Những "vụn vặt chuyện nhà"

Thứ sáu - 29/04/2022 21:11
Những "vụn vặt chuyện nhà"

                                                                                                    NGUYỄN XUÂN DƯƠNG
  Nói là vụn vặt chuyện nhà, nhưng theo tôi nó còn là vụn vặt chuyện ngõ, vụn vặt chuyện đời. Vụn vặt nhưng là sự vụn vặt để bảo đảm cho sự tồn tại của một gia đình và lớn hơn bảo đảm cho sự tồn tại của một xã hội. Vụn vặt chuyện nhà nên mới đọc ta cảm thấy hơi đơn điệu. Nhưng đọc kĩ ta mới biết biên tập viên của nhà xuất bản có đôi mắt tinh đời có trí tuệ mận tiệp khi lấy tên VỤN VẶT CHUYỆN NHÀ đặt tên cho tác phẩm truyện ngắn của nhà văn Y Mùi. Vẫn còn một lí do nữa lí do quyết định thành công của truyện ngắn chính là tính tư tưởng của truyện ngắn được thể hiện qua mấy lời dặn dò với các con của người cha mà như gười mẹ đã nói là “ Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Tính tư tưởng này chính là quá trình trải nghiệm của người cha gần suốt cuộc đời gắn bó với hoạt động xã hội được nhà văn Y Mùi bộc bạch qua đoạn văn sau đây: ” Sinh thời, thỉnh thoảng ngồi đàm đạo về quốc kế dân sinh, về cái dở cái hay của văn hóa xã hội hiện đại với tôi ông hay nhắc: “Gì thì gì chứ nhà mình nhất định mang ơn chế độ này. Con sống và làm việc cho thật tốt. Nếu không phải là nhờ có Đảng, có Chính phủ và các chính sách ưu việt xã hội chủ nghĩa thì con đâu có được bay nhảy tận trời Âu năm năm liền như vậy. Nếu vẫn là phong kiến, đế quốc nó thống trị đất nước thì nhà mình vẫn cứ bần cố nông, không thước đất cắm dùi mãi mãi mà thôi”. Được lấy tên là VỤN VẶT CHUYỆN NHÀ nhưng đây chính là nhân bản mà như chính nhà văn Y Mùi gửi gắm trong câu kết ngắn ngủi của truyện ngắn: “ Mẹ tôi giống như bao bà mẹ khác. Bà thật dung dị và cũng thật vĩ đại!” Hình như điều này chỉ tồn tại ở những người mẹ ở các vùng quê bình dị của đất nước Việt Nam- Một đất nước như nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: “Ôi cái buổi sinh thành và tái tạo. Khi thiếu súng khi thì thiếu gạo”. Tôi chưa thực sự hiểu vì sao mà gia đình mẹ phải ăn đong ăn vay trong một khoảng thời gian dài đến vậy đối với một người mẹ tảo tần căn cơ thu va hà vén như thế. Phải chăng đây là chuyện nhà văn hư cấu. Tôi tin là không vì hầu hết truyện ngắn của nhà văn là tự truyện và những nhân vật trong truyện ngắn của chị đều là người thực việc thực. Cụ thể khi tôi viết bình luận về truyện ngắn NHỮNG NGƯỜI MANG CHỨNG CHẬP IC tôi đã nghi ngờ trong đời không thể có những người như thế. Tôi phải hỏi một số nhà thơ là bạn tôi sống và viết ở Hà Nội và đã biết thêm một số nhà thơ nhà văn đó đã là nạn nhân của tay “nhạc sỹ” Cao Nguyên nọ. Tôi tin trong gia đình của mẹ đã có một sự cố bị tổn thất thiếu hụt kinh tế nghiêm trọng trong một vụ mùa nào đó và từ đó mẹ đã phải chắt chiu vay mượn đắp đổi lần hồi để đảm bảo cho một gia đình đông con tồn tại. Một sự tồn tại vững bền...Qua câu chuyện chỉ được gọi vụn vặt ấy là cả một xã hội nông thôn của một thời được tái hiện. Ở đó ta bắt gặp đủ các hạng người tham lam như bà Tê và cũng rất nhiều người giàu lòng nhân ái đã giang rọng vòng tay giú đỡ cưu mang gia đình của mẹ. Ta đã biết trong xã hội đã tồn tại những người phụ nữ nông thôn dung dị và vị đại. Ta hiểu thêm sâu sắc về câu thành ngữ của cha ông: “Giàu vì bạn sang vì vợ”. Không muốn chồng mình phải thua thiệt mất mặt trước bạn bè mẹ đã phải dành dụm các món ăn để có thể lúc nào cần là tiếp đãi bạn bè của chồng. Cũng qua câu chuyện ta biết thêm nhà văn Y Mùi của chúng ta tuy phải xa quê hương từ rất sớm để Đông Tây du học rồi trở về sống và làm việc ở thành phố nhưng vốn sống về nông thôn lại am hiểu rất sâu sắc đến chân tơ kẻ tóc. Đúng là thiên phú để từ đó một nhà văn được ra đời. Chi tiết là nghệ thuật cốt lõi của truyện ngắn. Tôi rất thích chi tiết ông bố được phân phối chiếc xe đạp nhưng không có tiền để mua mà người bố vẫn đặt niềm tin vào tương lai của những đứa con của mình sẽ báo hiếu rồi ông sẽ có xe đạp để đi và để treo. Ước mơ của ông đã trở thành hiện thực khi đứa con gái lớn của ông được du học ở Cộng hòa dân chủ Đức đã gửi về một thùng hàng trong đó có hai chiếc xe Mifa. Không hiểu vì sao tôi cứ tin chính cái thùng hàng ấy không chỉ cho bố có được một lúc hai cái xe sang nhất để đi khoe khắp cả xã mà còn giúp mẹ thoát cảnh đói nghèo ăn vay ăn đong gần suốt cuộc đời... Trong tác phẩm truyện ngắn của Y Mùi có hai truyện ngắn mà nhân vật chính là người mẹ kính yêu của mình đó là CON DẾ HỒNG CỦA CỤ CỘI và VỤN VẶT CHUYỆN NHÀ: Một người mẹ tảo tần căn cơ lúc trẻ để bảo đảm cho gia đình tồn tại và trưởng thành. Một người mẹ khi tuổi đã ngoài tám mươi mà không một lúc nào không lo lắng cho con cháu vì đối với mẹ con cháu của mẹ bao giờ cũng bé bỏng rất cần sự đùm bọc chở che thương yêu và dạy bảo. Những người mẹ như nhà văn đã khẳng định: “Mẹ tôi giống như bao bà mẹ khác. Bà thật dung dị và cũng thật vĩ đại!

4.2022. NXD

        VỤN VẶT CHUYỆN NHÀ
                                   
                                  Truyện ngắn của Y Mùi
          3x4
  Nhà văn Y Mùi
          Từ khi bố mất mẹ vẫn ở một mình. Mẹ bảo già rồi nên xấu tính xấu nết, ở với các con sẽ khó cho cả con trai, con dâu, và các cháu. Mấy cậu em ngại điều tiếng, sợ người làng dị nghị nhưng tôi thì lại thấy chả sao. Mẹ muốn thế thì chiều. Khi nào mẹ không tự nấu ăn, tự chăm sóc mình được thì một trong bốn ông con trai sẽ đón mẹ về. Lúc đó kiểu gì mẹ chả phải nghe.
Thế là mẹ vẫn ở một mình từ bấy đến nay. Mẹ là nông dân nên không có lương hưu, không có bảo hiểm y tế. Gia tài của mẹ chỉ có một lũ con cháu là “của để dành”. Trai, gái, dâu, rể, cháu nội, cháu ngoại, chắt ngoại, chắt nội gần năm chục con người lớn, bé.
Nhà tôi ngày xưa thuộc loại cùng đinh ở làng. Ăn vay người làng, ăn đong và mua chịu ở chợ là chuyện bình thường như cơm bữa. Mẹ cứ sòn sòn ba năm sinh đôi đứa. Bố mẹ tôi chèo chống, nuôi lũ con tám chín đứa cách nhau chỉ tuổi rưỡi đến lớn khôn, gái đến tuổi thì gả chồng, trai đủ tuổi tuyển quân thì nhập ngũ giống như nhà nhà ở cái làng quê phần lớn là nghèo rớt mồng tơi.
Bố chúng tôi, như mẹ nói, thì suốt năm “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Mẹ phải lo mọi việc trong nhà, kể cả việc chạy cái ăn, lo cái mặc. Vay dài, mượn nóng đều một bàn tay mẹ. Thỉnh thoảng mẹ vẫn kể về những ngày lận đận của gia đình khi các con còn nhỏ. Nghe giọng kể, tôi biết mẹ có chút tự khoe về tài vay mượn và sự khéo ăn đong của mình.
Mùa gặt về, thóc lúa chưa kịp mang vào nhà, đã đội nón ra đi ngay từ lúc lặn mặt trời, sân phơi hết nắng. Lúa gặt về ban ngày đến đâu được đập, tách lấy thóc luôn trong đêm ngày đó. Thóc phơi khô, quạt sạch đến đâu là mẹ gánh đi trả nợ đến đó. Nếu phải mẻ lúa nào ở chân ruộng xấu, thóc kém thì mẹ mới để lại nhà dùng. Mẹ bảo: “Cốt lúc đói người ta sẵn lòng cho vay là quý hóa rồi”. Mẹ luôn chu đáo với các chủ nợ, người lấy lãi cũng như người không. Người tính toán thì cho vay để lấy lãi. Người không so đo thì giúp nhà thiếu ăn khi tháng ba ngày tám không bắt trả lãi. Mẹ chu đáo với tất cả các chủ nợ mong lúc khó khăn họ lại giúp đỡ.
Kể thêm một chút về việc đập lúa. Những năm sáu mươi của thế kỷ trước chưa có máy tuốt lúa như bây giờ. Người ta phải dùng sức của đôi tay đập cho thóc tách khỏi bông lúa. Nhờ một dụng cụ gọi là néo, người đập lúa kẹp thật chặt vào cổ lượm lúa rồi nhấc bổng lên đập vào mặt một tấm ván gỗ dày kê nghiêng trên một cái giá bốn chân đóng bằng những khúc tre, cách mặt đất chừng nửa mét. Người ta cũng có thể dùng một cái cối đá nặng cỡ ba, bốn người khiêng, lật úp mặt cối xuống, cũng kê nghiêng để đập lúa. Động tác đập lúa lặp đi lặp lại đến khi không còn thấy những hạt thóc rơi ra thì thôi. Lúa đập xong chờ mặt trời lên là thóc được tãi ra sân phơi. Được nắng, thóc chỉ phơi vài buổi sẽ khô giòn, khi đưa hạt lúa lên miệng cắn thử, thấy một tiếng kêu “rắc” giòn tan của hạt gạo vỡ ra là được. Nếu tiếng kêu nghe còn “khùng khục” thì phải phơi thóc thêm vài nắng nữa. Mẹ quạt thóc, sàng sảy sạch lựa bỏ những hạt lép, rồi mới mang đi trả nợ.
Mẹ có một trí nhớ rất tốt. Không ghi chép gì nhưng mẹ nhớ chi li, chính xác nợ nhà ai, bao nhiêu. Thật ra, muốn ghi chép thì mẹ cũng chịu vì có biết chữ đâu. Vay mượn khắp làng, khắp chợ, mẹ là con nợ của tất cả những nhà khá giả nhưng chả quên nợ nhà ai, cũng không nhầm lẫn bao giờ.
Ngày ấy, quê tôi đo đếm thóc gạo bằng đơn vị gọi là “đấu” và “nồi”. Mấy đấu là một nồi thì tôi cũng không nhớ nữa. Mỗi lần chuẩn bị gánh thóc đi trả nợ nhà ai mẹ cũng đong cẩn thận trước và mang dư ra một vài đấu thóc dự phòng khi gặp chủ nợ tham, đong be mép đấu bằng cả hai tay sẽ hao thóc vì đấu thóc lúc đó sẽ có ngọn cao nhất. Đó cũng là cách người tham lam thường áp dụng mỗi khi đong đếm thóc gạo, đỗ lạc bằng đơn vị đo lường là đấu.  Quê tôi ở vùng sâu vùng xa nên hồi đó việc định lượng bằng cân, lạng còn xa lạ với các bà nội trợ. Lúa gạo, ngô đậu, đỗ lạc được đong đếm bằng các loại đấu to, đấu nhỏ khác nhau.
Những cái đấu được làm ra từ những mảnh gỗ mỏng uốn ghép lại với nhau. Sau này đấu được làm bằng sắt tây, bằng nhôm lá. Bây giờ nhà ai còn giữ lại được những dụng cụ đo lường đó thì sẽ ra vô khối tiền. Những cái đấu ấy đã trở thành của độc. Nhiều người từ thành phố về các làng quê, lùng tìm mua đủ thứ dụng cụ gia đình thời những năm năm mươi, sáu mươi của thế kỷ trước. Cối xay, cối giã gạo, cối đá, nong, nia, giần, sàng, đấu, thúng, quang gánh bằng song mây, tre đan; cả chạn bát, giường, tủ cũ đóng bằng tre hay gỗ… đều trở thành đối tượng săn lùng của thợ buôn đồ gia dụng cũ. Nhiều đại gia, dân chơi sành điệu thời nay cần những vật dụng “quê mùa” kể trên để trang hoàng nhà cửa, trưng bày nhà hàng, khu nghỉ dưỡng sinh thái …
Quay lại chuyện vay mượn, trả nợ. Vào mùa gặt, thóc phơi khô, quạt sạch đến đâu là mẹ gánh đến từng nhà. Mẹ luôn luôn phải mang dư thóc so với số nợ. Nếu gặp chủ nợ không tham thì số thóc mang dư còn nguyên. Nếu gặp người tham, họ đong be miệng đấu thì vẫn còn thừa một ít thóc, đủ dính hai cái trôn thúng mang về. Nhà giàu cũng có người nọ người kia. Nhà nào tốt thì chỉ là mình vay trước, trả sau nếu gặp chủ nợ có tính tham lam thì đành phải chịu thua thiệt một tí. Cả làng ai cũng biết mẹ tôi là người vay trả rất đàng hoàng. Mẹ không mang thóc xấu, thóc lép, thóc phơi thiếu nắng đi trả nợ bao giờ.
“Người tham lam có nhưng không nhiều. Có những người giàu rất tốt và thật lắm. Mẹ gánh thóc đến trả nợ thì họ đưa thúng đựng ra, bảo cứ đong vào đấy rồi chạy ra chạy vào làm tiếp việc đang dở tay” - Mẹ kể. Bà Tê từng là chủ nợ của gia đình tôi trong nhiều năm, cho vay không lấy lãi nhưng tham lam. Lúc đong thóc cho vay thì bà Tê buông tay mãi không đón mép đấu. Khi lấy nợ thì bà ấy be choàng quanh cái đấu bằng hai bàn tay khum khum ôm trọn miệng đấu. Đong be bàn tay vào miệng cái đấu như vậy thì đấu thóc sẽ không còn là đấu thóc bình thường nữa. Bà Tê làm động tác đúng như thế rất nhanh, vài ba lần liên tục. Đong nhanh tay sẽ làm cho đấu thóc đã có ngọn thì sẽ giữ gần như nguyên cái ngọn của nó. Bằng những động tác đong be tay rất nhanh, rất thuần thục, khi đấu thóc có ngọn cao nhất bà Tê mới trút sang thúng nhà mình. Đôi lần, khi mà lòng tham của bà Tê chừng mực thôi, thì số thóc mẹ mang dư cũng vừa khoẳn. Mẹ ra về chỉ với đôi quang thúng không nhẵn thín.
“Đong kiểu ấy rất hao thóc vì đấu thóc có ngọn cao hơn nhiều so với cách đong buông tay”. - Mẹ giảng giải về cái mẹo làm điêu của người có tính tham lam. Bà Tê là người khôn tới mực độ nhiều người khôn ngoan khác khó mà bằng. Bà ấy để ý từng thửa rộng lúa của nhà tôi xem tốt xấu thế nào từ lúc lúa làm đòng, ngậm sữa. Đến mùa gặt, bà dặn trước, gặt thửa ruộng này hay thửa ruộng kia thì mang thóc trả nợ nhà bà.
Một lần đi trả nợ thóc cho nhà bà Tê, mẹ đã mang thừa ba đấu thóc, dư hơn so với các nhà khác. Thế mà bà Tê đong, vét nhẵn cả hai thúng thóc vẫn bảo bị thiếu hai đấu.
- Bà có nhầm không đấy? - Mẹ hỏi thế vì biết chắc chỉ có thừa và cùng lắm thì cũng phải đủ.
- Hay là bà đong lại cho em xem? - Mẹ đề nghị bà Tê đong lại muốn để cùng đếm.
- Nhầm là nhầm thế nào. Thiếu đúng hai đấu mà. - Giọng bà Tê rất nhẹ nhàng nhưng tỏ ra kiên định.
Biết không lay chuyển được bà chủ nợ dư dật của nả, dư dật cả lòng tham, mẹ đành quay về nhà xúc ba đấu thóc mang đến, bảo:
- Bà chị không phải đong lại đâu, ba đấu đấy.
Bà Tê cười tươi, hỏi đãi bôi:
- Sao nhiều thế?
- Chỉ cần bà chị giúp nhà em lúc giáp hạt để các cháu khỏi bị đứt bữa là quý rồi. - Mẹ trả lời thật thà đúng tính cách luôn chịu thiệt thòi về mình, rồi tất tả cắp cái thúng không ra về.
Đấy là chuyện vay mượn ở làng. Mẹ mua chịu, cộng dồn nợ ở chợ cũng là một chuyện lạ. Ngày giáp hạt, mẹ mua hàng tiêu dùng và đong thóc gạo chịu mỗi phiên chợ. Đến mùa thu hoạch mẹ gánh thóc gạo ra chợ. Nợ ai thóc gạo thì mẹ trả thóc gạo. Nợ tiền hàng thì mẹ gán bằng thóc gạo. Ai không lấy thóc gạo thì mẹ bán đi lấy tiền để trả.
Mẹ mua chịu đủ thứ từ mắm, muối, dầu đèn, miến mì đến trầu vỏ, quang thúng và đồ gia dụng khác, rồi thanh toán cả vào vụ gặt. Có hôm mẹ không định mua mắm nhưng bà hàng mắm nhìn thấy mẹ cứ gọi ời ời, bảo mẹ mua mở hàng. Mẹ nói không mang chai thì bà bán mắm cho mượn chai, bảo phiên chợ sau nhớ mang trả là được. Bà hàng trầu vỏ quen thì cứ trông thấy mẹ là nhất thiết mời mẹ mua, không mua cũng phải sờ vào hàng cho bà ấy lấy may. Mẹ không có tiền thì bà trầu vỏ bán chịu, đến phiên chợ sau trả hoặc cộng dồn lại đến mùa gặt trả cả một thể cũng không sao.
Mỗi khi nghe những chuyện vay mượn, mua chịu, trả nợ của đời mẹ để nuôi sống cả gia đình suốt thời kỳ đói kém, mấy chị em, bác cháu lại cười ra nước mắt.
Một lần vui chuyện tôi nói:
- Thời của mẹ hay nhỉ. Bây giờ mà không có tiền thì chỉ có nhịn thôi, sờ vào hàng rồi mà bảo không có tiền không mua thì sẽ lĩnh đủ mọi khó chịu của người bán hàng. Gặp người ghê gớm sẽ bị họ chửi té tát luôn.
- Chị em chúng mày tưởng ai cũng được người ta bán chịu, mời chào, chèo kéo vào hàng như mẹ à? Nhiều người không trả nợ tiền hàng mua chịu phiên chợ trước thì phiên sau đừng hòng mà mua chịu tiếp. Người nợ dai không chịu trả hay nặng vía đến gần hàng là bị xua đi như đuổi tà, lý do chưa mở hàng, lý do mua phiên chợ trước chưa trả tiền… - Mẹ nói và đôi mắt thì ánh lên niềm tự hào của người dễ dàng vay nợ suốt cả một đời.
***
Một chuyện khác. Tôi đã bẵng quên đi. Cũng có thể vì tôi phải sống xa bố mẹ và gia đình từ khi còn quá nhỏ tuổi nên ký ức về những chuyện ăn thèm, vác nặng tuổi ấu thơ tôi không nhớ được nhiều.
Khi mấy chị em ngồi “ôn nghèo, kể khổ”, cậu em út vẫn chưa hết ấm ức :
- Em tức nhất là mỗi buổi chợ mẹ mua thức ăn về, nấu chín nhưng cất đi chẳng cho ăn, cứ để dành chờ khách của bố. Mỗi ngày mẹ lấy xoong thức ăn xuống đun lại một lần rồi treo lên cái quang con sát gần mái nhà. Muốn ăn vụng cũng không thể lấy được. Hôm sau là phiên chợ mà tối đó không thấy có khách thì mẹ mới cho ăn. Không ít lần mẹ quên không đun lại nồi thức ăn nên bị thiu phải đổ cho lợn.
- Tiếc nhỉ?
- Tiếc chứ sao không tiếc? Người thì đói, thức ăn lúc ngon lành thì không được ăn, cứ treo cao chờ khách.
Hồi đó, chợ quê năm ngày chỉ có hai phiên nên mẹ cứ phải mua thức ăn dự phòng khách đột xuất theo cách ấy. Mẹ nấu chín, đậy kín rồi treo lên cao vừa đề phòng chó mèo ăn vụng, vừa để mấy đứa con luôn bị đói khát khỏi ngõm ngọ. Mẹ là người phụ nữ chịu thương chịu khó, nhường nhịn chồng con. Đặc biệt, mẹ rất hiếu khách. Kể cả khi trong nhà hết nhẵn gạo nhưng đến bữa mà có khách chơi là mẹ mời ở lại cho bằng được, rồi bắt con vác rá sang hàng xóm vay tạm để nấu cơm thết khách. Thức ăn thì khỏi lo vì phiên chợ nào mẹ cũng mua và treo cao như vậy.
Trong ký ức của mấy chị tôi còn rất rõ những bữa cơm gia đình đạm bạc, chỉ có ngô, sắn hay khoai lang thay gạo và rau cỏ nhì nhằng nhưng vui như tết. Bố mẹ tôi là những người sống rất lạc quan tin vào tương lai tốt đẹp phía trước. Vào khoảng thời gian giữa thế kỷ trước, xe đạp là phương tiện còn rất xa xỉ ở thôn quê. Bố tôi làm công tác xã hội, là trưởng ban văn hóa xã kiêm đội trưởng đội văn nghệ của làng nên xã xét ưu tiên cho mua một chiếc xe đạp nam hiệu Thống nhất giá mậu dịch, đâu đó khoảng vài ba chục đồng nhưng không vay được tiền để mua. Vay mượn để ăn hay chữa bệnh thì được ngay nhưng vay sắm xe đạp để đi thì không ai cho vay. Bố đành phải nhường xuất xe phân phối đó cho bác phó ban văn hóa xã. Trong một bữa cơm vẫn ăn độn là chính bố tuyên bố xanh rờn: “Chị em chúng mày yên tâm, cứ chịu khó lao động, cứ học hành cho bằng chúng bằng bạn. Rồi trời sẽ có mắt. Thế nào rồi cũng có ngày bố chúng mày có xe đi, xe treo”.
Câu nói vu vơ cho vui nhà của bố về chuyện sẽ có xe treo, xe đi vậy mà thành hiện thực. Đi du học ở Đông Đức, tôi căn cơ đóng được một thùng hàng gửi về Việt Nam cho bố mẹ trước khi tốt nghiệp, trong đó có hai chiếc xe đạp Mipha. Mở thùng hàng ra, việc đầu tiên bố tôi lắp hoàn chỉnh cả hai con mipha rồi lấy dây thừng treo một con lên trong gian chái nhà. Lý do treo chiếc xe không đi đến ấy lên chỉ là vì cái chái nhà chật qúa, kê chiếc giường tre đã gần hết chỗ.
Chỉ tranh thủ tập đi xe đạp có hai buổi trưa, ông vi vu phóng chiếc Mipha vừa mới bóc tem ra xã để ngầm khoe đã được con gái báo hiếu.
Sinh thời, thỉnh thoảng ngồi đàm đạo về quốc kế dân sinh, về cái dở cái hay của văn hóa xã hội hiện đại với tôi ông hay nhắc: “Gì thì gì chứ nhà mình nhất định phải mang ơn chế độ này. Con sống và làm việc cho thật tốt. Nếu không phải là nhờ có Đảng, có chính phủ và các chính sách ưu việt xã hội chủ nghĩa thì con đâu có được bay nhảy tận trời Âu năm năm liền như vậy. Nếu vẫn là phong kiến, đế quốc nó thống trị đất nước thì nhà mình vẫn cứ bần cố nông, không thước đất cắm dùi mãi mãi mà thôi”.
Tôi chỉ biết vâng, dạ vì quả đúng như thế thật!
Lại nói về bữa cơm gia đình. Gọi là “ăn cơm” nhưng nhiều khi ngồi vào mâm, mở nồi cơm ra chỉ thấy toàn sắn tươi cắt khúc hay sắn thái miếng phơi khô, bẻ vụn cõng vài hạt cơm. Mùa khoai lang thì cơm độn khoai lang. Khi nấu phải gới, đảo nồi cơm lên lúc cơm bắt đầu sôi và khi cạn hết nước. Gạo thường bị lọt xuống đáy nồi nhiều. Lượt cơm dưới đít nồi gần như không có độn. Cơm ấy được đơm cho mấy đứa bé. Còn những đứa lớn hơn và bố mẹ thì chỉ ăn khoai đến no bụng. Nhiều khi ngán quá, miếng khoai không trôi cứ tắc trong cổ họng phải dằm nhuyễn ra, chan nước canh hay nước dưa chua vào cho dễ nuốt. Ngày xưa thì khổ sở, xanh xao còi cọc vì phải ăn khoai sắn trường thay cơm. Bây giờ, ở thành phố người ăn khoai lang chủ yếu là nhà giàu, người dư dật tiền bạc vì tiền mua hai ký khoai thì mua được ba, có khi là bốn ký gạo.
***
Sáng nay cậu em gọi điện, bảo mẹ sờ thấy cục gì ở sau tai, chị về xem mẹ bị làm sao. Tôi đang ốm, không thể về ngay, hơn nữa muốn đưa mẹ đi khám bác sỹ chuyên khoa trên thành phố nên bảo cậu em đưa mẹ ra Hà Nội. Tôi gọi cho mẹ, dặn mang theo quần áo vì có thể phải ở phố lâu lâu. Mẹ giao hẹn sẽ đi nhưng chỉ khám xem làm sao, mua thuốc rồi về luôn. Mẹ đề nghị nhưng chẳng khác ra lệnh: “Mẹ già rồi không mổ xẻ gì đâu nhé”.
Cả cuộc đời mẹ đã phải sống lam lũ, tằn tiện trong nghèo đói, lo cho gia đình, cho chồng con, lo đãi đằng khách khứa, bạn bè của chồng. Bây giờ tuổi đã cao, ốm đau luôn nhưng mẹ vẫn quyết từ chối chữa bệnh, sợ tốn kém tiền bạc của các con.
Mẹ tôi là người phụ nữ như thế. Ngày chị em tôi xa mẹ đang gần. Vậy mà tôi, đứa con gái lớn nhất của gia đình, được bố mẹ cho ăn học bằng người, nhưng chưa báo đáp được công dưỡng dục sinh thành cho cha mẹ.
 “... Mẹ già như chuối chín cây. Gió lay mẹ rụng con phải mồ côi…”. Một bài hát rất hay về mẹ, chan chứa tình mẫu tử nhưng rất buồn. Mỗi lần nghe giai điệu và những lời ca buồn về mẹ, tôi chỉ muốn khóc.
Phải chăng bao nhiêu nỗi buồn trên cõi đời các mẹ đã nhận cả về mình để các con được sống yên vui? Liệu các bà mẹ thời hiện đại có làm được như mẹ tôi và bao bà mẹ khác của một thời khốn khó ấy không nhỉ?
Mẹ tôi giống như bao bà mẹ khác thật dung dị, nhưng cũng thật vĩ đại!
                     Y.M.

 


                               

Nguồn tin: HNV.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây