Tết về nhớ mẹ - thơ Lê Đức Nghinh và lời bình...

Thứ năm - 29/08/2024 08:59
Minh họa: ST
Minh họa: ST


TẾT VỀ NHỚ MẸ


Chẳng còn mơ nữa xuân sau
Nhớ từng khẩu vỏ, miếng trầu mẹ têm
Bánh chưng cha luộc đã rền
Rưng rưng con bóc cong đêm giao thừa

Cầu Kiều giữa cánh đồng chua
Mẹ làm đất thức, tối chưa về nhà
Đận pha mấy rặng tre già
Giỏ, xời, gồng, gánh chợ xa, chợ gần

Cây xoài bóng đã kín sân
Vườn trầu lá úa mấy lần thay dây
Bình vôi mẹ quết mỗi ngày
Mẹ đi rồi!…vẫn còn đầy mẹ ơi!…

Buồng cau mấy bận héo rồi
Bếp rơm nguội lạnh chỗ ngồi mẹ xưa
Ngày nhà trống vắng bơ vơ
Đêm nghe thánh thót tiếng mưa thở dài…

Chuông chùa đang vọng hồn ai?…
Thoảng như tiếng mẹ bên ngoài mẹ…ơi…

                                          Lê Đức Nghinh



LỜI BÌNH của Nhà thơ Trần Trọng Giá

        Bài thơ Tết Về Nhớ Mẹ của nhà thơ Lê Đức Nghinh như một khúc ca buồn, đầy nỗi khắc khoải, nhớ thương về người mẹ đã khuất mỗi khi tết đến, xuân về. Qua những hình ảnh thân thuộc và giản dị, tác giả đã khắc hoạ sâu sắc tình cảm thiêng liêng, lòng tri ân đối với mẹ - người đã hy sinh cả cuộc đời vì con. Giờ đây, khi mẹ đã không còn, Lê Đức Nghinh càng thấm thía, tết không chỉ là ngày hội của niềm vui, mà còn là thời điểm để tri ân, để nhớ về cội nguồn, về những người đã từng dành hết tình yêu thương đối với mình trên chặng đường của cuộc đời. Tết này thiếu mẹ, mâm cỗ vẫn bày biện, nhưng tất cả dường như nỗi buồn càng đầy thêm. Không còn tiếng mẹ gọi mỗi sớm mồng Một, không còn những bữa cơm ngày tết sum vầy, ấm áp tiếng cười. Mọi thứ dường như trở nên lặng lẽ và trống trải.
Mỗi câu thơ “Tết Về Nhớ Mẹ” mang đến cho người đọc những hình ảnh gần gũi, giản dị không chỉ làm sống lại những kỷ niệm tết xưa mà còn gợi lên tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt. Bài thơ cũng để lại trong lòng mỗi người thêm thấm thía hai chữ gia đình, lòng biết ơn những gì mẹ đã dành cho chúng ta, để cuộc sống này luôn có ý nghĩa hơn.
Mở đầu bài thơ Lê Đức Nghinh nhớ về những kỷ niệm, về tết xưa với mẹ: “Chẳng còn mơ nữa xuân sau”. Câu thơ như một tiếng thở dài, báo hiệu sự mất mát và đau lòng khi mẹ không còn bên cạnh. Những hình ảnh thấm đượm tình cảm như: “khẩu vỏ, miếng trầu mẹ têm” hay “bánh chưng cha luộc đã rền” làm hiện lên bức tranh tết quê hương quen thuộc, đầy ấm cúng. Nhưng giờ đây, tất cả chỉ còn lại trong ký ức, khiến cho người con phải “rưng rưng” mỗi khi nhơ về đêm giao thừa bên mẹ. Chắc chắn rằng: ngày cuối năm, Lê Đức Nghinh đã một mình ngồi lặng lẽ trước ban thờ mẹ, thắp nén hương thơm, ngắm nhìn di ảnh mẹ lòng trĩu nặng. Từng giọt nước mắt lặng lẽ rơi. Lê Đức Nghinh thầm nghĩ, mẹ vẫn đang dõi theo, vẫn mong chúng tôi sống hạnh phúc, an yên. Nhưng nỗi nhớ mẹ vẫn cồn cào, day dứt, bởi khoảng trống mẹ để lại trong lòng tác giả không gì có thể lấp đầy.

Nhà thơ đưa người đọc trở về với những kỷ niệm cụ thể hơn về mẹ. Hình ảnh "Cầu Kiều giữa cánh đồng chua/ Mẹ làm đất thức, tối chưa về nhà” gợi nhớ về những ngày mẹ vất vả làm lụng, chẳng quản nắng mưa, sớm tối. Sự chịu thương, chịu khó, sự lao động không ngừng của mẹ lại được nhắc đến qua những chi tiết nhỏ như “Đận pha mấy rặng tre già/ Giỏ, xời, gồng gánh chợ xa, chợ gần”. Những công việc bận rộn, luôn chân luôn tay là việc cả một cuộc đời cần cù, kiên nhẫn và chắt chiu của mẹ, để nuôi dạy các con.
Lê Đức Nghinh tiếp tục khơi gợi nỗi nhớ gửi tới người đọc bằng những hình ảnh quen thuộc nơi sân vườn, ngôi nhà: “Cây xoài bóng đã kín sân/ Vườn trầu lá uá mấy lần thay dây”. Những sự thay đổi của thời gian, của không gian như đồng điệu với nỗi lòng người con, làm cho nỗi nhớ mẹ thêm phần da diết. Dù mẹ đã đi xa, nhưng mọi thứ trong ngôi nhà vẫn còn nguyên dấu ấn của mẹ, từ: “Bình vôi mẹ quết mỗi ngày/ Mẹ đi rồi!…vẫn còn đầy mẹ ơi!…” đến “Buồng cau mấy bận héo rồi/ Bếp rơm nguội lạnh chỗ ngồi mẹ xưa”…
Những hình ảnh ấy như hiện hữu sự hiện diện của mẹ trong mỗi góc nhỏ của ngôi nhà, nhưng lại càng làm tăng thêm nỗi cô đơn khi mẹ đã rời xa mãi mãi.
Phần cuối bài thơ là nỗi lòng trĩu nặng của người con khi đối diện với sự trống vắng: “Ngày nhà trống vắng bơ vơ/ Đêm nghe thánh thót tiếng mưa thở dài”. Những câu thơ trĩu nặng, gợi lên cảm giác cô đơn, lạc lõng khi không còn mẹ bên cạnh trong những ngày tết đoàn viên. Hai câu kết của tác giả như một lời tự sự, lời an uỉ cho chính mình thật xúc động.
Chuông chùa đang vọng hồn ai?…
Thoảng như bóng mẹ bên ngoài mẹ… ơi!

Nhà thơ đã nhắc đến việc: “Gửi vong lên chùa” là minh chứng cho quan niệm “Sống gửi thác về” của người Việt, cho thấy mối tương quan giữa sự sống và cái chết. Nghi lễ này truyền tải một thông điệp quan trọng của nhà Phật là: sự sống không có nghĩa là bắt đầu và cái chết không phải là kết thúc. Cuộc sống là một vòng luân hồi, có nghiệp, có báo, có nhân, có quả. Tục gửi vong lên chùa cũng chứa đựng tinh thần nhân văn, cứu độ chúng sinh của Phật giáo. Đây cũng là dịp để con cháu người quá cố thực hiện nghi lễ tri ân, báo hiếu đối với đấng sinh thành, để vong linh ông bà, cha mẹ được mát mẻ, thanh thản mà siêu thoát. Chính vì vậy “Chuông chùa đang vọng hồn ai?…” như vang lên giữa không gian tĩnh lặng, đầy sự tôn kính và nhớ thương.
Và cuối cùng nỗi nhớ ấy bùng lên, thảng thốt “Thoảng như bóng mẹ bên ngoài mẹ… ơi!...” Lời mẹ cứ vang vọng trong nỗi đau quá lớn, trong thương tiếc khôn nguôi.
Bài thơ “Tết Về Nhớ Mẹ” của nhà thơ Lê Đức Nghinh là một tác phẩm đầy cảm xúc, diễn tả nỗi nhớ thương, lòng biết ơn và sự tiếc nuối của người con dành cho người mẹ đã khuất.
Tết năm nay, tác giả sẽ lại dâng lên mẹ nén hương, lòng cầu nguyện cho mẹ nơi xa được an lành, thanh thản. Và trong lòng tác giả, mẹ luôn ở đó mãi mãi.

Linh Đàm 28/8/2024
T.T.G

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây