LÊ LÂM - Nhà thơ trái tim hồi ức của giọng điệu thời nay

Thứ hai - 30/09/2024 09:54
Nhà văn Lê Lâm
Nhà văn Lê Lâm
      

       Nhà thơ: Bùi Văn Kha
          Trong văn xuôi, hồi ức gần như là thủ pháp đắc địa của tư duy nghệ thuật, miêu tả và tái hiện chi tiết. Trong thơ, lấy cảm xúc, cảm hứng làm chủ đạo, hồi ức cũng chiếm vị trí quan trọng, nhưng cũng không nhiều trong tỷ lệ sáng tác của nhà thơ.
          Tất nhiên, hồi ức không phải là tất cả trong thơ Lê Lâm. Ông góp mặt ở nhiều chủ đề, nhiều diện, nhiều cảm thức. Ở những mảng đó không thiếu những bài thơ đọc được. Nhưng những sáng tác hay nhất của Lê Lâm là mảng hồi ức về thời chiến tranh ở cả hậu phương cũng như tiền tuyến, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhất là hồi ức Trường Sơn, sâu nhất là mưa, rừng, và trăng, đặc biệt là trăng.
          Chúng ta theo thơ từ tập đầu xuất bản năm 1990. Những bài thơ đầu ghi năm 1973. Nhưng có lẽ đó là năm cảm hứng ghi chép thôi, chứ hoàn chỉnh thì phải vào khoảng năm xuất bản. Đó là dùng  phê bình thủ pháp tu từ, nhận ra có những từ, những câu, những ý chỉ có ở thời ấy, mà chưa thể xuất hiện ở thời kia. Khỏi dông dài, ta cứ bằng thơ
Tập Cơn mưa bất chợt, 1990.
Đầu tiên là bài Cơn mưa bất chợt.
Khoảng hồi ức được miêu tả lúc sáng lúc tối. Những ai ở rừng nhận ra ngay. Thơ chỉ đưa vài màu xanh của trời, của lá, dù nước tràn, chớp lóe, nhưng vẫn nhiều hoa nở, làm sáng mặt người. Thời điểm sau Hiệp định Pa ri, lính hành quân dẫu gian khổ cũng đỡ hơn nhiều. (Bài nay ghi năm 1973). Câu thơ “Đất âm thầm nhận những dấu chân ta” không thuộc cảm xúc ngày đó, nhưng lại là một diễn tả hay về luận lý sau này.
Hành quân mùa mưa: “Những bàn chân đi trong lầy lội mùa mưa/ Những khẩu súng hướng về phía chân trời trước mặt/ Nơi trời xanh chưa liền một sắc/ Nơi tiếng pháo cầm canh/ Phá yên tĩnh của đêm/ Dội xuống lòng người/ Đi trong mưa/ Đầu đụng phải trời/ Da trời xanh là nền lá rừng sụp xuống/ Nước tràn qua mặt người/ Chớp nhì nhằng xa xôi/ Cũng sáng lên trên từng gương mặt/ Những nụ cười/ Những đóa hoa rừng quen nở giữa bão dông không tắt”
“Đi suốt mùa mưa/ Rừng măng đâm vội/ Đất âm thầm nhận những dấu chân ta”
          Còn ở Tiếng chim ở Trường Sơn: Đoàn người lên chân dốc/ Vọng xuống từ đỉnh dốc/ Nhịp dập dồn “khắc phục”/ Đoàn người leo qua dốc/ Tiếng kêu nghe nhỏ dần/ Phía trước những đoàn quân/ Phía sau những đoàn quân/ Không núi nào không vượt/ Nghe chim nói tiếng người/ Nhưng không ai kinh ngạc/ Chim ở rừng Trường Sơn” thì bắt đầu là tự sự. Sáng tạo ở chỗ như thơ Trần Tử Ngang, nhưng trước sau vẫn là những đoàn quân, như thơ Phạm Tiến Duật, những binh đoàn tiếp nhau ra tiền tuyến. Lê Lâm riêng hơn cho tiếng chim Trường Sơn đồng hành. Đi cùng tiếng hót lảnh lót ấy, khí thế đẹp say đã đồng hành với quân uy giải phóng. Đấy là đóng góp của thơ Lê Lâm trong khắc họa cuộc chiến tranh chính nghĩa.
Bài Mật thì hình ảnh rõ rồi. tôi chỉ nói câu “Chúng tôi nghĩ về mồ hôi của chính mình” cũng là tu từ của năm từ 1986 trở đi, chỉ để nhấn mạnh hồi ức trong thơ Lê Lâm như thức hải, kết hợp với ngôn ngữ xuất tự trái tim chân tình, tạo thành Hồi ức trái tim của riêng Lê Lâm, đó là ghi nhận!
 “Những cánh rừng hoa vẫn soi bóng xuống lòng khe/ Và từng đõ mật vàng vẫn vít cong câu nặng/ Qua những cung đường pháo chần mưa nắng/ Chúng tôi nghĩ về mồ hôi của chính mình”
Một hình ảnh cổ điển soi sáng thơ Lê Lâm và Lê Lâm đắm say cùng nó. Là dân Hà Tĩnh có học, trăng của thiên nhiên qua áng văn bất hủ của cụ Nguyễn Tiên Điền nó vận vào thi ảnh của Lê Lâm, làm thơ huyễn hoặc mà chân thực, cái chân thực trong mơ mộng, tưởng như không thể, vẫn hiện diện trong ta.
Vầng trăng nhỏ: “Gió rít qua những cánh hoa/ Như muốn vỡ “vầng trăng hai đứa ” ở trên đầu/ Xa anh rồi/ Em vẫn đi trên con đường xưa/ Hồi ta mới yêu nhau/ Mùa thu đến em là cô giáo trẻ/ Giáo án mở thêm nồng hoa dẻ/ Trang giấy trắng ngời/ Tình yêu nhân lên/ Một nửa vầng trăng sáng những con đường giao liên”
Vầng trăng và cô gái Lào giã gạo: “Nhịp chày em khua động núi rừng/ Trăng tinh nghịch rơi vào giữa cối/ Trăng rất mỏng vầng trăng biên giới/ Chia ánh sáng cho đôi bên/ …/ Có phải trăng quê nhà trăng quen/ Đang nghiêng xuống giữa một vùng đất lạ/ Trăng nhẫn nại như người đang giã/ Trăng hết đêm theo hạt gạo xoay tròn”
Trăng rừng: “Từng mang theo vầng trăng/ Suốt những năm trai trẻ/ Không thấy trăng phía bể/ Chỉ thấy trăng miền rừng/ Đường mở giữa trập trùng/ Nối chân nhau mà bước/ Trăng là người đi trước/ Giăng dài theo hàng quân/…/ Trăng ở trên đầu mình/ Mà ngỡ trong cổ tích/ Mồ hôi rơi thấm đất/ Vầng trăng non nhòe ra!”
Ý tứ của các bài về trăng tôi không bình nhiều.
Những suy tư trong Người lính đi qua thành phố: “Như chưa hề có cuộc chiến tranh nào trên trái đất này/ Mọi niềm vui và lo toan đều dưới bầu trời yên tĩnh/ Bầu trời anh đội trên đầu và anh đang đi qua/ Mọi thử thách đã thành thường tình với người lính/ Bỗng trở lên rất xa/ Trước mắt anh/ Người ta đang bàn chuyện của một ngày sắp đến” là một thực tế chấp nhận được. Nhưng đây là cảm quan ban đầu, sau này Lê Lâm lùi ra một khoảng để nhìn từ góc độ người lính về chiến tranh sâu sắc và tư huệ hơn nhiều. Đó là bài Nói về chiến tranh: “Người ta hay nói về chiến tranh/ Về cái chết/ Còn chúng tôi những người trong cuộc/ Chúng tôi lắng nghe”; “Cái thời không yên chẳng dễ làm quen/ Những ý nghĩ nóng bỏng/ Bụi đất đông đặc/ Đường đến với tình yêu là con đường gập ghềnh/ Đường đến với Tổ quốc là đường đi qua cái chết/ Tổ quốc đâu phải khái niệm siêu hình/ Có những người nằm xuống chiều hôm/ Có những người nằm xuống nửa đêm/ Có những người nằm xuống khi trời sắp sáng/ Bóng đêm chiến tranh không thể mai táng/ Cho bao nhiêu số phận con người!/ …/ Trong chiến tranh/ Giá phải trả cho mỗi trận đánh/ Cho những tràng vỗ tay hoan hô/ Mừng chiến thắng/ Chỉ người lính mới hiểu hết!”; “Người ta hay nói về chiến tranh/ Về cái chết/ Còn chúng tôi những người trong cuộc/ Chúng tôi im lặng…”. Ba mệnh đề đều có ba kết luận trạng thái: Chúng tôi lắng nghe; Chúng tôi hiểu hết; Chúng tôi im lặng. Lúc này Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh đã nói hết. Vài người nữa cũng nói hết. Nhưng đó là ở các góc độ khác nhau. Đây là Lê Lâm viết từ tâm thế người lính. Đó là cái hay riêng của Lê Lâm.
          Cho nên, Lê Lâm, như mọi người khác, lại trở về với mẹ. Cảm hứng về mẹ là của tất cá những đứa con, không chỉ nhà thơ. Nhà thơ chỉ nói hộ cái tình cảm nguyên sơ con gà quả trứng để khẳng định hỗn độn sinh ra con gà, con gà sinh ra quả trứng, triết học phiền phức gì đâu.
Mẹ: “Sau mỗi đứa con ra đời/ Người mẹ gầy nhỏ đi một ít/ Biết bao điều giản dị như sự thật/ Có bao giờ mẹ nói ra đâu/…/ Bước chân con từng đi khắp Trường Sơn/ Mẹ vẫn dắt tự những ngày chập chững/ Từ buổi đi men. Cho dáng con đứng thẳng/ Lưng mẹ đổ còng theo tháng năm!/ Giờ mẹ già thêm mỗi lần con về thăm/ Và con đã lớn lên trong ước mong của mẹ;/ Muốn nói thật nhiều như ngày còn bé/ Chưa kịp thành lời/ Đã gặp nụ cười của mẹ/Nụ cười đọng lại giữa những nép nhăn!”
          Mảng hồi ức còn ở các bài ở các tập mà tôi trích sau đây.
Về với bạn: “Vòm sương dày vẫn làm ướt sao khuya/ Chưa hết dốc mấy lần tao ngoái lại/ Hơi chúng mình đắp cho nhau ngày ấy/ Rồi tao đi mày ở lại với rừng/ Đêm đầu tiên tao xuống đồng bằng/ Không ngủ được dù bốn bề im lặng/ Cứ nghĩ xa xôi mình này sương nắng/ Cơn sốt rừng qua tao run bắn cả người/ Mày có nhức không những hôm trở trời/ Hay còn ghìm đau lo cho tụi tao/ Mà mày nằm phía ấy không yên
Có khi chỉ là một ý ngẫm như trong Chiến hào: “Đất im lặng và người lên tiếng nói/ Bằng máu mình/ Bằng những giọt mồ hôi”.
          Hoặc chỉ là một vu vơ:
Cơn mưa bất chợt: “Bắt đầu chẳng là gì cả/Và cuối cùng vẫn là chuyện mưa”; “Em đã quên chuyện cũ hay chưa/ Còn tôi sau làn áo là trái tim của lính/ Trái tim dẫu bình thường nhưng không hề yên tĩnh/ Trước mọi vui buồn lo toan/ Dẫu một cơn mưa bất chợt/ Như mọi cơn mưa khác/ Sau cơn mưa hửng lên/ Trả em về với công việc/ Trả ngọn gió cho trời/ Trả hè phố cho những ngôi nhà che chở/ Chỉ một lần chỉ một lần thôi gặp gỡ/ Tôi vẫn mang em về phía trước với tim tôi”.
          Nhất là  ở bài Tìm nhau mà tôi chép hết ra đây thì ký ức trở thành tiêu chuẩn của sự cảnh tỉnh.
Tìm nhau, “Năm mươi năm vẫn có người tìm nhau/ Họ lạc nhau vì đói/ lạc nhau vì chiến tranh/ lạc nhau vì bị phỉnh phờ và nóng vội/ Vợ chồng sau một ngày giận dỗi/ Tìm không ra gương mặt thuở yêu đầu”.
          Như mọi người vùng đất sông Lam núi Hồng xa quê lúc nào cũng day dứt vì quê. Lê Lâm có những ý thật hay. Những cái đau của hy sinh mất mát không còn chỗ cho vọng phu cổ tích. Những người vợ cúi xuống với đồng với bãi để đánh giặc đói nghèo. Thánh Gióng hỡi, tan giặc rồi, đến đây, ở lại đây, giúp người miền Trung, trồng tre Đằng Ngà , để mà xuất khẩu, để mà,…
Miền Trung: “Đi hết mọi miền chưa đi hết miền Trung/ Dải đất đứng trên rừng/ Lỡ trượt chân ngã vào lòng biển/ Cứ trần trụi không có gì che chắn/ Thiếu đất đai thừa nắng gió trên đầu/ Nơi núi hóa thân cát trắng bạc màu/ Mưa như trút còn bào trôi lở lói/ Câu trả lời gay gắt như câu hỏi/ Chưa bao giờ yên lặng ở trong cây”; “Ở đây nhà thơ và tiếng khóc đồng hành/ Mới nhận được nụ cười trên môi người khác/ Đất nóng bỏng suốt thời trận mạc/ Còn tím bầm sau những cuộc chiến tranh/ Khăn tang trắng trên đầu những hy sinh/ Không còn nơi cho đá vọng phu/ Những người vợ cúi xuống với đồng với bãi/ Tan giặc rồi cái khó cái nghèo còn lại/ Những Thánh Góng đến đây không trở về trời/ Đất dưới chân lên tiếng hỏi con người/ Cha ông nuối mắt nhìn khắc khoải/ Thương cảm lắm muôn đời giọng nói/ Đi càng dài càng nặng ở bên trong”.
          Mảng Hồi ức trái tim trong thơ Lê Lâm còn nhiều, Còn có các bài Ở chót đầu Lũng Cú, Mặt trời lên bên kia sông Đuống, Trăng Tây Bắc, Trở lại tuổi thơ, Gặp nhau ở chiến trường, Ở Trường Sa, Pha Đin, xin nhường cho độc giả. Như mọi người Việt khác, lục bát ở trong tôi từ thuở nằm nôi. Vậy nên tôi cũng chú đọc lục bát Lê Lâm.
Xin trình các đoạn trích của các bài cùng bạn đọc:
 
Đi dưới màu xanh
Con đường trải dưới hàng cây
Tán đong đưa cứ dịch ngày vào đêm
Hình như đất cũng dịu mềm
Khi anh đến để tìm em hẹn hò
Hình như lá cũng non tơ
Cái màu xanh cũng mới vừa lớn lên
Con đường xưa đã rộng ra mấy lần
Quên mình đang dưới hàng cây
Nâng màu xanh – thủa thơ ngây mình trồng.
 
Màu áo lính
Đến đây bạn có ngạc nhiên
Màu áo lính mọc cả trên cánh đồng
Lính không biết sống cho mình
Nên màu áo lính đẫm tình nên thơ
Lính không biết sống quanh co
Áo dù bạc chẳng theo mùa bạn ơi
Thấm vào chất lính mãi thôi
Sắc xanh đi đến trọn đời vẫn xanh!
 
Lâu không về Thanh Xuân:
Chim kêu khản tiếng trưa hè
Hình như vẫn thế sao nghe lạ lùng
Nắng như nồng hơn mọi vùng
Cây xanh hơn nói trọn cùng đất đai
Người như cuốn vội theo người
Đã lâu không về Thanh Xuân
Vẫn con đường cũ mà chân ngập ngừng.
 
Bến quê:
Trở về sợ những lối mòn
Bao nhiêu kỷ niệm cứ còn ngóng theo
Bây giờ sông hóa thành đồng
Nước sông còn chảy đâu dòng ngược xuôi
Dùng dằng trước mỗi chuyến đi
Vội vàng khi bước chân về đầu thôn
Không ai hẹn cứ bồn chồn
Không còn đò cũ không còn bến xưa
Chỉ hôm khuya khoắt nằm nghe
Lá cây rơi ở bến quê – đỉnh đèo.
 
Với biển
Giã đất liền đến biển xanh
Mà nghe sóng dội đầu ghềnh ngân nga
Mắt mình quen với bờ xa
Trái tim mình với bao la dâng đầy
Hôm nao lòng dạ bồn chồn
Là bờ xa vọng sóng cồn đáy sâu
Cả khi hờn giận thất thường
Đã bao giờ sóng quay lưng lại bờ
 
Điều còn lại
Đi qua ngày ấy lâu rồi
Thời gian như áng mây trôi thở nào
Không còn gì lại cho nhau
Mình anh đến với thấp cao đất trời
Ở nơi chôn chặt nỗi đau
Mình anh đến lại bới đào ai hay
Em ơi còn lại điều này
Dễ gì đánh đổi những ngày bên nhau
 
Mưa bụi
Có gì đâu mấy hạt mưa
Mà em lại cứ nghiêng ô che đầu
Từ đây sang đấy là bao
Chúng mình phải cách xa nhau một trời
 
Ngàn lau
Chiến tranh qua đã từ lâu
Người về tóc đã pha màu thời gian
Cây như nhân chứng một thời
Khẳng khiu trước bão bời bời vụt qua
Trẻ trung đã trắng tóc già
Giữa khô khốc nắng túa hoa lên trời
Cho chiều thăm thẳm không vơi
Cho đêm thức với mắt người trắng đêm
Lửa vùi vào đất thuở nào
Khói còn lên ở trên đầu ngọn cây!
 
Bồng bềnh sóng
Tưởng là đi hết lòng nhau
Ra với biển mới nông sâu lòng mình
Không bao giờ biển lặng thinh
Nên chi mình chẳng giống mình lạ chưa
Xưa sau sóng cứ bồng bềnh
Cho người ra biển mang tình chia phôi
Nửa của đất nửa của trời
Nửa bờ trong níu nửa ngoài khơi xa…
 
Thức giữa đêm mơ
Anh chợt thức giữa đêm dài
Nghe cơn mưa xối ở ngoài hàng hiên
Mùa này mưa gió liên miên
Em lên trên ấy chưa quen đất trời
Một cơn mưa ướt hai người
Có nghe thấm lạnh khoảng trời đó em?
 
Oan Tình
Phải đâu là chuyện chúng mình
Đến đây lại gặp oan tình Mỵ Châu
Đất trời ngỡ vẫn còn đau
Mây lông ngỗng trắng còn màu khăn tang
Chuyện mình đâu cứ đăm chiêu
Cúi đầu trước tượng – tình – yêu – không – đầu!


Có một bài mà tôi không thể bỏ qua. Bài Chị quét đường đêm và cô gái đứng đường: “Hầu như hôm nào cũng gặp nhau ở đây/ Cả hai cùng chờ trời tối/ Khi ánh ngày không đủ nhẫn nại/ Hắt ra những tia cuối cùng”. Chị lao công với những nhát chổi của mình quét cho sạch bụi bẩn. Chị còn lo nếu còn sót sẽ vướng vào ai đó lỡ bị dây vào. Còn cô gái bán thân kia vẫn lả lướt theo “nghề riêng”. Đôi khi bóng của họ cũng giao nhau: “Cô gái vẫn lướt đi trong đêm/ Có lúc che một phần nhát chổi”. Chị lao công lại không hề trách cứ, lại quét phần bụi bẩn bị che kia. “Chị cố lia những nhát chổi thật dài/ Bằng hai tay tì vào cán chổi/ Cô gái vẫn không hề bối rối/ Chỉ có niềm đau chị công nhân không chịu buông xuôi rơi xuống mặt đường!/ Trừ cô gái kia có ai nhìn thấy chị đâu”. Thực ra vẫn có một dấu hỏi ở câu cuối tiếp theo, nhưng tôi thấy bài thơ đến đây là đủ.
          Thơ Lê Lâm, Tất nhiên không chỉ có hai phần Hồi ức trái tim và Lục bát. Trong tám tập thơ (Cơn mưa bất chợt - 1990, Sóng – 1992, Nẻo vắng đường xa – 2000, Tự cảm – 2002, Gió núi – 2003, Lời của đất – 2005, Người gieo hạt trong đêm – 2009, Tiếng thời gian – 2019) đều hàm chứa một cố gắng nội lực trữ tình của ông. Thơ Lê Lâm, dù là lục bát, hồi ức trái tim, hay các bài thơ khác, đều hướng tới cảm hứng vô tận của quê hương, con người, tình yêu mà ông đã sống, đã chiến đấu cùng những người đồng đội, những người thân yêu, những người dù quen dù lạ vì họ đều là đồng bào của ông. Ông kiên trì ở cách nhìn và chỗ đứng của mình. Đó là nhân dân, dân tộc, đất nước, con người Việt Nam, nhất là đồng đội của ông, và Bác Hồ kính yêu! Có những điểm tựa ấy, sau chiến tranh, ông đi nhiều nơi nước ngoài, lòng vẫn hướng, mắt vẫn nhìn về Việt Nam, lòng không nghiêng lệch.
          Tôi xin dừng bài viết bằng một bài thơ luận thời của Lê Lâm. Cùng sinh ở thời đường là do nhiều người đi mà thành, còn người là bị ép đi mà hành, giờ sang thời khác trước, bài Tốc độ, có lẽ cũng nói được điều cần, trân trọng.
Tốc độ
Có phải vòng quay thời gian chóng mặt
Có phải trái đất nóng lên
Người ta sống vội vàng hơn
Làm cũng vội
Ăn cũng vội
Đến ngủ cũng vội
Vừa hé mắt ra đã lo trời tối
Hờ hững với thiên nhiên
Coi nhẹ cả chính mình
 
Thời đại văn minh
Người ta lại biến mình thành máy móc
Tưởng thay cho sức lực
Hóa ra lại tổn trí hơn
Thèm một giấc ngủ ngon
Thèm được đắm mình giữa cỏ cây hoang dại
Ra khỏi thành phố ồn ào
Ngỡ mình đang trẻ lại
Nhịp sống của làng quê
Đồng nghĩa với yên lành
 
Ngỡ thoát khỏi thị thành
Sẽ quen với nhịp sống thường ngày chậm rãi
Con người sẽ cân bằng
Sẽ trả lại điều mong mỏi
Mình sống với cuộc sống chính mình
Tất cả sẽ thật hơn…
 
Ngờ đâu
Một điều giản đơn
Bao lâu rồi thành quên
Có lẽ mình ra thành phố
Nông thôn bây giờ cũng đang tốc độ
 
Bỗng nhận ra muốn thắng được lực trở
Không thể đi ngược chiều!
 
Hà Nội, tháng 9/2024.
B.V.K

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây