VI THÙY LINH - Sự bừng dậy của nàng quận chúa thơ Việt thời kỳ đổi mới

Thứ bảy - 13/01/2024 08:18
Nhà thơ Vi Thùy Linh
Nhà thơ Vi Thùy Linh
  

      Bùi Văn Kha

   Sau thế hệ nữ thi sĩ tài năng sáng chói thời kỳ chống Mỹ cứu nước như Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Ý Nhi, Lâm Thị Mỹ Dạ,…đến thời Hậu chiến, rồi thời Đổi mới, trên thi đàn cũng có những nhà thơ nữ tài năng khác, nhưng chỉ là sự tiếp tục của thi pháp hiện thực. Có tìm tòi, phát hiện, thậm chí là muốn làm khác đi , nhưng vẫn dựa trên giọng điệu truyền thống, mà không đưa đến một luồng gió mới. Dù là tự sự hay trữ tình, thì họ chỉ đổi áo xanh dép lốp sang áo nâu guốc mộc, sau này là quần bò áo phông, áo dài giày cao gót, vẫn rõ là người phụ nữ Việt Nam của hình chữ S bên bờ biển Đông.
Khoảng những năm đầu 90 thế kỷ Hai mươi, tôi quen thân với các nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Hoa , nhạc sĩ Ngọc Đại, đăng bài trên tạp chí Sông Hương, mới biết đến Văn Cầm Hải phá cách, và đó là lúc tôi biết Vi Thùy Linh.
Lúc tôi làm ở chỗ nhà thơ Bằng Việt, cuộc tranh luận về thơ Vi Thùy Linh giữa một bên là báo Người Hà Nội do nhà thơ Bế Kiến Quốc làm Tổng Biên tập, đại diện là ngòi bút nhà thơ, nhà báo Hoàng Xuân Tuyền, với một bên là các nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha nổ ra, có lúc căng thẳng như một cuộc đấm bốc. Lúc ấy, Vi Thùy Linh mới hai mươi mốt tuổi, nổi danh cũng 5 năm rồi. Tôi chưa “vỡ chữ” thơ chị (chữ dùng của nhà lý luận văn học Nguyễn Thị Minh Thái), đành phải theo bài Đọc thơ Vi Thùy Linh của anh Bằng Việt, mà rằng cái sexy ấy cũng chẳng có gì hơn.
Nhưng Vi Thùy Linh hiện diện từ ấy tới nay với tư cách nhà thơ tài năng tốp đầu của các nhà thơ Việt Nam thời Đổi Mới là thực, thực như các tập thơ Khát (thơ, NXB Hội Nhà văn, 1999), Linh (thơ, NXB Thanh Niên, 2000) của chị, có tập được anh Nguyễn Trọng Tạo vẽ bìa đoạt giải bìa sách đẹp nhất năm của Hội Nhà văn Việt Nam; được anh Ngọc Đại phổ nhạc thành băng Nhật Thực, ca sĩ Trần Thu Hà hát, thành sự kiện của đời sống văn hóa văn nghệ xã hội những năm đầu thế kỷ Hai mốt. Tôi nghe theo Hoài Thanh mà rằng, văn chương chỉ nêu cái hay, cái đẹp, cái được thôi, còn ba cái chuyện không đâu thì để ý gì cho thêm nặng đầu.
Vi Thùy Linh xứng danh Quận chúa thơ Việt, như nữ sĩ Hồ Xuân Hương là Bà Chúa thơ Nôm. Là tôi nói về giọng điệu, chứ không phải vị trí văn học sử. So sánh với danh nhân cũng không phạm điều cấm kỵ gì. Chỉ là tiếp tục truyền thừa sáng tác thôi. Tôi đoán rằng, khi sáng tác, Vi Thùy Linh cũng không xuất phát bởi điều này, mà phong cách sáng tác của chị bừng dậy điều đó.
Vi Thùy Linh đã cởi phăng những áo quần truyền thống dân ca phong tục bằng tư duy sexy bản thể nghệ thuật tự nhiên. Vẻ đẹp giống cái đẹp như bông hoa không riêng mình mà cho tất cả, nhưng đêm nay chỉ có anh thôi. Thơ tả văn hóa tình dục, đi từ cảm giác, thấy được cơ thể thần thoại cổ nhất của phụ nữ Lạc Việt – đáy mềm Âu Cơ, cuồng hoa đến cõi Niết Bàn dục vọng Tây Tạng, người đàn bà khai nhị khai váy hoan ái chức năng tình dục sinh sản ấy thấy hấp dẫn một phim tình. Tôi học triết học, đoạn C. Mác nói về tính dục và giao hợp lên đỉnh, thấy triết học khoa học và trần trụi, chứ không ngập tràn tưởng tượng, như “Hoa Thuỳ Linh /Đàn đàn mũi tên bay từ giữa hai đùi /Bắn nát sự cam phận.
Âu Cơ

Hoa một loài một bông độc sáng
Giữa những đoá hồng đen dập dìu khắp không gian mịn ướt

Hôm nay lại tiếp tục thói quen cầu ước
Khi ngồi quán trên cao uống nước đu đủ
Để dồn đủ một đêm tình tự
Trong lòng anh, em khai thị thế gian

Phiêu diêu mắt, thấy con đường tơ lụa
Phiêu diêu lưỡi, chạm đáy mềm Âu Cơ

Ly rượu dan díu mùi đàn bà
Nước mắt không thể ngấm thêm được nữa
Ta tạo dị bản ta, chống đỡ
Dan díu men mê man
Mật khẩu nẻ lá môi thâm nhập

Hồi hộp đến cuối đường tơ lụa
Tây Tạng mê ảo cuồng hoa
Trứng nhộn nhịp thụ thai
Âu Cơ rũ váy rũ nghiệt ngã
Lại hứng hứng gió thốc
Thôi miên những cánh cửa chồi răng

Hoa Thuỳ Linh
Đàn đàn mũi tên bay từ giữa hai đùi
Bắn nát sự cam phận.

Thơ, như thế là đưa văn xuôi đặc tả vào ngôn ngữ hình tượng. Thơ đã phá cái ước lệ của kịch, mà vẫn đầy kịch tính sân khấu; đã không còn cái tượng trưng của chèo tuồng, mà vẫn giàu tích chuyện trên chiếu cửa đình xưa. Thơ , bằng tư duy và tưởng tượng, đã cảm quan hiện thực thành mỹ học. Cái hành động “Âu Cơ rũ váy rũ nghiệt ngã /Lại hứng hứng gió thốc /Thôi miên những cánh cửa chồi răngđoạn tuyệt để hứng khởi hữu thể, là một cách nói mới.
Sự hấp dẫn của tưởng tượng còn ở “Cơn gió đực/Làm tình một mình trên mái/Anh tô son môi em chín chín lần trong buổi tối bằng môi anh/Điệu Samba thôi miên mùa thu/Rượu Bohême đổ không biết cạn/Tha bổng mọi ưu phiền ma mị”. Thơ hay cũng ở việc đáp ứng thị hiếu giải trí. Tôi đọc “Sính lễ trải xuống em nằm/ lưng anh lưng em lưng sóng” chỉ thấy mỉm cười. Thơ tinh, miêu tả càng tinh, lại bất chấp nữa, thì cần phải tụng tán gì nữa.
        Bản đồ tình yêu

 Thềm mưa thềm mưa
Phấn hoa bay trên làn da cẩm thạch
Trời trong vắt như bình vang trắng

Cơn gió đực
Làm tình một mình trên mái

Anh tô son môi em chín chín lần trong buổi tối bằng môi anh
Điệu Samba thôi miên mùa thu
Rượu Bohême đổ không biết cạn
Tha bổng mọi ưu phiền ma mị

Anh -
Matador chính hiệu
Lao vào đấu trường nguy hiểm
Tấm vải đỏ thành cờ thắng trận
Sính lễ trải xuống em nằm
Lưng anh lưng em lưng sóng

Vòm vòm hoa anh đào lấp lánh
Hạnh phúc không khó bắt như bầy sóc ăn hạt dẻ ngoài kia
Căn phòng thành đại dương
Em đi không ướt gót
Chiếc gối lưu dư chấn
Búp búp chồi lồng ngón
Thời gian thành rừng rêu
Anh cùng em làm bản đồ tình yêu
Chân mây thẳm thẳm
Xoải cánh mùi thịt da lồng lộng
Em luôn muốn hôn anh cẩn thận
Xiêm y vũ hội là làn da xuân
Dâng thuỷ triều sắc đẹp
Tiếng trầm trồ hoà nhạc
Mọi khách mời cùng nhảy Pasodobe khởi đầu
Suốt đêm suốt đêm
Những khát khao được giải phóng
Lời hẹn ước tiên báo tương lai
Ngày mai ngày mai nữa
Bản đồ vẽ thêm vùng cho đủ hết những người phụ nữ chưa được nâng niu
Tâm thất đang rung lời tiên đoán
Tâm nguyện chính đáng là nguyên cớ hành trình không nhút nhát
Hãy vĩnh biệt cuộc sống tĩnh mịch đơn điệu
Chịu đựng nô lệ giới tính bằng bị động
Hãy yêu nhau, đừng chần chừ nữa!
Đừng giam đời trong hèn yếu, sợ đàm tiếu điều tiếng lên án từ những kẻ vô hồn bạc nhược
Nào cùng đi
Chẳng thêm một giây chần chừ

Em dài quên cân đối

Ngày mới ly thân bóng tối
Đám bỉ ổi ăn năn trong hiu quạnh
Quỷ sứ chen nhau chạy về nghĩa địa

Kiêu hãnh dưới mặt trời
Sắc đẹp - hiểm hoạ được tồn vinh
Chân bước trên lối sỏi tím, sỏi bay theo tóc
Bề mặt bản đồ - lớp da phòng vệ nỗi đau bảo hộ chấn thương
Những người điếc nghe nhạc mải mê
Những người mù say sưa chụp ảnh
Những người câm reo cười nhún nhảy
Những người liệt chạy tung tăng hoan hỉ
Cùng cởi bỏ đời mình bằng tâm trạng đang yêu
Chiều ngọc lam
Xem trẻ con chơi
Anh lại tô mọng môi em bằng môi anh, lần thứ chín trăm chín chín

 
9.2005, tập Đồng tử  2005.

Bài thơ này đúng là tuyên ngôn nữ quyền về tình yêu, tình dục cao thượng còn gì!
 
Ở câu chuyện khác. Cô gái nghiễm nhiên trở thành hoàng hậu, dệt áo tầm ma (lá gai) giải thoát lời nguyền cho các anh của Andersen, gai đâm ngón tay buốt tim hàng đêm. Vi Thùy Linh, đơn giản nói hộ nỗi lòng xa nhớ. Giờ không có trấu đổ vào xay, không có ao để nhảy ào xuống dầm. Nhưng cô chung thủy và đau đớn trong sự thủy chung đó.
Ngày nối ngày bằng hy vọng
Em là người dệt tầm gai...
Em nhẫn nại chắt chiu từng niềm vui
Nhưng lại gặp rất nhiều nỗi khổ
Truân chuyên đè lên thanh thản
Ôi sự trái ngược - những sợi tầm gai!

Không kỳ vọng những điều lớn lao
Em lặng lẽ dệt hạnh phúc từ những nỗi buồn - những sợi tầm gai - không ai nhìn thấy
Gai tầm gai đâm em đau đớn
Em chờ Anh mãi...
Tưởng chừng không thể vượt qua nổi cái lạnh, em đã khóc trên hai bàn tay trầy xước

          Cũng là các cô gái trong thơ thật đánh trân trọng. Họ yêu, nhưng họ cũng khổ, như người con gái khi yêu đa phần đều khổ. Nhưng họ có tấm lòng son, mà bây giờ là lúc nào chứ. Cách thế kỷ mới có một hai năm, mà cứ ngỡ chuyện những nghìn năm.
Người dệt tầm gai

Người yêu!
Chúng mình ở hai miền
Ngày nào em cũng khóc...

Anh yêu của em
Em yêu Anh cuồng điên
Yêu đến tan cả em
Ào tung ký ức
Tim em rộn lên
Em đếm từng ngày Anh đến
Ngày dài hơn mùa
Em mong mỏi
Em (có lúc) như một tội đồ nông nổi
...Em nghe thấy nhịp cách êm ái ân
Gió làn gió thổi sương thao thác
Đêm run theo tiếng nấc
Về đi Anh!

Cài then tiếng khóc của em bằng đôi môi Anh
Đưa em vào giấc ngủ nồng nàn, quên đi những đêm chập chờn, trĩu nặng
Ngày nối ngày bằng hy vọng
Em là người dệt tầm gai...
Em nhẫn nại chắt chiu từng niềm vui
Nhưng lại gặp rất nhiều nỗi khổ
Truân chuyên đè lên thanh thản
Ôi sự trái ngược - những sợi tầm gai!

Không kỳ vọng những điều lớn lao
Em lặng lẽ dệt hạnh phúc từ những nỗi buồn - những sợi tầm gai - không ai nhìn thấy
Gai tầm gai đâm em đau đớn
Em chờ Anh mãi...
Tưởng chừng không thể vượt qua nổi cái lạnh, em đã khóc trên hai bàn tay trầy xước

Những giọt tâm hồn thấm xót mười ngón tay rớm máu
Ngay cả khi Anh làm em thảng thốt
Em vẫn hướng về Anh bằng tình yêu trọn vẹn của mình

Dệt tầm gai đến bao giờ?
Mỗi ngày dài hơn một mùa
Dệt tầm gai đến bao giờ?

Về đi Anh!
Cài then những ngón tay trầy xước của em bằng Anh!
Về đi Anh!
Cài then em
Bằng Anh!

 
9.7.1998 – tập Khát (1999)
 
Quả nhiên, những năm tháng vẫn còn gian khó và chưa thoát nghèo này, người trẻ Việt còn phải chia xa tìm miền đất hứa. Những người con gái nhiều khi chờ đợi, rồi lại chờ đợi. Nhưng đấy là tính xã hội. Thơ Vi Thùy Linh chỉ nói về ngôn tình dành cho người trẻ. Là tôi vận vào. Nhưng thấy cũng có lý lẽ vận mệnh lắm. Thơ này phải dùng trí tưởng tượng tận cùng.
Vi Thùy Linh lập trình thơ tư duy (gọi là thơ tư duy vì lối thơ này dùng ngôn từ tái hiện trí tưởng tượng của trí tuệ linh giác), tạo ra thế giới thực, nhưng đẹp và phong phú hơn thế giới ấy. Cái thực trong tư duy của chị tạo ra cái Chân của nghệ thuật biểu cảm.

nó dài như câu chuyện buồn bị động của cô gái, nhưng ít ra cô cũng quyết liệt, như nữ quyền cần quyết liệt. Em lầm lũi lại đến trước nhà anh nhặt xác nỗi buồn, đốt lên thành lửa /Rồi đi”Nhà thơ thường buồn. Vi Thùy Linh không ngoại lệ. Ở cái phía ngày nắng tắt liên miên không biết lúc nào mùa nào năm nào, chỉ biết buồn nhiều như gió. Em ước bay lên, như một bài hát, không phải bóng xanh, mà bóng đỏ, của may mắn, của hỷ sự.Khoảng trời bóng đỏ chèn nhau, vỡ, vỡ tất cả, như tóc rụng. Tóc mỏng dần. hình ảnh “
 
Từ phía ngày nắng tắt
 

Nơi em ở là phía ngày nắng tắt
Nỗi buồn nhiều như gió
Em ước được thả lên trời như bóng bay...
...Gió vẫn thổi, buồn phiền không mất nổi
Chỉ còn phía Anh thôi
Em không nhớ đã gặp Anh bao lần, bất kể khi nắng còn hay đã tắt.
Để rồi đêm nay
Em cay đắng khi Anh đẩy em bằng ánh mắt!
Ánh mắt Anh - không - bay - được
Lòng em vỡ
Vỡ vào đêm chỉ thiếu một tháng trăng em tròn 19 tuổi.

Em không nhớ đã thả bao nhiêu nỗi buồn buộc bằng tóc rụng
Tóc mỗi năm một mỏng

Em tức tưởi trở về khoảng trời bóng đỏ
Bóng chèn nhau
vỡ
Lòng em
vỡ
Em lầm lũi lại đến trước nhà anh nhặt xác nỗi buồn, đốt lên thành lửa
Rồi đi
Sau lưng em ngày nắng tắt.

 
5.3.1999, tập Linh (2000)
 
Đến đây, thơ không còn sexy tự nhiên nữa, mà đã sang triết lý trữ tình. Nhưng cái văn hóa tự nhiên vẫn cô đọng nhiều lắm. Khi chân trời mơ ước bị ánh mắt trần trụi của giống đực ăn thịt, thì  “Em cay đắng khi Anh đẩy em bằng ánh mắt!/Ánh mắt Anh - không - bay - được /Lòng em vỡ /Vỡ vào đêm chỉ thiếu một tháng trăng em tròn 19 tuổi.”
 Những câu thơ mang vị mặn 

 Em hằng thức trong câu thơ buồn
Em hằng đau trong nhiều đêm không ngủ
Em tỏa nhiệt vào thơ bất kể mùa nóng, lạnh
Thơ là em hay em là thơ?

Em đã hôn những dòng thơ bằng đôi mắt em
Chữ chữ xé lòng, ngổn ngang như đàn kiến chạy cơn bão lớn
Đàn kiến tha nước mắt vượt lạnh lùng ngút mắt
… Những kẻ vô tâm thì luôn gặp may, dễ quên chuyện buồn và nhặt được niềm vui

Em căm thù sự bất công, giả trá
Nghịch lý như mạng nhện ma quái!

Em
Người sống hết mình từ tế bào nhỏ nhất
Người đã yêu dữ dội bằng sức mạnh của phái yếu
Lại khóc vì sắp khô nước mắt!?

Biết bao lần em đi trong mưa
Bong bóng nổi tan như trò sấp ngửa
Em gắng gỏi vượt sóng ngầm cách trở
Nhưng bão tố, bình yên không đổi chỗ cho nhau
Em sinh ra trong đêm
Thơ là em – Em là thơ
Như tiền định
Như tiên cảm…
Vì sao
Những cảm xúc không xối xả để em buông mình tận cùng
(Có những lúc em không viết được gì và không khóc)

Vì sao
Em không quên nổi ánh nhìn như gió đông của anh
Vì sao
Em không tin có ngọn phồn linh và lời thiêng “Vừng ơi”
Em không thể nào lý giải!
Thơ là nỗi buồn trường cửu
Thơ em mặn…

Chưa bao giờ
như chiều nay
đàn kiến tha mặt trời
qua mùa hè
run rẩy…
4.6.1998, tập Khát (1999)
 
          Giọng tự sự đẩy cái khách quan đến tận cùng. Nhà thơ của tư duy lập trình không còn trữ tình nổi. Thơ của Vi Thùy Linh đặt chính đề để tỏ tấm chân tình tha thiết. Nhân vật trữ tình chỉ là đối tượng của sự tự vấn. Sự trực diện giọng điệu làm thơ chị không vòng vo, nhưng cũng không đơn giản là miêu tả văn xuôi. Cấu trúc thơ Vi Thùy Linh hướng người đọc giải theo tu từ ma trận. Thơ này có sự bao quanh dẫn dắt của tầng cây thấp để đến câu thơ đại thụ. Dẫn trích không khéo sẽ làm cây cao đón gió cả, dễ bị hiểu lầm!
         
          Thơ Vi Thùy Linh là tiếng nói khát khao muốn yêu như thế giới người ta đang yêu ( hiểu thế giới là Âu Mỹ ấy), muốn người con gái khuôn phép tạo ra nếp nhà bằng nỗ lực chính mình, đừng “Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nỗi” (thơ Olga bergholz). Tư tưởng giải phóng đến nhiều khi phóng túng giúp giọng điệu thơ chị tung bay trong khoảng trời tưởng tượng. Chị tha thiết nhân văn. Ngay cái sexy tự nhiên của chị cũng là triết học tự nhiên Ây Tây. Nhưng chị vẫn đứng vững trên văn hóa phương Đông để mà truyền cảm. Ở các tập Phim đôi tình tự chậm hay Vi Li tùy bút, chị đã định hình của nhà thơ tài năng nổi tiếng, nên tôi không trình bày ở đây. Nàng Quận chúa thơ Việt, từ những năm giữa 90 thế kỷ 20, đã nâng vẻ đẹp của người con gái tinh thuần chủ động trao tình. Đấy là giải phóng!
          Tôi khép lại bài viết này bằng thơ chị. Là người quen của Vi Thùy Linh, tôi rất phục tính cách thẳng thắn, nhưng cũng chu đáo, như chị hết mình với thơ, với người thân, với thiết tha con đường vẫn còn nhiều bóng đỏ!...
    Tôi
  Là mùa đầu cánh đồng Mẹ tôi sinh nở
Là cơn gió của đại ngàn Cha...

Khi bị gọi nhầm tên,
Tôi không nói gì.
Khi ai đó nói rằng, tôi giống người họ đã gặp
– Tôi bỏ đi.
Khi cha tôi bảo, sự dữ dội của tôi khiến Người lo sợ
Tôi âm thầm khóc.

Cha mẹ định quàng dây cương vào tôi
Hãy để con tự đi!
Độc mã
Quyết làm những gì mình muốn
Tôi tự viết truyện đời bằng suy cảm
Và biến những ý nghĩ thành sự thật.

Bỗng một hôm
Tôi đứng yên để một người buộc vào tôi dây cương và đi theo người ấy
Đó là người tôi yêu
Tôi đã nhìn mình qua gương khi khóc và khi cười, như người độc diễn
Cuộc sống: sân khấu kịch phi lý
Đời mình – vai bi hay vai hài, tôi không biết
Tôi là tôi
Một bản thể đầy mâu thuẫn!

Tôi đã nhìn mình trong gương cả khi khóc khi cười
Bất cứ lúc nào trên sân khấu cuộc đời
Tôi vẫn là diễn viên tồi
Bởi tôi không bao giờ hoá trang để nhập vai người khác!
 
1.4.1998, tập Khát (1999)
 
        Nghĩa Đô, Hà Nội, mùa Đông năm 2023.
          B.V.K


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây