Nhà thơ QUANG DŨNG và bài thơ TÂY TIẾN

Thứ năm - 12/09/2024 06:46
Cuốn sách Đoàn binh Tây Tiến dẫn người đọc theo bước chân đoàn quân tiến sâu vào những vùng rừng núi âm u, hiểm trở, những đỉnh núi quanh năm sương phủ, nhiều chiến sĩ đã kiệt sức ngã xuống dọc đường nhưng tinh thần vẫn lạc quan, lãng mạn, vẫn thấy cuộc đời tươi đẹp: “Dừng lại ở đầu dốc, thở mạnh hương thơm của những loài hoa thầm nở từ rừng sâu phảng phất bay ra , người ta có thể quên đi một phút cây súng đang cầm ở tay mà tưởng đang sống ở một đời thanh bình”.
Screenshot (1544)
Screenshot (1544)

Bùi Phương Thảo

TÔI NHỚ XỨ ĐOÀI MÂY TRẮNG LẮM*

1.Kí ức về gia đình của cha tôi:

   Nhà thơ Quang Dũng (cha tôi), tên thật là Bùi Đình Dậu, ông sinh ngày 11 tháng 10 năm 1921 tại làng Phượng Trì, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng (nay thuộc Hà Nội).

   Tuổi thơ của tôi gắn bó với căn phòng nhỏ ở gác ba, số 296 phố Bà Triệu, Hà Nội, nơi gia đình tôi sinh sống gần 20 năm. Những buổi sum họp, cha tôi thường kể đôi câu chuyện về ông, bà nội ngày ở quê Phùng, ông nội tôi là Bùi Đình Khuê, một người có chữ nghĩa, tính tình hào hoa phong nhã, khi đó làm chức việc trong tổng nhưng hay giúp đỡ gia nhân, người làng Ông nội mất khi cha tôi mới hai mươi mốt tuổi.

  Bà nội tôi là Trần Thị Hợi, bà mở cửa hàng tạp hóa Phượng Mỹ ngay ở căn nhà ven đê trông ra chợ Phùng, phố Phùng. Là trụ cột kinh tế của gia đình nhưng bà lại có tấm lòng nhân hậu, hay cưu mang những người cơ nhỡ, yêu quý bạn của cha tôi như con mình. Đầu năm 1954, bà nội cùng ba người em của cha tôi vào Nam sinh sống. Người em trai duy nhất của cha tôi là Bùi Đình Lân, sau này tôi có hai lần gặp chú ở Sài Gòn. Cha tôi cùng một người chị và em gái ở lại Hà Nội, như để bù đắp lại sự chia ly của gia đình, cha tôi thường xuyên lên nhà bác và cô tôi, đôi khi chỉ với lý do được uống chén nước chè của chị hay sang tặng em một cuốn sách mới, đến nay cha tôi chỉ còn một người em gái đang sống ở trong Nam, tuổi đã cao.

 Trong những năm đằng đẵng cha tôi vắng nhà, bà nội vẫn giữ y nguyên căn buồng riêng của cha tôi với rất nhiều bức tranh treo và vẽ trên tường. Những bức tranh thường minh họa các nhân vật trong một vài truyện lịch sử, trong đó có cả bức tranh vẽ một ngôi nhà lá với bồn hoa trước cửa, trông ra dòng suối thơ mộng. Bức tranh này được mẹ tôi tả lại khi nhớ về căn buồng của hai người khi cha đón mẹ tôi về làm con dâu ông bà nội. Đó là căn nhà mong ước của cha mẹ tôi, bức tranh được vẽ lên tường ngay phía đầu giường. Sau này khi đọc bài viết “Quang Dũng và miền đất nhớ” qua lời kể của ông Phan Lạc Tiếp, tôi được hình dung căn buồng của cha tôi: “Căn buồng này có một khuôn cửa sổ mở ra sân sau, sát đó là một bể nước mưa lớn. Từ căn buồng này có thể nhìn ra bãi mía bên kia con ngòi sát nhà và thấy núi Ba Vì ở mãi tận phía xa. Căn buồng ấy ngày xưa anh Diệm (tức Quang Dũng) đã ở đó. Có lẽ căn buồng này, khuôn cửa sổ này đã là con tim, đôi mắt người thơ hướng về Sơn Tây, hít thở cái không khí của Sơn Tây, và sau này mang các hình ảnh của Sơn Tây vào thơ.”- Bà nội tôi đã mất ở trong Nam trước khi tôi chào đời một năm. Bà đã dành cả thời gian còn lại mong mỏi gặp cha tôi và hàng ngày thắp hương xin trời phật phù hộ cho cha tôi được bình yên. Cha tôi đã không  được gặp mặt mẹ mấy chục năm trời còn tôi chỉ tưởng tượng ra hình dáng bà nội qua một vài bức ảnh với khuôn mặt tròn phúc hậu và ánh mắt xa xăm. Căn nhà của ông, bà nội tôi ở Phùng đến nay không còn nữa, chỉ còn lại vị trí nền đất cũ (nghe kể lại bà trẻ tôi hiến tặng cho xã làm nhà trẻ khi bà tôi vào Nam sinh sống). Khi cha tôi còn khỏe mạnh, thỉnh thoảng ông rủ một vài người bạn thân về thăm lại nơi nhà cũ, nhà văn Thanh Châu trong một chuyến đi đã làm bài thơ Nhà cũ như nói hộ ông tâm sự: “Ta ước mẹ ta/ Thành hương bay về/ Vấn vương cành cũ/ Ta ước em ta/ Thành chim bay về/ Đậu bên song cửa/ Ta ước chị ta/ Lại bên thềm cũ/ Như xưa/ May lại cho ta/ Áo nhỏ/ Chiếc áo ngày xưa/ Áo đỏ hoa đào”, khi đọc lại những câu thơ của nhà văn Thanh Châu, mong ước đoàn tụ giản dị ấy của cha tôi đã chạm vào sâu thẳm cảm xúc của tôi. Tôi yêu thương ông bà nội và gia đình lớn của cha tôi biết bao!

2. Tây Tiến- Bài thơ gắn liền với sự nghiệp văn học của cha tôi:

a. “Hai chữ Tây Tiến đã gợi lên nỗi nhớ”:IMG 2370

   Mùa xuân năm 1947, sau khóa học tại Trường Trung cấp quân sự ở Sơn Tây (Trường chuyên bổ túc kĩ thuật quân sự cho cán bộ chuẩn bị nhận nhiệm vụ chiến đấu mới), cha tôi tạm biệt gia đình, vợ, con tham gia đi Tây Tiến, ông về Trung đoàn 52 Tây Tiến làm Đại đội trưởng một đại đội. Cha tôi không biết rằng đến gần 5 năm sau ông và người con trai đầu lòng mới được gặp mặt nhau.

   Nhớ về thời gian tham gia Tây Tiến, cha tôi kể: “Tây Tiến là một chiến dịch chuyển quân từ khu III, khu IV lên khu II tức là Tây Bắc, vùng Điện Biên Phủ. Đây là chiến dịch có ý nghĩa chiến lược. Đầu năm 1947, thành lập Trung đoàn Tây tiến, ta đánh sau nhưng phải rút ngay vì lực lượng địch tập trung và mạnh. Tôi đi đợt hai, nhiệm vụ của chúng tôi là mở đường qua Tây Bắc. Một nhiệm vụ không kém phần quan trọng là công tác dân vận, gây dựng cơ sở, tranh thủ giác ngộ của nhân dân. Vì thế, đi đôi với chức vụ Đại đội trưởng, tôi còn được cử làm Phó đoàn Đoàn võ trang tuyên truyền Lào - Việt”, (tr336- Thức với mây Đoài)

   Bộ đội Tây Tiến phần đông là thanh niên, trí thức Hà Nội trẻ trung, hăm hở tràn đầy nhiệt huyết, có nhiều chiến sĩ tình nguyện ở tuổi 15, 17 phơi phới sức xuân, vô tư và giản dị. Cuộc sống người chiến sĩ những năm tháng cơ cực ấy biết bao gian nan, vất vả. Lường trước những khó khăn gian khổ ấy, ngày 1-2-1947,  Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết thư gửi các chiến sĩ trong bộ đội Tây Tiến căn dặn: “Trên con đường về miền Tây, các đồng chí phải lặn lội nơi rừng xanh nước bạc, ở những địa phương hàng nửa ngày đường không thấy một bóng người, thủy thổ không quen thuộc, vật chất thiếu thốn, ngôn ngữ bất đồng, nước độc ma thiêng. Chỉ một việc cất chân lên đường tiến về hướng Tây là đủ tỏ cái chí hy sinh, cái lòng kiên nghị của các đồng chí. Các đồng chí biết rằng trên mặt trận này bộ đội ta sẽ phải đương đầu với nhiều hiểm nghèo, khổ sở, nhưng sự hiểm nghèo khổ sở có bao giờ chinh  phục được lòng anh dũng của những thanh niên hăng hái, có bao giờ chinh phục được chí hướng của một dân tộc”. (Tây Tiến một thời và mãi mãi)

   Cuối năm 1948, sau chiến dịch Tây Tiến, cha tôi chuyển sang đơn vị khác, bài thơ Tây Tiến được cha tôi sáng tác khi về dự Đại hội toàn quân ở Liên khu III, làng Phù Lưu Chanh. Bài thơ được cha tôi viết rất nhanh, khi làm xong đọc trước Đại hội và mọi người hoan nghênh nhiệt liệt, sau đó nhà thơ Xuân Diệu cho in ngay ở tạp chí Văn nghệ. Trong tập “Thơ” do Nhà xuất bản Vệ quốc quân Liên khu III ấn hành năm 1949, bài thơ có nhan đề là “Nhớ Tây Tiến”, năm 1957, khi đưa bài này vào tập thơ “Rừng biển quê hương”, cha tôi đã bỏ chữ “Nhớ” chỉ lấy hai chữ “Tây Tiến” vì theo ông: “ Chỉ cần hai chữ Tây Tiến đã gợi lên nỗi nhớ rồi!”. Tây Tiến là bài thơ được cha tôi dành cho tình cảm thật đặc biệt, ông từng nói: “Tây Tiến là bài thơ mà tôi tâm đắc nhất”.

   Đại tá Nguyễn Xuân Sâm, đồng đội và là người bạn thân thiết của cha tôi kể lại: “Trong thời gian đi Tây Bắc tham gia mặt trận Tây Tiến, được sống và chiến đấu ở  một vùng rất nên thơ, hùng vĩ, điều đó góp phần lớn vào cảm hứng của bài thơ Tây Tiến dù trong điều kiện chiến đấu vô cùng gian khổ. Sự nổi tiếng của Trung đoàn 52 Tây Tiến có công lớn của ông Quang Dũng. Bài thơ Tây Tiến phản ánh vô tư thời kì hoạt động của bộ đội Tây Tiến, Tây Tiến có Quang Dũng mới sáng danh. Quang Dũng sống thơ hơn làm thơ”. Nói về thơ Tây Tiến, nhà phê bình văn học, Phó Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đăng Điệp viết: “Tây Tiến trở thành của tin lớn nhất mà ông đã để lại cho văn học Việt Nam thời kì kháng chiến chống Pháp. Bài thơ đã dựng lên một tượng đài bất tử, sừng sững trong văn học Việt Nam hiện đại về người anh hùng vệ quốc. Nhà thơ đã kết hợp rất nhuần nhuyễn ba yếu tố cơ bản trong nghệ thuật khắc chạm tượng đài: chất cổ điển, chất lãng mạn và sự kiêu hùng. Chất cổ điển đem đến sự trang nghiêm lẫm liệt. Chất lãng mạn đem đến sự bay bổng và phóng khoáng. Sự kiêu hùng đem đến tâm thế mĩ học ngưỡng vọng cái cao cả. Tất cả sự kết hợp toàn bích này được đặt trên nền cảnh biên viễn trùng điệp đầy gian khổ hi sinh”, (tr 116, Thức với mây Đoài- Nhiều tác giả).

   Một khổ thơ tuyệt đẹp mà tôi rất thích trong bài thơ Tây Tiến của cha tôi, có sự giao thoa giữa cái thực và mộng, cái chung và riêng, giữa những kỉ niệm và ước mơ, giữa cảm hứng và kĩ thuật sáng tạo, tạo nên một nét độc đáo riêng:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

   Và cảm xúc rưng rưng còn âm vang của chiến trận với những hình ảnh kiêu hùng của chiến sĩ Tây Tiến:

                              Rải rác biên cương mồ viễn xứ

                              Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

                              Áo bào thay chiếu anh về đất

                              Sông Mã gầm lên khúc độc hành

    Những ngày ở Tây Tiến là thời gian có nhiều kỉ niệm sâu sắc đối với cha tôi, năm 1963, khi đi dự một hội nghị nông nghiệp tại Thanh hóa, có dịp về ngang Mai Châu, cha tôi đã ghi lại những tình cảm thật cảm động: “Rừng Mai Châu riêng với tôi thực có nhiều kỉ niệm. Từ lúc gặp cây vàng anh, tôi đã nhớ lại tất cả những kỉ niệm mười lăm năm trước khi chúng tôi hành quân lên giữ vùng biên giới Việt- Lào ngăn bọn Pháp đang kéo từ Sầm Nưa về. Hôm nay đi dự hội nghị Cánh kiến đỏ, không ngờ lại được trở lại đúng con đường cũ, qua đúng những bản chúng tôi đã đóng quân, đã từng đi ăn cưới, uống rượu cần, diễn kịch lửa trại mười lăm năm trước, vào mùa xuân năm đầu cuộc kháng chiến. Xe qua phố Vãng. Tôi nhớ lại lúc đó quân ta rút bỏ phỗ Vãng đi về Mường Bi thì phố Vãng bốc cháy, giặc ở dốc Bãi Sang đang ào ạt kéo tới, đơn vị ta dàn ra ở cả dốc Văn đợi địch”, (tr 300- Nhà đồi- Quang Dũng.)

Bài thơ Tây Tiến gắn liền với sự nghiệp văn học của cha tôi.

Những năm tháng sau này, Tây Tiến luôn trong nỗi nhớ của ông.

b. Âm vang đoàn binh Tây Tiến còn mãi

    Trong những di cảo còn lại của cha tôi có bản thảo hồi kí: “Đoàn Võ trang tuyên truyền Biên khu Lào- Việt ông viết năm 1952. Bản thảo hồi kí đã được cha tôi dự kiến in ở Nhà xuất bản Hà Nội nhưng vì nhiều lí do nên chưa thực hiện được. Năm 2019, nhân kỉ niệm 100 năm sinh nhà thơ Quang Dũng (1921- 2021), Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản và phát hành cuốn hồi kí với nhan đề “Đoàn binh Tây Tiến”, cuốn sách đã được trao giải A, giải thưởng sách Quốc gia lần thứ ba năm 2020. “Đoàn binh Tây Tiến”, một tác phẩm Tây Tiến bằng văn xuôi đã đến tay bạn đọc, cho chúng ta biết thêm nhiều điều cụ thể về hoạt động của binh đoàn Tây Tiến thời gian ấy.

   Trong cuốn Hồi kí, nhiều đoạn văn chân thực khiến người đọc xúc động và thấy được nỗi gian truân của một thế hệ người dân đã trải qua giai đoạn lịch sử khốc liệt của dân tộc. Cảnh những người dân chạy giặc gây nhiều cảm xúc cho người đọc: “Tiếng súng, tiếng xe tăng rì rì, tiếng súng tay nghe rõ từng phát. Ngoại ô Hà Nội và những vùng Chèm, Vẽ, La Cả, La Dương cũng đã rục rịch chuyển bước. Những khung cửi tháo ra, xếp vào gánh, chó dắt theo, mèo, gà, lợn con, nồi, rương…tất cả lang thang trên đường chạy giặc. Những đám cháy ở phía xa không lúc nào hết cuộn.  Lẫn vào dòng người thôn quê gánh gồng, thỉnh thoảng xen vào một gia đình thành thị. Cứ lũ lượt như thế trong cái ngày gió bấc nổi này”.

  Lính Tây Tiến phần đông là thanh niên Hà Nội, học sinh, sinh viên, trí thức và cả những người lao động chân tay, có cả một đoàn nhạc công Hà Nội tự nguyện gia nhập kháng chiến. Theo bước hành quân của các chiến sĩ Tây Tiến, cảnh sắc núi rừng hoang sơ hiện ra với những động người Mán, những bản người Mèo, mường người Thái và qua nhiều địa danh Chiềng Hịch, Chiềng Sại… những cái tên thật gợi nhiều cảm xúc. Đọc cuốn hồi kí, điều đặc biệt là người đọc cảm nhận cuộc kháng chiến chống Pháp có những cảnh hội ngộ tình quân dân thật đầm ấm tình người. Tác giả giúp ta hình dung cảnh nhân dân ở Hòa Bình đón tiếp bộ đội trong đêm thật xúc động: “Ậm ạch mãi một giờ sáng mới tới chợ Phương Lâm. Đèn điện ở trong chợ sáng trưng. Chợ đêm? Không. Đây là hai dãy bàn dài từ đầu đến cuối gian chợ lớn nhất, trên bày đủ các món ăn và những rá cơm trắng muốt. Các chị phụ nữ của Hòa bình đã đứng chờ ở dưới ánh đèn không biết tự bao giờ. Hoan hô bộ đội miền Tây!”.

   Cuốn sách dẫn dắt người đọc theo bước chân của đoàn quân Tây Tiến, khi tiến sâu vào rừng núi âm u, lúc leo những đỉnh núi cao chất ngất, nhiều chiến sĩ đã ngã xuống dọc đường. Nhiều địa danh xuất hiện trong bài thơ Tây Tiến như Mai Châu, Sài Khao, Pha Luông, sông Mã, Mường Lát. Hình ảnh một đội quân trẻ trung, đầy nhiệt huyết vừa hành quân vừa hát những bài ca tươi sáng cho đồng bào nghe thật là một hình ảnh thân thiện, gần gũi của một đoàn quân đi vận động nhân dân ủng hộ và đi theo kháng chiến.

    Việc thành lập tổ chức mới của Đoàn Võ trang tuyên truyền được cha tôi viết trong cuốn hồi kí thật cảm động với những sự kiện, những tên người thật: “Đoàn võ trang tuyên truyền từ nay sẽ đặt là Đoàn võ trang tuyên truyền liên quân Lào - Việt. Đoàn gồm ba trung đội, hai trung đội chiến đấu Lào và Việt, một trung đội nhạc binh. Ban chỉ huy gồm một Đoàn trưởng, ba cố vấn của quân đội Lào, hai của quân đội Việt”. Ông Thao Ma - cán bộ chỉ huy của Lào- phát biểu trước lúc hành quân: “Chúng ta phải đoàn kết, phải làm anh em với nhau để cùng tiêu diệt giặc Pháp. Nước Việt Nam sẽ giúp cho nước Lào cùng tiêu diệt quân thù. Nước Lào cùng giúp nước Việt Nam cho đến bao giờ hoàn toàn độc lập. Hai dân tộc chúng ta dắt tay nhau bước lên thế giới văn minh, dân chủ”.

   Tình đoàn kết hữu nghị hai dân tộc Việt- Lào đã ngày càng được bồi đắp trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung và phát triển đất nước. 

   Cuốn sách Đoàn binh Tây Tiến dẫn người đọc theo bước chân đoàn quân tiến sâu vào những vùng rừng núi âm u, hiểm trở, những đỉnh núi quanh năm sương phủ, nhiều chiến sĩ đã kiệt sức ngã xuống dọc đường nhưng tinh thần vẫn lạc quan, lãng mạn, vẫn thấy cuộc đời tươi đẹp: “Dừng lại ở đầu dốc, thở mạnh hương thơm của những loài hoa thầm nở từ rừng sâu phảng phất bay ra , người ta có thể quên đi một phút cây súng đang cầm ở tay mà tưởng đang sống ở một đời thanh bình”. Nhiều địa danh trong cuốn sách người đọc đã gặp ở thơ Tây Tiến như Mai Châu, Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, sông Mã.

   Cuộc hành quân của Đoàn binh Tây Tiến lặng lẽ trong rừng sâu núi thẳm, rừng thiêng nước độc hơn bảy mươi năm trước đã được cha tôi viết thành những trang sách sống động trong hồi kí Đoàn Binh Tây Tiến- Đoàn Võ trang tuyên truyền Biên khu Lào- Việt, để lại một âm hưởng bi hùng trong lòng người đọc và tô thắm mãi tình hữu nghị hai nước Việt- Lào cùng chung giải biên cương. Cuốn hồi ký của cha tôi về Đoàn binh Tây Tiến đã trở thành những tư liệu văn nghệ và lịch sử vô giá, đóng góp vào di sản văn nghệ kháng chiến của dân tộc ta.

c. Tiếp nối truyền thống Tây tiến:

   Năm 1987 ban liên lạc CCB Tây Tiến thành lập và họp mặt những CCB Tây Tiến mọi vùng miền vào ngày thành lập, chia sẻ động viên nhau trong cuộc sống và mong muốn truyền thống Tây Tiến được tiếp nối. Năm 2010, các CCB Trung đoàn 52 Tây Tiến tuổi đã cao và những người còn lại đã trên dưới 100 tuổi, Các  CCB Tây tiến đã giao cho tôi nhiệm vụ trưởng ban Ban liên lạc truyền thống Tây Tiến (gồm con, em, thân nhân CCB Tây Tiến) để tiếp tục hoạt động. Trong 14 năm qua Ban liên lạc TTTT đã phối hợp tham gia với một số địa phương một số hoạt động tri ân góp phần tiếp nối giữ lửa truyền thống bộ đội Tây Tiến: Hội thảo tuổi trẻ Hòa Bình với Tây Tiến, Hội thảo khoa học lịch sử “Tinh hoa văn hóa Tây Tiến và kết nối du lịch theo con đường bộ đội Tây Tiến”, giao lưu “Tuổi trẻ Mai châu với bộ đội Tây Tiến”. Tại các địa phương Mộc Châu, Hòa Bình, Thanh Hóa hiện nay có 5 trường học mang tên Tây Tiến. Một công trình “Di tích lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến” cấp Quốc gia tại Mộc Châu. Một di tích cấp tỉnh “Tháp Tây Tiến’ tại Lạc Sơn, Hòa Bình, một di tích cấp huyện “Bia lưu niệm Tây Tiến” tại bản Sài Khao, Mường Lát, Thanh Hóa. Ban liên lạc thường niên tổ chức chuyến dâng hương tại các di tích Tây Tiến, gây quỹ khuyến học tại 5 trường Tây Tiến.

   Các hoạt động tri ân giúp lan toả tinh thần và tiếp nối truyền thống Tây Tiến đến các thế hệ mai sau.

 3. “Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm”

   Hình ảnh quê hương luôn hiện hữu trong tác phẩm của cha tôi, trong thơ hay văn xuôi: “Đường về quê hương mùa lúa chín/ Chim ngói bay vào thửa tám thơm”- (Không đề). Hay trong một ngày thu nhớ nhà: “Những tàu cau đượm làm chi ánh nắng/ Mà sao lưu luyến người/ Ôi ta nhớ một quê nhà/ Những tàu cau đượm làm chi ánh nắng”- (Thu quê ai). Năm 1983, sau khi nghỉ hưu và sức khỏe đã giảm sút, cha tôi vẫn quyết định vào Lâm Đồng để lấy tư liệu cho một bút kí về vùng kinh tế mới của Hà Nội. Trong một buổi làm việc với giám đốc nông trường III Lán Tranh, những kỉ niệm về căn nhà cũ ở Phùng hiện về, ông viết: “Ngồi ghi chép ngay trước một lọ địa lan ở rừng, quanh nông trường. Phong lan có nhiều, dễ tìm. Rất nhớ ông bố ngày xưa, cũng ưa giống địa lan này nhất. Rất nhớ cái vườn hoa xinh xắn của gia đình, của nhà ta, hiệu Phượng Mỹ ở phố Phùng. Cái vườn có hoa tigon, có hoa tím giấy, ông cụ gây ở cạnh cửa sắt, có hoa sói rất thơm mỗi sáng tháng bảy, có hoa nhài rất ngào ngạt những đêm trăng sáng. Có hoa tường vi và có cả hoa mộc. Cũng kì thay, ngồi ở nông trường III của Lán Tranh, đất heo hút Tây Nguyên, vùng săn bắn những voi, những hổ báo, tê giác và bò rừng của Bảo Đại và Ngô Đình Nhu mà lại nhớ hết về cái mùi hoa của nhà ta…”. Ông dặn dò các con: “Các con ơi, hãy yêu lấy quê hương của cha mẹ” và thốt lên: “Tôi bỗng xiết bao yêu mến con người Đan Phượng trong đó có người làng tôi, những con người đã trải qua bao sóng gió trên đồng ruộng của mình để tạo ra cho Đan Phượng một cảnh tượng như ngày nay”- (Màu xanh quê- Quang Dũng).

   Nhân kỉ niệm 10 năm ngày mất của cha tôi, câu lạc bộ Văn nghệ sĩ xứ Đoài (thời họa sĩ Phan Kế An làm chủ nhiệm) đã đề xuất và được quỹ hỗ trợ văn hóa Swedish International Development Agency (Thụy Điển) lựa chọn tài trợ dựng tượng nhà thơ Quang Dũng. Bức tượng đồng do nhà điêu khắc quân đội, đại tá Minh Đỉnh khắc họa được đặt tại trường tiểu học thị trấn Phùng, đặc biệt bệ tượng bằng đá xẻ thô nguyên khối trên vách núi Sài Sơn. Một cô giáo trong ban giám hiệu nhà trường nói với tôi: “Khi được tiếp các đoàn khách về thăm trường, tụi em tự hào lắm chứ, đó là vinh dự và niềm vui của nhà trường được giữ gìn, bảo quản pho tượng một Danh nhân văn hóa nổi tiếng của quê hương mình, không phải trường nào cũng được như vậy! Từ khi tượng ông được đặt ở đây, nhiều phong trào hoạt động của nhà trường đạt thành tích cao, học sinh đã quen trong mỗi buổi chào cờ có tượng ông nhà thơ chiến sĩ Quang Dũng cùng dự”-

   Hơn hai mươi năm cha tôi về quê trong hình dáng tượng đồng, bức tượng giờ đây đã nhuốm màu thời gian, nhà văn Vũ Bão trong ngày dự khánh thành bức tượng đã viết: “Cơn gió lành của thời đại đã cuốn đi đám bụi bặm ai đó đã ném vào đời anh, bây giờ chỉ còn một Quang Dũng hiên ngang đứng dưới ánh mặt trời.”- (Vũ Bão- Rẽ bèo chân sóng- trang 290). Tại khu Di tích lịch sử lưu niệm trung đoàn 52 Tây Tiến ở Mộc Châu, một phiên bản tượng của cha tôi được tặng cho nhà truyền thống, nơi trưng bầy những kỉ vật của CCB Tây Tiến, khách đến thăm khu lưu niệm rất vui như được gặp gỡ trò chuyện cùng nhà thơ.

  Vùng đất cổ Đan Phượng được biết đến là một vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử và văn hoá, thật tự hào, cha tôi là một nhà thơ chiến sĩ, một danh nhân văn hóa của quê hương Đan Phượng.

                                                                  Tháng 9 năm 2024

                                                                        B.P.T

 *Trong câu: “Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm”- Mắt người Sơn Tây

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây