Những điều hấp dẫn, thú vị trong Truyện thơ Thúy Lan

Thứ hai - 28/08/2023 14:13
(Tiếp theo kỳ trước: Mấy suy nghĩ khi đọc Truyện thơ Thúy Lan)
Những điều hấp dẫn, thú vị trong Truyện thơ Thúy Lan
                
                  Nguyễn Mạnh Hoàng
                 “Hội những người yêu thơ” tại Budapes, Hung Ga Ry.

                Như các Bạn đã biết, thời gian vừa qua đã có rất nhiều độc giả thích và say mê Truyện thơ Thuý Lan của Lê Hữu Bình. Tại sao vậy? Bởi truyện thơ hợp với thời cuộc, miêu tả được những cái đẹp đồng thời cũng chỉ ra một số thói hư tật xấu của xã hội hiện nay. Truyện thơ Thuý Lan không những hay về nội dung mà còn cả về nghệ thuật, tính nhân văn, đạo lý làm người... Truyện có phương pháp liên tưởng, đối ý, đối tình, thêm nữa, những tình tiết kỳ lạ tạo nên tính hấp dẫn, vô cùng thú vị, lôi cuốn bạn đọc. Vì lẽ đó gần đây, tên tuổi của Thuý Lan ngày càng lan tỏa, ngày càng nhiều bạn đọc biết tới, rất ngạc nhiên và tỏ ý ca ngợi.
        Thật vậy, với kho tàng ngôn ngữ đồ sộ, phong phú, tác giả đã lựa chọn, tạo bối cảnh thật sinh động, phong phú trong Truyện thơ Thúy Lan một cách rất kỳ diệu, để tác phẩm trở nên hấp dẫn nhất - Đã tái bản đến lần thứ 6.

      Chúng ta thử điểm lại:

      - Nội dung tác phẩm được thể hiện bởi bốn chủ đề lớn đó là: chính trường, thương trường, tình trường và pháp trường, ẩn đầy những tình huống bất ngờ khó lường trước trong đời sống. Tác giả từ vốn am hiểu về đạo lý làm người mà tạo dựng nhân vật chính là Thúy Lan - người con gái Việt Nam mẫu mực. Với triết lý sống phong phú, phẩm chất đạo đức cao thượng, mang tố chất của giá trị chân - thiện - mỹ.

       - Về nghệ thuật: Tác giả sử dụng một kho từ rất lớn mà khéo léo. Truyện thơ dài tới 4248 câu mà gieo vần chuẩn xác, không có câu nào thất vận, không có câu nào trùng nhau. Những câu tiểu đối về nội dung và về từ ngữ được sử dụng làm gia tăng tính thú vị với bạn đọc. Có thể khẳng định, tóm lược thành mấy ý sau:
    Phép nhân cách hóa tài tình, ẩn dụ tinh tường, sử dụng từ và ý sáng tạo với mỗi hoàn cảnh.
    Dùng các hình tượng ví von, so sánh trong nhiều trường hợp và tình huống khác nhau, rất linh hoạt, sinh động.
    Khéo lồng ghép tính giáo dục, triết lý để nâng cao giá trị thẩm mỹ.
    Xây dựng các tuyến nhân vật luôn nhất quán…

     - Tính triết học, mỹ học được tác giả sử dụng như mạch nối với mục đích là đề cao chữ TÂM xuyên suốt cả cốt truyện cho đến câu kết cuối cùng của tác phẩm:

                            Căn cùng cung bậc chin mười
                          Suy đi ngẫm lại nên người từ: Tâm.

              Để minh chứng cho những điều nêu trên, xin điểm, đăng lại một số câu thơ rất hay trong truyện thơ của Lê Hữu Bình:

                       Câu 483:
                      Phượng đường nghe nguội lửa hoa
                    Sót vương vài giọt ve xa cuối cành.

               Đoạn tả cảnh cuối hè sang thu trên đường đến khu khách sạn Chim Én ở ngoại thành Hà Nội. Câu thơ ngắn chỉ có 6 từ mà đã tả bao gồm tới 5 khung cảnh: phượng, đường, hoa, lại nói hình dung cuối hạ nên: nguội lửa, và có ai đó đang đi nên còn nghe… Câu bát vẫn ngắn gọn mà đã thấy cảnh ai đó sót và còn đọng lại là: vương. Cao hơn là đã sáng tác ra cặp từ: sót, vương thành: vài giọt, cũng là cách nhân cách hóa tới cô đọng thành giọt, thật sâu sắc mà vẫn dễ hiểu. Thêm vào kết luận: ve xa cuối cành, vẫn hợp với thời điểm cuối hè, thật là logich và khéo léo. Xế mùa, cái nóng bớt dần và mát mẻ đầu thu đang bắt đầu hiện hữu từ tiếng ve thưa nhạt, giảm dần ở những cây cỏ hoa lá thiên nhiên bên đường.

                            Câu 607:
                        Đời cho khó cưỡng Gâm cười
                       Mừng sao lại thấy rối bời lạ thay?
              Tâm trạng của Giám đốc Gâm khi được ân ái với Thúy Lan (đoạn trong truyện Thúy Lan mang ơn lớn của Gâm, đành miễn cưỡng trả nghĩa), xong thì mung lung suy nghĩ vì trước mắt là ứng xử với vợ con, với cơ quan và với dư luận? Câu bát diễn tiến theo cách nghĩ của nhân vật. Trước hoàn cảnh có thật ấy, tác giả đã tự cho phép vận dụng trong cái không may lóe ra cái may để giải quyết theo cách đặc biệt với những mừng sao, rối bời và lạ thay. Thật là khéo, tâm trạng hiện nay không ít của một số vị có chức quyền, có tiền thì hay tìm đến "cái " đẹp để ân ái, để giải toả tâm sinh lý. Sau đó thì vật vã với nghĩ suy bộn bề, nội tâm phức tạp quá chừng.
                      Câu 803:
                      Vầng dương ngà ngọc người ta
                      Đây, vành trăng vẹt, mờ xa cuối trời.

             Đoạn này, tác giả muốn so sánh sự chênh lệch vẻ đẹp của một cô gái với nhân vật chính:Thúy Lan. Hai câu thơ mang hình tượng đối nhau tạo sự so sánh khá thú vị. Chỉ cần nói hai hình tượng nhân cách hóa tương phản, người ta đã hình dung ra sự phân chia đẳng cấp, cả về sắc, cả về tâm, tính nết, và sự tỏa sáng của hai cung bậc duyên tình!?

                            Câu 2957:
                          Tới nhà sao thấy êm diu
                 Cửa nhà vẫn mở mong điều chẳng mong.
             Thúy Lan bất chợt về nhà thì thấy cửa nhà vẫn mở. Chị nghi ngờ chồng mình với Xoan người con gái trẻ, xinh đang giúp việc trong nhà… Tuy nhiên chị nghĩ vậy song lại “mong điều chẳng mong” nửa phía sau câu bát thật tinh tế, ý nhị làm sao: Mong cái mà điều chẳng mong, chính vì sợ điều bất hạnh. Một nghịch lý của câu chữ nhưng lại tạo mạch thống nhất, biện chứng trong một phạm trù tư duy lý trí. Những từ thông thường nhưng tác giả đã tạo ghép làm chúng trở nên đắt giá vô cùng.  Nếu đọc nhanh, đọc lướt, đôi khi ta chưa nhận ra hết những điều đó.
                         Câu 3047:
                        Ngấm ngầm kẻ nhiễu đứa nhương
                       Bụng mong người bị miệng thương… ra điều

              Đoạn Tổng công ty của Phi Hổ gặp sự cố gãy cầu. Bị thanh tra làm việc xét hỏi, thì không ít kẻ ở công ty bụng thì đã hờn hỉ hả, nhưng miệng lại đến hỏi thăm chia sẻ, cứ như là thương cảm lắm. Ỏ đời là thế đó!. Trong ca dao tục ngữ người ta hay nói: Bề ngoài thơn thớt miệng cười/ Mà trong nham hiểm giết người không dao. Câu 3047 đã thể hiện một hình thể khác rất phù hợp với câu chuyện, với diễn biến của thời đương đại trong các công sở, nên ai cũng dễ hiểu và biết ngay, nhiều kẻ cũng mưu mô độc ác ngấm ngầm. Cách dùng tiểu đối kẻ nhiểu, đứa nhương, rất ngắn song súc tích, hấp dẫn đã nhấn mạnh lên gấp bội, thấy cả số nhiều trong đó. Cách nhấn mạnh này rất có hiệu ứng, vì thường ai cũng hay đọc luôn là: Ngấm ngầm lắm kẻ nhiễu nhương, nhiễu nhương là một cặp tính từ láy tiếng Việt, nếu chỉ có từ  nhương thì chưa có nghĩa. Không mấy ai hiểu vì độc vận, mà đây được phân tách kẻ nhiễu, đứa nhương, thì lại dễ hiểu, nhấn mạnh thể hiện rất thơ. Rất biết chuyển hóa về sự tiểu xảo này, thật là thú vị.

               Cặp từ: ra điều chỉ 2 từ mà bao gồm nhiều ý nghĩa, khen chê, kiêu, nịnh bợ phù hợp với mở đầu câu ngấm ngầm logich. Để người nghe đọc được cả ý trong bụng, thật là phũ phàng tàn ác. Ra điều còn hơn cả ra vẻ, vì không chỉ thể hiện mà còn ẩn trong đó mưu mô, sự dối trá nguy hiểm, sẽ nói một đàng sẽ làm một nẻo. Ra điều, thì càng tỏ vẻ thâm thúy, chỉ đãi bôi mà thường tàng chứa trong tính toán của tật thói xấu, của các tiểu nhân ghen ghét, đầy hiểm ý trong bụng. Cuộc đời này các bạn ít hay nhiều đều trải qua cuộc sống cũng đã dài, các bạn từng chứng kiến có điều không nói ra. Ngoài những con người có Tâm có Tầm ra, không thiếu gì kẻ lòng lang dạ thú, khẩu phật tâm xà. Chỉ vui khi người ta bị đổ vỡ, đố kỵ thị phi khi người ta thành tài. Cơ hội, mánh khóe, lợi dụng lẫn nhau bon chen giành giật đủ điều. Cảm ơn tác giả, với câu thơ bóc trần bản chất không ít kẻ thời nay mưu mô và bất nhân bằng mọi giá. Câu thơ này còn có ý nghĩa về tính nhân văn, răn dạy mọi người hãy cảnh giác với lèo lá hai mặt của tiểu nhân.

                         Câu 4089:
                         Cũng tài bớt gói thêm lời
                         Bòn trong khố rách đãi môi quần hồng.
               Trí Thâm chửi Kim Ngân qua hai câu dẫn trên, cái loại đốn mạt (Thực chất là cặp mèo mả gà đồng cả thôi). Theo ca dao là: Bòn nơi khố rách đãi nơi quần hồng (Khố rách chỉ người nghèo- Quần hồng chỉ kẻ giàu sang bóc lột tham nhũng loại bất nhân tâm). Tuy ngắn, song súc tích, tả cái tài tiểu xảo của loại tiểu nhân được bóc ra là bớt gói thêm lời nói như rồng leo và lươn lẹo, của người muốn ăn bớt nhưng lại muốn thể hiện cái phúc của kẻ đạo đức giả. Bòn trong chỗ lam lũ đói khổ, mà "đãi" chẳng qua đút lót nịnh bợm cho tầng lớp quan tham. Oái oăm ở chỗ là cái khố rách kia thì lấy đâu thơm tho sạch sẽ để mà đãi đắp vào môi miệng kẻ quần hồng, những tên trọc phú, tham nhũng. Câu thơ vận dụng ca dao mà nâng mức cao tới cùng của sự thâm trầm trác Việt. Thực là đích đáng, chỉ cần bằng hai câu thơ mà thôi.                 
                      Câu 3543:
                          Tay viết Nhẫn, miệng nói Tâm
                  “Nhẫn Tâm” lòng ghép ra cầm thú thua.

               Thâm thúy đặc biệt khi tìm hai chữ độc đáo. Tìm kiếm được hai từ trong cả hai câu là một việc hiếm có ở thơ: Vốn dĩ chữ NHẪN và chữ TÂM luôn cao đẹp, người ta còn treo một trong hai chữ nơi trang trọng của gia đình, phòng khách rồi phòng làm việc… Thế mà hai chữ cao sang sáng loáng kia, khi ghép với nhau ở câu bát. Tay viết… miệng nói… Nhưng lòng (bụng dạ) ghép lại “Nhẫn tâm” hóa ra cực kỳ đê tiện, độc ác, thối nát còn hơn cả cầm thú. Đoạn này chỉ bản chất tên Chánh văn phòng Trí Thâm. Câu lục chỉ hắn thể hiện giả vờ, câu bát mới thực dã tâm của Y, ngay từ đầu hắn đã vậy. Rồi sau đó rắp tâm làm hại Thúy Lan, đến mức chị phải lĩnh án tử hình oan nghiệt.

                             Câu 749:
                              Người ta đồn chị giỏi cơ
                             Ém kỳ thủ ngoại, nổi cờ tay trong

      Đoạn này cô em Kim Oanh nói lại những lời nhận xét của xã hội đối với Thúy Lan về tài năng mưu lược của chị. Qúy trọng, tôn thờ chị mình như người ruột thịt . Khéo mượn lời người ta, số đông và lồng vào đó có cả niềm tự hào - thật tế nhị. Còn rất hay ở tiểu đối: Câu bát, các chữ ở hai vế tuy khác từ, nhưng lại là một, song ý thơ, càng sâu sắc, sáng giá và đúng: Ém kỳ thủ ngoại- Nổi cờ tay trong. Câu khá xuất thần và thâm ý do các chữ kỳ, cờ, thủ, tay. Thơ lục bát mà kết hợp chơi chữ được, thường thì rất khó. Đọc kỹ, mới thấy kỹ năng điêu luyện và cách dùng từ độc đáo ở câu thơ.

                                                                      *

                                                                   *    *

 

       Bạn đọc quý mến, với trên 4200 câu thơ, quả là một truyện thơ dài ở hàng đầu bây giờ, đọc mệt nhưng cuốn hút. Ở đây, chúng tôi chỉ xin trích một chút ít câu mà bản thân thấy tiện bình giải để bạn đọc hiểu thêm về tác phẩm và tác giả. Đã có thể kể đến hàng trăm bài viết và ý kiến ngợi ca Truyện thơ Thúy Lan đang được trích đoạn giới thiệu trên mạng thể hiện tấm lòng của độc giả.

    Và, còn về tác giả, ông nguyên là một Đại tá quân đội, quê ở Hoàng Học, Đông Hoàng, Đông Sơn, Thanh Hóa. Nay gia đình ông thường trú tại Hà Nội.

    Càng đọc càng yêu quý tác phẩm cũng như con người ông bởi từ một sĩ quan, một người cầm súng, yêu thơ, đã làm được điều không tưởng, và ông đã rất tâm đắc với sản phẩm tinh thần ấy - nó đang cùng sống với mình.

    Đọc truyện thơ, Nhà báo, nhà thơ, P.Gs, Ts Nguyễn Hồng Vinh - nguyên UVTW Đảng, phó Trưởng ban Ban tuyên giáo TW, Nguyên Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình Văn học nghệ thuật TW, đã nồng nhiệt chúc mừng sự lao động đầy sáng tạo của Lê Hữu Bình, ông đã làm nên trái ngọt, được bạn bè sẻ chia sâu sắc. Tôi đặc biệt xúc động và trân trọng anh, khi đọc lời kể về cuộc sống thời niên thiếu của anh và gia đình. “Đất nghèo nuôi những anh hùng”, nuôi hồn thơ đằm thắm, nhân văn, truyền lửa yêu thương tới con người và cuộc sống!...

N.M.H

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây