MÙA XUÂN TRONG THƠ BÁC

Chủ nhật - 04/02/2024 20:37
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh

           
           Trần Thị Trâm

   Mùa xuân giữ vị trí quan trọng và đã trở thành một hình tượng xuyên suốt trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã góp phần tạo nên ở vị lãnh tụ kính yêu - nhà thi sĩ lớn của dân tộc Việt Nam một nét phong cách nghệ thuật hết sức độc đáo: rất cổ điển mà vô cùng hiện đại.
Sự gặp gỡ giữa hai đối cực này đã làm cho thơ của Người, đặc biệt là những bài thơ xuân, thấm đẫm hồn dân tộc, đậm đà cốt cách Á Đông, phảng phất bóng dáng ung dung tự tại của những bậc tao nhân mặc khách, nhưng lại tràn trề sức thanh xuân và luôn toát ra một tinh thần lạc quan vô hạn, thể hiện bản lĩnh vô song của một nhà cách mạng vô sản lỗi lạc. Vì thế, mùa xuân trong thơ Bác thường lộng lẫy mà tĩnh lặng, thanh cao sang trọng, lịch lãm nhưng lại thấm đẫm hơi thở của mùa xuân:
Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn mầu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền
 (Rằm tháng Giêng)
Có thể coi Rằm tháng Giêng là một kiệt tác về mùa xuân với cảnh xuân thật đẹp, tình xuân lai láng, hương xuân nồng nàn, sắc xuân rạng rỡ! Ở đó, tiểu vũ trụ - thi nhân và đại vũ trụ đất trời bao la tưởng như tan chẩy hòa nhập vào nhau, cộng cảm giao hòa cùng nhau, theo đúng thuyết Tam tài. Thi phẩm dường như đã đạt đến mức độ cổ điển: vẫn tiếp nối mạch thơ tài hoa của những bậc tài tử Lý Bạch, Mạnh Hạo Nhiên, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… thuở trước. Bằng những sợi tơ ngôn từ tinh tế, người thơ mang tâm hồn nhạy cảm xưa đã dệt nên bức tranh mùa xuân đẹp đến nao lòng:
              Cỏ non xanh rợn chân trời
              Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
                                                (Truyện Kiều)
Nhưng khác với cổ nhân, cũng không giống những nhà thơ mới, thơ xuân của bậc tiên tri Hồ Chí Minh chẳng hề vương vấn nỗi yếm thế buồn sầu (Đêm nghe tiếng gió mưa, Hoa rụng nhiều hay ít - Sáng xuân, Mạnh Hạo Nhiên. Hay: Đem chi xuân tới gợi thêm sầu - Xuân, Chế Lan Viên) mà ngược lại, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào từ thơ Người, ta vẫn nghe vần thắng vút lên cao (Vô đề), vẫn thấy ngập tràn một tinh thần lạc quan cách mạng:
Kháng chiến thành công ta trở lại
Trăng xưa, hạc cũ với xuân này
 (Cảnh rừng Việt Bắc)
Trong lịch sử thi ca đương đại Việt Nam, Tố Hữu từng được mệnh danh là nhà thi sĩ của mùa xuân, bởi ông là nhà thơ đã viết rất nhiều và rất hay về mùa xuân tươi đẹp. Nhưng nếu tình xuân trong thơ Tố Hữu đắm say, ào ạt, căng tràn sức sống như phút giây tinh khôi của chàng trai trẻ đang yêu thì mùa xuân trong thơ Bác sâu lắng mang vẻ đẹp lão thực của một vị đại Nho thông thái đang ung dung thả hồn thảo những câu đối Tết giữa ngày xuân.
Thơ của nhà hiền triết Hồ Chí Minh luôn là sự tích hợp giữa những giá trị tinh hoa của văn hóa bác học Đông Tây với sự minh triết và thông tuệ của dân gian nên mùa xuân thường mang ý nghĩa kép: đâu chỉ là mùa xuân của đất trời mà còn mang biểu tượng của hào khí dân tộc, của sự sống bất diệt, mang vẻ đẹp của tuổi trẻ và biểu tượng cho tương lai tươi sáng của dân tộc.
Với quan niệm: Mùa xuân là khởi đầu của một năm. Tuổi trẻ là khởi đầu của một đời người. Tuổi trẻ là mùa xuân của đất nước, nhà văn hóa tương lai Hồ Chí Minh luôn dành cho con người, đặc biệt là tuổi trẻ những tình cảm tốt đẹp nhất, luôn dành cho sự nghiệp trồng người một tấm lòng ưu ái nhất:
Vì lợi ích mười năm phải trồng cây.
Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người
Với một trí tuệ vô cùng mẫn tiệp và khả năng nhìn xa trông rộng, nhà chiến lược Hồ Chí Minh đã trở thành người đi trước thời đại, nên ngay từ cách đây hơn nửa thế kỷ, vào mùa xuân 1960, Người đã trịnh trọng phát động phong trào toàn dân trồng cây gây rừng tạo nên ngày hội trồng cây mỗi khi tết đến xuân về - một mỹ tục mới nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ sự sống của nhân loại và góp phần làm cho đất nước bốn mùa là cả một mùa xuân:
               Mùa xuân là tết trồng cây
               Làm cho đất nước càng ngày càng xuân
Không những thế, vị lãnh tụ tài hoa Hồ Chí Minh còn sáng tạo được một phong tục đẹp khác là làm thơ mừng xuân để gửi tặng đồng bào, chiến sĩ. Từ năm 1942 đến năm 1969, Người đã để lại cho cháu con một di sản quý báu gồm 22 bài thơ chúc Tết với mong ước thiêng liêng: năm mới thắng lợi mới, năm mới tiến bộ mới để đất nước luôn hưng thịnh, vững bền. Đó là chưa kể những bài thơ xuân Người viết cho bè bạn như thơ Tặng Bùi Công, Cảnh rừng Việt Bắc… hay viết cho chính mình với một niềm lạc quan vô hạn:
Sáu mươi tuổi vẫn còn xuân chán
So với ông Bành vẫn thiếu niên
Những bài thơ chúc tết thấm đẫm hồn non nước của Người ngày đó đã được thiêng hóa và trở thành lời tiên đoán sáng suốt về vận mệnh của toàn dân tộc:
Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng trận tin vui khắp mọi nhà
Nam Bắc thi đua dánh giặc Mỹ
Tiến lên!
Toàn thắng ắt về ta
(Mừng xuân 1968)
Chúng chứa đựng bao nhiêu phong tục thiêng liêng: nào tục khai bút đầu xuân của một đất nước trọng văn, nào những lời chúc tốt lành nhân dịp năm mới, nào tục lệ tổng kết thành tích vào dịp cuối năm để năm mới làm ăn tấn tới, nào thể thơ lục bát thuần Việt có nguồn gốc ngàn đời tự ca dao… Chúng được Người phô diễn bằng cách cảm, cách nghĩ của dân gian, mang rất nhiều màu sắc dân gian và rất đậm chất xuân, ngập tràn không khí tết: có hoa nở, cờ hồng, có cách gọi tên theo lối Âm lịch: Nhâm Ngọ, Bính Tuất, Đinh Hợi, Mậu Tý, Kỷ Sửu, Canh Dần, Tân Mão, Quý Tỵ, Nhâm Thìn… Nhờ thế mà những nội dung tư tưởng lớn lao, mang tính thời sự cao trong thời khắc trọng đại, đã dễ dàng đến với trái tim của mỗi người dân, làm cho hình ảnh vị lãnh tụ càng trở nên gần gũi và những vần thơ tuôn chảy từ trái tim nhà cách mạng của giai cấp vô sản bỗng trở thành những bức thông điệp mang tầm vóc của một lời sấm truyền với tính chất dự báo rất lớn. Rồi suốt mấy chục năm ấy, việc Bác đọc thơ mỗi dịp xuân về đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc, độc đáo, thiêng liêng như lời non nước:
Con nghe Bác tưởng như lời non nước
Tiếng ngàn xưa và tiếng mai sau
                                                (Tố Hữu)
Việc Bác đọc thơ mỗi dịp xuân về đã thỏa nguyện được tâm lý yêu thơ, thích thưởng thức thơ vào dịp đầu năm mới và khát vọng về một cuộc sống bình yên của toàn thể con dân đất Việt. Hai mươi hai bài thơ chúc tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh mỗi bài một vẻ, trong đó có không ít bài được coi là tuyệt bút:
Xuân về xin có một bài ca
Gửi chúc đồng bào cả nước ta
Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi
Tin mừng thắng trận nở như hoa
                                            (Mừng xuân 1967)
Những vần thơ xuân đầy hào khí, được xuất thần giữa khoảnh khắc giao thừa của vị lãnh tụ kính yêu đã trở thành phương châm hành động thôi thúc toàn thể nhân dân tin tưởng, cùng nhau đoàn kết, xốc tới giành thắng lợi:
Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào
Bắc Nam xum họp, Xuân nào vui hơn!
Và chúng vẫn mãi mãi như những cánh hồng đào chỉ lối mùa xuân đến, góp phần khai thông con đường dân tộc Việt Nam đi lên hạnh phúc rộng thênh thênh.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây