Tăng cường hệ giá trị trong sáng tác văn học hiện nay

Thứ bảy - 02/12/2023 09:09

Tăng cường hệ giá trị trong sáng tác văn học hiện nay

Nhờ gắn bó với quần chúng nhân dân lao động cũng như lý tưởng giải phóng dân tộc, thống nhất và xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, VHNT đã tích cực tham gia vào các hoạt động chính trị và xã hội của đất nước, đã tạo ra được những tác phẩm có giá trị tư tưởng và thẩm mỹ cao, cổ vũ cuộc hành quân ra trận, góp phần vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

 
  Bùi Việt Mỹ

    “Tiếp tục đổi mới, sáng tạo tác phẩm hay, xứng đáng; chấn hưng sự nghiệp văn hóa văn nghệ của đất nước”, là vấn đề rất lớn và như một yêu cầu cần phải đề cập trước thực tiễn sáng tác hiện nay. Thực tế đổi mới, phát triển đất nước đang đặt chủ thể sáng tạo ở vị thế hội nhập và cạnh tranh, tiếp cận nhu cầu bạn đọc và thị hiếu công chúng. Với bản chất và phong cách vững vàng, lực lượng văn nghệ sĩ chúng ta đã sáng tạo, đóng góp tác phẩm, công trình cao quý và giữ vị trí chính thống trong hệ giá trị văn hóa của đất nước. Bên cạnh đó, không ít các tác giả, các tác phẩm văn học, nghệ thuật mượn lối đổi mới, thể hiện đa sắc, đa chiều, song tính giá trị cơ bản thấp, chạy theo thị hiếu, giải trí tầm thường, có các hoạt động mang tính dung tục, ảnh hưởng đến quá trình quản lý văn hóa, giáo dục của xã hội ta hiện nay.  

    Sau gần 2 năm diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc (11/2021), tại Lễ Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá: nền văn học nghệ thuật tiếp tục đổi mới, bám sát hiện thực sôi động của đất nước, có cái nhìn điềm tĩnh, tinh tế, tích cực ủng hộ sự ổn định xã hội, củng cố niềm tin, có quan điểm biện chứng về đời sống, ca ngợi, khẳng định cái tốt đẹp, cổ vũ nhân tố mới, thành tựu mới, lấy ánh sáng để đẩy lùi bóng tối… Văn học nghệ thuật ngày càng phát triển đa dạng, phong phú, mới mẻ, giàu tiềm năng; xu hướng chuyên nghiệp hóa ngày càng được đề cao, tính dân tộc ngày càng đi vào chiều sâu, có thành tựu to lớn và có bước tiến dài trong sự nghiệp.

   Hơn ai hết, việc góp phần chấn hưng sự nghiệp văn hóa văn nghệ đất nước chính là tạo điều kiện để văn nghệ sĩ lao động cống hiến, phấn đấu để có nhiều tác phẩm xứng đáng về nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật để khẳng định một tầm vóc tiêu biểu và cơ bản, định hướng thẩm mỹ, tăng tính tích cực trong dư luận công chúng.
 

Nhìn lại từ quá trình sáng tác từ sau 1945 để khẳng định giá trị và định hướng sáng tác văn học cách mạng cho đến nay.

       Nền văn học cách mạng Việt Nam ra đời và phát triển gắn liền với quá trình đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển kinh tế nước nhà. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã gánh vác trọng trách lãnh đạo làm nên thành công cách mạng tháng Tám-1945 và đặc biệt, từ 1954 nền văn học cách mạng Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng và thực sự là sản phẩm không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đại bộ phận quần chúng nhân dân. Tiếp tục góp phần đáng kể vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa đất nước ta bước vào công cuộc xây dựng cuộc sống mới và hội nhập quốc tế.

Đội ngũ các nhà văn trong giai đoạn từ sau 1945 đến 1985 như: Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Khoa Điềm, Võ Huy Tâm, Nguyễn Khải, Hữu Mai, Nguyễn Minh Châu, Chính Hữu, Vũ Cao, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Ma Văn Kháng, Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật... đã thực sự tạo nên một dòng văn học hiện thực cách mạng Việt Nam rất hùng hậu.

Ngay từ khi ra đời, Đảng ta luôn coi văn học, nghệ thuật là một mặt trận, văn nghệ sĩ là những người chiến sĩ trên mặt trận ấy. Những vấn đề chính trị lớn của đất nước, dân tộc luôn là nội dung chính yếu của tác phẩm VHNT. Nhờ gắn bó với quần chúng nhân dân lao động cũng như lý tưởng giải phóng dân tộc, thống nhất và xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, VHNT đã tích cực tham gia vào các hoạt động chính trị và xã hội của đất nước, đã tạo ra được những tác phẩm có giá trị tư tưởng và thẩm mỹ cao, cổ vũ cuộc hành quân ra trận, góp phần vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

“Văn học ở Việt Nam hôm nay về cơ bản chính là sự tiếp tục của dòng văn học cách mạng có mầm mống từ những năm 30 của thế kỷ trước, lớn lên trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, phát triển ở miền Bắc từ 1954 và tồn tại trong phạm vi cả nước sau khi Việt Nam thống nhất. Hiểu rõ những đặc điểm của văn học cách mạng trong suốt mấy chục năm qua sẽ giúp chúng ta nhận thức được đầy đủ và chính xác hơn diện mạo của văn học Việt Nam hôm nay, nhất là những nét đổi mới của nó. (*)

Chúng tôi muốn nhấn mạnh thêm ở giai đoạn đánh Mỹ, sự phát triển rầm rộ và vượt bậc của đời sống văn học với những đổi thay đáng kể từ đề tài, tư tưởng chủ đề, đến nội dung, kết cấu, hệ thống hình tượng cũng như phương cách và ngôn ngữ biểu đạt của tác phẩm văn học qua hàng loạt các tác phẩm như: Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh, Những người đi tới biển, Những ngọn sóng mặt trời của Thanh Thảo, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Cái đêm hôm ấy đêm gì của Phùng Gia Lộc, Những mảnh đời đen trắng của Nguyễn Quang lập, Bến không chồng của Dương Hướng và Chuyện làng Cuội, Thời xa vắng của Lê Lựu... Tiếp đó là các tác phẩm Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng, Cỏ lau, Sao đổi ngôi của Chu Văn, Chim én bay của Nguyễn Trí Huân, Sự mất ngủ của lửa, Nhịp điệu châu thổ mới, Mùa hoa cải bên sông của Nguyễn Quang Thiều, Đảo chìm của Trần Đăng Khoa, Tướng về hưu, Muối của rừng của Nguyễn Huy Thiệp... đã làm cho tầm vóc và diện mạo văn học Việt Nam nói chung và văn xuôi nói riêng giai đoạn này đa thanh và đa sắc hơn. Giờ đây những nỗi đau, nỗi buồn đã được tác phẩm thừa nhận một cách bình đẳng với cái anh hùng, cái cao thượng và trở thành những phạm trù của văn học cũng như mỹ học Việt Nam đương đại.
 

      Mấy khuynh hướng, sản phẩm văn học lạc lối cần được ngăn chặn kịp thời.

   Từ sau NQ Trung ương 23/NQ-TW (2008) đến trước Hội nghị Văn hóa toàn quốc (2021), khoảng 13 năm, diễn biến của hoạt động sáng tác văn học có khá nhiều phức tạp trên cơ sở diễn biến kinh tế và lạm dụng quyền tự do dân chủ tạo ra tình trạng lệch chuẩn và loạn chuẩn. Sự lệch chuẩn ấy trước hết biểu hiện ở khía cạnh tư tưởng chính trị.

Thủ đoạn của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lưu vong, đối tượng chống đối trong và ngoài nước triệt để lợi dụng không gian mạng, chủ yếu là các ứng dụng của mạng xã hội biến nó thành công cụ đắc lực cho hoạt động chống phá tổ chức và lợi ích nhân dân ta. Chúng lợi dụng khái niệm “tự do sáng tác” đã được xác định trong khá nhiều văn bản hay bài phát biểu chính thức của một số đ/c thay mặt lãnh đạo ở cơ quan Đảng và Nhà nước ta. Ở đây chúng ta hiểu về ý thức khơi dậy, thể hiện nỗ lực sáng tạo và quảng bá tác phẩm phù hợp với lợi ích quốc gia, toàn dân chứ không có nghĩa các cá nhân văn nghệ sĩ tự do tổ chức hoạt động sáng tác tùy ý, nằm ngoài khuôn khổ lợi ích ấy. Mặt khác, thực tế hiện nay, Nhà nước ta đã tổ chức hệ thống các cơ quan hoạt động văn học nghệ thuật từ trung ương đến tất cả các địa phương (chính là Liên hiệp các Hội VHNTVN) rộng lớn, đồng thời có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện bảo đảm quyền tự do sáng tác và quảng bá tác phẩm.

     Tai hại hơn, khá nhiều tác giả trẻ cũng đã dụng ý tạo dựng những truyện hoang tưởng, tân kỳ, tục tĩu khiến cho lớp bạn trẻ nhìn cuộc đời và tình yêu chỉ toàn một màu xám xịt mất phương hướng trong cuộc sống... Một số khác lại nhân danh văn học đại chúng hay văn chương thị trường để vừa hạ thấp giá trị thẩm mỹ của tác phẩm văn học, vừa khoét sâu vào mặt trái của xã hội một cách thô thiển, vồ vập, toàn những người xấu và việc xấu, đâu cũng thấy mánh khóe lừa gạt, trộm cắp, đĩ điếm, tù tội tham nhũng... làm xói mòn lòng tin của công chúng vào sự lãnh đạo của Đảng, và chế độ ta. Còn những tấm gương lao động cống hiến, bao tấm lòng nhân ái, thiện nguyện căng mình trong bão lũ, trong đại dịch thì có vẻ vắng bóng (…) Ở đây, chúng tôi không khẳng định là ai đó có dụng ý làm chính trị, nhưng vô hình dung nó đã có tác dụng đối với các nhóm tiêu cực, phục vụ cho các “âm mưu chính trị” nhiều hơn là chuyên tâm phản biện văn học nghệ thuật.

 

Cần đặc biệt coi trọng công tác lý luận phê bình văn học.

 

     Phấn đấu để có nhiều tác phẩm có giá trị cao và giữ vị trí chủ yếu, ảnh hưởng sâu rộng đến ý thức văn hóa dân tộc thì tác động của lý luận phê bình là hết sức quan trọng. Qua lý luận phê bình mà nhận diện, khẳng định vị thế, giá trị tác phẩm và khuynh hướng sáng tác trên cơ sở quan hệ giữa tác phẩm và thị hiếu công chúng. Quan trọng hơn là từ đó chúng ta có cơ sở để định hướng cho sáng tác phù hợp với yêu cầu của thời kỳ mới.

        Nghị quyết 23/NQ-TW của Trung ương đã chỉ rõ: Một số văn nghệ sĩ còn hạn chế trong tiếp cận và nhận thức những vấn đề mới của cuộc sống, chưa cảm nhận đầy đủ ý nghĩa, chiều sâu và tính phức tạp của quá trình chuyển biến mang tính lịch sử trong thời kỳ mới của đất nước. Có biểu hiện xa lánh những vấn đề lớn lao của đất nước, chạy theo các đề tài nhỏ nhặt, tầm thường, chiều theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng, hạ thấp chức năng giáo dục. Tình trạng nghiệp dư hoá các hoạt động văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp có chiều hướng tăng lên…Hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật có biểu hiện tụt hậu so với yêu cầu, thực hiện chưa tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với sáng tác. Chất lượng khoa học và tính chuyên nghiệp của phê bình bị xem nhẹ; xuất hiện lối phê bình cảm tính, thiếu tiêu chí tin cậy để đánh giá tác giả và tác phẩm…Và trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, Tổng bí thư tiếp tục phát triển, khẳng định nhiệm vụ chấn hưng và phát triển văn hóa trong thời gian tới, trong đó đặt ra các yêu cầu cụ thể đối với đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ: tầm nhìn, phương pháp và phản ánh cái mới, cái tích cực, tiêu biểu trong đời sống văn hóa…Đó cũng chính là nhiệm vụ cao cả của lý luận phê bình đối với sản phẩm sáng tạo.

     Thực tiễn của lý luận phê bình văn học thời gian gần đây chúng ta rất dễ nhận ra đó là sự phân hóa ngày càng rõ rệt giữa các hình thức, hoặc xu hướng nghiên cứu chuyên và không chuyên. Hiếm thấy có tác phẩm mang tính lý luận, phát hiện và dự báo khả năng sáng tác thật quy mô mà đang có quá nhiều các bài giới thiệu tác phẩm sách hời hợt và vụn vặt. Lượng tác giả và nhà phê bình văn học không chuyên xuất thân từ phong trào cơ sở khá nhiều, họ thỏa mãn các nhu cầu nhất thời, thậm chí có nơi, có lúc hạ thấp, bôi nhọ cảm thụ văn học. Vừa “thiếu” lại vừa “yếu” cũng là cách nói theo sự nhìn nhận, đánh giá của một số nhà chuyên môn hàn lâm khi nhìn sang hai xu hướng phê bình nói trên. Họ thấy thực sự “thiếu” những công trình, tác phẩm đỉnh cao và “yếu” về tầm nhìn và giá trị tư tưởng và thẩm mỹ, nhưng lại quá dư thừa về số lượng bài vở, tác phẩm, cũng như quá mạnh bạo trong việc khen chê, bình phẩm lấy được.

Không có sáng tác văn học thì ắt cũng sẽ không có lý luận phê bình văn học. Ở chiều ngược lại lý luận phê bình văn học có vai trò thẩm định tác phẩm, định hướng tư tưởng và thẩm mỹ đối với bạn đọc. Theo đó, nó đấu tranh, hạn chế được những sáng tác có hại và tầm thường trong công chúng. Vì lẽ đó, phê bình văn học còn là tấm gương phản chiếu một cách trung thực, là thước đo hữu hiệu đối với sự phát triển của đời sống và sáng tác văn học nghệ thuật nói chung. Tại buổi lễ kỷ niệm 20 năm Hội đồng Lý luận phê bình VHNT trung ương, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu người làm Llpb cần bám sát và thấu hiểu sâu sắc hơn nữa thực tiễn văn học nghệ thuật đang vận động, phát triển đa dạng, phong phú; từ đó nâng cao khả năng phát hiện, dự báo, tổ chức nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn một cách khoa học và có hệ thống đối với những vấn đề lớn đang đặt ra.

 

     Vấn đề cuối cùng là về cơ chế khuyến khích, đầu tư sáng tác.

      Đây cũng là điều kiện mang tính then chốt đối với tác giả và tác phẩm, cũng giống như việc đầu tư ban đầu cho một doanh nghiệp.

    Việc duy trì và nâng cao giá trị giải thưởng hàng năm của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đang thể hiện một cơ chế đánh giá tác phẩm và khuyến khích tác giả rất lớn. Liên hiệp các hội VHNT của 63 tỉnh,

thành phố trong cả nước, số lượng tác phẩm tham gia dự thi hàng năm và dự thi theo chuyên đề có thể lên tới hàng vạn nếu thống kê đủ trong vòng 50 năm

qua. Đây thể hiện một cơ chế đầu tư bằng khuyến khích sáng tác rất hữu hiệu mà từ đó chúng ta thu nhận được những tác phẩm có giá trị xứng đáng, đại diện cho cả nước.

    Hiện nay, chúng ta cũng đang thực hiện cơ chế đầu tư đến tác giả ngay từ khi có bản thảo hay công trình tác phẩm. Đây là một giải pháp đáp ứng mục đích khích lệ tài năng văn nghệ sĩ để có tác phẩm hay đến với công chúng. Một việc làm đã và đang được phát huy tác dụng.

 

    Tóm lại, với ba vấn đề lớn: 1) khẳng định và phát huy giá trị của văn học thời kỳ chiến tranh đến trước đổi mới quản lý kinh tế, 2) Ngăn chặn kịp thời khuynh hướng sáng tác lợi dụng tự do dân chủ và lợi dụng mạng internet để truyền tải văn hóa đồi trụy, thị hiếu tầm thường, 3) Tổ chức và phát huy chức năng, tác dụng của lý luận phê bình, của phản biện xã hội, và thêm nữa là việc chọn lọc đầu tư tác phẩm…theo chúng tôi, đó là những yếu tố cơ bản để khẳng định hệ giá trị văn chương lành mạnh, cùng với các ngành nghệ thuật khác chiếm giữ vị thế chủ đạo của tinh hoa văn hóa Việt Nam.

 

 10/2023. B.V.M

--------

Nguồn tin: Thời báo Văn học nghệ thuật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây