Đào Ngọc Chung
"MEN LỬA" NGÁT HƯƠNG SEN...
Ở tuổi 70, Trần Thị Nương đã đón sinh nhật bằng “Men Lửa”, một tuyển thơ dày gần 500 trang, Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Trên nửa thế kỉ cầm bút, chọn 322 bài, từ 17 tập sách đã xuất bản (trong đó có 16 tập thơ và 1 tập văn xuôi) đủ để bạn đọc thêm trân quý một sức làm việc bền bỉ, dẻo dai, nghiêm cẩn trên cánh đồng văn chương của tác giả. Sàng lọc trên 50 năm, vượt qua quy luật khắc nghiệt của thời gian, những câu thơ còn đọng lại trong lòng bạn đọc, hẳn là những hạt vàng đích thực.
Dễ tìm thấy những từ khóa "Tìm" và "Khát" trong "Men Lửa".
Với trái tim đa cảm của nhà thơ và đôi mắt sắc sảo của nhà báo, Trần Thị Nương khát khao, năng nổ đi tìm, phát hiện và tôn vinh vẻ đẹp đa sắc màu trong muôn mặt đời thường. Nhưng, là lẽ thường tình, trên hết và trước hết, là hành trình đi tìm tình bạn, tình thơ, tình yêu đôi lứa và ngôi nhà hạnh phúc của chính mình. Nhà thơ đã mở lòng:
"Tìm ai chín đắm mười say
Vượt rừng để đợi, vượt mây để chờ" và
"Lặn lội suốt trời Nam bể Bắc
Sống tìm người "đồng cảm" thế thôi ...
Rốt cuộc, ơn trời, chị cũng tìm được "người đàn ông trong mơ" của mình:
"Trong anh có người chồng Người bạn Người yêu
Là chỗ dựa của em cả khi trời bão tố "
(Riêng tư)
Hơn thế, chị còn tìm được người "đồng cảm" nữa: "
Anh
Vô tình trao em
Tư duy của bình minh
Sự lột xác của đất
Cách tân của lửa
Lặng im của những dòng sông
Cô đơn khôn cùng đỉnh núi ...
Bản đồng ca đồng cảm
Cây thánh giá tình yêu
Bất diệt!
(Bay về phía mặt trời)
Khi ấy những câu thơ như được chắp cánh, thăng hoa sau cặp kính màu hồng của trái tim "say nắng":
"Mẹ cho con " người đàn ông đích thực
Con được làm người - vừa đi bộ vừa bay"
(Mẹ đã cho con)
Và:
"Mình có nhau bay cùng năm tháng
Cõi tâm linh sáng cả địa cầu
Vương quốc của loài người
Ghế nào cao nhất?
Người mỉm cười nói nhỏ:
"Ghế người yêu"
(Thiên thần tình yêu)
Sự tận hiến, hết mình cho tình thơ - tình yêu tuyệt đỉnh thường mang lại những giây phút xuất thần cho thi cảm nhưng cũng là chiếc hàn thử biểu linh diệu, vô cùng nhạy cảm, phản ứng tức thì trước những biến thái trái chiều, những khoảng trống, khoảng cách hữu hình và vô hình giữa Đạo và Đời, thơ Trần Thị Nương còn mang tính phát hiện, tính dự báo:
"Tình yêu ơi có phải là thứ men kì diệu nhất
Thăng hoa ta trong hạnh phúc lặng thầm
Nhưng người lại là con dao hai lưỡi
Cứa sẹo đời ta những vết cùn"
(Tình Yêu)
"Nỗi đau thế thái nhân tình
Còn tê buốt kiếp chúng sinh bao đời?"
(Hương chiều)
"Tiếc trời mưa lút rừng ban
Sên đi bằng lưỡi Đậu oan cánh đào" (Tiếc) ...
Chính trong những giây phút "xao lòng" đó lại hiển lộ phẩm chất tâm hồn, bản lĩnh sống, bất ngờ lóe sáng tinh chất “Men Lửa” đích thực mang thương hiệu Trần Thị Nương! Hơn ai hết, chị là người yêu biển, khát đại dương xanh, vậy mà chiều nay, chị dứt khoát "bỏ biển":
"Chiều nay Biển đục bất ngờ
Sóng xé bờ này
Rác xô bờ khác
Ta chỉ khát tắm miền trong sạch
Thôi đành
Bỏ biển
Chiều nay"
(Bỏ biển)
Ở đâu và lúc nào chị cũng trung thành với tuyên ngôn sống của mình:
"Trong và sạch không thể nào khác được
Cả những khi ta ở kiếp sau rồi"
(Giếng khát)
Hơn thế, với thiên chức người cầm bút, không chỉ giữ riêng trong và sạch cho mình mà đó phải là thứ vũ khí, là phép thử, bộ lọc để nhận diện và chiến đấu với cái xấu, cái ác đã và đang làm ô nhiễm môi trường sống của chúng ta:
"Yêu là rửa những tâm hồn rác rưởi
Tráo trở, gian tham, đố kị, thấp hèn
Những cổ tay vấy bùn sau áo trắng
Những lưỡi mềm lắt léo thẳng thành cong
Yêu là diệt đến cùng loài sâu mọt
Gậm nhấm gầm cầu, gậm nhấm nhân tâm"
(Mặt trời yêu)
Khẩu khí ấy gợi nhớ câu nói khá thịnh hành, đậm chất "giáo dục" hiện nay: "Lấy cái đẹp dẹp cái xấu"! Và chị đã chọn cho mình, sau "nhiều bước ngoặt" một thái độ sống tích cực, thánh thiện:
"Chỉ có cách bay lên để sống
Trong quỹ ngày chật hẹp thời gian"
Chính những lúc trống trải, đơn côi giữa ồn ào phố thị chị lại thả hồn về "Vườn xưa", uống nước "giếng quê", nghe "tiếng quê", ngả vào hình bóng yêu thương của song thân... Tình đất - tình người trung du miền núi đã cho chị những câu thơ trong sáng, thật hạt, nghĩa tình! Phải là người con gái đất Tổ mới có câu thơ chân chất đủ sức lay động tâm hồn người xứ Huế thế này:
"Bao giờ được về với Huế
Cho tôi gọi "má" bằng "bầm"
Không thuộc, không hiểu, không yêu, không từng là cô giáo miền Trung du Đất Tổ, làm sao Trần Thị Nương có thể tựa vào đá để tự họa chân dung mình:
"Đá già nua - Em 17 tuổi
Ngô cứ rơi ngô cứ trổ mầm
Đá cứ lạnh và em cứ ấm
Sương cứ trời và đá cứ non"
(Đá núi)
Đúng là "Rưng rưng hồn đá thấm sang hồn người" như chính câu thơ Trần Thị Nương viết về nàng Tô Thị. Thơ chị đã ủ hồn đá, vượt qua bao sương giá khắc nghiệt, vươn về phía mặt trời, đơm hoa kết trái. Chị đã thực sự nương tựa vào thơ, tự tin và quả cảm, từng bước chạm đến bến bờ hạnh phúc.
Được dâng tặng bạn đọc đứa con tinh thần sáng giá mang tên “Men Lửa” ở tuổi bảy mươi, há chẳng là hạnh phúc không dễ có được của người phụ nữ làm thơ? Hơn thế, chị đã chạm đến "giây phút thần tiên", "tựa chiêm bao", "ngỡ mình không có tuổi", khi được cùng cháu nội ngắm hoa sen bên hồ tinh khiết:
"Ngắm sen
Cùng cháu nội
Ngỡ một ngày thần tiên
Lung linh hồ tinh khiết
Nở mê man bông trắng, bông hồng
...
Ngây ngất Hoa thơm tựa chiêm bao
Nào nụ
Nào hoa
Ríu ran chào hỏi
Ngắm sen nở.
Ngỡ mình không tuổi
Chỉ nhớ đời bùn
Lọc dưỡng chất nuôi sen..."
Phải chăng đây là tấm ảnh quý nhất, như độc bản, ghi lại thần thái và cảm xúc viên mãn, trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc đích thực của nhà thơ Trần Thị Nương. Bài thơ như một cái kết có hậu, giúp bạn đọc thêm yêu và hiểu tinh chất làm nên "Men Lửa". Vâng, “Men Lửa” ngát hương sen, lọc qua tâm hồn trong và sạch.
Khu tập thể Ba Tầng, 25/4/2022
Giới thiệu một chùm thơ trong tập “Men lửa” của nhà thơ Trần Thị Nương
KHÁT BẠN
Tìm người người ở nơi nao
Đường hun hút gió lá xào xạc rơi
Ai lia tia chớp cuộc đời
Vầng trăng khát bạn đầy vơi một mình.
VẤP
Cheo leo
đèo không bao giờ vấp dốc
Quanh co
đường không bao giờ vấp vực
Gập ghềnh
lối không bao giờ vấp đá
Rậm rạp
rừng không bao giờ vấp dây
Thơm lừng
núi không bao giờ vấp quả...
Về núi gặp người tri kỷ
Đời xanh vĩnh hằng
Thơ tôi đã vấp cung đàn trăm năm.
CON THUYỀN
Khi sinh ra đã có thơ rồi
Thơ dắt tôi từ bến bờ của
Mẹ Lặn lội đời người chớp lóe
Mưa trong dần từ phía những lời ru...
Tôi yêu thơ như bến trống đợi đò
Hạt phù sa hóa thân vào đốt mật
Thơ nhức buốt thoáng qua tà áo Phật
Phong phanh chưa đủ kín tâm xà.
Thơ che người gom cỏ cuối trời xa
Bạc áo đê làng oằn lưng chống bão
Thơ xa lạ với trống không huyên náo...
Nhập hồn ta ngời ngợi với xanh non
Thơ - con thuyền tải đạo bình tâm
Gắn mọi kiếp người buồn vui trăn trở
Đời có thơ nồng nàn tri kỷ
Thơ có đời vô tận thời gian...
CUNG BẬC MÙA ĐÔNG
Mùa đông đấy ư? Qua bao mùa rồi mới gặp. Ta khát mùa đông để tìm ra thần luật. Thiên nhiên làm chi rắc lạnh xuống lòng người? Mùa đông hát lên trong lá vàng tươi, đưa đẩy búp cành tự cho mình rộng dài hơn mùa khác... Thời gian như Đức Mẹ nhân từ thản nhiên nghe những lời giá buốt, vừa liệng vừa rơi xào xạc dưới chân người... Cái u uất trong lòng dồn nén bấy lâu nay, không cảm nổi mùa thu đằm thắm, không lay được mùa hè cháy bỏng, không ngát hương biếc lộc được như xuân... Bàng hoàng nghe đông rú, đông gầm, trút cơn sốc gió mùa bạc nhược. Đông đắng đót nhận ra mình phút chót, bóng đổ dài co lại chỉ hạt sương...
Tình của đông đã thấu muôn phương. Gieo gió tung mưa nhận về bất hạnh; đố kỵ ghen tuông khẳng định sự thấp hèn. Mùa đông nào xuống dưới độ âm mà ngó sen hồng vẫn đợi ngày mở hương bên hồ cũ? Đời trao ta làm chức Người cao quý. Ta trao đời lẽ sống, niềm tin - thứ lộc vàng biết trao và biết nhận, không một tơ vương gì như khi nhận lộc trời, lộc đất... Thanh thoát, diệu kỳ giữa cung bậc mùa đông...