HƯƠNG BƯỞI

Thứ năm - 28/04/2022 20:45
Vũ Thị Kim Liên
Minh họa của Báo Dân trí
Minh họa của Báo Dân trí
                                                                                            Truyện ngắn của Vũ Thị Kim Liên
    Tôi khoác ba lô xuống xe đi bộ từ cổng làng về nhà dọc theo đoạn bờ đê vòng vèo như con rắn đang uốn lượn giữa cánh đồng.
 
Mới có mấy năm không về quê, nay được bước trên mặt đường bê tông rộng gấp rưỡi khi xưa, thấy làng quê đã đổi mới khang trang nhiều. Không còn mái tranh vách đất xưa nữa, không còn đường đất lầy lội những ngày mưa nữa... Chợt thấy lòng phấn chấn và hồi hộp mỗi khi nghĩ đến phút giây được gặp mặt người thân.
Ngày bước chân ra đi, tôi chỉ là một thanh niên lẻo khoẻo gầy gò trong gia đình ba con là chị gái tôi, tôi và cậu em út, cha làm việc trong quân đội mỗi năm chỉ được về phép một đôi lần.
Năm ấy tôi vừa tốt nghiệp cấp ba xong, đang ôn thi để thi vào đại học An Ninh thì cha rẽ qua nhà để chuẩn bị cho chuyến công tác đặc biệt. Sau khi bàn bạc với mẹ, được mẹ chấp thuận, ông quay qua nói với tôi:
- Con trai à, tuy là con học giỏi và ước mơ chính đáng, nhưng để rèn luyện và trau dồi kiến thức cùng tư tưởng vững vàng, thân thể cường tráng thì con nên vào quân đội là tốt nhất, trong môi trường quân đội con vẫn học và thi cử nếu như con có hướng phấn đấu.
Tôi im lặng chưa trả lời cha ngay, thực tâm tôi cũng muốn nhập ngũ cùng các bạn đồng lứa đợt này. Tôi thương mẹ, kể từ ngày chị gái tôi đi lấy chồng ngoại tỉnh, mẹ tôi lại càng vất vả. Bà luôn chân luôn tay làm hết việc ngoài đồng ruộng, lại về nhà việc lợn gà bếp núc và chăm bà nội nữa. Lăn tăn suy tính, phải sau hai hôm cha về đơn vị, tôi mới quyết định đi theo nghiệp cha!
Ngày lên đường nhập ngũ, làng tôi có ba thằng xung phong đi được cả ba luôn. Trước hôm lên đường, mẹ thì thào với tôi ra chiều bí mật:
- Hưng này, sáng ngày kia con lên đường tập trung trên huyện rồi đi, chiều mai ra xã dự lễ giao quân, nhận tư trang làm anh bộ đội rồi đấy… Tối nay đi cùng mẹ ra Đền Cô nhé.
- Ôi mẹ, con không đi đâu, tối nay và mai con bận chia tay bạn bè rồi.
- Không được, con phải đi luôn bây giờ với mẹ, mẹ sắp sẵn lễ đây rồi, sang xin Cô đi may mắn tránh hòn tên mũi đạn, mẹ nói rồi, phải vâng lời mẹ.
- Vâng, vậy đi luôn để con còn kịp về với các bạn. Tôi thực lòng không muốn đi nhưng nhìn mẹ lo âu tôi lại thay đổi quyết định. Thay vội bộ quần áo dài vào, tôi lai mẹ ra phía Đền Cô – một ngôi đền dân làng thường đến lễ vào dịp Tết, Mùng một, hôm Rằm hàng tháng.
- Khi vào đền con phải lễ phép nhé, trước có cụ Chùa trông bên chùa Lu, trông coi cả bên Đền, nay có cô Chín áp vào con bé Năm con gái bà Thành đấy, linh lắm! Mẹ tôi rủ rỉ.
- Ôi mẹ ơi! Cái Năm học với con á? Nó đi ôn thi trên Hà Nội cơ mà? Sao ở nhà làm Cô Chín được?
- Không gọi là nó, phải gọi là cô, Cô Chín mới cho ăn lộc đấy. Đi thôi con, không đông lắm.
Tôi ngỡ ngàng khi ngôi nhà hai gian thờ của làng lại đông đến vậy. Bãi để xe ô tô, xe máy chật cứng. Bên trong mọi người trải chiếu ngồi lễ ra tận ngòai sân. Gian thờ Thánh uy nghiêm với ba bức tượng Mẫu, năm bức tượng năm ông quan lớn, tượng cô, cậu...  Các bức tượng có ghi tên các chư vị để mọi người biết mà đặt lễ...
- Mẹ con bà Hòa đi muộn thế? Đội lễ vào đây, chuẩn bị vào canh đàn cầu quốc thái dân an rồi đấy.
Tiếng bà Hiên trong hội tế của làng cùng mẹ sang sảng gọi… Nhìn mẹ vóc dáng bé nhỏ đội mâm lễ... tôi bỗng trào lên thương cảm vội đi theo:
 
- Mẹ ơi để con đội lễ cho. Nhìn ánh mắt vui sướng của mẹ, tôi chợt hiểu đây là nét văn hóa tâm linh của làng quê tôi!
Sau khóa lễ là canh hầu Thánh!
Tôi hồi hộp dự khóa lễ do một tay cô bạn cúng và chỉ đạo cung văn hát dâng các giá đồng! ...Đến khi nhập vai Cô Chín như cả làng đồn thổi thì mẹ tôi gọi tôi vào ngồi gần để được "Cô" vuốt ve che chở an toàn cho khi ra trận.
Ta về chứng Đền, chứng Phủ, chứng đủ lô nhang cho bách gia trăm họ! Ta chứng cho lính họ Phạm có tâm có lòng cùng mẹ đến Đền ta...
Tất cả quỳ mọp xuống lạy Cô rền vang!
Tôi ngạc nhiên là cô bạn tôi quê gốc Thái Bình, sao lại nói giọng Thanh Hóa nghe sang sảng. Bỗng nghe tiếng Tiên Cô gọi vào ban tài phát lộc cho tôi! Vậy là khóa lễ đã xong.
Cả đêm tôi nằm mãi không ngủ được, băn khoăn tự hỏi tại sao cô bạn gái học rất giỏi mà lại không đi ôn thi vào đại học? Sao mấy tháng bỗng biến thành Ngài được nhỉ? Sao nói được giọng nam sang sảng phán truyền như các tướng đời nhà Trần vậy? Còn uống rượu và hút thuốc lá nữa chứ... kỳ lạ là cả làng thôn xóm đều đến quỳ vái thưa bẩm rất kính cẩn.
Tôi vùng dậy châm đèn xem lại "lộc" mà Cô Chín phát cho (cái Năm nhập vai Cô Chín) là một quyển sổ nhỏ, một cây bút và bộ gương lược nhỏ xíu. Bên cạnh là túi có bánh kẹo, cam và oản... Tôi cất sổ, bút và bộ gương lược nhỏ bé vào ba lô, còn lại mang xuống dưới nhà cho mẹ và em ăn.
Sáng hôm sau, khi tia nắng đã xiên qua khe cửa sổ rọi vào gian phòng gác xép của tôi, tôi bị đánh thức bởi tiếng loa, tiếng hát vọng từ sân vào nhà. Đêm qua thao thức ngủ muộn nên hôm nay dậy muộn. Tôi vệ sinh cá nhân rồi vội xuống đón khách trên Ủy ban xã và huyện xuống tặng quà cho tân binh để ngày mai lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.
Thôn xóm ai cũng mang quà sang tặng... Bỗng tôi nghe giọng nói âm vang từ cổng vọng vào:
- Dạ cháu chào các bác các cô chú ạ.
- Chào Thánh cô, hôm nay bận thế mà cô cũng đến với nhà tôi ạ.
- Lạy Thánh mớ bái, xã ta được ba tân binh đủ tiêu chuẩn đi đợt này. Cả huyện có mười tân binh, xin Cô phép thánh phù hộ độ trì cho trai làng ta đi mạnh khỏe chiến thắng trở về nhé.
- Dạ, dạ cháu... cháu...
Thấy Năm hôm qua, nay vào nhà tôi đang lắp bắp trả lời mẹ tôi và các cô bác ngoài sân. Tôi vội bước ra chào và đến bên Năm và các bạn cùng lớp ùa vào tặng quà và xin chữ ký lưu niệm...
 
Tôi lên đường cùng Chính và Hùng vào thẳng phía Nam, chỉ phải qua một đợt luyện tập ngắn hạn gấp gáp. Vào chiến trường xa nhà, xa quê hương chỉ có tiếng súng và tiếng máy bay B52 thả bom trên chặng đường hành quân. Tôi bỗng nhớ về Năm - Cô bạn gái cùng lớp có đôi mắt dài vút như có ngàn ánh sao... Tôi lấy trong ba lô ra cuốn sổ bé tí và cây bút chì ra tốc ký, rồi lại giấu tận dưới đáy ba lô. Tôi thấy nhớ quê khôn tả, nhẩm tính tôi đã xa nhà hơn năm rồi mà chưa gửi được thư về cho mẹ, vì cuộc chiến ác liệt giao liên trên các chặng gặp nhiều khó khăn, lính quân bưu bị đứt liên lạc vì thế thư từ gửi về hậu phương bị đình trệ nhiều...
 
Sau gần hai năm mới nhận được tin nhà, bố tôi phục viên về làng, em trai út vào học cấp ba ở huyện. Tôi mừng quá đọc đi đọc lại đến thuộc làu lá thư của mẹ và em trai gửi đến. Những lá thư là động lực tiếp sức cho tôi trong các trận đánh vô cùng nguy nan. Trước khi vào chiến trường B, tôi được đơn vị cho nghỉ phép 3 ngày về thăm gia đình, đường đi hiểm trở phải mất một ngày đêm mới về đến nhà.
 
Mới có hơn hai năm thôi mà cha mẹ tôi đã già, ôm lấy mẹ gầy gò mà mắt rưng lệ.
- Mẹ ơi, giữ gìn sức khỏe chờ con mẹ nhé...
- Bà cứ thế làm mủi lòng con trai của chúng ta… Nào con trai để ta ngắm con khi được ăn cơm gạo quân đội xem nào… khà khà khà.- Cha tôi vui vẻ nói và vỗ về tôi.
- Con trai ta được tôi luyện ở chiến trường có khác. Con yên tâm đánh giặc cha mẹ luôn tự hào về con. Khi nào hết giặc hãy đón nàng dâu về cho mẹ con đỡ trông ngóng.
Tôi vui cùng gia đình và bà con hàng xóm sang chơi tận khuya. Khi mọi người về hết, mẹ tôi mới thì thầm:
- Con trai à, mẹ nhắm đám con bà Hợi bên xóm Đông, mai cùng mẹ sang bên đó chơi "dấp ngõ" con nhé.
- Mẹ ơi, con không đi đâu, đánh tan hết giặc con về lấy cho mẹ nàng dâu thảo hiền rồi sinh cho mẹ tiểu đội cháu nhé. Tôi cười xòa ôm bờ vai mẹ.
- Cha bố nhà anh, sang xem mặt, nếu ưng thì mẹ làm cái lễ...
- Chiến tranh còn ác liệt mẹ ạ. Lần sau con xin nghỉ dài ngày về sẽ lo việc đấy mẹ nhé. Tôi ôm lấy mẹ nghẹn ngào an ủi.
Mẹ thở dài nhìn xa xăm trong im lặng... Hôm sau, cha mẹ làm cơm mời các cô dì chú bác đến ăn để sáng ngày kia tôi trở lại đơn vị.
Tối đến, chiều lòng mẹ, tôi lại lai mẹ ra Đền Cô lễ. Lần này tôi thạo hơn, cất xe và xách làn lễ vào Đền, nhìn cảnh xe cộ ô tô xe máy ken kín sân, trong đền khói hương nghi ngút vọng ra tiếng tụng kinh tiếng chuông mõ, bất giác tôi hỏi mẹ:
- Sao không phải ngày Tết lễ, Mùng một hôm Rằm mà đông người thế, có sư hay sao mà có cả tụng kinh thế mẹ.
Mẹ ra hiệu im lặng không được nói gì, kéo tôi ngồi xuống chiếu ở sân vái vọng vào. Đang loay hoay với làn lễ thì một cô gái chừng đôi mươi tiến lại nói nhỏ nhẹ:
- Dạ thưa bác để cháu đón lễ vào dâng ạ.
Cô bé đón lấy làn lễ mang vào đặt lên ban thờ, sau quỳ xuống bên Cô Chín!
- Ta về chứng cho bách gia trăm họ. Ban tài tiếp lộc cho muôn dân. Ta ban sức khỏe mọi người!
A di đà Phật!
Tất cả mọi người có mặt trên sân đều sụp lạy.
Tôi tò mò vì nghe giọng Cô quen quá, đang hé mắt nhìn lên thì giật mình nghe phán:
- Ta ban khen cho ghế già họ Nguyễn, có tâm, có lòng luôn đến Đền, một năm bốn tiết, một tháng đôi tuần, nay cùng con trai đến dâng lễ, ta ban lộc bình an cho đây.
- Lạy Cô, Cô ngồi cao trông xa, Cô ban tài tiếp sức cho con trai của con chân cứng đá mềm, thoát hòn tên mũi đạn trở về lấy vợ sinh con...
Tôi kinh ngạc thấy mẹ tôi thuộc làu vái khấn giỏi thế, chưa hết kinh ngạc đã nghe Cô phán:
- Họ Phạm thông minh mai lên đường làm nhiệm vụ vì nước vì dân, ta ban cho sức khỏe cùng lá bùa luôn mang theo bên mình tránh hòn tên mũi đạn bình an trở về xe duyên kết tóc cùng họ Trần xóm Đông nhé.
Mẹ tôi sụp lạy, giục tôi vào trong nhận bùa hộ mệnh. Tôi ngần ngại vì là đảng viên không tin mấy chuyện mê tín, nhưng muốn yên lòng mẹ, tôi tiến vào gần Cô giọng ngượng ngùng suýt thì phì cười:
- Dạ lạy Cô, Cô thương phù giúp…
Đang cúi đầu lúng túng khi nghe xung quanh các bà các mẹ mọi người khen lính cụ Hồ, đẹp trai vạm vỡ thế. Cô bé đón lễ lúc nãy lại gần tôi thì thào:
- Em đốt phù này cho anh uống còn phù kia anh đút túi áo nhé! Tôi khẽ gật đầu làm theo "cận ghế" Cô. Mọi người gọi cô bé là cận ghế mà.
Buổi lễ kết thúc sớm, tôi nấn ná ở lại để gặp Năm - cô bạn gái cùng lớp cấp ba, nay chính là Cô Chín! Mẹ giục tôi lai về còn đi có việc, tôi đành chào bạn và ra về cùng mẹ. Về đến nhà mẹ vui lắm nói với bố tôi:
 
- Ông à, mẹ con tôi sang bà Hợi nhé, Cô về phán rõ lắm, sang luôn để đợt sau con được nghỉ phép về thì ta lo cho chúng nó.
- Ô hay cái bà này, cứ u mê là sao?
Hai ông bà lời qua tiếng lại, tôi vội nói:
- Bố ơi, bố con ta tuân theo mẹ thôi ạ. Tôi đứng dậy nói - Mẹ ơi, con đi cùng mẹ nhé!
Mẹ tôi hồ hởi lắm, đã có sẵn túi hoa quả to và chẽ cau chừng mười quả, với lá trầu sắp sẵn từ trước rồi. Tôi không muốn mẹ buồn, ngày mai xa mẹ vào chiến trường ác liệt có thể hi sinh. Bước đi không chắc có ngày về, nghĩ thế tôi chiều lòng mẹ...
Đến nơi mẹ dẫn, trước mắt tôi là ngôi nhà ngói ba gian có sân rộng, có vườn bưởi, có ao thả cá, trước sân có ba cây cau... bà Hợi ra mở cổng đón mẹ con tôi.
Qua vài lời chào hỏi, mẹ tôi bảo tôi sắp hoa quả trầu cau vào cái mâm bà Hợi đưa cho. Tôi hồi hộp bê mâm lễ đặt lên ban thờ. Phía trên treo ảnh hai cụ, dưới là ảnh anh bộ đội trẻ...
- Trên là ảnh ông bà thân sinh ra ông ấy nhà tôi, ảnh dưới là chồng tôi hi sinh hai mươi năm nay, từ khi con Hà mới hai tuổi. Bà Hợi đon đả giải thích.
- Dạ vâng thưa bác, tôi ấp úng trả lời khi sống mũi cay cay, xót xa thương người mẹ, người vợ lính thời chiến tranh.
Làm xong theo mẹ và bà Hợi hướng dẫn, tôi ngồi xuống chuyện trò.
- Con Hà đi đâu bà? Hôm nay tôi đưa thằng con trai tôi sang thăm bà, thắp hương cho ông nhà, mai nó lại trở về đơn vị sớm. Chiều nay tôi đưa cháu ra Đền Cô, lễ xong về là xuống bà luôn đấy.- Mẹ tôi mở chuyện.
- Quý hóa quá, tôi và bà cứ vui nhận thông gia thôi, chứ chủ yếu các con ưng nhau thì còn gì bằng. Con Hà được cái Năm con bà Thành đón đi sắp lễ giúp vì trên đền có lễ giải hạn. Tí nó về bây giờ. Bà và cháu uống nước đi.
Tôi nhìn bà Hợi với niềm cảm xúc trân quý, kính trọng. Gương mặt bà tuy nhăn nheo khắc khổ nhưng cũng không xóa hết đươc nét đẹp thời thanh xuân xa xưa... Nhìn hai bà mẹ thân thiết bên nhau, tôi thấy nao nao trong dạ khi nghĩ đến ngày mai tôi ra đi...
Tiếng xe đạp lách cách cổng mở, chắc Hà đã về, tôi vội đứng lên giúp em tháo các đồ chằng sau xe xuống. Tôi giật mình nhìn em khi nghe em nói:
- Cảm ơn anh nhé,... là anh…?
Em cũng ngỡ ngàng khi nhận ra tôi dưới ánh điện khi vào nhà. Em thốt lên.
Tôi cũng sững người nhìn em...Mẹ Hà gọi con gái:
- Hà ơi, vào chào bác Hòa đi con, có cả cậu Hưng con trai bác ấy xuống chơi.
- Dạ con vào đây ạ.
Hà rửa tay chân từ bếp đi lên chào khách. Sau khi nhận ra mẹ con tôi ở Đền Cô, em e thẹn ngồi nép bên mẹ.
Thế là tôi và em quấn quýt bên nhau đứng dưới gốc bưởi ở góc sân, trái hồi nhà ngắm trăng tâm tình. Còn hai mẹ thì vui sướng nằm trên chõng tre trên hiên, thi thoảng ngó "rình" xem hai con có tiến triển gì không. Cũng đã khuya, hai mẹ ngủ từ bao giờ. Lúc này là tháng ba, bưởi đang ra hoa tỏa hương thơm ngào ngạt. Tôi vươn tay với một chùm hoa cài lên tóc em. Em lấy trong túi ra một chiếc khăn tay gói chùm hoa đưa lại cho tôi. Cầm chùm hoa tôi bỗng nhớ bài thơ Hương Thầm của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã học ngày lớp chín mà lòng rộn lên tình cảm thắm thiết, dịu ngọt. Bài thơ hình như nói về chúng tôi lúc này. Tôi nắm bàn tay Hà nói với em:
- Anh hết phép rồi, sớm mai về đơn vị, đời lính gian nan sống chết khó lường. Thương mẹ, nên anh chiều theo mẹ để khi anh đi xa không làm mẹ buồn. Vì thế anh đi lễ cùng mẹ, lai mẹ xuống thăm nhà và mẹ em được gặp và làm quen em. Anh không muốn làm khổ em, nên em...
Không để tôi nói hết câu em đã che miệng tôi lại...
                                         - Em hiểu mà anh, em chờ anh…
Em đu lên hôn chụt vào má tôi rồi chạy vụt vào nhà...
Tôi chào bà Hợi rồi lai mẹ về. Dắt xe ra cổng thì em vội chạy từ trong nhà ra dúi vào tay tôi một chùm hoa bưởi nữa:
                                - Mai anh trở về đơn vị, còn lại em ngày đêm mong nhớ đợi chờ anh!...
Tôi khẽ gật đầu đón nhận món quà em tặng cất vào túi áo ngực mình!
Trở lại đơn vị, vào trận đánh ác liệt lần này, tôi mang theo trong tim hình ảnh làng quê thân thiết. Nơi có cha mẹ, có em cùng với hương bưởi quê nhà. Tất cả sớm thành kỷ niệm khó quên của một tình yêu.
 
     Miền Nam đã toàn thắng, đất nước liền một dải, tôi là người lính may mắn còn sống trở về, đi trên con đường làng quê… thật xúc động...
Tôi được chính quyền xã đến thăm chúc mừng, cha mẹ tôi già yếu mắt không còn nhìn rõ thằng con thắng trận trở về... Mẹ ôm lấy tôi, hai vai gầy của mẹ rung rung theo đôi tay khẳng khiu sờ trên mặt tôi... Tôi ôm mẹ, lau giọt nước mắt cho mẹ thì thầm:
- Con trai mẹ đã về, thắng trận trở về rồi mẹ ơi! Tôi quay sang cha tôi, ôm lấy cha nghẹn ngào "báo cáo":
- Thưa cha, con đã hoàn thành nhiệm vụ của người lính trở về!
Niềm vui gia đình dòng tộc, niềm vui họ hàng làng xóm thật hân hoan chào mừng tôi trở về sau bảy năm xa cách biền biệt. Mẹ tôi giục tôi ngay hôm sau xuống bà Hợi. Tôi vội hỏi:
- Mẹ ơi, em Hà đi lấy chồng rồi ạ? Lấy chồng gần hay xa hả mẹ?
- Cha bố anh, con Hà vò võ đợi anh, nó luôn qua lại giúp đỡ cha mẹ. Nhiều đám hỏi lắm, nó khước từ hết, đều tự nhận là vợ bộ đội đấy. Sang ngay con à không con bé tủi thân. Nó biết anh về từ hôm qua nên hôm nay nó không lên chơi… sợ anh có người khác phụ bỏ nó... Nghe mẹ nói thế, tôi thấy sống mũi cay cay, mắt mờ đi, giọt nước mắt vui sướng tự trào ra...
Cha mẹ tôi sắp lễ cùng đoàn người nhà và người trong làng sang bà Hợi làm lễ ăn hỏi và mười ngày sau tổ chức đám cưới theo nếp sống mới.
Thấy tôi, nàng giận dỗi ra gốc bưởi ngồi khóc, tôi dỗ dành mãi Hà mới vui vẻ gục vào ngực tôi oán thán:
- Anh tệ quá, bảy năm đằng đẵng không có cánh thư gửi về, không lời thân yêu nào, để em chờ trong vô vọng... Anh về thấy em già xấu, đi lấy người khác thì sao? Vì chúng ta có gì ràng buộc đâu...
- Đừng trách lính mà em, chiến tranh ác liệt... anh không dám hứa hẹn gì vì lỡ anh không về... sẽ làm lỡ duyên em! - Tôi ôm em vào lòng nói thật dịu dàng, chân thật
Cả hai chúng tôi trao nhau nụ hôn dài và hứa sẽ thuộc về nhau mãi mãi! Tôi hôn lên mái tóc ngát mùi hương bưởi quê hương ... Hương bưởi quê đã in sâu trong tim tôi, hương bưởi thơm vương trên tóc của người em gái hậu phương ...
 
Tôi chợt nhớ đến Năm - cô bạn học cấp ba – chuyên làm việc Thánh đã nói thật chính xác, tôi được các Ngài cho ăn lộc, nên hòn tên mũi đạn đã tránh xa tôi. Nói là đạn tránh cũng chưa hẳn. Tôi bị mảnh đạn găm vào phần mềm bên vai phải, quân y tiền phương không gắp ra được đành phải để đó làm “kỷ niệm chiến trường”.Tuần Rằm tới, tôi và Hà sẽ mang lễ đến Đền Cô xin tạ lễ và mời luôn đám cưới!
 
Tôi choàng vai em thầm thì:
- Sau này nếu sinh con gái mình đặt tên Hương, nếu sinh con trai thì đặt tên Bưởi nhé em...
Hà xoay người lại vòng tay ôm cổ chồng với ánh mắt yêu thương...Tôi hôn em nồng nàn và nói tiếp với em:
Vì anh nhớ mãi hương vị của nụ hôn đầu em trao anh ngày ấy...
 Tôi cảm giác từ môi mình hương bưởi ngày nào bay ra thơm ngát cả ánh trăng đêm rằm.
 
Mùa thu 2011

 

Nguồn tin: HNV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây