TRƯƠNG NAM HƯƠNG - Nhà thơ trữ tình cấu trúc của thơ Việt Nam thời kỳ đổi mới

Chủ nhật - 09/06/2024 15:59

  Bùi Văn Kha

 

Nhà thơ Trương Nam Hương
Nhà thơ Trương Nam Hương

          Ông không chú trọng vào cách tân giọng điệu và thể loại. Giọng điệu của ông chủ đạo là trữ tình. Thể loại của ông là truyền thống và hiện đại. Thơ ông lấy vần điệu là chủ. Bút pháp văn xuôi hay kịch chỉ tham gia vào cấu trúc thơ. Nhưng đọc thơ ông bài nào cũng mới, cũng Chân – Thiện – Mỹ. Ông làm cho thơ Việt thời này giống như mâm cỗ cúng tế thần linh thời hiện đại, tiếp bước ngàn xưa bằng dáng vẻ và hiện thực hôm nay – ông chính là nhà thơ Trương Nam Hương của 40 năm Thời kỳ Đổi Mới.

Thời gian và không gian nghệ thuật của Trương Nam Hương là thời gian và không gian hư cấu. Đây là đặc trưng của bút pháp trữ tình. Ví như Bài Quán Thời Gian. Chẳng biết thời nào, nhưng ở thời nào cũng có. Vì là thời gian nên có ký ức, có hương xưa. Nhưng thơ không ôn cố tri tân. Thơ mở biên độ giống như tiểu thuyết (cho nên tôi bảo Trương Nam Hương hay dùng cấu trúc thơ kiểu hư cấu văn xuôi mà). Những Không mùa, Không năm, Không ngày để diễn giải cảnh tình. Sâu trong câu cuối là chút hờn, chút tiếc. Nhưng dẫu cái thực không ngọt ngào vì cái qua đi, thì cái yêu thương còn ở lại. Với những người tình thế cũng đủ rồi.

Quán thời gian

Mời em vào quán Thời gian
nâng ly ký ức uống làn hương xưa

Mời em vào quán Không mùa
ta chia nhau ngọn gió mùa rét căm

Mời em vào quán Không năm
để nghe nhớ khóc ướt đầm ngón tay

Mời em vào quán Không ngày
để xem trời thả heo may - Để buồn...

Đắng lòng môi chạm yêu thương
thời gian quên bỏ chút đường đấy em!

    Ký ức ấy tiếp theo ở Viết Tặng Những Mùa Xưa. Bài thơ này ra đời gần ba mươi năm trước. Đất nước còn gian khó lắm, tình yêu lứa đôi, vì vậy cũng gian khó theo. Lúc này, đồng tiền và thế lực dần lên ngôi. Thời Bao cấp qua mười năm đổi mới như một ám ảnh. Tình yêu nhỏ và mong manh lắm. Câu “Lời nói yêu em môi thơm kẹo vừng/ Hồi hộp trước khi mùa run rẩy đợi.” làm những người thời ấy bâng khuâng, chắc rằng thời nay thêm chút biết. Nhất là “Anh đang khóc cho ngày xưa lãng mạn/ Thời hai ta nông nổi đã qua rồi” thì nó da diết cứa lòng. Khi bước vào mùa lá rụng.

          Bài thơ này nói về sự khắc khoải mối tình người trẻ tuổi. Sự chia ly được dự báo bởi “mùa run rẩy đợi” làm câu thơ tội nghiệp. “em đang run rẩy” dù “Chúng ta còn quá trẻ trước trăm năm”. Đấy là tâm trạng một thời.

    Viết tặng những mùa xưa

    Hãy chỉ dùm anh hoa sữa phố nào
Thơm váng vất, nhớ thương nhoè hết cả
Anh quay về hoài niệm giữa chiêm bao
Chợt hoảng hốt cây đến mùa trút lá.

Hương hoa sữa phải một lần thơm quá
Bàn tay em ngây dại để anh cầm
Cái nóng ấm suốt mười năm mất ngủ
Sớm nay buồn nghe lạnh nhắc hồi âm.

Hãy chỉ dùm anh quán nhớ xa xăm
Cà phê đắng những vỉa hè Hà Nội
Lời nói yêu em môi thơm kẹo vừng
Hồi hộp trước khi mùa run rẩy đợi.

Chẳng phải mùa đâu, em đang run đấy
Phập phồng trăng sau nếp áo đang rằm
Chẳng phải lời đâu, kẹo vừng thơm đấy
Chúng ta còn quá trẻ trước trăm năm

Hãy giữ dùm anh phố cũ rêu phong
Mùa đang rắc những yếu mềm đa cảm
Anh đang khóc cho ngày xưa lãng mạn
Thời hai ta nông nổi đã qua rồi

                  (Viết tặng những mùa xưa  -1999)

Những năm 90 của thế kỷ 20, có hai bài thơ nói về tích xưa, chuyện xưa nổi tiếng. Đó là bài Thị Mầu và Nỗi Niềm Thị Nở.

Bài thơ Thị Mầu của nhà thơ Anh Ngọc có đoạn: “Người sống trong hơi thở của nhân dân/ Mấy trăm năm ai để thương để giận/ Câu sa lệch cũng hò reo nổi loạn/ Nhịp trống gầm lên những khát vọng không lời

Bài thơ Nỗi Niềm Thị Nở của nhà thơ Quang Huy có đoạn: Anh không nhà cửa bạc tiền/ Không ưa luồn cúi không yên phận nghèo/ Cái tên mơ mộng Chí Phèo/ Làm em đứt ruột mấy chiều bờ ao

Cả hai bài đều không muốn cách nhìn một chiều chủ nhân ông và quan phương. Góp vào đó, Trương Nam Hương có bài Tâm Sự Nàng Thúy Vân. Thúy Kiều trong thơ cụ Nguyễn Du là vai chính. Thúy Vân là vai phụ. Cho nên từ tiếng đàn, đến giấc mộng, đến cảnh đoạn trường thanh lâu hai lượt thanh y hai lần, đến câu cảm thán triết lý thế thái nhân tình là của Kiều chứ đâu phải của Vân. Hiểu thế rồi để thấy Trương Nam Hương xử lý tình cảnh vai phụ nó đau lòng nhân văn chứ không còn câu thơ tượng trưng ước lệ làm nền nữa.

Bài thơ này ẩn dụ rất sâu. Thực ra trong kịch, hay tiểu thuyết (truyện ngắn là một loại) vấn đề chính phụ, nội dung và hình thức, chủ quan và khách quan, …được đề cập nhiều. Kiều sống trong quan niệm kinh viện chính thống. Vân bộc bạch nữ quyền con gái. Thời kỳ chỉ làm bối cảnh cho tự sự tâm lý, chưa đến mức duy lý. Về mặt thủ pháp nghệ thuật, Trương Nam Hương đổi vai chính phụ. Hoàn toàn là độc thoại để bộc lộ tính cách nhân vật. Đoạn Sụt sùi ướt cỏ Đạm Tiên/ Chị thương kẻ khuất, đừng quên người còn/ Mấp mô số phận vuông tròn/ Đất không thể nhốt linh hồn đòi yêu!còn là một thái độ cuộc sống xã hội. Bài thơ thành công ở tính triết lý tự sự trữ tình – Một ngôn ngữ mỹ học mới, không còn đơn thuần là mô phỏng bắt chước, hay cao cả hùng biện nữa.

Tâm sự nàng Thuý Vân

    Nghĩ thương lời chị dặn dò
Mười lăm năm đắm con đò xuân xanh
Chị yêu lệ chảy đã đành
Chớ em nước mắt đâu dành chàng Kim

Ơ kìa sao chị ngồi im
Máu còn biết chảy về tim để hồng
Lấy người yêu chị làm chồng
Đời em thể thắt một vòng oan khiên

Sụt sùi ướt cỏ Đạm Tiên
Chị thương kẻ khuất, đừng quên người còn
Mấp mô số phận vuông tròn
Đất không thể nhốt linh hồn đòi yêu!

Là em nghĩ vậy thôi, Kiều
Sánh sao đời chị ba chiều bão giông
Con đò đời chị về không
Chở theo tiếng khóc đáy sông Tiền Đường

Chị nhiều hờn giận, yêu thương
Vầng trăng còn lấm mùi hương hẹn hò
Em chưa được thế bao giờ
Tiết trinh thương chị đánh lừa trái tim!

Em thành vợ của chàng Kim
Ngồi ru giọt máu tượng hình chị trao
Giấu đầy đêm nỗi khát khao
Kiều ơi, em đợi kiếp nào để yêu!

(Cỏ, tuổi hai mươi - 1992)

    Trong Xa Lắc Mùa Thu là hồi ức và hiện tại đan xen, nhưng kết thúc có hậu. Thế mạnh của cấu trúc làm câu chuyện hợp lý. Nhưng thơ là để nói tình, thơ không tường thuật sự việc. Cái hay là trong bài thơ này đã đạt cảnh giới như kiểu “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (vẫn biết so sánh là khập khiễng, nhưng mượn câu thơ làm thành ngữ để diễn giải ở đây thì cũng đắc sách lắm).

          Đó là hoàng hôn xẹt lửa, mùa thu tiếc nuối, câu thơ chở chòng chành, mùa thu đánh tráo, nhặt mùa thu vừa chạm đất. Các động từ làm sống động một chủ đề vốn là bức tranh tĩnh vật của hoài niệm. Đây là bài thơ tình dang dở tuổi sắp hết vị thành niên. Ai ở vào khoảng tuổi này cũng có một mối tình. Nhưng còn sớm quá. Có là dòng sông cũng chỉ là vốc tay ký ức thôi. Tuổi trẻ đặc tính là nhanh mạnh tươi trẻ. Chỉ thơ còn day dứt mà thôi.

Xa lắc mùa thu

Em không đến mùa thu năm ấy nữa
Em không đến trường cả mùa thu năm sau
Chiếc lá rụng xuống hoàng hôn xẹt lửa
Theo mùa thu tiếc nuối chảy qua cầu

Tháng năm buồn ghềnh thác vực sâu
Câu thơ chở chòng chành tiếng khóc
Tôi uống cạn dòng sông trong vốc tay kí ức
Nghe mùa thu xa lắc ngấm vô lòng

 

Biết em còn đến lớp với tôi không
Lo phấp phỏng tháng ngày trôi vội vã
Nắng kí thác đời mình trên sắc lá
Mới hiểu mùa thu đánh tráo tuổi xanh rồi

 

Tôi quá tuổi học trò từ ấy em ơi
Chiều nay trước cổng trường rươm rướm mắt
Chưa kịp nhặt mùa thu vừa chạm đất
Con gái tôi tan lớp giục tôi về.

          Cấu trúc thơ trong bài Hoa bất tử là theo kiểu tự cảm luận đề. Người bỏ ta thì còn thơ, bơ vơ lạc lối. Câu thơ bỏ đi, còn nỗi buồn, như núi, như trăng. Buồn bỏ đi, còn hoa, nắng, nguyên thủy, hương thơm tự nó tự nhiên, Bất khả tri. Kết toàn bài là Lão Tử: Đạo đi xa rồi trở về! Câu thơ lối tượng trưng cuối mỗi đoạn dựng một bức tranh kiểu cổ điển nói hoa nhưng không chỉ là hoa.

Hoa bất tử

Có một ngày người sẽ bỏ ta đi
May mắn quá câu thơ còn sót lại
Biển bơ vơ lạc lối buồm về

Rồi câu thơ nguội lạnh bỏ ta đi
Vớt vát mãi chỉ nỗi buồn ở lại
Núi cô đơn sám hối trăng thề

Và cuối cùng buồn cũng bỏ ta đi
Hoe hoét nắng...
Hoa hoang...
Chiều cỏ dại,
Thơm như không hay biết điều gì

Hình như gió ngược tìm năm tháng ấy
Hát dông dài
Hoa bất tử ơi...


Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành bài hát Có một vài điều anh muốn nói với em.

          Nhà thơ Trương Nam Hương sinh ở Huế, quê cha Hà Nội, quê mẹ Bắc Ninh, 12 tuổi vào sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Kể như thế để nói ông là thuộc lớp nhà thơ làm nên diện mạo và nội hàm thơ Thành phố Bác Hồ. Cũng để nói Hà Nội, Bắc Ninh, Huế, là âm hưởng tiên thiên, còn Sài Gòn là mỹ cảm hậu thiên của ông. Ta lược những bài thơ của ông về Hà Nội thấy Trong Góc Nhớ Hà Nội là tuổi niên thiếu: Anh nhặt lại tuổi mình viên sỏi nhỏ/.Ba mươi năm nằm lắng dấu anh về/ Xao xác gọi tên em từng góc phố/Hà Nội òa nghiêng mát một vòm me!”; “Có ánh mắt nhìn em qua thế kỷ/
Thấy anh giờ dắt nhớ tuổi anh xưa!”

Ở Hà Nội Một Thời là: Một thời Hà Nội cùng tôi/ Mũ rơm, lọ mực, nếp xôi đến trường/ Một thời Hà Nội thảo thương/ Sẻ chia phiếu đậu, tem đường, mớ rau”; “Một thời Hà Nội lo toan/ Gạo ngô thì thiếu, hoa xoan lại thừa/ Một thời. Ôi, một - thời – xưa/ Áo phong phanh gió bốn mùa buồn vui/
Tạ ơn Hà Nội ngọt bùi/ Nuôi tôi kham khó. Tôi thời trong veo...”

 

Còn trong Hà Nội, Anh Về thì chia làm ba thì xưa nay mai. Xưa có cốm thu heo may. Nay Tây hóa cà vạt áo phông phong cách lạnh lùng. Mai cứ đà của nay lại “hoa đào năm ngoái còn cười gió Đông”.  Đây cũng là thời kỳ cổ súy việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Nhưng thơ chỉ nhắn nhủ nhẹ nhàng thôi.

“Nhớ mai Hà Nội… anh về
Chợt thương hoa sấu tóc thề tuổi mơ
Chợt buồn chợt nhớ vu vơ
Cà phê khuấy mãi dại khờ không tan”

Trong Tam Tấu Hà Nội đã thực hư xáo trộn:


“Sương vờ ngái ngủ trên vai
Câu thơ xô lệch phố dài vu vơ...
Tiếng chim thon thót bên hồ
Mùa sao ảo đến nghi ngờ thế em”

“Loanh quanh phố dắt đi vòng
Mùi hương hoa sữa nhói lòng khi xa!”

           Huế, có lẽ, trong thơ Trương Nam Hương, vừa là nơi chôn nhau cắt rốn, vừa là kỷ niệm tuổi học trò. Ở bài Gửi Về Trường Nguyễn Du - Huế, ta đồng cảm với:

“Chiều không gom đủ mưa rơi
Hương không đủ níu chân người ngoái thăm...”


Còn Riêng Với Sông Hương

“Em nằm xanh nhé, sông Hương
Ta nghiêng núi Ngự ngồi thương... dịu dàng
Khoả vào trong vắt mênh mang
Có soi kịp nếp cũ càng tháng năm”

“Khói sương dâu bể toan cầm
Lại e vương nỗi thăng trầm ngón tay”

 

Trong Tôn Nữ... Sông Hương:

“Sông Hương không tuổi thơ không tuổi
Lắng mãi phù sa, ngọt mái chèo
Những lúc đời em nhiều muội mị
Ghé vào thơ chị để trong veo!”

Riêng trong bài Mười Năm Trước Huế có hai câu tôi thích, nhưng khi liên tưởng thì không chắc chắn có phải cái âm thanh rôm rốp là của bánh Huế hay tiếng trống tay. Nhưng âm thanh ấy kể cũng lạ, như một chút riêng.

“Thảng thốt mùa thu rôm rốp vỡ
Ta ngồi ngóng đợi trống trường tan”


 Bài thơ này làm năm 1988.

Trong Màu Huế, Trương Nam Hương vịn vào không thời gian để trải cảnh tình. Ở đây, màu Huế lấy gam chủ đạo là màu trắng. Các bài thơ hoài hương của ông lấy ý thủy chung làm sợi chỉ, cũng là một thủ bút trữ tình.

Màu Huế

“Anh vịn màu rêu Huế để yêu em
Trước thành quách bao đời em cứ trẻ
Sông Hương chảy thon mình qua dâu bể
Anh mượn vành nón Huế... buổi về thăm

Anh vịn lên mưa nắng những thăng trầm
…Vạt áo dài mây trắng xuống thi ca

Anh vịn lên còn mất những ngày xa

…Mắt Huế nhìn thăm thẳm tới ngày xưa

Anh vịn lên tròn khuyết tuổi em chờ
…Anh mượn màu nắng Huế để thương em!”

 

          Quê mẹ, trong thơ trữ tình Trương Nam Hương, là câu ca quan họ, là suối nguồn văn hóa. Gia tài mẹ để lại là di sản phi vật thể, với con là hành trang định hướng thiết thực và có ích cho cộng đồng, cho xã hội, cho trách nhiệm làm người.

Nhớ mẹ và làng quan họ

Nghe quan họ đêm rằm anh bật khóc
Lời chênh vênh uốn lượn mái chùa
Vịn câu hát anh lần về cội gốc
Chợt thấy mình có lỗi với làng xưa...

 

Bao mưa nắng đời anh chưa hiểu hết
Giờ xót xa thương mẹ nhớ làng
Mẹ cho của hồi môn là câu hát
Để con rời quê kiểng có hành trang

 

Mẹ thường bảo làng ta giàu cổ tích
Có bà tiên ông bụt giúp người
Nhưng mẹ vẫn một đời áo rách
Cố giữ lành câu quan họ thôi

 

Người để lại chiếc khăn hoa lý
Em nhớ cho đời mẹ xưa nghèo,
Vẫn thơm thảo mùi hương quả thị
Với câu thề quán dốc trăng treo

 

Giờ biết lấy cớ gì anh dối mẹ
Quan họ quên... rơi dọc tháng ngày
Sợi tóc rụng như lá vườn lặng lẽ
Mẹ không còn và mắt anh cay

 

Cứ ẩn hiện dáng đời trong câu hát
Lòng mẹ ta nhân hậu vô vàn
Vẻ thanh thoát nét hào hoa của trúc
Cũng nói lên cốt cách của làng

 

Đêm nay ngồi nghe em thay mẹ hát
Trăng tròn người thẹn nón đầu che
Chờ em hát đến “người ơi người ở...”
Hẳn lòng anh tủa rễ tựa cây đề.


Bài thơ đoạt giải B (không có giải A) cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1989-1990.

          Trong Về thăm Quan họ lấy cách tương phản để biểu cảm.

“Câu quan họ nghìn năm rồi chẳng cũ
Tóc bạc tôi về câu hát vẫn còn xanh.”

“Câu quan họ bây giờ không có lỗi
Tôi lặng ngồi mơ thuở tóc mình xanh.”

Còn ở Lỗi Hẹn Sông Cầu có những câu thật bất ngờ:

Mưa bụi giăng mờ không thể thấy
Em ngồi sợ rét lấm vào trăng.

          Mưa bụi, sợ rét là cảm giác, nhưng lấm vào trăng lại là cái chủ thể. Đọc câu thơ này tôi không khỏi liên tưởng đến câu “Thân lươn bao quản lấm đầu/ Chút lòng trinh bạch về sau xin chừa”. Nhưng thơ cụ Nguyễn Du là tượng trưng của thời thơ cổ điển cận đại. Thơ bây giờ lấy bối cảnh cảm quan rồi suy luận phi thực.Tưởng tượng nhưng ngẫm lại thấy có thể. Từ phi thực tới có thể là có chút chủ nghĩa hiện đại rồi (để tránh nhầm với hậu hiện đại – phi lý).

Trong bài Gửi Về Quan Họ, Trương Nam Hương lại có từ “hôn rét”. Không biết cái hôn ấy có lạnh thật không, nhưng tình một mà nói đến độ ấy nghĩ cũng thương thật. Nói chung biểu đạt ngôn ngữ trong thơ phong phú thể hiện độ tìm tòi chuốt thơ đến độ.

“Mưa Xuân giăng mắc miền Quan họ
Cánh nón quai thao lấp lửng chờ
Đêm ấy sông Cầu thao thiết gió
Anh về hôn rét một câu thơ”


          Trương Nam Hương không ồn ào cách tân, không lặng lẽ lướt sóng. Ông tạo ra một lối thơ thuần nhất để thơ ông như một tòa kiến trúc bằng chất liệu hiện đại trên nền tảng phong cách truyền thống: Thơ trữ tình cấu trúc. Nếu nói thơ nào chẳng là trữ tình thì đó là mệnh đề không chứng minh được. Đưa cấu trúc vào là đưa việc xây dựng cảm xúc và tạo chuyện trong thơ. Mỗi bài trong thơ Trương Nam Hương, vì vậy, thường có điểm nhấn, câu thơ hay, chữ hay, lưu lại.

          Thơ Trương Nam Hương chú trọng ngôn từ và ý tứ. Có một số bài về sau có dáng dấp trữ tình chính luận, nhưng điệu thấp, để cái trầm ẩn được đón nhận tự nhiên. Bài sau đây là một ví dụ:

Tạ lỗi cánh đồng

Mẹ khấn trời đừng bão giông
Khấn đàng tây, khấn đàng đông - Vậy mà
Lúa vừa mới trổ đòng ra
Bất ngờ lụt trắng đồng ta mất mùa

Nén hương, nải chuối lên chùa
Mẹ ơi, lũ lụt có chừa Phật đâu
Đến ông Thiện cũng ngập đầu
Nói chi ông Ác mày chau cũng chìm

Ở nơi đất trũng đồng chiêm
Mỗi cây lúa - số phận riêng con người
Ngẫm trong may rủi cuộc đời
Trách chi hạt thóc hẹp hòi với ta

Tay không lấm đất đồng nhà
Dễ vô tâm mỗi khi và miếng cơm
Dễ dàng đưa bát mẹ đơm
Và suy nghĩ cũng giản đơn cuộc đời

Tôi ăn bao hạt-mồ-hôi
Mà sao thơ chẳng mặn mòi bao nhiêu
Cứ như nước ốc ao bèo
Thơ tôi ngại nói cái điều mẹ mong

(Cứ là cây lúa nặng bông
Cứ là năm ấy làng không mất mùa!)
Thưa sao với mẹ bây giờ
Bài thơ xưa kể như lừa mẹ thôi!

Im phăng phắc dáng mẹ ngồi
Tấm lưng còng đỡ cả đời bão giông
Cúi đầu trước mẹ bao dung
Nghìn lần tạ lỗi cánh đồng, quê hương...

          Định hình sáng tác của nhà thơ chỉ có thể nêu được vài nét, hoặc những nét chính, chứ không đóng khung thành bức tranh được. Với Trương Nam Hương, ông đóng góp cho thơ Việt Nam thời kỳ đổi mới bằng thi pháp trữ tình cấu trúc, là đã rất nhiều (tôi dùng cấu trúc thơ ở đây với nghĩa một là ngôn ngữ kiến tạo hiện thực và hai: mối liên hệ giữa cá thể và khái quát – tuy nhiên cũng hiểu thêm là phương pháp đồng đại và đồng thoại, tránh đi lối kể lể văn tự). Với giai đoạn nhiều “cao cao tằng tằng, cao cao tại thượng”, thì kiến trúc cao tầng không nhất thiết phải là hình tháp, mà là lâu đài, có lẽ vậy!

Hà Nội, tháng 5/2024.

B.V.K

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây