PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn, những ngọn nguồn văn chương và lịch sử

Thứ năm - 01/06/2023 08:19
PGS,TS, Nhà văn Nguyễn Hữu Sơn
PGS,TS, Nhà văn Nguyễn Hữu Sơn


        Nhà văn Phùng Văn Khai

 

    Người đời thường biết tới một PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn - Viện phó Viện Văn học với tư cách nghiên cứu chuyên sâu về văn học Cổ - Cận đại Việt Nam, giảng viên kiêm Chủ nhiệm khoa Văn học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội chứ ít ai biết ông còn là một chuyên gia nghiên cứu lịch sử. Với cá nhân tôi, sau các kỳ cuộc mời ông đi điền dã và viết các tham luận cho Hội thảo khoa học lịch sử cấp quốc gia, tỉnh, thành phố về họ Phùng trong tiến trình lịch sử, Bố Cái đại vương Phùng Hưng, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, Hữu tướng Phùng Thanh Hòa, Thái phó lưỡng triều Lý - Trần Phùng Tá Chu... đã thấy rõ một Nguyễn Hữu Sơn rất sâu sắc trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử.

Trong các cuộc Hội thảo về lịch sử và các nhân vật lịch sử, Nguyễn Hữu Sơn không chỉ am tường và có chính kiến riêng, mà điều quan trọng nhất, là ông rất chú trọng sự khoa học khách quan trong nghiên cứu lịch sử. Bởi vậy, các ý kiến của ông đều thấu lý đạt tình trên tinh thần khoa học. Không bỏ sót, càng tuyệt không thêm bớt để làm rối rắm thêm các vấn đề còn đương tranh cãi. Tôi còn nhớ, trong Hội thảo về Thái phó lưỡng triều Lý - Trần Phùng Tá Chu, ông cùng với nhà văn Hoàng Quốc Hải, TS. Đinh Công Vỹ, nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên đã tỏ ra rất quyết liệt và xác đáng khi khẳng định công lao to lớn của vị Thái phó vốn bị các sử quan phong kiến các triều đại về sau kết luận ác ý và phiến diện. Cái lý của ông đưa ra rằng, đã làm đến quan Thái phó lưỡng triều Lý - Trần, thầy dạy của hai vị vua cũng là cặp vợ chồng nổi tiếng Lý Chiêu Hoàng - Trần Cảnh, vâng mệnh vua soạn ra chiếu lệnh bố cáo thiên hạ ắt phải là người tài giỏi khí phách, đặc biệt chỉ vì đất nước non sông. Khi ấy, vó ngựa Mông - Thát đã lăm le bờ cõi mà đám hủ nho trong triều vẫn ôm khư khư cái gọi là “trung quân”, “tôi trung không thờ hai chủ” mới là cái vạ mất nước cho ngoại bang. Ở Hội thảo ấy, tham luận của Nguyễn Hữu Sơn quả thực đã lay động lòng người.

Tôi lắm lúc rất lấy làm ngạc nhiên, sao ông hiền vậy mà trong những lúc cần thiết lại cương cường cứng rắn đến tận cùng như vậy? Để làm gì? Tiết tháo của kẻ sĩ bây giờ người đời có cần nữa không? Xung quanh chẳng phải đã nói một chiều theo một giọng để vừa lòng lẫn nhau hay sao? Sao ông còn đương những việc khó khăn như mua dây buộc mình? Nói đấy rồi lại tự trả lời đấy, bởi Nguyễn Hữu Sơn cốt cách người Kinh Bắc, sinh tại Lục Nam, tỉnh Bắc Giang vốn cứng từ trong xương cứng ra, lúc tươi miệng cười đùa cũng là lúc giữ chủ ý của mình dẫu non sông dịch chuyển vẫn quyết không suy suyển. Cái cuộc ông biên soạn cuốn Tản Đà, những âm thanh thực - mộng (2019) càng rõ tính khí của ông. Một người đã mê Tản Đà đến như ông hẳn đã biết được căn cốt của những khoái thú ở đời trước tiên là sự độc lập trong suy nghĩ, muốn nghĩ gì thì nghĩ, ăn chơi là do ta kiểu như Tản Đà chăng? Cụ Tản Đà đã từ lâu về với thế giới của người hiền mà các hậu sinh về sau trong đó có Nguyễn Hữu Sơn ngày càng đông đúc cũng chính là vẻ đẹp từ ngọn nguồn văn chương, ngọn nguồn lịch sử.

Cơ mà Nguyễn Hữu Sơn làm việc mới thực sự đáng kinh ngạc. Anh em văn chương, lịch sử ới cái đi liền. Không phải để đi chơi mà để hiện hình ra những nghiên cứu về văn chương, lịch sử. Nguyễn Hữu Sơn làm quan đã dày dặn (Phó Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Văn học từ năm 2006; Phó Viện trưởng Viện Văn học kiêm Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện từ năm 2012 đến lúc nghỉ quản lý, 2020 nghỉ hưu); nhưng ông làm việc còn kinh khiếp hơn: chuyên khảo, sưu tập: 27 công trình; tiểu luận, nghiên cứu, phê bình văn học: 175 công trình; nghiên cứu, tham gia với tư cách chủ nhiệm, thành viên, đồng tác giả các đề tài cấp Nhà nước, cấp Viện: 12 đề tài; đào tạo 16 nghiên cứu sinh tiến sĩ và trên 50 học viên thạc sĩ, chủ yếu về văn học Cổ - Cận đại Việt Nam... Sơ sơ như vậy đã thấy ông như dãy núi đồi trùng điệp cây cối xum xuê suối nguồn tươi xanh muôn hình vạn trạng. Văn nghiên cứu của Nguyễn Hữu Sơn viết vừa chặt chẽ vừa thanh thoát, có lúc như bóng đao ánh kiếm buốt lạnh lại có khi mềm như nước như trăng đều thấm đẫm lịch sử quyện hòa. Ở một người nhỏ nhẹ như ông, lấy đâu ra ngọn nguồn văn bút ấy? Điều này có lẽ chỉ có Nguyễn Hữu Sơn mới có thể tự trả lời.

Có những cuộc, khu vực nghiên cứu phê bình nơi ông công tác, nơi ông từng làm thủ trưởng đã chênh chao, sóng sánh; đã diễn ra những việc không đáng có và anh em đã hỏi ông, thậm chí là chất vấn ông, ông đều lặng lẽ mỉm cười. Một nụ cười nhuốm phần xa vắng và cay đắng. Người đời có quyền hỏi lắm chứ? Nhưng họ đâu biết, với những người như Nguyễn Hữu Sơn, thì những xục xịch, tị nạnh nhuốm màu ám toán lẫn nhau kiểu như vậy đều nằm ngoài tư duy của ông, ông đều gạt nó ra khỏi trí óc mình để trọn vẹn một ngọn nguồn đam mê văn chương và lịch sử. Ở những nơi thanh sạch như văn chương, lịch sử, chuyện nanh nọc đàn bà chẳng thể nào vấy bẩn được ngôi đền thiêng biết bao thế hệ tài năng dày công hun đúc. Đó cũng là đạo lý ở đời.

s
  Nhà văn Nguyễn Hữu Sơn trong buổi tọa đàm

Nguyễn Hữu Sơn mê văn chương lắm lắm. Ông mê và đau xót tưởng như đứt từng khúc ruột mỗi khi nhắc tới Nguyễn Trãi. Ông từng biết bao đêm đọc vạn lần câu thơ của Nguyễn: Họa phúc có nguồn phải đâu một buổi,/ Anh hùng di hận mấy trăm năm. Nguyễn Trãi là một bậc đại sĩ, một bậc quốc sĩ mà cuộc đời còn ra nông nỗi ấy, huống hồ là đám hậu sinh về sau vừa hợm hĩnh vừa nông cạn thì kẻ cường quyền khinh ghét cho cũng là lẽ thường thôi. Nguyễn Hữu Sơn buồn nỗi ấy cũng là đau nỗi ấy. Bởi vậy chăng ông rất khoái đi cùng, nhập cuộc cùng đám sáng tác bọn tôi vốn coi trời bằng vung, gần chùa gọi bụt bằng anh, sẵn sàng nhồi nhét đủ thói thường vào miệng mồm vua chúa. Trong các cuộc Hội thảo và ra mắt tiểu thuyết lịch sử của tôi, Nguyễn Hữu Sơn luôn tỏ ra đồng cảm và chia sẻ. Có lẽ do nhà văn đã kéo gần vua chúa lại, cởi trần cơm cháo với muôn dân hoặc là văng tục đôi lúc càn rỡ để cho các nhân vật sống động dưới ngòi bút của mình? Ở lúc này đây, PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn thật gần với người sáng tác.

Nguyễn Hữu Sơn có biệt tài nghiên cứu và luận giải về văn chương của các bậc vua chúa, tiên hiền: Lê Thánh Tông, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Cao Bá Quát, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Khuyến, Trần Thế Xương... theo một cung cách riêng. Ông không chỉ hiểu thơ văn họ mà còn hiểu sâu sắc thời đại và thời cuộc của mỗi con người. Cái tài tình nhất là Nguyễn Hữu Sơn đã soi rọi và so sánh, biểu đạt và đưa ra những thông điệp với thời đại hôm nay. Thỉnh thoảng, ông lại nói với tôi rằng, chúng ta đang sống trong một thời đại cũng được đấy chứ, có sao dùng vậy cũng là tốt lắm rồi, chẳng nhẽ lại đòi về sống thời Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh tương ứng với Triệu, Đinh, Lý, Trần, Lê... mới là thỏa lòng mong ước? Ôi Nguyễn Hữu Sơn! Ông giễu nhại hay ông mắng mỏ chúng tôi cũng thế thôi! Đã là nòi chữ nghĩa, lắm lúc dại nhiều hơn khôn, say nhiều hơn tỉnh, toàn ôm lấy những bóng chim tăm cá tận đẩu đâu chứ miếng chín trước mắt đưa vào trong miệng rồi chắc gì giữ được. Thì cái việc anh em văn bút so sánh về thời Triệu, Đinh, Lý, Trần... cũng là một lẽ thường thôi.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn cả một đời gắn bó với nghiên cứu văn chương và lịch sử. Văn chương và lịch sử trong trước tác Nguyễn Hữu Sơn là thứ văn chương lịch sử có thật, luôn hiện hình sống động và đặc biệt có ích trong đời sống muôn màu sắc của chúng ta. Đối với ông, lao động nghề nghiệp vừa là niềm tin vừa là lẽ sống. Có những niềm tin bị đánh cắp. Không ít lẽ sống bị dập vùi. Nhưng chúng ta vẫn phải tin và nhất là phải sống đến tận cùng sự thật cuộc đời mình để viết ra những trang văn hữu ích. Đó cũng là trách nhiệm với lịch sử, với văn chương.

Thời gian gần đây, thi thoảng chúng tôi mời ông về chính quê hương ông, mảnh đất vùng Kinh Bắc để nghiên cứu về văn chương và lịch sử. Hôm đi điền dã các danh thắng vùng đất Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, bên mấy cô gái trẻ, vẫn thấy Nguyễn Hữu Sơn hăng hái nói cười tíu tít. Vậy mà lúc tách riêng một mình, bên góc sân chùa bia đá rêu phong, lại thấy ông bảng lảng ẩn chìm sương khói vân vi ngẫm ngợi như một bậc tu hành.

Đối với cánh nhà văn U40, U50 chúng tôi, Nguyễn Hữu Sơn vừa như người bạn, vừa như người thầy đã suốt mấy chục năm ròng mà vẫn còn mới mẻ tinh sương.
PVK.

Nguồn tin: HNV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây