu bồng bềnh người đàn bà biển môi hồng. Vừa là chị lại vừa không phải chị Bình, phập phồng, chuyển động trong sâu thẳm đại dương. Vẫn ngọn đèn dầu nơi lồng ngực, chị Bình đột ngột hiện hình trong vô vàn hoa bướm tung tăng ở một bức tranh khác của mình. Tôi lặng ngắm tranh mà nghĩ đến người, chợt nhớ một câu thơ tôi làm nơi phố biển: Mất dấu em xanh thơm tết tóc. Câu thơ độc hành độc bộ đến hôm nay không sao nối được thành bài.
Nhà văn Như Bình
Ít ai biết chị Bình từ quê ra Thủ đô với hai bàn tay trắng vừa viết lách kiếm tiền vừa tự mình làm nên tên tuổi không chỉ riêng chị mà còn cả những người khác. Biết mấy cuộc đời trong cuộc đời của chị. Chị Bình đã chọn đường khó để đi khi viết các chân dung đa đề vừa kỹ tính vừa mưa nắng thất thường, nên đã có lúc chị gặp phải những chuyện không vui. Tôi cũng từng như vậy. Từng hồn nhiên vấp ngã sưng tím mặt mày để hiểu được dấu chân dã tràng trên cát như ngày hai mươi tuổi gặp chị Bình đi trên biển Đồ Sơn xôn xao nắng gió sóng sánh trái tim biết bao người. Ngày ấy tôi thường ao ước viết được hay như chị và chị Trần Thanh Hà, một con người rất cá tính mà hai chị đã từng chiều chuộng nhau hết nấc. Văn chương ấy mà, vui giận để mà chi? Con người ấy mà, đúng sai dâu bể cũng chầm chậm
bước tới chiều tà rồi thanh thản đi về lòng biển mẹ. Tôi thấy hai chị đều đang từng bước, từng chặng đi hết biển của mình. Có lẽ nào chúng ta không đi hết biển của chính mình? Có lẽ nào chúng ta không tin vào lòng biển muôn trùng sâu thẳm nhưng ăm ắp niềm tin và lẽ công bằng? Bởi vì thế biển mới mặn mòi và cát kia mới thành thân cát trắng.
Chị Bình viết nhiều sách, nhiều truyện ngắn, tản văn, thơ và tranh, và viết báo thì khỏi phải nói rồi. Sức làm việc cuồn cuộn. Mười mấy năm với vốn văn chương thiên bẩm giúp chị viết hàng trăm câu chuyện khó tin nhưng có thật nổi tiếng trong lòng độc giả. Nhắc đến ấn phẩm An ninh thế giới tháng, cái tên của chị là một thương hiệu. Bây giờ chị làm tờ Văn nghệ Công an, một tờ báo văn chững chạc uy tín chẳng kém cạnh ai trên văn đàn. Như Bình ít giao du. Cảm giác chị luôn đi một mình trên đường. Ít giao du văn giới, ít bù khú nên thiên hạ còn lâu mới hiểu được chị. Có một thời chị mới ra Hà Nội, sóng gió thị phi xung quanh chị, công việc của chị, giáng vào chị từng đợt cũng là cái nghiệp cái duyên của chị. Tôi đoán định, trong thẳm sâu trái tim người con gái ấy, người đàn bà ấy, nữ nhà văn Thượng tá Công an ấy có không ít lỗ thủng thương tổn mà phần nhiều đều đến từ những đâu đâu. Đã là trái bóng thì phải lăn trên sân cỏ. Đã là ông trăng phải khuyết tròn chuyển động khôn nguôi. Chúng ta tuyệt không nên trách nhau, càng không nên khuyên nhau, răn dạy nhau phải sống thế này, thế khác. Phụ nữ đã sẵn thiệt thòi, phụ nữ đã đẹp mà lại vừa giỏi, vừa làm nên chuyện không cần phải luỵ ai, thì lắm lúc không mỗi đàn bà mà đàn ông cũng tị nạnh săm soi. Thói đời là vậy. Thì như vậy cũng có sao đâu? Tôi cũng không ít những nỗi niềm thậm chí có khi chỉ biết chôn thật chặt mà vui vẻ sống. Sống có ích và sống để yêu thương. Chị Bình cũng vậy. Chị không quan tâm ngoài kia thói đời sóng gió bão bùng. Như Bình biết cách tạo cho mình môt thế giới riêng tư không phải ai cũng chạm vào được. Chị đơn giản thôi, sống có ích và sống để yêu thương mới có thể viết ra những trang văn xanh như những tán cây, đớn đau vỡ rạn như sóng biển, và cũng đẹp lãng mạn như bóng trăng, ánh dương buổi chiều tà. Văn của Như Bình chau chuốt và đẹp. Những người chữ của họ đẹp, văn phong lãng mạn thì chắc chắn tâm hồn của họ không thể vẩn đục tục trần. Càng đọc của Như Bình, càng theo dõi chị từ xa, càng hiểu chị hơn. Thật ra Như Bình sống hồn nhiên, chân thật và dư thừa lòng tốt như những trang văn của chị. Chị Bình, cá hãy bơi đi đừng sợ! Chị là một nàng cá chép đã dám vượt vũ môn còn tiếc gì thân mẹ cha cho? Nàng cá chép trong vô vàn loài cá ganh đua, chèn lấn, thậm chí là dùng vô số chiêu trò để ép nàng, lừa mị và phỉnh phờ, củ hành củ tỏi nhưng nàng chép xinh đâu có quan tâm để ý. Nàng vẫn xúng xính áo quần, vây vẩy tung tăng lấy thân mình làm chuẩn tự vượt vũ môn. Nàng cá chép khờ khạo đã phải chạm trán vô vàn gai sắc, đá nhọn, xoáy nước hiểm nghèo trầy da tróc vẩy để thành rồng. Xác tín là như vậy nhưng tôi thừa biết chị chỉ muốn sống cuộc đời thực của mình chứ rồng phượng nỗi gì? Trèo cao ngã đau không phải là con đường chị chọn mà Như Bình chỉ ưa thích sống theo mình, làm những điều hữu ích, nhỏ thôi mà sao vẫn vi vảy đớn đau?
Chị Bình cũng lạ, hình như luôn muốn chọn giông bão để đi. Tác phẩm thì toàn đặt tên theo lối khiêu khích, đem tai ách về mình. Đó là “Giông biển” (Nxb Công an nhân dân, 1999); “Dòng sông một bờ” (Nxb Kim Đồng, 2000); “Đêm vô thường” (Nxb Hội nhà văn, 2002); “Bùa yêu”, “Người mang lại ái tình”;”Những ẩn khuất cảu số phận”, và bộ 12 cuốn Những chuyện khó tin nhưng có thật” (Nxb Văn học, 2015) với rất nhiều giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, báo Văn nghệ, báo Văn nghệ trẻ... và rất nhiều giải thưởng khác mà có khi chính chị cũng không nhớ hết. Thì cũng đã sao? Chẳng phải chị vẫn đang muốn đi hết biển của chính mình mặc đường xa dặm thẳm, mặc những hú họa cuộc đời. Dường như bây giờ chị Bình đã thiền hơn, có lẽ những đớn đau, mất mát đã rèn nên như vậy? Đối với tôi, chị như cánh đồng lúa tháng mười thơm thảo, cả mùi ngai ngái vệt bùn non trên bờ ruộng hoa cỏ may găm kín áo quần ram ráp như muỗi cắn cũng là để tăng thêm vị gạo đồng làng. Chúng ta bưng bát cơm ăn đã có lúc quên giọt mồ hôi nhỏ xuống của ông bà tổ tiên gốc rễ. Cũng nào trách được, chính ta nhiều khi cũng vô tình, cạn cợt, thiên kiến, tham lam mà làm tổn thương người khác, nhiều khi là cả những người thân.
Chị Như Bình, cá hãy bơi đi! Là cá thì hãy bơi hết biển! Cho dù là biển đớn đau hay hạnh phúc thì cá hãy bơi đi. Những mùa trăng cũng vậy mà khi trời động biển đen tối mịt mùng thì cá hãy bơi đi đừng sợ. Chỉ có thể tự mình vượt qua những bão giông, đêm đen gió lốc trùng trùng chính là để luyện rèn, để thiền, để viết những trang văn, bài thơ, vẽ những bức tranh.
Chị Bình, cá hãy bơi đi sá gì đường xa dặm thẳm, ngại gì ánh đao bóng kiếm muôn trùng cá hãy bơi đi, hãy sống đi, hãy tận hiến cho đời những gì xanh mát nhất.
Trong những lúc ngồi một mình xem tranh của chị, tôi bỗng bắt gặp một Như Bình khác, thoắt thâm trầm sâu thẳm mà thoắt ngờ nghệch, hồn nhiên. Tại sao đến tuổi này chị vẫn còn hồn nhiên, ngờ nghệch vậy trong khi bằng lứa bằng tác như chị không chỉ trong văn giới, báo chí mà ở ngoài kia người ta khôn, người ta sắc sảo hết phần thiên hạ rồi kìa? Điều này thôi thì hãy để tôi nói thẳng ra như vậy nhé, chị Như Bình.
Nguồn tin: Trần Gia Thái
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn