NHIỀU VẤN ĐỀ NÓNG BỎNG ĐẶT RA ĐỐI VỚI VĂN HỌC DỊCH

Thứ bảy - 17/12/2022 08:35
Báo cáo tổng kết tọa đàm “Văn học dịch - Thực trạng và định hướng”
NHIỀU VẤN ĐỀ NÓNG BỎNG ĐẶT RA ĐỐI VỚI VĂN HỌC DỊCH

   BBT nhavanhanoi.vn:  Sáng ngày 16/12/2022, tại Hội trường Hội LH Văn học nghệ thuật Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm Văn học dịch - Thực trạng và định hướng .Tới dự buổi tọa đàm có các nhà văn trong BCH Hội, các Gs,Ts, nhà nghiên cứu và đông đảo các nhà văn, dịch giả thuộc CLB Văn học dịch thuộc Hội NVHN. Chúng tôi xin Giới thiệu tóm lược nội dung Tọa đàm bằng bài Báo cáo tổng kết dưới đây:

 

  Nhà văn Lê Cảnh Nhạc
  Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà văn Hà Nội
  Chủ tịch Hôị đồng Văn học dịch
 
     Trong thời gian một buổi Tọa đàm, chúng ta đã được nghe 10 tham luận cùng các ý kiến phát biểu hết sức thấu đáo, bổ ích, khoa học và trách nhiệm. Tọa đàm đã in và phát hành tập kỷ yếu khá đầy đặn, phong phú. Nội dung các tham luận và ý kiến Tọa đàm tập trung vào 4 vấn đề trọng tâm:
Vị trí, vai trò của văn học dịch những thành tựu và bất cập hiện nay
Thực trạng văn học dịch hiện nay Lực lượng dịch thuật, các tiêu chí trong dịch thuật
Định hướng nâng cao chất lượng và lựa chọn tác phẩm văn học dịch
Vấn đề dịch ngược văn học Việt Nam ra tiếng nước ngoài và phổ biến văn học Việt Nam ra thế giới.
 
      Vị trí, vai trò của văn học dịch, những thành tựu và bất cập hiện nay
     Các ý kiến tham luận và phát biểu đều nhấn mạnh sứ mạng đặc biệt của dịch thuật không chỉ trong đời sống văn học nghệ thuật mà cả trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Dịch thuật có sức mạnh trong việc đưa tinh hoa tri thức thế giới về khoa học, kỹ nghệ, kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hóa… về đất nước thông qua biên dịch những cuốn sách chuyên ngành tốt nhất ra tiếng Việt. Ông viện dẫn sự thành công của việc sử dụng sức mạnh dịch thuật trong công cuộc hiện đại hóa thành công và phát triển thành cường quốc của Nhật Bản, Hàn Quốc (Nhà văn- Dịch giả Thúy Toàn).
Dịch thuật đóng vai trò quan trọng như một thứ vũ khí trên phạm vi toàn thế giới. Nếu hoạt động ngôn ngữ có ý nghĩa đặc biệt trong việc tổ chức xã hội quốc gia thì hoạt động dịch thuật ở cấp độ quốc tế cao hơn. Dịch thuật là công việc đầu tiên của cải cách và cải cách là công việc đầu tiên của lịch sử hiện đại của Nhật Bản. tri thức muốn biến thành sức mạnh vật chất cũng phải mất tới nửa thế kỷ. Nước Nhật Bản cho thấy điều đó. Dịch thuật chính là cái cách của người tạm thời rời xa quê hương đi tìm châu báu trong lĩnh vực văn hóa tư tưởng. Dịch xuôi là đem sức mạnh của thế giới về cho chúng ta, còn dịch ngược là đưa sức mạnh của chúng ta ra thế giới (Nhà văn - dịch giả Lê Đức Mẫn).
Trên bình diện hội nhập văn hóa, dịch thuật giúp mọi người trên khắp thế giới hiểu nhau hơn, gắn kết với nhau hơn. Trên bình diện khoa học kỹ thuật, dịch thuật giúp cho khoa học kỹ thuật, quân sự và kinh tế của mỗi nước phát triển nhanh hơn (Nhà thơ – dịch giả Thái Xuân Nguyên).
Những người làm công tác dịch thuật văn học chính là các sứ giả văn hoá, một tác phẩm dịch thuật văn học đạt được các tiêu chuẩn chung mà mọi người công nhận, ấy là trình độ của dịch giả. Người dịch cần phải giỏi tiếng mẹ đẻ. dịch giả đích thực phải là nhà văn (Nhà văn – dịch giả Hà Phạm Phú).

    Thực trạng văn học dịch hiện nay, lực lượng dịch thuật, các tiêu chí trong dịch thuật
    Ngoài một số tác phẩm cổ điển được thế giới biết đến như Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du, thơ chữ Hán và chữ Nôm của nhà văn hóa Nguyễn Trãi, Nhật ký trong tù của nhà văn hóa Hồ Chí Minh…thì tác phẩm của các nhà văn chúng ta, nhất là tác phẩm đương đại, đến được bạn đọc thế giới còn quá hiếm (Nhà thơ – dịch giả Bằng Việt).
          Những năm 50, 60 thế kỷ trước các bậc trí thức VN tích cực đưa tri thức tiên tiến mới mẻ của thế giới qua con đường dịch thuật đặt nền móng cho kho tri thức dân tộc. Cuối thế kỷ 20, thập niên đầu thế kỷ 21: Các thế hệ nối tiếp đã có sự “hụt hẫng” đứng tại chỗ, tụt hậu…Do không còn bao cấp cho xuất bản sách “Kinh tế xuất bản” nên “Đầu nậu” sách xuất hiện, chạy theo thị hiếu người đọc. Sách dịch văn học ít ỏi và thiếu vắng bản dịch có chất lượng. Từ 2013 lại nay Việt Nam lại có những dấu ấn đáng kể lấp dần khoảng trống kinh nghiệm văn chương thế giới. Dịch thuật văn học của ta đã trưởng thành mặc dù bên các thành tựu lớn vẫn có những non kém. Có được những thành tựu lớn nhờ những dịch giảt có tên tuổi, dù đã cao tuổi vẫn đầy nhiệt huyết (Nhà văn- Dịch giả Thúy Toàn).
Có ba lực lượng dịch giả có thể đảm đương nhiệm vụ giới thiệu văn học Việt Nam ở nước ngoài. Đó là: Các dịch giả Việt Nam ở trong nước, các dịch giả Việt Nam hiện đang sinh sống ở nước ngoài và các dịch giả là người nước ngoài thông thạo tiếng Việt  (Nhà văn – dịch giả Lê Bá Thự)
 Nhìn lại quá trình đất nước từ sau Đổi mới 1986 đến nay lực lượng các dịch giả dịch các tác phẩm văn học Việt Nam ra tiếng nước ngoài còn lẻ tẻ, tản mát, chưa được tập hợp lại, đó là chưa kể lực lượng dịch giả các thứ tiếng còn chênh lệch nhau về số lượng dịch giả có năng lực và kỹ năng dịch ngược. Hiện tại đội ngũ dịch giả có năng lực dịch ngược tốt phần lớn tập trung ở các dịch giả các thứ tiếng phổ cập như tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản với số lượng khá đông đảo và còn khá trẻ, trong khi đó thì đội ngũ dịch giả tiếng Nga có thể dịch ngược tốt thì đã quá gìa và ngày càng ít đi; số dịch giả trẻ tiếng Nga hiện có chưa thật tích cực tham gia vào việc dịch văn học Việt Nam giới thiệu ra nước ngoài. Có thể coi đây là sự hụt hẫng trong tương lai về dịch ngược ra tiếng Nga trong lĩnh vực giới thiệu, quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, trước hết cho bạn đọc ở nước Nga và bạn đọc các nước nói tiếng Nga (PGS TS, nhà văn – dịch giả  Nguyễn Xuân Hòa).
Dịch văn học là tái tạo một cách nhuần nhuyễn nguyên tác bằng ngôn ngữ khác. Đúng với hình thức, đúng với văn phong của bản gốc. “Hay” là bản dịch tiếng Việt phải thuần Việt, phải được Việt hóa nhuần nhuyễn. Tiêu chí chọn tác phẩm văn học để chuyển ngữ là tác phẩm hay, người dịch phải thích, và cảm nhận bạn đọc cũng sẽ thích. Mỗi dịch giả văn học phải là một "người nội trợ thông thái" trong bữa tiệc văn hóa, đó là phải chọn đúng "sách sạch" (Nhà văn – dịch giả Lê Bá Thự).
Đối với dịch thơ, phải đảm bảo ba tiêu chí: “Tín”, “Đạt”, “Nhã” trong dịch văn học. “Dịch thơ” khác với “dịch nghĩa”, “dịch văn xuôi”; Cần khắc phục cả 2 khuynh hướng: Hoặc quá quan tâm “dịch đúng” mà không có chất thơ, hoặc quá quan tâm đến “dịch hay” mà thơ dịch xa rời nghĩa nguyên tác, thành thơ “phỏng tác” (Nhà văn – dịch giả Nguyễn Hữu Thăng). Cùng quan điểm Nhà văn – dịch giả Nguyễn Hữu Thăng, Nhà thơ – dịch giả Thái Xuân Nguyên cho rằng một bài thơ dịch thành công phải hội đủ ba yếu tố “Tín”, “Đạt”, “Nhã”, tức là phải chuyển tải chính xác nội dung, tư tưởng của tác phẩm; lựa chọn thể loại thơ dịch phù hợp nội dung bài thơ và tuân thủ niêm luật của thể thơ mà mình sẽ chọn dịch; câu thơ dịch phải tự nhiên, dễ hiểu, không gượng ép và càng sử dụng được những từ ngữ đẹp, đắc địa càng hay.
Nhà văn – dịch giả Lê Đăng Hoan đề cập thực tế dịch thơ tiếng Hàn Quốc sang tiếng Việt. Trong gần 30 năm qua số lượng dịch cũng chỉ khoảng hơn 130 đầu sách. Ngoài một số tác phẩm văn học cổ điển, văn học sử,  và chuyện cổ tích, còn lại phần lớn vẫn là các tác phẩm tiểu thuyết, truyện ngắn. Các tác phẩm thơ còn khiêm tốn, chủ yếu là thơ cận đại. Số lượng dịch ngày càng nhiều, nhưng chất lượng dịch chưa cao.
Nhà văn – dịch giả Nguyễn Hữu Thăng dẫn chứng về hoạt động Câu lạc bộ Thơ dịch Hội Nhà văn Hà Nội qua 25 năm hoạt động. Đây là nơi tập hợp đội ngũ những người giỏi ngoại ngữ và biết làm thơ. xu hướng “chuyên nghiệp” ngày càng cao. Hiện nay Câu lạc bộ có 30 hội viên, trong đó hơn một nửa là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội nhà văn Hà Nội và các hội nhà văn địa phương.
PGS.TS. Nguyễn Thị Oanh đề cập những hạn chế nhìn từ phương pháp chọn lựa văn bản và tạo ra dị bản mới về dịch thơ chữ Hán thời Lý-Trần-Hồ của Việt Nam. Nhiều nhà nghiên cứu vẫn sử dụng phương pháp không chọn bản nền mà tạo ra dị bản mới bằng cách lắp ghép các đoạn, các câu, các chữ mà dịch giả cho là tiêu biểu thành một bản tổng hợp. Thực tế này đã vi phạm nguyên tắc văn bản học và vô hình trung đã tạo ra một dị bản mới trong lịch sử phát triển văn bản tác phẩm khi đưa công bố.
 
        Định hướng nâng cao chất lượng và lựa chọn tác phẩm văn học dịch
      Việc tập hợp lại và nâng cao năng lực đội ngũ dịch, nhất là dịch ngược từ tiếng Việt ra các ngoại ngữ; vấn đề bức thiết phải có một cơ quan dịch thuật thường kỳ văn học Việt ra các thứ tiếng phổ cập trên thế giới; vấn đề hệ thống hóa lại các tiêu chí cần và đủ để chọn dịch các tác phẩm xứng đáng giới thiệu ra bạn bè quốc tế.
Đến giai đoạn chúng ta đã dịch xong hầu hết các tác phẩm cổ điển có hệ thống rồi, thì cần đẩy mạnh giới thiệu các tác phẩm hay hiện đại ra thế giơi nhằm giải quyết câu chuyện “xuất khẩu văn chương Việt ra khỏi lũy tre làng”. Phải tôn trọng tinh thần, ý tưởng và cảm xúc mà tác phẩm toát ra, hoàn cảnh và đặc điểm xuất xứ của tác phẩm, chứ không phải là cần dịch đúng từng chữ theo nghĩa đen. Để phát triển và nâng cao chất lượng văn học dịch. Cần thành lập một Tạp chí văn học nghệ thuật in bằng ngoại văn và tạo dựng các mối quan hệ quốc tế, tổ chức các Đoàn nhà văn đi giao lưu với bè bạn nước ngoài (Nhà thơ – dịch giả Bằng Việt)
 
Để dịch thành công các tác phẩm văn học nước ngoài, thứ nhất: giỏi ngoại ngữ, thứ hai: phải giỏi tiếng Việt, thứ ba: Có khả năng văn học và đam mê dịch thuật văn học. Người dịch phải nắm bắt được hồn cốt của tác phẩm, văn phong (giọng điệu) của tác phẩm, phông văn hóa của tác phẩm… Để có một bản dịch tốt, trước hết phải “tôn trọng nguyên tác”. “Tác giả viết những gì mình biết, còn dịch giả phải dịch tất cả những gì tác giả viết”. Nguyên tác là bất di bất dịch trong dịch thuật (Nhà văn – dịch giả Lê Bá Thự). 
Cần động viên, khuyến khích những người có trình độ ngoại ngữ tốt lại có khả năng văn học tham gia vào việc dịch văn học. Tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng dịch văn học và các cuộc thi văn học dịch. Dịch thơ từ một ngôn ngữ nào đó sang tiếng Việt cũng đòi hỏi dịch giả trước hết phải giỏi ngoại ngữ, hiểu sâu về ngữ pháp và cách nói của người dân nước ấy thì mới hiểu đúng được, đồng thời cũng phải giỏi tiếng Việt mới dịch hay được (Nhà thơ – dịch giả Thái Xuân Nguyên).
PGS.TS. Nguyễn Thị Oanh dẫn lời ông Trịnh Khắc Mạnh đề cập những hạn chế của phương pháp "tạo ra dị bản mới" trong dịch thuật khi dịch thơ chữ Hán. Việc công bố văn bản phải nghiên cứu sâu về nội dung và xác định rõ đối tượng công bố, trước khi đưa ra quyết định công bố và hình thức công bố. Khi từ ngữ trong thơ chữ Hán in trong văn bản cổ đã đã được tác giả được lựa chọn kỹ càng thì không nên thay thế bằng các từ ngữ sao chép từ các dị bản khác. Người phiên dịch cũng không phải là người làm từ điển. Phiên dịch là sự giao lưu và tiếp xúc với nền văn hóa khác trên cả hai phương diện văn hóa và ngôn ngữ.
 
      Vấn đề dịch ngược văn học Việt Nam ra tiếng nước ngoài và phổ biến văn học Việt Nam ra thế giới...
     Khi cần dịch ngược ra tiếng nước ngoài, người dịch phải hiểu biết sâu xa về cả nền văn hóa, về phong tục tập quán, lối sống của đất nước và dân tộc đã sản sinh ra nguyên bản tác phẩm cần dịch chứ không chỉ thông thạo một ngôn ngữ cần dịch. Đó là vắn đề “Ngôn ngữ sống” chứ không phải “ngôn ngữ chết” mang tính sách vở, kinh viện.
Khi lựa chọn tác phẩm văn học dịch ngược, nên chọn chủ đề nào để bạn đọc nước ngoài hiểu chúng ta hơn, yêu mến và thông cảm với dân tộc ta hơn. Cần trả lời câu hỏi: Hướng tới cái gì, xuất phát từ đâu và nhằm mục đích gì, đối tượng của nó là ai? (Nhà thơ – dịch giả Bằng Việt)
 Hiện tại đội ngũ dịch giả có năng lực dịch ngược tốt phần lớn tập trung ở các dịch giả các thứ tiếng phổ cập như tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản với số lượng khá đông đảo và còn khá trẻ, trong khi đó thì đội ngũ dịch giả tiếng Nga có thể dịch ngược tốt thì đã quá gìa và ngày càng ít đi; Số dịch giả trẻ tiếng Nga hiện có chưa thật tích cực tham gia vào việc dịch văn học Việt Nam giới thiệu ra nước ngoài. Có thể coi đây là sự hụt hẫng trong tương lai về dịch ngược ra tiếng Nga trong lĩnh vực giới thiệu, quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, trước hết cho bạn đọc ở nước Nga và bạn đọc các nước nói tiếng Nga.
- Cần xây dựng một viện dịch thuật văn học Việt Nam để quy tụ đội ngũ dịch giả tài năng, liên kết các đối tác nước ngoài để hằng năm dịch một số đầu sách văn học Việt Nam tiêu biểu và tổ chức xuất bản ở những quốc gia có ngôn ngữ phổ cập như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Tây Ban Nha, Italia, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc (PGS TS, nhà văn – dịch giả  Nguyễn Xuân Hòa)
Nhà thơ – dịch giả Thái Xuân Nguyên có chung quan điểm như vậy khi cho rằng, cần có sự kết hợp giữa dịch giả người Việt với một dịch giả hay nhà thơ của nước sử dụng ngôn ngữ mà ta muốn dịch từ tiếng Việt sang. Dịch ngược không tốt sẽ hạ thấp giá trị bài thơ của các nhà thơ Việt.
Nhà văn – dịch giả Nguyễn Hữu Thăng nhấn mạnh tầm quan trọng của dịch ngược nhưng rất cần có chuyên gia nước ngoài, Việt kiều hoặc chuyên gia thật giỏi ngoại ngữ góp ý, chỉnh sửa, tránh hiện tượng dịch ẩu, dịch máy. Hiện tượng này đã từng xuất hiện ở CLB Thơ dịch. Cần tích cực quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài thông qua dịch ngược, nhưng cũng rất cần quan hệ, khuyến khích những người nước ngoài học tập và công tác nhiều năm ở Việt Nam, Việt kiều, người bản địa tham gia dịch và thẩm định tác phẩm dịch mới có thể nâng cao chất lượng các bản dịch ra tiếng nước ngoài.
          Những nội dung được đề cập trong các tham luận và các ý kiến tọa đàm rất thấu đáo. Các nhà văn, dịch giả đã đề cập khá toàn diện, soi chiếu rất kỹ các vấn đề nêu lên trong nội dung Tọa đàm. Đã rất lâu, Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội chưa có hội thảo hay tọa đàm nào về văn học dịch. Thiết nghĩ cuộc Tọa đàm hôm nay sẽ gợi mở nhiều vấn đề không chỉ cho các dịch giả, các nhà nghiên cứu mà cả các nhà hoạch định chính sách, văn hóa, xã hội của nước ta phải suy ngẫm.

Nguồn tin: HNV

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây