THẠCH LAM - Nhà văn của Thăng Long - Hà Nội, hào hoa và thanh lịch

Chủ nhật - 13/10/2024 18:57
Nhà văn Thạch Lam (1910 - 1942)
Nhà văn Thạch Lam (1910 - 1942)


     THẠCH LAM (1910 - 1942), có 32 tuổi đời, sống trọn vẹn dưới thời thực dân Pháp tạm chiếm đóng Thủ đô Thăng Long - Hà Nội, nhưng tâm hồn ông, văn chương của ông vẫn trong lành như suối nguồn trong lòng đất Việt thương yêu. Mười hai năm sau khi trái tim giầu tình yêu thương của ông ngừng đập, Hà Nội tưng bừng cờ hoa đón chào đoàn quân tiến về trong hào quang chiến thắng “Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng”. Hôm nay Hà Nội mở Hội Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/1954 – 10/2024), trong lòng Người Hà Nội xốn xang bao kỷ niệm xưa, trong đó có hồi ức đẹp đẽ, ngọt ngào về ông, về những trang viết của ông. Đọc lại những trang văn của ông, vẫn cảm thấy ông cùng các bậc tiền bối Văn chương Hà thành đã và đang còn “Sống mãi với Thủ đô” !

Thạch Lam (1910 - 1942) tên khai sinh là Nguyễn Tường Lân, ngoài bút danh Thạch Lam, ông còn có bút danh Việt Sinh. Thạch Lam sinh ở Hà Nội, trong một gia đình công chức gốc quan lại. Ông là em ruột của Nhất Linh và Hoàng Đạo. Cả ba anh em đều là thành viên của Tự lực văn đoàn. Thuở ấu thơ, Thạch Lam sống ở quê ngoại (phố huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương), sau đó theo cha sang tỉnh Thái Bình. Sau khi đỗ Cao đẳng Tiểu học, ông theo học Trường Canh nông một thời gian, rồi học trường An-be Sa-rô Hà Nội ; đỗ Tú tài phần thứ nhất, rồi ra làm báo với hai anh ; tham gia biên tập các tờ tuần báo “Phong hóa”, “Ngày nay” của Tự lực văn đoàn do Nhất Linh chủ trương. Thạch Lam mất vào lúc tài năng văn chương của ông đang độ chín.

Những tác phẩm văn chương ông để lại cho đời : “Gió đầu mùa” (tập truyện ngắn -1938), “Nắng trong vườn” (Tập truyện ngắn - 1938), “Ngày mới” (Tiểu thuyết - 1939), “Theo dòng” -  (Tập tiểu luận - 1941), “Sợi tóc” (Tập truyện ngắn - 1942), “Hà Nội băm sáu phố phường” (Bút ký - 1943).

Trong ngàn năm Thăng Long - Hà Nội xây đắp nền văn hiến có sự góp phần anh hoa Thạch Lam, tuy nhỏ bé, khiêm nhường nhưng vô cùng quý báu, rất đáng nâng niu, trân quý.

Thạch Lam là nhà văn của Hà Nội đã sống theo nếp sống của Người Thăng Long hào hoa, thanh lịch. Theo hồi ký của những người trong dòng họ Nguyễn Tường và bạn văn chương cùng thời của Thạch Lam thì căn nhà mà Thạch Lam sống và sáng tạo văn chương ở ngay khúc đầu làng Yên Phụ:

Tây Hồ có danh sĩ
 Nhà thì ở nhà tranh
Cửa trúc cài phên gió
Trước thềm bóng liễu xanh

(Theo Huyền Kiêu - Bạn thơ của Thạch Lam)

Ngày nay, trong thời kỳ phát triển mới, Yên Phụ đã thay đổi nhiều. Hình hài, hồn vía, không khí đã khác xưa nhiều lắm. Nhưng vào thuở Thạch Lam sống và viết văn (1930 - 1945), làng Yên Phụ đẹp, thơ mộng như “một hoa thôn cổ tích”. Yên Phụ là một bán đảo thần tiên, quá nửa chạy vòng theo bờ nước Hồ Tây. Hầu hết dân làng làm nghề vun trồng hoa cảnh. Bốn mùa vườn ai thấp thoáng muôn hồng ngàn tía. Những luống cúc đại đóa vàng rực, thược dược các màu, vi-ô-let tím, cẩm chướng, phù dung, tường vi, hoa hồng, lay ơn, địa lan, huệ trắng . . . đua nở, thoang thoảng  hương thơm; dưới giàn thiên lý, trên sân lát gạch Bát Tràng, trên tường hoa san sát chậu, bát thủy tiên  củ rễ trắng ngọc trắng ngà, lá xanh ngọc bích như mơ; đào bích thắm đỏ, đào phai hồng phớt mơ màng, nhị độ mai tinh khiết bên thềm, ngoài ngõ liễu xanh rờn buông mành trước gió thoảng Tây Hồ. Nơi đây thanh sạch, ít phồn tạp, đáng là chỗ ở lý tưởng của văn nghệ sỹ.

Không nghèo đến cái độ không xây nổi nhà ngói tường gạch, nhưng bản chất giản dị, Thạch Lam dựng một ngôi nhà mái tranh, cổng gỗ, soi bóng nước Hồ Tây để vui sống cuộc đời của kẻ sĩ thuần phác theo tiết điệu nhu thuận, nhịp nhàng của thiên nhiên muôn thuở qua bốn mùa xuân-hạ-thu-đông. Với điều kiện và gia thế của dòng họ Nguễn Tường, Thach Lam có thể sống trưởng giả giầu sang. Nhưng Thach Lam đã chọn lối sống “nghèo cho có . . . nghệ thuật”. Ông tâm sự với bạn bè :

“Ở được nhà lá, nằm được giường tre, ăn được rau đậu, mà vẫn tìm thấy cái đẹp của mái lá, cái êm của giường tre, cái ngon của rau đậu, mới kể là biết sồng có nghệ thuật”. (Theo “Hồi ký “ của Đinh Hùng - Văn nghệ số 16, ngày 15 tháng 6 -1965)

Ngôi nhà của tác giả “Hà Nội băm sáu phố phường” đã đi vào thiên cổ, đi vào lịch sử. Nơi ấy Thach Lam đã sống những ngày tháng đẹp nhất của đời mình với những cởi mở, phóng túng, sôi nổi nhất của tâm hồn trong sáng tạo văn chương và đời thường dung dị. Thạch Lam nổi tiếng là người thận trọng trong giao du, nhưng mái nhà tranh của ông được gọi là mái nhà của “hào sỹ”, tập hợp khá đông anh em văn nghệ sỹ. Đó là một thế hệ tài năng thật sự, ít nhiều đã đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của nền văn học nghệ thuật hiện đại Việt Nam. Đó là Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng, Trần Tiêu, Thế Lữ (cùng phu nhân là Nữ kịch sỹ Song Kim), bạn thơ Huyền Kiêu, rồi Nguyễn Tường Bách, Đinh Hùng, Đỗ Đức Thu, Đoàn Phú Tứ, đôi khi là Nguễn Xuân Sanh, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Lương Ngọc, và một lần : Nguyễn Tuân, một lần : Nguyễn Đỗ Cung . . . Thạch Lam trong mắt nhìn, trong cảm tình và trong ấn tượng, ký ức  của bạn bè văn nghệ sỹ là người hào hiệp, phóng khoáng, lịch thiệp mà thân mật, có nụ cười hồn hậu, độ lượng, luôn nhã nhặn, thủ thỉ mà ân tình. Thạch Lam sống  đẹp của một Người Thăng Long - Hà nội hào hoa, thanh lịch ngàn năm.

                                                                           *

*           *

Văn chương Thạch Lam kết tinh vẻ đẹp tâm hồn của danh sĩ Thăng Long - Hà Nội. Trong nền văn học Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám 1945, và cho đến hôm nay, Thạch Lam là một trong số những nhà văn được nhiều cảm tình của bạn đọc nhất.

Đọc các văn phẩm của Thạch Lam, từ các nhà văn đương thời đến các học giả lão thành và những nhà nghiên cứu Văn học hiện đại trẻ tuổi đều có chung một nhận xét : “Xúc cảm của nhà văn Thạch Lam thường bắt nguồn từ chân cảm đối với những con người ở tầng lớp dân nghèo thành thị và thôn quê. Thạch  Lam là một nhà văn quý mến cuộc sống, trân trọng trước sự sống của mọi người chung quanh” (Nguyễn Tuân).

Đối với Thạch Lam, “Văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên, trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực của chúng ta, để vừa tố cáo và thay đổi một  thế giới giả dối giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn”. (Thạch Lam - Lời nói đầu của tập truyện ngắn “Gió đầu mùa” NXB Đời nay - Hà Nội, 1937).

Nói như thế nghĩa là ở Thạch Lam, bên cạnh cái “Tài” còn có cái “Tâm”. Cái tâm cực kỳ  trong sáng, rực rỡ, đầy tình nhân ái chiếu sáng lên toàn bộ đời văn và toàn bộ tác phẩm của ông. Chân tâm, chân cảm đã khiến trái tim ông rung động trước “đời sống kín đáo và giản dị quanh mình”, nó chi phối mọi sáng tạo nghệ thuật của ông. Đây mới chính là nguyên nhân thành công của ông trong mọi truyện ngắn.

Thạch Lam là cây bút truyện ngắn và tùy bút tài hoa, xuất sắc. Ông là một trong những cây bút văn xuôi đầu tiên ở Việt Nam có ý thức khai thác chất thơ trong cuộc sống bình dị thường nhật. Về bút pháp, Thạch Lam cũng là nhà văn mở đầu cho một giọng điệu riêng, giọng điệu trữ tình trong truyện ngắn. Truyện ngắn của Thạch Lam thường không có cốt truyện (hoặc cốt truyện rất đơn giản), nhưng lại chan chứa tình cảm, lời văn bình dị mà gợi cảm.. Mỗi truyện ngắn của ông như một bài thơ đượm buồn.. Ông có biệt tài đi sâu khai thác thế giới nội tâm nhân vật với những cảm giác, cảm xúc mơ hồ, mong manh, tinh tế. Hai yếu tố hiện thực và lãng mạn, trữ tình luôn luôn đan cài, xen kẽ vào nhau, tạo nên nét đặc thù, đặc sắc, khó lẫn trong phong cách nghệ thuật của ông. Văn phong của ông giản dị, trong sáng, nhẹ nhàng mà sâu sắc, thâm trầm. Truyện ngắn của Thạch Lam xa lạ với mọi thứ hấp dẫn bên ngoài, nhưng đọc truyện của ông, đời sống tâm hồn ta trở nên phong phú, tế nhị hơn, “đem đến cho người đọc một cái gì nhẹ nhõm, thơm tho và mát dịu” (Nguyễn Tuân). Một số truyện ngắn của Thạch Lam có thể coi là mẫu mực. Mỗi truyện ngắn của ông đọng lại trong lòng người đọc một nỗi niềm day dứt, một câu hỏi bức thiết của chính tác giả về sự đời và như một lời trách móc kín đáo của chính nhân vật truyện. Có khi đó là một vấn đề quyền sống và hạnh phúc của tuổi trẻ bị xúc phạm, nỗi cay đắng vì bị ép duyên khiến cô gái trẫm mình xuốn dòng nước mà không chết được, để sau đó phải chết oan trái, tức tưởi (trong truyện “Hai cái chết”). Những người phụ nữ trong truyện của ông vùa tội nghiệp, đáng thương lại đáng kính, họ hết lo cho em lại đến lo cho chồng mà phải để ngày tháng của tuổi xuân lạnh lùng trôi theo nhịp buôn bán ở cái chợ còm. Những “Cô hàng xén” như thế thấp thoáng trong những truyện ngắn của Thạch Lam như một lời chất vấn về ý nghĩa của cuộc sống.

“Thạch Lam nhà văn đã trút cả tính tình của mình sang các nhân vật do ông sáng tạo nên” (Vũ Ngọc Phan - “Nhà văn hiện đại”, Quyển III, tập II, NXB Văn học - 1986, tr 390). Ông nhập vào nhân vật của mình để nói lên nỗi thương cảm, thương thân. Truyện “Hai đứa trẻ” như một mảng đời bình lặng của một phố huyện nghèo hiện lên như nó vốn có và được Thạch Lam thể hiện theo dòng diễn biến tâm trạng của nhân vật Liên, một cô bé chưa đủ khôn ngoan, cứng cáp để thành một người lớn, nhưng cũng không còn hoàn toàn là trẻ con. Đây đâu phải chỉ là chuyện riêng của hai đứa trẻ, đây là câu chuyện của cả phố huyện nghèo với những con người bé nhỏ, âm thầm, tội nghiệp đi vào đêm tối và sống trong tăm tối. Có lẽ Thạch Lam đã day dứt bao nhiêu khi hạ bút viết câu văn thấm thía nỗi buồn thân phận và niềm cảm thông sâu sắc :

“Chừng ấy con người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho cuộc sống nghèo khổ hàng ngày của họ”. (Truyện “Hai đứa trẻ”).

Truyện hấp dẫn người đọc không chỉ bởi vấn đề được đặt ra mà còn ở thái độ và tình cảm của nhà văn đối với cuộc sống và con người. Đó là một thái độ nâng niu đầy tình nhân ái và lòng trắc ẩn cao quý. “Đọc truyện “Hai đứa  trẻ”, thấy bận bịu vô hạn về một tấm lòng quê hương êm ái và sâu kín” (Nguyễn Tuân).

Thạch Lam sâu sắc và nhân hậu biết bao khi dựng lên tâm trạng đau thương của những phụ nữ phải lấy thân xác ra làm vốn liếng buôn bán trong xã hội kim tiền tàn nhẫn. Họ bị xã hội khinh khi, miệt thị, những khi năm hết, Tết đến trong những tâm hồn đọa lạc ấy vẫn sáng lên những ý nghĩ và tình cảm trong lành (truyện “Tối ba mươi”). Ngòi bút Thạch Lam hay lách sâu vào những cảnh ngộ nghịch trái, luồn sâu vào những tâm trạng, tâm tình, cảm xúc, cảm giác vi tế của con người mà gợi lên bao sự đời. Truyện “Sợi tóc” ghi lại cơn bão tố phút giây trong một tâm tư, tái hiện một cách tinh tế cuộc giao tranh luân lí giũa thiện và ác, giữa chính và tà, mà “. . . chỉ một sợi tóc nhỏ, một chút gì đó, chia địa giới giữa hai bên”. Truyên của Thạch Lam thường đượm buồn, man mác cảm thương, nhưng rất đẹp. Đẹp ở tình người.. Truyện “Nhà mẹ Lê” viết cách đây hơn 94 năm  mà nay đọc lại vẫn làm ta  thương cảm nghẹn ngào trước bao nhiêu đoạn khổ, đau thương đối với người mẹ nghèo đông con đọng trong từng câu từng chữ của Thạch Lam.

Thạch Lam đặc biệt xót thương trẻ thơ. Ông thấu hiểu nỗi cơ hàn của những bé Hiên áo rách, da tím tái trước gió lạnh đầu mùa. Ông cảm động để chị em bé Sơn sẻ chia tấm áo bông cho bạn. Gió lạnh, nhưng tình người không lạnh ! (Truyện “Gió lạnh đầu mùa”).

Truyện”Dưới bóng hoàng lan” êm đềm, dịu ngọt như một bản nhạc trữ tình làm đắm say bạn đọc bao nhiêu thế hệ, nó tươi trẻ như tình yêu muôn thuở. Bóng hoàng lan đây là bóng mát chốn quê hương của tuổi trẻ, là “một nơi mát mẻ và sung sướng để thường về nghỉ sau việc làm”. Dưới bóng hoàng lan là bảo tàng tình bà cháu và ngát hương tình thôn nữ đọi chờ, như “có cái gì dịu ngọt chăng tơ đâu đây, khiến chàng vương phải” !

Truyện “Một cơn giận” có giá trị như một kinh nghiệm về cuộc sống được kể lại với nhiệt tình chân thành và một sự sám hối, bởi vì “Sự giận dữ có thể sai khiến ta làm những việc nhỏ nhen không ai ngờ” và “người ta có thể tàn ác  một cách dễ dàng”. Mỗi truyện ngắn là một phần tinh anh của Thach Lam, một danh sĩ tính tình nhẹ nhàng, tinh tế, từng trải cuộc sống, chăm chú lắng nghe chung quanh, lắng nghe mình, rồi trang trọng nhỏ nhẹ đề nghị với mọi người bàn điều hơn lẽ thiệt nhiều khi chỉ nhỏ như một sợi tóc !

Ngoài các tập truyên ngắn, Thạch Lam còn viết sách cho trẻ em. Cuốn “Quyển sách” và “Hạt ngọc” tả cảnh thôn quê cốt giới thiệu cảnh làm lụng ở nông thôn cho các em nhỏ quen sống ở thạnh thị được biết.

Đặc biệt, Thạch Lam có một tập tùy bút xinh gọn, duyên dáng viết về cảnh sắc và phong vị của THĂNG LONG - HÀ NỘI. Tập tùy bút “HÀ NỘI BĂM SÁU PHỐ PHƯỜNG” được truyền tụng nhiều, trong đó Thạch Lam rất khéo khi viết về các thức quà, những món ăn hàng ngày quê kiểng, không mấy cao sang nhưng đậm đà hương vị riêng thể hiện sự tinh tế trong bản sắc văn hóa lâu đời của đất Kinh kì. Người đã đọc “Hà Nội băm sáu phố phường” sẽ mãi mãi không bao giờ quên những điều Thạch Lam nói về “Một thứ quà của lúa nom - Cốm”. Theo ông, “Cốm là thức quà riêng biệt của đất nước, là thức dâng củ những cánh đồng bát ngát xanh, mang hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị, thanh khiết của đồng quê nội cỏ An Nam”. Đó là “cái lộc của Trời”, kết hợp với “cái khéo của Người’ và “sự cố sức tiềm tàng và nhẫn nại của Thần Lúa”.
                                                                          *

*           *

Bằng sự nghiệp vă chương của mình, Thạch Lam đã có những đóng góp quý báu vào sự phát triển của Văn học Hiện đại Việt Nam. Thạch Lam đã  làm cho tiếng Việt trở nên uyển chuyển, trong sáng, tinh tế hơn. Ông đã đem thêm sinh sắc vào cho văn chương nước nhà. Ngày nay, đọc lại Thạch Lam, người đọc vẫn cảm nhận được cái nhã thú của những tác phẩm văn chương đích thực của muôn đời, nó làm cho lòng người “rung động khẽ như cánh bướm non”, nhưng đó là những “tình cảm sâu xa và mới mẻ”, “làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn”

 

Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2024
Nhà Nghiên cứu, phê bình văn học
ĐẶNG TƯƠNG NHƯ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây