DƯ ÂM NGÀYTHƠ HÀ NỘI

Thứ ba - 27/02/2024 15:59
Đỗ Chiến Thắng, Nguyễn Minh Hiền, Vũ Thị Minh Thu, Đoàn Trọng Phụ,  Nguyễn Quốc Dũng,  Cù Thùy Loan, Nguyễn Đình Bắc, Lê Hà, Đào Thanh Cườm, Nguyễn Thị Hà, Lê Sỹ Thái, Đào Vinh Quang, Nguyễn Ánh Dương, Thanh Tùng, Phùng Ngọc Mỹ, Nguyễn Ngọc Hải, Khuê Anh, Thái Xuân Nguyên, Phạm Ngọc Tâm Dung.
Ảnh trong trang: ST
Ảnh trong trang: ST

 

Đỗ Chiến Thắng
 
TỔ CHIM TRÊN MÁI HOÀNG THÀNH
                                           
Đôi chim sẻ làm tổ mái Hoàng Thành
Cần mẫn tha về từng cọng rác
Đặt dọc đan ngang xinh như nốt nhạc
Hạnh phúc mới đơn sơ tựa vào
bóng vương triều
 
Cành que nào nhặt từ phía Ngọ môn
Cọng rơm nào tha từ đàn xã tắc
Chiếc vỏ cây cạnh vết súng lõm sâu thành của Bắc
Sợi vải này từ giải mũ Tổng đốc Nguyễn Tri Phương ?
 
Cánh chim bay ngang trang sử Việt
Kêu chi hoài chiêm chiếp tiếng chim non
Cây Hoàng lan trầm tư lọc sợi nắng chín giòn
Bóng xuống vườn nơi cha ông nghĩ suy giữ nước
 
Hoàng Thành rêu phong cõng bao mùa chinh chiến
Dấu vương triều lòng đất vẫn
hằn in
Lịch sử chống ngoại xâm Đất Việt ơi bất khuất
Cho tiếng sẻ hôm nay ríu rít giữa yên bình
Tiếng chim lành uống ngọn nắng bình minh.

 
A5 (1)
 
 
Nguyễn Minh Hiền
 
BUỘC CHỈ CỔ TAY
                  
Anh chọn được sợi chỉ mầu hồng
ở xứ sở tình yêu
buộc vào cổ tay em
nhân  ngày thơ Nguyên Tiêu Văn Miếu
Đến bây giờ em mới hiểu
Hạnh phúc nào bằng được buộc chỉ cổ ta
Rạng rỡ nụ cười, ánh mắt đắm say
Em nhận được một tình yêu nóng hổi
Người yêu người đâu phải là tội lỗi
Hiệp sĩ - người thơ cần gì nữa hơn đây?
 
Có anh rồi niềm vui đến từng giây
Chiều với thơ bên hồ Văn ngày hội
Cánh chim lạc giờ không còn chới với
Đôi vai gày ấm lại dưới nắng xuân.
 
Em vào chùa xin  một chữ nhân ( )
Tặng lại anh trong ngày thơ như thế
Mình thương nhau thật nhiều anh nhé
Sợi chỉ mầu hồng buộc nhớ vào em.
 
 
 
Vũ Thị Minh Thu
 
HÁT TRÊN CAO NGUYÊN ĐÁ
 
 
Vách núi dựng khói mây luồn gió
Khăn em bay theo nước xanh màu
Dòng sông trôi đưa ta về bến đợi
Anh gọi em trong tiếng nước reo
 
Cột cờ cao ngước mắt nhìn theo
Hình đất nước tạc vào đá núi
Bài quốc ca ngân lên giữa trời xanh vời vợi
Bao máu đào nhuộm đỏ sắc cờ tươi
 
Tiếng hát vang vọng khắp muôn nơi
Những lời ca đi cùng năm tháng
Có lời ca mang hình mũi tên
Có lời ca tạc thành dáng đứng
 
Có lời ca hoá thành tình yêu
Có lời ca đưa anh về đất mẹ...
Em đã hát ngàn lần như thế
Đứng nơi này bài hát bỗng linh thiêng!
 
Bước chân lên bậc đá rêu xanh
Nghe tiếng vọng từ nghìn năm trước
Tiếng núi, tiếng sông quyện hồn non nước
Dải đất biên thuỳ tam giác mạch hoá thành chông.
 
 
images (1)
 
Đoàn Trọng Phụ
 
                 LỜI THÁP CỔ
 
Ta cổ kính bởi vì rêu phong phủ
Đã bao năm trong yên ngủ rừng già
Chợt thức dậy bởi bom gầm quỷ rú
Để rồi mấy người đã biết đến ta!
 
Ta huyền bí bởi vì ta lưu giữ
Những “phép mầu” truyền tự thuở xa xưa
Những đền tháp trải thăng trầm lịch sử
Vẫn trường tồn qua năm tháng gió mưa
 
Ta hùng vĩ bởi vì ta vuơn tới
Chốn thiêng liêng nơi thần ngự cao vời
Nơi thế giới tâm linh và bất tuyệt
Mà người Chăm mơ ước đã bao đời
 
Ta trầm mặc bởi vì ta thấu hiểu
Triết lý Tái sinh, Nhân quả, Luân Hồi
Những Sáng tạo, Bảo tồn và Hủy diệt 1
Với những nụ cười, lệ nhỏ, đầu rơi
 
Ta buồn bã bởi vì ta đã mất
Vương quốc xưa cùng cung điện nguy nga
Những thần dân hiền lành và chân chất
Những nhạc công, vũ nữ Áp-sa-ra
 
Ta tồn tại bởi vì ta Bất tử
Trong tâm linh của dân tộc Chăm pa
Ta hiển hiện trong Tương lai, Quá khứ
Như sự giao hòa Yoni- Linga 2
 
                
                  Nguyễn Quốc Dũng
 
CÒN MÃI TÌNH XUÂN
                                                  
Nào hãy thắp lên một ngọn lửa lòng
Thiêu cháy nốt những u buồn sót lại
Để cuộc tình này hồng lên sáng mãi
Xua đông tàn dẫn tới nẻo vườn xuân
 
Em trong ta trong tinh khiết trắng ngần
Dắt díu nhau đi đường đời khó nhọc
Đã đủ chưa em vui buồn nước mắt
Bảy sắc cầu vồng nắng quái rực hoàng hôn
 
Vẫn đắm say ư trách móc dỗi hờn
Đầy vụng dại như cái thời thơ trẻ
Amh hiểu rồi em bao giờ chả thế
Cứ thảng thốt buồn - thương - giận - vu vơ...
 
Chẳng thể nào quay lại thuở ngây thơ
Nhưng vẫn đó một mối tình bỏng cháy
Ăm ắp buồn vui tháng năm còn đấy
Dào dạt bên ta hương sắc cuộc đời.
 
Xuân đã về muôn lộc biếc hoa tươi
Anh như thấy chúng mình đang trẻ lại
Tay ấm trong tay ta cùng đón đợi
Đất và người rạng rỡ một trời XUÂN.
 


 
                  Cù Thùy Loan
 
VỀ ĐI EM
                                    
 
Chị hơn em vài ba tuổi
Cùng chung chiến trường nơi đạn pháo ngày đêm
Chị gọi em
Em có gọi chị không
Xung quanh chỉ rào rào tiếng đá
Chẳng thấy em
Sương biên cương dày nặng quá
Bao năm rồi nay mới gặp nơi đây!
 
Dưới nấm mồ đã phủ kín rêu xanh
Em cùng họ hiện lên như tia chớp
Tiếng em gọi vọng về kí ức
Chiến trường xưa mờ ảo máu loang dài
 
Đất Vị Xuyên bao bọc nghĩa tình
Không nén chặt để em yên giấc ngủ
Và ở đây cũng còn bao đồng đội
Một nén nhang thơm
Một hơi thuốc chia đều
 
Chị đã trách mình không gặp em sớm hơn
Để băng vết thương
Bón cho em viên thuốc bổ
Giữa chiến trường tình người rất quí
Huống hồ chị cùng họ với em
 
Mấy chục năm rồi em có biết hay không
Đất nước hồi sinh, quê nhà đổi mới
Chỉ lòng Mẹ rêu phong thành cổ
Đợi chờ...
 
Về đi em!
Rừng ở đây rất lạnh
Về quê nhà
Nơi mộ Cha ngoảnh lên phía Bắc
Nơi Mẹ già đứng chống gậy chờ em
Về đi em!

 

 

                            

DƯ ÂM NGÀY THƠ HÀ NỘI

                                                                                                        

         Nguyễn Đình Bắc

       Mấy bữa nay, mưa xuân phủ mờ đất Kinh kỳ hoa lệ, nhưng không làm giảm đi sự phấn chấn trong lòng người dân, đặc biệt là những người yêu thơ của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Chắc các bạn cũng như tôi, cái dư âm của "Ngày thơ Hà Nội" cứ ngân vang, ngân vang mãi mãi trong lòng.

Khai hội đúng ngày 14 tháng Giêng năm Giáp Thìn, nhưng ngay từ ngày 13, từng đoàn nam thanh nữ tú của Thủ đô với những tà áo dài thướt tha, duyên dáng, với những bộ comple sang trọng và lịch lãm đã dập dìu đến hội.

Để có ngày khai hội hôm nay, ngay từ những ngày đầu tháng Chạp năm Quý Mão, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội cùng với Hội Nhà văn Hà Nội đã lao tâm khổ tứ để làm công tác tổ chức. Vào những ngày giáp Tết, thời gian như ngựa chạy, vậy mà không ít anh chị em trong Ban Tổ chức gác việc nhà để lo cho cái chung của ngày khai hội long trọng này.

Đúng 8 giờ 30 sáng ngày 14 tháng Giêng, Nghệ sỹ Nhân dân Quốc Chiêm vung dùi gióng lên hồi trống khai hội. Không gian Văn Miếu đang tĩnh lặng bỗng bừng lên một không khí hào hùng, náo nức đến ngất ngây. Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Trần Gia Thái đọc lời khai mạc. Ông tôn vinh giá trị vĩnh cửu của thơ ca trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Những đóng góp to lớn của thơ ca trong kiến hưng Văn hoá Dân tộc, trong bồi đắp tâm hồn, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Với chủ đề “Bản hoà âm đất nước” Ngày thơ Hà Nội đã thể hiện đầy đủ và phổ quát nét thanh lịch, hào hoa và trí tuệ của người đất kinh kỳ. Mở đầu là màn múa trống, múa lân, múa rồng do các Nghệ sỹ Nhà hát Tuồng Việt Nam trình diễn càng làm tăng thêm vẻ hào khí của Dân tộc  trong quá trình dựng nước và giữ nước.

b

Mặc cho màn mưa cứ phủ mờ trên nóc Thái Miếu, nhưng những dòng người vẫn lũ lượt kéo vào sân thơ. Và tiếng thơ vẫn vang lên lúc trầm hùng, lúc dịu ngọt như đưa hồn ta vào cõi mộng. Với chất giọng trầm ấm và truyền cảm, Nghệ sỹ Nhân dân Quốc Chiêm đọc bài thơ "Nguyên Tiêu" của Hồ Chủ tịch. Bài thơ như ngọn lửa thiêng thắp sáng mọi tâm hồn. Kế đến là những bài thơ đi cùng năm tháng của các nhà thơ gạo cội của các thế hệ như: Nguyễn Công Trứ với "Tây Hồ hoài cổ"; Nguyễn Bính với "Mùa Xuân"; Hữu Thỉnh với "Tiễn Xuân"; Bằng Việt với "Hoa phượng"; Vũ Quần Phương " Với thơ"; Trần Đăng Khoa với "Đầu Xuân uống trà cùng bạn"; Trần Gia Thái với "Làm xanh"; Kế đến là các nhà thơ đang còn sung mãn như Nguyên Việt Chiến, Nguyễn Thị Mai, Nguyễn Linh Khiếu cũng lần lượt đọc những bài thơ tâm đắc.

Trong lễ hội còn phải kể đến một mảng không thể thiếu đó là dòng thơ mà các nhà thơ gạo cội thường gọi là "thơ quần chúng" hay thơ "không chuyên". Đây là sáng kiến độc đáo của Hội Nhà văn Hà Nội. Nhằm tạo ra một phong trào sáng tác sâu rộng trong quần chúng, Hội Nhà văn Hà Nội đã mở cuộc thi thơ giữa các câu lạc bộ. Qua chọn lọc, kết quả có 22 tác phẩm lọt vào vòng chung kết và trong 22 tác phẩm ấy có 15 tác phẩm được trình diễn trước công chúng Thủ đô trên sân khấu lớn của "Ngày thơ Hà Nội". Và cũng không ít những bài thơ để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng yêu thơ Thủ đô. Chính mảng "thơ quần chúng" này đã đóng góp một phần không nhỏ vào dòng chảy thơ ca chung của cả nước. Cuộc thi đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả.  Và kết quả cao hai giải A, năm giải B và mười lăm giải C.

Cùng với việc thi thơ là cuộc thi trưng bày quán thơ của các CLB. Do lần đầu tổ chức nên Ban Tổ chức chỉ hạn chế có 12 quán thơ với 15 CLB tham gia được dựng trong sân Thái Miếu. Mười hai quán thơ như mười hai bông hoa rực rỡ sắc màu làm tôn vinh và đóng góp đáng kế cho "Ngày thơ Hà Nội". Về hình thái, quán được thiết kế trang nhã bằng vật liệu tre, lá rất thân thiện với môi trường và mang đậm bản sắc dân tộc, tạo nên sự hài hòa và gần gũi với không gian Văn Miếu trầm mặc, tôn nghiêm nhưng cũng rất giản dị, gắn bó với đời thường. Tại đây, mỗi quán đều có bàn trưng bày hàng trăm tác phẩm thơ văn của hội viên; Hàng nghìn tác phẩm được in trên các chất liệu như bạt, bìa, lụa với đủ sắc mầu muôn hồng ngàn tía. Mỗi quán có một phong cách khác nhau tạo nên vẻ đẹp đa chiều, và mỗi quán đều có sự độc đáo riêng. Tôi đã chứng kiến từng đoàn khách ngoại quốc ghé vào các quán. Họ chụp ảnh, họ trò chuyện giao lưu và họ tìm hiểu về con người và thơ ca Việt Nam.

Hội khép lại trong chiều mưa xuân, nhưng trong lòng mỗi người yêu thơ lại mở ra một chân trời mới, một nguồn năng lượng mới và một khát vọng mới về non sông, về đất nước và về cuộc sống thanh bình.

Và chắc bạn cũng như tôi, chia tay lễ hội hẳn không tránh khỏi một chút bâng khuâng, một chút lưu luyến và...một chút thoáng buồn... của phút chia tay Xin khép lại bài viết bằng mấy vần thơ:

Dáng chiều buồn, Văn Miếu thơ chơi vơi
Ngồi đếm thời gian, mái đầu sương tuyết.
Dòng đời lặng trôi cho lòng ai nuối tiếc
Một thuở Xuân sang, tìm bóng lá Thu vàng.
 
Dáng chiều buồn, vương Hồ Gươm mênh mang
Hội đã khép mà riêng em chẳng thấy
Trùng bước chân nghe lòng buồn đến vậy
Hẹn mùa sau, thơ lại sẽ...sum vầy.
 

Bán đảo Linh Đàm, 17 tháng Giêng năm Giáp Thìn

(26-2-2024)  


 

 

                     Nguyễn Đình Bắc
 
HUYỀN THOẠI VỀ NHỮNG DÒNG SÔNG
                                  
Chuyện kể rằng:
Nơi bắt nguồn của những dòng sông
Là nơi giao duyên giữa trời và đất
Từ thuở hồng hoang, chuyện dường như có thật
Nhưng sử xanh chưa chép lại bao giờ.
Mỗi con sông đều hiện hữu hai bờ
Là biểu tượng của tình yêu đôi lứa
Để ôm trọn dòng thương, dòng nhớ
Của cuộc tình muôn thuở chẳng phôi phai.
Chẳng hiểu vì sao, trời đất lại chia hai
Chuyện xưa lắm, chẳng còn ai nhớ nữa.
Trách tạo hóa khéo chia tình hai nửa
Để dòng trôi muôn thuở cứ cồn cào.
 
Đất nhớ trời nên đất cố vươn cao
Thành vạn lý, điệp trùng muôn ngọn núi.
Trời thương đất biến nỗi xa vời vợi
Thành bão giông, thành chớp bể mưa nguồn.
Chuyện kể rằng:
Sau mỗi độ mưa tuôn
Dù mỗi con sông chảy về mỗi ngả
Nhưng hết thảy vẫn tìm về biển cả
Để hòa chung dòng nước mắt tình yêu.
Ở quê tôi, sớm sớm, chiều chiều
Dù đục, dù trong, dòng sông vẫn chảy.
Mẹ tôi kể: cái thuở còn đi cấy
Thường soi gương, chải tóc ở ven sông.
Và mỗi khi cơn khát đến cháy lòng
Mẹ lại ra sông uống dòng nước mát
Nghiêng vành nón, mẹ tôi khe khẽ hát
Khúc giao duyên “con sít lội sông tìm”
Những chiều hè khi ngọn gió lặng im
Mẹ lại ra sông đằm mình trong nước.
Tuổi thần tiên mẹ tôi nào biết được
Những nổi nênh mang nặng mối duyên này.
Mẹ bảo rằng: nước mắt mặn và cay
Chính là “nước tình yêu” nơi biển cả
Bởi vì thế, chẳng có chi làm lạ
Mỗi cuộc đời…là cả một DÒNG SÔNG.
 
 
 
Lê Hà
 
CÁNH VÕNG XANH
                                                                               
Anh để lại cánh võng màu xanh
Trưa hè đung đưa em, gió gọi
Rừng Trường Sơn rộng dài ...em đợi
Cánh võng hai đầu - nút sẹo nhớ thương.
Đường hành quân nghe tiếng võng chòng chành
Mồ hôi thấm mơ cánh cò mẹ hát
Đất thì xót ...mùa Xuân anh đi vắng
Nơi “ngã ba bom” giặc phá Cổ thành.
Anh đi xa đã mấy mươi năm
Trong em vẫn một hình cánh võng
Bên tĩnh lặng, bên chiều nhạt nắng
Nhìn võng chao - nỗi nhớ mắc đăm đăm.
Cánh võng xanh đỡ lưng ta mỗi tuổi
Thương lỡ một thời ...mình, võng mắc trong nhau ...
 
 

2342 IMG 1260
 
Đào Thanh Cườm
 
CHỢ QUÊ
 
Chợ quê một tháng đôi lần
Ai mua, ai bán xa gần đến đây
 
Ba ngàn một mớ gừng cay
Chợ ba mươi tết chân tay lấm bùn
Tiếng mời của mẹ run run
Ướt loang một vạt mưa phùn áo nâu
 
Hồn quê chiều nhuộm sắc màu
Người gồng người đội chen nhau vội vàng
Con mua đã nặng tay mang
Tình con thương mẹ xốn xang nghẹn lời
 
Tay cầm năm chục rối bời
Loay hoay đi đổi mấy người gần xa
Mớ gừng nhổ vội vườn nhà
Mẹ mang đi bán củ già lá non
 
Tiền thừa không phải trả con
Xin mừng tuổi mẹ nỗi buồn vơi đi
Tiền thu ít ỏi mua chi ?
Mẹ ơi mẹ sắm được gì đón xuân ?
 
 
 
Nguyễn Thị Hà
 
MÙA XUÂN TRÊN ĐẤT NƯƠC AN BÌNH
                                          
Đất nước Thái hòa
đón xuân sang.
Mai khoe ngời sắc, ánh tươi vàng
Cây cảnh, xum xuê vầng  quất quả
Đào hoa Thất Thốn dáng kiêu sang
 
Mùa xuân hạnh phúc tới muôn nhà
No ấm, an lành Thắm cờ hoa
Thăng Long vươn thế trời Hà Nội
Rồng Tre dẻo, cứng vượt tầm xa
 
Xuân mới ta thêm một tuổi xuân
Chiêm ngưỡng non sông đẹp vô ngần
“Không gì quý hơn tự do, độc lập”
Bởi - Thái Bình muôn thuở an dân
 
Đón Tết, chào xuân mới Giáp Thìn
Chúc Thơ Cao Tuổi vững niềm tin
Nâng cao chất lượng Thơ ngâm, vịnh
Người yêu Thơ mãi khỏe, đẹp, xinh.


1708671130146
 
 
Lê Sỹ Thái
 
 NGÀY XUÂN BỪNG SÁNG LỜI THƠ
                                                          
Ngày Xuân trên đất Hà Thành
Giáp Thìn Văn Miếu đất lành rồng bay
Bạn thơ hội tụ về đây
Bút hoa như được đong đầy tình thơ.
 
Đất lành gợi những mộng mơ
Nguyên khí đất nước kết thơ diệu kỳ
Lời thơ bừng sáng ta đi
Thơ Ca Đất Việt Phát Huy Hiền Tài.
 
 
 
Đào Vinh Quang

TỰ HÀO VĂN HÓA VIỆT NAM 
                                                                                 
Văn Lang, Âu Lạc, Việt Nam
Bọc xưa trăm trứng giang san rạng ngời
Quê hương đất nước ta ơi
Văn hóa dân tộc biển trời bao la.
 
Ngát hương tỏa sáng thơ ca
Hát Xoan Phú Thọ dâng Cha Vua Hùng
Chầu Văn kính lễ dùng chung
Điệu Chèo Bắc Bộ vui cùng nước non.
 
Huế hò, Ví dặm sắc son
Hát then, quan họ, Tuồng còn ngân vang
Đờn ca tài tử, nhạc vàng
Cải lương, vọng cổ ta càng thêm yêu.
 
Ca Trù, múa Rối dệt thêu
Cồng Chiêng bếp lửa đỏ chiều hoàng hôn
Giao duyên Tày giữ bảo tồn
Hát xường, Mường, Thái cảm ơn núi rừng.
 
Vạn làn điệu hát vui mừng
Muôn nơi trời biển sáng bừng tương lai
Việt Nam đất nước rộng dài
Năm tư dân tộc thiên thai chung hoà.
 
Văn hóa soi sáng nước nhà
Đảng trường, dân thịnh mãi là Vinh Quang.


 
 
Nguyễn Ánh Dương
 
NGUYÊN TIÊU NHỚ BÁC
                              
Lắng nghe thơ Bác Nguyên tiêu
Lời thơ non nước bao điều thiêng liêng
“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”
 
Việt Bắc xưa yên ba thâm xứ
Nơi chiến khu bàn bạc việc quân
Trời xuân quyện ánh trăng ngân
Con thuyền lướt nhẹ sông xuân êm đềm
 
Đêm sương nơi đại ngàn hùng vĩ
Nhà thơ là chiến sĩ tiên phong
Việc quân nay đã bàn xong
Trên sông khói sóng trăng lồng buông lơi
 
Cảnh thần tiên đất trời kỳ vĩ
Hồn đượm thơ Bác tựa ông tiên
Lạc vào cổ tích thần tiên
Trăng vàng dát xuống mạn thuyền lung linh
 
Cảnh trời xuân hữu tình non nước
Tâm hồn thơ trí tuệ thanh cao
Lời thơ bình dị dạt dào
Tình yêu đất nước quyện vào thiêng liêng
 
Thuyền kháng chiến tay Người chèo lái
Cùng toàn dân trên khắp non sông
Vượt ngàn bão tố, cuồng phong
Con thuyền cách mạng chiến công ngập tràn
 
Đây Thủ đô gió ngàn lịch sử
Dấu chân Người in khắp muôn nơi
Nguyên tiêu tỏa sáng đất trời
Vần thơ của Bác rạng ngời nước non
 
Đêm nguyên tiêu lòng con xao xuyến
Nghẹn ngào lưu luyến những vần thơ
Trăng vàng chắp cánh ước mơ
Nguyên tiêu nhớ Bác, tình thơ thắm vần.

 
 
Thanh Tùng

 BẾN SÔNG TRĂNG
                            
Ban mai!
Em quẩy gánh thơ tình Ngược dốc trời đem bán
 Giữa đường gặp mưa
Trời chê:Thơ ướt không mua
 
Ban mai
Hong thơ tình dưới nắng Đem bán chợ trời
Trời bảo: Thơ khô
 
Em quẩy gánh quay về Qua bến sông trăngTình cờ:
                               Em gặp anh
Anh nói rằng; Thơ tình ai bán ai mua
Thơ tình Để tặng ! để cho !
 Cho đến mai sau cho đến bạc đầu…
 Còn nhớ mãi tên nhau !
Còn nhớ mãi Thơ tình bên bến sông trăng !
 


images (1)
 
Phùng Ngọc Mỹ
 
HỘI LÀNG 
                       
Trống chèo rộn rã sân đình
Khăn the guốc mộc một  mình  đợi ai
Mớ  ba mớ bảy chị hai
Quai thao nón đội gót hài xa xa
Trầu têm cánh phượng  hôm qua
Thức  đêm giấu mẹ, giấu cha mời người
Trầu này  hồng má đỏ môi
Người  xơi một miếng cho  tôi  bằng lòng
Say trầu cho giọng ai trong
Thỏa lòng ai đợi,  ai mong bấy  chầy
Lời ca bay bổng tầng mây
Cho người quan  họ ngất  ngây duyên  tình.
 
 
 
Nguyễn Ngọc Hải
 
                    CHÚNG MÌNH ĐI NHẶT HEO MAY
 
Chiều...
Hồ Tây.
Bước chân anh tha thẩn
Em ở đâu? Ngơ ngác đám lá vàng
Sen tàn úa, mặt hồ run rẩy sóng
Hình như, lấp ló mùa sang...
 
Quán cóc ven hồ, một vạt tóc xõa loang
Gió cõng nắng, lá vàng lên mê mải
Hoàng hôn tím cho bóng chiều hoang hoải
Thầm thĩ những lời yêu
 
Đêm.
Hồ Tây hư ảo biết bao nhiêu
Em bỗng hiện lên, dịu dàng như hơi thở
Cả Hà Nội và mùa Thu òa vỡ
Có người cúi nhặt heo may...
 
 
hinh anh me trong tho duong dai ninh binh f5ffb
 
Khuê Anh
 
MẸ TÔI
 
Mẹ tôi,
Têm giấc mơ cánh phượng
Gặp lá trầu con gái sang sông.
 
Mẹ tôi,
Đi hái hoa hồng
Gặp tiếng gọi chồng
Bay trong sương khói.
 
Mẹ tôi,
Mê nón đội trưa
Mót trong bom đạn cũng vừa quảy khoai.
Mẹ tôi,
Cười khóc với mây
Hỏi trong khói súng đâu đây bóng chồng?
 
Trời mưa bong bóng phập phồng
Mẹ tôi đan gió cánh đồng nuôi con.
 
Chiến tranh
Một thế kỷ tròn
Sóng xô gối mẹ
giấc mòn trăm năm?
 
Chín mươi
Buồn mấy áo khăn
Hỏi ai đếm hết nếp nhăn đôi bờ?
 
Nhớ quên
Đã tự bao giờ
Chỉ còn tôi khóc đến mờ lư hương.
 
Dấu chân
In đậm nẻo đường
Mênh mang mẹ giữa vô thường đời con.
 
 
 
                               
                    Thái Xuân Nguyên dịch thơ Rasul Gamzatov - Nga, (1923- 2003)
 
Nguyên tác:
ЖУРАВЛИ
Расул Гамзатович Гамзатов
 
Мне кажется порою, что солдаты,
С кровавых не пришедшие полей,
Не в землю эту полегли когда-то,
А превратились в белых журавлей.
 
Они до сей поры с времен тех дальних
Летят и подают нам голоса.
Не потому ль так часто и печально
Мы замолкаем, глядя в небеса?
 
Сегодня, предвечернею порою,
Я вижу, как в тумане журавли
Летят своим определенным строем,
Как по полям людьми они брели.
 
Они летят, свершают путь свой длинный
И выкликают чьи-то имена.
Не потому ли с кличем журавлиным
От века речь аварская сходна?
 
Летит, летит по небу клин усталый
Летит в тумане на исходе дня,
И в том строю есть промежуток малый
Быть может, это место для меня!
 
Настанет день, и с журавлиной стаей
Я поплыву в такой же сизой мгле,
Из-под небес по-птичьи окликая
Всех вас, кого оставил на земле
(Dagestan, 1968)
 
Dịch nghĩa:
 
ĐÀN SẾU
 
Đôi khi tôi nghĩ rằng, có những người lính
Họ đã không trở về từ mặt trận đẫm máu,
Vào một lúc nào đó họ không nằm trên mảnh đất này,
Mà biến thành những con sếu trắng.
 
Từ ngày đó đến bây giờ
Chúng vẫn bay và phát tiếng kêu cho chúng ta nghe.
Có phải vì thế mà chúng ta thường thấy buồn nao lòng
Khi chúng ta im lặng ngước nhìn bầu trời chăng?
 
Hôm nay, trong buổi chiều tà
Tôi thấy như có đàn sếu trong màn sương mù
Đang bay theo đội hình xác định,
Như những con người đang lê bước trên chiến trận.
 
Đàn sếu bay trên những chặng đường dài
Và gọi những tên ai đó.
Có phải chăng, tiếng sếu kêu
Giống tiếng Avar tự ngàn xưa?
 
Sếu bay theo hình mũi tên mệt mỏi trên bầu trời
Bay trong sương mù lúc cuối ngày,
Và trong đội hình đó có một khoảng trống nhỏ nhoi
Có thể là, chỗ ấy dành cho tôi!
 
Sẽ có ngày, tôi cùng đàn sếu
Bơi trong màn sương xám ấy.
Bằng tiếng sếu dưới vòm trời tôi sẽ gọi
Tất cả các bạn, những người còn lại trên trái đất này.
                     
                      Dịch thơ:
                      ĐÀN SẾU
 
Ta từng nghĩ, có những người lính trận
Từ chiến trường đẫm máu đã không về,
Không nằm lại mảnh đất đầy lửa khói
Mà hóa thành đàn sếu trắng bay đi.
 
Từ độ ấy đến bây giờ vẫn thế,
Chúng bay qua và cất tiếng gọi người,
Có phải vậy chăng mà lòng ta se sắt
Mỗi khi lặng im ngước mắt nhìn trời?
 
Và hôm nay, khi chiều tà rủ bóng
Ta lại nhìn thấy sếu giữa mù sương
Bay mải miết theo đội hình đã định
Như người lính xưa bước giữa chiến trường.
 
Sếu vẫn bay trên chặng đường bất tận
Cứ gọi hoài tên ai đó thiết tha,
Có phải chăng sếu kêu hay tiếng vọng
Tự ngàn đời như giọng xứ A-var ?
 
Theo hình mũi tên đàn sếu bay mỏi mệt
Trong màn sương mù lúc bóng chiều sa,
Giữa đội hình vẫn còn dư một chỗ,
Có lẽ là, nơi ấy để dành ta!

 

Rồi có ngày ta với đàn sếu trắng,
Trong màn sương màu xám lạnh cùng bơi,
Bằng tiếng sếu dưới vòm trời ta gọi
Tất cả những ai còn lại trên đời!


 

 

TRỞ VỀ VỚI CÁI “NÔI VĂN HÓA” TRONG  “THƠ HÀ NỘI”

                             Ghi nhanh của Phạm Ngọc Tâm Dung (trong ngày 13 tháng Giêng năm Giáp Thìn- 2024)

 

  1. Phần một

 

BUỔI ĐẦU SÂN THƠ QUẦN CHÚNG

 

   Như đã hẹn trước cùng mùa Xuân, đúng 8h 30 phút ngày 13 tháng Giêng năm Giáp Thìn, chúng tôi đã có mặt với sẵn sàng đầy đủ vật phẩm, thiết bị dựng quán thơ...và cái chính là tâm tình phấn khởi, rộn ràng được tham gia lễ hội truyền thống năm 2024 mang một cái tên đầy ý nghĩa : “Ngày thơ Hà Nội”- một nếp đẹp văn hóa truyền thống, đặc sắc trong dịp rằm tháng Giêng.

Hôm nay, không gian Hà Nội đẹp như mơ với gió nồm nam non mơn mởn và mưa xuân lất phất. Văn Miếu Quốc Tử Giám -Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam bừng lên một không khí khác thường với sân khấu lớn, và sân thơ quần chúng được thiết kế sang trọng. Vẳng đâu đây tiếng nhạc rộn ràng bài ca mùa xuân và bổng trầm tiếng đàn bầu cây nhà lá vườn vọng ra, trong vắt và mê ly nơi quán thơ Miền Cổ Tích.

Từ các ngả đường, từng nhóm các nhà thơ, các công chúng yêu thơ, các nam thanh nữ tú, các cháu học trò... như dòng thác chảy về trung tâm văn hóa của cả nước, chẳng khác gì cảnh “Ngựa xe như nước, áo quần như nêm” của lễ hội cổ xưa.

Cùng với tấp nập trẩy hội của hàng nghìn người Việt từ Thủ đô và các tỉnh thành lân cận, còn có rất nhiều người nước ngoài với đủ sắc tộc, màu da.

Thi nhân Miền Cổ Tích là một trong 12 đơn vị, vinh dự được Hội Nhà văn Hà Nội chọn tham gia.

Gian quán số 3 của chúng tôi tọa lạc nơi sân đình, quây quần cùng 11 quán của đơn vị bạn.

Ngắm nhìn “công trình kiến trúc” của quán, lòng ta xúc động xiết bao! Bởi đây chính là hình ảnh thu nhỏ của mái ấm Việt Nam bao đời, nay bỗng hồi sinh lại. Nhờ bàn tay khéo léo của những người thợ thủ công, đặc biệt là sự sắp xếp, trang hoàng cẩn thận, sang trọng và đậm chất thơ của những Người Thơ Miền Cổ Tích, mà quán thơ của chúng ta vừa mang chút hình hài cổ kính, dân dã nơi mái tranh, vách trúc hiền lành, giản dị, vừa mang vóc dáng thanh cao bay bổng,  của nghệ thuật tạo hình. Bức chính giữa nổi bật ngời ngời bởi tác phẩm hội họa, hội tụ cốt hồn nhân văn của Miền Cổ Tích do bàn tay, khối óc, tấm lòng của Họa sĩ Nhà thơ Lê Tiến Vượng sáng tạo.

Hai bên vách ngăn là trang trọng chân dung và tác phẩm thơ tiêu biểu của các Thi nhân Miền Cổ Tích.

Chủ đề chính của các tác phẩm là ca ngợi phong cảnh đẹp của mùa xuân trên quê hương, đất nước; ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp truyền thống...của người Hà Nội nói riêng và Dân tộc Việt Nam nói chung.

Đặc biệt, tọa lạc đằng trước quán thơ là một chậu đào thế rồng đang xum xuê lộc lá. Hoa của cây đào đặc biệt độc đáo này, không chỉ chào gió xuân, nắng sớm và khách sành thơ, bằng những bông hoa tươi hồng, rực rỡ của tạo hóa, cây đào còn được “nở ra” những “bông hoa thơ” đẹp hơn, sang trọng hơn và bền bỉ hơn; đó là  “Những câu thơ đi cùng năm tháng”. Chúng tôi biết: để có được “rừng hoa” lung linh lộng lẫy này, mỗi chủ nhân của nó phải trả giá bằng cả kho tích lũy vốn sống cũng như tri thức, có khi là của cả cuộc đời chắt chiu và trải nghiệm; Và nữa, nó lại được một nhóm thi nhân, yêu Miền Thơ Cổ Tích, như chính ngôi nhà của mình, mà nữ sĩ Kim Hoa từ Vương quốc Bỉ xa xôi đến Nữ sĩ Vũ Cần, Nguyễn Đình Bắc...mấy đêm trường thức trắng mà chế bản, trau chuốt, gửi tình yêu văn chương, nghệ thuật và con người vào từng nét hoa văn mà... “đẩy” những câu thơ hay chọn lọc lên tầm cao hơn của nghệ thuật trình bày, làm xúc động và nao lòng các tác giả và chiếm được khá nhiều cảm tình sâu sắc của khách thập Phương!

Cây đào thơ dịu dàng, trang nhã và xinh đẹp của chúng ta, trở thành cây cầu nối thân thiện và trí tuệ với không biết bao nhiêu tao nhân mặc khách.

Bao nhêu sự trầm trồ khen ngợi; Bao nhiêu bức hình là bấy nhiêu niềm vui lan tỏa...

Ngay trước cửa quán: một chiếc bàn giản dị nhưng mang một trọng trách to lớn, đó là những tác phẩm của các tác giả được trưng bày và bán. Nhưng điều hút hồn tao khách thơ hôm nay, chính là những vị chủ nhân của quán thơ.

Không thể nào tả hết vẻ đẹp duyên dáng của những tà áo dài đa sắc màu truyền thống của các nữ Thi nhân; những bộ trang phục lịch lãm của các nam thi sĩ.  Những lời chào, những bàn tay nắm chặt, những ánh mắt, nụ cười thay cho lời muốn trao; Những cặp kính cận, kính viễn bị hút vào những bài thơ; Tiếng xuýt xoa kèm những cái gật đầu khi “vớ” được những câu thơ vừa ý. Tôi đã quan sát, có một người đàn bà đứng lặng thật lâu trước bài thơ treo trên pano, ánh mắt chị thăm thẳm và vương đôi giọt nước. Chắc là chị đang xúc động vô vàn!

Và tôi gặp một cụ già râu tóc bạc, đang luận bàn về câu thơ hay với một nhà thơ trung niên và một em gái sinh viên Văn khoa. Sự giao thoa giữa hai, ba thế hệ như thể ba nhánh sông lớn nhỏ khác nhau, cùng gặp gỡ nơi ngã ba của dòng chảy văn chương trong ngày đại lễ. Thật đáng trọng, cảm động và thú vị biết bao!

Khách thơ thong thả tản bộ ghé vào đôi quán thơ, nghe tiếng chào mời của “cô hàng bán sách” cũng chính là một trong những tác giả của quầy sách “cây nhà lá vườn”. Chị bác sĩ xin mua vài cuốn. Và tôi đọc thấy trong mắt họ ánh lên nụ cười đẹp long lanh...

Trên quầy sách trưng bày lịch sự và tao nhã của Miền Cổ Tích, người ta đều thấy sự hiện diện của những bộ sách in đẹp, dày cộp có giá trị lớn, mang tầm quốc gia, của các vị PGS.TS. Nhà văn gạo cội, các nhà văn, nhà thơ đàn anh tên tuổi, ba tập “Thi nhân Miền Cổ Tích” là tình yêu, niềm tự hào của năm trăm thi nhân, được đặt trang trọng bề thế trên giá, còn có phần đông các tác phẩm văn xuôi, tác phẩm thơ mong mỏng, xinh xắn, nhẹ nhõm, khiêm nhường của các miền viên, đang trên đà phấn đấu, giống như những chiếc lá còn xanh, những bông hoa còn ấp nụ đợi mùa của các “Người thơ trẻ” mà tuổi đời không mấy... trẻ!

“Thị trường” sách ở đây chẳng giống bất cứ nơi nào. Sách quý được bán tùy hứng khách. Có người trả đúng giá bìa, có người thừa tiền không cần thối, có người móc túi, có bao nhiêu đưa hết bấy nhiêu, thiếu đủ không thành vấn đề. Và đôi khi chị hàng sách thay mặt tác giả kính tặng mà chỉ xin lấy một nụ cười.

Tôi cùng mấy người bạn văn đi dạo một vòng quanh “phố văn”. Tuy trang trí mỗi quán mỗi khác, nhưng bên cạnh sự trăm hồng nghìn tía kia vẫn là vẻ tuyệt đẹp của những người làm thơ và đông đảo công chúng yêu thơ trong ngày lễ hội.

 

du

  1. Phần hai:

NIỀM VUI, NIỀM HẠNH PHÚC ĐONG ĐẦY

 

         Có thể nói: hàng chục năm nay, chưa bao giờ người yêu “Ngày Thơ Việt Nam” - năm nay là “Ngày Thơ Hà Nội” tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, lại phải vất vả “trả công đắt đỏ” cho cuộc vui sum vầy với Nàng Thơ trong Tết Nguyên Tiêu rằm tháng Giêng như năm nay.

Hôm trước - 13 tháng Giêng năm GiápThìn, lễ hội khởi sắc với biết bao tưng bừng, bởi tiết Xuân mong manh, non tơ, dịu dàng, hơi đỏng đảnh mà duyên dáng. Ban sáng, đôi giọt mưa bay bay, đủ làm cho cây lá ươn ướt, mọng mọng như môi người đàn bà xuân sắc; Đủ làm mềm mái tóc bềnh bồng, tà áo dài của những “Nàng Thơ” Thủ đô nô nức hội mùa; Đủ gợi lên trong lòng ta sự xốn xang, tươi mới với niềm vui được góp phần cùng Hội Nhà văn Hà Nội, lần đầu nhập cuộc lễ hội thơ Xuân tại cái nôi văn hóa Thủ đô ta, và cũng vừa đủ để ta bồi hồi nhớ thương những khung cảnh, cốt hồn cũ xưa - nơi các bậc tiền nhân xây đắp, vun trồng; Nơi những bóng dáng thi nhân ta quen thân, trân quý đã từng lưu dấu trên Miền Thơ thiêng liêng này...

Ban trưa và chiều, sức ấm áp của đôi sợi nắng non, cũng đủ điểm chút hồng hồng cho những “khuôn trăng” của người đi hội. Bầu không gian tưng bừng như được thăng hoa...

Đêm mùa Xuân, niềm vui lan vào trong mơ. Ta chỉ muốn trời mau sáng mà về với hội...

Sáng 14 tháng Giêng, tôi trở dậy thật sớm, bởi tiếng chuông điện thoại hẹn hò reo vang của mấy Nàng Thơ Miền Cổ Tích. Ngoài tíu tít bàn công việc chung cho quán thơ “của nhà”, chúng tôi còn bàn nhau cùng mặc áo dài màu nào, để tóc kiểu gì cho “nền”, rồi điểm trang ra sao cho “xuynh” mà không chói lóa... trong ngày chính hội.

Tôi mở tung cửa sổ, đón làn gió non và đôi hạt mưa Xuân ngọt ngào, hiền dịu... “phơi phới bay” mà bụng thầm nghĩ : nhất định thời tiết hôm chính hội, đẹp giống hôm qua.

Con đường đến hội sáng nay nao nức nhường bao!

Cũng như tôi, “bà con nhà mình” ai cũng hồ hởi tay xách nách mang trở về “quán nhà”. Dù trời mưa dày hạt hơn nhưng ai cũng tay nào việc nấy. Nhà thơ Nguyễn Quang Hoàn che ô cho tôi và Đỗ Bạch Mai treo “bướm” thơ. Ừ thì tóc có và áo dài có hơi nhàu nếp một chút, nhưng mà niềm vui đã hút chặt lấy chúng tôi. Thành ra: “ướt thì mặc ướt việc làng em lo”!

Rồi giờ vàng của lễ hội đã điểm với tiếng nhạc, tiếng người dẫn chương trình vang từ sân Thái Miếu vọng sang. Sự háo hức hiện lên trong từng ánh mắt. Khỏi phải miêu tả, bạn đọc cũng tưởng tượng ra sự hoành tráng mà ban tổ chức Hội nhà văn Hà Nội, đã kỳ công thiết kế cho sân khấu chính, ghế ngồi đại biểu và khách thơ sang trọng và chu đáo như thế nào.

Nhưng, mưa cứ dần nặng hạt, gió dường như cũng vào hùa với mưa mà...lũng loạn “thị trường” thơ! Trống cứ dạo, nhạc cứ nổi, ai phát biểu cứ phát biểu, ai trình diễn cứ trình diễn, ai lắng nghe, nhiệt liệt vỗ tay cứ vỗ tay và mưa...cứ mưa!

Khách thơ càng lúc càng đông. Đông đến mức, đôi chỗ người ta phải chung nhau hai người một ghế và còn lại thì tự che ô mà đứng ven lề. Sàn hội trường nước ngập lênh láng, ì ọp và giá lạnh như thả chân vào chậu...nước đá. Gió mưa và rét! Cái bạt che mưa khổng lồ đôi khi bị cơn gió đỏng đảnh hất tung, làm cho các “túi nước” văng ra, ồ ồ tuôn xuống sân. “Phải ai, tai người nấy”!

Tuy nhiên, sự thử thách tai quái của ông giời cũng không làm giảm đi lòng nhiệt huyết của tiếng thơ, tiếng hát, điệu múa và hàng trăm tấm lòng người hâm mộ đang say sưa thưởng thức như nuốt từng lời.

Hai Thi nhân xuất sắc của Miền Cổ Tích: Nhà thơ Nguyễn Đình Bắc và Nhà thơ Lê Hà trình diễn hai tiết mục đặc sắc, trong lấp lánh hào quang sân khấu và trong sự chú ý lắng nghe, trầm trồ của độc giả!

Vì “một chốn hai nơi”, nên chúng tôi phải năng động như con thoi, khi ở hội trường lớn, lúc lại về với quán thơ nhà.

Bên sân Thái Học, người đi hội cả ta và “tây” vẫn đông đúc đội mưa rét, hồ hởi mà đi.

Quán Miền Cổ Tích khá đông khách. Phần lớn là khách quen: bạn thơ có, các đàn anh văn chương, các nhà khoa học có. Quán không rộng. Kẻ đứng người ngồi mà những câu chuyện đời, chuyện thơ, bên tách trà pha vội, cứ nổ như pháo rang, trong ánh mắt cười, yêu thân...

Mưa mặc mưa. Gió mặc gió. Áo ướt mặc áo ướt. Rét run kệ rét run. Những người thơ và khách vẫn dan tay nhau ra bên ngoài trời, bên “cây đào mắn thơ” làm tấm ảnh kỷ niệm. Ai có ô thì che ô, ai không ô thì cứ việc để...đầu trần mà...cười tươi!

Yêu đời lắm và trẻ trung lắm lắm!

Thế mới biết, người Hà Nội yêu thơ và yêu bạn nhường bao!

Sau những vụ cười tươi như hoa, và “lên hình” xinh đẹp kiêu sa...như mộng, cánh “nữ thi nhân” Miền Cổ Tích lại...co dúm lại với nhau. Chúng tôi nhường nhau ghế, nhường chiếc áo ấm cho người yếu sức hơn. Không trụ nổi nữa rồi, tôi phải gọi điện về nhà cho con tiếp tế áo ấm.

Đến phần cuối của chương trình, chúng tôi cố gắng gồng lên để chiến thắng hoàn cảnh và chiến thắng chính mình.

Lúc chúng tôi đàng hoàng và “duyên dáng”, “phong độ” bước lên lễ đài để nhận giải quán quân của Miền Cổ Tích, thì cái rét, cái mệt tan biến theo gió, theo mưa, bay về phương khác, trong chúng tôi dâng dâng niềm vui, niềm tự hào và hạnh phúc đong đầy!


Hà Nội ngay 14 tháng Giêng năm Giáp Thìn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây