Thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm - đời và thơ

Chủ nhật - 12/05/2024 18:05
Thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm - đời và thơ

     
      Nhà thơ Lê Anh Phong                        

     Cách đây tròn 3 năm, sự ra đi đột ngột của anh Hoàng Nhuận Cầm đã để lại bao nỗi nhớ về một thi nhân “có đủ nỗi buồn” và nỗi cô đơn để sống. Hy vọng qua những câu chuyện đời thường và câu chuyện văn chương, có thể góp thêm góc nhìn, giúp bạn đọc hình dung về một Hoàng Nhuận Cầm giữa thơ và đời, giữa anh với người khác.

     Tuy đến với anh muộn, nhưng tôi có nhiều kỷ niệm với anh. Cuối năm 2018, lần đầu tiên tôi đến thăm anh tại nhà riêng ở Lò Đúc. Một căn phòng còn lại của thời bao cấp, chật chội, sách tràn ra che kín một khoảng tường. Hơi bề bộn. Mở cửa là thấy cái điếu cày. Mỗi khi có khách, anh lại lấy ra mấy cái ghế nhựa nho nhỏ mời ngồi. Y hệt như quán nước bình dân của phố. Tuy vậy, ở một góc trang trọng, có hai hòn đá nhỏ anh mang về từ Thành Cổ Quảng Trị, từ bờ sông Thạch Hãn, bên cạnh là cuốn sách “Mãi mãi tuổi hai mươi”. Nhiều lần tôi thấy anh thắp hai nén nhang trên đó. Sau này anh có tâm sự, mình thắp hương cho những người lính đã ngã xuống của cả hai phía, bạn ạ. Dường như ký ức và ám ảnh của chiến tranh vẫn còn mãi trong anh. Đường xa nhìn lại, có lần anh nhắc tới câu nói của thủ tướng Võ Văn Kiệt “Có hàng triệu người vui, cũng có hàng triệu người buồn”.

     Trước khi đến với anh, tôi đã đọc Hoàng Nhuận Cầm từ khi còn là sinh viên. “Sáng nay tuổi hai mươi bùng lên như viên đạn”, hôm nay mà nghe câu thơ ấy, nhiều bạn đọc trẻ sẽ rất khó hình dung, sẽ nghĩ tác giả là người nóng đầu. Nhưng đó là câu thơ Hoàng Nhuận Cầm viết năm 1971, 19 tuổi, năm anh tình nguyện lên đường ra trận, tạm biệt khoa Văn, đại học Tổng hợp. Bởi vì “tuổi hai mươi chỉ có một lần”. Tôi có nghe một người bạn nữ cùng K15 với anh kể lại, trước ngày lên đường, vào một đêm khuya có trăng, không hiểu bằng cách nào, chàng sinh viên họ Hoàng cùng lớp trèo lên nóc tầng thượng của khu ký túc xá, đứng trên mái nhà lộng gió đọc thơ. Chất lãng mạn và sống có lý tưởng là men lửa của thơ anh ngay khi còn là học trò.

     Trong dàn đồng ca thơ chống Mỹ, thơ Hoàng Nhuận Cầm vẫn có một nét rất riêng. Đó là thơ của cái nhìn đầu tiên trong trẻo, thơ được viết từ những rung động tươi xanh, trong sáng. Anh lắng nghe “Tắc kè liếm lưỡi vào đêm/ Có ngủ được đâu/ Nằm nghe lá thở/ Đánh giặc lần đầu ai chả thế/ Thôi sáng rồi vẫn tiếng gà xóm mẹ/ Cuốn võng vào theo tiếng súng mà đi”. Giữa sinh tử mà vẫn giữ được cho thơ cái nhìn như vậy, thật đáng quý, đọc thơ anh để tin vào con người trong những thời khắc cam go, đầy thử thách.

     Thơ trận mạc và chất thơ sinh viên của Hoàng Nhuận Cầm một thời thực sự đồng hành cùng tuổi trẻ. Anh là một trong những trường hợp điển hình của thế hệ “tài hoa ra trận”. Nhưng không phải chỉ có như thế, còn có một Hoàng Nhuận Cầm khác trong thơ, trong đời. Một Hoàng Nhuận Cầm của ưu tư, của cô đơn, của nỗi buồn và thấp thoáng dự cảm, nghiệm sinh: “Nến sắp tắt, gió đã rình trước cửa”, “Người ngồi như chưa mơ/… Thơ nằm như trúng đạn”. Ngày xuất ngũ cũng là ngày “Anh biết vì sao anh đã khóc”. Còn đây là thơ anh viết cho con: “Có một nốt không bao giờ con biết tới/ Là nốt buồn cha đã nuốt thay con”, “Cha khao khát sau này/ Thích gì con hát thế/ Dù cha thành/ Xác pháo/ Để mừng con”… “Thích gì con hát thế”, không phải chỉ viết cho con, anh viết cho chính mình. Càng gần anh, tôi càng hiểu thêm và thấm thía phía âm bản này của tâm hồn thơ Hoàng Nhuận Cầm.

     Có thể nói, thơ Hoàng Nhuận Cầm không một màu. Thơ của sự đa dạng. Khoảng trời xanh trong veo khi mới nhập cuộc và những miền sáng tối của hành trình thân phận. Đó là thứ thơ được cộng hưởng từ những tình thế con người và tình thế thi ca khác nhau. Lúc thì hào sảng, kiêu hãnh, lúc thì ưu tư, tần ngần và linh cảm. Khi thì yếu mềm, khi thì cứng cỏi. Với anh, dường như thơ tình và thế sự sống trong nhau, riêng và chung, thơ giàu ý vị của tâm hồn và nghĩ ngợi: “Có chút gì linh diệu giống như thơ/ Lại phảng phất như phù dung mới nở”, “Lời chim vàng quá/ Chắc tình không thể bạc/ Ta ngây thơ hát lại khúc ban đầu”, “Thơ gõ cửa, run run chùm chìa khóa/ Ai vu vơ tẩy xóa mãi chân trời”. “Đất nước đau buồn chưa hết Mỵ Châu ơi/… Có ai hay thăm thẳm giếng không cùng”, “Viên xúc xắc xoay tròn trong gió xé/ Sáu mặt đời lắc cắc tiếng thơ anh”…

     Một câu chuyện nhớ mãi. Anh kể cho tôi nghe về những ngày gia đình ở phố Hàng Bạc. Thời đó ai cũng nghèo và vất vả. Nhưng gia đình anh bất ngờ gặp một chuyện, mà lúc đó không biết chia sẻ với ai. Châm thuốc lào, sau khi rít một hơi thật sâu, anh nói trong khói trắng:

-Khi vào chiến trường, trong một lần mấy thằng lính trẻ mượn được cái đài, giấu diếm chỉ huy, mò sóng Sài Gòn. Bất chợt, nghe được một đoạn nhạc trong bài “Ngày về” của bố mình (Nhạc sĩ Hoàng Giác). Bài hát nổi tiếng này khá nhiều người thuộc, cụ viết từ năm 1946. Lê Anh Phong cứ hình dung những năm tháng ấy, âm nhạc của bố mình lại vô tình, ngẫu nhiên trở thành nhạc hiệu mở đầu chương trình “Chiêu hồi” của đài địch. Vì thế, cụ chỉ biết dạy đàn cho trẻ con, có thêm thu nhập để vượt qua những ngày tháng ấy. Khi nghe anh kể câu chuyện này, tôi chợt nhớ và đọc câu thơ của Võ Huy Tâm ngày xưa: “Ngẩng đầu chỉ sợ cái gì lại rơi”. Anh nắm lấy tay tôi, một bàn tay biết nói.

     Lớn lên và trưởng thành trong hoàn cảnh như vậy, anh rất thấm thía về thời cuộc. Đúng là với thơ, anh như người bị lấy mất hồn vía. Nhưng anh rất cẩn trọng khi biên tập, khi làm sách, khi làm các chương trình văn nghệ.

     Hoàng Nhuận Cầm là nhà thơ của những tiếng ve kim. Cùng với chất Hà Thành, anh mang âm thanh trong trẻo ấy của tuổi đầu đời lên đường vào trận. Nhưng anh còn là nhà thơ của “Vô cùng”, một bài thơ ám ảnh về thân phận người cầm bút trong tình thế thời cuộc:

          Tất cả chúng ta thật lòng nói dối
          Tất cả chúng ta áo đẫm mồ hôi
          Tất cả chúng ta căn nhà chật chội
          Giữa vô cùng vô tận mà thôi
 
          Tất cả chúng ta đều bị theo dõi
          Tất cả chúng ta sắp bị bắt rồi
          Tất cả chúng ta như bầy chó đói
          Ngửa mặt lên trời hóng bóng trăng rơi
 
          Tất cả chúng ta đều không vô tội
          Mỗi đêm một tờ giấy trắng mồ côi
 
     Có lần đã quá 9h đêm, tôi nhận được cuộc gọi của anh:

-Buồn quá! Chẳng có ai để nói chuyện. Lê Anh Phong qua anh được không?

     Và câu chuyện của đêm mùa đông năm ấy kéo dài quá nửa đêm, khiến người phụ nữ luống tuổi trông xe ở tầng một, phải lên gõ cửa. Có lần người phụ nữ này nói với tôi:

-Có đêm, 1, 2h sáng, cứ thấy bóng ông Cầm đi đi lại lại trên tầng, vừa đi vừa vung tay, như đang nói với ai đấy. Không biết ông ấy làm cái gì, hay là bị ma ám. Khổ lắm, ông này tốt bụng, nhưng lơ nga lơ ngơ, mang tiếng ba vợ nhưng bây giờ hầu như ở một mình, có thằng út ở cùng nhưng nó bận học, ông ạ.

     Sau này tôi mới biết, trong đêm đó anh nhập vai tự thoại của một kịch bản phim. Với anh, thơ và điện ảnh đã trở thành máu thịt. Anh đã từng nhập nhiều vai diễn để thử lời thoại, thử tình huống, nhưng khi quay lại với thực tại, dường như anh lúng túng trước những điều còn dang dở…

     Anh là người sống tình cảm, hiếu thảo với cha mẹ, quý con, trọng nghĩa trọng tình. Cuộc sống riêng vất vả nhưng với thơ lúc nào cũng say đắm trong veo. Hai thi tuyển “Tiếng thời gian” và “Hà Nội trong mắt thơ” của Nhà xuất bản Văn học, do anh cùng Trần Nhật Minh và Đỗ Anh Vũ sưu tầm, tuyển chọn, đã được xuất bản trước khi anh qua đời. Tôi đã được anh tặng hai tập sách quý ấy.

     Một trong những kỷ niệm làm tôi nhớ mãi. Đó là đêm thơ “Vừng ơi, mở cửa!” của các cựu sinh viên Văn khoa Tổng hợp, tổ chức tại Mễ Trì. Anh gọi điện cho tôi đến dự. Lâu lắm rồi, tôi mới được dự một đêm thơ thật ấn tượng. Mc là nhà thơ Hữu Việt, người bạn thân của anh. Thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm đọc thơ mà như lửa cháy. Hôm sau tôi có bài viết về đêm thơ ấy. Dẫu không phải là trưởng ban tổ chức, nhưng anh gọi điện cảm ơn.

     Anh có trí nhớ đặc biệt. Tôi đã chứng kiến, một người bạn sau khi đọc xong bài thơ của mình, đã được anh nhắc: - Bạn đọc thiếu một chữ. Điều ấy khiến tác giả vừa ngạc nhiên, vừa cảm động và nhớ mãi. Hình như hôm nay người ta ít đọc thơ người khác, câu chuyện này càng trở nên trân quý. Một trong những người bạn anh Cầm hay nhắc đến, thi sĩ Trúc Thông, theo anh đó là người luôn quan tâm và thường đọc các bạn viết trẻ.

     “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Cùng một lúc anh làm việc cho 5 cơ quan. Tôi khuyên anh giữ gìn sức khỏe, anh Cầm có nói mình cũng muốn thế, nhiều lúc như đứt hơi, nhưng cháu Lễ còn đang đi học và còn mẹ mình nữa.

     Khi lần đầu Lễ có bài thơ đăng báo, đêm hôm ấy trong căn phòng chật chội, bên cạnh ấm trà vỡ nắp, anh lấy một cái chén nhỏ đậy vào, là câu chuyện của văn chương, của thi ca. Như chợt nhớ ra điều gì, đang hào hứng tự nhiên trở nên trầm lắng, anh kể lại ký ức đã cách xa nửa thế kỷ. Một câu chuyện buồn vui lẫn lộn. Buổi trưa hôm ấy, sau khi nhận giấy báo đỗ đại học, khoa Văn Tổng hợp, anh trở về nhà trong niềm vui háo hức. Anh đưa cho mẹ giấy báo nhập trường. Nhưng thay cho niềm vui, mẹ anh thở dài:
     -Lại văn chương à. Nói xong, bà chỉ tay về phía bố anh, và nói tiếp:
     -Nhìn bố con đấy, cuộc đời người nghệ sĩ…

     Khi biết tôi cũng sinh vào ngày 7/2 (Tôi ít hơn anh 7 tuổi), anh vui lắm. Trong căn phòng nhỏ của mình, anh đọc cho tôi nghe bài thơ về sinh nhật thật cảm động:

          Hôm nay sinh nhật của tôi
          Không ai gọi điện, buồn ơi là buồn
          Lấy xe tôi phóng ra đường
          Mưa giăng giăng bụi, phố vương vương người
 
          Ôi hay, tôi bỗng bật cười
          Bên tôi tất cả đất trời còn đây
          Hình như khóe mắt còn cay
          Ta như hạt cát thổi bay ngang trời
 
          Mai tôi từ giã mọi người
          Tiễn nhau một ngọn lửa thời xa xưa
          Cái thời hát dưới cơn mưa
          Cái thời đói khát vẫn chưa là gì
          Cái thời mẹ dắt con đi
          Bàn chân chập chững biết gì hôm nay
 
          Bàn tay cầm lấy bàn tay
          Thịt xương mười ngón tay gầy như nhau
          Tim còn đập, tim còn đau
          Nhịp tim dễ vỡ một màu pha lê
 
          Đám mây trong suốt hiện về
          Cho tôi đôi mắt đỏ hoe nhìn người

     Có thể nói, anh là người đọc thơ rất ấn tượng. Anh đọc như lên đồng, dẫn dụ người nghe. Trong cuộc sống lúc nào cũng thấy anh vội vã, nói nhanh, nghĩ nhanh và đôi lúc hài hước. Nếu chỉ căn cứ vào cái vẻ bề ngoài, đã có người cho rằng anh là người không bình thường, “không mưa vẫn mặc áo mưa”. Nhưng trong khoảng lặng, sau những đám đông là một Hoàng Nhuận Cầm của lặng lẽ suy tư, của cô đơn, của những đêm không ngủ. Khiêm cung và bao dung, anh luôn nhìn người khác ở phía ánh sáng. Nếu có góp ý cho bạn thì cũng rất tế nhị, vui mà thấm thía. Anh đã nói với một người bạn thơ: - Tôi thấy tuổi thơ của NVC kéo dài quá!

     Tôi thường thấy anh gọi người khác bằng cái tên đầy đủ họ và tên. Một thói quen trong giao tiếp mang bản sắc Hoàng Nhuận Cầm. Anh là “con giai phố cổ”, chứ không phải con trai đầu ô. Anh luôn mang đến cho người khác lòng tin về sự tử tế và trung thực của người cầm bút.

     Có lần anh tâm sự: - Mình sẽ ra mắt một thi tập, mà tất cả các bài thơ trong đó đều được viết bằng tay. Một ý tưởng độc đáo và nhân văn. Rất tiếc, anh ra đi đột ngột, người đọc không được đón nhận tập thơ có thủ bút của một thi sĩ được nhiều người trân quý. Sau ngày anh mất, tôi có kể lại câu chuyện này cho hai con trai anh.

     “Nhân vô thập toàn”, không ai hoàn hảo, nhưng quan trọng nhất vẫn là nhân cách, tấm lòng và lẽ sống. Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại có nhận xét: “Tâm hồn Hoàng Nhuận Cầm là một tấm pha lê trong suốt, không có gì ngoài tình yêu tổ quốc và thi ca. Tôi cho rằng trong thời kỳ hiện đại, đây là một người Hà Nội nhất trong thơ. Hà Nội trong sự cao sang trong trẻo, như mặt nước Hồ Gươm chưa vấy đục bao giờ”.

     Không phải nhà thơ nào cũng được gọi là thi sĩ. Phẩm tính ấy cùng với tư chất Hà Thành của Hoàng Nhuận Cầm, thể hiện cả trong điện ảnh. “Mùi cỏ cháy”, “Nhà tiên tri” do anh viết kịch bản là những bộ phim giàu chất thơ. Không sa vào tụng ca, minh họa mà hào sảng, trữ tình và linh cảm.

     Cách đây 2 năm, nhân ngày giỗ đầu của anh, tôi có viết một bài thơ như một nén tâm nhang:

          chật chội căn phòng điếu cày và sách
          ấm trà xưa đậy bằng chén lỡ làng
          nhịp nói nhanh dồn lên trong hơi thở
          “anh biết bệnh anh mà, Phong chớ có lo”
         
          không gian cũ của thời bao cấp
          vẫn vang vọng câu thơ đêm mặc khải tâm tình
          bao kịch bản phim đang chờ anh đọc
          “Đôi bạn văn chương” (1) lặng lẽ lên đường
 
          áo lính cũ đổ bóng vào trang viết
          khói thuốc lào vấn vít mãi chưa tan
 
          “Hà nội trong mắt Thơ” (2) vượt qua ngày giãn cách
          cùng tiếng lòng trong “Tiếng thời gian” (3)
          bao bài thơ vẹn nguyên trong trí nhớ
          “anh thuộc mà!”… nghèn nghẹn cơn ho
 
          anh lại đọc sáng bừng nơi cõi tạm
          “Hò hẹn mãi cuối cùng em đứng đó
          Dẫu mùa thu hoa cúc cướp anh rồi”
          những trang thơ của một “thời hoa lửa”
          lộng lẫy trang đời nhưng cũng lắm cam go
 
          nhớ về anh với bao điều còn mãi
          “Mùi cỏ cháy” (4) anh đi về “Phương ấy” (5)
          “Viên xúc sắc mùa thu” (6) của một thời trai trẻ
          vẫn trong ngần “Chiếc lá đầu tiên” (7)
 
          Thơ và Người
          kiêu hãnh một Thi nhân!

---------------------
(1): Tên một chương trình của Vov6, Đài Tiếng nói Việt Nam
(2) & (3): Hai Thi tuyển do nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm cùng Trần Nhật Minh và Đỗ Anh Vũ sưu tầm, tuyển chọn.
(4): Tên một bộ phim, kịch bản Hoàng Nhuận Cầm
(5), (6), (7): Tên các bài thơ của anh.
 
Khương Trung, mồng 9/3 âm lịch, 2024
            L. A.P.

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây